Mới đây NXB. Khoa học xã hội (2023) đã cho ra mắt Kim tích vật ngữ tập (Tập truyện kể xưa nay của Nhật Bản), Tập Hạ do Nguyễn Thị Oanh - Hoàng Phương Mai dịch chú. Tập Thượng đã được NXB. Khoa học xã hội xuất bản vào năm 2017. Đây là tin vui với những ai yêu thích văn học Nhật Bản và nghiên cứu văn học so sánh Đông Á.
Ai đã từng yêu thích văn học Nhật, ai đã từng hứng thú với văn học so sánh Đông Á đều biết đến Kim tích vật ngữ. Nếu như Truyện Genji/ Nguyên thị vật ngữ, Truyện Heike/ Bình gia vật ngữ… cho chúng ta biết đời sống cung đình và quý tộc Nhật Bản thì Kim tích vật ngữ cho chúng ta biết đời sống từ cung đình cho đến làng quê của Nhật Bản. Với độ dày hàng mấy nghìn trang, bao quát đời sống trong phạm vi rộng lớn, có thể coi Kim tích vật ngữ là cuốn bách khoa thư về đời sống xã hội Nhật Bản thời trung đại.
Kim tích vật ngữ ra đời thế kỷ XII-XIII ở Nhật Bản, nó được xếp vào loại thuyết thoại, tương tự như “chí quái” Sưu thần ký của Trung Quốc hay Lĩnh Nam chích quái của Việt Nam, tức là truyền thuyết Phật giáo và thế tục. Nó là suối nguồn vô tận cho các đề tài nghiên cứu văn học so sánh của SV, HVCH, NCS và nhà nghiên cứu ngữ văn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Oanh cùng nhóm dịch thuật đã dành cả hàng 5-7 năm trời để hoàn thành 2 tập sách với gần 1.600 trang. Thật là sức làm việc đáng nể!
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa.
Đoàn Lê Giang