Ocean Vuong: Nhà văn phải “cứng đầu”

Một buổi tối mùa đông, tôi đến nhà Ocean Vương theo lời hẹn. Anh đang pha trà và chuẩn bị bánh mứt, trong căn nhà được xây từ thế kỷ XVII ở vùng New England phủ đầy ánh sáng vàng ấm áp mà anh mới chuyển về ở vài tuần trước. Chúng tôi trò chuyện về văn chương và kinh nghiệm của anh trong sáng tác.

Là một nhà văn lớn lên trong gia đình nhập cư tại Mỹ và là một nhà văn “lệch chuẩn” (queer writer), Ocean luôn muốn dùng ngòi bút của mình để phá vỡ vị trí thống trị, tính tiêu chuẩn, khuôn mẫu, thang đo được cho là “giá trị” của văn chương Âu Mỹ đồng thời không ngần ngại đi sâu vào những vấn đề phân biệt chủng tộc và những định kiến giới trong xã hội. Vì thế, cuộc trò chuyện còn có sự tham dự của một số tác giả trẻ Việt Nam qua Zoom. 

Trước khi trò chuyện, Ocean Vương thực hiện một nghi lễ đội mũ như cách anh vẫn thường làm khi bước vào thế giới văn chương của riêng mình. 

Chia sẻ chung của anh về việc sáng tác và sự nghiệp văn chương của mình?

Làm nhà văn không dễ, dù nó cũng không phải việc khó khăn nhất. Làm ở tiệm nail hay nhà máy vất vả hơn nhiều. Nhưng cuộc đời của nhà văn luôn bấp bênh và “hên xui”, bạn cần chuẩn bị tinh thần để thất bại. Phần đẹp đẽ nhất của việc trở thành nhà văn là làm quen với sự từ chối. Khi người khác bắt đầu một việc và bị từ chối, họ dễ dàng sụp đổ, nhưng nhà văn phải hiểu sự từ chối là tiền đề để tiến lên phía trước.

Văn chương là môn nghệ thuật mà không bằng cấp nào có thể đảm bảo cho bạn một công việc hay tương lai. Nếu muốn làm y tá, bạn cần một tấm bằng; nếu muốn làm bác sĩ, bạn cần dành khoảng 8 năm để đi học; nhưng nếu muốn trở thành nhà văn, bạn có thể làm việc đó ngay bây giờ, đêm nay hay ngày mai. Lĩnh vực này luôn rộng mở nhưng rất khó để ở lại. Thế giới không thật sự tương trợ bạn trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nó chỉ ủng hộ bạn khi tác phẩm đã hoàn thành: khi đó, độc giả sẽ mua sách.

Thách thức lớn nhất với những người viết trẻ không tên tuổi là làm thế nào để nuôi sống bản thân khi sáng tạo nghệ thuật. Bạn có thể làm những công việc tay trái nhàm chán, thậm chí càng chán càng tốt, để khỏi phải suy nghĩ. Khi về nhà, đầu óc sảng khoái, bạn có thể tập trung viết.

Tôi viết tập thơ đầu tiên khi làm việc ở quán cà phê. Lúc làm, tôi chẳng phải nghĩ gì cả. Sau đó tôi về căn hộ nhỏ xíu của mình ở New York, tìm một góc yên tĩnh và sáng tác. Nghệ thuật là công việc của tình yêu, bạn phải yêu nó. Tôi không khuyên bạn trở thành nhà văn, bởi nếu chỉ nói “Hãy bỏ đi tất cả mà viết” thì có vẻ không trách nhiệm lắm. Lời khuyên của tôi là: hãy yêu văn chương và nó sẽ luôn ở đó vì bạn. Đọc nhiều hơn viết, làm việc kỷ luật, dành nhiều thời gian cho tác phẩm. Có một công việc bên lề để nuôi sống chính mình. Cho bản thân thời gian suy nghĩ. Đó là một con đường rất dài.

