Giới thiệu thi pháp học cổ điển Arab

20170726. Arabic Poetics

 ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm

(Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM)

Tóm tắt

Thi pháp học Arab đã ra đời và phát triển rất mạnh mẽ từ thời trung đại. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu khái quát về thi pháp học Arab như một nền thi pháp học cổ điển của phương Đông. Bài viết trình bày và lý giải nguyên do của sự khởi phát mạnh mẽ của nền thi pháp này đồng thời giới thiệu hai nguyên lý cơ bản của thi pháp học Arab là muhakad - mô phỏng và takhyil - tưởng tượng.

Từ khóa: thi pháp học, thi pháp học Arab, văn học Arab,…

Thi pháp học là một địa hạt quan trọng trong nghiên cứu lý thuyết văn học. Từ cái nôi Hy Lạp, thi pháp học đã ra đời và tạo nên những nền tảng đầu tiên qua những công trình của Plato, Aristotle, cùng các triết gia, các nhà lý thuyết và các tác giả văn học khác. Nền thi pháp học này ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến thi pháp học châu Âu các giai đoạn sau mà còn tác động đến thi pháp học của các nền văn hóa nghệ thuật lân cận. Thông thường, đề cập đến văn minh phương Tây, chúng ta sẽ thấy những người thừa kế của di sản văn hóa Hy Lạp cổ đại là người La Mã thời cổ đại rồi đến các dân tộc châu Âu trung đại. Tuy nhiên, còn có một người thừa kế di sản Hy Lạp quan trọng không kém chính là người Arab. Ở khu vực Trung Cận Đông, vốn có sự giao lưu về văn hóa rất phức tạp và kéo dài trong nhiều thế kỷ với thế giới phương Tây, trên cái nền của một phương Đông Hy Lạp hóa, người Arab đã xác lập vị trí quan trọng của mình trên bản đồ văn minh thế giới từ thế kỷ thứ VII, với sự ra đời của một tôn giáo mới là đạo Islam. Trong quá trình xây dựng nền văn minh của mình, người Arab đã giữ vai trò vừa là kế thừa vừa là trung gian gìn giữ và chuyển tiếp những di sản của văn minh Hy Lạp sang thời đại mới, trong đó có các di sản văn hóa nghệ thuật, bao gồm thi pháp học.

Nếu như thi pháp học Hy Lạp đã được giới nghiên cứu ở Việt Nam chú ý từ rất sớm; các công trình của Aristotle, Plato đã được dịch sang tiếng Việt và chú giải, nghiên cứu kỹ càng thì thi pháp học phương Đông được nghiên cứu có phần muộn màng hơn. Các công trình nghiên cứu thi pháp học Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… đã dần dần xuất hiện trong xu hướng nghiên cứu thi pháp học. Tuy vậy, nghiên cứu về thi pháp học Arab thì còn thưa thớt và hạn chế. Ở bài viết này, việc giới thiệu về thi pháp học Arab của chúng tôi cũng chỉ là những bước khởi đầu sơ lược.

1. Quá trình hình thành thi pháp học cổ điển Arab

1.1. Thi pháp học cổ điển Arab và mối liên hệ với thi pháp học Hy Lạp

Trong khoa nghiên cứu văn học, thi pháp học được xem là phát minh của người Hy Lạp cổ đại – những người đã xem nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng hàm chứa tính thiêng liêng, các nghệ sĩ cảm nhận thần hứng từ các vị thần để tạo ra tác phẩm nghệ thuật, đồng thời cũng cho rằng đối tượng chính của văn học nghệ thuật chính là đời sống của con người. Khi đề cập đến thi pháp học cổ đại Hy Lạp, tác phẩm đầu tiên được nhắc đến là Thi pháp học của Aristotle.

Có thể nói, tác phẩm Thi pháp học của Aristotle đã định ra những khuôn vàng thước ngọc của các thể loại bi kịch, ngoài ra ông còn đề cập đến sử thi, thơ trữ tình, hài kịch. Ngoài nghĩa đầu tiên ấy, tác phẩm còn có mục tiêu truy tìm nguồn cội của nghệ thuật và trình bày những quy tắc cơ bản để khảo sát cấu trúc của tác phẩm ngôn từ. Từ những tạo dựng ban đầu của Aristotle, thi pháp học đã phát triển qua nhiều thế kỷ và trở thành một ngành nghiên cứu đặc thù trong nghiên cứu khoa học ngữ văn. Cách hiểu thi pháp học cũng vì vậy có nhiều sự khác biệt theo từng quan điểm và góc nhìn khác nhau, mở rộng hoặc thu hẹp.

Ngày nay thi pháp học có thể được hiểu là một ngành nghiên cứu về thi pháp chung (hệ thống những nguyên tắc, những biện pháp chung làm cho văn bản trở thành tác phẩm nghệ thuật) hoặc thi pháp cụ thể (hệ thống những nguyên tắc, những biện pháp cụ thể để tạo thành đặc sắc nghệ thuật của một tác giả, tác phẩm, thể loại hay trường phái) và thuộc về lý luận văn học. Cách hiểu này đặt ra những mối quan hệ giữa thi pháp và thi pháp học và giữa thi pháp học và lý luận văn học. Theo quan điểm của chúng tôi, tùy vào đối tượng nghiên cứu có thể vận dụng thi pháp học ở những quy mô khác nhau, như tiếp cận một đối tượng cụ thể là một tác phẩm, một trào lưu hay như khi nghiên cứu ở một quy mô rộng lớn và khái quát hơn và thiên về lý thuyết. Tất nhiên dù thế nào đi chăng nữa, người nghiên cứu luôn luôn cần có kiến thức cả về bề rộng lẫn bề sâu, cả về cái phổ quát lẫn cái cá biệt. Cũng nói thêm rằng, theo quan điểm của chúng tôi, ngoài cách hiểu thi pháp học như là những quy tắc cơ bản để tạo ra một tác phẩm văn chương hay là những quy tắc để khảo sát tác phẩm đó, thi pháp học còn được hiểu như là những lý luận bao quát và thể hiện được yếu tố cốt lõi của một nền văn học, để qua đó có thể phản ánh được bản chất, chức năng, quan niệm, phương thức sáng tác,… và những quan niệm về giá trị của các tác phẩm văn.

