Hội quán Minh Hương (quận 5, Tp.HCM) - dấu ấn văn hóa Việt - tư liệu Hán Nôm([1])

Hội quán Minh Hương tọa lạc tại số 308 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM, được người dân quen gọi là đình Minh Hương. Về bản chất, đây đúng là một ngôi đình theo kiểu Việt Nam. Ngôi đình này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993.

Hội quán Minh Hương

1. Hội quán Minh Hương thờ danh tướng Việt Nam

Trước kia đây là nơi làm việc của làng Minh Hương, một làng hoạt động tự quản do Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập từ năm 1698. Sau khi làng được thành lập, hai ông Diệp Quang Trường và Lý Sĩ Bát đã mua 9 căn nhà 2 chái để làm thành nhà họp bàn việc chung. Đến năm 1808, vua Gia Long ban cho tên “Gia Thạnh đường” nên còn được gọi là “Minh Hương Gia Thạnh” và trở thành tên thường gọi hiện nay.

Đến niên hiệu Minh Mạng năm thứ 20 (1839), trên cơ sở của nhà làm việc, nhân dân làng Minh Hương đã xây dựng đình Minh Hương. Từ năm 1867, khi làng Minh Hương được sáp nhập vào cơ cấu hành chính của Sài Gòn - Chợ Lớn thì người Minh Hương xin phép chính quyền đương thời lập hội Minh Hương để tiến hành thờ cúng tín ngưỡng như những hội quán khác của người Hoa. Lúc này đình Minh Hương không còn đơn thuần là một nhà làm việc của làng, mà trở thành nhà “hương hỏa” chung của các hội viên Minh Hương Gia Thạnh.

Các nhân vật được thờ ở đình Minh Hương là hậu duệ của các di thần nhà Minh, cũng là các quan lại Minh Hương nổi tiếng ở Việt Nam như Trần Thượng Xuyên (1655–1720), Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Ngô Nhân Tịnh (1761-1813). Đặc biệt, vị thần được thờ chính đình lại là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) một danh tướng người Việt Nam thời chúa Nguyễn Phúc Chu có công khai phá vùng Đông Phố (Sài Gòn), vì Nguyễn Hữu Cảnh có công lập ra xã Minh Hương ở Phiên Trấn vào năm 1698. Gia Định thành thông chí chép: “Mùa xuân năm thứ 8 Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn… Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch.”([2]) Vì vậy Nguyễn Hữu Cảnh được người Minh Hương thờ phụng giống như Bổn Cảnh Thành Hoàng của người Việt. Cùng với Nguyễn Hữu Cảnh, vị tướng người Việt gốc Minh Hương Trần Thượng Xuyên (người có công đầu trong việc khai khẩn vùng đất Biên Hòa với quy mô lớn) được người Minh Hương tôn làm Thượng đẳng thần. Hiện nay đình Minh Hương do người Việt quản lý.

Đình Minh Hương là bằng chứng lịch sử khá quan trọng đánh dấu quá trình định cư của cộng đồng Hoa kiều trên đất Nam Bộ. Đồng thời nó còn ghi dấu quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt của người Hoa ở Việt Nam. Thông thường hội quán người Hoa mang chức năng là nơi hội hợp của cộng đồng Hoa kiều thuộc từng nhóm ngôn ngữ khác nhau, đồng thời cũng là nơi thờ những vị thần linh trong tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Còn hội quán Minh Hương được xây dựng theo dạng một ngôi đình truyền thống Việt Nam, thờ danh tướng Việt Nam và những bậc tiền bối người Minh Hương có công khai khẩn lập làng, quy thuận triều đình phong kiến Việt Nam. Đây là một sản phẩm của nền văn hóa tinh thần thuần Việt, phản ánh tư duy, tập quán của người Việt mà trong văn hóa của người Hoa tại Trung Quốc cũng như cộng đồng Hoa kiều trên thế giới không có.

