Truyện Kiều và Nguyễn Du trên báo chí quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20

20170804. Nam ky tuan bao

1. Vị trí của Truyện Kiều và Nguyễn Du trên báo chí Quốc ngữ Nam Bộ

Giới làm văn, làm báo Nam Bộ thời ấy thường xuyên tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du. Không cần đợi đến kỷ niệm chẵn năm sinh hay năm mất, Nguyễn Du vẫn thường được tưởng nhớ trên các trang báo. Kể từ sự kiện hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du lần đầu tiên vào năm 1924, nhiều hội đoàn, toà báo ở đất Nam Bộ đã nghĩ đến việc cần phải kỷ niệm Nguyễn Du hằng năm. Tổ chức lễ quy mô lớn thì không phải năm nào và nơi nào cũng làm được, nhưng trong khả năng của mình, nhiều tờ báo vẫn nhắc về Nguyễn Du khi gần đến ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch hàng năm, vốn là ngày giỗ Nguyễn Du. Với số lượng hạn chế các tờ báo mà chúng tôi thu thập được, có thể thấy nhiều hoạt động đã được tổ chức để kỷ niệm Nguyễn Du ở miền Nam. Trên Nam kỳ tuần báo số 6/1942, Trúc Hà cho biết vào năm này, Nguyễn Du được kỷ niệm rầm rộ khắp trong Nam ngoài Bắc, các hội học đều tổ chức cuộc lễ. Hồ Biểu Chánh cũng cho rằng “lễ kỷ niệm thi sĩ Tiên Điền trần thiết từ Bắc chí Nam với một vẻ nồng nàn mà long trọng” (Nam kỳ tuần báo, số 5/1942, tr.5). Hội Khuyến học Nam Kỳ tổ chức diễn thuyết về Nguyễn Du tại rạp Nguyễn Văn Hảo vào ngày 24/9/1942, trong số các diễn giả có sự góp mặt của Thiếu Sơn. Trước đó vài ngày, ở Cần Thơ cũng có buổi diễn thuyết cùng chủ đề vào ngày 20/9 tại rạp hát bóng Casino Cần Thơ. Chủ toạ là bác sĩ Lê Văn Ngôn, diễn giả là hoạ sĩ Nguyễn Văn Mười – cũng là tác giả của nhiều bức tranh minh hoạ Truyện Kiều được triển lãm trong dịp này – cùng với giáo sư Nguyễn Văn Kiết và nhà báo Lê Chơn Tâm. Xen giữa nội dung diễn thuyết là các màn ngâm Kiều và sân khấu hoá một số trích đoạn Truyện Kiều. Phóng viên của Nam Kỳ tuần báo khi tường thuật lại buổi diễn thuyết này đã cho biết “Hầu hết cả Tây Đô thích văn và ham học đều có mặt trong buổi họp này” (Nam Kỳ tuần báo, số 5, 1942, tr. 9). Tờ Việt báo cho biết vào năm 1949, Nguyễn Du cũng được tưởng nhớ trước công chúng. Nhạc sĩ Trần Văn Khê khi ấy là du học sinh ở Paris gửi đăng ở Việt báo bài “Anh Nguyễn Văn Cổn nói về Truyện Kiều nhân ngày kỷ niệm cụ Nguyễn Du” tường thuật sự kiện kỷ niệm Nguyễn Du do hội Việt Kiều ái hữu ở Paris tổ chức.

Bên cạnh các buổi diễn thuyết, lễ kỷ niệm “rình rang” do các hội đoàn tổ chức, một số tờ báo kỷ niệm Nguyễn Du bằng những chuyên san. Năm 1935, báo Sống của Đông Hồ có chuyên san Nguyễn Du, trong đó ông chủ bút bày tỏ sự bất mãn vì Nguyễn Du đã bị lơ là trong nhiều năm liên tiếp không ai tổ chức lễ kỷ niệm. Vì vậy, ông lặng lẽ góp một số báo để tưởng nhớ bậc đại thi hào nhân ngày giỗ của cụ. Năm 1942, Nam kỳ tuần báo có số 3 là chuyên san Nguyễn Du và Truyện Kiều, hưởng ứng phong trào kỷ niệm rầm rộ trong cả nước. Mấy số liền kề sau đó tuy không phải là chuyên san, nhưng vẫn đều đặn có bài về Nguyễn Du. Năm 1943, Đại Việt tập chí ra số 22-23 cũng là chuyên san Nguyễn Du. Trong số báo này, Nguyễn Văn Hoài cũng cho biết “Cụ Nguyễn Du đã mất cách đây 123 năm, vào ngày mùng 10 tháng 8 năm 1820. Rồi từ ấy những nay, hễ mỗi lượt thu về, mỗi lần trăng mọc, người Việt Nam ta, vì ái mộ một văn nhơn thi sĩ mà hồn thơ vẫn còn sống mãi thới thời gian, lại mỗi lượt làm lễ kỷ niệm cụ”. (Đại Việt tập chí, số 22-23/1943, tr. 7).