Thời cổ đại, văn minh Hy Lạp đã ảnh hưởng đến nhiều vùng đất xung quanh khu vực Địa Trung Hải, các xứ thuộc châu Phi và châu Á trong một tiến trình được gọi là Hy Lạp hóa (từ thế kỷ III đến thế kỷ I trước công nguyên). Tiến trình Hy Lạp hóa đã tạo cơ sở quan trọng cho việc hình thành môi trường văn hóa rộng mở, thiết lập cơ sở cho quá trình truyền bá, phát triển văn minh và giao thoa văn hóa ở khu vực văn hóa Địa Trung Hải. Tiếp nối truyền thống thi pháp học Hy Lạp cổ đại, thi pháp học của các trường phái như: khắc kỷ (Stoics), khoái lạc (Epicureanism), phái Aristotle (Aritotelian), phái Plato,… đã cùng tạo ra diện mạo của thi pháp học châu Âu được bảo lưu trong suốt thời Trung cổ đến Phục hưng. Tuy nhiên, di sản thực sự của Plato và Aristotle chỉ được châu Âu nhìn nhận một cách toàn diện và nghiên cứu kỹ càng thông qua cách nhìn của phái Tân Plato và những văn bản, những chú giải, nghiên cứu được tìm thấy trong thế giới Arab.

Trong lịch sử, ở những thời đại nhất định, văn hóa Arab và văn hóa châu Âu có va chạm, tương tác với nhau trên nhiều phương diện như thương mại, tôn giáo, chiến tranh,... đặc biệt đáng chú ý là tác động của văn hóa Arab đối với châu Âu vào thời Tiền Phục hưng. Bắt đầu từ thế kỷ VII, các vương triều Islam liên tục bành trướng, tạo dựng nên đế quốc lớn mạnh, có lãnh thổ mở rộng ra các vùng đất thuộc châu Á, châu Âu và châu Phi. Trong thời đại được gọi là đêm trường Trung cổ ở châu Âu, đế quốc Arab Islam đã bước vào thời kỳ hoàng kim của văn minh. Về phương diện tri thức, người Arab đã đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn minh của thời cổ đại Hy Lạp.

Nhiều học giả Islam giáo, với những nghiên cứu, ghi chép và dịch thuật của mình đã không những làm giàu cho truyền thống tri thức của đế quốc Islam mà còn tạo được những ảnh hưởng nhất định đối với châu Âu. Sau đó, qua giao lưu, tri thức Islam ở nhiều lĩnh vực như toán học, thiên văn học, y học, triết học,… đã du nhập vào châu Âu và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Không ít những học giả, nhà khoa học danh tiếng của thế giới Islam đã được châu Âu biết đến và coi trọng. Nhà nghiên cứu Roger Allen trong sách An Introduction to Arabic Literature (Giới thiệu về Lịch sử văn học Arab) đã viết: “Vai trò quan trọng của các triết gia Arab trong việc chuyển giao công phu các tư tưởng thừa kế từ truyền thống Hy Lạp thể hiện qua chính Ibn Rushd và người tiền bối của ông là Ibn Sina (1037), hay còn được gọi bằng những cái tên Âu hóa là Averroes và Avicenna. Họ đã chiếm giữ được vị trí vinh quang trong lịch sử triết học châu Âu. Và những bậc tiền bối nổi tiếng của Ibn Sina chính là al-Kindi (865) và al-Farabi (950)” (1).

Các nhà bác học al-Farabi (870-950), Ibn Sina (980-1037) và Ibn Rushd (1126-1198) đều là những trí thức để lại tên tuổi của mình trong nhiều lĩnh vực khoa học. Đặc biệt, họ đều dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu, dịch thuật và chú giải tác phẩm của Aristotle. Chính nhờ sự bảo lưu trong thế giới Islam, cho đến thế kỷ XV, tác phẩm Thi pháp học của Aristotle được biết đến ở châu Âu là thông qua bản dịch tiếng Latin của một bản chú giải của triết gia Arab Averroes (tức Ibn Rushd).

Từ những trước tác của các triết gia Arab Islam mà tư tưởng của Aristotle được gìn giữ và truyền bá vào châu Âu. Hơn nữa, với những tri thức có nguồn gốc Hy-La cổ đại, người Arab Islam không chỉ đảm nhận vai trò trung chuyển mà họ còn có những phát triển riêng, cũng như nỗ lực kết hợp nguồn tri thức phương Tây với bản sắc Islam giáo. Chẳng hạn như “Trong địa hạt triết học, chính Ibn Sina đã biên soạn một loạt tác phẩm nhằm cố gắng dung hòa các nguyên lý Islam giáo với các nguyên lý logic học Aristotle và những khám phá của chủ nghĩa hậu Plato về bản chất của tinh thần...” (Roger Allen) (2).

Việc nghiên cứu, thẩm bình, dịch thuật các tài liệu, tư tưởng Hy Lạp cổ đại của các học giả Islam giáo đã góp phần tái khám phá và phục hồi những giá trị kinh điển của nền văn hóa cổ đại này ở châu Âu. Thời đại Phục hưng ở châu Âu bắt đầu từ việc phát hiện ra các tác phẩm của nền văn minh Hy-La cổ đại và ý thức được tinh thần nhân văn đã có từ thời cổ đại. Bên cạnh việc tìm lại được các văn bản cổ Hy-La bị lãng quên trong các thư viện của tu viện ở châu Âu, thì nguồn tiếp xúc quan trọng là qua những văn bản tiếng Arab. Trong rất nhiều trường hợp châu Âu chỉ biết được phiên bản tiếng Arab còn bản gốc tiếng Hy Lạp thì bị mất đi qua cơn lốc ghê gớm và khắc nghiệt của lịch sử.

