Trước hết về sưu tầm, phải nói ngay đến công trình đồ sộ Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945 do Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên (Văn học, H.1997). Bộ sách gồm năm tập, trên dưới 2500 trang, biên soạn rất công phu, cẩn trọng. Ngoài phần Văn tuyển là chính, có phần tiểu luận khái quát chung ở đầu, phần tiểu dẫn về tác giả ở sau, lại có bảng tra cứu theo vần tên chín mươi tác giả kèm theo tiêu đề của mấy trăm tác phẩm được trích tuyển. Quy mô khá đồ sộ, qua đây mới thấy được rất nhiều tác giả và công trình có phần lạ lẫm hầu như ít ai biết đến như Cao Văn Chánh với Mặt trận văn chương: Nội dung và hình thức. Chức vụ của nhà văn; Hoàng Duy Từ với Thiên chức của thi sĩ; Trúc Hà với Lược khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết v.v...

Cao Ba Quat

          Cao Bá Quát là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn chương Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX. Điều đáng lưu ý trong sự nghiệp thơ văn ông là ông có nhiều dịp phát biểu những quan niệm của mình về nghệ thuật, về thơ ca. Tìm hiểu những quan niệm nghệ thuật ấy là một trong những tiền đề lý luận cần thiết để từ đó tiến đến nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp thơ văn của ông.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, văn học ta đã có những thành tựu đánh dấu một bước phát triển quan trọng mà lịch sử đã ghi nhận. Nhưng trong hoàn cảnh chung, nó không tránh khỏi những hạn chế, mức độ sâu rộng, nghiêm trọng như thế nào khó mà lường hết được, cũng như không thể lường hết được những gì mà lẽ ra nó có thể đạt tới nếu không bị những vướng mắc, ràng buộc đã xảy ra trong đời sống kinh tế, xã hội chung trước đây.

  Quang truong doNhững ai từng tiếp xúc hay có quan tâm tìm hiểu khoa nghiên cứu văn học ở Nga hẳn đều có thể ghi nhận rằng lý luận văn học là một hoạt động đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống tinh thần của đất nước này. Sau những biến đổi căn bản trong xã hội, ảnh hưởng đó ít nhiều bị phai nhạt vào thập niên cuối của thế kỷ XX. Nhưng bên cạnh một số tín niệm và khái quát lý luận đã bị vượt qua, những gì thật sự là giá trị của lý luận văn học xô-viết vẫn tiếp tục được đón lấy, kế thừa và cải biến để cùng đồng hành với trí thức Nga trong thế kỷ XXI.

Phan Nhật Chiêu từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc đối với những người nghiên cứu và yêu thích văn chương. Ông là dịch giả, nhà “Nhật học”, một “cư sĩ” gắn bó với Thiền và Phật giáo, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Mấy chục năm qua đất nước chúng ta sống chủ yếu bằng đời sống chính trị. Cách mạng, chiến tranh, các sự kiện chính trị, sinh hoạt chính trị đi vào cuộc sống hàng ngày. Mọi thứ đều được đo bằng chính trị. Từ đánh giá con người đến xem xét tác phẩm, tất cả chủ yếu đều quy về lập trường, quan điểm, đôi khi cả những thứ rất xa như ăn mặc, cách sử dụng các hình thức miêu tả nghệ thuật. Người ta cũng tự nhiên biến thành con người chính trị lúc nào không biết. Trong không khí đó vấn đề văn nghệ và chính trị, hay nói đúng hơn, chính trị và văn nghệ, trở thành vấn đề cơ bản nhất của lý luận, thành nội dung chủ yếu của sáng tác nghệ thuật. Do tầm quan trọng của nó, vấn đề chính trị và văn nghệ trở nên một đề tài có cái gì như là hơi "thiêng", và vì vậy ít người dám bàn hoặc giả có bàn thì cũng chỉ nói một cách kính cẩn. Mà trong khoa học đã cung kính như thế thì khó có thể có ý kiến gì cho mới mẻ, sáng tạo.

[Image]

 

Nhà văn Đặng Tiến định cư và lập nghiệp ở châu Âu từ giữa những năm 1960, nhưng vẫn có mặt trong đời sống văn học miền Nam với những bài phê bình thơ cổ điển và hiện đại thường xuất hiện trên các tạp chí thời đó. Năm 1972, tập tiểu luận đầu tay của ông nhan đề Vũ trụ thơ được xuất bản ở Sài Gòn. Hơn một phần ba thế kỷ sau đó ông không hề in sách, dù sự theo dõi và quan tâm không lúc nào ngưng nghỉ của ông đối với văn học dân tộc luôn được ghi dấu trong những bài viết tài hoa trên các phương tiện truyền thông, gần gũi với chúng ta là các báo Văn nghệ, Thanh niên, Đất Quảng, Sông Trà

Hoai ThanhLịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX không thể không nhắc đến Hoài Thanh. Người ta nhắc đến ông không phải vì ông đã từng giữ những trọng trách quan trọng trong giới văn nghệ. Người ta nhắc đến ông cũng không chỉ vì hồi nào ông đã góp phần làm cho văn đàn sôi động hẳn lên vì cuộc tranh luận “nghệ thuật vì nghệ thuật”. Người ta nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn, một nhà phê bình văn học, một tri âm của thi nhân, một tri âm của thơ ca. Mà quả đúng như vậy, những gì ông viết cách đây ngót nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị. Những gì ông viết về Thơ mới vẫn chưa ai vượt qua. Chúng ta cảm ơn ông, cả phong trào Thơ mới biết ơn ông. Nếu phong trào Thơ mới ra đời vào năm 1932, thì chỉ 10 năm sau đó (1942) ông đã làm công việc của một người tổng kết. Và lạ lùng thay những tổng kết có tính chất tức thời của ông cho đến bây giờ vẫn nguyên vẹn ý nghĩa của nó.

1.  Tình hình dạy và học môn lý luận văn học trong trường đại học hiện nay:

Từ những năm 60 thế kỷ trước đến nay, dưới nhà trường xã hội chủ nghĩa, môn lý luận văn học (LLVH) vẫn được xem là môn học quan trọng không chỉ đối với sinh viên ngành ngữ văn mà cả các ngành có liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Môn này thường được phân bổ đều từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, bao gồm các học phần cơ sở và các học phần chuyên đề. Riêng các học phần cơ sở, việc phân bổ giờ dạy ở các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm khác nhau trong khoảng từ 105 tiết đến 150 tiết. Từ năm học 2005, chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 01 ngày 12-01-2005 quy định số giờ dạy môn cơ sở LLVH thống nhất cho tất cả các trường là 135 tiết. Đối với sinh viên chuyên ngành văn học, môn này từ trước đến nay vẫn là một trong hai môn thi tốt nghiệp, điều đó càng nói lên tầm quan trọng của nó.

