Tiểu thuyết truyền giáo ở Trung Quốc thế kỷ 19

Nguyễn Thị Phương Thuý dịch

(Trích dịch từ Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 60, No. 2. (Dec., 2000), pp.413-443.)

 TÓM TẮT

Patrick Dewes Hanan (1927-2014) là một học giả, giáo sư người New Zealand tại trường Đại học Harvard chuyên nghiên cứu văn học Trung Quốc, đặc biệt là tiểu thuyết Trung Quốc trước thế kỷ 20. Trong bài báo “Tiểu thuyết truyền giáo ở Trung Quốc thế kỷ 19” đăng trên tờ Harvard Nghiên cứu châu Á, ông đã khái quát bức tranh văn học truyền giáo ở Trung Quốc thế kỷ 19 và mô tả chi tiết sự nghiệp văn học cũng như những tác phẩm nổi bật của một số nhà tiểu thuyết truyền giáo tiêu biểu thời đó. Bài này chỉ trích dịch một phần bài báo của Hanan.

Tôi sử dụng khái niệm “tiểu thuyết truyền giáo” theo nghĩa là những tác phẩm trần thuật dưới dạng tiểu thuyết bằng chữ Hán do những tu sĩ truyền đạo Cơ đốc cùng cộng sự của họ viết ra. Đó có thể là tác phẩm do những tu sĩ truyền giáo sáng tác hoặc phiên dịch; với số lượng vượt xa các tiểu thuyết thông tục được dịch sang chữ Hán trong thế kỷ 19. Giới nghiên cứu từ lâu đã rất quan tâm đến những tiểu thuyết thông tục này và đã tìm hiểu kỹ ảnh hưởng của nó đến tiểu thuyết Trung Hoa hiện đại, nhưng tiểu thuyết truyền giáo lại gần như bị bỏ qua. Bài viết này giới thiệu về tiểu thuyết truyền giáo, khái quát quá trình phát triển của nó cũng như những tác động của nó đến tiểu thuyết Trung Hoa.

Tôi tập trung tìm hiểu những tác phẩm của các tu sĩ truyền giáo Tin lành, đơn giản vì những sách này đã sẵn có. Nói như vậy không có nghĩa rằng những nhà truyền đạo Công giáo không viết tiểu thuyết loại này. Có ít nhất 4 thư mục xuất bản vào thế kỷ 19 thống kê các tác phẩm Tin lành bằng chữ Hán, và có thêm 3 thư mục nữa xuất bản vào đầu thế kỷ 20. Những thư mục xuất bản đầu tiên gồm có: Tưởng niệm những nhà truyền đạo Tin lành ở Trung Quốc, Cung cấp danh sách xuất bản phẩm của họ, và Cáo phó kèm danh mục chi tiết của Alexander Wylie năm 1867; 2 danh mục liệt kê sách chữ Hán đã được trưng bày trong triển lãm quốc tế ở Philadelphia năm 1876 và ở Luân Đôn năm 1884, trong đó chủ yếu là văn học Cơ đốc giáo; và quyển Báo cáo về văn học Cơ đốc giáo ở Trung Quốc, kèm danh mục xuất bản phẩm của John Murdoch năm 1882. Những thư mục xuất bản muộn hơn gồm có hai công trình của Donald MacGillivray xuất bản năm 1902 và 1907, và Cơ đốc thánh giáo xuất bản các thư thư mục vị toản ( 督聖教出版各書書目彙纂, Thư mục xuất bản phẩm Cơ đốc giáo) của George A. Clayton năm 1918.

Cũng cần lưu ý rằng hầu hết tác giả hoặc dịch giả của tiểu thuyết truyền giáo – tức là các tu sĩ truyền giáo hoặc người thân của họ – đều được những phụ tá người Hoa giúp sức. Đó có thể là trợ giảng, trợ lý linh mục, trợ lý nghiên cứu, hoặc phụ tá truyền giáo. Việc biên soạn hoặc dịch một công trình truyền giáo thời đó là một hoạt động kép: thường thì linh mục sẽ diễn thuyết, và người phụ tá ghi lại những lời diễn thuyết đó. Đây không phải là việc ghi chép thuần tuý, tuyệt đối trung thành với lời nói của diễn giả. Nói đúng hơn, đây là một sự cộng tác; người ghi chép sẽ sửa lỗi và biên tập văn bản nói sao cho phù hợp với văn phong của văn học viết. Những linh mục truyền giáo thời bấy giờ thường xuyên than phiền rằng các phụ tá người Hoa của họ – những người được đào tạo theo lối khoa cử truyền thống quen với các kiểu văn chương cầu kỳ hoa mỹ –  không thể nào viết nổi những câu văn chữ Hán đơn giản.

Linh mục Griffith John khi nói về những ghi chép của phụ tá mình cũng khẳng định rằng các linh mục truyền giáo thường giao hết việc ghi chép bài giảng cho phụ tá.

Khi họ [những linh mục truyền giáo] muốn xuất bản các bài giảng của mình, họ sẽ truyền đạt cho phụ tá của mình nội dung bài giảng bằng lời (viva voce), sau đó người phụ tá đó sẽ ghi chép lại theo văn phong tiếng Hoa của người bản ngữ. Mặc dù linh mục truyền giáo không tự viết bài giảng bằng chữ Hán, nhưng họ có thể đưa ra những lời bình bằng chữ Hán thêm vào sau phần ghi chép của các phụ tá. Họ làm được như vậy nhờ bản thân đọc sâu hiểu rộng, và việc hợp tác ấy đã giúp các linh mục cho ra đời những sản phẩm có giá trị lớn lao hơn rất nhiều nếu họ tự viết lấy một mình.[1]

Mục đích của Griffith John là tránh xúc phạm những người đọc có trình độ.

Ở Trung Quốc, truyền thống gọt giũa câu chữ trong văn chương đã được vun đắp hàng bao thế kỷ và được xem là thứ nghệ thuật tinh hoa, được đề cao và trọng vọng. Không người nước ngoài nào có thể đảm bảo rằng mình không mắc phải những lỗi diễn đạt mà bất cứ một người Trung Hoa có trình độ nào cũng dễ dàng nhận ra như một thứ phản xạ bản năng. Những lỗi này có thể làm những người đọc ấy cảm thấy khó chịu và khiến họ quay lưng với toàn bộ văn bản, xem nó như sản phẩm của những người không có học thức.[2]