1.2. Thi pháp học cổ điển Arab và tư tưởng Islam

Thời Tiền Islam giáo là một thời đại rất phát triển về văn học, đặc biệt là thơ ca và thơ ca truyền miệng. Thuở ấy thơ ca được yêu chuộng, các nhà thơ được trọng đãi, các tác phẩm xuất sắc được dệt chữ vàng trên lụa. Những tác phẩm của các nhà thơ đoạt giải cao trong các kỳ thi thơ được treo trong đền thờ Kaaba thiêng liêng ở Thánh địa Mecca. Người ta không thể thống kê được tất cả số lượng các nhà thơ và các tác phẩm thơ ca bởi lịch sử đã đi qua và bao phủ lên chúng bức màn bí mật của thời gian. Tuy nhiên bảy bài Thơ treoMoallakat – bảy bài thơ vàng chính là minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Đó là thời cổ điển của văn minh Arab.

Khởi đi từ truyền thống yêu chuộng thơ ca, hoạt động nghiên cứu lý thuyết văn học ở Arab có điều kiện hình thành khá sớm và đã phát triển dài lâu. Các nhà thơ có sẵn niềm kiêu hãnh về thơ ca của họ, các học giả Arab sớm hình thành nên nhận thức về văn chương, ý thức đánh giá, nhận xét giá trị văn chương cũng như đam mê nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ, chức năng của ngôn ngữ thơ ca, mối quan hệ giữa ngôn từ và ý nghĩa trong thơ. Các văn bản thơ ca trở thành nền tảng cơ sở trong việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ Arab như ngữ pháp, từ điển học, phong cách học và tu từ học. Thêm nữa, từ hoạt động tập hợp, tuyển chọn, sao chép và quy điển hóa các tác phẩm thơ ca truyền miệng của thời Tiền Islam giáo, xem đó như là những văn bản mẫu mực của nghệ thuật cổ điển, sự ý thức về giá trị của văn chương càng phát triển mạnh hơn trong văn học Arab.

Trong không khí văn học đó, phê bình văn học Arab đã có được những tác phẩm có giá trị ở một thời kỳ khá sớm. Thế kỷ IX, nhà phê bình Ibn Sallām al-Jumahī (mất năm 847) đã đưa ra quan niệm về những đặc tính để xếp loại thơ ca thành từng nhóm trong tác phẩm Các nhà thơ đoạt giải (Tabaqāt fuhūl al-shu’arā’). Tác phẩm Quy tắc thơ ca (Qawā’id al-shi’r) của nhà ngữ pháp Tha’lab of al-Kūfah (mất năm 904) xác định vấn đề trọng tâm của phê bình văn học Arab thời kỳ đầu là ngôn ngữ và các vấn đề ngữ pháp. Tác phẩm Chuẩn mực của thơ ca (Iyar al-shi’r) của nhà phê bình Ibn Tabātabā (mất năm 934) trình bày về những kỹ thuật trong sáng tạo thơ ca. Tác phẩm Sách về phong cách mới (Kitab al-Badi) của nhà thơ Ibn al-Mu’tazz (mất năm 908) nói về các yếu tố tạo nên phong cách mới mẻ (của thơ ca) như tạo ẩn dụ từ việc chơi chữ, đối, lặp,…

Với sự phát triển mạnh mẽ của Islam giáo và sự ra đời của thánh thư Qu’ran, các hoạt động bình chú, khảo cứu các văn bản tôn giáo đã tạo nên một bước phát triển mới trong nghiên cứu lý thuyết văn học ở Arab. Các văn bản bình chú thánh kinh của Abu ‘Ubayda (mất khoảng năm 825) và al-Khattabi (mất năm 996) đã thể hiện nhận thức về cách sử dụng ngôn ngữ mang tính tượng trưng và tính văn chương. Đặc biệt từ hoạt động nghiên cứu tôn giáo vốn phát triển mạnh trong văn hóa Arab Islam, Abd al-Qāhir al-Jurjānī (mất năm 1078) đã phát triển trong phê bình văn học một lý thuyết quan trọng về hình ảnh biểu tượng và ẩn dụ.

Sự phát triển của văn hóa, xã hội và sự tiếp xúc ngày càng rộng lớn với những nền văn hóa khác trong thời đại Hoàng kim của đế quốc Islam giáo Arab đã làm cho lý thuyết và lý luận văn học Arab phát triển mạnh. Đặc biệt từ khi có sự tiếp nhận thi pháp học và logic học của Hy Lạp cổ đại mà tiêu biểu là hoạt động dịch và bình chú các tác phẩm của Aristotle (tiêu biểu là Thi pháp học), phê bình văn học và thi pháp học của Arab mới thực sự khởi phát mạnh mẽ và đã tạo nên thời đại hoàng kim rực rỡ của nó từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII.

Điều đáng quan tâm khi nghiên cứu về thi pháp học cổ điển Arab là nền tảng triết học của nó. Thời đại hoàng kim Arab đã có sự phát triển mạnh về tri thức khoa học và tri thức triết học cùng các phạm trù khác của đời sống tinh thần như tôn giáo, văn hóa, học thuật,… Các lý thuyết gia của văn học Arab cổ điển hầu như đều nắm giữ hai nguồn tri thức lớn. Một bên là các hiểu biết triết học, tôn giáo, các quan niệm tâm linh về vận mệnh con người. Một bên là các tri thức khoa học tự nhiên. Vì thế họ luôn đề cao nhận thức, hiểu biết và cả trí tưởng tượng. Chính nền tảng triết học vững vàng của văn hóa Islam giáo cũng là một điều kiện tốt cho lý luận văn học và thi pháp học phát triển. Các lý thuyết gia văn học Arab cổ điển, không chỉ có khả năng phát triển lý thuyết của mình, đồng thời còn có khả năng tiếp nhận, vận dụng được những lý thuyết khác mà không đánh mất đi bản sắc của văn hóa truyền thống Arab.

