Thơ Quảng xa quê

20200701 2

Nỗi nhớ quê đôi khi là nỗi đau đáu khôn nguôi về vùng đất chôn nhau cắt rốn, về những tên phố, tên làng mà lâu lắm rồi những người con xa quê ấy chưa được một lần quay trở lại. Đó còn là nỗi nhớ về những con sông tắm mát tuổi thơ êm đềm chảy mãi trong ký ức, là vùng biển quê hương nơi có thân xác người thương yêu của họ gởi lại sau những cơn thịnh nộ của đất trời. Nỗi nhớ quê ấy đôi khi được gắn với hình ảnh người con gái xứ Quảng dung dị hiền lành chịu thương chịu khó, với tiếng nói quê hương “chi mô răng rứa” quê mùa mà nghe thân thương đứt ruột. Tiếng nói mà thỉnh thoảng giữa những nơi chốn không phải quê hương, bất ngờ nghe được đôi tiếng đồng hương mà thấy thương đến trào nước mắt. Nỗi nhớ quê ấy đôi khi thiết thực và đơn giản chỉ là nỗi nhớ những món ăn đã thành ký ức từ thưở các nhà thơ còn là những cô bé, cậu bé theo mẹ ra chợ xuân trong những ngày giáp tết… Nỗi nhớ quê ấy đã được viết nên thành những dòng thơ về mớ cá mớ rau, về cái vị mắm đậm đà của xứ biển miền Trung, về tô mì quảng thơm lừng bởi củ nén đập dập phi dầu phụng ép, bởi miếng bánh đúc gạo mùa chan với chút mắm nêm, bởi cái vị béo ngậy của tô cao lầu Hội An, bởi chén chè đậu đen nấu đường bát ngọt ngào dung dị…

Nhưng có lẽ không một nhà thơ nào, không một nhà văn nào hay một người con nào khi xa quê và thương nhớ quê hương mà nỗi nhớ ấy không gắn liền với mẹ. Người mẹ đau xé châu thân khi sinh con ra, người mẹ bầm gan tím ruột tiễn con ra chiến trường mà không dám khóc, người mẹ xót xa tiễn biệt đứa con mà mẹ cứ ngỡ còn dại khờ đi mưu sinh xa xứ… Đó là những người mẹ Quảng, người mẹ xứ sở, người mẹ quê hương, người mẹ cuộc đời, người mẹ của họ, người mẹ của tất cả chúng ta. Và… hình ảnh người mẹ trong thơ của các nhà thơ Quảng xa xứ đã khiến tôi chạnh lòng nhớ thương mẹ tôi đến rơi nước mắt. Bởi, tôi cũng có khác gì họ đâu, một người con xứ Quảng đã bỏ mẹ, bỏ quê mà đi tròn hai chục năm trời.

 Có lẽ cần nhắc đến đầu tiên trong bài viết này là một nhà thơ Quảng Nam đáng kính, đáng ngưỡng vọng vừa qua đời cách đây hơn 10 năm. Một nhà thơ mà tên tuổi đã vượt ra khỏi bờ cõi quê hương từ khi còn rất trẻ - Thu Bồn. Trong gia tài thơ đồ sộ của ông có không ít những bài thơ về mẹ, trong đó có hình ảnh người mẹ gắn liền với hình ảnh con sông quê hương mà nhà thơ đã chọn làm bút danh của mình, bút danh của một người con đã làm rạng danh quê hương xứ sở.  Trong bài thơ Em hát bằng lòng mẹ Việt Nam, hình ảnh người mẹ hiện lên trong nỗi nhớ của nhà thơ là một người mẹ quê đang đẩy nhẹ những chiếc tao nôi đưa con ngủ trong tiếng hát ru. Lời ru của mẹ chẳng phải luôn là bài ca đầu đời hay nhất, dịu êm nhất mà mỗi đứa trẻ từng được nghe trong suốt cuộc đời của mình hay sao? Phút tình cờ nghe tiếng hát của một cô gái đã khiến ông vời vợi nhớ thương tiếng ru ngày xưa của mẹ dường như đã thấm sâu trong tim ông từ thời thơ dại đến giờ:

