“Ngày tháng năm” của Diêm Liên Khoa và những dự đoán buồn về ngày tận thế

Chuyện nói về một ngôi làng bị hạn hán, cả làng trốn đi hết chỉ còn ông lão và con chó mù ở lại để chăm sóc cây ngô đang lớn chậm chạp từng ngày. Ông lão phải tìm cách vừa nuôi mình và con chó, vừa tìm nguồn nước để tưới cho cây ngô với hy vọng một ngày trời sẽ mưa xuống và cây ngô sẽ kết trái, làm hạt giống cho mùa sau.

 Là “fan” của Diêm Liên Khoa, cuốn nào dịch ra tiếng Việt mình cũng đọc. Được tặng “Ngày tháng năm” nhưng chưa có lúc nào thật thong thả để đọc, dù truyện rất mỏng. Thế là phải đợi đến lúc phải “đoạn tuyệt” với điện thoại và internet hơn một ngày thì mới đem theo đọc. Và mình lại muốn nói lời cảm ơn dịch giả Minh Thương đã tặng mình cuốn tiểu thuyết ngắn này của Diêm Liên Khoa.

“Ngày tháng năm” có cốt truyện không mấy cuốn hút, nhân vật ít ỏi đến đáng thương nhưng tình tiết lại gay cấn và hấp dẫn cực kỳ. Nhân vật chỉ có ông lão, con chó mù và cây ngô. Ngoài ra còn có một đàn sói và đàn chuột như một lực lượng cạnh tranh sự sống với ông lão đó là tranh giành nguồn nước và thức ăn.

20220620

Bìa tập truyện “Ngày tháng năm” của Diêm Liên Khoa

Chuyện nói về một ngôi làng bị hạn hán, cả làng trốn đi hết chỉ còn ông lão và con chó mù ở lại để chăm sóc cây ngô đang lớn chậm chạp từng ngày. Ông lão phải tìm cách vừa nuôi mình và con chó, vừa tìm nguồn nước để tưới cho cây ngô với hy vọng một ngày trời sẽ mưa xuống và cây ngô sẽ kết trái, làm hạt giống cho mùa sau. Những “ngày tháng năm” trôi qua không biết bao nhiêu ngày như thời tiền sử với cái đói, cái khát và sự tấn công của đàn chuột, đàn sói thật nghẹt thờ nhưng mà rất cuốn hút. Những chi tiết tả cuộc sinh tồn khắc nghiệt như cây ngô năm lần bảy lượt đối mặt với sự khô héo mà vẫn lớn lên, tả mặt trời thiêu đốt, tả cái đói, cái khát, tả tình cảm giữa người và chó, tả sự quyến luyến và quyết tâm của ông lão cho thấy Diêm Liên Khoa quả thật là một nhà văn kỳ tài.

– “mầm ngô đó đã cao bằng cái đũa rồi, dưới ánh mặt trời đỏ sẫm, màu xanh biếc giống như một dòng nước phun ra. Nghe thấy không? Ông ngoái đầu hỏi chó mù, nói thơm quá, cách chín, mười dặm cũng có thể nghe thấy hơi thở của mầm cây tươi non mềm mại.”

– “âm thanh sinh trưởng của cây ngô xanh tươi non lướt qua trước mắt ông, đi đến bên tai ông như một sợi dây.”

– “mầm ngô đó đã bị gió thổi gãy. Đoạn gốc còn lại run rẩy như ngón tay bị chặt đứt, trong cái nắng rừng rực, vết thương bị đứt chảy ra một màu xanh sẫm, nhỏ xíu sền sệt như một sợi dây.”

Đó là cách ông lão cảm nhận sức sống của cây ngô. Ông cảm nhận bằng những giác quan nguyên thủy nhất, cây ngô là một sinh vật sống động và gần gũi với ông lão.

Còn con chó mù, Diêm Liên Khoa nhiều lần tả cảnh con chó khóc, cảnh nó quỳ bên cạnh ông lão, cảnh nó nhường thức ăn cho ông lão, cảnh nó canh cây ngô, cảnh nó liếm tay, liếm mặt ông lão, cảnh nó phủ phục bên xác ông lão và trung thành với người thân duy nhất của nó. Đây không phải là quan hệ chủ – thú vật, đây là những sinh vật đồng cam cộng khổ bên nhau và sống chết có nhau.

Nhà văn Diêm Liên Khoa

Từ những đại kỳ thư miêu tả mối quan hệ giữa người và người, những phản tư chính trị và phản tư bản chất con người, giờ đây Diêm Liên Khoa quay về với mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, bày tỏ sự hối hận và dày vò sâu sắc của con người khi đã tàn phá cùng kiệt thiên nhiên rồi giờ lại phải bảo vệ từng mầm xanh, từng chồi non tự nhiên và cuối cùng làm phân bón để cho cây được sống. Những đối thoại của ông lão với con chó, cây ngô mà thực chất là độc thoại nội tâm cho thấy sự thức tỉnh dần dần của con người trước những nghịch cảnh mà thiên nhiên giáng xuống cho loài người: từ căm phẫn, tức giận, chuyển sang chấp nhận, rồi cuối cùng là hy sinh để giành quyền sống sót lại cho tự nhiên. Quan hệ của ông lão đối với con chó và cây ngô từ thế người chủ, người ra ơn chuyển thành bạn bè, người thân, rồi sau đó là sự bình đẳng (kiếp sau mày làm người làm con tao, kiếp sau tao làm chó), rồi cuối cùng là chọn cho mình cái chết để con chó và cây ngô được sống. Những giọt nước mắt của tôi rơi xuống vào chương cuối truyện, khi cuối cùng cây ngô sống sót dưới thân xác của ông lão và con chó, rễ cây đan lồng vào xương cốt của ông lão như một ẩn dụ cho mối quan hệ bền chặt không tách rời giữa con người và tự nhiên. Ông lão hiện lên như một nhân vật “tử vì đạo”, như một cổ mẫu nhân vật thời hồng hoang gánh trên vai cây thập giá là những tội lỗi của loài người và nhiệm vụ của ông là chuộc lỗi.

Nhân vật là nơi thể hiện một cách tập trung tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Vì thế tôi không thể không liên tưởng đến “Ông già và biển cả” của Hemingway. Một bên là cuộc đấu tranh giữa con người và biển cả để cuối cùng là sự chiến thắng của con người trước tự nhiên cho dù là kéo về một bộ xương cá, nó cho thấy quan niệm con người là trung tâm của vũ trụ đã chi phối chúng ta một thời gian khá dài. Còn ở “Ngày tháng năm”, Diêm Liên Khoa đã nói với chúng ta làm gì có chuyện con người là trung tâm? Nguy cơ rất gần là thế giới diệt vong nếu chúng ta không biết quý trọng và chung sống với tự nhiên. Vùng Bả Lâu cứ mấy chục năm lại hạn hán, người dân lại bỏ đi và hạn hán lại tiếp tục. Đây chính là lời tiên tri sáng suốt nhất nếu con người cứ tiếp tục tìm cách tận diệt tự nhiên. Và lúc đó, cho dù có hối hận thì cũng đã muộn màng.

Trần Lê Hoa Tranh

Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam, ngày 8.6.2022.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60827622
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1344
9068
60827622

Thành viên trực tuyến

Đang có 247 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website