Một “từ điển” mới về tác phẩm và thể loại

Quả đúng như vậy, có thể xem Tác phẩm và thể loại văn học của tác giả Huỳnh Như Phương, vừa xuất bản trong những ngày cuối năm 2017, là một cuốn “từ điển” tinh gọn và đáng giá, giúp độc giả có cơ hội phân biệt hoặc hiểu biết kỹ lưỡng hơn các khái niệm và thể loại văn học nghệ thuật (nhất là những thể loại, khái niệm “na ná” nhau như bút ký - tùy bút, ký sự - du ký, hồi ký - tiểu sử tự thuật, thi pháp - phong cách, câu chuyện - chuyện kể - cốt truyện...).

Gọi là “từ điển”, bởi trước hết, cuốn sách 277 trang này đã định nghĩa, khái quát và diễn giải vô cùng sáng rõ, chân xác hầu hết các thể loại và đặc trưng của sáng tác văn học nghệ thuật.

Bảy chương sách cung cấp cho người đọc những kiến thức hết sức quan trọng và dễ hiểu về mối quan hệ giữa thi pháp học với việc nghiên cứu tác phẩm văn học; cấu trúc và loại hình văn bản văn học; văn xuôi hư cấu; văn xuôi phi hư cấu; thơ trữ tình; kịch bản văn học. Đặc biệt, chương 7 của sách vô cùng thú vị khi bàn về sự giao thoa, tích hợp giữa các loại hình và thể loại văn học vốn có mối quan hệ gần gũi như: cáo, chiếu và hịch; phú và văn tế; thư và luận; truyện truyền kỳ, truyện thơ và kịch thơ; truyện ký, tự truyện, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết tư liệu và tiểu thuyết triết lý. Giá như sách có thêm phần lý thuyết chuyển thể (từ tác phẩm văn học sang tác phẩm sân khấu, điện ảnh) thì sẽ trọn vẹn hơn.

Cuốn sách còn là một sự đối chiếu, so sánh các tư liệu lý luận của Nga, Pháp, Anh và Việt Nam vô cùng tỉ mỉ, công phu để từ đó đưa ra các khái niệm, đánh giá cô đọng, khúc chiết và hợp lý nhất. Sách đồng thời cập nhật các khuynh hướng và thông tin về thể loại, trào lưu mới mẻ mà các đầu sách lý luận trước đây chưa có.

Bên cạnh đó, tác giả còn mạnh dạn đưa ra những quan niệm về công việc sáng tạo, hé mở những góc nhìn thấu đáo, xứng đáng là cơ sở để những cuộc tranh luận văn học và ngôn ngữ gần đây tham khảo. Chẳng hạn trong mục Hình tượng con người (tr.41), tác giả viết “... không thể nhầm lẫn nhân vật văn xuôi hư cấu với con người sống thực. Có trường hợp người ta đi tìm gốc tích của nhân vật, bổ sung thời gian vắng mặt trong sách của nhân vật (chẳng hạn, đi tìm quê hương bản quán của Chí Phèo, Chí Phèo làm gì trong thời gian ở tù,...). Điều đó không phù hợp, vì vấn đề nhân vật trước hết là vấn đề ngôn ngữ, nó không tồn tại bên ngoài các con chữ, nó là một “thực thể trên giấy”...”. Ở thể loại du ký (tr.115), sau phần định nghĩa là những nhận xét ngắn gọn và đáng ngẫm: con người thời Phục hưng “du hành không phải để du hành mà là để mở rộng nhãn giới, kiến văn của mình, để cọ xát chân lý với thực tế và đào sâu suy tưởng, đồng thời để nhận ra giới hạn của chính con người”, “nhân rộng sự hiểu biết của con người về thế giới và về chính bản thân mình”, “tìm cách nối liền và kéo gần lại những trung tâm kinh tế và chính trị”... Không dễ dàng có được tư duy tinh anh và xúc cảm thấm thía trong đánh giá như vậy nếu người viết không sở hữu một sở đọc rộng lớn và cảm thức văn chương hiếm có.

Không chỉ giúp bạn đọc “vỡ ra” nhiều vấn đề quan trọng của lý luận văn học vốn còn hàn lâm với đại chúng, tác giả còn vô cùng tinh tế khi đưa ra những ví dụ minh họa vừa quen vừa lạ, vừa cũ vừa mới, cả trong nước lẫn ngoài nước, phù hợp với trình độ tiếp nhận đa dạng của người đọc. Điều này cũng không khó để lý giải vì Giáo sư Huỳnh Như Phương là một trong các chuyên gia lý luận văn học hàng đầu của Sài Gòn, có thâm niên nghiên cứu, giảng dạy gần bốn mươi năm với rất nhiều công trình, bài viết có giá trị trong việc thiết lập nền tảng cho ngành Lý luận văn học tại Việt Nam.

Từ trước đến nay, Việt Nam đã có khá nhiều đầu sách lý luận văn học giới thiệu và định nghĩa các trào lưu, trường phái, thể loại tác phẩm như: Từ điển văn học, Lý luận văn học, Thi pháp hiện đại... Song, đặc điểm chung của các đầu sách này là khá cồng kềnh, dàn trải hoặc chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề nhất định như thi pháp học, tự sự học, tu từ học, thi luật, nghệ thuật văn xuôi hoặc đi sâu vào giới thiệu tác giả, tác phẩm. Do đó, điều tuyệt vời ở Tác phẩm và thể loại văn học là: giá trị như một từ điển nhiều công năng nhưng gọn nhẹ như một cuốn truyện vừa, có thể mang xách đi bất cứ nơi đâu.

Cùng với Lý luận văn học (nhập môn) đã ra mắt vào năm 2014, Tác phẩm và thể loại văn học của tác giả Huỳnh Như Phương thật sự cần thiết cho tủ sách của người nghiên cứu, sáng tác, giảng dạy, viết báo, học văn chương hoặc đơn thuần là những độc giả cần một hình dung súc tích, dễ hiểu về các lý thuyết và loại thể văn học nghệ thuật. 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn, mục Tủ sách doanh nhân, số 2, ngày 11/01/2018.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60529596
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11089
10018
60529596

Thành viên trực tuyến

Đang có 2476 khách và không thành viên đang online

Danh mục website