Trước khi nghiên cứu tiểu thuyết truyền giáo trong bối cảnh văn học thế kỷ 19, tôi cho rằng cần trả lời hai câu hỏi sau. Thứ nhất, liệu có thể xếp loại văn bản này – tức là những văn bản trần thuật được xem là tiểu thuyết Trung Hoa – vào nhóm tiểu thuyết Trung Hoa truyền thống hoặc nhóm phiên bản Trung Hoa của tiểu thuyết phương Tây hay không? Tôi cho rằng có thể. Những tiểu thuyết tôi sẽ miêu tả dưới đây phần lớn đều viết bằng văn bạch thoại (tiếng Quan Thoại hoặc phương ngữ), được chia thành từng chương, mà người viết thường sử dụng khái niệm “hui” (hồi), và sử dụng phương thức trần thuật của tiểu thuyết truyền thống hoặc tiểu thuyết phương Tây cận đại. Một số tác giả linh mục, chẳng hạn như Karl Gützlaff và James Legge, khẳng định mình viết theo hình thức tiểu thuyết truyền thống, cho dù họ nói rõ rằng nội dung tiểu thuyết của họ không giống với nội dung tiểu thuyết truyền thống. Trong sách Tưởng niệm, Alexander Wylie mô tả hai tác phẩm của Gützlaff là tiểu thuyết. Bàn về quyển Thục tội chi đạo truyện (贖罪之 道傳, Truyện về giáo lý chuộc tội) xuất bản năm 1834, ông nhận xét: “Trong tác phẩm này, tác giả đặt mục tiêu sử dụng hình thức trần thuật để minh hoạ cho những giáo lý có tính chất kim chỉ nam trong kinh phúc âm; tác phẩm được viết bằng hình thức tiểu thuyết, chia thành 21 hồi, có lời tựa và phụ lục” (tr. 56). Viết về quyển Thường hoạt chi đạo truyện (常活之道傳, Truyện về giáo lý sự sống vĩnh hằng) cũng xuất bản năm đó, Wylie viết: “Tác phẩm này cũng viết theo dạng tiểu thuyết Trung Hoa, trong đó tác giả nỗ lực khắc hoạ những nguyên lý Cơ đốc giáo từ điểm nhìn trần thuật cá nhân, chia thành 6 hồi, với một lời tựa ngắn” (sđd.). Cuối cùng, quyển tiểu thuyết truyền giáo đầu tiên, Trương Viễn lưỡng hữu tương luận (張遠兩友相論, Cuộc trò chuyện của hai người bạn Trương và Viễn) của William Milne, cũng đã được đưa vào hai thư mục xuất bản gần đây thống kê tiểu thuyết Trung Hoa.

TIỂU THUYẾT TRUYỀN GIÁO Ở TRUNG HOA

Câu hỏi thứ hai lại liên quan đến việc lưu hành tiểu thuyết truyền giáo. Có phải những tiểu thuyết này chỉ được lưu hành trong phạm vi nhỏ hẹp của những người theo đạo Cơ đốc và không hề có ý nghĩa gì đối với toàn bộ văn học Trung Hoa hay không? Hoàn toàn không phải vậy. Lúc đầu, những tác phẩm truyền giáo ấy được cho không và sau đó được bán rẻ thông qua mạng lưới phức tạp của những người chuyên bán sách tôn giáo hoặc phân phối trong những hiệu sách. Đó chính là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất vào thế kỷ 19, và những tu sĩ truyền giáo thời kỳ đầu đã biên soạn rất nhiều tác phẩm bằng chữ Hán; quyển Tưởng niệm của Wylie đã liệt kê ít nhất 61 tựa sách của Gützlaff, trong đó nhiều quyển có nội dung căn bản, và 59 tựa sách của Walter Henry Medhurst. Một minh chứng nữa cho thấy tiểu thuyết truyền giáo đã từng được lưu truyền rộng rãi là quyển tiểu thuyết truyền giáo tiên phong của Milne mà tôi đã nhắc đến ở trên; đó có lẽ là quyển tiểu thuyết Trung Quốc được tái bản nhiều nhất trong thế kỷ 19. Sau lần xuất bản đầu tiên ở Malacca năm 1919, nó được tái bản ít nhất 30 lần tính đến năm 1886, tất cả đều do nhà xuất bản Cơ đốc giáo phát hành. Sau đó nó vẫn tiếp tục được phổ biến rộng rãi. Quyển Cơ đốc Thánh giáo xuất bản các thư thư mục vị toản của Clayton trích dẫn ít nhất 7 ấn bản khác nhau của tác phẩm này tái bản liên tục trong vòng 7 năm. Vì vậy, chắc chắn có đầy đủ các ấn bản của những tác phẩm truyền giáo lưu hành ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các đô thị, nhằm thoả mãn sự tò mò của bất cứ người đọc có trình độ nào.

Cần phải tìm hiểu tiểu thuyết truyền giáo từ khía cạnh người viết – cụ thể là những tác giả hoặc dịch giả quan trọng như Milne, Gützlaff, và Legge; sau đó đến Ferdinand Genähr, William C. Burns, cùng những dịch giả khác; và cuối cùng là Griffith John – trước khi trả lời câu hỏi về ý nghĩa của loại tiểu thuyết này đối với nền tiểu thuyết Trung Hoa nói chung. Ở khía cạnh này, tôi sẽ bỏ qua không xem xét những mẩu truyện ngắn, thay vào đó chỉ chú trọng tìm hiểu những văn bản quan trọng hơn, được viết theo kiểu chương hồi.

WILLIAM MILNE (1785-1822)

Vị linh mục người Scotland này chỉ sống 9 năm ở Châu Á trước khi qua đời, nhưng ông đã có nhiều công lao cải cách. Ông thành lập tờ tạp chí tiếng Hoa đầu tiên, Chinese Monthly Magazine (察世俗每月統記傳) hoạt động từ năm 1815 đến 1821 ở Malacca và tiêu thụ nhờ vào các thuyền buôn dọc bờ biển Trung Hoa. Ông viết quyển tiểu thuyết truyền giáo đầu tiên, Trương Viễn lưỡng hữu tương luận (1819) gồm 12 hồi, trong đó xây dựng một khung truyện hư cấu giúp ông có thể truyền đạt đến độc giả những luận điểm của mình một cách hiệu quả hơn. Tác phẩm kể lại 12 lần gặp gỡ giữa một người theo Cơ đốc giáo và người hàng xóm của anh ta. Trong các lần gặp, họ đều trao đổi những vấn đề chủ chốt của giáo lý Cơ đốc. Milne đặt những đoạn hội thoại trong bối cảnh trần thuật, nhưng không hề cố uốn nắn cách kể chuyện của mình cho phù hợp với hình thức tiểu thuyết Trung Hoa như Gützlaff và Legge thực hiện sau này. Tác giả tập trung vào nhân vật người hàng xóm, đặc biệt là vào những câu hỏi, nghi vấn và phản ứng cảm xúc của anh ta trước mỗi vấn đề thảo luận hoặc sự kiện xảy ra.

Tôi cần lưu ý rằng mặc dù tác phẩm của Milne xuất hiện đầu tiên (và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất) trong dòng văn học truyền giáo, nhưng khung truyện hư cấu cũng được đồng sự của ông, Robert Morrison (1782 – 1834), sử dụng. Morrison là linh mục truyền giáo Tin lành đầu tiên ở Trung Hoa. Ông viết tác phẩm Chuyến đi vòng quanh thế giới (西游地球. 聞見略傳) và xuất bản vào năm 1819. Tuy là một quyển sách địa lý nhưng tác phẩm lại viết theo hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Nhân vật là một người Trung Hoa đến từ Tứ Xuyên, du hành qua Tây Tạng, Ấn Độ và châu Âu. Đó là một tác phẩm tổng hợp về thiên văn, địa lý (có kèm bản đồ thế giới), lịch, hoàng gia Anh và văn hoá Anh (không phân biệt giới tính, v.v.). Sau vài năm, nhân vật ấy quay về quê hương bằng cách đi qua nước Mỹ, bị đắm tàu ở quần đảo Ryukyus, nhưng cuối cùng cũng xoay sở được để về đến Quảng Đông trên một chuyến tàu buôn của người Hoa. Tác phẩm Judea sử lược của Morrison xuất bản năm 1815, viết bằng văn bạch thoại nhưng vẫn có một vài đặc điểm khác với văn bạch thoại, chẳng hạn như cách xưng hô với người đọc, gọi người đọc là “khán quan” (看官). Những tác phẩm này minh chứng cho sự tương đồng giữa tiểu thuyết truyền giáo với truyền thống tiểu thuyết Trung Hoa, sự tương đồng này về sau trở nên rõ nét hơn trong tác phẩm của Karl Gützlaff.