Trong các bộ giáo trình LLVH được biên soạn vào những thập niên cuối thế kỷ trước, cấu trúc của chương trình LLVH thường bao gồm các phần: 1) Nguyên lý chung (còn gọi là Nguyên lý tổng quát hay Cơ sở lý luận chung); 2) Tác phẩm văn học; 3) Loại thể văn học; 4) Phương pháp sáng tác và trào lưu văn học (có sách thêm Trường phái văn học). Ở một số giáo trình, phần 2 và 3 được gộp chung, xem loại thể như một phương diện cấu thành của tác phẩm. Cũng có giáo trình cơ cấu thêm phần Phương pháp luận nghiên cứu văn học, nhằm bổ sung kiến thức cho sinh viên, tuy đây là một bộ môn ngày càng trở nên độc lập so với LLVH.

Trong bộ chương trình khung nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn LLVH bao gồm 3 phần: 1) Nguyên lý LLVH (45 tiết); 2) Tác phẩm văn học và loại thể văn học (60 tiết); 3) Tiến trình văn học (30 tiết). Ở đây những người soạn chương trình tránh dùng, như tiêu đề của một học phần, khái niệm Phương pháp sáng tác (hay Phương pháp nghệ thuật) vốn ra đời vào những năm 30 thế kỷ trước cùng lúc với khái niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; thay vào đó bằng khái niệm Tiến trình văn học có nội hàm rộng hơn, vốn cũng là một “đặc sản” ít nhiều được thử thách của LLVH xô-viết mà cho đến nay vẫn được sử dụng trong những bộ LLVH xuất bản ở Nga đầu thế kỷ XXI [1].

Hiện nay trong các trường đại học ở nước ta đang lưu hành khoảng 10 giáo trình LLVH, bao gồm những bộ được dịch từ tiếng Nga, những bộ của các tác giả trong nuớc biên soạn hai thập niên trước nay được tái bản và những bộ mới xuất bản những năm đầu thế kỷ này. Mỗi bộ giáo trình đều có những thế mạnh và ưu điểm riêng, vì vậy các giảng viên thường giới thiệu một danh mục sách tham khảo cho sinh viên học tập môn này. Theo sự khảo sát chưa đầy đủ của chúng tôi, được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trong sinh viên các trường là bộ LLVH của Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình. Bộ này được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành lần đầu những năm 1986-1988 gồm 3 tập và đã được tái bản 2 lần dưới hình thức một tập khổ lớn dày hơn 700 trang. Công trình này đã kế thừa hai bộ Cơ sở LLVH khá phổ biến trước đây của các tác giả thuộc bộ môn LLVH các trường đại học ở Hà Nội và Vinh: một do NXB Giáo dục (4 tập, 1970-1971), một do NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp (3 tập, 1980-1983). Được biên soạn ngay “đêm trước” thời kỳ đổi mới, nên bộ sách nói trên phần nào tránh được những hạn chế của những công trình mà nó chịu ơn, đồng thời đã bổ sung vào nội dung giảng dạy những vấn đề có ý nghĩa khoa học như tư tưởng LLVH cổ ở phương Đông và Việt Nam, tính quốc tế và tính nhân loại của văn học, nhà văn và quá trình sáng tác, bạn đọc và tiếp nhận văn học…

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn LLVH trên thế giới cũng như trước nhu cầu của một công chúng ngày càng nâng cao về kiến văn và trình độ, chính tác giả của các bộ sách công phu và dày dặn nói trên cũng thấy cần phải viết lại giáo trình về lĩnh vực này với những điều chỉnh và bổ sung hợp lý. Nỗ lực đó được ghi nhận qua hai công trình mới xuất bản gần đây cùng do NXB Đại học Sư phạm: Lý luận văn học (Tập I: Văn học, nhà văn, bạn đọc) do Phương Lựu chủ biên (2002) và Giáo trình lý luận văn học (Tập I: Bản chất và đặc trưng văn học) do Trần Đình Sử chủ biên (2004). Một dành cho sinh viên đại học, một dành cho sinh viên cao đẳng, cả hai cuốn này đều có phần câu hỏi hướng dẫn ôn tập ở cuối mỗi chương, riêng cuốn thứ hai còn bổ sung phần trích yếu tư liệu và thư mục tham khảo cho từng vấn đề.

So với các học phần lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, việc dạy và học môn LLVH có những đặc điểm và yêu cầu riêng của nó. Có lẽ sau môn triết học và mỹ học, thì đây là môn học có sức khái quát và trừu tượng hơn cả. Sinh viên ngữ văn hiện nay, một mặt do cái nền học vấn các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường trung học có chiều hướng sa sút, mặt khác do được tuyển vào ngày càng đông, nhất là ở các đại học dân lập, nên trình độ tiếp thu không đồng đều, yếu về tư duy khái quát, về tinh thần và phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Đa số sinh viên học LLVH như một món nợ phải trả cho nhà trường, thầy dạy gì thì học nấy, ít chịu đọc thêm sách tiếng Việt chứ chưa nói sách tiếng nước ngoài. Đó là một sự thực.

Nhưng còn một sự thực khác: trong từng lớp học, bao giờ cũng có khoảng 10% sinh viên yêu thích môn LLVH. Họ quan tâm đến những vấn đề trừu tượng; họ có tiếng Anh để có thể dịch những đoạn văn lý luận, phê bình mà thầy giáo giao cho, có thể vào các trang web để tìm các tài liệu mà thầy giáo không cung cấp; họ cũng mạnh dạn đặt lại các vấn đề mà thầy giáo khẳng định nếu được khuyến khích trong một không khí cởi mở của lớp học. Việc dạy LLVH cần phải hướng đến những sinh viên xuất sắc đó, phát hiện ra họ và từ họ mà tác động đến cái đa số thầm lặng và trì trệ kia. Ở trường chúng tôi, những sinh viên trong lớp cử nhân tài năng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc này: họ cung cấp cho thầy giáo những tài liệu mà thầy không có điều kiện cập nhật, bài thuyết trình của họ được sao chụp cho cả lớp cùng đọc trở thành kiến thức bổ sung cho bài giảng, những ý kiến thắc mắc của họ khiến thầy giáo phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về bài giảng của mình cho năm học tới…

Đánh giá hoạt động LLVH hiện nay, một nhận định được nhiều người chia sẻ là LLVH chậm trễ, nếu không muốn nói là tụt hậu, so với sáng tác. LLVH không những không định hướng được cho sáng tác mà còn tỏ ra lúng túng, thậm chí bất lực trong việc lý giải, tổng kết và rút ra quy luật từ những hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống văn học. Nhận định này chắc chắn có cơ sở khách quan của nó.

Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn nhìn thực trạng từ một góc độ khác. Đó là nên chăng, chúng ta không chỉ đặt vấn đề về sự chậm trễ của LLVH so với sáng tác mà còn – và có lẽ quan trọng hơn – là đặt vấn đề LLVH chậm trễ so với chính nó, nghĩa là so với những yêu cầu đặt ra cho nó như một bộ môn khoa học, vừa quan hệ với sáng tác, mà cũng vừa độc lập so với sáng tác. Không có sáng tác hay thì khó có lý luận - phê bình sâu sắc, điều đó không sai. Nhưng trong điều kiện tương tác của những yếu tố văn hóa giữa một thế giới hội nhập như hiện nay, một nền văn học chưa có nhiều sáng tác độc đáo vẫn có thể thụ hưởng những thành tựu lý luận sâu sắc.