Những dấu hiệu đầu tiên về lý thuyết văn học của giai đoạn này có thể kể đến tác phẩm Sách về mỹ từ học (Kitāb al-badī’) của Ibn Qutaybah (828-885). Trong tác phẩm này ông đề cao phương thức ẩn dụ và so sánh trong thơ ca, cũng như cho rằng thơ ca có mục đích trước tiên là tạo ra cảm nhận dù là tốt đẹp hay tồi tệ. Tác phẩm quan trọng thứ hai là Phê bình thơ ca (Naqd al-shi’r) của Qudāmah ibn Ja’far (873-948) bàn luận về những tiêu chuẩn đặc biệt của giá trị văn chương, ông xác định thơ ca phải có vận luật và mục đích; tác phẩm Kitab al-Burhan của Ishaq ibn Ibrahim ibn Wahb (thế kỷ thứ X) bàn luận về thơ ca và văn xuôi theo quan điểm logic học. Các triết gia Arab thừa kế quan điểm của Aristotle xem thơ ca là một nhánh của logic học, hướng đến việc sử dụng các tam đoạn luận và nghiên cứu về hiệu quả tâm lý và hiệu quả tinh thần của thơ ca.

Kỷ nguyên Islam giáo đã được mở ra từ những thành công của nhà tiên tri Mohammed, người đã truyền bá trong cộng đồng niềm tin vào Đức Allah. Tín đồ Islam đối với Allah bằng một niềm tuân phục tuyệt đối, với họ, chỉ có Allah là đấng có quyền năng và là đấng duy nhất có khả năng sáng tạo. Đến mức mà, những tác phẩm văn học mang tính hư cấu đã không được chấp nhận. Tín đồ Islam chỉ tiếp nhận những tác phẩm mang tính chất kể lại những sự kiện có thật (hoặc được tin là thật). Hư cấu tưởng tượng là bịa đặt và văn chương là giả dối.

Kinh Qu’ran còn làm cho trí tưởng tượng bị hạn chế hơn khi cho rằng: “Các nhà thơ, những kẻ mà tội lỗi bám theo chúng. Nhìn xem chúng đi lang thang không mục đích như thế nào trong thung lũng, rêu rao về những gì chúng chả bao giờ làm. Chẳng phải là những tín đồ ngoan đạo, những kẻ làm những việc tốt và luôn nhớ đến thánh Allah với lòng yêu thương và che chở chính bọn chúng khi sai quấy. Những kẻ làm sai rồi sẽ biết những gì đang chờ đón chúng” (3). Có những giai thoại kể rằng Mohammed đã sát hại các nhà thơ vì không muốn tác phẩm của họ được mọi người say mê hơn những lời tiên tri của mình. Tuy vậy, cho dù trong kinh Qu’ran đã nói gì về các nhà thơ và hoạt động sáng tác của họ, thì cuốn kinh này vẫn là “một kho tàng không cạn của văn chương, lịch sử, giáo dục… trong thế giới nói tiếng Arab” (4). Chính những lời kết tội nhà thơ ấy lại được xem như là những phát biểu chính thức đầu tiên của vấn đề lý thuyết trong văn học Arab. Nhà nghiên cứu Patrick Colm Hogan trong bài viết “Ethnocentrism and the Very Idea of Literary Theory” (Chủ nghĩa dân tộc trung tâm và vấn đề thực sự của lý luận văn học) đã cho rằng: “Lý luận văn học Arab đã khởi nguồn từ những lời kết án nhà thơ gay gắt được tìm thấy trong kinh Qu’ran, còn hoa trái của nó thì nở rộ trong những phân tích về tác phẩm Thi pháp học của Aristotle của al-Farabi (870-950), Ibn Sina (Avicenna) (980-1037), Ibn Rushd (Averroes) (1126-1198), và những tác giả khác của thời đại hoàng kim Islam giáo thế kỷ IX đến thế kỷ XIII (5).

Để lý giải cho sự phát triển sớm và mạnh mẽ của lý thuyết và thi pháp học Arab, các nhà nghiên cứu thường đề cao khả năng tự ý thức về giá trị, vai trò và bản chất của văn chương hình thành sớm trong bản thân nền văn học này. Theo quan điểm của tác giả Vicente Cantarino, trong sách Arabic Poetics in the Golden Age: Selection of Texts Accompanied by a Preliminary Study thì khởi đầu của thi pháp học Arab chính là từ sự nhận thức sâu sắc của các tác giả Arab về tầm quan trọng của văn hóa và tôn giáo trong hoạt động sáng tạo thơ ca của mình, từ rất sớm người Arab đã tập hợp các tác phẩm thơ ca và soạn chúng thành những tuyển tập và hợp tuyển theo một cách thức tạo sự thuận lợi cho nghiên cứu (6).

Các triết gia Arab Islam như al-Farabi, Ibn Sina, Ibn Rushd đều cùng đặt Aristotle vào trong mối quan tâm của mình. Họ đã dành nhiều nghiên cứu để lý giải, phân tích triết học của Aristotle, và chính họ cũng góp phần lưu giữ những di sản của Aristotle cho tri thức nhân loại. Chính từ sự quan tâm đó, mà những nghiên cứu của họ về Aristotle cũng đã chạm đến những vấn đề lý luận văn học và họ được coi như những nhà lý thuyết văn học, đã đưa ra được những quan điểm riêng của mình về lĩnh vực này – tuy nhiên, một cách rõ ràng thì cả ba tên tuổi lớn này đều nằm ở địa hạt triết học nhiều hơn là văn chương, thi pháp học và tu từ học, dù những lĩnh vực này có được họ ghé qua.