KARL GÜTZLAFF (1803 – 1851)

Trước khi Gützlaff bắt đầu viết tiểu thuyết thì Walter Henry Medhurst (1796-1857) đã viết một tác phẩm ngắn có tựa đề Huynh đệ tự đàm (兄弟 敘談, Anh em trò chuyện) đăng năm 1828 trên Nguyệt san tạp chí do ông sáng lập. Tôi chưa từng thấy tác phẩm đó, nhưng Wylie đã miêu tả trong quyển Tưởng niệm của mình rằng đó là “một chuỗi những đoạn hội thoại giữa hai anh em về lý tưởng và việc thực hành lý tưởng ở Trung Hoa thời bấy giờ”. Medhurst cũng dịch hai bài trần thuật ngắn của Thánh kinh Hội Anh Quốc và Hải ngoại, sau đó đăng bản dịch lên tạp chí của ông.

Karl Gützlaff, hay còn được biết với cái tên Charles Gützlaff ký dưới những bài viết bằng tiếng Anh, sinh ở Phổ và đến Trung Hoa theo lời đề nghị của Hội Truyền giáo Hà Lan. Sau đó ông đã sớm tuyên bố ly khai khỏi hội. Ông sống bằng tài sản của người vợ đầu tiên – một phụ nữ truyền giáo người Anh mà ông gặp và kết hôn ở Malacca – và nhận trợ cấp không thường xuyên từ các hội truyền giáo. Từ năm 1835, ông tổ chức hàng loạt cuộc gặp gỡ với chính phủ Anh, từ năm 1843 về sau với tư cách là Thư ký Trung Hoa cho Thống đốc Hong Kong. Suốt thời gian ấy, ông hăng say viết lách và giảng đạo không mệt mỏi.

Gützlaff tính đến thời điểm này vẫn là một nhân vật phức tạp và gây tranh cãi nhất trong số các mục sư truyền giáo thế kỷ 19. Ông là kiểu người dễ bị gắn biệt danh, và không phải biệt danh nào cũng liên quan đến việc truyền giáo. Ông từng bị gọi là kẻ cơ hội, người hăng hái, kẻ khoa trương, người tăng động, và kẻ không thể huỷ diệt. Người ta còn nói rằng chính sự tự tôn đã kích thích tham vọng của ông. Người ta miêu tả ông là một người lạc quan từ trong bản chất, một người nhiệt huyết đến cuồng tâm, một người nhìn xa trông rộng, một mục sư truyền giáo thích “xê dịch”, một người nắm bắt thời sự một cách tinh khôn, và phổ biến nhất là nhận xét khái quát của Arthur Waley rằng Gützlaff là “sự tổng hợp giữa mục sư và kẻ cướp, tên bịp bợm và thiên tài, người từ tâm và kẻ lừa đảo”. Ngay cả ngoại hình của ông cũng gây ấn tượng với người đối diện. Một đồng sự truyền giáo đã miêu tả ông “khá thấp, hơi béo, thô thiển trong phong thái, năng động trong cử chỉ, nói nhanh, giao tiếp rất vui nhộn và lôi cuốn’, trong khi một người cộng sự khác lại nhắc về “gương mặt tuyệt vời” và “con mắt cú vọ” của ông.

Từ những tính cách nói trên, tôi chọn phân tích hai đặc tính có ảnh hưởng đến cách viết tiểu thuyết của ông, đó là sự cuồng vọng và tài năng trong việc quảng bá tác phẩm cũng như quảng bá chính bản thân ông. Năm 1830, khi đang dịch Kinh Thánh ở Thái Lan, ông quyết định đến Trung Quốc, một quyết định vừa phi pháp vừa liều mạng trong bối cảnh chính trị thời bấy giờ. Lúc đó ông đã rất thân thiết với cộng đồng người Hoa ở Băng Cốc, và và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông đã được nhận vào làm thành viên nhà họ Quách () gốc ở huyện Đồng An thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ít lâu sau khi vợ ông mất vì sinh khó, Gützlaff đã có được cơ hội mà ông tìm kiếm suốt nhiều năm. Ông nhận được lời mời đến Trung Hoa trên một thuyền buôn đi dọc bờ biển. Mặc dù đang lâm trọng bệnh, ông đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội. Ngay khi con tàu cập bến đón ông thì ông hay tin đứa con gái mới sinh của mình chết.

Trong suốt cuộc hành trình, Gützlaff luôn tự xưng mình là người Trung Quốc để tránh sự kiểm soát của chính quyền. Lạ thay, ông cũng không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc truyền bá bài giảng tôn giáo. Thông tin về hành động mạo hiểm của ông đã làm nức lòng thiên hạ. Nói như Medhurst, nó đã “làm rúng động và kinh ngạc hầu hết độc giả Anh Quốc. Từ lâu người ta đã luôn tin rằng Trung Hoa là nơi hoàn toàn khép kín với bên ngoài.” Tuy nhiên, hành động ấy cũng gây không ít tranh cãi. Medhurst lại cho biết, “Một số người cho rằng Gützlaff là người có khí chất sôi nổi, tinh thần sự nghiệp cháy bỏng, và cực kỳ xuất chúng, đến mức ông ấy có thể an toàn đi đến bất cứ nơi nào mà người bình thường không dám đến.” Tuy nhiên, những người khác lại tỏ vẻ hoài nghi: “Có không ít người ngụ ý rằng trí tưởng tượng phong phú và kỳ vọng đầy tự tin của Gützlaff đã khiến ông thêm mắm dặm muối ít nhiều vào các sự việc.” Thiên hạ xôn xao đến nỗi Elijah Coleman Bridgman – biên tập tạp chí Chinese Depository, nơi đầu tiên đăng bài về hành trình của Gützlaff – cho rằng mình có trách nhiệm đăng đàn khẳng định tính chân thực của sự việc, và xoa dịu cảm xúc của những ai không thể cạnh tranh được với Gützlaff: “Chúng tôi không ca tụng một hành động không có thực chỉ vì nó gây sốc. Chúng tôi cũng không đánh giá thấp người khác vì người ấy khiêm tốn.”