2. Kiến trúc cổ theo kiểu đình Nam bộ

Tuy đình Minh Hương là công trình của người Hoa nhưng lại tiếp thu lối xây dựng của người Việt Nam Bộ nên nhà có chiều cao khá thấp, trong khi toàn bộ công trình được xây dựng trên một nền cao. Tiền điện, chánh điện được xây theo lối nhà năm gian với kèo gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch. Gian giữa của tiền điện đặt một bàn cao, bên trên đặt tấm bình phong bằng gỗ quý chạm tích “lý ngư hóa long” (cá chép hóa rồng) rất tinh xảo. Nhà chánh điện liền sát nhà tiền điện, được phân chia không gian bằng cách tạo nền cao hơn mặt tiền điện. Ở gian giữa tiền điện và chánh điện đặt một tấm bình phong bằng tranh gương gồm bốn tấm viết bài thơ Giã mẹ bằng chữ Nôm của Trịnh Hoài Đức viết khi ông sắp đi sứ nhà Thanh. Trong chánh điện có ba khám thờ, khám giữa đặt long vị thờ Thần, hai khám hai bên đặt long vị Tiền hiền và Hậu hiền. Hai bên chánh điện được bố trí lỗ bộ (thập bát binh khí), tàn lọng, bên trái đặt đại cổ, bên phải đặt hồng chung. Phía trước khám thờ chính đặt một bộ bàn ghế thờ được sơn son trông rất đẹp, ghế chính giữa chạm nổi hình cửu long chầu nhật tượng trưng cho lòng thành kính đối với vua, bốn ghế còn lại chạm hình chim phượng múa. Qua hai cửa ngách là lối ra sân thiên tỉnh và hậu sở. Giữa sân thiên tỉnh đặt một lô hương đề năm Quang Tự. Hậu sở là nơi đặt ba ban thờ những người có công xây dựng, quyên góp tu bổ hay các vị Đổng sự tiền nhiệm đã quá cố.

Về kiến trúc, đình Minh Hương được xây dựng dựa trên mô thức một ngôi đình truyền thống Nam Bộ kết hợp với những nét kiến trúc mỹ thuật riêng của cư dân Hoa kiều tạo nên một nét khác biệt mà nhiều hội quán khác của người Minh Hương không có. Ngoài gian chính còn có võ ca và miếu Ngũ hành. Đình được xây dựng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”, nhưng do ảnh hưởng của kiến trúc Việt Nam nên sân thiên tỉnh đặt phía sau, giữa chánh điện và hậu điện, thay vì phải ở gian trước. Nhà tiền điện cho đến nay hầu như vẫn giữ được kết cấu ban đầu. Bộ khung theo dạng xuyên trính, bộ khung này cho đến nay vẫn được coi là dạng phổ biến ở Nam Bộ do ưu điểm là đơn giản, tiết kiệm gỗ, tạo được tính nhẹ nhàng thông thoáng, có thể dễ dàng bài trí các ban thờ mà vẫn giữ được sự ổn định bền vững của công trình. Mái đình trước được lợp bằng ngói ống thanh lưu ly, sau bị hư hoại nên có phủ lên trên một lớp vữa. Bờ nóc được ngăn bằng các phù điêu gốm màu. Nhà chánh điện do thời gian đã bị hư hoại, được thay thế bằng kết cấu bêtông cốt thép, vẫn theo dạng nhà năm gian nhưng được làm thành hai tầng tám mái. Giữa hai lớp mái được thiết kế các cửa kính nhằm tạo hiệu quả lấy sáng và thoát khí cho công trình. Tuy không còn giữ được kết cấu ban đầu nhưng chánh điện được thiết kế hài hòa với toàn bộ tổng thể đình, không làm mất đi vẻ cổ kính.