Có phải một thời son trẻ 
Tiếng mẹ ru ngọt lịm cả nắng chiều”

Tiếng hát ru con của mẹ trong ký ức của nhà thơ trong vắt như bầu trời xanh thẳm của tự do và cũng nghẹn ngào chứa chan nước mắt khi mẹ phải hát ru con trong cảnh đọa đầy:

“Tiếng trong sao như con chim hót 
Bay giữa vòm trời xanh vợi đến bao la 
Nước mắt nhỏ ròng trong mỗi tiếng ca 
Tiếng mẹ khóc òa vào trong tiếng hát ”

Và rồi, tiếng hát của mẹ, tiếng khóc của mẹ, mẹ Thu Bồn, mẹ Quảng Nam bỗng chốc hóa thân thành tiếng hát hòa tiếng khóc của người mẹ Việt Nam trong nỗi đau thương mất mát của nhà thơ hay là của tất cả chúng ta hôm nay khi “Tiếng hát mẹ đau làm dựng sóng Thu Bồn”.Rồi khi nhà thơ thảng thốt kêu lên:

“Thế kỷ chúng ta thế kỷ dài dằng dặc
Niềm đau thương vì nỗi mẹ không còn”

Ta đều biết nỗi mất mát của nhà thơ khi ấy không chỉ là nỗi đau mất mẹ mà còn là nỗi đau mất cả quê hương. Bởi có mẹ là có quê hương, còn mẹ là còn quê hương, còn mẹ là còn yêu thương, còn mẹ là còn tất cả.

“Quê hương bỗng trở thành khoảng trống lặng im
Đường không hoa không 
gió không chim
Tất cả trở thành dĩ vãng
Mẹ không còn nữa ở trên đời
(Em hát bằng lòng mẹ Việt Nam)

Trong khi đó, người mẹ trong thơ Tường Linh lại hiện ra trong hình dáng thơ ngây của người con gái Duy Xuyên tuổi 15 trong trẻo hồn nhiên:

“Cô gái 15 hái hoa bắt bướm…                                                                                                                                                                 

Nắng sớm thêm vàng màu áo lụa Duy Xuyên”

Nhưng cũng chính người con gái hồn nhiên ấy đã trở thành một người mẹ Quảng Nam trung hậu anh hùng trong ngày đưa con trai của mẹ ra chiến trường cho cuộc chiến vì dân vì nước. Lời thề sắc son của mẹ và cha trước ngọn núi Ngũ Hành của quê hương mãi mãi không thể nào quên được trong nỗi nhớ của nhà thơ trong những tháng ngày mưa bom bão đạn:

“Mỗi ngón tay ngang một cụm Ngũ Hành

Năm cụm núi không thể nào thiếu một

Năm ngón tay không thể chia lìa

Lời mẹ đều đều

Sương rụng vườn khuya”

Và người mẹ trong thơ Tường Linh cũng như muôn người mẹ quê khác, rưng rưng đón con về trong đôi mắt mừng vui đến trào lệ khi được nhìn tận mặt, ôm tận tay đứa con trai đã vượt qua bom đạn chiến trường để về với mẹ, dù thân thể ngày nào mẹ cho anh đã không còn lành lặn:

Mẹ già đón anh mừng vui bỡ ngỡ

Mẹ khóc, mẹ cười, mái tóc rụng hoa sương”

(Năm cụm núi quê hương)

Người mẹ trong nỗi nhớ của nhà thơ Sơn Thu lại là hình ảnh người mẹ quê với đôi quang gánh gánh những đứa con của mẹ trên vai. Những đứa con trong hai đầu quang gánh đã bao lần say giấc theo từng bước chân gập ghềnh của mẹ. Người mẹ với cây đòn gánh gánh con trên đôi vai gầy trong thơ ông đã hóa thân thành hình ảnh của người mẹ miền Trung gánh trên vai hai đầu đất nước:

