Khúc ngâm Viếng bạn bằng chữ Nôm của một nữ sĩ họ Nguyễn (sưu tầm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang)

20170910

Trong chương trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Nam bộ, chúng tôi sao chụp được một tập sách chữ Nôm, trong đó có khúc ngâm Viếng bạn. Bài khúc do một phụ nữ làm khá đặc sắc. Vì vậy chúng tôi giới thiệu bài khúc này.

1. Nội dung

VIẾNG BẠN(1) (VĂN NỮ GIỚI)

Kiếp hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng thoắt đã gẫy cành thiên hương.(2)

Được tin bạn mất, xiết nỗi kinh hoàng:

Than ôi cùng kiếp má hường,

Kẻ còn người khuất can trường(3) như châm.

Những khi gió bấc mưa dầm,

Nào ai là kẻ đồng tâm chuyện trò?

Đã hay rằng:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử!(4)

Ai mà tránh được luật hóa sinh(5)!

Dầu phú quý như ai, hiển hách như ai, lầu hồng gác chói như ai, cũng không sao khỏi được,

Nữa là chị em mình đào thơ liễu yếu, tấm thân hèn mọn chốn nhân gian.

Nhưng tiếc cho:

Đóa hoa chưa nở đã vội tàn,

Đời người nghĩ khóc than khôn kể xiết.

Ngoài hai mươi cũng là một kiếp,

Kiếp tài danh oan nghiệt thế ru mà.

Thương thay cho bạn:

Phong trần mấy độ,

Sương tuyết một thân.

Có khi tưởng thoát khỏi nợ nần,

Mà hưởng cuộc thanh nhàn vui thú.

Ai ngờ số còn nặng nợ,

Tình sắt cầm(6) bỗng hoá Sâm Thương(7).

Lênh đênh mệnh bạc,

Đau đớn gan vàng.

Hỏi Hóa công(8) sao nỡ phũ phàng chi quá độc?

Thôi thì thôi!

Liều mặt phấn để chọn người tri kỷ,

Đem mắt xanh mà xem cuộc hý trường(9).

Đàn tỳ bà dạo khúc bến Tầm Dương(10),

Khách Tư Mã những vấn vương tình gặp gỡ(11).

Cung đàn vừa lựa, phút đà dây đứt phím long;

Nhịp phách(12) mới ươm, bỗng chốc gương tan trâm gẫy(13).

Kiếp phù sinh(14) trông thấy thấy mà đau.

Bạn bình sinh hay có vẻ buồn, không những buồn vì thân thế cảnh ngộ, mà lại buồn vì thế thái nhân tình.

Ôi!

Thân thế cảnh ngộ, bèo bọt lênh đênh;

Thế thái nhân tình, trắng đen thay đổi.

Như thế:

Dẫu có trơ gan cùng tuế nguyệt(15),

Cũng phải cau mặt với tang thương(16).

Bạn cùng ta vốn người đồng điệu,

Tình yêu thương ruột héo gan khô.

Thương thay cho bạn, người như thế mà mệnh bạc ru?

Mới không ngày nào mà đã ra người thiên cổ ru?

Than ôi!

Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mang.(17)

Cùng nhau sum hợp, phút đã âm dương.

Kẻ còn người khuất, xót nghĩa tơ vương.

Sanh ly tử biệt, trăm thảm ngàn thương.

Đã đành:

Trăm năm giấc mộng, như thế là an.

Nhưng thảm cho hai mươi mấy tuổi đầu, mưa dập sóng vùi, chừng trải bao phen lận đận, kiếp tài tình ôm giận để ngàn thu.

Thôi thì thôi!

Lá đã lìa cành, nói thêm tủi mà khóc càng thêm tủi;

Hồn không phụ xác(18), hỏi chẳng thưa mà gọi cũng chẳng thưa.

Giờ đây vĩnh biệt, gọi là mấy tiếng Ô hô:

Đồng không mông quạnh mịt mờ,

Kìa mộ ai đó, là mồ hồng nhan.

Mộ hồng nhan một làn cỏ mọc,

Khách qua đường ai khóc ai than?