Trên báo chí Quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, Truyện Kiều và Nguyễn Du xuất hiện với tần số rất cao và được khai thác trên nhiều khía cạnh. Với số lượng rất ít ỏi các báo, tạp chí Quốc ngữ xuất bản ở Nam Bộ có trong tay, tôi đã thống kê được một số bài viết về chủ đề này, danh sách cụ thể được đưa vào mục tài liệu tham khảo, hy vọng có thể giúp ích về mặt tra cứu cho những nhà nghiên cứu khác trong quá trình tìm hiểu lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du. Lượng bài viết trên thực thế chắc hẳn phải gấp nhiều lần con số thống kê này. Trong danh mục nói trên, một số bài viết bàn về đời tư của Nguyễn Du hoặc ghi chép, tìm hiểu về quê hương, thân quyến của ông. Nhiều bài nghiên cứu khác quan tâm đến Truyện Kiều từ cả góc nhìn nội quan lẫn ngoại quan, từ văn bản đến hiệu ứng xã hội. Những nghiên cứu, bình luận này đôi khi phát triển thành những ý kiến trao đổi hoặc thậm chí bùng nổ thành những cuộc tranh luận. Một số tác giả lại bỏ công lược thuật lại tình hình tranh luận về truyện Kiều, từ đó thể hiện quan điểm tranh luận của mình. Đông Hồ trong bài “Phê bình về Truyện Kiều và cụ Tiên Điền” đăng trên báo Sống số 28 đã tóm tắt lại bốn quan điểm chính về Thuý Kiều của các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Trần Trọng Kim và Trương Tửu, sau cùng chốt lại bằng ý kiến của riêng mình rằng “phê bình truyện Kiều, nên tìm xét cái bản tâm và chỗ dụng ý của tác giả trong khi viết quyển truyện” (Sống, số 28/1935, tr. 7). Ngạc Am trên Công luận báo năm 1934 có bài “Truyện Kiều từ cụ Nguyễn Du đến cụ Phạm Quỳnh, cụ Ngô Đức Kế, cụ Hoàng Thúc Kháng” đăng trên nhiều kỳ báo. Ngạc Am chỉ ra những điểm vô lý trong cách hành xử của Kiều và đi đến kết luận Kiều không có hiếu đến mức như mọi người vẫn nghĩ. Từ quan điểm đó của mình mà Ngạc Am tỏ ra bất bình với lời ca tụng của Phạm Quỳnh dành cho nàng Kiều và tác phẩm. Tuy nhiên, Ngạc Am cũng không về phe Ngô Đức Kế và Huỳnh (Hoàng) Thúc Kháng kết tội Kiều đĩ thoã. Ngược lại, ông mắng hai ông Ngô, Huỳnh (Hoàng) nặng lời: “Cụ Hoàng mạt sát truyện Kiều, tôi cũng mạt sát truyện Kiều, nhưng tôi không thể đồng ý với cái luận điệu của cụ, vì cái luận điệu ấy còn có cái khẩu khí của bọn hương nguyện, bọn học cứu, bọn hủ nho. […] Cái phái hủ nho ấy có cái thói quen, bất câu đối với vấn đề gì, không chịu xét cho đến nơi, cứ giở cái huy hiệu đạo đức, cùng vài câu cách ngôn thánh hiền ra rồi nạt đi cả” (Công luận báo, số 6453/1924, tr. 8).

Những tư liệu này đã góp thêm tiếng nói từ Nam Bộ vào cuộc tranh luận Truyện Kiều nổi tiếng năm 1924. Trong cuộc tranh luận ồn ào này, Phạm Quỳnh trước sau hoàn toàn im lặng. Sự im lặng của ông làm cho Phan Khôi nổi cáu, nhưng mãi đến năm 1932 mới lên tiếng trên Phụ nữ tân văn với giọng điệu chưa nguôi được sự bực bội: “Làm thinh thì tỏ ra hai dấu: một là bí, hết đường nói lại; hai là khinh người. Bí mà làm thinh, không nhận lỗi cách đường đường chánh chánh, thì thành ra mình không có can đảm, không biết phục thiện. Còn khinh người thì lại vô lý lắm, mình khinh người, người lại chẳng biết khinh mình sao?” (Phụ nữ tân văn, số 62/1932, tr. tr. 9). Tế Xuyên trên báo Đời mới nhắc lại chuyện Ngô Đức Kế mắng “con đĩ Kiều” không phải để ủng hộ quan điểm của cụ nghè Ngô, mà qua đó nói về cái “hùng” của người cầm bút, khi trông thấy dư luận có khả năng bị lôi kéo vì lời lẽ quá khích của một người thì nhà báo nói riêng và bậc trí thức nói chung có trách nhiệm thức tỉnh dân chúng khỏi cái mị của chữ nghĩa.