Về mỹ thuật, đình Minh Hương không đi vào những chi tiết cầu kỳ như các hội quán khác. Các cột gỗ không sơn thếp mà mộc mạc đơn sơ một màu nâu đơn thuần của gỗ. Vẻ đẹp của đình Minh Hương không lấy chạm trổ làm trọng mà nhờ sự bố trí nội thất cân đối tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Các yếu tố làm tăng vẻ đẹp cho công trình còn phải kể đến một lượng lớn hoành phi, đối liên theo nhiều dáng vẻ khác nhau, thể hiện sự tài hoa của những bàn tay người thợ, đặc biệt là câu đối treo ở chánh điện được chạm nổi hình lưỡng long tranh châu rất tinh xảo. Trong nghệ thuật trang trí nhà truyền thống thì hoành phi và đối liên đóng góp một phần rất quan trọng. Chúng được chạm trổ với nhiều môtip trang trí khác nhau phản ánh văn hóa và tư duy của người phương đông, đồng thời cũng thể hiện nghệ thuật thư pháp, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa phản ánh giá trị tinh thần của con người. Hoành phi và đối liên ở đình Minh Hương thật sự có đầy đủ giá trị như thế.

Hội quán còn giữ được các cổ vật quý như: lư trầm bắng đá; hai bức tượng làm bằng đá Đại Lý ở vùng Vân Nam (Trung Quốc); bốn cây cột trong chánh điện được kê bằng đá trắng ở Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chạm voi rất đẹp; chuông gang ở góc trái chánh điện đúc vào năm Quý Mùi 1823, có quai chuông là mô hình một con rồng hai đầu bốn chân; hai cái đỉnh gang Trung Quốc làm năm Nhâm Dần 1842…

3. Giới thiệu một số tư liệu Hán Nôm đình Minh Hương

Đình Minh Hương hiện còn lưu giữ 2 văn bia, 25 bức hoành phi, 29 câu đối và bài thơ Giã mẹ bằng chữ Nôm của Trịnh Hoài Đức làm trước khi đi sứ. Phần lớn hoành phi và câu đối được làm từ đầu đến giữa thế kỷ 19, tập trung nhiều nhất ở gian võ ca.

Văn bia

- 重修舊宦科緣碑記 Trùng tu cựu hoạn khoa duyên bi ký (Văn bia về các cựu quan, người thi đỗ quyên góp trùng tu), tháng 11 năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mạng (1839), ghi tên 15 người trong xã ra làm quan và 30 người thi đỗ Giải nguyên([3]), Cử nhân, Tú tài đã quyên góp trùng tu;

- 重修明鄕會館碑記 Trùng tu Minh Hương hội quán bi ký (Bia ghi việc trùng tu Hội quán Minh Hương), tháng giêng năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái năm thứ 13 (1901), ghi tên các vị Đổng sự, Tổng lý, Hiệp lý và những người quyên góp trùng tu. Hai văn bia đều do Hội quán Minh Hương tỉnh Gia Định lập.

Hoành phi

Bức hoành phi giá trị nhất là bức 善俗可風 Thiện tục khả phong (Tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban tặng cho làng Minh Hương năm 1864, góc trên bên phải có đề 2 chữ 勅賜 “sắc tứ”.

Hoành phi do vua Tự Đức ban cho làng Minh Hương

Ngoài ra, có hai bức đề niên hiệu Quang Tự năm Quý Mão (1903) là 遍于群神 Biến vu quần thần (Bao trùm các thần) do Giải nguyên Tăng Đối Nhan([4]) viết và 明德惟馨 Minh đức duy hinh (Đức sáng mãi thơm).