Về phía Gützlaff, ông đã thực hiện cuộc hành trình của mình với tất cả niềm hứng khởi. Sau khi hoàn thành bài viết hết sức sống động để gửi cho Chinese Depository, ông đã xuất bản nó thành nhiều kỳ và rồi tổng hợp lại, tái bản cùng với phần viết về cuộc hành trình thứ hai, và rồi lại tiếp tục tái bản gộp hai cuộc hành trình này với cuộc hành trình thứ ba. Gützlaff lập tức nổi tiếng ở châu Âu và châu Mỹ. Ngay sau thành công của chuyến đi đầu tiên, ông đã tiếp tục thực hiện chuyến thứ hai trên con tàu mang tên Lord Amherst theo yêu cầu của Công ty Đông Ấn. Sau đó ông thực hiện chuyến đi thứ ba trên tàu buôn thuốc phiện Sylph của William Jardine. Jardine cần nhờ Gützlaff làm thông dịch, và đã rất khôn ngoan khi thuyết phục ông rằng nếu giúp, ông sẽ có cơ hội tiếp tục thực hiện sự nghiệp lớn lao của mình là đi truyền bá văn học Cơ-đốc giáo ở Trung Hoa. Chuyến đi này cùng với một số chuyến khác của ông bằng tàu buôn thuốc phiện đã vấp phải nhiều chỉ trích từ những đồng sự truyền giáo khác. Tuy nhiên những người chỉ trích ông cũng không khỏi cảm thấy rằng mình chẳng khác gì những người lính trên tàu Mencius 1A.3, bản thân lùi 50 bước thì lại cười mỉa những kẻ lùi 100 bước. Hoạt động truyền giáo ở Quảng Châu khi ấy đều nhận được bảo trợ từ những người buôn thuốc phiện như Lancelot Dent và William Jardine.

Thành công của Gützlaff và việc ông luôn khẳng định rằng xưa nay bờ biển Trung Hoa vẫn mở cửa cho cho việc truyền đạo Cơ đốc đã gây nên một làn sóng căm giận từ phía các nhà truyền giáo khác, và Gützlaff thì chẳng mảy may thèm xoa dịu họ. Năm 1838, ông cho xuất bản cuốn Trung Hoa mở cửa ở Luân Đôn gồm 2 tập, phụ đề ghi rõ  “Trình bày địa hình, lịch sử, phong tục, phong thái, nghệ thuật, luật pháp, v.v., của đế chế Trung Hoa”. Trong đó, ông viết “Những nhà truyền đạo Tin lành chỉ chộn rộn hoạt động phía ngoài Trung Hoa thay vì tiến vào bên trong lãnh thổ của đế chế ấy” (2:238) và thậm chí còn có những dòng nặng nề hơn, “Trung Hoa mở cửa tiếp đón những người anh hùng Cơ đốc và chỉ đóng cửa với những người không đủ lòng tin và dễ dàng nhụt chí” (2:237). Bản thân tiêu đề của quyển sách đã mang chút vẻ ngạo ngược; nếu Trung Hoa mở cửa, sẽ chẳng còn nghi ngờ gì về việc ai đã mở cửa nó.

Tác giả trẻ Samuel Wells Williams đã viết bài bình luận về quyển sách nói trên của Gützlaff đăng trên Chinese Depository. Ông bắt đầu bằng việc lưu ý đến danh tiếng của Gützlaff cùng những ồn ào xung quanh rồi mới đi vào phân tích tựa sách:

Tựa sách được tính toán để lôi kéo sự chú ý và kích thích niềm mong đợi của người đọc. Trước đó ít lâu, ngài Gützlaff đã công bố khám phá của mình rằng Trung Hoa mở cửa; và ngài liên tục lặp lại điều này cho đến khi nào có nhiều người phương Tây tin như thế; thế nhưng Trung Hoa hiện vẫn ngoan cố đóng cửa với tất cả mọi sự xâm nhập lâu dài như từ trước đến giờ. Ngài đã sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình khi không phải làm việc ở văn phòng để cố gắng miêu tả xã hội và dân cư Trung Hoa, và tin rằng người Trung Hoa sẽ mở cửa để tiếp nhận tư tưởng của những độc giả đang đọc quyển sách của ngài ở tất cả mọi hình thức.

Williams tiếp tục phê bình rằng “tư liệu trong sách như thể được ném lẫn vào nhau trong một cách viết mơ hồ, lan man, hỗn độn”, và thậm chí chỉ trích nặng nề tác giả “đạo văn không biết xấu hổ”. Sau 15 trang kết tội, Williams tổng kết bài bình luận của mình như sau: “Thông qua bài viết ngắn này, chúng tôi phủ nhận Trung Hoa mở cửa”.

Tác phẩm của Gützlaff hẳn nhiên là cẩu thả; khó mà khác được. Từ 1834 đến 1839, trong hoàn cảnh rất khó khăn, ông đã xuất bản ít nhất 34 tác phẩm bằng chữ Hán, nhiều quyển trong số đó đều rất căn bản, bao gồm một quyển sử lược, một quyển lịch sử Anh Quốc, nửa tá tiểu thuyết, một tạp chí xuất bản hàng tháng, một quyển địa lý khái quát, một cuốn Judea sử lược, và rất nhiều quyển chú giải Kinh Thánh. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông viết một số sách tiếng Anh như Trung Hoa sử lược dài 900 trang, Trung Hoa mở cửa  dài 1080 trang, cùng rất nhiều ghi chép về các chuyến đi của ông, có thể nói không có công trình nào ngắn cả. Thế nhưng mặc những thiếu sót đó, quyển Trung Hoa mở cửa vẫn mang đến nhiều thông tin hữu ích mà người bình luận không thể nào phủ nhận được.

            Điều thú vị trong ghi chép của Gützlaff về chuyến đi đầu tiên là quá trình tự vấn tâm hồn có phần khoa trương của ông. Ông viết về quyết định đi Trung Quốc của mình như sau:

Tôi hoàn toàn biết rằng tôi sẽ bị phê phán là kẻ hăng hái cứng đầu, khoa trương vô nguyên tắc, chỉ biết liều lĩnh lao mình về phía trước mà chẳng nghe ngóng bất cứ một tín hiệu nào để phòng thân hay chờ đến khi đích thân chúa tể mở cho cánh cửa; là kẻ đuổi theo ảo tưởng, phát cuồng mong tạo dựng tên tuổi, không kiên định trong mục đích, ngay lập tức từ bỏ miền đất hứa này để hối hả tìm kiếm miền đất hứa khác; và họ sẽ phê phán tôi rằng tất cả mọi nỗ lực của tôi không chỉ vô dụng mà thậm chí còn cản trở công việc của Đấng cứu thế.

Ông mơ hồ ám chỉ một vài người cáo buộc ông, rồi sau đó lại quay lại tiếp tục trình bày về quá trình tìm kiếm linh hồn mình: “Chủ nghĩa tự tôn, một con quái vật phiền hà! – đang ẩn hiện xuyên suốt những trang sách.” Chủ để tương tự cũng phảng phất trong bài thuyết pháp của ông có tựa “Kiêu hãnh và hổ thẹn” đăng trên Chinese Depository số ra tháng 12/1833: “Nhiên liệu cho tham vọng nằm ngay trong tim chúng ta; quỷ Satan chỉ châm vào đó tia lửa nhỏ, thế là ngọn lửa bùng lên không thể kiểm soát nổi.” Ngược lại, khi nhắc đến quyết định làm thông dịch trên tàu buôn thuốc phiện Sylph, ông chỉ viết: “Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, và đấu tranh với chính mâu thuẫn trong lòng mình, tôi đã quyết định bước lên con tàu Sylph.”