Về tổng thể, có thể cho rằng các triết gia Islam giáo không xem sáng tạo nghệ thuật và văn chương là đích đến của họ. Triết học Islam giáo thực chất hướng mối quan tâm của nó vào xã hội, đạo đức và chính trị, vì thế với các triết gia Islam giáo “thi pháp học và tu từ học được xem như là những công cụ để truyền đạt thông tin và chứng minh sự thật triết học đối với công chúng, những người được cho là có năng lực hiểu biết hạn chế. Sự truyền đạt trung gian đó theo cách thông thường, mặc dù không phải là lúc nào cũng vậy, chính là sự giảng giải tôn giáo”. Trong thực tế tôn giáo cũng rao giảng và truyền dạy bằng cách khơi gợi nên ở con người trí tưởng tượng và niềm tin tưởng, nó hướng người ta đến việc nhận thức tất cả mọi điều mang tính thuyết phục. “Việc sử dụng ngôn ngữ của trí tưởng tượng và niềm tin chỉ là việc hướng đến mục tiêu nhận thức mà các triết gia Islam giáo truyền thống gán cho nghệ thuật tu từ học và thơ ca” (7).

2. Nguyên lý mô phỏng và tưởng tượng trong thi pháp học cổ điển Arab

Từ sự tiếp nhận những quan điểm về thi pháp học của Aristotle, trong thi pháp học cổ điển Arab đã có sự hình thành các thuật ngữ thể hiện những nguyên lý quan trọng của thơ ca. Đó là tashbihtamthil – hai phạm trù về so sánh, ví von, muhakah – sự bắt chước, takhyil – sự tưởng tượng, tasdiq – sự tin tưởng và istiara – thủ pháp ẩn dụ. Trong bài viết này, trong việc tìm hiểu mối liên hệ giữa văn học Hy Lạp và văn học Arab ở góc độ thi pháp học, chúng tôi sẽ giới thiệu  hai nguyên lý cơ bản của thi pháp học là sự mô phỏng và sự tưởng tượng.

2.1. Nguyên lý mô phỏng – Muhakah

Trong Thi pháp học của Aristotle, có thể xem, mimesis – mô phỏng chính là nguồn cội của nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ngôn từ. Mimesis thường được dịch sang tiếng Việt là “bắt chước”, và từ đó, dẫn đến cách hiểu rằng, nghệ thuật là “bắt chước”, “mô phỏng” lại đời sống, nghệ thuật xuất phát từ đời sống, và trình bày lại những gì đã từng xuất hiện trong đời sống. Cách hiểu này là một cách hiểu hẹp và không thực sự gần gũi với bản chất của văn học nghệ thuật. Hay nói một cách khác, vô hình trung, cách hiểu này làm hạn chế khả năng sáng tạo, hư cấu và tưởng tượng của người nghệ sĩ.

Theo quan điểm của chúng tôi, Aristotle đã sử dụng khái niệm mimesis với nghĩa là “bắt chước” nhưng đó không phải là một “bắt chước” đơn thuần, không phải là rập khuôn của những gì sẵn có. Bắt chước theo cách Aristotle đề nghị, chính là “bắt chước” cái yếu tính. Người nghệ sĩ có thể từ đời sống, nắm bắt một cách tinh tế những quy luật và từ những cốt lõi đó sáng tạo nên thế giới nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của mình. Bên cạnh đó, mimesis của Aristotle còn có nghĩa là trình bày, trình diễn, thể hiện. Tất nhiên đó không phải là một sự tái hiện hoàn toàn bắt chước, bưng bê một cách vụng về vào trong tác phẩm một hiện thực không mài giũa mà đó là sự đặt bày, sắp xếp có ý đồ của người nghệ sĩ.

Aristotle xem thơ ca là hình thức thể hiện đầy giá trị đời sống con người. Plato đã đặt ra vấn đề mô phỏng (mimesis) trong sáng tác nghệ thuật và Aristotle là người hoàn thiện nguyên lý thi pháp học này. Theo quan điểm của Aristotle, bắt chước là một bản năng tự nhiên của con người ngay từ thuở ấu thơ để học hỏi và nhận thức đời sống. Người nghệ sĩ cũng theo cách ấy, tái hiện đời sống trong thế giới nghệ thuật của mình. Người nghệ sĩ bằng cách bắt chước và trình bày đã tạo ra một thế giới của những cái chung, cái phổ quát, và nó là những điển mẫu mà người xem mong đợi. Đó có thể là cái cao cả (trong bi kịch), đó có thể là cái tầm thường (trong hài kịch), nhưng cốt lõi của vấn đề là nó đã được sáng tạo từ yếu tính của đời sống để tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật.

Thi pháp học Arab, trong khi tiếp nhận thi pháp học Hy Lạp cũng nói đến khái niệm muhakah nghĩa là sự bắt chước, tuy nhiên, các lý thuyết gia Arab có thái độ và cách lý giải riêng của họ về nguyên lý này. Nguyên lý muhakah trong thi pháp học Arab thường được nói đến khi các lý thuyết gia bàn về takhyil – nguyên lý tưởng tượng.

Tương tự như Aristotle, al-Farabi cũng đặt ra vấn đề cái cao quý và cái thấp hèn khi nhà thơ mô phỏng thế giới. Ông cho rằng, trong sáng tác, các nhà thơ có thể lựa chọn miêu tả một vấn đề dưới hình thức có thể là cao quý hơn hay hèn kém hơn cái chúng vốn có. Cách miêu tả như vậy theo ông là nhằm tạo hiệu quả lôi cuốn hơn và cũng là để tác động đến tình cảm của người thưởng thức.