Ngoài những bài bình luận, phát biểu quan điểm, tranh luận… một số báo còn dành riêng cho Truyện Kiều những hoạt động kéo dài trên nhiều số báo. Đặc biệt, một số tờ báo còn bắt đầu chuỗi bài viết về Truyện Kiều ngay từ số đầu tiên. Báo Đời mới có hẳn một chuyên mục Để giúp học sinh: Tìm hiểu Truyện Kiều do Hoàng Lê phụ trách bắt đầu từ số 1 năm 1952. Cũng trên báo này, Vân Hạc Lê Văn Hoè chủ trương chuyên mục Mỗi tuần một chữ để hiểu truyện Kiều. Các bài viết trong chuyên mục này về sau được tập hợp và in thành sách Truyện Kiều chú giải xuất bản năm 1952. Phụ nữ tân văn ngay số đầu tiên năm 1929 đã mở “Cuộc thi Tuý Kiều” với câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?” Tổng cộng 19 bài dự thi đã được ban biên tập tuyển chọn đăng trên nhiều số báo trong suốt 2 năm 1929 và 2930. Cuộc thi kết thúc bằng bài phân tích của ông Trần Trọng Kim, cho rằng không thể căn cứ vào đạo đức để chê khen Kiều được. Tờ Thế giới cũng đưa Kiều vào số mở đầu. Bằng Vân, Xuân Diệu, và Xuân Việt chỉ bình một đoạn thơ trong Truyện Kiều qua bài “Những hạt minh châu trong chuỗi ngọc”, nhưng bài dài đến nỗi phải đăng trên 7 số báo liền mới hết. Việc thực hiện các chuyên mục, chuyên đề về Truyện Kiều, và việc các chuyên đề ấy bắt đầu từ số đầu tiên của tờ báo đã cho thấy ban biên tập của những tờ báo này đã đặt Truyện Kiều ở một vị trí hết sức trang trọng, đồng thời chứng minh cho nguồn cảm hứng không hề vơi cạn mà Truyện Kiều có thể khơi gợi ở những người làm văn, làm báo đất Nam Bộ.

Nhìn chung, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể không được độc giả Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt như ở đất Bắc, nhưng điều đó không có nghĩa là những người làm văn, làm báo Nam Bộ lại ít quan tâm đến kiệt tác văn học dân tộc này. Báo chí Nam Bộ quan tâm đến Nguyễn Du và Truyện Kiều một phần là nhờ không khí mà các học giả đất Bắc đã khởi xướng nên, cụ thể là cuộc kỷ niệm Nguyễn Du năm 1924 của hội Khai Trí Tiến Đức và những tranh luận xung quanh bài ca tụng của Phạm Quỳnh dành cho Kiều trên Nam Phong. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là bởi Truyện Kiều là một kiệt tác, và thông qua viêc tiếp nhận tác phẩm này, các nhà văn, nhà báo có cơ hội bộc lộ quan điểm của mình về nhiều phương diện văn chương, xã hội, thời đại… Có thể thấy các nhà nghiên cứu, phê bình trên báo chí Nam Bộ đã đánh giá cô Kiều nói riêng và Truyện Kiều nói chung từ cả khía cạnh văn bản như nguồn gốc tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ… lẫn khía cạnh ngoài văn bản như những yếu tố chi phối đến Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều, ý nghĩa đạo đức, tôn giáo, lịch sử, xã hội của tác phẩm. Vấn đề này sẽ được tìm hiểu kỹ hơn ở hai mục sau.

2. Truyện Kiều từ hướng tiếp cận ngoại quan

Tiếp cận ngoại quan là phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học dựa trên những tác động và chuẩn mực nằm ngoài văn bản tác phẩm đó. Đó có thể là cách đánh giá nhân vật hoặc giá trị nội dung của tác phẩm căn cứ trên các quan niệm về đạo đức, hoặc diễn dịch ý nghĩa xã hội của tác phẩm trong những hoàn cảnh cụ thể. Kết quả của cách tiếp cận ngoại quan do đó thay đổi tuỳ thời điểm lịch sử và quan điểm riêng của người phê bình. Trên báo chí Quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, Truyện Kiều chủ yếu được tiếp cận từ góc độ này.

Một trong những cách đọc Truyện Kiều khá thường thấy, không phải chỉ đến đầu thế kỷ 20 mà ngay từ khi Truyện Kiều mới ra đời, là cách đọc tri âm, tức là người đọc đi tìm kiếm sự đồng cảm sẻ chia với nhân vật, qua đó đồng cảm sẻ chia với tác giả. Đây cũng là cách đọc văn chương phổ biến trong thời trung đại. Sang thế kỷ 20, các nhà phê bình vẫn tiếp tục tìm cách giải mã nhân vật và tình tiết trong tác phẩm bằng những thông tin tiểu sử tác giả, từ đó tìm kiếm những nỗi niềm thầm kín mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Kiểu phê bình này được gọi là phê bình tiểu sử. Trực Thần có bài “Hy vọng của Nguyễn Du” trên Nam Kỳ tuần báo (1942), Minh Tú phân tích “Mâu thuẫn của Từ Hải dưới ngòi bút Nguyễn Du: hay tâm trạng ép uổng đau đớn của tác giả Đoạn trường tân thanh” trên Nhân loại (1953), Doãn Quốc Sĩ viết “Vấn đề tâm sự Nguyễn Du qua Đoạn trường tân thanh” trên Gió mới (1958) đều đưa ra những quan điểm về việc có hay không nỗi niềm hoài Lê của Nguyễn Du trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh. Minh Tú cho rằng Nguyễn Du giết Từ Hải là vì mâu thuẫn trong lòng của một nhà Nho đã khiến ông phải giết chết một tên “tướng giặc”, dù tướng giặc ấy đại diện cho tất cả ước mơ mà ông xây đắp. Trực Thần lý giải ý nghĩa của cảnh đoàn viên cuối tác phẩm theo một hướng rất khác các quan niệm trước đó. Ông cho rằng cảnh đoàn viên không phải để bộc lộ triết lý nhân quả, cũng không phải để thưởng cho lòng hiếu thảo của nàng Kiều, mà nó kín đáo thể hiện khát vọng của cụ Nguyễn về sự phục quốc của nhà Lê, khát vọng về một kết thúc có hậu trong lòng một kẻ mang tâm sự di thần. Trong bài viết của mình, Doãn Quốc Sĩ tổng thuật lại các quan điểm khác nhau liên quan đến vấn đề này. Ông đi từ ý kiến của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Bỉnh Tuyên và đi đến kết luận của riêng mình là Nguyễn Du không còn thương nhớ gì nhà Lê nữa, mà đã thức tỉnh và thoát khỏi giới hạn chật hẹp của quan niệm trung quân-ái quốc. Có thể thấy, chỉ riêng việc tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du đã cho ra những kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, cho thấy nỗ lực tri âm người nghệ sĩ gần như không bao giờ có hồi kết.