Một số hoành phi không ghi niên hiệu nhưng có đề hai chữ 龍飛 “Long phi”[5] theo cách ghi của người Việt, thường thấy trong lạc khoản của các bức hoành phi, câu đối có niên đại từ giữa đến cuối đời Nguyễn, gồm: Năm hoành phi đề năm Bính Tuất 1886: 精靈赫濯 Tinh linh hách trạc = Anh linh ngời sáng, 保我黎民 Bảo ngã lê dân = Bảo vệ dân ta, 受兹介福 Thụ tư giới phúc = Nhận ơn phước lớn, 惠澤汪洋 Huệ trạch uông dương = Ân huệ bao la, 龍德正中 Long đức chính trung = Đức lớn tại trung tâm; Hai hoành phi đề năm Đinh Dậu 1897: 濯濯厥靈 Trạc trạc quyết linh = Chói lọi linh thần, 洋洋在上 Dương dương tại thượng = Mênh mông ở trên; Một hoành phi đề năm Nhâm Dần 1902: 華寶遺香 Hoa bảo di hương = Điều tốt đẹp luôn lưu truyền.

Câu đối

Câu đối ở đình Minh Hương có hình thức đẹp, nội dung đặc sắc. Trong đó giá trị nhất là câu đối của Trịnh Hoài Đức:

明同日月耀南天鳳翥麟翔嘉錦琇;

香滿乾坤馨越地龍蟠虎踞盛文章。

Minh đồng nhật nguyệt diệu Nam thiên, phụng chử lân tường gia cẩm tú;

Hương mãn càn khôn hinh Việt địa, long bàn hổ cứ thịnh văn chương.

Sáng cùng nhật nguyệt chiếu trời Nam, lân múa phụng đoanh thêm cẩm tú;

Hương khắp đất trời thơm cõi Việt, hổ chầu rồng phục thạnh văn chương.

Câu đối trên có hai dòng lạc khoản ghi niên đại và tác giả: 明命二年歲次辛巳造 Minh Mệnh nhị niên tuế thứ Tân Tỵ tạo = Tạo năm Tân Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh năm thứ hai (1820); 吏部尚書充國史館副總栽加一級安全侯鄭艮齋敬題 Lại bộ Thượng thư sung Quốc sử quán Phó Tổng tài gia nhất cấp An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai kính đề = “Lại bộ Thượng thư, sung Quốc sử quán Phó tổng tài, gia Nhất cấp An Toàn hầu Trịnh Cấn Trai kính đề”.

Câu đối của Trịnh Hoài Đức

Một câu đối đề niên hiệu Thành Thái: 成泰十五年歲次癸卯春月吉旦 Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ Quý Mão xuân nguyệt cát đán = Năm Quý Mão, niên hiệu Thành Thái năm thứ 15 (1903):

明王永治南天天光日化;

鄉里安居越地地利人和。

Minh vương vĩnh trị Nam thiên, thiên quang hóa nhật;

Hương lý an cư Việt địa, địa lợi nhân hòa.

Vua sáng mãi ngự trời Nam, trời yên mây tạnh;

Xóm làng ở yên đất Việt, đất thuận dân hiền.

Cũng giống như hoành phi, có một số câu đối không ghi niên hiệu, chỉ ghi hai chữ “Long phi” cùng với tên năm, từ đó có thể đoán ra niên đại của chúng.

明都文命誕敷錫此繁類;

鄉黨爵齒有序燕我嘉賓。

Minh đô văn mệnh đản phu, tứ thử phồn loại;

Hương đảng tước xỉ hữu tự, yến ngã gia tân.

Minh đô văn mệnh tỏa lan, ban đều chúng dân đất ấy;

Hương đảng thấp cao thứ tự, đón mời khách quý của ta.

(Long phi Bính Thân niên, 1896)

明代度流長科甲連登越地隆恩崇祀典

鄕閭成俗美衣冠接武南天厚澤仰英風

Minh đại độ lưu trường, khoa giáp liên đăng, Việt địa long ân sung tự điển;

Hương lư thành tục mĩ, y quan tiếp vũ, Nam thiên hậu trạch ngưỡng anh phong.