Vả chăng, chúng ta cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định rằng hiện nay ở nước ta, về sáng tác, có những nhà văn đi tiên phong, còn về lý luận thì các nhà khoa học lại giẫm chân tại chỗ. Theo thiển ý, nói một cách công bằng, thì cả sự "tiên phong" lẫn sự "chậm trễ" đều có mặt ở cả hai giới sáng tác và lý luận - phê bình.

Chính vì vậy, chúng tôi trộm nghĩ rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nên xem thực tiễn sáng tác là chuẩn mực và trình độ để lý luận và phê bình soi chiếu hay vươn tới. Nói lý luận gắn liền với thực tiễn, cần hiểu đó là thực tiễn đời sống nói chung, trong đó có thực tiễn văn học, mà một trong những nhân tố quan trọng là công chúng. Công chúng hiện nay đang cần được thụ hưởng những tinh hoa không chỉ trên bình diện sáng tác mà cả trên bình diện lý luận - phê bình. Đến lượt nó, LLVH tác động vào thực tiễn không chỉ qua trung gian của người sáng tác mà còn qua nhiều mối quan hệ phức tạp với công chúng nói chung. Nâng cao trình độ cảm thụ, thị hiếu và phán đoán thẩm mỹ của công chúng cũng là một cách tác động tích cực vào thực tiễn.

Trong chiều tác động ngược lại, vai trò của người đọc đối với sự phát triển của LLVH tuy không trực tiếp như đối với sự phát triển của sáng tác, nhưng cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một điều kiện và môi trường công chúng nào đó, LLVH có đẳng cấp cao sẽ trở nên lạc lõng. LLVH thiếu bản lĩnh sẽ chiều theo lỗ tai của một công chúng nông nổi, hời hợt. Vì vậy lỗi để xảy ra tình trạng chậm trễ về LLVH hiện nay có một phần thuộc về bạn đọc. Sở dĩ còn tồn tại một loại lý luận - phê bình văn học gàn dở, thô lậu là vì có một bộ phận bạn đọc ưa thích loại lý luận - phê bình đó và có một số ít tờ báo, nhà xuất bản làm bà đỡ cho nó để "phục vụ" số bạn đọc kia.

Chưa có điều kiện làm một cuộc điều tra xã hội học, với sự ghi nhận còn chủ quan của mình, chúng tôi thấy rằng tỉ lệ người đọc sách LLVH đông nhất hiện nay không phải là những nhà sáng tác mà là sinh viên các ngành ngữ văn và văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, nâng cao chất lượng dạy và học LLVH ở các trường đại học là một điều kiện, một nhân tố quan trọng để nâng cao tính tích cực xã hội của LLVH. Những người sinh viên được đào tạo căn cơ, bài bản về LLVH sẽ góp phần sửa chữa những khiếm khuyết trong tiếp nhận văn học hiện nay và hình thành một công chúng lý tưởng cho đời sống văn học. Họ không chỉ là người đọc sách mà còn là độc giả văn học, để mượn cách phân biệt của P. Vjazemski. Đầu tư tâm huyết, tài năng, trí tuệ và công sức cho việc biên soạn và giảng dạy LLVH ở đại học là một kênh đầu tư có hiệu quả để tác động đến sự đổi mới toàn bộ cơ thể văn học của chúng ta.

Trong tinh thần đó, chúng tôi xin nêu mấy đề nghị cải tiến về nội dung, cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy và việc biên soạn giáo trình LLVH ở đại học.

2.  Mấy đề nghị cải tiến việc giảng dạy môn lý luận văn học trong trường đại học:

          Trước hết chúng tôi muốn khẳng định rằng phương châm mà chúng tôi coi trọng là "kế thừa gắn liền với đổi mới, kế thừa để đổi mới có hiệu quả và đổi mới để kế thừa trong sáng tạo". Tôi nói điều này mà không sợ bị hiểu nhầm mình chẳng qua chỉ là một "kẻ chuyên rào đón trước", vì thực sự đây là nói về LLVH trong nhà trường mà thực tiễn đã chứng minh rằng những gì gắn liền với lĩnh vực giáo dục nếu kế thừa thuần tuý hoặc đổi mới thuần tuý thì chỉ có thất bại mà thôi.

2.1. Về nội dung giảng dạy và cấu trúc chương trình:

Đối với những vấn đề cơ bản của văn học, theo chúng tôi, giáo trình LLVH nên tập trung vào bốn chủ điểm là văn học và xã hội, văn học và văn hóa, văn học và cái đẹp, văn học và ngôn ngữ. Đó cũng là các mối quan hệ thiết thân của văn học từ rộng đến hẹp, và giải quyết các mối quan hệ này, sẽ đồng thời giải quyết vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học.

Ở vấn đề thứ nhất, chúng ta có thế mạnh là truyền thống văn học dân tộc và ảnh hưởng của LLVH mác-xít từ ngoại sinh đã trở thành nội sinh. Chúng ta có một loạt các luận chứng về chức năng xã hội của văn học và trách nhiệm xã hội của nhà văn từ các nhà kinh điển, các nhà lý luận mác-xít và các nhà văn hóa tiến bộ. Chúng tôi quan niệm rằng, đối với một giáo trình cơ bản cho sinh viên Việt Nam, thì điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh chưa phải là vấn đề hình thức ngôn từ mà là tinh thần xã hội của văn học. Tuy nhiên, một số phương diện của vấn đề này trước đây được lý giải có phần xác quyết quá, nay có lẽ không có sức thuyết phục nữa: nguồn gốc lao động của văn học, thế giới quan và sáng tác… Trong phần này, giáo trình cũng có thể gắn văn học với cuộc sống nóng bỏng của thế giới hiện đại qua các vấn đề nữ quyền, bảo vệ môi trường, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc…

Vấn đề thứ hai lưu ý chúng ta đặt văn học trong bối cảnh văn hóa của dân tộc và của khu vực. Không thể hiểu thế giới nghệ thuật ngôn từ, nếu không nắm vững những đặc điểm văn hóa bản địa của một dân tộc cùng sự giao thoa, tiếp biến và dung hợp văn hóa trong lịch sử. Ở đây, chúng ta cũng có thể thấy được mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, đạo đức, phong tục, tập quán… mà ảnh hưởng của nó vừa tạo ra những tác động thuận chiều, vừa gây nên những phản ứng nghịch chiều trong nghê thuật. Cần nhấn mạnh tính khoan dung văn hóa trong văn học dân gian và văn học cổ điển Việt Nam.