Một khuynh hướng phê bình Truyện Kiều khác cũng rất phổ biến là phê bình đạo đức. Suốt mấy trăm năm từ lúc Truyện Kiều ra đời, cô Kiều và cả Nguyễn Du đã trở thành đối tượng chỉ trích của cả dư luận bác học lẫn dư luận bình dân căn cứ trên quan điểm phê bình đạo đức này. Nguyễn Công Trứ mắng Kiều là “đĩ thập thành”, dân gian cũng bảo “Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều”. Sang thế kỷ XX, Kiều lại bị lôi ra nhiếc móc không thương tiếc. Những nhà phê bình ở phe đối lập đã dùng đủ mọi lập luận để bênh vực đạo đức cô Kiều. Các nhà viết báo ở Nam Bộ cũng không đứng ngoài cuộc tranh luận này. Báo Phụ nữ tân văn tổ chức hẳn một cuộc thi với đầu đề “Kiều nên khen hay nên chê?” Mười tám bài viết dự thi cuộc này đa phần đều chê Kiều thiếu tiết nghĩa đức hạnh, có khen chăng cũng là vớt vát một cách yếu ớt. Thạch Lan thẳng thừng:

Cô Kiều, tôi tiếc cho tài sắc của cô, mà tôi chê cái đạo lý của cô! Sao cô không biết quyết một thờ tần Danh Dự mà nỡ ép mình sống nhơ sống nhớp trong bao nhiêu lâu? Cô rước khách, cô giựt chồng người, cô ăn cắp, cô nói láo, cô ca hát cho kẻ giết chồng cô được nghe, cô còn dám trở lại với người ước nguyện ngày xưa. Người đàn bà đạo đức có như vậy sao? Đời cô thế là hỏng! (Phụ nữ tân văn, số 5, tr. 18).

Mạt sát đến mức này thì Uy Viễn Nguyễn Công Trứ hay cụ Nghè Ngô Đức Kế cũng phải nể. Phần đông những người lên án Kiều đều chỉ mắng Kiều là đĩ, nhưng tác giả trẻ này quy cho Kiều mọi tội lỗi xấu xa trên đời. Huỳnh Thúc Kháng trình làng một chuỗi 5 bài thơ mắng Kiều và chế giễu lễ kỷ niệm Nguyễn Du trên Đông Pháp thời báo số 557 (1927). Trúc Hà bênh vực Kiều bằng việc phân tích quan niệm của Kiều về chữ “trinh”. Về điểm này, ông không nương theo lập luận của Nguyễn Du qua lời Kim Trọng “Như nàng lấy hiếu làm trinh”, mà phân tích cảm xúc của Kiều từ điểm nhìn của chủ nghĩa cá nhân, chống lại những định kiến lễ giáo của tập thể, cộng đồng mà ông cho là cũ kỹ và cay nghiệt. Thiếu Sơn thể hiện niềm yêu mến, thông cảm với nàng Kiều thông qua một truyện ngắn kể về lại chuyện mộng thấy nàng Kiều như Kiều mộng thấy Đạm Tiên xưa. Không chỉ có Kiều mà Từ Hải cũng thường xuyên bị mang lên bàn cân đạo đức. Phan Bình Thái trên Nhân loại (1954) kết luận Từ Hải chết yểu là do kiêu ngạo, hữu dũng vô mưu, đã tạo nên cơ nghiệp để đời mà lại nghe những lời khuyên hàng vô lý của Kiều.