Gió đông hiu hắt canh tàn,

Mây trời vơ vẩn, trăng ngàn thờ ơ.

Những buồn bã gió trưa mưa sớm,

Lại lạnh lùng tuyết sáng sương chiều.

Rì rầm dế khóc ve kêu,

Ấy ai vẽ cảnh đìu hiu chốn này?

Hồn kẻ khuất có hay chăng nhẽ,

Bóng người đời đến thế là thôi.

Khóc than, than khóc sụt sùi,

Cõi trần bao(19) lại thấy người cửu nguyên(20)?

(Nguyễn thị mỗ)

2. Một vài nhận xét

- Khúc ngâm trích dùng nhiều câu hoặc mượn ý (tạm gọi là dùng điển) từ một số tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam, đôi khi có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Chúng tôi điểm lại và có đôi lời phân tích như sau:

- Hai câu đầu được mượn từ Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 của Nguyễn Du 阮攸 (1766?-1820), chỉ khác ở chỗ, trong Truyện Kiều câu thứ 2 là “Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”, còn trong khúc ngâm này là “Nửa chừng thoắt đã gẫy cành thiên hương”. Hai câu trong Truyện Kiều là lời kể của Vương Quan về nàng Đạm Tiên có sắc có tài nhưng bạc mệnh, đến cả tấm thân sau khi vùi chôn dưới lòng đất lạnh chẳng có người hương khói. Dụng ý của tác giả khúc ngâm khi đưa hai câu này vào đầu tác phẩm là ngay từ đầu gợi cho người đọc sự liên tưởng về một “nguyên mẫu” của nàng Đạm Tiên, vừa dự báo, vừa tạo cho người đọc tâm trạng xót thương, đồng cảm về một cuộc đời bất hạnh. Tác giả đã thành công với cách làm này vì nó đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho quá trình tiếp nhận tác phẩm. Nói thêm rằng, chữ “đã” được thêm vào ở đây không đơn thuần thể hiện sự việc thuộc về quá khứ, nó còn mang vai trò quan trọng thể hiện dụng ý của tác giả là nhấn mạnh sắc thái của nội dung lời trần thuật, cho thấy sự việc quá đỗi bất ngờ và dường như vừa mới xảy ra trước mắt, còn in đậm trong tâm trí tác giả.

- Câu “Cung đàn vừa lựa, phút đà dây đứt phím long” mượn ý từ bản Nôm Chinh phụ ngâm khúc 征婦吟曲 của Đoàn Thị Điểm 段氏點 (1705-1748) “Sắt cầm gượng gảy ngón đàn, dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”. Hai câu trong Chinh phụ ngâm khúc miêu tả sự xa cách vợ chồng và tâm trạng cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ. Mượn ý từ Chinh phụ ngâm khúc, kết hợp với câu “Nhịp phách mới ươm, bỗng chốc gương tan trâm gẫy”, tác giả than thở về nỗi bất hạnh của bạn mình có một cuộc hôn nhân đầy trắc trở. Về ý này xin xem thêm ở mục 2 phần nhận xét.

- Câu “Kiếp phù sinh trông thấy thấy mà đau” được mượn từ Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲 của Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶 (1741-1798) “Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy, kiếp phù sinh trông thấy mà đau”. Hai cuộc đời khác nhau nhưng cùng số phận ba chìm bảy nổi. Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc chôn vùi tuổi xuân trong thâm cung tuyệt vọng, tuy còn sống nhưng khác nào đã chết, cuộc sống của nàng bi kịch hơn cái chết. Còn cô gái ở đây đã thực sự chôn vùi dưới mộ, hoàn toàn thoát khỏi nợ trần, để lại nỗi đau cho người còn sống. Chiêm nghiệm lẽ đời từ những “kiếp phù sinh”, không chỉ thông qua Cung oán ngâm khúcTruyện KiềuChinh phụ ngâm khúc… của đời xưa, mà còn được chứng kiến ngay trước mắt, tác giả đã lựa chọn câu rất đắt này thể hiện nhiều ý nghĩa: tác giả - cũng là một cô gái trẻ - nhớ tiếc người nay, thương xót người xưa, và lo lắng cho cả bản thân mình.

