Chưa trả thù nhà, đền nợ nước
Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ.
(Tự thuật – Bài II)
Gần như toàn bộ tác phẩm của ông đều toát lên một tinh thần như vậy. Những gì ông thấy, những gì ông nghe, chứng kiến đều được bày tỏ trong thơ với một tâm sự “ dõi theo người trước giữ năm hằng”. Ông dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lẽ phải, cho nhân nghĩa, cho cái chân, cái thiện của cuộc đời, cho vận mệnh của nước và hạnh phúc của dân. Ông thẳng tay đả phá cái ác, cái giả, đả phá những gì chướng tai gai mắt, đả phá những bọn đục khoét dân lành, những kẻ xâm lấn đất nước. Ngòi bút của ông vì lẽ đó là một ngòi bút chiến đấu, góp cho dòng văn chương thời thế cuối thế kỷ XIX một tiếng nói riêng trong bản hùng ca của một thời đại "oanh liệt và đau thương" (1).
Phan Văn Trị đậu cử nhân năm mười chín tuổi (1849), ở cái tuổi đang mở ra bao hi vọng về công danh sự nghiệp. Lẽ ra ở cái tuổi đời đang náo nức ấy, theo thói thường ông sẽ tiến thân bằng con đường quan trường. Nhưng khác với nhiều người, vừa thi đỗ xong, ông liền tìm nơi ẩn thân dạy học. Phải chăng ông ẩn thân để bày tỏ một thái độ ? Trong hành động này chắc chắn là có nỗi bất bình của ông với triều đình về việc triều đình đã đối xử thậm tệ với gia đình và dòng họ ông. Chẳng là ông đã từng làm thơ ngụ ý trách triều đình đó sao ! Trong bài Hột lúa ông viết :
Vì thế liều mình cơn nước lửa
Ai mà có thấu hỡi ai ơi !
Đọc hai câu thơ này, Phan Thanh Giản đã phê “Nhữ hà trách triều đình chi thậm” (Sao nhà ngươi trách triều đình lắm thế). Nhưng có lẽ phần lớn hơn là ông đã nhận ra bản chất đích thực của chế độ vua quan triều Nguyễn. Nhiều tài liệu cho chúng ta biết rằng khi còn trẻ, sống ở Cố đô Huế, một hôm nhân đứng chơi bên bờ sông Hương nhìn thấy người lặn mò ốc nổi lên bị rong vấn cổ, ông đã ứng khẩu đọc luôn hai câu thơ :
Phú quý Trường An rong vẫn cổ
Phong lưu kinh địa chấy đầy đầu (2).
Thơ là ứng khẩu, nhưng là ứng khẩu trên cơ sở đã chiêm nghiệm, nghiền ngẫm. “Phú quý Trường An”, “Phong lưu kinh địa” rút cục cũng chỉ là những nơi nhơ bẩn. Vị lẽ này mà con người suốt đời “nong nả dốc vun nền đạo nghĩa” như Phan Văn Trị đã tìm cách lẩn tránh.
Ngòi bút của Phan Văn Trị cũng cho chúng ta biết rằng ông đã nhìn thấy “cái nhà dột từ nóc” của triều đình nhà Nguyễn. Ông cho rằng vua bây giờ không phải như Lương Võ Đế ngày xưa. Những anh hùng hào kiệt hãy sớm lo liệu mà cứu nước, chứ không chờ mong chi được ở triều đình đâu :
Đức cả từ bi xin sớm liệu
Ngồi chờ Lương Võ thế còn lâu
(Chùa hư)
Thái độ phê phán triều đình ấy của Phan Văn Trị còn thấy biểu hiện nhiều chỗ trong thơ ca cũng như trong cuộc đời ông. Cụ Ca Văn Thỉnh trong Lời giới thiệu cuốn Thơ văn yêu nước Nam Bo còn cho chúng ta biết thêm rằng, có lần nhân ngồi uống rượu với bạn, Phan Văn Trị đã mượn chuyện ăn càn đước (một loại rùa) để đả Tự Đức với những câu như :
Trẩm càn đức chi đầu (Chém đầu càn đước)
Ẩm càn đức chi huyết (Uống huyết càn đước)
Phanh càn đức chi thi (Xé thây càn đước)
Thực càn đức chi nhục (Ăn thịt càn đước) (3).