Mẹ gánh chúng con

Mỗi đầu một đứa

Đòn gánh cong cong thương đất nước quê mình

Trăng đổ xuống đôi vai gầy của mẹ

Giấc ngủ chúng con say theo bước mẹ gập ghềnh (Mẹ tôi)

Còn đối với nhà thơ Nguyễn Vân Thiên, cây đòn gánh trên đôi vai bé nhỏ của người mẹ xứ Quảng lại có khả năng gồng gánh ước mơ lẫn những gieo neo đời mẹ, gánh đời con trẻ đi qua gian lao và gánh cả vũ trụ đầy nắng đầy mưa… đi về sớm tối:

“Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo

Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo

Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi- về” (Cây đòn gánh)

Có lẽ đối với người dân miền Trung, hình ảnh người mẹ gánh hai đứa con thơ trên đôi quang gánh hoặc một bên là con một bên là rau củ, thịt cá cho buổi chợ phiên đã chẳng có gì xa lạ với những ai được sinh ra và lớn lên ở vùng đất khốn khó đầy mưa bão và nắng gió này….

“Một đời gánh nắng và mưa

Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng (Cây đòn gánh)

Vì ai? Vì ai? Hỏi mà chẳng chờ trả lời vì trong thâm tâm nhà thơ và trong tất cả chúng ta đều đã có lời đáp, có nỗi gian lao nào mà mẹ chẳng thể vượt qua vì hạnh phúc bình yên cho những đứa con của mẹ?

Người mẹ trong nỗi nhớ của nhà thơ Ý Nhi lại gắn liền với nỗi ân hận chân thành và lòng xót xa day dứt của bà. Ý Nhi từ lâu đã được biết đến như là một trong những nữ nhà thơ hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam, thơ của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và bà được đánh giá là một trong những nhà thơ Việt Nam đương đại tiên phong sau thời kỳ đổi mới. Trong bài thơ Kính gởi mẹ, Ý Nhi nhắc về người mẹ trong nỗi day dứt xót xa với cảm giác ân hận khi đã lớn khôn và rời xa mẹ. Bà tự nhận mình như những quả cây chín mọng tự bứt mình rời khỏi thân cây đã cho mình sự sống, nơi mình đã hút nhựa thơm và chất dinh dưỡng để trưởng thành. Quả rời cây như con rời mẹ, như người rời khỏi quê hương, rời khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình:

“Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây

Như trời xanh nhẫn nại sau mây” (Kính gởi mẹ)

nhưng điều đó cũng có hề gì đâu khi “cây đã tự quên mình trong quả”, sức lực của mẹ, linh hồn mẹ, tuổi trẻ của mẹ và ước mơ của người đã gởi hết vào con. Con từ mẹ mà được sinh ra, lớn lên và rời đi nhưng từ lúc con rời khỏi mẹ cũng là lúc mẹ đã ở trong con mãi mãi thì dẫu con có đi đến đâu, ở nơi xa nào thì đôi mắt mẹ, tâm tư mẹ cũng theo con đến đấy:

“Và lòng con yêu mến, xót thương hơn

Khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ

Khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé

Mẹ một mình đang dõi theo con”