Nếu phê bình tiểu sử và phê bình đạo đức là những cách đọc Truyện Kiều đã có từ thời trung đại và được tô đậm thêm trong thế kỷ 20 thì khuynh hướng phê bình Kiều từ góc nhìn chính trị-xã hội một mặt vẫn phát triển những cách nhìn nhận đã có từ xưa, mặt khác mở ra một hướng mới. Các nhà phê bình sử dụng Kiều như một công cụ đấu tranh xã hội. Nâng Truyện Kiều trở thành một biểu tượng văn hoá cũng là cách nhà phê bình bảo vệ văn hoá dân tộc trong bão táp văn hoá thực dân. Nhiều tác giả tìm cách lý giải nội dung tác phẩm và tư tưởng của Nguyễn Du từ góc nhìn tôn giáo. Vân Hạc Lê Văn Hoè đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Truyện Kiều là một dâm thư hay một Phật kinh” không nhằm bênh vực hay chê bai cô Kiều, mà tìm kiếm thứ triết lý chi phối quan điểm của Nguyễn Du trong quá trình sáng tạo. Trần Trọng Kim viết bài kết lại cuộc thi Kiều trên Phụ nữ tân văn đã cho rằng đề thi báo đưa ra là vô nghĩa lý, vì đó không phải là giá trị của tác phẩm. Trần Trọng Kim cho rằng đánh giá Truyện Kiều phải đi tìm triết lý và tư tưởng xã hội trong tác phẩm, cụ thể ở đây là triết lý Phật giáo và tư tưởng nhân quả. Nam Hưng tìm kiếm “Ảnh hưởng của triết lý Á Đông trong truyện Kiều” trên Văn hoá nguyệt san (số 5/1952) và rút ra kết luận Nguyễn Du là một trường hợp đặc biệt chịu ảnh hưởng và thấm nhuần triết lý của cả ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo. Hoàng Lê phản ứng lại với kết luận này trên tờ Đời mới, cho rằng ảnh hưởng tư tưởng tam giáo không có gì lạ ở xử sở này, và Nguyễn Du cũng như Truyện Kiều chỉ là kết quả của tác động xã hội mà thôi. Trong bài viết của mình, Hoàng Lê thể hiện rất rõ cách đọc xã hội học văn học và trình bày các lý thuyết có liên quan.

Bên cạnh đó còn có những bài viết bàn về lịch sử tiếp nhận và ảnh hưởng xã hội của Truyện Kiều thông qua các hình thức truyền bá và sử dụng tác phẩm như lẩy Kiều, tập Kiều, chế Kiều, ca dao Kiều… cho thấy tầm ảnh hưởng và sức sống mạnh mẽ của kiệt tác này.

3. Truyện Kiều từ hướng tiếp cận nội quan

Tiếp cận Truyện Kiều từ hướng nội quan cũng khá phong phú trên báo chí Nam Bộ nhưng không gây chú ý bằng hướng tiếp cận ngoại quan cũng bởi nó ít khả năng gây tranh cãi. Có ba cách tiếp cận nội quan chủ yếu đối với Truyện Kiều: nghiên cứu nguồn gốc văn bản Truyện Kiều, phẩm bình nghệ thuật ngôn từ, và phân tích tình tiết, nhân vật căn cứ thuần tuý vào câu chữ.

Nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến lịch sử hình thành và vấn đề văn bản của tác phẩm Đoạn trường tân thanh. Bàn về kết thúc Truyện Kiều, Trực Thần thuật lại những phiên bản khác nhau của câu chuyện nàng Kiều. Ông nhắc lại Phạm Quỳnh với bài viết cho rằng Đoạn trường tân thanh được gợi hứng từ truyện ngắn trong Ngu sơ tân chí của Dư Hoài, trong đó truyện kết thúc ở chi tiết Kiều khi bị ép gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận và trầm mình ở sông Tiền Đường, và cái kết thúc đoàn viên là sáng tạo của Nguyễn Du. Đào Duy Anh bác lại Phạm Quỳnh, cho rằng tác phẩm được phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, và Nguyễn Du không có công sáng tạo ra cảnh đoàn viên. Tác giả B. T. trên Phụ nữ tân văn (1929) giới thiệu quyển Phong tình lục của Thanh Tâm Tài Nhân và đặc biệt là Tuyết Nguyệt Mai của Trần Lãng có kể về sự tích Từ Hải và Vương Thuý Kiều. Trong tuyển tập của Trần Lãng, Từ Hải nhảy xuống sông chết, còn Thuý Kiều dùng gươm tự sát chứ không trầm mình ở Tiền Đường, về sau được vua nhà Minh sắc phong là “Nghĩa liệt cung nhân” (Phụ nữ tân văn, số 39, tr. 23). Doãn Quốc Sỹ trong bài “Bản phường và bản kinh” đăng trên Gió mới cho biết văn bản truyện Kiều xa xưa nhất chỉ còn bản Kinh do vua Dực Tông chỉnh sửa lại cho in ở Huế, bản Phường do Phạm Quý Thích cho đem khắc và in ở phố Hàng Gai Hà Nội, và bản Phường gần nguyên tác hơn. Qua phân tích, tác giả cho thấy nhiều chỗ sửa của bản Kinh kém hay hơn rất nhiều, nhưng cũng có vài chỗ ông cho rằng lời chỉnh sửa hợp lý hơn. Tác giả này cũng bàn về thời điểm sáng tác Đoạn trường tân thanh, tổng thuật lại các quan điểm khác nhau, và đưa ra kết luận Nguyễn Du viết Kiều trước khi đi sứ, và chịu ảnh hưởng truyện Hoa Tiên nguyên tác của Nguyễn Huy Tự, nhưng sau đó Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên lại chịu ảnh hưởng từ Đoạn trường tân thanh.