Có thể nói ngòi bút Phan Văn Trị đã động đến những nơi thâm nghiêm nhất của triều đình nhà Nguyễn. Tuy thế ở ông hình ảnh một minh quân, một xe Châu không bao giời phai lạt. Đã có khi ông ước ao :
Xưa nay cũng một lòng sông Vị
Mơ tưởng xe Châu biếng nói năng
(Câu cá)
Rất nhiều khi ông nói đến “trung quân”, “ơn vua” :
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
(Họa “Tôn phu nhân quy Thục”)
Áo mũ ba đời ơn rất trọng
Binh qua một trận nghĩa chưa tuyền
(Cảm hoài – Bài III)
Chín tầng mưa móc gội ơn vua
(Cảm hoài – Bài IX)
Nhưng ở Phan Văn Trị hình ảnh một minh quân hay một xe Châu suy cho cùng bao giờ cũng gắn với nước non. Nói khác đi tư tưởng trung quân ở ông gắn chặt với yêu nước. Ông đã từng viết :
Những trang dụng thế dành ngơ mặt
Mấy kẻ trung quân nỡ phụ tình
Bao thủa đem về cơ thộng nhất
Ngàn thu bia tạc đấng trung trinh.
(Cảm hoài – Bài I)
Do gắn trung quân với ái quốc nên trong thơ ông có sự phê phán những triều đại không làm trọn phận sự với nước non như đã nêu ở trên. Ngòi bút chiến đấu của Phan Văn Trị đã dám phê phán một triều đại, một chế độ, nhưng thời đại đã không cho ông vượt qua giới hạn của một hệ tư tưởng. Dù không ra làm quan nhưng rút cục rồi ông cũng lại hoài vọng một xe Châu, một minh quân. Đó cũng là chỗ hạn chế trong ngòi bút chiến đấu của ông.
Có một phương châm xử thế mà Phan Văn Trị đã tuân thủ suốt cuộc đời mình một cách chặt chẽ. Ấy là phương châm “ngay vạy nẻ ra cho biết mực”. Với ông phải trái, ngay gian, người yêu nước, kẻ bán nước không thể lẫn lộn được. Ông đã từng viết “kẻ vậy, người ngay há một phen” là do vậy. Cái phương châm xử thế này đã khiến ông tránh chốn quan trường. Cái phương châm xử thế này cũng đã dẫn ông đến cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường, kẻ đã đang tâm theo giặc, lại “khua môi múa mỏ” về lòng yêu nước, nghĩa đồng bào. Bút chiến với Tôn là để vạch ra kẻ vạy, người ngay. Ở đây ngòi bút Phan Văn Trị đã làm trọn sứ mệnh vẻ vang “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Khác với nhiều kẻ bán nước đương thời, Tôn là người nhiều chữ. Và y đã dùng vốn chữ nghĩa đó nhằm ngụy biện thanh minh cho hành động bán nước của mình. Tôn mượn “Tôn phu nhân quy Thục”, “Từ Thứ quy Tào”, mượn sức mạnh vật chất của Pháp... để biện bạch cho mình. Nhưng tất cả những lý lẽ ấy đều bị ngòi bút Phan Văn Trị và nhiều người đương thời như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt... lật tẩy.
Tôn Thọ Tường viết :
Miệng cọp, hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay
Phan Văn Trị liền đập lại :
Đừng mượn hơi hùm run nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay.
Tôn Thọ Tường lẩn tránh trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho thời thế :
Phải sao chịu vậy thôi thì chớ
Nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng
Liền bị Phan Văn Trị quật lại :
Gió xẫng mới hay cây cỏ cứng
Dõi theo người trước giữ năm hằng
Gần như không có luận điệu nào của Tường nêu ra mà không bị đánh cho tơi bời. Dưới ngòi bút của Phan Văn Trị cái chân tướng của Tôn Thọ Tường dần dần lộ nguyên hình là kẻ “vạy”, chớ không phải người “ngay”. Đó là kẻ :
Đáy giếng trông trời trương mắt ếch
Làm người như vậy cũng rằng là
Hoặc là:
Đứa dại trót già đời cũng dại
Lựa là tuổi mới một đôi mươi.