Trái tim của người mẹ bao giờ cũng là nơi trú ẩn an toàn nhất cho những đứa con, là bến bờ cho những con thuyền mãi miết vượt khơi xa có nơi tìm về tránh bão. Ý Nhi là một nhà thơ nữ, cũng là một người mẹ, người đàn bà đa cảm. Bà viết cho mẹ mà như viết cho thân phận chung của những người đàn bà luôn luôn nhận về mình phần chờ đợi, sẵn sàng là bờ bến yên bình cho những con thuyền đi xa quay về trú ẩn, nghỉ ngơi. Dù ngay sau đó, khi trời yên biển lặng những con thuyền lại giương buồm ra khơi xa, mãi mết đuổi theo những ước mơ và khát vọng của riêng mình. Bến bờ mẹ sau những tháng ngày rộn rã lao xao lại trở về vắng vẻ, lặng yên rồi lại tiếp tục dõi theo những cánh buồm xa kia chờ ngày được rộn ràng yêu thương và trao yêu thương dù chỉ là trong chốc lát:

“… đời mẹ như bến vắng bên sông

Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió”

Mất mẹ khi còn rất nhỏ, chưa đầy 7 tuổi nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên đã theo cha vào Nam tìm kế mưu sinh, nhưng lạ thay chỉ vài tuổi đời ngắn ngủi được sống có mẹ nơi chôn nhau cắt rốn cũng đủ hun đúc nên một con người Quảng, một tâm hồn rất Quảng bên trong nhà thơ này. Nỗi nhớ quê hương trong thơ ông cũng không nguôi thương yêu về một người mẹ có lẽ phải rất mờ nhạt trong trí óc non nớt của đứa bé mới chỉ vài tuổi đầu. Nhưng lại không phải vậy, người mẹ quê cứ hiện lên trong thơ ông rõ nét, đầy day dứt và ăm ắp yêu thương. Có lẽ Bùi Nguyễn Trường Kiên là một trong những nhà thơ Quảng viết về mẹ rất nhiều và bài nào của ông cũng khiến tôi cảm động. Người mẹ với đôi vai gầy và đôi chân trần trong bài thơ Ca dao và mẹ của ông, cứ ngỡ là nhỏ bé mong manh mà như gánh chịu được cả những cơn thịnh nộ của đất trời để chở che cho con của mẹ, để con được bình yên trong tiếng cười giòn trên đôi môi thơ dại:

“Vai gầy mẹ gánh những cơn giông

Chân trần mẹ lội đầu non

Che giông giữ tiếng cười giòn cho ai…”

Để rồi một chiều nào đấy, người con xa xứ nghe tiếng ru vọng từ đâu tới mà cứ ngỡ là tiếng ầu ơ của mẹ ngày xưa vọng về như muốn xé nát tim gan mình, nỗi ngậm ngùi khôn nguôi ứ đầy bóng hình mẹ đã xa biết chứa vào đâu cho đủ? Loay hoay mơ cả cuộc đời liệu có được phút giây nào được nghe lại lời ru vĩnh viễn đã không còn của mẹ nữa hay không?

“Ầu ơ tiếng vọng xé tim

Lời ru xưa bỗng tìm về cơn mơ” (Ca dao và mẹ)

Lời ru của mẹ trong tâm thức nhà thơ có lẽ đã hằn sâu bao lớp bao tầng, ông viết về lời ru mà như viết về nỗi đau mất mát của mình, đọc những câu thơ viết về lời mẹ ru của Bùi Nguyễn Trường Kiên, tôi chợt nghĩ có lẽ nào lời ru hay nhất là những lời ru chỉ còn trong ký ức của mỗi chúng ta?

Tiếng mẹ ru êm như là… tiếng mẹ

Thằng bé bạc phần đánh mất thưở còn thơ!  (Mẹ ơi)

Lời ru cứ trở đi trở lại trong những bài thơ của nhà thơ khi ông viết về mẹ, ông đôi khi “tự dưng thèm là trẻ con” chỉ vì một hôm nào đó nhớ quá, thương quá “lời Mẹ ru thưở tóc chỏm trên đầu”. Đọc những câu thơ dưới đây của ông có ai mà không nghe ngậm ngùi đến mức xót xa:

“tự dưng thèm là trẻ con

để được sống cho đã thèm với mẹ (Thèm là trẻ con)