         Ở vấn đề thứ ba, văn học được xem xét như một hoạt động thẩm mỹ bên cạnh các loại hình nghệ thuật khác. Cùng với các hoạt động nghệ thuật, văn học góp phần khám phá và sáng tạo ra những giá trị theo quy luật của cái đẹp. Đặt văn học trong hệ thống các loại hình nghệ thuật, chúng ta càng nhận ra đặc trưng của nó. Về vấn đề này, chúng ta có thể tiếp thu từ các giáo trình văn học của Nga xuất bản mấy thập niên qua và cũng không xa lạ với các giáo trình của ta trong thời kỳ Đổi mới.

Vấn đề thứ tư sẽ nâng cao tính hiện đại của LLVH: ở đây ta có thể viện dẫn đến nhiều luận điểm của các nhà ngôn ngữ học, phong cách học và thi pháp học để làm rõ đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ. Việc giới thiệu F. de Saussure, R. Jakobson, các trường phái hình thức luận, cấu trúc luận được đẩy mạnh trong những năm gần đây là điều kiện thuận lợi để triển khai vấn đề này, tuy đã được đề cập trong các giáo trình trước, nhưng cần được nhận thức sâu hơn trong người dạy và người học [2].

         Về nghề văn, các giáo trình hiện nay của chúng ta đã đi sâu làm rõ nhà văn như là chủ thể sáng tạo văn học, các khái niệm cá tính sáng tạo, phong cách, tâm lý sáng tạo văn học và lao động của nhà văn. Ở một phía khác, các chuyên gia về mỹ học tiếp nhận ở nước ta tuy ít nhưng có thực học đã giúp ích rất nhiều cho việc biên soạn và giảng dạy phần lý luận về người đọc.

        Theo chúng tôi, phần đổi mới rõ nhất trong giáo trình LLVH hiện nay là phần viết về tác phẩm văn học như một cấu trúc nghệ thuật trong tính chỉnh thể của nó. Đó là nhờ học tập những thành tựu của thi pháp học, tự sự học… Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nên cân nhắc khi vận dụng một số khái niệm không có ý nghĩa phổ biến trong việc phân tích tác phẩm. Chẳng hạn, khái niệm "quan niệm nghệ thuật về con người", trong tiếng Việt, dễ gây nhầm lẫn với khái niệm "quan điểm nghệ thuật". Trong tinh thần của M. Bakhtin, có lẽ khái niệm này chỉ nên vận dụng vào tác phẩm của những nhà văn lớn như F. Rabelais, F. Dostoievski… Gần đây, ở ta, có một số nhà nghiên cứu lại sử dụng khái niệm này theo hàm nghĩa của khái niệm "điểm nhìn nghệ thuật" (point of view) như điểm xuất phát từ vị trí của người trần thuật trong tương quan với nhân vật vốn chỉ liên quan đến văn xuôi hư cấu mà thôi. Vậy mà hiện nay trong nhiều công trình nghiên cứu, nhất là trong các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, khái niệm này được áp dụng đại trà cho các nhà văn – lớn cũng như trung bình, và tác phẩm – văn xuôi cũng như thơ.

Theo sự cảm nhận của một số đồng nghiệp cũng như của bản thân chúng tôi, phần gây khó khăn và lúng túng nhất hiện nay là "Tiến trình văn học". Như trên đã nói, thuật ngữ này được khai sinh từ lý luận văn học Nga và việc luận giải cũng chưa thật rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, ta có thể đặt tên phần này là "Các khuynh hướng và trào lưu văn học" (hay "Các hệ thống nghệ thuật" như cách dùng của I. Volkov). Nhưng điều đáng nói hơn cả là không thể chỉ dạy các trào lưu cổ điển, lãng mạn, hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa như những năm 70 về trước, mà cũng không thể đưa các trào lưu khác vào chung "các loại chủ nghĩa hiện đại" để tiện phê phán như những năm 80 về sau. Theo thiển ý, sinh viên cần được tìm hiểu một cách khách quan các trào lưu đã để lại dấu ấn trong tiến trình văn học, như những hiện tượng lịch sử có tính quy luật.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ giáo trình LLVH nên dành một chương về nghiên cứu và phê bình văn học, trong đó xác định đối tượng và nhiệm vụ các bộ môn hợp thành của khoa nghiên cứu văn học [3].

2.2. Về phương pháp giảng dạy và việc biên soạn giáo trình:

Trong việc giảng dạy LLVH, theo chúng tôi, bên cạnh việc đúc kết những thành tựu lý luận theo một hệ thống nhất quán, cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với các trường phái lý luận cụ thể thông qua việc đọc văn bản của những người sáng lập. Vì vậy, trong các giáo trình, nên có phần phụ lục in lại những trang văn tiêu biểu từ các lý thuyết văn học trên thế giới được dịch sang tiếng Việt. Tất nhiên, càng nên khuyến khích sinh viên đọc trực tiếp các lý thuyết từ nguyên bản. Và như vậy, người thầy giáo chỉ định hướng mà không thay thế sinh viên trong việc khám phá những tư tưởng lý luận của các học giả nổi tiếng.

         Khi viết giáo trình, ta thường đi theo phương pháp diễn dịch; nhưng khi dạy học lại nên theo phương pháp quy nạp. Người dạy học có thể xuất phát từ những hiện tượng văn học cụ thể để dẫn sinh viên đi đến những khái quát lý thuyết. Nhiều sách lý luận ở nước ngoài thường gắn một vấn đề lý luận văn học với một trích đoạn tác phẩm, từ đó phân tích để rút ra những kết luận tương ứng. Ngay khi dùng phương pháp diễn dịch, thì các thí dụ minh họa cũng nên đa dạng và thật sự tiêu biểu, không nên chỉ xoay quanh vài ba nền văn học hoặc vài ba trào lưu văn học mà thôi. Thiết nghĩ, trước khi bắt tay viết một giáo án hay giáo trình LLVH, bên cạnh đề cương cấu trúc và các luận điểm, cần có một đề cương các tác phẩm được phân tích để dẫn chứng.

Tính đến tình trạng tiếp thu không đều của sinh viên hiện nay, việc trình bày trong sách và trên lớp các vấn đề lý luận văn học cần thật khúc chiết, mạch lạc, tránh rườm và rối. Giáo trình khác sách chuyên khảo, không phải vì nó giản lược hơn mà vì nó cơ bản hơn. Chúng tôi quan niệm rằng thà cho sinh viên hiểu một số vấn đề cơ bản thôi mà hiểu cặn kẽ, "đến đầu đến đũa", còn hơn là cái gì cũng biết mà biết không tới nơi tới chốn. Về mặt kỹ thuật, các phương tiện giảng dạy hiện đại như overhead, projector không thể là điều xa lạ đối với người dạy lý luận. Chúng ta cũng nên tham khảo cách viết giáo trình mang tính thực tiễn cao của một số trường đại học nước ngoài: có lược thuật nội dung ở đầu mỗi chương, có tóm tắt đóng khung ở cuối mỗi chương, có những định nghĩa được in đậm, có sơ đồ và hình ảnh minh họa, có câu hỏi và thư mục vắn tắt cho từng phần, có phụ lục giải thích các thuật ngữ và chỉ dẫn chi tiết về tác gia và tác phẩm ở cuối sách. Bộ sách dành cho sinh viên của nhà xuất bản Ellipses (Paris) là một dẫn chứng.