Kế thừa al-Farabi, trong khi trình bày quan điểm của mình về takhyil, Ibn Sina đưa ra khái niệm muhakah nghĩa là sự bắt chước, sự mô phỏng. Nếu như văn chương phương Tây – tiêu biểu là thi pháp học Hy Lạp cổ đại coi trọng sự bắt chước (mimesis) thì thi pháp học cổ điển Arab coi trọng sự tưởng tượng, hư cấu. Ibn Sina và những lý thuyết gia Arab khác cũng đưa ra khái niệm về sự mô phỏng, bắt chước muhakah nhưng họ hình dung bắt chước chỉ như một bộ phận, một biểu hiện của sự tưởng tượng, căn bản sự bắt chước cũng chính là sự tưởng tượng.

Sự bắt chước đối với Ibn Sina không đơn thuần là sự sao chép, mà bắt chước là nguyên nhân của sáng tạo thơ ca, nhằm để thỏa mãn nhu cầu của con người được hòa điệu. Sáng tác thơ ca tạo nên sự thích thú, sự ngạc nhiên từ sự mô phỏng thơ ca. Và rõ ràng là sự mô phỏng, bắt chước ấy tạo ra những hình ảnh khác biệt với nguyên mẫu. Sự mô phỏng có sự cạnh tranh với hiện thực để tạo ra sự bất ngờ và ngạc nhiên khi so sánh hình ảnh với chủ thể của nó. Sự mô phỏng đó trở nên là một phần căn bản của thi pháp học Arab truyền thống.

Ibn Sina còn thể hiện cái nhìn bản thể học khi đặc biệt chú ý đến mối liên hệ giữa hiện thực và sự tưởng tượng, giữa sự mô phỏng và nguyên mẫu. Sự mô phỏng không bao giờ tạo nên nguyên mẫu mà chỉ tạo nên hình ảnh biểu tượng. Nó tạo ra sự hài hòa mang tính tưởng tượng chứ không phải là để phục vụ nguyên mẫu, nhưng sự mô phỏng đó lại do chính chủ thể gốc quy định. Vì thế sự tưởng tượng và mô phỏng có mối liên hệ không tách rời.

2.2. Nguyên lý tưởng tượng – PhantasiaTakhyil

Trong truyền thống Hy Lạp, tưởng tượng bắt đầu từ những tìm hiểu về tâm lý và các vấn đề của tinh thần hay tâm hồn của con người. “Thời cổ đại, các triết gia, các thi sĩ và các nhà tâm lý học xem tưởng tượng là một nguồn năng lượng mạnh mẽ và biến đổi, khó kiểm soát và có thể tạo ra ảo tưởng, rối loạn tinh thần (thường là u sầu) nghệ thuật xấu, hay sự điên rồ” (8). Plato quan niệm rằng có hai loại hình nghệ thuật, một là nghệ thuật làm cho giống (mô phỏng) và một là nghệ thuật của tưởng tượng. Nếu sự mô phỏng là phải làm cho chính xác, nghệ thuật của tưởng tượng là tạo ra những gì vốn không tồn tại hoặc là bắt chước nhưng không làm giống như thế (9). Còn theo Aristotle thì tưởng tượng là “sự tái tạo tinh thần của các kinh nghiệm cảm xúc” (10). Trong Thi pháp học, tuy không đề cập trực tiếp đến khái niệm tưởng tượng nhưng Aristotle cũng cho thấy là thông qua sự tưởng tượng, khán giả có thể tạo ra cảm xúc thông cảm hay sợ hãi hay xót thương với sự kiện xảy ra trong vở kịch, đồng thời cũng không xem tưởng tượng là yếu tố quan trọng để tạo ra cảm xúc đó.

Khi đề cập đến thi pháp học Hy Lạp chúng ta thường nói đến khái niệm mimesis nhiều hơn là khái niệm phantasia. Trong khi đó, với đặc trưng của nên văn học nghệ thuật phương Đông, các triết gia, các lý thuyết gia Arab quan tâm đến nguyên lý của sự tưởng tượng nhiều hơn. Họ dành rất nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng nguyên lý takhyil – nguyên lý về sự tưởng tượng trong thi pháp học cổ điển của Arab.

Takhyil là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tâm lý học chỉ khả năng tưởng tượng, hoạt động tưởng tượng trong tâm hồn con người. Nói về yếu tố tưởng tượng trong văn chương có vẻ như là thừa, bởi vì về thực chất văn chương luôn luôn gắn liền với tưởng tượng và hư cấu. Tuy nhiên điều quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự khái quát và quy điển sự tưởng tượng trong văn chương trở thành một nguyên lý thi pháp học mà các lý thuyết gia văn học Arab đã thực hiện. Thêm nữa, việc đề cao khả năng tưởng tượng trong văn học có vẻ như đi ngược lại với quan điểm cấm đoán sự tưởng tượng, giả dối của đức tin Islam giáo truyền thống.

Sự phát triển của khái niệm takhyil xuất phát từ truyền thống văn chương Arab Islam giáo và những nghiên cứu, lý giải Aristotle của các lý thuyết gia nổi tiếng thời kỳ hưng thịnh của lý luận văn học Arab như al-Farabi, Ibn Sina, Ibn Rushd,… Takhyil cũng như các khái niệm khác của thi pháp học có một nền tảng triết học vững chắc, hàm nghĩa sâu xa. Khi các lý thuyết gia đồng thời cũng là những triết gia vĩ đại. Takhyil trở thành một thuật ngữ của thi pháp học Arab, nó rất gần với khái niệm phantasia (khả năng tưởng tượng) của thi pháp học Hy Lạp, dĩ nhiên vẫn mang những ý nghĩa khác biệt của văn học Arab. Takhyil có ý nghĩa rộng khắp trong lý luận về thi học và tu từ học Arab. Có thể hiểu takhyil là sáng tạo tưởng tượng, sự hư cấu tưởng tượng. Và takhyil được hiểu như là một nguyên tắc để tạo nên, gợi nên các hình ảnh, những thay thế và cái biểu hiện mang tính sáng tạo trong văn chương. Bằng nền tảng triết học vững chắc, takhyil mang một ý nghĩa bao quát, đặc thù của thơ ca. Khái niệm này có ý nghĩa bao quát cả bản chất, vai trò, phương thức sáng tác của thơ ca.