Nhưng có lẽ cái “vạy” nhất ở Tường là bán nước, là kẻ lỗi đạo hằng, không kể gì đến liêm sĩ của một nhà Nho, mà rộng hơn là nhân cách một con người. Phận nữ nhi chỉ biết “cài trâm, sửa tráp” như Tôn phu nhân mà còn biết “vẹn câu tòng”. Ấy thế mà một người nhiều chữ như Tôn lại quên mất cái lẽ đạo hằng :
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.
Cái lòng phản trắc với nước non ấy mãi mãi Tôn và những kẻ như y không bao giờ thanh minh được, không bao giờ biện hộ được. Phan Văn Trị còn nhắn cho y biết rằng non sông thu lại thì cái mạng bán nước của những kẻ như y cũng không còn :
Ba cõi mai đầu in lại cũ
Đôi tròng trông đã thấy không ngươi.
Bút lực của Phan Văn Trị là bút lực của một tấm lòng ngay, của một tâm hồn luôn luôn đau đáu nỗi nước nhà. Dưới ngòi bút ấy bao nhiêu “xiêm áo” đẹp đẽ của lũ bán nước như Tôn Thọ Tường đã “trơ mòi” trước công luận và lịch sử.
Với Phan Văn Trị những thói hư tật xấu ở đời, những kẻ bán nước, những lũ gian tham là đối tượng mà ông đã kích không chút xót thương. Ngòi bút của ông là ngòi bút vì nghĩa “giữa đường đâu thấy bất bằng mà tha”. Ông đã chiến đấu đến tận cùng với lũ quan lại, lính tráng gian tham, nhũng nhiễu dân chúng. Nhiều bài thơ như Đồn lính trong làng, Đá cá thia thia và nhất là những bài thơ vịnh vật như Con mèo, Con trâu, Con cào cào, Con muỗi, Con cua, Con rận... phần nào nói lên điều này.
Trong thơ Phan Văn Trị bọn quan lại chỉ là đồ con muỗi, con rận hút máu hại dân :
Béo miệng chẳng thương con trẻ dại
Cành hông nào đoái chúng dân nghèo
(Con muỗi)
Chúng chỉ là đồ vô dụng :
Khéo sinh trong thế chi cho rộn
Có có không không cũng chẳng cầu
(Con rận)
Không phải ngẫu nhiên mà Phan Văn Trị lại ví bọn quan lại với con muỗi, con rận. Ở chúng có sự tương đồng về bản chất là hút máu người dân lương thiện. Ngụ ý như thế quả là đắc địa. Ngòi bút Phan Văn Trị đã vạch trần bản chất không mấy tốt đẹp của phường “hát bộ” – quan lại nước Nam. Dưới ngòi bút của ông chúng dần dần hiện ra là một lũ “đứa ghẻ ruồi, đứa lác voi” cả thôi. Chúng là một lũ vô tài bất tướng “vóc là đất cục phải là chi”. Chúng là một lũ trở ngang như cua, “nhảy lẹ” như mèo lên địa vị cao sang. Chúng chỉ là lũ “khuấy ngứa gầy dân chi khác rệp”, là bọn “nhờ hơi nước đái” hại dân, hại nước.
