Các thế hệ nhà văn di dân và những đóng góp của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

20170731. Pho for life

Bìa sách: Pho for Life: A Melting Pot of Thoughts

1.     Các thế hệ nhà văn di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

Việc thống kê con số nhà văn Việt Nam ở Hoa Kỳ là điều rất khó khăn. Nhiều tờ báo, tạp chí, nhà nghiên cứu đã từng thống kê nhưng cũng chỉ đưa ra con số ước đoán. Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, cộng đồng di dân Việt Nam đã có “hàng chục tổ chức văn hoá, trên năm mươi nhà xuất bản, hàng trăm tờ báo đang hoạt động, hàng ngàn người cầm bút và hơn một triệu người đọc”[1]. Nếu tính ai cầm bút cũng là nhà văn, những tờ báo hoạt động vài ba tháng thì đình bản, tổ chức văn hoá làm vài chương trình rồi đóng cửa… thì đến con số hàng ngàn, vì việc ra sách, ra báo, mở tổ chức ở Mỹ rất dễ, không cần giấy phép, kiểm duyệt… Nhưng số nhà văn thực chất có tài năng, được độc giả công nhận thì không thể nhiều như vậy.

Cần lưu ý là cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng trẻ, lớn mạnh thực ra cũng chỉ từ sau 1975, do lịch sử di dân khá mới như vậy nên cách gọi tên các thế hệ di dân của chúng ta cũng muộn hơn các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn đã di dân sang Mỹ từ rất sớm. Ví dụ, những nhà văn viết vào thập niên 1950, 1960 đã được gọi là nhà văn thế hệ thứ hai của họ rồi. Còn đối với cộng đồng di dân Việt Nam, sinh vào những năm 1950, có khi mới được xếp vào nhà văn thế hệ thứ nhất. Nói như vậy để thấy việc phân định và gọi tên thế hệ nhà văn di dân Việt Nam có cái khó khăn và khác với các cộng đồng Châu Á còn lại.

Nhìn chung, việc phân định và gọi tên các thế hệ nhà văn, với nhiều trường hợp, sẽ khó chuẩn xác và đúng đắn. Nhà văn Trịnh Y Thư đưa ra một cách phân định: đó là ai đã từng viết ở Việt Nam, sang Mỹ viết tiếp thì được gọi là nhà văn thế hệ một. Ai sang Mỹ viết thì gọi là thế hệ một rưỡi và hai[2]. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến một cách thức phân định mang tính tương đối: Đó là phân định các thế hệ nhà văn Việt Nam theo độ tuổi, theo độ ảnh hưởng văn hoá (ảnh hưởng Mỹ hay Việt Nam nhiều hơn) và phần nào theo thời gian sống ở Mỹ, chứ không theo thời gian viết văn để phân chia thành các thế hệ viết văn một, một rưỡi, hai. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều làm vậy[3]. Việc phân định này hết sức khó khăn vì nhiều lý do: Có người sang Mỹ mới bắt đầu viết văn dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn xếp vào thế hệ nhà văn thứ nhất, hoặc thời gian sang Mỹ khác nhau, nên không thể xếp những người cùng độ tuổi vào một thế hệ viết văn được. Ví dụ, Phạm Thị Ngọc và Đặng Thơ Thơ ngang tầm tuổi nhau, nhưng Phạm Thị Ngọc viết rất sớm trong số những nhà văn thế hệ một rưỡi, vậy chúng tôi xếp bà vào thế hệ thứ nhất. Hay Monique Trương cũng tầm tuổi Đặng Thơ Thơ nhưng viết sau, và viết bằng tiếng Anh, sang Mỹ khi còn nhỏ, vậy phải xếp Monique Trương vào thế hệ thứ hai… Chính vì những lý do đó, việc phân định dưới đây chỉ mang tính chất tương đối.

- Thế hệ nhà văn thứ nhất: Là những nhà văn sinh vào những năm 1930-1940-1950, khi sang Mỹ, họ đã lớn tuổi hoặc trưởng thành, chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt Nam rõ nét, và họ đều viết bằng tiếng Việt (trừ Trùng Dương có viết báo Mỹ). Trong số này, có người đã từng viết ở Việt Nam, có người sang Mỹ mới bắt đầu viết.