Những bài viết phẩm bình nghệ thuật ngôn từ trong Truyện Kiều chiếm số lượng khá nhiều và được trình bày thành các chuyên mục kéo dài trong nhiều số báo. Vân Hạc Lê Văn Hoè mỗi tuần chú thích và bình một chữ trong Truyện Kiều trên báo Đời mới. Hoàng Lê phân tích Truyện Kiều theo kiểu phê bình giáo khoa, tức là đọc kỹ một vài chi tiết trong tác phẩm và hướng dẫn học sinh lý giải tác phẩm căn cứ trên văn bản. Bằng Vân, Xuân Diệu, Xuân Việt chỉ phân tích một trích đoạn ngắn trong Truyện Kiều nhưng có hẳn một bài báo dài 7 kỳ báo “Những hạt minh châu trong chuỗi ngọc” trên tờ Thế giới. Các tác giả phân tích câu chữ của trích đoạn theo kiểu phẩm bình truyền thống phương Đông, chỉ ra nghệ thuật sử dụng các biện pháp miêu tả tài tình của Nguyễn Du như phép non cao đối ngọn, đăng chiếc đảo ngàn, chim trốc dẫn bầy, đôi nhạn cùng bay… tạo nên khí thơ, hơi thơ biến hoá không cùng. Bài viết này chú trọng đến phong cốt văn chương mang đặc trưng phương Đông rõ nét, rất khác với kiểu phân tích đầy lý tính của phê bình phương Tây.

Những tác giả thường xuyên khai thác các chi tiết và vấn đề trong Truyện Kiều là Doãn Quốc Sỹ và Thế Viên, với các bài viết “Những vầng trăng theo rõi đời Kiều”, “Bốn mùa trong Truyện Kiều”, “Tiếng đàn của Kiều”, “Tình quê hương của Kiều qua mười lăm năm luân lạc”… Những chủ đề này có thể không mới, nhưng mỗi tác giả khi khai thác lại một chủ đề cũ vẫn có những cách nhìn, cách so sánh mới lạ. Chẳng hạn Thế Viên khi phân tích bốn mùa trong Truyện Kiều đã so sánh với những câu thơ tả mùa của phương Tây. Doãn Quốc Sỹ khi bàn về tiếng đàn của Kiều đã có lời trao đổi với Phạm Quỳnh liên quan đến ý kiến nhiều năm trước đó của cụ Phạm. Phạm Quỳnh cho rằng tiếng đàn đoàn viên của Kiều vẫn cũng một màu sầu thảm như những lần đàn trước, nhưng Doãn Quốc Sỹ lại cho rằng những âm thanh ấy vang lên tiếng lòng thanh thản sau những giông tố cuộc đời.

Tóm lại, báo chí Nam Bộ nửa đầu thế kỷ hai mươi, cũng như báo chí ở miền Bắc thời bấy giờ, rất quan tâm đến Truyện Kiều và Nguyễn Du vì nhiều lý do. Thứ nhất, Truyện Kiều là một kiệt tác không bao giờ vơi cạn khả năng khám phá. Thứ hai, việc tiếp thu các tư tưởng lý luận phê bình phương Tây đầu thế kỷ hai mươi đã thúc đẩy việc tìm hiểu Truyện Kiều từ nhiều góc nhìn khác nhau. Thứ ba, suy tôn Truyện Kiều và Nguyễn Du là một cách cổ vũ cho việc bảo tồn văn hoá dân tộc. Thứ tư, cuộc tranh luận Truyện Kiều trên Nam Phong đất Bắc đã lan ra khắp toàn quốc, và báo chí Nam Bộ vẫn còn bàn tán và đóng góp ý kiến về sự kiện này trong suốt nhiều năm. Đây không chỉ là cuộc tranh luận thuần tuý về một tác phẩm văn học, mà còn là sự xung đột giữa các quan điểm xã hội. Độc giả Nam Bộ vốn xem trọng giá trị đạo lý của tác phẩm văn chương, nên khi đọc Kiều họ cũng không tách mình khỏi quan niệm này. Cuộc thi phẩm bình đạo đức của Kiều trên Phụ nữ tân văn thu hút nhiều ý kiến cũng bởi vì lý do này, dù học giả đất Bắc Trần Trọng Kim cho rằng bản thân câu hỏi của đề bài không có giá trị. Những ý kiến về Truyện Kiều trên báo chí Nam Bộ có khuynh hướng thiên về truyền thống hơn so với miền Bắc cùng thời, hoặc thậm chí trước đó. Người đọc ở phương Nam không chỉ hướng về phê bình ngoại quan nhiều hơn, đọc Kiều để hiểu tâm sự Nguyễn Du, đánh giá Kiều trên chuẩn mực đạo đức, mà ngay cả phê bình nội quan cũng có khuynh hướng phẩm bình theo kiểu nắm thần bắt ý của phương Đông. Trong khuôn khổ báo chí, những bài phẩm bình hay ý kiến tranh luận thường không có điều kiện để đào sâu và đi vào chi tiết, nhưng đã tạo nên được không khí tranh luận, kỷ niệm sôi nổi, củng cố thêm vị trí của Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong lòng độc giả đất phương Nam và cả nước(*).

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số 2013B-18b-05.