Có nhiều tác giả trẻ ở Việt Nam ít để ý khai thác sức mạnh của ngôn ngữ trong sáng tác nên tác phẩm của họ chưa thể đi xa được. Vừa là nhà văn nhưng đồng thời cũng là học giả, theo anh, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong văn chương?

Ngôn ngữ là thứ công nghệ cổ xưa nhất của con người. Nó đến trước những nền văn minh và các thành phố. Nếu nhìn vào từ “narrative” (tự sự), gốc Latin của nó là “gnarus” (to know), nghĩa là kiến thức. Vậy nên tự sự, ngôn ngữ và việc kể chuyện là phương tiện truyền tải kiến thức, và từ kiến thức, ta có văn hóa.

Kể chuyện là cách kiến tạo văn hóa và xã hội. Đó là công việc của một nhà văn ở cấp độ lớn nhất. Việc có tầm nhìn lớn là điều rất quan trọng. Người ta hay bảo nhà văn cần khiêm tốn và không nên nhìn quá xa, đừng nghĩ bản thân có thể thay đổi cả nền văn hóa. Nhưng hãy nghĩ về những người chế tạo vũ khí, bom đạn, hóa chất để hại người khác, những người làm ở phố Wall và những doanh nghiệp đang bào mòn tài nguyên của thế giới, họ không bao giờ nói rằng “hãy khiêm tốn”. Khi chế tạo quả bom tiếp theo, họ chẳng bao giờ bảo: “Hãy làm nó nổ ít hơn”. Những lĩnh vực đó luôn được kỳ vọng kết quả tối đa. Vậy mà với nghệ thuật, văn hóa và ngôn ngữ, chúng ta, nhất là người châu Á, lại bị khuyên rằng hãy khiêm nhường và biết ơn.

Khi coi ngôn ngữ là một loại công nghệ, ta cần hình dung mình đang ở trong trận chiến của những giai thoại (myths). Mở sách giáo khoa lịch sử Mỹ, bạn sẽ thấy cả chương sách 30 trang về cố tổng thống George Washington, trong khi chỉ có 2 trang về chiến tranh Việt Nam kèm theo một bức ảnh Nixon và một bức ảnh rừng cây Việt Nam. Tất cả được viết dưới thể câu bị động: những thứ tồi tệ và lỗi lầm đã xảy ra… - không có thủ phạm nào ở đây cả. Ngôn ngữ được áp dụng để tạo ra những giai thoại theo hướng khác nhau. 

Vì vậy, là người viết, bạn đang điều khiển một loại vũ khí, công nghệ. Ngay cả khi không viết về những chủ đề mang tính chính trị, bạn cũng đang thay đổi cách tiếp nhận một nền văn hóa. Người ta thường bảo những người làm nghệ thuật phải có tầm nhìn nhỏ, phải khiêm tốn bởi họ biết nghệ thuật có sức mạnh lớn.

Tôi thường dùng ví dụ này để giúp sinh viên hiểu tầm quan trọng của ngôn ngữ: Trong Thế chiến 2, tỉ lệ bóp cò súng của quân đội Mỹ là 22%. Đó là con số thể hiện một quân đội thất bại. Tuy nhiên, trong chiến tranh Việt Nam, tỉ lệ bóp cò của quân đội Mỹ tăng lên mức 90%. Làm thế nào mà lính Mỹ có thể bóp cò súng nhiều hơn hẳn chỉ trong vòng 40 năm? Đó là bởi quân đội đã đưa những từ lăng mạ chủng tộc vào chương trình huấn luyện. Nói cách khác, họ khiến mục tiêu mất đi tính người.