Một số nhà văn sang Mỹ không viết thêm, chúng tôi không kể ra đây, chúng tôi chỉ liệt kê những nhà văn thực sự có viết và có thành tựu, đó là: Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Trùng Dương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Khánh Trường, Hà Thúc Sinh, Bình Nguyên Lộc, Phan Lạc Phúc, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Viên Linh, Thanh Nam, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Nguyễn Hữu Hiệu, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Vũ Khắc Khoan, Lữ Quỳnh, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Kiệt Tấn, Tưởng Năng Tiến, Nhật Tiến, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quỳnh, Thảo Trường, Đặng Phùng Quân, Phan Nhật Nam, Hoàng Lộc, Trần Văn Nam, Trần Doãn Nho (Trần Hữu Thục), Nguyễn Xuân Thiệp, Cao Đông Khánh, Nguyễn Sao Mai, Kinh Dương Vương, Hoàng Khởi Phong, Võ Đình, Trần Hoài Thư[4]

Những nhà văn thuộc thế hệ thứ nhất đã viết ít nhiều ở Việt Nam hoặc sang Mỹ mới bắt đầu viết (cũng có thể xếp họ vào thế hệ một rưỡi): Lê Thị Huệ, Mai Kim Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Diệu Hằng, Trịnh Y Thư, Lê Bi (tức Lê An Thế hiện nay), Khế Iem, Le Ly Hayslip, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thảo An, Bùi Bích Hà, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trương Anh Thụy, Phạm Thị Ngọc, Vũ Huy Quang, Cao Xuân Huy, Bùi Vĩnh Phúc, Ngu Yên, Chân Phương, Trần Nghi Hoàng, Hoàng Thị Bích Ti, Đỗ Kh, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phùng Nguyễn, Lưu Hy Lạc (tức Vương Ngọc Minh), Nguyễn Tà Cúc, Nguyễn Thị Hải Hà…

Chủ đề chính mà họ thường viết là hoài niệm về quê nhà, biến cố 1975, lịch sử, phong tục, khó khăn hội nhập xã hội Mỹ, vấn đề hoà hợp hoà giải trong văn nghệ…

- Thế hệ nhà văn một rưỡi (1.5): gọi thế hệ nhà văn một rưỡi vì tính chất “nửa chừng” và “giao thời” của họ, họ là những nhà văn sinh ra ở Việt Nam, trải qua thời thơ ấu ở Việt Nam và sau đó sang Mỹ, ước chừng có thể sinh vào khoảng những năm 1960, hoặc nửa đầu 1970. Có Nguyễn Hoàng Nam, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Lê Đình Nhất Lang, Đặng Hiền, Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy, Lưu Hoàng Thu Thuyền, Lê Thị Thấm Vân, Dương Như Nguyện, Lan Cao, Duong Van Mai Illiot, Mộng Lan, Nguyen Quy Duc, Linh Dinh, Nguyễn Hương, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Tường Vy…

Thế hệ một rưỡi (1.5) ra đi vào khoảng thiếu niên, hoặc lúc còn trẻ. Vì vậy tốc độ hoà nhập của họ tốt hơn thế hệ thứ nhất. Họ là thế hệ “khoảng giữa”, là cầu nối hai thế hệ. Một mặt, tiếng Việt và sợi dây kết nối với quê nhà của họ đủ tốt, không “mất gốc”, đồng thời, khả năng ngoại ngữ và thích nghi của họ cũng tốt để họ tồn tại ở Mỹ. Thế hệ này có người viết văn bằng tiếng Việt và cũng có người viết được bằng tiếng Anh, hoặc cả hai thứ tiếng (Linh Dinh, Nguyen Quy Duc…).

- Thế hệ nhà văn thứ hai: cũng như các nhà văn thuộc các cộng đồng gốc Á khác, vốn sinh ra ở Mỹ, hoặc sang Mỹ khi còn nhỏ, nên thế hệ này thành thạo tiếng sở tại hơn tiếng mẹ đẻ. Việc chọn lựa viết văn bằng tiếng Anh có nhiều lý do, có thể là do họ không giỏi tiếng Việt, cũng có thể do họ thích nghi với văn hoá bản địa (Mỹ) hơn là văn hoá gốc (Việt Nam). Một số người rời Việt Nam khi đã đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng vì những lí do văn hoá và sở thích mà không viết văn bằng tiếng Việt. Ví dụ, Đỗ Lê Anhdao (sinh 1979, đến Mỹ năm 1992: 13 tuổi), thực ra có thể xếp cô vào thế hệ một rưỡi như Đặng Thơ Thơ, nhưng về phẩm chất văn học, và cô viết bằng cả hai thứ tiếng, thì có thể cho vào thế hệ hai. Tương tự, Lại Thanh Hà (sinh 1965 sang Mỹ 1975: 10 tuổi) hay Andrew Lam (sinh 1964, sang Mỹ 1975: 11 tuổi) chỉ viết tiếng Anh, nên chúng tôi xếp họ ở thế hệ hai. Trong khi Linh Dinh sinh 1963 sang Mỹ 1975: 12 tuổi nhưng chúng tôi xếp anh vào thế hệ một rưỡi vì anh có phong cách, phẩm chất văn học gần với thế hệ này hơn. Có thể kể thêm một số nhà văn nữa thuộc thế hệ hai: Bích Minh Nguyễn, Monique Truong, Le Thi Diem Thuy, Dao Strom, Aime Phan, Angie Chau... Theo thống kê của Isabelle Thuy Pelaud, văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ viết bằng tiếng Anh tính từ năm 1963 đến nay đã có khoảng hơn 100 tác phẩm[5], một con số khá khiêm tốn so với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các nhà văn gia nhập văn học dòng chính.

