Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 (1716-1767) tự là Nghi, hiệu là Đạm Am, danh tướng và cũng là danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) và Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). Với tài năng về chính trị, quân sự, Nguyễn Cư Trinh đã lập công lớn trong việc: ổn định nội chính, củng cố quốc phòng, trừ nội loạn, dẹp ngoại xâm, khai cương mở cõi. Sau khi mất, Nguyễn Cư Trinh được truy tặng Tá lý công thần, Vinh Lộc Đại phu, thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng, ông lại được truy tặng Khai quốc công thần, Hiệp biện Đại học sĩ, truy phong tước Tân Minh hầu, đổi tên thụy là Văn Khác, được tòng tự ở Thái miếu(1).
Nguyễn Cư Trinh có một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử và văn hoá Nam Bộ. Ông từng được phái đi đánh Chân Lạp, đồng thời dùng kế “tàm thực” (tằm ăn dâu) thu đất đai nhập vào châu Định Viễn(2) và khai mở vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp công lớn vào công cuộc mở mang vùng lãnh thổ phía tây và vùng cực nam của đất nước. Vì vậy, ông được đồng bào Nam Bộ kính ngưỡng thờ ở Công Thần miếu.
Công Thần miếu và ba sắc phong cho Nguyễn Cư Trinh
Miếu Công Thần (sau khi trùng tu năm 1918 đổi tên thành Công Thần linh miếu, thường gọi là Công Thần miếu, miếu Công Thần) ở Vĩnh Long thờ các thần linh gồm 34 vị Nhiên Thần và Nhân Thần. Các Thần có nguồn gốc tự nhiên (Nhiên Thần) được những người đi khai hoang, mở cõi đem từ cố hương (Bắc, Trung) vào. Đó là những vị thần trong huyền thoại của người Việt cổ, những vị Thần ở duyên hải miền Bắc, miền Trung, những vị Thần tiếp thu từ văn hoá Champa, là những biểu tượng của núi sông, sơn hà xã tắc. Các Thần có nguồn gốc con người (Nhân Thần) là những vị lúc còn tại thế đã có công khai phá miền Trung, miền Nam hay gắn với quá trình chinh phục vùng Long Hồ dinh. Hệ thống Thần linh vừa nêu được nhân dân thờ tự và triều đình nhà Nguyễn sắc phong qua các thời kỳ.
Hoành phi Công thần linh miếu
Tước vị của 34 vị thần được thờ tại miếu Hội Đồng, trong đó có Nguyễn Cư Trinh, được vua Minh Mạng ban chiếu phong tặng hoặc gia tặng vào năm 1840, nhân đại lễ mừng vua năm mươi tuổi. Đến niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), vua Thiệu Trị ban cấp sắc phong cho các vị thần theo tước vị do vua Minh Mạng ban tặng trước đó, sau đó lại tiếp tục ban sắc gia tặng. Nhưng chưa biết chính xác vì sao toàn bộ sắc phong đợt năm 1843 đều đã mất (một số bô lão địa phương nói do bị hỏa hoạn). Ngày mồng 10/12/1847, theo đề nghị của các quan đầu tỉnh Vĩnh Long, vua Tự Đức(3) cấp lại cho miếu Hội Đồng 34 đạo sắc và gia tặng 34 đạo sắc khác. Về các sắc cấp lại, có lẽ vua Tự Đức chỉ cấp lại 34 sắc do vua Thiệu Trị gia tặng chứ không cấp lại 34 sắc ghi tước vị do vua Minh Mạng ban tặng. Đến năm 1850, vua Tự Đức lại gia tặng cho miếu Hội Đồng 17 đạo sắc(4). Nguyễn Cư Trinh đều được ban sắc gia tặng tước vị trong cả hai lần gia tặng của vua Tự Đức, tổng cộng được 3 sắc. Hiện nay, miếu Công Thần còn lưu giữ đủ ba đạo sắc phong này, nội dung như sau:
Sắc thứ nhất:
Sắc phong Thiệu Trị năm thứ 3 (1843)
敕濟文匡武開國功臣荣祿大夫協辨大學士,領吏部尚書,謚文恪,新明侯阮府君中等神,護國庇民,稔著靈應。明命貳拾壹年,値我聖祖仁皇帝五旬大慶節,欽奉寶詔覃恩禮隆登秩。紹治參年柒月日經給敕文,加贈濟文匡武嘉猷中等神,準許奉事。近因緣故,經準依永隆省臣議請重給,仍準該省會同廟依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉!