Có cả mặt tốt và xấu trong câu chuyện này. Mặt tốt là, dù đã được huấn luyện, những người lính không hề muốn giết người. Đó cũng là lý do tại sao nhiều lính Mỹ mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng hậu sang chấn) - chúng ta không phải giống loài có thể giết đồng loại. Còn mặt xấu là, ta nhận ra ngôn ngữ có thể biến con người thành động vật. Đó là những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Ngôn ngữ che mờ và biến đổi bản chất của hiện tượng. Khi coi đối tượng không phải con người, bạn không giết chóc mà chỉ đang đi săn, và con người thì đã đi săn hàng thế kỷ rồi. Từ ngữ kỳ thị chủng tộc đã biến người Việt Nam thành những con thú bị săn đuổi. Nếu quân đội đã sử dụng ngôn ngữ để tăng năng suất cho cỗ máy giết người, ngôn ngữ là công nghệ đầu tiên.

Là một người viết, bạn cần tự hỏi: Nếu mọi khía cạnh trong xã hội đều đang tạo ra những giai thoại để thuyết phục người khác, mình đang tạo ra giai thoại gì? Điều đó có thể rất nhỏ và không nhất thiết phải liên quan tới chính trị. Đó có thể là câu chuyện tình yêu, nhưng khi viết nó, bạn đang tạo ra một giai thoại. Không có ngôn ngữ nào là trung lập. Đó là lý do tại sao rất nhiều chính quyền, nền văn hóa, đế chế đã cố gắng điều khiển ngôn ngữ để cai trị.

Anh được coi là một trong những nhà thơ xuất chúng của nền thơ ca Mỹ đương đại. Tuy nhiên, trong thơ ca, việc đánh giá một tác phẩm thơ hay hoặc dở không hề dễ dàng. Với anh, tiêu chí nào để đánh giá thơ hay?

Trong nghệ thuật, mọi đánh giá đều là chủ quan nên không thể thực sự so sánh. Không có cuộc thi nào quyết định được chất lượng của tác phẩm nghệ thuật. Đó là lý do nghệ thuật có nhiều trường phái và có nhiều cuộc cách mạng trong nghệ thuật được sinh ra từ sự đối lập. Khi không có thước đo nào, bạn có thể tự do tạo nên tác phẩm của mình. Tiêu chí duy nhất nên là bản thân bạn. Tác phẩm có làm bạn hài lòng, ngạc nhiên hay gợi những câu hỏi? Bạn có hào hứng với những gì mình viết? Nếu câu trả lời là có, hãy tiếp tục sáng tác. 

Nhưng nếu bạn chỉ viết để được xuất bản hay để được đón nhận, bạn sẽ đánh mất bản thân. Bạn không phải người phục vụ nghệ thuật mà chỉ là nô lệ của đám đông. Điều quan trọng là giữ vững sự độc lập trong sáng tác và chấp nhận rằng không phải ai cũng sẽ thích tác phẩm của bạn bởi cảm nhận của mỗi người là chủ quan. Vẻ đẹp nằm ở sự khác biệt trong cách tiếp cận. Sự cọ xát trong quan điểm sẽ tạo nên các diễn ngôn. Diễn ngôn là mầm mống cho sự phát triển của nghệ thuật. Một nền văn hóa phát triển nhờ phép biện chứng của diễn ngôn.

Có rất nhiều tác phẩm văn học hải ngoại viết về chiến tranh Việt Nam, được nhiều độc giả quan tâm. Tuy nhiên, với On earth we're briefly gorgeous (Trên mặt đất, chúng ta là một thoáng huy hoàng), anh đã chọn đề tài rất khác, đưa vào tác phẩm của mình rất nhiều vấn đề: người tị nạn, người da màu, người đồng tính, ký ức, chấn thương… Vì sao anh lại lựa chọn cách viết này?

Là một nhà văn, tôi nhất định phải viết về tất cả những điều tôi muốn. Đặc quyền giá trị nhất của nhà văn là sự bất tuân đối với các luật lệ và kỳ vọng – sự lì lợm, “cứng đầu”. Tôi là một nhà văn “cứng đầu”, tôi thích làm mọi thứ theo cách của mình và đi ngược lại sự kỳ vọng của nước Mỹ. Tôi muốn viết về cách chiến tranh ảnh hưởng đến danh tính Mỹ. Người Mỹ tin rằng sự tham gia của họ vào chiến tranh đã kết thúc từ năm 1975, tôi thì cho rằng sự tham gia ấy không bao giờ kết thúc vì tác động của cuộc chiến đã trở lại trên chính vùng đất của họ. 

