Bìa cuốn sách "Cân bằng mong manh"
Cái gọi là "Cân bằng mong manh" thực chất là một sự thỏa hiệp giữa mơ ước - lý tưởng và hiện thực tàn khốc? Cuốn sách để lại ám ảnh sâu cho độc giả, làm cho người ta suy tư
Những tác phẩm trong tủ sách "Cánh cửa mở rộng" (NXB Trẻ) do GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt giới thiệu là những đầu sách tuy khó đọc nhưng thú vị và hấp dẫn. "Cân bằng mong manh" của Rohinton Mistry (Nguyễn Kim Ngọc dịch, NXB Trẻ ấn hành, dài hơn 1.000 trang) thấm đẫm văn hóa và không khí thời đại Ấn Độ.
Rohinton Mistry là nhà văn Ấn Độ sống ở Canada, các nhà văn di dân luôn có cái nhìn khác về đất nước họ khi sống xa quê nhà.
Xã hội Ấn Độ những năm 1970 dưới thời Indira Gandhi được miêu tả đối lập với những gì người ta thường ca ngợi. Bạo lực, bất công, nghèo đói, bất bình đẳng về đẳng cấp, giới,… là kết quả của những chính sách nửa vời của chính phủ, như tình trạng khẩn cấp (Emergency Call) kết hợp với những bất công nảy sinh từ truyền thống gây ra những bất ổn trong lòng xã hội, ví dụ một người đẳng cấp thấp chỉ vì muốn bỏ phiếu bầu cử mà cả nhà bị giết, sau đó đến con trai cũng bị phẫu thuật cắt tinh hoàn để tiệt đường nòi giống; một cô gái xinh đẹp, hiền lành vì bất bình đẳng giới mà không được học lên cao, suốt đời chịu cảnh lệ thuộc trong sự thỏa mãn của anh trai; cảnh bắt bớ, làm tiền công khai; đánh đập người vô tội; coi thường luật pháp,… diễn ra tự nhiên và quen thuộc đến độ người đọc có cảm giác đó không phải là một xã hội có luật pháp.
Những chi tiết mãnh liệt và bạo lực trong tác phẩm làm chúng ta tái mặt: đời sống nghèo khổ của Ấn Độ không khác trong phim "Triệu phú khu ổ chuột" là mấy, chứng tỏ nó nhan nhản trong xã hội Ấn; chi tiết Maneck ghê sợ lũ giun trong nhà tắm nhưng đối với hai bác cháu Isvar và Om thì nó lại là nhà tắm 5 sao họ chưa bao giờ hưởng thụ, cho thấy sự chênh lệch xã hội quá lớn, khoảng cách giàu nghèo quá xa; những đoạn tả chi tiết cảnh thuộc da, cúng tế,… cũng cho thấy tác giả có tài quan sát và cảm nhận rất giỏi.
Bốn nhân vật chính thuộc 2 đẳng cấp khác nhau: hai bác cháu Isvar và Om là thợ may, thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội; cô Dina và Maneck thuộc tầng lớp cao hơn. Bốn số phận là 4 câu chuyện được kể hấp dẫn, lôi cuốn, tạo nên thành công của cuốn sách và cuối cùng, cả 4 nhân vật đều thất bại trong việc sống đúng với mong ước của mình.
Hiểu về những phong tục, tập quán, định chế xã hội của Ấn Độ đã đành, chúng ta còn đau cho những con người sống trong xã hội đó. Dina kéo lê quãng đời còn lại bằng sự phụ thuộc người anh trai mà cô luôn chế giễu, coi thường. Isvar và Om, 2 con người lương thiện phải đi ăn xin, cái việc mà họ căm ghét nhất vì nó trái với lòng tự trọng của họ. Nhưng họ vẫn sống, vẫn chịu đựng vì họ có sự thỏa hiệp với những điều không hài lòng trong cuộc sống, cái mà tác giả gọi là "fine balance" (được dịch là "cân bằng mong manh").
Maneck, chàng trai thánh thiện và trong sáng nhất trong tác phẩm, không tìm được điều đó. Sự hụt hẫng mà anh chịu đựng qua nhiều cú sốc (rời xa gia đình, vùng núi anh yêu, cái chết của người bạn thân, việc không hòa nhập với Dubai nơi anh ở 8 năm, chứng kiến sự thay đổi của 3 người mà anh yêu quý là Dina, Isvar và Om) đã làm anh tuyệt vọng, không thể gượng dậy, không thể sống tiếp sự "cân bằng giả tạo" mà anh gắng có trong 8 năm. Một năm trời sống với 3 người xa lạ là một năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh khi anh cùng họ tạo dựng được không khí, thức ăn, tình bạn, tình gia đình.
Cái gọi là "Cân bằng mong manh" thực chất là một sự thỏa hiệp giữa mơ ước - lý tưởng và hiện thực tàn khốc? Hay nó là nguồn lực nội tại sâu xa của người Ấn Độ với những triết lý tôn giáo? Và kẻ cực đoan như Maneck vì không tìm được cho mình sự thỏa hiệp (dù mong manh) mà đã chọn một kết thúc dứt khoát, dấn đến cùng? Tại sao một đất nước vĩ đại như Ấn Độ lại như thế và nó vẫn tiếp tục như thế với những bất công, bất ổn, bất an đối với những con người dưới đáy xã hội, như lão ăn mày, anh dạy thú, ông thợ may người Hồi, Isvar và Om, Narayan - cha của Om, Dukhi - cha của Isvar và Om…?
Cuốn sách để lại ám ảnh sâu cho độc giả, làm cho người ta suy tư.
Trần Lê Hoa Tranh (Tiến sĩ văn học Trường ĐH KHXH & NV TP HCM)