Al-Farabi trong tác phẩm Cuốn sách liệt kê về khoa học (Ihsa’ al-‘ulum) đã trình bày những mô tả bao quát về những đặc điểm của takhyil – khả năng tưởng tượng thơ ca, thơ ca bao gồm những nhân tố với chức năng tưởng tượng cho một hoàn cảnh hay đặc điểm, tốt hay xấu, của một vấn đề được nói đến như cái đẹp, cái xấu, sự kiêu căng, hèn hạ hay những cái gì tương tự vậy. Thông qua sự tưởng tượng, thơ ca đặt vào tâm hồn con người những hình ảnh và những xúc cảm về một điều gì đó giống như là đã diễn ra. Đó có thể là sự cuốn hút hay sự ghê sợ, có thể cảm nhận thỏa mãn với cái đẹp hay cảm nhận được sự đê tiện, sự hèn hạ. Al-Farabi cho rằng người ta thường hành động theo những gì họ hình dung ra hơn là theo những gì họ biết và tin tưởng. Ông cho rằng khi nghe một bài thơ có nghĩa là thông qua sự sáng tạo tưởng tượng mà đã tạo nên trong tâm hồn chúng ta một điều gì đó giống như là những gì đã từng diễn ra.

Kế thừa những nghiên cứu của al-Farabi, cùng với sự nghiên cứu Aristotle và những trải nghiệm thi ca của riêng mình, Ibn Sina cũng đề cao takhyil - yếu tố tưởng tượng trong sáng tác văn chương. Ông xem thơ ca là những diễn đạt mang tính tưởng tượng. Ông nhấn mạnh rằng bên cạnh nhịp điệu và vần luật thơ ca còn được tạo nên bởi cách thức tạo nên sự tưởng tượng. Vì thế để nhận thức ý nghĩa của thơ ca không chỉ bằng nhịp điệu, vần, luật – những nhân tố của thơ ca mà còn phải bằng suy nghĩ và vận dụng hình ảnh của trí óc. Sự tạo thành hình tượng nghệ thuật chính là phần cốt yếu của học thuyết của Ibn Sina về thi pháp học.

Ibn Sina quan niệm rằng sự tưởng tượng căn bản là việc tạo ra những hình ảnh hay một phần hình ảnh, hay đại diện của nguyên mẫu, có thể có sự sai biệt, trong tâm hồn con người mặc dù thực tế những chủ thể tạo nên những hình ảnh đó đang vắng mặt. Hành động tạo ra hình ảnh đó là hoạt động tinh thần đặc thù của con người, khác hẳn với loài vật vốn không có sự tưởng tượng. Và hoạt động tinh thần đó thường tồn tại trong suy nghĩ, trong sự suy đoán, trong những giấc mơ, sự gợi nhớ hay ao ước và đặc biệt nó tồn tại trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học và những hành động cao quý.

Theo Ibn Sina, takhyil luôn luôn có liên hệ với những yếu tố đặc thù. Từ ý nghĩa thâu tóm được những yếu tố đặc thù đó, takhyil có khả năng khái quát, qua hành động tưởng tượng, người ta không chỉ tạo nên sự cảm nhận, sự hình dung về một chủ thể đã từng trải nghiệm mà còn có khả năng tạo ra những hình ảnh chưa bao giờ tồn tại trong thực tế. Đồng thời, ông xác định rằng mặc dù sự tưởng tượng, hình dung tạo ra những điều không thật (không thật sự tồn tại) nhưng sự cảm giác và sự nhận thức là có thật. Bởi vì trí óc đã thực sự phải hình dung, so sánh để có thể tưởng tượng. Thêm nữa, ibn Sina đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa hình ảnh (biểu tượng) và hiện thực (nguyên mẫu). Người ta hoàn toàn có thể có sự điều chỉnh giữa tưởng tượng và sự hiểu biết có sẵn để sáng tạo và cảm nhận các biểu tượng nghệ thuật.

Về chức năng, sáng tác thơ ca mang lại cho con người sự hứng thú sự thỏa mãn. Và Ibn Sina cũng cố gắng phân biệt sự tưởng tượng trong thơ ca khác với những cách dùng khác của trí tưởng tượng. Điểm đặc thù của sự tưởng tượng thơ ca chính là sự chấp nhận những tưởng tượng được tạo thành từ những cảm giác, những cảm nhận về sự hài lòng hay sự kinh ngạc, sợ hãi. Từ cách nhìn nhận về giá trị của ngôn ngữ thi ca, Ibn Sina hướng đến một vẻ đẹp khác nữa của ngôn ngữ thi ca là giá trị tinh thần. Nhà thơ có thể sáng tạo nên những hiệu ứng đáng ngạc nhiên về nỗi đau hay niềm vui thích, hay khơi gợi những cảm xúc tuyệt vời nơi người đọc. Ông cho rằng nó được duy trì và phụ thuộc vào mối liên hệ tương ứng giữa các thành viên riêng lẻ trong một công đồng. Khi ông cho rằng “mỗi kiểu loại ngôn ngữ thi ca sẽ thích hợp với một kiểu loại khán giả. Sự hài hước sẽ hợp với những người hèn hạ và kém hiểu biết trong khi đó yếu tố bi ai sẽ thu hút những người ở tầng lớp trên nhiều hơn” (11).