- Hai câu “Dẫu có trơ gan cùng tuế nguyệt, cũng phải cau mặt với tang thương” được sửa lại từ hai câu trong Thăng Long thành hoài cổ 昇龍城懷古của Bà Huyện Thanh Quan 婆縣清觀 (? - ?) “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương”. Bà Huyện Thanh Quan sống trong một thời đại đầy biến động, liên tiếp diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Nguyễn. Tuy nhiên, dù thời cuộc có đổi thay như tấn tuồng trên sân khấu (“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường” - Thăng Long thành hoài cổ), thì đá, nước, mọi thứ thuộc tự nhiên vẫn không bao giờ thay đổi. Trước sự tồn tại vĩnh hằng của tự nhiên, mọi thứ tranh giành, được mất thuộc thế giới con người trở nên giả tạm và thoáng chốc, từ đó con người được thức tỉnh hơn. Hai câu này trong Viếng bạn đổi lại là “Dẫu có…, cũng phải…” càng nhấn mạnh con người dù mạnh mẽ đến đâu (“trơ gan cùng tuế nguyệt”) cũng vô cùng nhỏ bé, bất lực và chấp nhận trước quy luật vô thường của vũ trụ (“cau mặt với tang thương”). Đồng thời, ở phạm vi rộng hơn, câu này còn thể hiện rõ mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, giữa sự sống và cái chết.

- Câu “Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mang” được dịch từ câu Hán văn trong Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tự 青 心 才 人 詩 集 序) của Chu Mạnh Trinh (1862-1905). Kim Vân Kiều truyện đề từ có đoạn 嗟 乎!小 謫 風塵,幾 遭 魔 孽。情 天 浩 渺,恨 海 滄 茫。隨 風 之 絮 何 依,墜 悃之 花 無 賴。“Ta hồ! Tiểu trích phong trần, kỷ tao ma nghiệt! Tình thiên hạo diểu, hận hải thương mang! Tùy phong chi nhứ hà y, truỵ khổn chi hoa vô lại!” (Than ôi! Gió bụi một phen, nổi chìm mấy độ! Trời tình mờ mịt, biển hận mênh mang! Tơ mành theo gió cuốn bay, hoa rụng tùy cơn trôi dạt). Nếu Chu Mạnh Trinh viết lời tựa với mục đích là, dù rằng “chuyện ngàn xưa khá còn áo não”, nhưng cũng vì “cảm thông cho người đồng điệu” (Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tự), thì Viếng bạn không chỉ là “chuyện ngàn xưa” với người ngàn xưa, mà là chuyện ngàn xưa ứng ở người hiện tại, và cũng không chỉ có “con người cảm thông” mà là con người vừa cảm thông vừa đớn đau trước nỗi mất mát vô cùng to lớn. Chẳng thế mà tiếp sau câu này, tác giả còn viết ra những câu “Cùng nhau sum hợp, phút đã âm dương; Kẻ còn người khuất, xót nghĩa tơ vương; Sanh ly tử biệt, trăm thảm ngàn thương” đầy ai oán.

- Câu “Cõi trần bao lại thấy người cửu nguyên” được sửa lại từ một câu trong Truyện Kiều “Minh dương đôi ngả chắc rồi, cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên”. Trong Truyện Kiều, khi nghe tin Thuý Kiều trầm mình ở sông Tiền Đường, ngỡ nàng đã chết thật, cả nhà họ Vương cùng Kim Trọng lập đàn tràng bên sông làm lễ chiêu hồn và giải oan cho nàng. Nhưng may gặp sư Giác Duyên bảo nàng còn sống đang tá túc chốn Phật môn. Cuộc trùng phùng giữa người còn sống với “người cửu nguyên” hạnh phúc khôn tả, niềm vui không ngờ mà lại có. Còn trong Viếng bạn thì người bạn đã thật sự trở thành “người cửu nguyên”, không bao giờ có cảnh trùng phùng với người đã chết. Tuy biết là vậy, nhưng lòng tiếc nhớ khiến tác giả lúc nào cũng ôm ấp một niềm ước mơ cháy bỏng nhưng tuyệt vọng: “Cõi trần bao lại thấy người cửu nguyên”. Tác giả thật tài tình, chỉ đổi thành một chữ “bao” (biết đến bao giờ) mà cả ý lẫn tình hoàn toàn thay đổi.