Việc Gützlaff tô vẽ thêm về bản thân cũng như sự cuồng nhiệt của ông trong việc truyền bá kinh phúc âm không tách rời khỏi việc viết lách. Trong một loạt các hoạt động, ông đã xuất bản 8 tác phẩm có thể được xếp vào hạng mục tiểu thuyết, trong đó 6 tác phẩm ra mắt từ 1834 đến 1838, 2 quyển còn lại không xác định được thời điểm xuất bản. Một số tác phẩm khác của ông cũng cho thấy ông có hứng thú đặc biệt với bối cảnh và kỹ thuật văn chương hư cấu. Tác phẩm Thành sùng bái loại hàm (誠崇拜類函) xuất bản đầu năm 1834, bao gồm một chuỗi các lá thư do người con trai trưởng của một gia đình ở Phúc Kiến gửi về cho thân nhân trên suốt dọc đường anh đi chu du khắp nơi, đến tận nước Anh xa xôi. Có khả năng Gützlaff đã chịu ảnh hưởng từ tác phẩm Chuyến đi vòng quanh thế giới của Morrison, nhưng những lá thư trong tác phẩm của Gützlaff lại chứa đựng những suy ngẫm về bản thân và lời khuyên mang ý nghĩa đạo đức nhiều hơn là những mô tả địa lý những nơi đã đi qua. Những suy ngẫm ấy lại càng trở nên lấp lánh hơn khi được minh hoạ bởi những câu thơ của Lý Bạch. Trong thư có một số chỗ bàn về Cơ đốc giáo, nhưng nó không hề bao trùm quyển sách. Tác phẩm Thánh thư chú sớ (聖書註疏) xuất bản năm 1839 được chia thành 5 hồi, tường thuật lại một cuộc hội thoại giữa một người cha và các con ông. Sách được viết bằng chữ Hán và sử dụng nhiều phương pháp xây dựng tiểu thuyết. Trong tất cả mọi tác phẩm của mình, Gützlaff luôn cẩn thận ghi ngày tháng theo lịch Trung Hoa. Hai tác phẩm Đại Anh Quốc thống chí (大英國統志,1834) Cổ kim vạn quốc cương quan (古今萬國綱鑑,1838) là công trình tổng hợp giữa tiểu thuyết và lịch sử. Quyển Đại Anh Quốc thống chí viết bằng chữ Hán và có sử dụng một vài thi pháp đặc trưng của tiểu thuyết truyền thống. Tác phẩm kể về người đàn ông họ Diệp du hành đến tận Luân Đôn và dạy tiếng Hoa ở đó trong suốt hơn 20 năm rồi quay trở về. Hành trình của nhân vật này nhanh chóng được lướt qua, và quyển sách chủ yếu là những lời nhân vật Diệp giải thích và bình luận về đời sống ở Anh Quốc cho láng giềng và bạn bè anh ta nghe. Tác giả – cũng là người kể chuyện – đưa ra nhận xét của riêng mình ở phần mở đầu câu chuyện và ở đầu mỗi hồi. Trong những tác phẩm loại này, Gützlaff thường trích dẫn những triết gia Trung Hoa, đặc biệt là trích dẫn các sách Mạnh Tử,  Quản Tử, và trích dẫn cả những nhà thơ như Tô Thức. Những trích dẫn tương tự cũng xuất hiện trong tờ tạp chí Đông Tây Nguyệt san (東西洋考每月統記傳) của ông, bắt đầu vào giữa năm 1883, trong đó ông cho đăng một số mẩu truyện ngắn bằng văn bạch thoại dưới dạng những giai thoại đơn giản.

Hẳn là Gützlaff đã học hỏi cách sử dụng bối cảnh hư cấu từ Morrison, nhưng quan trọng hơn, là từ Milne trong quyển Trương Viễn lưỡng hữu tương luận. Năm 1829, khi còn đang ở Băng Cốc, Gützlaff tiếp một người khách “sở hữu tác phẩm Trương Viễn lưỡng hữu tương luận của Milne mà ông đã đọc được một ít”. Trong ghi chép về chuyến đi thứ 3 của mình, Gützlaff bàn về sự tiếp nhận của người Hoa đối với văn học Cơ đốc giáo mà ông truyền bá:

Lý luận hấp dẫn họ nhất là kiểu lý luận trong đối thoại giữa Trương và Viễn, câu chuyện mà trong đó một người là tín đồ Cơ đốc còn người kia là ngoại đạo. Tác phẩm của Ngài Milne quá cố chứa đựng những nhận xét nổi bật và chính xác, đã luôn là quyền sách được yêu thích của độc giả Trung Hoa.

Chúng tôi không biết chính xác thời điểm Gützlaff bắt đầu đọc tiểu thuyết Trung Hoa, khả năng sớm nhất là vào năm 1828 khi ông lần đầu đặt chân đến Thái Lan. Tác phẩm Trung Hoa mở cửa của ông có một phần ngắn có tựa “Tác phẩm tiểu thuyết” chủ yếu viết về tiểu thuyết lịch sử. Gützlaff kể tên 5 tiểu thuyết lịch sử và cho biết rằng con số 5 đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số: “Mỗi con người vĩ đại đều có tiểu sử ghi chép, mỗi biến cố đều có tác giả tiểu thuyết ghi chép.” Ông tiếp tục: “Mặc dù có không ít thứ rác rưởi, nhưng cũng có những tác phẩm xuất sắc mà bất cứ người ngoại quốc nào muốn viết lịch sử Trung Hoa một cách tử tế thì đều nên đọc.”

Đối với những loại tiểu thuyết khác, ông chỉ nhắc đến “Shi-tsae-tsze”, nghĩa là, Thập tài tử (十才子), những tác phẩm mà ông gọi là “những kiệt tác của mười vị tài tử, một bộ tiểu thuyết tinh tuyển.” Một trong số đó khiến người ta “đọc mà không khỏi rùng mình”. Tôi không chắc quyển tiểu thuyết nào khiến người ta rùng mình, nhưng có lẽ ông đang nói – không chính xác lắm – về quyển Kim Bình Mai (金瓶梅), thời đó được xưng tụng là “Đệ nhất kỳ thư” (第一奇書).

Thảng hoặc trong Trung Hoa mở cửa có hé lộ sự nhạy cảm của tác giả với văn phong Trung Hoa. Gützlaff nói rõ ông thích diễn đạt ngôn ngữ một cách đơn giản: “Trong giới trí thức ngày nay tồn tại một khuynh hướng diễn đạt văn chương rườm rà khiến người đọc bình dân không thể nào hiểu nổi.” Hình thức tiểu thuyết lôi cuốn Gützlaff vì khả năng hư cấu của nó, và còn vì nó được viết bằng văn bạch thoại. Trong một tiểu luận xuất bản năm 1835, ông có viết rằng tiếng Hoa cần phải được diễn đạt “với một phong cách dễ hiểu, đúng chuẩn và êm tai, vì vậy khi người viết cố gắng đưa ra những hướng dẫn thì tác phẩm sẽ được người đọc tiếp nhận một cách hứng khởi.”