Tác phẩm của tôi quan tâm tới cách mà tâm chấn của chiến tranh trở về ám ảnh những kẻ gây ra cuộc chiến. Bản sắc của nước Mỹ không hẳn là vùng đất tự do, thịnh vượng và hy vọng, đó là vùng đất của những bóng ma. Người tị nạn là những bóng ma bằng xương bằng thịt của chính sách đối ngoại và sự bạo lực của nước Mỹ. Ở thế hệ tiếp theo, chúng ta lại chứng kiến những bóng ma trở lại ở những người tị nạn Afghanistan. Dòng thời gian vẫn mở và tiếp nối.

Khi tôi bán sách cho các nhà xuất bản, nhiều nơi nói: “Cuốn sách này viết về quá nhiều điều. Bạn nên giới hạn lại”. Là một học giả về văn học, tôi biết họ đang nói sai. Khi một nhà văn da trắng viết về mọi thứ, điều đó thật đẹp, sáng tạo, can đảm, nhưng khi một nhà văn Việt Nam quyết định viết về nhiều thứ, họ bảo tôi nên chọn một thứ. Vì vậy, tôi hiểu rằng việc này là hạn chế của những người Mỹ trong cách nhìn nhận người Việt. Khi gặp những biên tập viên đó, tôi đáp: “Cảm ơn, nhưng tôi sẽ tìm nơi khác bởi suy nghĩ của bạn còn tụt hậu”. Đó là “cứng đầu”. Việc “cứng đầu” rất quan trọng nhưng cũng rất khó bởi cha mẹ nuôi dạy ta phải kính nể và vâng lời.

Tôi đã chứng kiến nhiều người ở thế hệ trước mình phải cúi đầu cả đời ở Mỹ, họ nói xin lỗi và cúi chào ở các tiệm nail. “Shame” - xấu hổ, giống như mình có tội mà thực sự đâu phải vậy. Tôi rất đau lòng khi thấy điều đó. Nếu viết văn, ta phải từ chối việc đó. Mấy chục năm cha mẹ mình cúi đầu xuống xin lỗi nhưng kết quả chẳng được gì - nhiều người Mỹ vẫn coi mình thấp hơn họ. Nhưng mình cũng không trách cha mẹ, mình thông cảm, nhưng con phải làm chuyện khác, con phải “cứng đầu”. Có lần, thấy tôi giảng xong, mẹ nói: “Con ơi, mẹ hiểu rồi. Bao nhiêu người Việt phải cúi đầu xuống ở nước Mỹ này rồi thì phải có người ngẩng đầu lên”. Đó là lý do tôi không tuân theo kỳ vọng của người Mỹ để đưa ra lựa chọn của riêng mình.

Có nhiều người loay hoay với chủ đề sáng tác và câu chuyện của họ vì họ cảm thấy vấn đề mình đưa ra không có gì mới mẻ. Có rất nhiều người kể chuyện nhưng câu chuyện của họ không được đón đợi, quan tâm. Là một tác giả ăn khách (best-seller), anh chia sẻ gì về điều này?

Tôi cho rằng câu văn giống như DNA vậy. Cả triệu con người đã sống mấy nghìn năm qua nhưng chưa ai từng là bạn hay tôi. Vậy nên không có câu chuyện nào giống với câu chuyện của bạn, cách bạn viết câu chuyện đó mới thực sự quan trọng. Tác phẩm của tôi về người tị nạn, người nhập cư, tình yêu, sự cô độc, mỗi năm có cả nghìn cuốn sách như thế nhưng không có tác phẩm nào giống của tôi. Giá trị nằm ở ngôn ngữ của tác phẩm. 