Minh đại được lâu dài, khoa bảng liền năm, đất Việt rộng ân sùng tế tự;

Hương lư nên tục tốt, cân đai nối tiếp, trời Nam mãi đức mến anh phong.

(Long phi Đinh Dậu niên, 1897)

明都聲教誕敷迄東西朔暨南忠信篤敬遺化;

鄉黨德齒有序自公卿士及庶仁義禮讓成風。

Minh đô thanh giáo đản phu, ngật đông tây sóc ký nam, trung tín đốc kính di hóa;

Hương đảng đức xỉ hữu tự, tự công khanh sĩ cập thứ, nhân nghĩa lễ nhượng thành phong.

Minh đô thanh giáo tỏa lan, đến tận nam bắc đông tây, cung kính trung thành di hóa;

Hương đảng thấp cao thứ tự, cho dù công khanh sĩ thứ, nhân nghĩa lễ nhượng thành phong.

明德薦芳馨物阜財豐四海咸顒舜日

鄉閭歌樂利風淳俗美千秋共仰堯天

Minh đức tiến hinh hương, vật phụ tài phong, tứ hải hàm ngung Thuấn nhật;

Hương lư ca lạc lợi, phong thuần tục mĩ, thiên thu cộng ngưỡng Nghiêu thiên.

Minh đức tỏa hương thơm, vật thạnh dân giàu, bốn biển đều vui tháng Thuấn;

Hương lư ca lợi lạc, lề hay thói tốt, ngàn năm cùng hưởng ngày Nghiêu.

明德惟馨竊想前朝濯濯厥靈孚至德

鄕風復旦長留後會洋洋在上表遺風

Minh đức duy hinh, thiết tưởng tiền triều, trạc trạc quyết linh phu chí đức;

Hương phong phục đán, trường lưu hậu hội, dương dương tại thượng biểu di phong.

Đức sáng luôn thơm, thầm nhớ tiền triều, sáng suốt linh xưa mầu thánh đức;

Thói làng thêm tốt, mãi truyền hậu hội, mênh mông cao cả rõ di phong.

耻作北朝臣綱常鄭重

寧為南國客竹帛昭垂

Xỉ tác Bắc triều thần cương thường trịnh trọng;

Ninh vi Nam quốc khách trúc bạch chiêu thùy.

Đất Bắc nhục thờ vua, cương thường trịnh trọng;

Nước Nam thà làm khách, sử sách lưu truyền.

北國念前恩君臣父子;

南朝怡後運朋友夫妻。

Bắc quốc niệm tiền ân quân thần phụ tử;

Nam triều di hậu vận bằng hữu phu thê.

Bắc quốc nhớ ân xưa, quân thần phụ tử;

Nam triều vui vận mới, bằng hữu phu thê.

明王立教嚴於禮;

鄉黨相規貴以和。

Minh vương lập giáo nghiêm ư lễ;

Hương đảng tương quy quý dĩ hòa.

Minh vương lập giáo nghiêm về lễ;

Hương đảng noi gương quý ở hòa.

Nguyễn Đông Triều

Nguồn: Xưa và Nay, số 459, tháng 5 năm 2015

 


[1] Bài viết này có sử dụng phần miêu tả kiến trúc do Đinh Xuân Quý (Cử nhân Hán Nôm) thực hiện.

[2] Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Gia Định thành thông chí - Quyển 3 “Cương vực chí”, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.112.

[3] Giải nguyên: Người đỗ đầu khoa Hương thí.

[4] Tăng Đối Nhan (18591914): Tên thực Khánh Trừng, người Quỳnh Sơn, Hải Nam, là người đỗ Giải nguyên cuối cùng thời Vãn Thanh (năm Đinh Dậu, 1897).

[5] Long phi: Rồng bay, chữ dùng trong Kinh Dịch, trỏ việc vua lên ngôi. Ở đây là cách nói tôn kính vị vua đang trị vì.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63753441
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16312
35223
63753441

Thành viên trực tuyến

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website