Từ rất sớm, vào năm 1833, khi Gützlaff đang thực hiện hành trình thứ ba đến bờ biển Trung Hoa, ông đã nhận được văn bản tác phẩm Hương Sơn bảo quyển (香山) từ tay của các nhà sư ở tu viện Phổ Đà. Ông miêu tả nó là một “tiểu thuyết Phật giáo” và nhận xét rằng nó được viết từ tốn và dễ đọc. Ông gọi nó là “Câu chuyện ở núi Hương” và cho rằng đó là một ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng tiểu thuyết để tuyên truyền tôn giáo.

Từ tháng 9 năm 1838, ông bắt đầu cho đăng trên tạp chí Chinese Depository một loạt bài mô tả tiểu thuyết Trung Hoa, chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử. Ông mô tả 7 tiểu thuyết một cách cụ thể, đầu tiên là tác phẩm Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa (三國志通俗演義) mà ông khen ngợi là “một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của người Trung Quốc”. Ông cũng viết bài miêu tả tác phẩm Thần tiên thông giám (瞭仙通鑑), Đại Thanh Hoàng đế thánh huấn (大清皇帝聖訓), Liêu trai chí dị (聊齋志異), và toàn tập của Tô Thức. Những bài miêu tả của ông về tiểu thuyết lịch sử có giá trị nhất định: hầu hết các tiểu thuyết ấy đều chưa từng được người nước ngoài biết đến trước đó, vì họ chỉ tập trung tìm hiểu loại tiểu thuyết lãng mạn tài tử giai nhân (才子佳人). Bài miêu tả Hồng lâu mộng (紅褸夢) của ông có lẽ cũng sẽ rất giá trị nếu ông không đánh mất kiên nhẫn khi chỉ mới đọc qua vài chương đầu tiên. Gützlaff không bao giờ đọc sách từ tốn, mà đọc hết sức khẩn trương – hậu quả là ông tự làm bẽ mặt mình khi nhầm lẫn giới tính nhân vật chính (“cô nương Bảo Ngọc”).

Từ năm 1835, và đặc biệt trong những bài mô tả các tác phẩm nói trên, Gützlaff tiếp tục mỉa mai các “nhà Hán học” không tên khác. Kết quả là ông đã tự tách mình khỏi những người khác, cho rằng mình là một người có hiểu biết tiếng Hoa sâu sắc, và quan trọng hơn là thân thuộc với loại văn chương mà người Hoa vẫn đọc. “Trong các gia đình Trung Hoa có những tàng kinh các mà ở đó người ta không động đến bất cứ cuốn sách nào ngoài tiểu thuyết.” Công trình Thần tiên thông giám gồm “rất nhiều loại tiểu thuyết khác nhau viết về những tín điều phổ biến và giải thích những tín điều huyền bí ấy một cách hợp lý hơn cả so với hầu hết luận thuyết phức tạp khác”. Quyển Nam Tống chí truyện (南宋志傳) là “một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất mà chúng ta từng đọc” và “tác phẩm hay nhất mà những nhà Hán học có thể học hỏi.”

Tiểu thuyết đầu tiên của Gützlaff hẳn là quyển Thục tội chi đạo truyện (贖罪之 道傳, Giáo lý chuộc tội), gồm 3 quyển và 21 hồi, xuất bản năm 1834 với lời tựa và và lời bạt do chính tác giả viết. Sau đó ông rút gọn tác phẩm thành 2 quyển và 18 hồi, tái bản với tựa cũ vào năm 1836. Hai ấn bản khác nhau đến nỗi có thể xem chúng là hai tác phẩm riêng biệt. Tác phẩm rút gọn hiện đang được lưu trữ ở một vài thư viện, nhưng tác phẩm gốc chỉ còn được lưu ở thư viện Anh Quốc, nhưng ngay cả bản sách ấy cũng không nguyên vẹn, chỉ còn hai quyển sau. Tác phẩm gốc mang một vài đặc điểm của tiểu thuyết truyền thống, chẳng hạn như mỗi hồi đều bắt đầu bằng một đoạn thơ, trong khi những đoạn thơ này đã bị cắt đi khi tái bản.

Đây đó trong tiểu thuyết của mình, Gützlaff viết bằng văn phong hoa mỹ nhưng còn nhiều lúng túng, sử dụng một số phương thức trần thuật truyền thống có phần hơi thái quá, thậm chí thiếu chính xác. Vì sự lúng túng này, và cũng vì một số lỗi rải rác của Gützlaff mà tôi cho rằng ông không hề nhờ vả phụ tá Trung Hoa như những nhà truyền giáo đồng sự của mình vẫn làm, hoặc ít nhất là có nhờ vả cộng sự nhưng không ở mức độ như họ.

Tiểu thuyết nói trên có bối cảnh là Trung Quốc đời nhà Thanh, với các nhân vật thuộc tầng lớp trí thức thượng lưu. Nhân vật chính là một trí thức viện Hàn lâm theo đạo Cơ đốc. (Sang nửa sau thế kỷ 19, nhân vật chính của tiểu thuyết truyền giáo dần chuyển sang tầng lớp xã hội thấp hơn). Nội dung chủ yếu của tiểu thuyết này là những lời thuyết giảng, thậm chí trong đó tác giả còn dịch cả những lời cầu nguyện, bài thánh ca, và một phần kinh phúc âm.

Thường hoạt chi đạo truyện (常活之道傳) là tiểu thuyết thứ hai của Gützlaff. Tác phẩm được xuất bản năm 1834 gồm 6 hồi, với lời tựa do chính Gützlaff viết vào mùa hè cùng năm. Câu chuyện đặt trong bối cảnh đời nhà Thanh, kể về một vị quan lớn tên Lý Duệ () tham lam, kiêu ngạo và đầy tham vọng. Ông ta vung tiền bên ngoài nhưng lại cực kỳ keo kiệt với việc nhà. Không giống như người khác hài lòng với những gì Chúa đã ban cho họ, xưng tội với Chúa, mong Chúa tha thứ tội lỗi, Lý Duệ chỉ tìm kiếm danh tiếng và giàu sang, thậm chí còn đắm chìm trong sắc dục. Thế nhưng ông ta càng tìm kiếm thì lại càng không có hạnh phúc, ông mơ hồ cảm giác như mình đã phạm vào lời răn của Chúa. Một cụ già tình cờ gặp và trao cho Lý Duệ quyển sách (chính là quyển Sáng thế ký) kể về sự ra đời của thiên đường và trái đất. Đọc sách, ông từ bỏ con đường sai trái nhưng vẫn còn hoang mang không biết nên làm gì. Để thoát khỏi những phiền muộn, ông lao vào ma tuý.

Khi nhận ra rằng cầu nguyện cũng chẳng ích gì, Lý Duệ trở nên sợ hãi. Một vị hoà thượng đến khuyên giải, nhưng Lý Duệ là một nhà nho kiên định nên ông không hề bị tác động. Đến mức này thì những bạn bè cũ của ông cũng trở nên chán ngán những thay đổi nơi con người ông, vì vậy họ ngoảnh mặt với ông. Ông bị buộc tội, bị phế bỏ chức tước, và bị đày biếm. Trước khi ông ra đi, một học sĩ Hàn lâm viện cũng đồng thời là tín đồ Cơ đốc giáo đã tìm gặp ông.