Thực tế là tác phẩm của bạn luôn có nguy cơ bị bỏ mặc, không ai quan tâm. Hoặc như các nhà văn Liên Xô thì chết vì tác phẩm của mình. Người viết luôn đối mặt nguy cơ bị bỏ quên hoặc chết. Độc giả không ở đó khi tôi bắt đầu viết, và người viết không bắt đầu với độc giả. Bạn không biết liệu có ai quan tâm đến cuốn sách của mình không và chỉ có thể cố gắng hết sức bằng cách viết ra những câu văn hay nhất. Khi độc giả đọc những câu văn đó, họ nhận ra tác giả rất thận trọng, nghiêm túc với sáng tác và cảm thấy muốn dành thời gian đọc tác phẩm này. Chúng ta luôn phải tưởng tượng rằng sẽ có ai đó nhận thấy giá trị trong tác phẩm của mình.

Nếu muốn biết liệu có ai quan tâm, bạn cần phải thử. Và việc không có ai đọc cũng là nguy cơ bạn luôn cần đối mặt. Mất rất nhiều thời gian để viết và mất nhiều thời gian hơn nữa để viết hay. Nhiều tác giả đã viết và thất bại. Đôi khi họ thất bại trong thời kỳ họ sống nhưng thành công sau đó. Ví dụ như Moby Dick, tượng đài của tiểu thuyết Mỹ, hiện bán cả triệu bản. Nhưng thời của tác giả, cuốn sách là một thất bại khi chỉ bán được vài trăm bản. Bạn có thể không được ghi nhận ở thời kỳ hay nền văn hóa của mình. Nhưng cũng không sao cả.

Quá trình viết của anh diễn ra như thế nào? Anh thường viết vào khoảng thời gian và không gian nào?

Không gian viết chỉ cần yên tĩnh, tôi thường viết vào ban đêm. Khi còn là sinh viên, tôi làm ở quán cà phê cả ngày và phải đi học vào sáng hôm sau, vậy nên, khoảng thời gian duy nhất tôi có là lúc 10h đêm đến 1-2h sáng, khi không có ai làm phiền, những việc khác đã được hoàn thành và tôi được viết ra những lời cuối cùng khép lại ngày.

Tôi viết chỉ khoảng 5-6 bài thơ mỗi năm. Tôi không viết thường xuyên, khoảng 2 lần/tuần, 5 ngày/tháng. Hầu hết thời gian những ý tưởng ở trong đầu tôi. Quá trình viết là đặt ra những câu hỏi và tháo gỡ chúng. Nếu viết mỗi ngày, tôi sẽ bị phân tâm và không thể giải quyết câu hỏi đặt ra. Tôi thường tự hỏi nếu nhân vật bị đặt vào một tình huống như vậy thì họ sẽ làm gì; hay nếu nhân vật này gặp nhân vật kia trong căn phòng thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Đôi khi, tôi chỉ bước vào căn phòng tối và nghĩ về các nhân vật, hình dung ra ánh sáng, cách bài trí của phòng, những gì nhân vật làm và trò chuyện. Tôi tưởng tượng ra nhiều khả năng khác nhau, nhưng vẫn chưa viết ra. Tôi tiếp tục nghĩ về nó trong lúc rửa bát đĩa, đi dạo, đọc sách. Khoảng 3 tuần sau, tôi có đầy đủ mọi thứ. Tôi đã quá thân thuộc với nhân vật và câu chuyện nên những gì viết ra chỉ như ghi chép lại. Vì thế, khi ai đó hỏi liệu tôi có viết mỗi ngày hay không, câu trả lời là có, và không. Tôi không viết ra câu từ mỗi ngày nhưng luôn viết trong đầu.