Có nên tổ chức thi viết giáo trình LLVH như đề nghị của một số người nêu ra gần đây? Nước ta đã có nhiều cuộc thi văn học, có lẽ không nên thêm một cuộc thi nữa. Nhưng cần khuyến khích từng cơ sở đào tạo hay một nhóm giảng viên liên trường hợp tác biên soạn các bộ giáo trình khác nhau: có bộ lớn gồm nhiều tập, thực hiện trong nhiều năm; có bộ tinh giản nhưng cập nhật[4], để phổ biến rộng rãi cho cả giáo viên, sinh viên đại học và cao đẳng. Sau khi đã có một số giáo trình ra đời, cần có một hội đồng thẩm định và đánh giá để chọn được vài ba giáo trình chất lượng nhất dùng làm sách giáo khoa chính thức hay khuyến cáo các trường sử dụng. Chúng ta còn nghèo, không thể phân tán sức lực và thời gian. Hình như việc biên soạn giáo trình theo một vài dự án gần đây không được thông báo công khai để thu hút các chuyên gia, mà chỉ là việc riêng của một số người có quan hệ tốt với cơ quan chủ quản mà thôi.

3. Kết luận:

Sự phát triển của LLVH, trong một chừng mực nào đó, có thể được xem là thước đo sự phát triển của đời sống văn hóa và trình độ tư tưởng của xã hội nói chung. So sánh những giáo trình LLVH trong nhà trường nước ta hiện nay với các nước tiên tiến sẽ cho thấy chúng ta đang ở trình độ nào. Sinh viên khoa Văn các trường đại học của ta, sau khi tốt nghiệp, muốn theo đuổi chương trình sau đại học về LLVH ở nước ngoài có thể sẽ phải học lại và học thêm rất nhiều thứ, không chỉ ở Pháp, Mỹ mà cả ở Nga, Trung Quốc là những nước gần gũi với ta trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc hiện nay lại giới thiệu nhiều lý thuyết văn học, kể cả trong nhà trường, trong khi vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của tư tưởng mác-xít. Là vì chỉ có một không khí cởi mở như vậy mới tạo điều kiện cho những tìm tòi trong xã hội, mới nâng cao trình độ công chúng lên, mới làm phong phú đời sống tinh thần của đất nước, mới góp phần cho sự xuất hiện của những Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca…

Do những hoàn cảnh khắc nghiệt của lịch sử, chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội để tạo ra những bước tiến trong công việc nghiên cứu LLVH ở nước ta. Năm 1975 khi đất nước thống nhất là một dịp tốt để chúng ta làm phong phú đời sống lý luận và văn hóa nói chung, nhưng rồi cấm vận, chiến tranh biên giới… khiến chúng ta không kịp sửa đổi những nhược điểm của nền lý luận thời chiến. Năm 1986 lại là một dịp may nữa, nhưng sự nghiệp đổi mới đã chưa phát triển được như chúng ta mong muốn. Giờ đây, bước qua thế kỷ 21 rồi, trong khi tiếp xúc với một thế giới đa dạng, nhiều nguồn thông tin phong phú qua sách báo, internet, chúng ta không thể theo đuổi một nền lý luận phong bế. Nói gì thì nói, trong vài ba thập niên nữa, nếu không khắc phục tình trạng chậm trễ của lý luận - phê bình văn học thời kỳ này, các thế hệ sau sẽ trách cứ chúng ta và lúc đó chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được nữa.

Những người thầy giáo dạy LLVH còn hạn chế về năng lực như chúng tôi không có tham vọng làm một điều gì to tát để nâng cao mặt bằng lý luận, mà chỉ có thể chuẩn bị cho những hạt mầm khi được gieo xuống sẽ có điều kiện thuận lợi để mọc thành cây xanh. Chúng tôi mong được ủng hộ để thực hiện điều tâm nguyện chính đáng của mình.

 

 

 

Tham luận tại Hội thảo “Lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc”,

Hà Nội, tháng 3-2006.

Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4, tháng 4-2006.

 



[1] Trong bộ sách Teorija literatury (4 tập), do Yu. Borev chủ biên ( NXB IMLI RAN, Moskva, 2001-2005), tập IV lấy tên là Tiến trình văn học, nhưng trong tập I (Văn học), sau các chương Nhập môn lý luận văn học, Thế giới thi ca, Tính siêu nghệ thuật của văn học, Các phương pháp và phong cách văn học, Ngôn từ nghệ thuật là chương Về khái niệm phương pháp sáng tác. Trong Teorija literatury của V. E. Khalizev (NXB Đại học, Moskva, 1999), tác giả vẫn dùng khái niệm tiến trình văn học, nhưng đặt tên chương cuối là Các quy luật phát triển của văn học.

 

[2] Sách Nguyên lý văn học của Đồng Học Văn và Trương Vĩnh Cương (NXB Đại học Bắc Kinh, 2001) dành hẳn một chương cho vấn đề Văn bản văn học và giải mã văn bản.

 

[3] Chương này có thể tiếp thu kinh nghiệm từ các sách Lược khảo văn học (Tập 3: Nghiên cứu và phê bình văn học )của Nguyễn Văn Trung (NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1968); Theory of literature của R. Wellek và A. Warren (NXB Penguin Books, 1956); Théorie de la litérature do A. Kibédi Varga chủ biên (NXB Picard, Paris, 1981).

 

[4] Tương tự như các sách Literary Theory. A very short introduction của Jonathan Culler (Oxford University Press, 1997); Literary Theory. An introduction của Terry Eagleton (The University of Minnesota Press, 2001); Beginning Theory. An introduction to literary and cultural theory của Peter Barry (Manchester University Press, 2002).

 

Năm 1948, nhân bàn đến phê bình luận chiến, trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đồng chí Trường Chinh có nêu lên rằng : "Không có phê bình, không có luận chiến phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”(1). Đây là một ý kiến nhằm nhấn mạnh một phương diện của phê bình văn nghệ. Nhưng từ  ý kiến này đã không ít người có lúc, có khi xem đó là toàn bộ mục đích và nhiệm vụ mà phê bình văn nghệ hướng tới.

 

Trong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên  tăng nhanh trong các học viện,  mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử,  đến ngôn ngữ học, xã hội học,  nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật… Nhưng trước tiên và căn bản trong vòng ba thập niên qua, học thuyết nữ quyền có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất đến phê bình văn học, đã làm thay đổi lớn lao cách đọc văn bản, việc bình giảng văn chương, sự định giá kinh điển trong nhà trường, ảnh hưởng đến cảm thụ văn học của công chúng và chuyển đổi cả ngành xuất bản. 

Chủ nghĩa lịch sử mới (New historicism) là một trong những biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại từ chỗ giải cấu, phản nghịch, vứt độ sâu, phá bỏ tất cả, nhưng đó chỉ là triệt để phá để mà xây cái mới, và tất yếu sẽ hồi quy văn học về bình diện lịch sử xã hội, hiển nhiên là với những khía cạnh mới trên cơ sở những cách nhìn mới.