Con đường họ đi khá giống nhau: thoạt đầu, họ từ chối nguồn gốc, tự xem mình là người Mỹ, thích nghi với văn hoá và lối sống Mỹ một cách dễ dàng, và thường xuyên có những xung đột với gia đình, cha mẹ là những thành viên di dân thế hệ thứ nhất. Đến khi có một sự kiện, một “thời điểm” nào đó xảy ra trong cuộc đời họ, buộc họ nhìn lại thân phận, gốc gác của mình, và viết. Khi viết bằng một ngôn ngữ khác, tư duy và văn hoá của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài”, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài” (outsider) với bên trong. Điều đó tạo ra lợi thế khi sáng tác đồng thời cũng là thách thức với các nhà văn này. Việc làm chủ được ngôn ngữ giúp cho sáng tác của họ có số lượng độc giả khá đông đảo, cơ hội tác phẩm đến được với bạn đọc thế giới rộng mở hơn. Đề tài sáng tác của họ cũng khá rộng rãi. Có thể là sự phản ánh những vấn đề của chính họ: quá trình trải nghiệm hội nhập khẳng định mình, vượt qua mặc cảm di dân để trở thành của người công dân của đất nước mới; sự va đập văn hoá: Đông - Tây; cũ - mới; khoảng cách giữa lối sống của các thế hệ di dân trong gia đình. Họ cũng có thể chọn viết về lịch sử dân tộc. Không bị quá khứ cầm tù như các thế hệ trước nên cái nhìn của họ đối với những vấn đề lịch sử, chính trị dân tộc cũng cởi mở, nhẹ nhàng hơn.

Ngày nay, giới trẻ di dân ngày càng ít có sự quan tâm đến sự chia cắt giữa trong nước và hải ngoại. Những nhà văn như Barbara Tran, Christian Langworthy, le thi diem thuy… quan tâm đến những vấn đề lưỡng dạng (dual identity) của họ ở Mỹ hơn là những vấn đề chính trị và xã hội của quá khứ. Những nhà văn như Linh Dinh, Do Kh., Nguyễn Quí Đức, Angie Chau, le thi diem thuy… còn xa hơn một bước, họ quay về Việt Nam nhiều lần để tìm lại những liên hệ với một thế giới mà họ đã bị cách biệt trong quá khứ.

 

2. Những đóng góp của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ

2.1. Tiếp nối văn học miền Nam, lưu giữ, phát triển văn học miền Nam ở hải ngoại

Văn học miền Nam trước 1975 có đời sống văn học khá phong phú. Báo chí vừa là diễn đàn văn nghệ, vừa là nơi sản sinh các tác phẩm văn học, vừa là nơi quy tụ những khuynh hướng sáng tác. Nhiều bút nhóm, tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống học thuật lúc bấy giờ như Nhân Loại (1956-1960), Văn Hoá Ngày Nay (1958), Sáng Tạo (1956), Bách Khoa (1957), Văn Đàn, Tin Văn (1965), Nghệ Thuật (1956), Thế Kỷ 20, Hiện Đại, Văn Nghệ, giai đoạn sau là các tờ: Văn Học, Văn (1974)…

Hàng loạt những nhà văn cột trụ của văn học miền Nam trước 1975 đã sang Mỹ từ năm 1975 hoặc những năm sau đó. Khi sang Mỹ, họ vẫn tiếp tục sáng tác, và đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng, một trong những thành tựu của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ là nối dài, gìn giữ văn học miền Nam trước 1975. Chúng tôi dẫn chứng một số trường hợp sau đây:

Sáng Tạo do Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo chủ trương xuất bản, là một hiện tượng của văn học thời kỳ 1954-1975. Tờ báo quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng: Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Duy Thanh, Cung Trầm Tưởng. Là nơi phát huy cái mới, nổi loạn trong văn học, ví dụ cổ vũ thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền.

Mai Thảo (1927-1998) là cây bút chính của Sáng Tạo với hơn 50 tác phẩm đã xuất bản. Qua Mỹ, ông tiếp tục viết. Ông sống ở Santa Ana và mất ở đây.

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) là một trong những nhà thơ khai sáng lối thơ mới trong Nam, sang Mỹ, ông định cư ở Minessota và mất tại đây.

Doãn Quốc Sỹ (1923- ) qua Mỹ sống ở Houston, Texas.

Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005) viết sách biên khảo văn học. Sang Mỹ từ năm 1992, mất tại Quận Cam.

Tô Thùy Yên, sinh 1938 tại Gia Định. Nhà thơ quân đội, nòng cốt của nhóm Sáng tạo. Hiện nay sống tại Houston, Texas.