                           

Tài liệu tham khảo

  1. Ngạc Am (1934), “Truyện Kiều từ cụ Nguyễn Du đến cụ Phạm Quỳnh, cụ Ngô Đức Kế, cụ Hoàng Thúc Kháng”, Công luận báo (6451) tr.1, 8; (6452) tr.1, 8; (6453) tr.1, 8.
  2. Hồ Biểu Chánh (1942), “Tiểu thuyết gia đối với tác giả truyện Kiều”, Nam Kỳ tuần báo (5), tr.5.
  3. Trác Chi (1935), “Tiểu truyện cụ Nguyễn Du”, Sống (28), tr. 4-5.
  4. Đồ Đạc (1935), “Vườn xuân một cửa”, Sống (28), tr.18.
  5. Bùi Giáng (1954), “Nhân đọc Bản ngã cô Kiều của ông Nguyễn Sĩ Tế”, Đời mới, số 115 ngày 27/5-3/6/1954, tr.16-17; số 116 ngày 3-10/6/1954, tr.16-17; số 117 ngày 10-17/6/1954, tr.16,36.
  6. Trúc Hà (1942), “Quan niệm của Kiều về chữ trinh”, Nam Kỳ tuần báo (3), tr.6-7, 18.
  7. Trúc Hà (1942), “Ý nghĩ về cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du”, Nam Kỳ tuần báo (6), tr.18-19, 31.
  8. Nguyễn Văn Hoài (1943), “Trình độ văn học của ta ngày nay”, Đại Việt tập chí (22-23), tr.7-10.
  9. Vân Hạc Lê Văn Hoè, (1952), “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều: Cầm”, nghiên cứu, Đời mới, (26), tr. 35, 38.
  10. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1952), “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều: Bạc”, nghiên cứu, Đời mới, (29), tr.43-45.
  11. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1952), “Mỗi tuần một chữ để hiểu Truyện Kiều: Bàn lại về nghĩa chữ Vời”, nghiên cứu, Đời mới, (30), tr.43-44.
  12. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1952), “Mỗi tuần một chữ để hiểu truyện Kiều: Bài”, nghiên cứu, Đời mới, (31), tr.48.
  13. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1952), “Mỗi tuần một chữ để hiểu truyện Kiều: Xuân”, nghiên cứu, Đời mới, (32), tr.43-44.
  14. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1953), “Nho giáo và Truyện Kiều”, nghiên cứu, Đời mới, (39), tr.24; (40), tr.24.
  15. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1952), “Tìm hiểu truyện Kiều: Thử vẽ chân dung Từ Hải”, nghiên cứu, Đời mới, (36), tr.19, 36.
  16. Vân Hạc Lê Văn Hoè (1953), “Xét lại triết lý truyện Kiều: sửa một điều làm từ Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm… đến Nguyễn Bách Khoa: Truyện Kiều là một dâm thư hay một Phật kinh?”, Nhân loại, (20) tr.1, 3-5; (22) tr.4-5, 16, 21.
  17. Đông Hồ (1935), “Phê bình về Truyện Kiều và cụ Tiên Điền”, Sống (28), tr.6-8, 11.
  18. Hội Quảng Trị, Huế (1942), “Đài kỷ niệm Nguyễn Du”, Nam Kỳ tuần báo (16), tr.4.
  19. Đào Thinh Hương (1932), “Đáp lời ông Vân Hạc: Hãy còn nhiều người lầm chữ trong truyện Kiều”, Công luận báo (7189), tr.5.
  20. B. H., NG. TR., “Giai thoại về Truyện Kiều”, Sống (28), tr.2.
  1. Huỳnh Thúc Kháng (1927), “Thơ vịnh Kiều: 5 bài liên hoàn vịnh Kiều chế giễu việc kỷ niệm ông Nguyễn Du”, Đông Pháp thời báo (557), tr. 7.
  2. Trần Văn Khê (1949), “Anh Nguyễn Văn Cổn nói về Truyện Kiều nhân ngày kỷ niệm cụ Nguyễn Du”, Việt báo, (21), tr.22-23.
  3. Vương Quý Lê (1942), “Chạnh nhớ người xưa: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền nơi thi hào Nguyễn Du ký gởi nắm xương tàn ngàn kiếp”, Nam Kỳ tuần báo (3), tr.3-4, 9.
  4. Bằng Vân, Xuân Diệu, Xuân Việt (1949), “Những hạt minh châu trong chuỗi ngọc (nhặt những câu thơ đẹp trong Truyện Kiều)”, Thế giới (1) tr.22-23; (2) tr.20-22; (3) tr.32-33; (4) tr.28-29; (5) tr.28-29; (6) tr.29, 33; (7) tr.20-21, 32.
  1. Trần Trọng Kim (1930), “Truyện Tuý Kiều: Một cái nghĩa mới về Truyện Kiều”, Phụ nữ tân văn (17), tr.9-10.
  2. Hoàng Lê (1952), “Ảnh hưởng triết lý Á Đông trong Truyện Kiều hay là mối tương quan giữa văn nghệ phẩm và xã hội”, nghiên cứu, Đời mới, (37), tr.18-20.
  3. Hoàng Lê (1952), “Cụ Nguyễn Du không hiểu nhạc Tàu hay dùng chữ sai? Cô Kiều giỏi đờn hay giỏi nhị?”, nghiên cứu, Đời mới, (4), tr.?, 44.