Giáo sư Lê Đình Kỵ sinh năm Nhâm Tuất 1922 ở một vùng quê làm nghề dệt vải và buôn bán tơ tằm thuộc xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong một đoạn hồi ức đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông kể: "Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì.

  Nguyen Huy ThiepHiện tượng đa thanh (polyphonie) là một phát hiện mới của thi pháp học và ngôn ngữ học hiện đại. Những phát ngôn phức hợp nhiều lời, nhiều giọng của nhiều chủ thể khác nhau là điều không có gì mới trong ngôn ngữ đời sống. Sự sống luôn là cuộc đối thoại vô tận với sự tác động, hoặc ảnh hưởng hoặc phủ định lẫn nhau giữa các quan niệm, tư tưởng.

K.VH - Để tưởng niệm nhà văn hóa, giáo sư tiến sĩ Cao Huy Thuần (1937-2024) vừa qua đời ở Paris ngày 7/7/2024, xin đăng lại bài viết "Góp lời cho Im lặng", lời đầu sách "Im lặng như lời chia tay", NXB Đà Nẵng - Nhà sách Khai Tâm, 2022.

20240708GS Cao Huy Thuần (áo trắng, ngồi giữa) và GS John C. Schafer (áo trắng, ngồi thứ hai từ trái) trong một lần giao lưu với Khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM.

        Sau nhiều năm không trở lại Huế, tôi có chuyến đi đến thành phố này vào những ngày hè trong dịp kỷ niệm 50 năm biến cố pháp nạn Phật giáo 1963. Sáng hôm đó tôi theo bạn đến lễ chùa Từ Đàm; còn buổi chiều, tôi một mình đi bộ dọc bờ sông Hương, từ chân cầu Trường Tiền, chỗ ngày xưa là trụ sở Đài Phát thanh Huế, nay đặt tượng Phan Bội Châu, về phía bia Quốc học. Những tốp thiếu nhi và nữ sinh ngồi theo vòng tròn ca hát trên bãi cỏ trong buổi chiều nắng muộn chiếu trên sông những làn sóng bạc và tỏa ánh vàng trên những tàn cây.

       Tự nhiên, lúc ấy, trong tôi vang lên hai câu thơ của Nhã Ca:

                                  Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay

                                  Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay.

        Và câu hát của Trịnh Công Sơn:

                                 Sau cơn bão qua im lặng mặt người

                                 Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay.

        Cũng trong giây phút ấy tôi nhớ đến những người Huế xa xứ từng chứng kiến lịch sử thăng trầm với những bão dông, biến động của thành phố này, không có được hạnh phúc tận hưởng buổi chiều thanh bình, tĩnh lặng như tôi, một người khách lạ.

        Giáo sư Cao Huy Thuần là hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí tôi lúc ấy, thật tự nhiên, vì mấy hôm trước tôi mới gặp ông ở Bình Dương trong một cuộc hội thảo và vì tôi vừa đọc bài “Thầy tôi” của ông, một bài báo lý giải những sự kiện bi tráng với nhiều góc khuất của miền đất này mà đứa bé tám tuổi như tôi thời đó chỉ nghe vọng lại những tiếng động mơ hồ trong vẻ buồn của tỉnh lỵ Quảng Ngãi, chính là nơi Cao Huy Thuần sinh ra rồi rời xa để về Huế khi vừa chín tuổi.

        Phải mấy năm sau, tuổi thiếu niên khờ dại của tôi mới tìm cách kết nối với tuổi thanh niên bùng nổ của thế hệ Cao Huy Thuần, tất nhiên chỉ là gián cách qua những lời kể trong đời hay trong sách báo. Tôi cố gắng tìm lời giải đáp cho niềm tin xả thân của những người “chết mới được ra lời” và xác định khoảng cách giữa “ngọn lửa tình thương” với “bạo động của lịch sử”.

        Tôi tìm đọc lại những bài báo của Cao Huy Thuần trong mục “Chén thuốc đắng” trên báo Lập Trường, những lời sôi động, cuộn trào của một người thuộc thế hệ đàn anh vẫn còn ít nhiều xa cách. Hình như tôi gặp ông, càng gần gũi hơn trong sự đồng cảm, khi đến với Nắng và hoa, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký Sen trắng, Sợi tơ nhện, Sen thơm nắng hạ quê mình… Cũng dễ hiểu thôi, vì người “tình nhân” đọc những “tình thư” của ông bây giờ đã đến cái tuổi cần có nhiều khoảng lặng hơn là những tiếng hò reo.

        Kinh Thánh viết: “Khởi thủy là Lời”. Ngôi Lời giảng về Nước Trời bằng những dụ ngôn. Goethe nói: “Khởi thủy là Hành động”. Cao Huy Thuần đã dùng Lời để hành động, hành động bằng Lời. Nhưng, như ông nói, Lời với Im lặng là hai mặt của một thực thể. Lời cất lên từ sâu thẳm của Im lặng và Im lặng là nền tảng của Lời. “Im lặng, không phải là không nói, mà là không nói bằng lời. Thượng Đế nói bằng đám mây, bằng gió nhẹ, bằng hơi thở, bằng dấu hiệu. Tuyệt đỉnh: Thượng Đế nói nhiều nhất khi không nói” (Cao Huy Thuần). Cũng như sách Trang tử: “Suốt đời nói mà chưa từng nói, suốt đời không nói mà chưa từng không nói”. Còn theo Kinh Lăng Già thì “Không thuyết mới là Phật thuyết”.

        Học đạo, cũng như học văn, là học cách tu dưỡng, cách nói năng, học nghệ thuật ngôn từ, mà cũng là học nghệ thuật lắng nghe và im lặng. Đôi khi chỉ cần một cái mỉm cười hay một cái nhếch mép, bĩu môi cũng đủ tỏ một thái độ. Cuốn sách này nhắc đến giai thoại Thiền “Niêm hoa vi tiếu”. Truyện kể rằng Đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở Hội Linh Sơn, được đại chúng dâng hoa, Ngài cầm một cành hoa đưa ra trước mắt mọi người, không ai phản hồi gì, chỉ mình Ma Ha Ca Diếp nở một nụ cười, nhờ đó Ma Ha Ca Diếp được Như Lai truyền tâm ấn. Tác phẩm nghệ thuật là những lời hay ý đẹp đến với ta như bông hoa kia làm nở trên môi ta một nụ cười. Nụ cười trong im lặng, nhưng là im lặng của hiện hữu, vì đó là im lặng của hiệp nhất và hòa hợp.