Võ Phiến (1925-) chủ trương tờ Bách Khoa (1957-1975), là nhà văn cột trụ của văn học miền Nam, có đóng góp rất lớn vào đời sống văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Bách Khoa như tên gọi, đề cập mọi vấn đề chính trị, khoa học, xã hội, lịch sử… khá hàn lâm, khô khan, ít được người bình dân đọc, nhưng đóng góp là sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ. Ông vừa là nhà văn, nhà khảo cứu. Ông sống ở Santa Ana, hiện nay rất già yếu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1943-) nguyên là giáo sư triết của trường Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Trước năm 1975 bên cạnh nghề dạy học, ông là một nhà văn và là tổng thư ký của tạp chí Văn. Ông đến Mỹ vào cuối thập niên 80, tiếp tục nghiệp báo của mình trong tư cách tổng thư ký của nhật báo Người Việt, tổng thư ký cho tờ Viet Mercury, từ số ra mắt cho tới khi tờ báo này đình bản. Ông tiếp tục chủ biên các tờ Văn, Văn Học và sáng tác. Ông sống ở San Jose, đang bị bệnh rất nặng.

 Ước lượng có khoảng 130.000 người Việt rời nước ở thời điểm 30-4, những văn nghệ sĩ ra đi sớm nhất có thể là nhóm Võ Phiến, Lê Tất Điều, Thanh Nam, Túy Hồng, Viên Linh, Vũ Huyến, Phạm Duy, Hoài Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Cao Văn Luận, Thái Văn Kiểm, Chu Tử, Du Tử Lê, Cao Tiêu, Duy Thanh, Đỗ Quý Toàn, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Phan Lạc Tiếp, Nhật Tuấn…

Nhóm sang sau: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Xuân Hoàng… Những tác giả nói trên sau khi sang Mỹ vẫn tiếp tục sáng tác.

Như vậy có thể thấy, hầu hết các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 khi sang Mỹ đều tiếp tục viết, có người vẫn giữ được phong độ, có người không, nhưng nhìn chung, văn học di dân Việt Nam tại Mỹ đã kế thừa rất nhiều từ văn học miền Nam, nhất là thế hệ di dân thứ nhất. Các tờ báo văn học ở Sài Gòn trước 1975 khi sang Mỹ vẫn tiếp tục giữ tên một thời gian dài.

Xem thành tựu của văn học di dân là việc nối dài văn học miền Nam trước 1975 không phải là quan điểm của riêng chúng tôi. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Sơn sau khi sang Mỹ nghiên cứu về văn học hải ngoại, trả lời báo Tuổi Trẻ, anh cho rằng văn học hải ngoại “không có những đột phá lớn trong nghệ thuật và tư tưởng”, “tự tách mình ra khỏi vận động chung của văn học Việt Nam và đứng trước nguy cơ không tìm được tiếng nói chung với người đọc hôm nay”[6]. Quan điểm này đúng một nửa, theo nhà văn Trịnh Y Thư, và theo quan điểm của chúng tôi, khái niệm “nối dài” ở đây không có nghĩa là đứng yên, không có những đột phá, mà là sự kế thừa chứ không phải là không có cách tân. Và nên dùng từ “tiếp nối” hơn là “nối dài”[7]. Còn việc không hoà nhập vào dòng chảy của văn học trong nước có những lý do khách quan như khó khăn trong việc in ấn, xuất bản, truyền bá… trong nước.

Việc tiếp nối văn học miền Nam ở Mỹ không chỉ ở chỗ là các nhà văn miền Nam trước 1975 sang Mỹ rất nhiều và tập trung viết lách ở Mỹ, mà văn học di dân còn có một nhiệm vụ rất đáng quý là bảo tồn những tác phẩm văn học miền Nam. Tủ sách tại tòa soạn tạp chí Khởi Hành ngay Quận Cam có rất nhiều sách, vở từ miền Nam trước 1975 nhà văn Viên Linh còn lưu giữ. Thư quán của nhà văn Trần Hoài Thư ở New York, ngoài giờ làm việc ông còn cần mẫn in lại những cuốn sách có giá trị trước 1975 để giữ lại cho thế hệ sau.

2.2. Giới thiệu văn hoá và đời sống người Việt cho người Mỹ biết, đồng thời cũng để lưu lại những đặc trưng văn hoá Việt Nam cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sống trên đất Mỹ. Những thế hệ di dân thứ nhất có cảm giác rằng họ là người duy nhất rời Việt Nam và có nhiệm vụ làm sống lại một nước Việt Nam mà họ biết, họ yêu, họ gìn giữ trong kí ức và lưu truyền nó cho thế hệ sau. Nó đánh thức ham muốn thiết lập một nền văn học di dân mang trọng trách gìn giữ những di sản văn hoá đích thực của dân tộc. Một số lượng lớn các tạp chí ra đời vào thời kỳ này, trên nền tảng là văn học lưu vong/tha hương. Phát ngôn của Mai Thảo là một ví dụ cho sứ mệnh của văn học Việt Nam tại Mỹ: “Đối với tôi, tình yêu tổ quốc và lòng thương cảm những tai ương lớn nhất của nước nhà sẽ luôn luôn là ngọn đuốc huy hoàng dẫn đường sáng cho các hoạt động văn nghệ. Và không có kim chỉ nam nào thay thế được chúng”[8].