Trên đường đi đày, Lý Duệ nghiền ngẫm về câu nói trong sách Mạnh tử 6B.15 - ở đây không thấy nhắc đến nguồn trích – về việc ông trời thử thách một người trước khi giao cho người ấy một trách nhiệm nặng nề, và ông cũng bắt đầu thuyết giảng về Chúa Jesus cho những người đồng hành trong chuyến khố sai, nhưng chẳng ai thèm nghe lời ông. Thất vọng, ông lại được một thầy thuốc cũng là tín đồ Cơ đốc giáo động viên, chia sẻ với ông câu chuyện về Jesus cứu chuộc loài người.

Con trai của Lý Duệ là Thiên Tứ ( ) vì bệnh nặng nên không thể theo hầu hạ cha trên đường đi đày. Vị thầy thuốc theo đạo Cơ đốc đã tìm đến nhà cho anh ta hay về những thay đổi của cha anh ta, và thông báo rằng cha anh đã chết. Thiên Tứ đến viếng mộ cha và nghe lời vị thầy thuốc nọ nên cũng đã nhận lấy đức tin. Sau đó, anh ta trở về kinh đô, gia nhập vào cộng đồng tín đồ Cơ đốc và được rửa tội. Khi chết, anh được lên thiên đường.

Cũng giống như những nhà truyền giáo khác, Gützlaff cố gắng khắc sâu vào tác phẩm của mình ý thức về tội lỗi mà chính bản thân ông cũng đã từng trải nghiệm. Những đề tài phổ biến ở Trung Hoa như lòng hiếu thảo và luật báo ứng đan cài hoà hợp với những giáo lý Cơ đốc về tội lỗi nguyên thuỷ và sự sống vĩnh cửu.

Gützlaff trong lời tựa đã giải thích tại sao ông lại viết tác phẩm bằng văn hội thoại (敘談 tự đàm), đó là bởi vì người đọc sẽ không thể hiểu được nguyên lý của đức tin nếu chỉ đọc Kinh Thánh. Ông cũng đưa vào tác phẩm một yếu tố cá nhân khi nhắc đến “người phụ nữ Anh Quốc duyên dáng Li Mahuan,” tức là người vợ đầu tiên của ông, Mary Newell, đã qua đời ở Băng Cốc năm 1831. Ông viết rằng bà đã sống cuộc đời bất tử ở thiên đường, và ông hy vọng người đọc của ông một ngày nào đó sẽ có thể đến đó với bà.

Tác phẩm duy nhất của Gützlaff không đề cập đến vấn đề tôn giáo là quyển Thị phi lược luận (是非略論, Bàn luận về chuyện phải trái) xuất bản năm 1835 gồm 6 hồi không có lời tựa hay lời bạt. Chuyện “phải, trái” trong tiêu đề sách không liên quan đến chuyện đạo đức, mà nhằm nói đến những sự thật liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Hoa và các nước khác, đặc biệt là mối quan hệ Anh-Hoa. Rõ ràng không phải tình cờ khi năm này cũng là năm Gützlaff bắt đầu làm việc cho chính phủ Anh. Tiểu thuyết này là một lời thuyết phục công phu rằng Trung Hoa nên giao thương buôn bán với nước ngoài. Tác phẩm khẳng định rằng người nước ngoài, đặc biệt là người Anh, hoàn toàn không phải là những “con quỷ ngoại lai tóc đỏ” hay những kẻ mọi rợ, mà họ đại diện cho một nền văn hoá tiến bộ. (Gützlaff đưa ra bằng chứng rằng mỗi năm nước Anh xuất bản đến hơn một vạn quyển sách). Anh Quốc không đáng bị xem là một tiểu quốc, dù xét trên bình diện văn hoá hay năng lực quân sự. Điệp khúc trong quyển sách là “Tứ hải giai huynh đệ”. Tác giả muốn nhấn mạnh với độc giả về sự cần thiết của ngoại thương, hứa hẹn về của cải và quyền lực, về một chính phủ lành mạnh và mối quan hệ giao hảo tốt đẹp với nước ngoài. Mãi đến chương cuối tác giả mới nhắc đến Cơ đốc giáo ở Anh Quốc, kèm với những miêu tả về giáo dục (cho cả nam và nữ), ngôn ngữ và chữ viết, phong tục hôn nhân (thanh niên có quyền tự do gặp gỡ và kết hôn nếu muốn). Tác giả nhấn mạnh vị trí của phụ nữ trong xã hội Anh bấy giờ; họ có quyền trở thành nhà văn, và “chồng không xem vợ là nàng hầu”.

Bên cạnh việc thuyết phục Trung Hoa mở cửa giao thương buôn bán, tác giả cũng bàn đến một số vấn đề khác tác động đến thương nhân nước ngoài ở Trung Hoa trong quyển Thị phi lược luận. Ông cho rằng chính quyền đã rất bất công khi không cho vợ và thân nhân của những công nhân nhà máy được định cư cùng chồng ở Quảng Châu, và điều này xâm hại đến mối liên kết vợ chồng mà Nho giáo xem trọng. Người nước ngoài cũng phủ nhận những cáo buộc làm gián điệp. Họ đã có bản đồ chi tiết đất nước Trung Hoa trong tay thì họ còn làm gián điệp làm gì?

Bắt chước tiểu thuyết của Milne, tác phẩm này cũng bao gồm một chuỗi những cuộc gặp gỡ giữa người đàn ông tên Chen Zeshan người Quảng Châu, vốn là trẻ mồ côi, đến Luân Đôn mở cửa hàng và trở nên phát đạt. Sau 25 năm ở Luân Đôn, ông trở về quê hương và gặp lại người bạn cũ tên Li. Hai người nhiều lần tranh luận. Li cực kỳ thiên kiến và bài ngoại, nhưng sau đó đã bị Chen thuyết phục hoàn toàn.

Tác phẩm Chính tà bỉ giảo (正邪比較, So sánh chính giáo và tà giáo) là một tiểu thuyết ngắn gồm 3 hồi xuất bản năm 1838 do chính Gützlaff viết lời tựa. Tác phẩm kể về ba người bạn nỗ lực tìm hiểu đạo Cơ đốc. Một trong ba người là tín đồ Cơ đốc, thuyết phục thành công người thứ hai theo đạo thông qua một chuỗi các cuộc tranh biện, nhưng lại thất bại khi thuyết phục người còn lại. (Tác phẩm này cũng tương tự với tiểu thuyết của Milne). Câu hỏi cốt lõi là Cơ đốc giáo bị xem là chính giáo hay tà giáo.

Tác phẩm Hối mô huấn đạo (誨謨訓道, Hướng dẫn kế hoạch và chỉ dạy đạo lý) là một tiểu thuyết ngắn khác của ông gồm 3 hồi xuất bản năm 1838. Truyện lấy bối cảnh đời nhà Thanh, kể về một thương nhân người Tô Châu đến Thượng Hải làm ăn. Ông ta là người ích kỷ, tham lam, hay tranh chấp, và không thể sửa đổi những tính xấu ấy dù đã được một người bạn là tín đồ Cơ đốc giáo khuyên nhủ. Sau khi ông ta chết, khối gia tài phì nhiêu của ông được chia cho ba người con trai, và dần dần họ trở nên đổ đốn, sa đoạ. Người bạn năm xưa của người cha bảo ban họ hoàn lương, làm lại cuộc đời. Người con trai cả nghe lời và cuối cùng đã chết thanh thản, hy vọng được đi vào cõi vĩnh hằng. Người con thứ hai không cải tà quy chánh và sau đó chết vì bệnh giang mai. Người con thứ ba cũng nghe lời và hoàn lương, chuộc lại tội lỗi và cuối cùng trở thành một tín đồ Cơ đốc.