        Thời trẻ đọc Jean-Paul Sartre, tôi hoang mang quá đỗi. Hư vô là gì? Hư vô là mặt trái của Hữu thể hay là sự hủy diệt của Hữu thể? Im lặng có đồng nghĩa với Hư vô? Hay Im lặng là đối chứng của Hiện hữu? Tôi đang ở đâu và sẽ về đâu giữa Hiện hữu và Hư vô? Tôi, “kẻ bị nhìn”, là ai giữa muôn người, giữa “địa ngục” của những kẻ khác? Tôi thật sự muốn quên những câu hỏi siêu hình ấy. Sau này, Cao Huy Thuần lại đặt những câu hỏi tiếp tục làm tôi ám ảnh: “Tôi là tôi vì tôi nhìn tôi như thế hay tôi là tôi vì như thế người khác nhìn tôi? Nếu tôi nhìn tôi qua cái nhìn của người khác, phải chăng có người khác giữa tôi với tôi? Câu hỏi ấy chảy máu trong lòng người ở xa. Tôi xa tôi rồi chăng?” (Diễn từ nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh, 2017). Nhưng “tôi xa tôi” rồi cũng lại về gần nếu tâm thức tôi luôn luôn hòa kết với đất mẹ.

         Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà. Phải chăng những cuốn sách triết luận và tùy bút của ông cũng là để chuẩn bị cho cuốn Im lặng như lời chia tay này?

        Trong một lá thư gần đây, Cao Huy Thuần tâm sự: “Như một cái hoa, tôi đã im lặng nở. Như một cái hoa, tôi nghĩ sẽ im lặng tàn. Từ đó, trong im lặng và cô đơn, cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng. Thực sự không cốt để làm gì, chỉ để sống qua ngày với mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, vô tích sự. Mơ mộng hơn một chút, tôi nghĩ về im lặng của cánh hoa rụng: trong im lặng, chắc nó cũng biết chia tay với bao nhiêu cánh bướm. Tôi cũng phải chia tay với bao nhiêu bạn bè. Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…” (Trích thư 04-10-2022).

         Phải chăng tuổi tác và sức khỏe làm cho Cao Huy Thuần bi quan và yếm thế? Lời trong văn Cao Huy Thuần từng an ủi, khích lệ, nâng đỡ những người đọc ông, trong đó có tôi. Năm năm trước, Giải thưởng Phan Châu Trinh đã vinh danh những thành tựu và đóng góp của ông về văn hóa - giáo dục. Mới năm ngoái đây thôi, 22 người bạn của ông từ khắp các miền đất đã tụ hội trong cuốn sách Việt Nam hôm nay và ngày mai để mừng sinh nhật ông. Vậy là ông đâu có cô đơn.

         Làm nghề văn, tôi luôn nhớ câu này của Tô Đông Pha mà Lê Quý Đôn dẫn lại trong Vân Đài Loại Ngữ: “Ý hết mà lời dừng, ấy là lời đúng mực trong thiên hạ, song lời dừng mà ý chưa hết thì càng hay hơn nữa”. Nhiều khi tôi không biết làm thế nào để thực hành yêu cầu quá khó khăn đó của Tô Đông Pha. Thành ra, tôi hay viết dài lời, vì nghĩ ngày rộng tháng dài.

        Trong cuốn sách này, qua cách nói hàm súc, Cao Huy Thuần nhắc chúng ta nhớ lại kinh Viên Giác: “Hãy hướng về mặt trăng thay vì chăm chăm nhìn vào ngón tay”. Hãy biết cách im lặng và dừng lời đúng lúc, không phải để ra đi, mà để ngồi lại tiếp tục cùng lắng nghe và giao cảm với mọi người.

        Cao Huy Thuần nói rằng tất cả những bài viết của ông đều là những lá thư tình, thư tình cho quê hương, cho bạn bè, cho những người trẻ đang đến và sắp đến trên quê hương này. 12 chương sách này cũng là 12 lá thư tình.

                                           Lặng im

                                           Lặng im thì mới nghe

                                           Nhựa đong đầy các nhánh

                                           Như hồn anh đầy em.

                                                            (Chế Lan Viên)

         Giờ là lúc tôi phải dừng lại để bạn đọc lắng nghe Cao Huy Thuần.

         Lắng nghe trong im lặng.

         Im lặng để nghe ông và nghe chính lòng ta.

Huỳnh Như Phương

                                        (Lời đầu sách Im lặng như lời chia tay của Cao Huy Thuần,

                                                 NXB Đà Nẵng - Nhà sách Khai Tâm, tháng 12-2022.

Nguyệt san Giác Ngộ Xuân Quý Mão, số 322, tháng 01-2023.

In lại trong Hồi âm từ phương Nam, NXB Đà Nẵng – Book Hunter, 2023)

BaudelaireTrong giao lưu với văn học nước ngoài, Thơ Mới Việt Nam chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, trong đó có thơ tượng trưng là một thực tế không phủ nhận. Các tác giả thơ tượng trưng như Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine…, thậm chí cả nhà thơ lãng mạn và tượng trưng Mỹ Edgar Allan Poe đã để lại dấu ấn âm nhạc khác nhau trong sáng tác của một bộ phận của các nhà thơ mới. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh, Hoài Chân đã khẳng định: “Các nhà thơ mới không nhiều thì ít, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, đều bị ám ảnh bởi Baudelaire, người đã khơi nguồn thơ ấy”. Ở chuyên luận “Thơ Mới”, Giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Từ năm 1936 trở về sau, trường phái thơ tượng trưng được người ta chú ý hơn cả”. Trong lời tựa tập thơ “Những bông hoa Ác”, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã phân biệt hai “làn sóng” thơ, trong đó làn sóng thứ nhất chịu ảnh hưởng nhiều ở thơ lãng mạn, còn làn sóng thứ hai với các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng. Bản thân Xuân Diệu, một trong những trụ cột của thi đàn Việt Nam cũng đã thừa nhận một cách không dấu giếm: “Với Baudelaire, tôi đi toàn vẹn vào tính chất hiện đại của thơ”.1

Theo GS Nguyễn Khuê, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là bức tranh trung thực về xã hội miền Nam thời đó với đủ loại nhân vật, quang cảnh, tập tục, lề thói cũng như sự sinh hoạt từ thành thị đến nông thôn.

Lời ghi của Hồ Biểu Chánh trên mục Quảng cáo đồng nhơn về Đại Việt tập chí - Ảnh: HỒ LAM

Lời ghi của Hồ Biểu Chánh trên mục Quảng cáo đồng nhơn về Đại Việt tập chí - Ảnh: HỒ LAM

Công trình khảo cứu Chân dung Hồ Biểu Chánh của giáo sư Nguyễn Khuê in lần đầu năm 1974, đến nay tròn nửa thế kỷ.

Quyển sách vừa được Trung tâm Nghiên cứu quốc học tái bản lần thứ ba.

PGS.TS Võ Văn Nhơn cho rằng gần như ai nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ trước kia hay hiện nay cũng đều phải tham khảo tác phẩm này.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

GS Nguyễn Khuê đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh những năm 1960, ông nung nấu ý định viết sách.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông nói: "Khi định viết về ông, tôi chưa có điều kiện đọc toàn bộ, nhất là thơ của Hồ Biểu Chánh, khá khan hiếm.