Với hình thức ngụ ý bao biếm, Phan Văn Trị đả rất trúng, đả rất đau bọn sâu mọt này. Con mắt nghệ thuật của ông đã nhìn chúng là bọn “không lòng” cả. Và “không lòng” nên con muỗi chỉ lo chuyện “béo miệng”, “cành hông” mà chẳng thương xót đoái hoài chi đến dân chúng. Ông táo bệ vệ xưng danh nhưng “vóc là đất cục phải là chi” (Ông táo). Suốt đời rúc mặt vào chăn “không lòng” như con rận đã đành, mà đến kẻ “ỷ lớn chân tay” như cua cũng không ruột, không gan :
Đưa mình theo nước hiềm không ruột
Lột vỏ già đời chẳng thấy gan
(Con cua)
Cái thứ bọt bèo như cào cào chỉ có hình với miệng : “Hình như châu chấu vàng pha xám, Miệng tợ chuồn chuồn thấp lại cao” (Con cào cào), đến thứ “mặt hùm” như mèo những chỉ khoe vuốt với lông (Con mèo). Ngay kẻ to thân lớn xác như trâu thì trong bụng cũng chỉ “lơ thơ ba lá sách”. Hầu hết những sự vật mà Phan Văn Trị ngụ ý với bọn quan lại đều một duộc “không lòng, không ruột” như vậy cả. Vì không lòng không ruột nên chúng “Lõ mắt không phân người phải quấy, Quơ càng chẳng lọ kẻ gian ngay” (Con cua). Với cái nhìn nghệ thuật độc đáo này, Phan Văn Trị đã vạch ra tính vô nhân của lũ quan lại tham tàn, chẳng biết thương xót đến đồng loại, sẵn sàng “trương vi so đo vài gang nước”. Những kẻ “không lòng, không ruột” ấy lại rất sẵn “miệng”, sẵn “râu”. Đến nỗi con rận “mặt mũi như vầy cũng có râu”. Sẵn “miệng” để ăn của dân, sẵn “râu” để ra oai tác quái với dân lành. Thật là đúng với bản chất sâu mọt xã hội. Có thể nói rằng đây là chỗ rất sâu sắc trong nghệ thuật châm biếm của Phan Văn Trị. Nghệ thuật ấy làm cho ngòi bút chiến đấu của ông càng trở nên sắc bén.
Với lũ quan lại hại dân, hại nước kia trong thời thế ấy ông mới chỉ đành “để mắt trừng”. Nhưng trong thơ mình ông cũng đã cảnh cáo cho chúng biết :
Sau đặng đeo hoa cùng giỡn trái
Đầu bay đái trả chớ than van !
(Kiến hôi cắn kiến vàng)
Ngày nào miễn gặp cây xơ quất
Xử tội nhà ngươi mắt chẳng nheo
(Con ruồi)
Những vần thơ hừng hực tính chiến đấu của Phan Văn Trị đã là những “cành xơ quất”, quật rất trúng, quật rất đau bọn quan lại thời bấy giờ. Đó cũng là giá trị hiện thời và cũng là giá trị vĩnh cữu của thơ ca Phan Văn Trị.
Trong cuộc đời mình Phan Văn Trị có hai lần “tránh” ! Một lần ông tránh chốn quan trường. Và lần nữa ông là một trong những người khởi xướng phong trào “tự địa” tránh sống chung với “lũ quỹ trắng” thực dân Pháp. Cả hai lần ấy càng chứng tỏ cái phương châm xử thế mà ông tuân theo suốt cuộc đời mình : “kẻ vạy người ngay há một phồn”. Ông tránh chốn xấu xa nhơ nhớp, nhưng không trốn đời. Trái lại những sự biến của cuộc đời, thăng trầm của đất nước ông đều theo sát. Nhất Tâm đã nhận xét khá đúng đắn về những hành vi này của Phan : “Phan chỉ chán lối hoạn trường, mà đối với dân với nước, đối với thời cuộc ngày một chuyển biến đôi đời, Phan luôn luôn chú tâm theo dõi. Bằng chứng là Phan đã ngụ lòng mình chan chứa ở những bài thơ ký thác, những bài thơ đã thành thật tha thiết xuất phát từ tâm hồn trí não, đã xao xuyến rung động vì nhịp tiến của thời thế, bước đi của dân tộc” (4).
Quả như vậy. Nỗi niềm với nước non thấm đẫm trong mỗi vần thơ của ông. Trong thơ Phan Văn Trị có nỗi đau của người dân mất nước. Những câu thơ của ông đọc lên thật xót xa :
Tan nhà cám nỗi câu li hận
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
(Mất Vĩnh Long)
Nhìn Nam chạnh tủi cành hoa ủ
Ngó Bắc ngùi thương đám bạch vân
(Cảm hoài – Bài II)
Một nỗi nhớ khôn nguôi cháy lên trong thơ ông thật bi thiết:
Non sông cảnh cũ tình hoài vọng
Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người.