Có thể kể thêm những hoạt động văn hoá của các tổ chức thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ, đặc biệt là tại Little Saigon: ví dụ Viện Việt học có các lớp dạy tiếng Việt, tổ chức các hội thảo…; tổ chức VAALA (Vietnamese American Art Letter Association: Tổ chức Nghệ thuật và Văn học Người Mỹ gốc Việt), thành lập từ năm 1991 hiện do bà Lê Đình Y Sa làm chủ tịch, có những hoạt động lưu giữ văn hoá và văn học nghệ thuật cho cộng đồng Việt Nam tại đây như triển lãm, chiếu phim, liên hoan phim, bán tranh gây quỹ, hoạt động ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…; Viet Art Center (Trung tâm Nghệ thuật Việt) do bà Michelle Phương Thảo làm chủ tịch cũng có những phim nói về văn hoá truyền thống Việt Nam như loạt phim Hoa Gấm Việt, loạt sách Hương Thơ Việt dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh…

Đặc trưng văn hoá Việt thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học di dân, ví dụ hình ảnh cây cầu khỉ ở miền quê Nam Bộ, chi tiết phóng sinh cầu phúc, chi tiết đốt phong long, chi tiết miêu tả nghi thức đám cưới và tập tục về nhà bố mẹ ruột sau khi động phòng xem cô dâu còn trong trắng hay không, miêu tả chợ Việt Nam khác chợ Mỹ ra sao, cách thức câu cá, về ngày Tết Trung thu[9]… trong Monkey Bridge (Cầu khỉ) của Lan Cao, cúng Phật trong Trộm đồ cúng Phật của Bich Minh Nguyen, ẩm thực Việt Nam trong truyện Monique Truong…

Cuốn sách mới nhất, Pho For Life (Phở cho Cuộc sống, lưu ý, chữ Phở không dịch ra tiếng Anh - TLHT) nhân chuyện bát phở - đặc sản ẩm thực văn hoá Việt Nam, nhưng thực ra là nhiều món ăn khác nữa - để nói đến tâm tình của người Việt xa quê. Đây là một tập sách tổng hợp các tùy bút của hơn 50 tác giả gốc Á, nhiều nhất là gốc Việt. Chủ đề chính là ẩm thực và tình cảm gia đình xuyên suốt tập sách, ví dụ hoài niệm quê hương thông qua bát phở ở Mỹ, tình cảm với cha, mẹ, chồng, cha chồng… để nói đến tình cảm đối với quê hương, với gia đình, với nguồn cội của mình. Thậm chí, có tác giả trong tập sách này đã thực hiện những hành trình trở về “nhà”.

2.3.Giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập nhanh chóng

Báo chí tiếng Việt từ khi ra đời trên đất Mỹ có nhiệm vụ quan trọng là giúp người Việt Nam tại Mỹ hoà nhập với xã hội mới nhanh chóng hơn. Ví dụ những thông tin về thủ tục di dân, thủ tục pháp lý (bảo lãnh, kết hôn, ly hôn, chia bôi tài sản…), cách thức sinh hoạt (giao dịch ngân hàng, mua bán…), làm việc, chia sẻ kinh nghiệm về văn hoá Mỹ, du lịch, ăn uống, quảng cáo… Báo chí Việt Nam ở Mỹ cũng hay đăng tải những câu chuyện hội nhập của người Việt cho cộng đồng di dân Việt Nam tìm hiểu, học hỏi. Từ năm 2004 đến nay, tờ Việt Báo mở một cuộc thi “Viết về nước Mỹ” nhằm khuyến khích mọi người chia sẻ những kinh nghiệm hội nhập nơi đất khách quê người. Những bài đạt giải được in thành sách.

Đi cùng với báo chí Việt Nam là văn học. Nếu chú ý tới sự thống kê thì đa số tác phẩm viết về kinh nghiệm hội nhập của người Việt Nam vào cuộc sống Mỹ là do phụ nữ viết. Đó là Vi Khuê, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lan Cao, Nguyễn Thị Thảo An... Trong số các nhà văn nam giới viết về vấn đề này có Võ Phiến (Thư gửi bạn), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng, Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải), Võ Đình (Xứ sấm sét, Sao có tiếng sóng)...