Tình cờ, tôi gặp ông Hồ Văn Kỳ Trân, con trai trưởng của Hồ Biểu Chánh, tại Trường tư thục Les Lauriers (nay là Trường tiểu học Đuốc Sống).

Ông Kỳ Trân đọc cuốn Tâm trạng Tương an quận vương qua thi ca của ông của tôi và bảo: "Ước gì "ông cụ" tôi được viết một cuốn sách như thế này". Tôi bảo nếu ông Kỳ Trân muốn thì tôi có thể với điều kiện xin ông hãy đưa tất cả những tư liệu về Hồ Biểu Chánh cho tôi".

Rồi thì rất nhiều cuốn tiểu thuyết đóng bìa cứng có thủ bút của Hồ Biểu Chánh đã được chuyển cho ông Nguyễn Khuê, trong đó có tác phẩm viết tay Tâm hồn tôi. Sau khoảng một năm rưỡi, bức Chân dung Hồ Biểu Chánh đã thành hình.

20240524 2Cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh - Ảnh: HỒ LAM

Có một nhà báo Hồ Biểu Chánh

Ngoài những đóng góp lớn cho nền văn học, thi ca của nước nhà, giới nghiên cứu còn nhìn nhận Hồ Biểu Chánh trong vai trò là một nhà báo.

Trong cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh, ông Nguyễn Khuê nhận định Hồ Biểu Chánh nhận trợ cấp của Sở Thông tin tuyên truyền Pháp để làm Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí nên đã có những dư luận không tốt cho ông. Lòng yêu mến của độc giả với ông cũng không còn nguyên vẹn.

Khi trò chuyện về cuốn sách này, TS Nguyễn Nam đồng tình với phân tích của ông Nguyễn Khuê.

Nhưng ông nói 50 năm sau, hậu thế đã có cái nhìn cởi mở hơn. Theo Hồ Biểu Chánh, người viết báo chân chính phải tự lãnh hai nhiệm vụ: phát minh công lý, chánh đạo và bênh vực quyền lợi công cộng của nước nhà.

Ông Nguyễn Nam cho rằng làm báo dưới chế độ thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ, Hồ Biểu Chánh có một nguyện vọng muốn hé lộ thực tại chính trị ở Việt Nam, đi vào thực học, giúp người dân nâng cao nhận thức, tri thức của mình. Những điều này cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng ý thức độc lập dân tộc và hướng tới định hướng tích cực hơn cho một xã hội phát triển.

Trên mục Quảng cáo đồng nhơn, Hồ Biểu Chánh viết: "Chúng tôi lập Đại Việt tập chí nầy chẳng hề dám sánh lòng viễn đại như Đông Dương tạp chí bên Trung Quốc hoặc tính luận cao sâu như Nam Phong tạp chí ngoài Bắc Kỳ.

Chỗ chủ ý của chúng tôi thì tầm thường mà thôi; chúng tôi duy muốn buộc tình thân ái của Pháp quốc với Việt Nam, muốn truyền tư tưởng mới, muốn tỏ môn thiệt học, ngỏ giúp quốc dân muôn một trong đường tấn hóa".

"Khác với Đại Việt tập chí dành cho giới trí thức, Nam Kỳ tuần báo sẽ phổ cập kiến thức cho đại chúng. Tờ báo tạo tinh thần mới cho quốc dân, kết hợp với luân lý cố hữu, với tánh khí hùng hào, tiến thủ của thời đại, khôi phục những thuần phong mỹ tục của dân tộc" - TS Nguyễn Nam phân tích.

Bậc thầy Việt hóa tác phẩm văn học thế giới

Giáo sư Nguyễn Khuê bên cạnh công trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh của mình - Ảnh: NGỌC HÂN

Giáo sư Nguyễn Khuê bên cạnh công trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh của mình - Ảnh: NGỌC HÂN

Với đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hồ Biểu Chánh là bậc thầy Việt hóa các tác phẩm văn học thế giới như: Cay đắng mùi đời phỏng theo Không gia đình của Hector Malot, Ngọn cỏ gió đùa phỏng theo Những người khốn khổ của Victor Hugo, Chúa tàu Kim Qui phỏng theo Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas, Người thất chí phỏng theo Tội ác và hình phạt của Dostoevsky...

Bà nói: "Ông chẳng những Việt hóa tác phẩm của những nhà văn Pháp gần gũi phong cách sáng tác, phù hợp kiến thức Pháp ngữ của ông mà còn mô phỏng tác phẩm của nhà văn Nga độc lạ là Dostoevsky".

Trong sáng tác, bà học hỏi nhiều từ cách nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn lọc chi tiết gần gũi văn hóa người Việt, thay đổi hoàn cảnh để độc giả tin câu chuyện có thể xảy ra ở Việt Nam, sáng tạo làm giàu thêm tinh thần gốc.

Ví dụ, chi tiết bối cảnh cách mạng Pháp trong Những người khốn khổ của Victor Hugo đổi thành giặc Lê Văn Khôi trong Ngọn cỏ gió đùa, hay chi tiết ăn cắp "ổ bánh mì" đổi thành "trã cháo heo".

"Lê Văn Đó nghèo khổ "đến mượn một vài giạ lúa về mà cứu cấp mẹ già cháu nhỏ đói nằm thở hoi hóp" mà họ không cho.

"Cùng thế bưng cháo của heo ăn đem về cho mẹ với cháu ăn đỡ, họ không nghĩ lại bắt mà đánh", chi tiết rất thật như hoàn cảnh của người dân Việt Nam nên ai đọc cũng xót thương thân phận người dân nghèo khổ" - Minh Ngọc dẫn chứng.

Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, một trong những người làm nhiều phim truyền hình chuyển thể nhất từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh, rất nhiều tiểu thuyết của ông đã được chuyển thể thành phim, kịch, cải lương bởi cốt truyện rõ ràng, hấp dẫn, đủ mọi thành phần nhân vật, đặc biệt có tính nhân văn: trọng nghĩa khinh tài, trọng lễ khí, có vay có trả...

Điều này gần gũi với khán giả.

"Trong tính cách của người Nam Bộ, chữ nghĩa luôn làm đầu, tiền bạc là "phù du". Thông qua truyện của mình, Hồ Biểu Chánh đánh đúng tâm lý của người Nam Bộ xưa: nghèo cho sạch, rách cho thơm nên vì vậy mà các tác phẩm của ông có giá trị lâu dài trong đời sống văn chương miền Nam" - ông Hồ Ngọc Xum cho biết.

Cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh nhìn nhận thân thế, sự nghiệp của ông trong các lĩnh vực báo chí và biên khảo, thi ca, tiểu thuyết.

GS Nguyễn Khuê từng là trưởng bộ môn Hán Nôm, khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).

Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có nhiều đóng góp có giá trị cho văn học Hán Nôm và văn học quốc ngữ thời kỳ sơ khai của Nam Bộ tại Việt Nam.

Hồ Lam

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 17.5.2024.

Thông tin truy cập

61762310
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2500
18932
61762310

Thành viên trực tuyến

Đang có 426 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website