 Lê Minh Quốc là một nhà thơ Quảng viết khỏe, viết nhiều và viết hay. Và đương nhiên, với một nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm đối với quê hương như thế thì thơ ông chẳng thể nào vắng được hình ảnh của người mẹ Quảng, người mẹ quê hương, người mẹ xứ sở, người mẹ của ông. Trong bài thơ Giấc ngủ của mẹ, ông viết về một bà mẹ chân chất với đầy những nỗi lo toan nhọc nhằn cả trong giấc ngủ. Bà mẹ ấy cũng như hàng trăm hàng ngàn bà mẹ quê khác có thể chưa bao giờ được đến lớp, chưa biết lấy một chữ cắn đôi nhưng có thể dạy con bằng những bài học đạo lý ngàn đời của dân tộc từ ca dao cổ tích.

“mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao 
dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc 
ta chưa thấy mẹ cười, chưa nghe mẹ khóc 
gương mặt đăm chiêu ngay lúc ngả lưng nằm”

Những người mẹ quê ấy không chỉ nuôi dạy con mà còn truyền vào trong ký ức con, huyết quản con lòng mến yêu quê hương xứ sở, tự hào về những giá trị văn hoá tốt đẹp của cha ông. Chính những vốn liếng văn hóa đơn sơ mẹ trao từ ca dao cổ tích lại là nền tảng tri thức chắc chắn cho những đứa con dù bay cao bay xa đến đâu trong thế giới này cũng vẫn mãi mãi không bao giờ quên được nguồn cội của mình.
Khi đọc bài thơ Mẹ quê hương tôi biết điều ông muốn nói còn nhiều hơn những câu thơ mà ông đã viết ra, người mẹ của ông, người mẹ Quảng, người mẹ quê hương, người mẹ của tất thảy chúng ta ấy đã tay níu trời chân không chạm đất, oằn mình trong cơn lũ xiết... cho biển hoá nương dâu, cho thảy thảy chúng ta được sống cuộc đời mà chúng ta đang sống, cho hiện tại mà chúng ta đang tồn sinh, kết nên từ những niềm vui hay những giọt lệ buồn của mẹ?

Vẫn một mình mẹ trong nước xiết. Chân không chạm đất. Mẹ đưa tay níu rách cả bầu trời

Đất hóa thành sông. Sông lạc cội nguồn. Biển hóa nương dâu qua nhọc nhằn đời mẹ, thành niềm vui rơi xuống giọt lệ buồn (Mẹ quê hương)

Một Thu Bồn, một Tường Linh, một Sơn Thu, một Nguyễn Vân Thiên, một Ý Nhi, một Bùi Nguyễn Trường Kiên, một Lê Minh Quốc... có lẽ chẳng đủ để đại diện cho những nhà thơ Quảng xa quê luôn không nguôi nỗi nhớ về quê cha đất mẹ. Trong bài viết này, tôi mạo muội sắp xếp một cuộc “họp đồng hương” từ những vần thơ viết về mẹ của những nhà thơ xa xứ này. Có nhà thơ vẫn còn sung sức, còn viết rất nhiều rất khỏe nhưng cũng có những nhà thơ lâu rồi không cầm bút và cũng có nhà thơ đã kịp để lại cho chúng ta một di sản đáng giá trước khi rời xa chúng ta và cõi tạm này mãi mãi. Nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương thì “như những cuộc gặp mặt đồng hương khiến người ta chờ đợi, những cuộc đoàn viên trong thơ ca Quảng Nam bao giờ cũng gây cảm động”. Và càng cảm động hơn nữa khi những nhà thơ trong cuộc đoàn viên thơ ca này đều nói chung một tiếng thơ của người Quảng, tiếng thơ về tình yêu với mẹ, tiếng thơ về nỗi nhớ quê hương.

La Mai Thi Gia

Nguồn: Tạp chí Non Nước, 12/2019

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63688910
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9202
23426
63688910

Thành viên trực tuyến

Đang có 894 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website