紹治柒年拾貳月初拾日。
“Sắc cho Tế văn Khuông võ, Khai quốc công thần, Vinh Lộc Đại phu, Hiệp Biện Đại học sĩ, lãnh Lại bộ Thượng thư, thụy Văn Khác, Tân Minh hầu Nguyễn phủ quân Trung đẳng Thần, có công giữ nước giúp dân, từ lâu linh ứng rõ rệt. Minh Mạng năm thứ 21 (1840), nhân đại lễ mừng Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ta năm mươi tuổi, ban chiếu báu ra ơn và long trọng thăng trật. Vào ngày tháng 7 Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), từng ban sắc phong tặng thêm Tế văn Khuông võ Gia du Trung đẳng Thần, cho phép thờ phụng. Gần đây do biến cố, [Trẫm] chấp thuận thỉnh cầu của các quan tỉnh Vĩnh Long cấp lại sắc, vẫn cho phép miếu Hội Đồng tỉnh ấy thờ phụng như cũ. Thần hãy phò hộ bảo vệ dân ta. Hãy vâng theo!
Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), ngày mồng 10 tháng 12.
[Đóng ấn] SẮC MỆNH CHI BẢO.”
Sắc thứ hai:
Sắc phong đời Thiệu Trị năm thứ 7 (1847)
敕濟文匡武嘉謨開國功臣榮祿大夫協辨大學士,領吏部尚書,謚文恪,新明侯阮府君中等神,護國庇民,稔著靈應,奉我憲祖章皇帝。丕膺耿命,緬念神庥,紹治參年閏柒月日,經給敕文,加贈濟文匡武嘉謨偉績中等神。近因緣故,經準依永隆省臣議請重給,仍準該省會同廟依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉!
紹治柒年拾貳月初拾日。
“Sắc cho Tế văn Khuông võ Gia mô Khai quốc công thần, Vinh Lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Lại bộ Thượng thư, thụy Văn Khác, Tân Minh hầu Nguyễn phủ quân Trung đẳng Thần, có công giữ nước giúp dân, từ lâu linh ứng rõ rệt, theo phò Hiến Tổ Chương Hoàng đế ta. Cho nên kính vâng mệnh lớn, mãi nhớ ơn Thần, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) ngày tháng 7 nhuận, từng ban sắc phong tặng thêm Tế văn Khuông võ Gia mô Vĩ tích Trung đẳng Thần. Gần đây do biến cố, [Trẫm] chấp thuận thỉnh cầu của các quan tỉnh Vĩnh Long cấp lại sắc, vẫn cho phép miếu Hội Đồng tỉnh ấy thờ phụng như cũ. Thần hãy phò hộ bảo vệ dân ta. Hãy vâng theo!
Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), ngày mồng 10 tháng 12.
[Đóng ấn] SẮC MỆNH CHI BẢO.”
Sắc thứ ba:
Sắc phong đời Tự Đức năm thứ 3 (1850)
敕開國功臣榮祿大夫協辨大學士,領吏部尚書,謚文恪,新明侯阮府君,原贈濟文匡武嘉謨偉績中等神,護國庇民,稔著靈應。節蒙頒給贈敕,準許奉事。肆今丕膺耿命,緬念神庥,可加贈濟文匡武嘉謨偉績光懿中等神,仍準永隆省會同廟依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉!