  4. Hoàng Lê (1952), “Để giúp học sinh: Tìm hiểu truyện Kiều”, Đời mới, (1), tr.13, 34; (2), tr.16, 44; (3), tr.24.
  1. Lỗ Trọng Liêng (1924), “Đồng thinh tương ứng: Lễ kỷ niệm một nhà đại thi hào nước ta: cụ Nguyễn Du), Đông Pháp thời báo, (139), tr. 1, 4.
  2. Ngô Quang Lý (1943), “Nhân ngày giỗ cụ Nguyễn Du: Minh oan cho Thuý Kiều”, Đại Việt tập chí (22-23), tr.11-21.
  3. Tô Mai (1935), “Thơ Kiều với ông Trương Tửu”, Sống (28), tr.3.
  4. N. K. T. B., (1942), “Diễn thuyết ở Cần thơ về Nguyễn Du và Truyện Kiều”, Nam Kỳ tuần báo (5), tr.9.
  5. Huyền Nga (1935), “Chơi Kiều”, Sống (28), tr.18.
  6. P. N. T. V. và độc giả (1929-1930), “Kiều nên khen hay nên chê?”, Phụ nữ tân văn (1) tr. 30; (3) tr.13; (4) tr.13; (5) tr.18; (6) tr.18; (7) tr.15-16; (8) tr.14-15; (9) tr.14-15; (10) tr.16.
  7. Châu Minh Phương (1954), “Tìm hiểu truyện Kiều: Đạm Tiên dưới ngòi bút của Tố Như”, nghiên cứu, Đời mới, (145), tr.26, 34.
  8. Trương Quang (1924), “Văn uyển: Thơ vịnh Kiều”, Đông Pháp thời báo (225), tr.1.
  9. Sống (1935), “Lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền”, Sống (28), tr.1-2.
  10. Thiếu Sơn (1942), “Chiêm bao thấy Thuý Kiều”, Nam Kỳ tuần báo (3), tr.5, 8.
  11. Trần Việt Sơn (1951), “Để hiểu Nguyễn Du và để hiểu Truyện Kiều”, Điện báo (7), tr.6-7, 18.
  12. Lê Khánh Sum (1924), “Kim Vân Kiều tân giải (giải thích truyện Kiều), Đông Pháp thời báo (139-).
  13. Lê Sum (1924), “Văn Kim Vân Kiều”, Đông Pháp thời báo, (124), tr.1.
  14. Doãn Quốc Sỹ, (1958), “Khảo luận về Đoạn trường tân thanh: Những vừng trăng theo rõi đời Kiều”, Gió mới (28), tr.13-15.
  15. Doãn Quốc Sỹ, (1958), “Khảo luận về Đoạn trường tân thanh: Tình quê hương của Thuý Kiều qua mười lăm năm luân lạc”, Gió mới (29), tr.9-11, 34-35.
  16. Doãn Quốc Sỹ, (1958), “Khảo luận về Đoạn trường tân thanh: Tiếng đàn của Kiều”, Gió mới (30), tr.9-10.
  17. Doãn Quốc Sỹ, (1958), “Vấn đề tâm sự Nguyễn Du qua Đoạn trường tân thanh”, Gió mới (31), tr.7-8, 23-24.
  18. Doãn Quốc Sỹ, (1958), “Khảo luận về Đoạn trường tân thanh: bản phường và bản kinh”, Gió mới (32), tr.9-11.
  19. Doãn Quốc Sỹ, (1959), “Khảo luận về Đoạn trường tân thanh: Đoạn trường tân thanh sáng tác vào thời nào?”, Gió mới (33), tr.8, 23.
  20. Doãn Quốc Sỹ (1959), “Tìm hiểu hai làng Tiên Điền và Uy Viễn, làng của Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ”, Gió mới, (38), tr. 24-27.
  21. B. T. (1930), “Một cô Thuý Kiều nữa”, Phụ nữ tân văn (39), tr.22-23.
  22. Hoàng Tâm (1932), “Dẫn giải Kim Vân Kiều”, Đuốc nhà Nam, (773), tr.3.
  23. Phan Bình Thái (1954), “Độc thư lạc thú: Phải chăng Từ Hải chết yểu là vì tính khí kiêu ngạo của chàng?”, Nhân loại, (20), tr. 9, 11.
  24. Thanh (1952), “Ý kiến bạn đọc về bài Tìm hiểu một đoạn văn Kiều”, phân tích, Đời mới, số 38, ngày 27/12/1952, tr. 36-37.
  25. Trực Thần (1943), “Hy vọng của Nguyễn Du”, Nam Kỳ tuần báo (51), tr.7-8.
  26. Tiểu Mạnh Thường (1954), “Tìm hiểu truyện Kiều: Thuý Vân có ghen không?”, nghiên cứu, Đời mới, (14), tr. 22-23, 42.
  27. Minh Tú (1953), “Độc thư lạc thú: Mâu thuẫn của Từ Hải dưới ngòi bút Nguyễn Du: hai tâm trạng ép uổng đau đớn của tác giả Đoạn trường tân thanh”, Nhân loại, (13), tr.3, 14-15.
  28. Tế Xuyên (1952), “Rút kinh nghiệm của các ký giả đàn anh: Từ ngòi bút Ngô Đức Kế chửi “con đĩ Kiều” đến ngòi bút của thầy “cò” gây giông tố trong toà soạn”, nghị luận, Đời mới, (26), tr.18, 42.
  29. Tô Văn (1924), “Cũng là văn Kim Vân Kiều”, Đông Pháp thời báo, (129), tr.1.
  30. Thế Viên (1959), “Bốn mùa trong Truyện Kiều”, Gió mới, (34), tr.8-9, 23. 

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 2-3 (82-83) tháng 3-5.2016

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63611065
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18387
10905
63611065

Thành viên trực tuyến

Đang có 500 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website