Một số tác giả lựa chọn chất liệu từ cuộc sống của chính mình để sáng tác, do đó, họ thường đối diện những vấn đề rất riêng tư và những ký ức đau thương. Điều đó khiến họ cảm thấy rất khó hoàn thành tác phẩm của mình. Theo anh, có cách nào để vượt qua chuyện này?

Nếu viết về những điều đó khiến bạn không thoải mái, dừng lại là điều bình thường. Tôi không tin vào hình tượng người nghệ sĩ giỏi thì phải khổ sở. Nhiều nghệ sĩ giỏi vẫn có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc. Chủ nghĩa tư bản khiến chúng ta tin rằng nghệ thuật là sản phẩm tức thời của các thiên tài đau khổ, nhưng sự thật không phải vậy. Việc viết rất vất vả, kéo dài và không hề hào nhoáng. Văn hóa của chúng ta không thích hình ảnh đó nên tôn sùng (fetishize) ý niệm về người nghệ sĩ đau khổ. Tôi thì luôn nghĩ rằng người sáng tác phải khỏe mạnh, nên nếu việc đó có hại cho bạn về mặt tâm lý thì dừng lại cũng không sao.

Một cách tiếp cận vấn đề khác là diễn đạt lại những điều bạn muốn nói qua các biện pháp nghệ thuật. Nhiều người tiếp cận lối viết chấn thương (trauma writing) qua phúng dụ, ẩn dụ. Ví dụ, Anne Carson viết cuốn tiểu thuyết - tự truyện Autobiography of Red qua một nhân vật khác mà bà tạo ra. Bà vẫn kể câu chuyện của mình nhưng đã có khoảng cách.

Về phần tôi, tôi không bao giờ viết hồi ký. Nhiều người nói rằng On earth we're briefly gorgeous là hồi ký, tôi phủ nhận điều này bởi tôi chỉ sử dụng bối cảnh cuộc đời mình để tạo ra một thế giới song song. Điều đó rất quan trọng vì tôi muốn tạo ra những nhân vật khác xa gia đình mình - người mẹ, người bà và Chó Con. Tôi có thể nói rằng Chó Con tốt hơn tôi nhiều - kiên nhẫn hơn, hiểu chuyện hơn, tinh ý hơn. Chó Con có tận 12 bản nháp, còn Ocean chỉ có một bản cho cuộc đời. Tôi thích chuyển hóa những gì mình đã trải qua thành những điều trí tưởng tượng có thể thay thế.

Phần cuối câu trả lời là đôi khi tôi chọn viết ra dù điều đó rất khó khăn, bởi có những thứ khác thậm chí còn khó khăn hơn. Tôi lớn lên chứng kiến những thành viên gia đình mình bệnh rồi mất đi, làm quần quật ở những nhà máy, tiệm nail chỉ để kiếm một ít tiền. Cha dượng tôi đi làm từ 3h chiều và về nhà lúc 2h chiều hôm sau. Tôi không bao giờ gặp ông. Ông tên là Ngọc. Ông làm việc trong một nhà máy để đỡ đần gia đình tôi. Trong 20 năm, tôi không bao giờ gặp ông trừ ngày cuối tuần, ông luôn luôn mệt mỏi. Tôi nhận thấy mình có đặc quyền để làm nhà văn và mẹ tôi luôn nhắc nhở điều đó: “Con ơi, tay con mềm quá, cái tay mềm phải giữ nha con. Bàn tay này là tay cầm viết”. 

Tôi tự nhủ rằng nếu đây là tài năng của mình thì tôi nợ bản thân và gia đình mình một sự đột phá. Những chấn thương trở nên nhỏ bé khi tôi nghĩ như vậy. Tôi không khuyên mọi người làm vậy, bởi không phải ai cũng vượt qua được chấn thương. Nhưng với tôi, điều đó thật nhỏ bé so với những gì người khác phải trải qua, nên tôi chọn viết ra.

Theo anh, tác phẩm văn học có nên truyền tải một thông điệp hoặc ý nghĩa cụ thể cho người đọc hay không? Làm sao để kết nối các phân cảnh của tác phẩm để chúng tạo thành ý nghĩa bao trùm?

