Tập đoản văn về văn chương, văn hóa

Tập Ngày qua bóng ngày của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc có ở trong tay bạn đọc sẽ được định danh bằng thể loại nào? Mươi năm trở lại đây người ta hay gọi là “Tản văn” – văn ghi chép tản mạn về đời sống, nhưng thực ra, người xưa gọi nó là “Tạp văn” (ví dụ tạp văn của Lỗ Tấn). Thể văn này có từ lâu, nhưng từ khi mạng xã hội lên ngôi: Blog, Facebook… thì loại văn ngắn như thế này rất phát triển. Tại sao vậy? Vì trong thời đại bận rộn, ngồn ngộn thông tin hiện nay, người ta cần cái gì đó nhanh, ngắn gọn, xem lướt cho biết, nếu cần thì mới dừng lại lâu. Gần nghĩa, và cả đồng nghĩa với Tạp văn, có nhiều từ khác nữa: Mạn đàm, Nhàn đàm, Tạp luận, Tùy bút, Tùy tưởng, Giai thoại, Thi thoại, Đoản văn… Mỗi từ lại cho thấy một thiên hướng của thể loại nay: có loại thiên về bàn luận về một vấn đề gì đó từ  xã hội, kinh tế, đạo đức cho đến thời trang, ẩm thực, quan hệ con người, gọi là Mạn đàm, Nhàn đàm, hay gọi chung là Tạp luận; có loại thiên về cảm xúc, suy tư thì gọi là Tùy tưởng, Tùy bút; loại chuyên kể thuật  hay bàn về thơ văn thì gọi là Giai thoại, Thi thoại.

Vậy từ nào thích hợp nhất để gọi chung cho thể loại này? Có thể gọi là “Tùy bút” không? Mặc dù “Tùy bút” cũng có hai loại: một loại thiên về kể thuật, kể cả có tính học thuật như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân; loại thứ hai thiên về suy tưởng như Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, nhưng “Tùy bút” hiện đại với tư cách là một thể loại văn học thường là các tác phẩm dài, có dung lượng 5-7 trang in, nên gọi là Tùy bút cũng không hợp lắm. Có thể gọi là “Tạp văn” không? Được (như đã nói ở trên), nhưng từ này hiện nay nhiều người không thích vì bị ám ảnh ở chữ “tạp” (tạp nham, tạp nhạp). Hay là  dùng từ “Essay” của tiếng Anh? Chắc chắn là không ổn, vì nhiều người không thích dùng từ để nguyên không dịch như thế. Có thể dùng chữ “Tản văn” như đã nói ở trên không? Tôi nghĩ là không nên, vì từ “Tản văn” có nghĩa khác và nghĩa ấy đã xác định ấy từ lâu rồi: “Tản văn” là văn xuôi, đối lập với Vận văn (văn vần) và Biền văn (văn biền ngẫu). Tôi thấy tên gọi “Đoản văn” (tập đoản văn), tức là văn ngắn là phù hợp nhất. Đoản văn có hàm nghĩa rất rộng, tương tự như từ Essay, tức là từ đàm, luận cho đến suy tưởng hay giai thoại. Nó là một thể văn trung gian giữa văn học và báo chí.

Tập Ngày qua bóng ngày của Lê Minh Quốc đúng là một tập đoản văn thú vị. Tập đoản văn của anh chuyện trò với độc giả về nhiều lĩnh vực: có khi là những hồi ức thú vị về Sài Gòn, về tuổi thơ, về thời đi học của anh; có khi là những câu chuyện văn về những nhà văn, nhà báo mà anh quen biết: từ Sơn Nam, Kiên Giang, Trần Hữu Tá cho đến những tác giả trẻ hơn; có khi là những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò của các tác giả ngày xưa như: Chu An, Vũ Tông Phan, Võ Trường Toản, hay gần hơn như: Nhất Linh - Khái Hưng, Huy Cận - Xuân Diệu, Ngô Tất Tố Vũ - Trọng Phụng, Tô Hoài - Nam Cao .v.v.; có khi là những câu chuyện chữ nghĩa: cách dịch thơ, ngôn ngữ Truyện Kiều, hiện tượng dùng sai tiếng Việt; có khi là câu chuyện về văn chương, văn hóa, giáo dục. Lê Minh Quốc đọc, suy tư và kể cho chúng ta về những điều anh tâm đắc. Những câu chuyện ấy không phải được kể lại một cách khô khan mà kể với một giọng điệu riêng, thông qua “cái tôi” của tác giả, một cái tôi “tưng tửng”, hài hước, mà ẩn chứa nhiều suy tư, trăn trở.

Lê Minh Quốc khởi đi từ một nhà thơ. Anh được giải thơ từ sớm, nổi tiếng về thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã có 5-7 tập thơ in riêng in chung (Trong cõi chiêm bao, 1989; Ngày mai còn lại một mình, 1990; Tôi vẽ mặt tôi, 1994; Thơ  Lê Minh Quốc, 2005…). Sau đó anh chuyển sang viết truyện (Sân trường kỷ niệm, 1990; Về nơi nào để nhớ, 1991; Hoa cúc không phải màu vàng, 1996…). Nhưng lĩnh vực anh để lại nhiều thành tựu nhất là truyện danh nhân và loại sách phổ biến kiến thức. Anh có mấy chục đầu sách về các nhân vật lịch sử: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi, Hoàng Hoa Thám…Anh còn viết lời cho truyện tranh về các anh hùng đời Trần: Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân. Bộ sách về danh nhân Việt Nam của anh được đón nhận nồng nhiệt: Danh nhân sư phạm Việt Nam, Những người Việt Nam đi tiên phong, Những nhà cải cách Việt Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Danh nhân y học Việt Nam, Danh nhân văn hoá Việt Nam, Danh nhân cách mạng Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Chuyện tình các danh nhân Việt Nam, Doanh nghiệp Việt Nam xưa & nay…Sách chân dung văn học anh có 2 quyển về Sơn Nam và Nguyễn Nhật Ánh. Mảng sách địa chí và phổ biến kiến thức của anh cũng rất có giá trị (anh là tác giả/ đồng tác giả hoặc chủ biên/ đồng chủ biên): Người Quảng Nam, Hỏi đáp non nước xứ Quảng, Hỏi đáp Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, Hỏi đáp báo chí Việt Nam, Hỏi đáp giáo dục Việt Nam, Hành trình chữ viết, Lắt léo tiếng Việt…Gần đây anh lại có thêm loại sách mà tôi gọi là tập “Đoản văn” như: Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, Ngày sống đời thơ… và quyển mới nhất là Ngày qua bóng ngày ở đây.

Với 55 đoản văn từ đoản văn thứ nhất “Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan” viết ngày 8.1.2017 đến đoản văn thứ 55 “Bàn tay mười ngón phiêu bồng nhẹ tênh” viết ngày 23.12.2017, có thể coi tập sách như cuốn nhật ký văn hóa của một người yêu văn chương chữ nghĩa của dân tộc - cuốn “nhật ký” kể cho chúng ta rất nhiều điều bổ ích và lý thú.

                                                                                    Đ.L.G

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63742088
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4959
35223
63742088

Thành viên trực tuyến

Đang có 357 khách và không thành viên đang online

Danh mục website