Có thể thấy, một trong những điểm đặc biệt của Viếng bạn là dùng nhiều điển trong văn chương Việt Nam, khác với nhiều tác phẩm trước đó chủ yếu dùng điển trong văn chương Trung Quốc. Nhìn chung, các điển trên đều là trích dùng câu hoặc mượn ý từ những tác phẩm của phụ nữ (Thăng Long thành hoài cổChinh phụ ngâm khúc) hoặc nói về phụ nữ (Truyện KiềuCung oán ngâm khúcKim Vân Kiều truyện đề từ). Điều này phù hợp với nội dung của khúc ngâm là nói về nỗi bất hạnh của người bạn gái và tình cảm xót thương, tâm trạng đồng cảm của nữ tác giả dành cho bạn thân.

2. Những chi tiết miêu tả về hoàn cảnh của người bạn cho ta thấy người bạn đã lập gia đình nhưng [có lẽ] bị chồng phụ bạc. Chúng tôi tạm dùng từ “có lẽ” vì điều này chưa thật chắc chắn lắm. Tác giả của khúc ngâm chưa biết chính xác là ai, chỉ biết là một nữ sĩ họ Nguyễn (阮氏某), nên người bạn được nhắc đến trong tác phẩm cũng hoàn toàn là một ẩn số, đương nhiên hoàn cảnh của người bạn ấy chúng ta chỉ có thể dựa vào tác phẩm mà suy đoán. Những câu “Khách Tư Mã những vấn vương tình gặp gỡ”, “Liều mặt phấn để chọn người tri kỷ”, “Cung đàn vừa lựa, phút đà dây đứt phím long; Nhịp phách mới ươm, bỗng chốc gương tan trâm gẫy” dường như diễn tả lại chặng đường tình đầy trắc trở của cô bạn gái: gặp gỡ, yêu thương, hôn nhân, tan vỡ. Bất hạnh hơn, sự tan vỡ ấy là do bị người chồng phụ bạc, cho nên, tiếp sau những câu trên, tác giả lại nói rõ “bạn bình sinh hay có vẻ buồn” vì “thế thái nhân tình trắng đen thay đổi”. Cuộc đời của cô bạn gái là một “kiếp tài danh” mang nhiều “oan nghiệt”: thân phận bèo bọt lênh đênh, hôn nhân đổ vỡ, yểu mệnh. Nên đành “ôm giận để ngàn thu”. Thật đúng là “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố”.

3. Về văn tự, hai chữ “sụt sùi” (khóc than than khóc sụt sùi) ở cuối bài không phải viết bằng chữ Nôm mà được ghi hẳn bằng chữ Quốc ngữ. Sau khi xem qua toàn bộ tập sách, chúng tôi thấy một số chỗ tác giả có chua thêm chữ Quốc ngữ bên cạnh chữ Nôm khó đọc như “nhoẹt nhoè” (悅齊), “dầm dìa” (淋洟), “rườm” (霪) giúp tiện lợi hơn cho người đọc. Chỉ còn lại một trường hợp được ghi bằng chữ Quốc ngữ tương tự “sụt sùi” là “rác rảnh”, trong bài Khóc bạn, trang 206. Có thể những chữ này tác giả không biết viết như thế nào nên đành phải ghi bằng chữ Quốc ngữ, mặc dù đây không phải là những chữ Nôm quá khó. Chi tiết này một lần nữa cho thấy tập sách ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ đã được sử dụng phổ biến; người tuyển soạn là một trí thức tân thời, không rành chữ Nôm như các bậc tiền bối nhưng quyết chung tay gìn giữ, phát huy một di sản văn hoá - tinh thần quý báu của dân tộc; và cũng có thể chứng tỏ một điều, người tuyển soạn tập sách này cũng chính là tác giả bài Viếng bạn (và cả bài Khóc bạn) chứ không phải sao lại của người khác.