Trong sáng tác của mình, các tác giả viết về những vấn đề thông thường đối với bất cứ một cộng đồng di dân nào, nhất là ở những giai đoạn hình thành đầu tiên của nó. Đó là sự tan vỡ của cuộc sống yên ổn trước đây, những khó khăn của thế hệ những người di tản đầu tiên do sự khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ nên không thể hoà nhập nhanh chóng vào hiện thực Mỹ, sự cô đơn của người già, sự suy thoái hoá về đạo đức, hiện tượng lớp trẻ rút khỏi “cộng đồng người Việt”, sự tan nát của gia đình, sự phân hoá xã hội sâu sắc trong nội bộ cộng đồng di tản...

Ở giai đoạn đầu, trong đa số tác phẩm, sự thích nghi và hội nhập của người Việt được miêu tả với sắc thái bi quan - thông qua những dằn vặt lớn lao về đạo đức và những khó khăn vật chất. Ví dụ, tập tạp văn Hạnh phúc xót xa của Huy Phương, một nhà báo[10], ghi lại những cảm nghĩ của nhà văn chủ yếu là nước Mỹ, trong đó có nói đến những tình cảnh của người Việt tại Mỹ, những trò ma mãnh kiếm tiền của cộng đồng người Việt (Buồn vui chuyện y tế), cảnh tình người già bên Mỹ (Cha mẹ và con cái)… Tuy thế vẫn có những trường hợp ngoại lệ như Hồ Trường An trong truyện ngắn Hoà hợp, truyện ngắn Gió đêm của Trần Thị Kim Lan…

Việc hoà nhập vào xã hội Mỹ khá khó khăn đối với những người di dân thuộc thế hệ thứ nhất. Trong khi đó thì thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai - những người rời khỏi Việt Nam từ hồi còn nhỏ hoặc đã sinh ra trên đất Mỹ, học trường Mỹ - dễ dàng hoà nhập vào xã hội, và nền văn hoá mới. Kinh nghiệm hội nhập vào cuộc sống trở thành đề tài chủ yếu trong các tác phẩm (phần lớn là truyện ngắn) của các nhà văn thuộc thế hệ một rưỡi viết bằng tiếng Việt và bây giờ đã từ 40 tuổi đến 50 tuổi trở lên. Trong tác phẩm của họ có đủ: về cuộc sống trước đây ở tổ quốc, nơi là hình bóng xa xôi vì họ đã ra đi từ hồi còn nhỏ và đối với họ, Việt Nam không phải là cái cảm nhận được và cái mong muốn như đối với thế hệ cha anh của họ; về cuộc sống hiện tại của mình, xuất phát từ tình hình thực tế của cái thế giới hiện đại bao quanh họ. Thế hệ một rưỡi là thế hệ cân bằng giữa hai thế hệ - thế hệ thứ nhất, lớn tuổi hơn và thế hệ tiếp theo sau họ, trẻ hơn, vốn hoàn toàn hướng tới sự hội nhập vào môi trường mới và ngôn ngữ mới. Cùng với thế hệ đầu tiên, họ sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ, không sẻ chia những u ám chính trị. Nhiều người trong số họ đã quay trở về nhiều lần như Đặng Thơ Thơ, Đặng Hiền, Nguyen Quy Duc… Cùng với thế hệ thanh niên, họ tiếp nhận một cách thực tế và thực dụng cuộc sống mà hiện nay họ phụ thuộc, tuy vậy trong văn học họ vẫn bị ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ, là tiếng Anh. Phùng Nguyễn là một ví dụ, trước 1975, ở Việt Nam, anh là một thanh niên, khi sang Mỹ, anh tìm đến văn học như một nhu cầu giải trí và giải toả. Anh có hai tập truyện ngắn, Tháp ký ức Đêm Oakland và những truyện ngắn khác. Cuốn Tháp ký ức là một tập truyện ngắn tự sự, và vì là cuốn đầu nên nghệ thuật chưa cao. Cuốn Đêm Oakland và những truyện khác khá hơn rất nhiều. Có vẻ như những chiêm nghiệm mơ hồ trong Tháp ký ức đã được diễn đạt tốt hơn và có chiều sâu hơn. Cuộc chiến, kẻ ra đi, hội nhập, nỗi cô đơn nơi đất Mỹ đã làm nên những trang viết khắc khoải. Người đọc nhìn thấy nỗi bất lực của con người trong mọi vấn đề: tình yêu, kiếm sống, hy vọng, niềm tin… Ở Tháp ký ức cũng có những chủ đề đó, nhưng nó dường như là do ngoại cảnh, còn ở Đêm Oakland…, nó là tâm cảnh.