嗣德參年柒月初參日。
“Sắc cho Khai quốc công thần, Vinh Lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Lại bộ Thượng thư, thụy Văn Khác, Tân Minh hầu Nguyễn phủ quân, vốn được tặng Tế văn Khuông võ Gia mô Vĩ tích Trung đẳng Thần, có công giữ nước giúp dân, từ lâu linh ứng rõ rệt. Theo nghi lễ từng được ban sắc phong tặng, cho phép thờ phụng. Cho nên nay vâng theo mệnh lớn, mãi nhớ ơn Thần, đáng tặng thêm Tế văn Khương võ Gia mô Vĩ tích Quang ý Trung đẳng Thần, vẫn cho phép miếu Hội Đồng tỉnh ấy thờ phụng như cũ. Thần hãy phò hộ bảo vệ dân ta. Hãy vâng theo!
Tự Đức năm thứ 3 (1850), ngày mồng 3 tháng 7.
[Đóng ấn] SẮC MỆNH CHI BẢO.”
Ngoài tước vị được truy tặng sau khi mất, theo nội dung ba đạo sắc phong trên, năm 1840, Nguyễn Cư Trinh được vua Minh Mạng ban chiếu tặng Tế văn Khuông võ Trung đẳng Thần, chưa có sắc phong. Năm 1843, vua Thiệu Trị ban sắc phong cho tước vị này, đồng thời ban thêm sắc gia tặng Tế văn Khuông võ Gia du Trung đẳng Thần. Sau khi sắc phong của vua Thiệu Trị mất, vua Tự Đức cấp lại (sắc thứ nhất ở trên), đồng thời ban thêm sắc gia tặng cho Nguyễn Cư Trinh là Tế văn Khuông võ Gia mô(5) Vĩ tích Trung đẳng Thần (sắc thứ hai). Đến năm 1850, vua Tự Đức lại ban sắc gia tặng Nguyễn Cư Trinh là Tế văn Khuông võ Gia mô Vĩ tích Quang ý Trung đẳng Thần (sắc thứ ba).
Qua những lần phong tặng và gia tặng, có thể thấy rõ công trạng của Nguyễn Cư Trinh và thái độ trọng thị, biết ơn của các vị hoàng đế triều Nguyễn đối với ông.
CHÚ THÍCH:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã đề tài số VII1.2-2012.26.
1. Nguyễn Q. Thắng, Nguyến Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tái bản, Nxb. Văn hóa, 1994.
2. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép về châu Định Viễn: “Đầu đời Long Đức, Hiếu Minh hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) sai tướng đi đánh Cao-mên; lấy đất Sài Gòn, lập làm châu Định Viễn, đặt dinh Long Hồ. Đầu đời Cảnh Hưng, Hiếu Vũ hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) lại sai Nguyễn Cư Trinh cùng Thiện Chính hầu (tức Nguyễn Thiện Chính, hoặc Nguyễn Hữu Doãn?) lại đánh Cao-mên, ròng rã 3 năm, mới chiêu an được những dân Côn-man, Thuận Thành ra đầu hang. Chúa Cao-mên là [Nặc] Ông Nguyên chạy sang La-bích đem dâng hai phủ Tầm-đôn và Lôi-lạp. Cư Trinh tiếp nhận, chia quân ra đóng giữ, chia định bờ cõi, bắt dân đầu hàng cùng đến ở châu Định Viễn. Địa giới châu này lại nở thêm rộng ra.” (Bản dịch của Viện Sử học Việt Nam, tập 1, Dư địa chí, Nxb. KHXH, 1992, tr.171).
3. Bùi Xuân Đức (chủ biên), 85 sắc phong ở miếu Công Thần tại Vĩnh Long, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, BQL di tích tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng tỉnh Vinh Long, 2013, vẫn ghi là “vua Thiệu Trị” (tr.8) là sai, vì vua Thiệu Trị đã mất vào tháng 9 năm 1847. Đây là năm đầu tiên vua Tự Đức lên ngôi nhưng chưa đổi niên hiệu nên vẫn dùng niên hiệu của vua cha.
4. Bùi Xuân Đức (chủ biên), sđd., tr.8.
5. Gia mô: Đồng nghĩa với “gia du”.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 455, tháng 1-2015