Chú thích:

(1) Xem nguyên bản ở phụ lục 1.

(2) Những câu in nghiêng là được trích dùng hoặc mượn ý từ một số tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Những câu này chúng tôi có điểm lại và có đôi lời phân tích ở phần nhận xét.

(3) Can trường: gan ruột, lòng dạ.

(4) Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử: người đời xưa nay ai tránh được cái chết. Câu này mượn từ bài Quá Linh Đinh dương của Văn Thiên Trường đời Nam Tống: “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay hỏi có ai không chết, chết để lòng son rạng sử xanh). Hai câu này cũng được Nguyễn Công Trứ dùng trong bài Chí nam nhi.

(5) Hóa sinh: quy luật biến hóa và sinh sản của vạn vật (Dịch). Nhà Phật cũng cho rằng, vạn vật trên đời có thành không, không hóa có. Ở đây ý nói, con người phải tuân theo quy luật thành trụ hoại không.

(6) Sắt cầm (cầm sắt): đàn cầm và đàn sắt được dùng đánh hòa âm với nhau, nên thường dùng chỉ cảnh vợ chồng êm ấm, hòa hợp.

(7) Sâm thương: sao Sâm (sao Hôm) và sao Thương (sao Mai), là tên gọi khác của sao Kim. Nói sự cách biệt, không gặp được nhau như sao Sâm sao Thương không bao giờ cùng xuất hiện trên bầu trời.

(8) Hóa công: thợ tạo hóa. Xưa cho trời đất như người thợ làm ra vạn sự vạn vật trên thế gian.

(9) Hý trường: sân khấu, nơi diễn tuồng hết lớp này đến lớp khác. Ví cuộc đời như một lớp tuồng diễn trên sân khấu.

(10) Bến Tầm Dương: sông Tầm Dương thuộc huyện Cửu Giang tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), nơi Bạch Cư Dị tiễn khách và sáng tác bài Tỳ bà hành nổi tiếng.

(11) Khách Tư Mã: Tư Mã Tương Như đời Hán đến chơi đất Lâm Cùng, soạn khúc Phụng cầu hoàng để tỏ tình với Trác Văn Quân.

(12) Nhịp phách: phách là một loại nhạc cụ dùng để đánh nhịp khi hát.

(13) Gương tan trâm gẫy: cũng như “bình rơi trâm gẫy”, ý nói việc đã thành nhưng bỗng dưng gẫy đổ, có làm cũng như không.

(14) Kiếp phù sinh: Đời người bấp bênh vô định như vật nổi trên mặt nước.

(15) Tuế nguyệt: năm tháng.

(16) Tang thương: dâu bể. Nói tắt từ “Thương hải tang điền” (Biển xanh biến thành ruộng dâu). Ý nói cuộc đời luôn biến đổi.

(17) Câu “Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mang” dịch từ câu chữ Hán trong Kim Vân Kiều truyện đề từ của Chu Mạnh Trinh: “Tình thiên hạo diểu, hận hải thương mang.” Có người dịch “Trời tình u uất, biển hận vơi đầy” (Phùng Tất Đắc), “Trời tình bát ngát, bể hận mênh mang” (Đái Đức Tuấn và Đàm Quang Thiện). (Theo www.thivien.net > Thơ > Việt Nam > Chu Mạnh Trinh > Vịnh Kiều).

(18) Hồn không phụ xác: hồn không còn nương vào xác, ý nói đã chết.

(19) Bao: khi nào.

(20) Cửu nguyên: một vùng đất thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), thời Xuân Thu được dùng làm chỗ an táng các quan Khanh và quan Đại phu nước Tần, người đời sau dùng “cửu nguyên” chỉ những nơi mộ địa nói chung, hoặc chỉ cửu tuyền, tức âm phủ.

(Tạp chí Hán Nôm, số 1 (116) 2013 (tr.76 - 80)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63668488
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12206
17595
63668488

Thành viên trực tuyến

Đang có 1025 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website