(Cảm hoài – Bài VIII)
Cảnh nước mất nhà tan từ buổi “tè le kèn thổi tiếng năm ba” được vẽ lại trong thơ ông bằng một nỗi buồn da diết :
Sông sâu sóng cả thuyền câu dập
Đồng rộng hùm sa lũ chó vây
Kìa nước, nọ non cờ cuộc thế
Đầy vơi tròn khuyết có sai rầy.
(Cảm hoài – Bài VII)
Nỗi niềm mất nước cứ trở đi, trở lại trong thơ Phan Văn Trị. Một hột lúa nơi đồng nội cũng gợi cho ông tình non nước : “Ông cha giúp nước đã ghe thủa, Dòng giống nuôi dân biết mấy đời” (Hột lúa). Một cặp cá thia thia đá nhau cũng khiến ông cảm nhận ra nỗi đau mất nước :
Thở hơi sóng gợn nhăn lòng nước
(Đá cá thia thia)
Nước non luôn luôn là nỗi canh cánh bên ông. Đọc những bài thơ về đất nước của ông chúng ta càng hiểu thêm ông. Không trách là ông đã có những lời lẽ rất nặng với những kẻ bán nước như Tôn Thọ Tường, “bởi nặng tình non nước mà sinh lòng khinh kẻ phụ tình nước non” (Nhất Tâm) đó thôi.
Viết vẽ đất nước, trong thơ Phan Văn Trị cũng có khi loé lên chút hi vọng, dù nhỏ thôi, đọc cũng ấm lòng :
Tạo hóa một bầu xoay khí vận
Đông qua xuân lại trổ màu tươi
(Cảm hoài – Bài VIII)
Nhà nước một mai xoay vận thái
Cõi Nam chung hưởng hội thăng bình
(Cảm hoài – Bài X)
Xét đến cùng cội nguồn của tính chiến đấu mãnh liệt trong thơ Phan Văn Trị chính là bắt nguồn từ nỗi niềm sâu nặng này của ông với đất nước. Nhà thơ Bảo Định Giang đã nhận xét : “Cử Trị kháng chiến chủ yếu bằng ngòi bút” (5). Quả vậy, những vần thơ lai láng tình non nước của ông, cũng như những vần thơ đả rất thẳng vào triều đình vua quan đã khích lệ lòng người không ít. Nó là ngọn lửa làm sáng hơn những tấm lòng vì nước. Ngọn lửa ấy chắc đã góp phần không nhỏ vào phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ cuối thế kỷ trước.
Gần một thế kỷ đã qua kể từ khi Cử Trị từ giã cõi đời này. Nhưng tấm lòng của ông, thơ ca của ông, những vần thơ “lời sáng, nét cao” của tấm lòng “đá bia một tiết giữ lòng hằng” vẫn ngời ngời sáng. Cùng với nhiều người cùng thời như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp... ngòi bút Phan Văn Trị đã góp phần làm rộng rõ một thời đại văn học vẻ vang của dân tộc ta. Ngòi bút ấy sẽ còn sức sống lầu bền trong nhiều thế hệ, sẽ còn vang vọng mãi trong mỗi chúng ta.
Huế, tháng bảy, 1985.
LÊ TIẾN DŨNG
(Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 398, ra ngày 13/9/1985)
---------------------------------
(1) Chữ dùng của Phạm Văn Đồng.
(2) Dẫn theo Nhất Tâm – Phan Văn Trị, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1965, tr.8 và Bảo Định Giang – Thơ văn yêu nước Nam Bộ, NXB Văn học, H.1977, tr.98.
(3) Bảo Định Giang – Thơ văn yêu nước Nam Bộ – Sđd, tr.13.
(4) Nhất Tâm - Phan Văn Trị – Sđd, tr. 6.
(5) Bảo Định Giang – Thơ văn yêu nước Nam Bộ – Sđd, tr. 99.