Suy nghĩ cho rằng tất cả mọi thứ phải dẫn tới một ý nghĩa sau cuối là một phép ngụy biện của phương Tây, và ta nên nghi ngờ các ý niệm của phương Tây vẫn thường được xem là mang giá trị phổ quát toàn cầu. Nếu bạn xem những tác phẩm của Miyazaki, ông ấy mang theo mình triết lý của Nhật Bản về thứ gọi là “ma” - khoảnh khắc của sự dừng lại và nghỉ ngơi. Trong phim Spirited Away, khi cô bé ở đường tàu với Vô Diện, họ không làm gì cả. Cảnh đó không có ý nghĩa gì cả nhưng đã cho phép người xem chiêm nghiệm và suy tưởng cùng các nhân vật. Tất cả những gì đã diễn ra trước đó tích tụ và song hành với trải nghiệm, khiến cho những gì sắp xảy ra trở nên ấn tượng. Nhưng ở phương Tây, tất cả những khoảng nghỉ này đều bị loại bỏ, hành động nối tiếp hành động, nên bạn cảm thấy bạn bị kéo đi khi xem, và có một chút bạo lực trong đó.

Tôi cho rằng khi bạn viết đủ nhiều, ý nghĩa sẽ xuất hiện, bởi vì cuộc sống luôn chứa đựng ý nghĩa. Bạn thậm chí có thể không nhận ra, nhưng hãy cứ viết mà không cần đánh giá bản thân. Khi nhìn lại, bạn sẽ thấy ý nghĩa và chủ đề. Đó là sự khám phá, ý nghĩa đã ở đó trong tiềm thức, bạn cần viết ra để nhận thấy chúng. Và đừng giới hạn mình trong cách nhìn của phương Tây. Vấn đề ở cái nhìn kiểu phương Tây này là mọi thứ đều trở thành ám hiệu, gợi ý chuẩn bị cho điều diễn ra sau đó và chẳng còn gì bất ngờ. Nhưng tưởng tượng bạn xem một vở kịch và bạn thấy một chi tiết chẳng dẫn tới điều gì cả, mà một thứ khác diễn ra. Lúc này, bạn có sự bất ngờ và niềm vui sướng.■

(Lược dịch cuộc trò chuyện: Đỗ Quyên – Phượng Mai)

Ocean-Vuong-2.jpg

Ocean Vương là một trong những nhà văn người Mỹ gốc Việt thành công nhất tại Mỹ hiện nay. Tên tiếng Việt của anh là Hải. Anh sinh năm 1988 tại quận 5, TP Hồ Chí Minh. Năm lên 2 tuổi, anh cùng gia đình di cư sang Mỹ và sinh sống tại Hartford, Connecticut. Anh từng theo học chuyên ngành marketing quốc tế tại Đại học Pace nhưng đã sớm thôi học và chuyển sang học chuyên ngành văn học Mỹ thế kỷ XIX ở Đại học Brooklyn. Anh nhận bằng thạc sĩ thi ca tại Đại học New York.

Năm 2016, tập thơ đầu tay Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) của anh được trao giải TS. Eliot. Tờ The New York Times đưa tập thơ vào danh sách top 10 cuốn sách của năm. Năm 2019, anh nhận được tài trợ MacArthur giành cho các thiên tài văn chương để phát triển dự án sáng tác trong vòng 5 năm. Cùng năm, anh ra mắt tiểu thuyết đầu tay On Earth We're Briefly Gorgeous - cuốn sách nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất nước Mỹ, được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ. Tháng 4 - 2022, anh sẽ cho ra mắt tập thơ thứ hai với tên gọi Time is a Mother (Thời gian là một người mẹ).

 

Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/ocean-vuong-nha-van-phai-cung-dau-1629085.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63548565
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6996
12828
63548565

Thành viên trực tuyến

Đang có 160 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website