Tiểu tín tiểu phúc (小信小福, Lòng tin nhỏ phúc đức nhỏ) là một tiểu thuyết ngắn mà tôi cũng chưa đọc. Trong cuốn Tưởng niệm của Wylie, tác giả đã mô tả nó như sau: “Một bài giảng viết theo kiểu trần thuật được chia làm 3 tập, chủ yếu là những đoạn hội thoại, minh hoạ cho giáo lý về lòng tin. Bối cảnh truyện là ở Tô Châu và Hàng Châu vào thời nhà Nguyên. Tác phẩm có một lời tựa ngắn” (tr. 61).

Gützlaff viết tiểu thuyết nhiều hơn bất cứ tu sĩ truyền giáo nào, nhưng điều đó không có nghĩa là ông có nhiều độc giả nhất. Tôi chưa từng nghe nói đến bất cứ tác phẩm nào của Gützlaff được tái bản, và đến cuối thế kỷ 19, tất cả mọi trước tác của ông, không riêng gì tiểu thuyết, đều không còn ở nhà xuất bản. Nguyên nhân cũng dễ nhận ra: ông viết quá nhanh và quá ẩu, dẫn đến việc tác phẩm thiếu mạch lạc. Mặc dù ông rất giỏi tiếng Hoa, nhưng vẫn chưa đủ để lôi cuốn người đọc thuộc giới trí thức Trung Hoa mà ông luôn hướng đến.

[Người dịch lược bớt phần viết về các nhà văn truyền giáo khác như James Legge (1815-1897), Ferdinand Genähr (?-1854), William C. Burns (1815-1868), Griffith John (1831-1912), Timothy Richard, John Fryer, và Lương Khải Siêu.]

***

Tôi viết bài này nhằm mục đích ghi nhận sự tồn tại của tiểu thuyết truyền giáo như một nhân tố khởi xướng cho sự du nhập của tiểu thuyết nước ngoài vào Trung Hoa. Các nhà văn học sử đã miêu tả việc dịch thuật trong thập niên 1870 (dịch tiểu thuyết cùng với một vài mẩu truyện nhỏ dưới dạng bản tóm tắt tiếng Hoa) và thập niên 1890 (Hối đầu khán kỷ lược của Richard, bản dịch một vài truyện về thám tử Sherlock Holmes và bản dịch cuốn La dame aux camélias của Lâm Vu ) là quá trình giúp độc giả Trung Quốc nếm thử vị lạ đầu tiên của tiểu thuyết nước ngoài, nhưng một lượng rất lớn tiểu thuyết truyền giáo được sáng tác hoặc dịch từ năm 1819 đến năm 1880 cũng cần được xem xét. Trong số các tiểu thuyết dịch trong thập niên 1890, quyển Hối đầu khán kỷ lược – cũng như cuốn La dame aux camélias và những truyện về Sherlock Holmes – đã tác động trực tiếp đến tiểu thuyết Trung Quốc, dẫn đến việc hình thành một tiểu loại hoàn toàn mới. Những tiểu thuyết truyền giáo khác không hẳn đã có những tác động mạnh mẽ như thế, mặc dù chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong những hoạt động cải cách của Fryer và Lương Khải Siêu. Tuy nhiên, hiểu một cách khái quát nhất thì tất cả những tiểu thuyết truyền giáo, cũng như tiểu thuyết thông tục, đã giúp công chúng làm quen với tiểu thuyết nước ngoài và giúp các nhà văn áp dụng và phát triển các phương thức sáng tác tiểu thuyết mới dễ dàng hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. David Helliwell, “Two Collections of Nienteenth-century Protestant Missionary Publications in Chinese”, Chinese Culture 31.4, 1990, p. 22.
  2. General Catalogue of Chinese Catholic Books, Hong Kong: Catholic Truth Society, 1941.
  3. Catalogue of the Chinese Imperial Maritime Customs Collection at the International Exhibition, Philadelphia, Shanghai: Inspectorate General of Customs, 1876.
  4. Illustrated Catalogue of the Chinese Collection of Exhibits for the International Health Exhibition, London: William Clowes and Sons, 1884.
  5. Jiangsusheng Shehui Kexueyuan 江蘇省社會科學院, Zhongguo tongsu xiaoshuo zongmu tiyao中國通俗小說總目提要, Beijing: Zhongguo wenlian chuban gongsi, 1990.
  6. Wang Jiwuan 王繼權 and Xia Shengyuan夏生元, eds., Zhongguo jindai xiaoshuo mulu 中國近代小說目錄, Nanchang: Baihuazhou wenyi chubanshe, 1998.
  7. New Classified and Descriptive Catalogue of Current Christian Literature, 1901, Shanghai: Society for the Diffusion of Christian and General Knowledge among the Chinese, 1902.
  8. Robert Wardlaw Thompson, Griffith John, The Sotry of Fifty Years in China, New York: A. C. Amstrong, 1906.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 22 (76) tháng 3 năm 2015, tr.104-115.


[1] Trích theo Robert Wardlaw Thompson, Griffith John, Câu chuyện 50 năm ở Trung Hoa (New York: A. C. Armstrong, 1906), tr. 228. John là một trong số ít những dịch giả truyền giáo liệt kê tên những phụ tá của mình ở đầu mỗi bản dịch. (Trong bản dịch các sách giáo khoa khoa học của John Fryer và những người khác, cộng tác viên người Trung Quốc – tức là người ghi chép – cũng thường được nêu tên.) Tôi chỉ biết đến một trường hợp duy nhất người ghi chép được nêu tên với tư cách là tác giả chính, đó chính là bản dịch quyển Ngụ ngôn Aesop xuất bản ở Quảng Châu năm 1840. (Trước đó nó đã được xuất bản thành 4 phần riêng lẻ từ năm 1837-1838.) Trang bìa tác phẩm ghi rõ “Do Mun Mooy Seen-shang viết bằng tiếng Hoa, và học trò của ông là Sloth dịch sát nghĩa và biên soạn lại theo hình thức hiện đại. Sloth là Robert Thom, đã có 5 năm học tiếng Hoa ở Quảng Châu và dịch cuốn tiểu thuyết bạch thoại cuối đời Minh Vương Kiều Loan bách niên trường hận (王嬌鸞百年長恨) xuất bản bản dịch ở Quảng Châu năm 1839. (Trong quyển này, Sloth được ghi là tác giả duy nhất, và thậm chí còn có phần than thở rằng thầy mình là Mun Mooy thường dịch một đoạn thơ ra nhiều nghĩa khác nhau vào những thời điểm khác nhau.)

[2] Dẫn theo Thompson, Griffith John, tr. 329.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63675518
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19236
17595
63675518

Thành viên trực tuyến

Đang có 322 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website