Còn thế hệ nhà văn thứ hai, hầu hết viết bằng tiếng Anh thì viết về kinh nghiệm hội nhập, nhưng không phải cho độc giả người Việt thế hệ thứ nhất, mà cho độc giả người Việt trẻ, hoặc độc giả Mỹ. Nhận xét của Nam Le trong tập truyện ngắn Con thuyền cho thấy ý thức này, một nhân vật nói rằng hãy viết về Việt Nam đi, vì “văn học dân tộc đang rất nổi, và quan trọng”[11]. Người nước ngoài thích đọc về những câu chuyện hội nhập của người nhập cư. Monkey Bridge của Lan Cao cho thấy giới trẻ hoà nhập tốt hơn già, ví dụ như ngôn ngữ đứa con sử dụng tiếng Anh tốt hơn mẹ, và con thường phải dịch lại cho mẹ, vì “mẹ chỉ hiểu khoảng một nửa những gì người ta nói”, “tôi thường phải nói lại cho mẹ những gì chấp nhận được hoặc không chấp nhận được”, “người mẹ nhìn thấy nguy hiểm ở khắp mọi nơi”, nhìn thấy nguy hiểm là cách người mẹ không thích nghi được[12]. Những tác giả thuộc khuynh hướng này đã thu hút được sự chú ý của những nhà xuất bản sách và giới phê bình Mỹ, đã nhận được các giải thưởng quốc tế.

2.4. Dịch thuật và giới thiệu văn học Việt Nam ở Hoa Kỳ

Không thể phủ nhận những đóng góp về dịch thuật, nghiên cứu của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam hải ngoại, văn học Việt Nam trong nước, giới thiệu các lý thuyết, trào lưu, trường phái văn học, dịch thuật… từ Anh sang Việt và từ Việt sang Anh cho độc giả ngoài nước và trong nước, nhất là trong tình hình đăng tải trên mạng phổ biến như hiện nay. Ngoài những nhà nghiên cứu nước ngoài có hứng thú và tấm lòng với văn học Việt Nam như John Balaban (dịch ca dao Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương…), Peter Zinoman (dịch Số Đỏ, nghiên cứu về Nhân Văn Giai Phẩm…), Martin Secker (dịch Bảo Ninh: The Sorrow of War: Nỗi buồn chiến tranh)..., thì từ giữa những năm 1980, khi luồng gió Đổi Mới xuất hiện, giao lưu văn hoá, văn học giữa các nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại bắt đầu khởi sắc, các nhà văn gốc Việt bắt đầu dịch sang tiếng Anh những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Những dịch giả thường là thế hệ một rưỡi hoặc hai, họ cảm thấy việc giới thiệu văn học Việt Nam quá thiếu hụt ở Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Họ muốn thay đổi cái nhìn của các nước về Việt Nam. Ví dụ như Nguyen Quy Duc, cùng với John Balaban, đã dịch truyện của Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân, Lê Minh Khuê… trong tập truyện Vietnam: A Traveler’s Literary Companion năm 1996; cùng với Wayne Karlin và Trần Hoài Bắc, dịch truyện của Hồ Anh Thái: Behind the Red Mist: Short Fiction by Ho Anh Thai năm 1998; cùng với George Evans dịch thơ Hữu Thỉnh. Trần Hoài Bắc, cùng với Wayne Karlin và Dana Sachs, dịch Lê Minh Khuê: The Stars, the Earth, the River: Short Stories by Le Minh Khue năm 1997. Ngo Vinh Hai, Nguyen Ba Chung, Kevin Bowen và David Hunt dịch Thời xa vắng của Lê Lựu: A Time Far Past năm 1997. Duong Van Mai Illiott dịch hồi ký Nguyễn Thị Định: No Other Road to Take: Memoir of Mrs. Nguyen Thi Dinh,