Mặc dù có sự tiếp thu và kế thừa từ al-Farabi và Aristotle, Ibn Sina cũng đã tạo nên sự khác biệt trong quan điểm của mình. Khi al-Farabi cho rằng sự ước lượng là một phần của trí tưởng tượng thì Ibn Sina lại phân biệt chúng với nhau. Nếu như Aristotle xem sự ngạc nhiên là một bước để hướng đến một mục tiêu lớn hơn, sự vui thích, sự sợ hãi có thể vượt qua sự ngạc nhiên để cuối cùng đưa ra một cách hiểu trọn vẹn. Thì Ibn Sina không chỉ xem đó đơn thuần chỉ là một bước đi của cả một quá trình, cũng giống như al-Farabi, ông đề cao nó hơn, cho rằng có thể chấp nhận sự sợ hãi và chỉ ra cơ sở và bản chất của nó như là một kinh nghiệm độc lập.

Kết luận

Văn học Arab đã phát triển rất rực rỡ ở cả phương diện sáng tác lẫn phương diện lý thuyết trong thời đại hoàng kim của đế chế Arab Islam. Có thể nhận thấy, nguyên do của sự khởi phát mạnh mẽ của thi pháp học Arab trong thời kỳ hoàng kim là từ: truyền thống yêu chuộng thơ ca, sự phát triển nghiên cứu tôn giáo, nền tảng triết học - tư tưởng, sự tiếp nhận, dịch thuật, nghiên cứu thi pháp học Hy Lạp cổ đại. Điều này cũng cho thấy thi pháp học Arab đã nảy sinh từ sức mạnh nội tại của văn học Arab, từ nền tảng vững vàng của tôn giáo và tư tưởng triết học kết hợp với những bồi đắp qua giao lưu và tiếp nhận di sản văn học ở các khu vực lân cận cụ thể là Hy Lạp.

Điều quan trọng khi bàn đến thi pháp học cổ điển Arab chính là mối liên hệ của nó với thi pháp học Hy Lạp cổ đại. Đó là mối quan hệ của sự tạo dựng nền tảng thi pháp học, của sự tiếp thu, học tập, nghiên cứu, lý giải, lưu giữ và phát triển nghiên cứu lý thuyết văn học kéo dài trong nhiều thế kỷ. Bài viết cũng giới thiệu về nguyên lý mô phỏng và tưởng tượng nhằm làm rõ hơn mối liên hệ giữa hai nền thi pháp cổ điển này. Có thể thấy trong khi thi pháp học phương Tây là tiến trình của sự phát triển nguyên lý mô phỏng thì thi pháp học cổ điển Arab là quá trình đề cao và hoàn thiện nguyên lý tưởng tượng. Mặc dù tiếp nhận những ảnh hưởng quan trọng từ thi pháp học Hy Lạp, nhưng người Arab cũng đã tạo dựng một nền thi pháp học của riêng mình, với sức mạnh nội tại và đầy bản sắc.

Chú thích

(1),(2) Roger Allen (2005), An Introduction to Arabic Literature, Cambrige University Press, UK, tr.40, tr.41

(3) N.J. Dawood (trans) (2006), The Koran, Penguin Books, US, tr.264

(4) Nhật Chiêu (2003), Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo dục, tr.63

(5) Patrick Colm Hogan (1996), Ethnocentrism and the Very Idea of Literary Theory), College Literature vol 23, n1 (Feb, 1996), West Chester University, http://cogweb.ucla.edu/Abstracts/Hogan_ethno.html (truy cập ngày 29.9.2016)

(6) Vicente Cantarino (1975), Arabic Poetics in the Golden Age: Selection of Texts Accompanied by a Preliminary Study, Published by BRILL, tr.1

(7),(11) Muslim Philosophy Online, http://www.muslimphilosophy.com, (truy cập ngày 29.9.2016), mục từ: Aesthetics in Islamic Philosophy, Ibn Sina, Abu 'Ali al-Husayn (980-1037)

(8),(9),(10) Alex Preminger, T.V.F. Brogan (edit) (1993), The New Priceton Encyclopedia of Poetry and Poetics, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, UK, tr.567, tr.1027, tr.567

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Aristotle (2007), Nghệ thuật thơ ca (Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình,… dịch), Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
  2. Nhật Chiêu (2003), Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo dục
  3. Phương Lựu (2002), Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, Nxb Văn học, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN
  4. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn và Báo chí (2003), Văn học so sánh – Nghiên cứu và dịch thuật, Nxb Đại học quốc gia HN

Tài liệu tiếng Anh

  1. Adonis (2003), An Introduction to Arab Poetics (translated by Catherine Cobham), Saqi Books, London
  2. Roger Allen (2005), An Introduction to Arabic Literature, Cambrige University Press, UK
  3. Aristotle (2012), The Pocket Aristotle (W. D. Ross trans), Pocket Books - Simon & Schuster, Inc., NY, US, 2012
  4. Vicente Cantarino (1975), Arabic Poetics in the Golden Age: Selection of Texts Accompanied by a Preliminary Study, Published by BRILL
  5. N.J. Dawood (trans) (2006), The Koran, Penguin Books, US
  6. Patrick Colm Hogan (1996), Ethnocentrism and the Very Idea of Literary Theory, College Literature vol 23, n1 (Feb, 1996), West Chester University, http://cogweb.ucla.edu/Abstracts/Hogan_ethno.html (truy cập ngày 29.9.2016)
  7. Salim Kemal (2003), The Philosophical Poetics of Alfarabi, Avicenna and Averroës – The Aristotelian Reception, Routledge Curzon, Taylor & Francis Group, London
  8. Alex Preminger, T.V.F. Brogan (edit) (1993), The New Priceton Encyclopedia of Poetry and Poetics, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, UK
  9. Muslim Philosophy Online, http://www.muslimphilosophy.com, (truy cập ngày 29.9.2016), Các mục: Aesthetics in Islamic Philosophy; Al-Farabi, Abu Nars (c.870-950), Ibn Rushd, Abu’l Walid Muhammad (1126-98); Ibn Sina, Abu 'Ali al-Husayn (980-1037)

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016, tr. 175-183.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63670742
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14460
17595
63670742

Thành viên trực tuyến

Đang có 653 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website