Trong lời giới thiệu tập thơ Hữu Thỉnh dịch ra tiếng Anh The Time Tree (2003), Nguyen Quy Duc viết: “việc dịch thơ Hữu Thỉnh cùng lúc với việc tôi tái phát hiện thơ ca, cả tiếng Việt và tiếng Anh, với một ham muốn giữa những nhà văn gốc Việt, là vẽ ra một Việt Nam, không phải chỉ là chiến tranh, mà là văn hoá, là một dân tộc tràn đầy đam mê, những rạn nứt, xung đột, và tình yêu. Việt Nam là một đất nước, với rất nhiều, rất nhiều câu chuyện”[13]. Nguyen Quy Duc dịch văn học Việt Nam với một thôi thúc là giới thiệu Việt Nam như là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến, và chia sẻ với độc giả Mỹ về một nền văn hoá Việt Nam giàu có. Mặt khác, việc dịch của anh, cũng là một nhu cầu muốn hiểu những nhà thơ, nhà văn miền Bắc[14]. George Evans, người cùng dịch thơ với anh, thuộc quân đoàn y tế trước đây từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, còn Hữu Thỉnh từng là nhà thơ quân đội, và lúc bấy giờ (thời điểm dịch thơ), là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc gặp gỡ được Evans miêu tả hết sức thân thiện. Tuy vậy, vì việc dịch tập thơ này mà Nguyen Quy Duc cũng đã bị cộng đồng Việt Nam chống Cộng tại Mỹ tẩy chay và phê bình. Nguyen kể lại trong một phỏng vấn rằng, khi anh được mời nói chuyện ở Đại học UC David về văn học Việt Nam và về tập thơ của Hữu Thỉnh, hàng trăm người biểu tình chống anh đứng ở ngoài, cầm cờ vàng ba sọc, hô khẩu hiệu gọi anh là “thân Cộng”. Nói như vậy để chúng ta hiểu và trân trọng những đóng góp của các nhà văn gốc Việt trong việc giới thiệu văn học Việt Nam trong nước ra nước ngoài, nhất là trong một môi trường rất phức tạp như cộng đồng di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Sau khi Hoa Kỳ phá bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1994, việc “hợp lưu” giữa những nhà văn gốc Việt và nhà văn Việt Nam càng nhiều hơn, nhất là khi thế hệ trẻ du lịch về Việt Nam càng nhiều, gặp gỡ với các nhà văn ở Việt Nam cũng dễ dàng. Năm 1995, tuyển tập truyện ngắn dịch sang tiếng Anh do Truong Vu, cùng với Wayne Karlin được xuất bản: The Other Side of Heaven: Post War Fiction by Vietnam and American Writers. Tuyển tập bao gồm nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam và Mỹ viết sau chiến tranh như của Nguyễn Mộng Giác, Andrew Lam, Lai Thanh Ha…. Năm 1996, Linh Dinh, cũng là một nhà văn thế hệ một rưỡi thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh, tổ chức dịch tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại có tên: Night, Again, trong đó, anh dịch khoảng một nửa tuyển tập. Cũng giống như Nguyen Quy Duc, mục đích của Linh Dinh là giới thiệu những hạt giống văn học tốt nhất, hay nhất của Việt Nam cho độc giả Mỹ, với lòng tự hào văn hoá và tự hào dân tộc. Đinh Từ Bích Thúy cùng với Martha Collins dịch hợp tuyển thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ (Curbstone Press, 2005). Năm 2008, Nguyễn Đỗ và nhà thơ Paul Hoover cũng dịch tuyển tập thơ ca Việt Nam sau 1956 có tên: Black Dog, Black Night. Cùng năm đó, Andrew Pham, với sự giúp sức của cha mình, dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh với tên gọi: Last Night I Dream of Peace.

Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những nhà nghiên cứu đã viết những công trình liên quan đến văn học Việt Nam bằng tiếng Anh để giới thiệu văn học Việt Nam, văn học di dân Việt Nam cho độc giả Hoa Kỳ. Ví dụ như cuốn This Is All I Choose to Tell của Isabelle Thuy Pelaud, giới thiệu về văn học di dân, đặc biệt là văn học di dân viết bằng tiếng Anh; cuốn Once Upon A Dream: The Vietnamese - American Experience năm 1995; tuyển tập văn chương của các nhà văn hải ngoại: Watermark: Vietnamese American Poetry & Prose năm 1998 hay những trang web giới thiệu văn học Việt Nam bằng tiếng Anh…

TLHT.


[1] “Sơ kết 15 năm văn học Việt Nam lưu vong”, Nguyễn Hữu Nghĩa, Văn Xã, số 3, tháng 7-1990. tr.8.

[2] Phỏng vấn riêng nhà văn Trịnh Y Thư, 5-2013.

[3] Phỏng vấn riêng nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Quyên 8-2013.

[4] Cũng xin nói thêm ở liệt kê này, đó là chúng tôi liệt kê ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào: nổi tiếng hơn, viết nhiều hơn, hay theo a, b, c..., theo ý chúng tôi, danh sách này còn thiếu, và còn tiếp tục, vì vậy không nên xếp theo a, b, c... mà nên tạm liệt kê ngẫu nhiên như trên.

[5] Isabelle Thuy Pelaud, This Is All I Choose To Tell, Temple University Press 2011, tr.24.

[6] “Văn học hải ngoại: cần một cái nhìn gần gũi hơn”, Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=140405

[7] Quan điểm này cũng của nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú.

[9] Monkey Bridge, Lan Cao, Penguin Books 1997, xem các trang 23, 33, 46-52, 108, 128...

[10] Huy Phương, Hạnh phúc xót xa, Nam Việt California 2010

[11] Nam Le, Con thuyền, Nxb Nhã Nam, Hội Nhà văn 2011, tr.19.

[12] Lan Cao, Monkey Bridge, Penguin Books 1997, tr.24, 35, 38...

[13] George Evans và Nguyen Quy Duc dịch, The Time Tree: Poems Huu Thinh, Willimantic, Conn., Curbstone Press, 2003, tr.31.

[14] Cũng nói thêm, Nguyen Quy Duc là một nhà văn thế hệ một rưỡi đa tài, viết văn, làm thơ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, từng đạt giải văn học ở Mỹ, hiện anh đang sống tại Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2013

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60834915
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8637
9068
60834915

Thành viên trực tuyến

Đang có 285 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website