Dứt khoát với phê bình xã hội học dung tục: 3 bài viết của Chu Mộng Long, Hà Thanh Vân, Đoàn Lê Giang

Cần chấm dứt phê bình xã hội học dung tục

Chu Mộng Long

Cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển. Văn học gánh sứ mệnh cao cả bằng lý tưởng hòa điệu những khác biệt, đúng nghĩa văn học là một sản phẩm sáng tạo thẩm mỹ.

Bài viết “Nên đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình ngữ văn 11”(*) của tác giả Nguyễn Sóng Hiền gây không ít tranh cãi gần đây.

Theo tôi, những người yêu danh tác Chí Phèo hãy khoan “ném đá” tác giả mà nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Điều Nguyễn Sóng Hiền nói có vẻ giật gân nhưng không có gì mới, bởi nó từng tồn tại trong nghiên cứu phê bình văn học, trong giảng dạy và học tập ở nhà trường.

“Văn học là nhân học”

Bài viết của Nguyễn Sóng Hiền chứa đựng cả hai thái cực của phê bình xã hội học dung tục. Điều anh ta đặt ra về tính giai cấp (đại diện cho ai), tính giáo dục - đạo đức (thiện/ác, tốt/xấu) đối với nhân vật Chí Phèo không phải là sai hoàn toàn.

Bởi đó là khuynh hướng phê bình xã hội học dung tục đã từng tồn tại trong không ít nhà phê bình trước đây, thậm chí vẫn đeo bám dai dẳng trong đầu, trong viết lách và thi cử của nhiều giáo viên, học sinh hiện nay.

Nhưng trong khi phê phán lối phê bình xã hội học dung tục cũ mèm ấy, tác giả này lại rơi vào xã hội học dung tục hơn cả dung tục.

Anh ta xem nhân vật như là một học sinh cá biệt và lấy quan điểm chính trị, pháp luật ra để đánh giá, buộc tội nhân vật (nổi loạn, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp...) theo giọng điệu của nhà giáo dục học, thậm chí là giọng điệu hình pháp của quan tòa; trong khi văn học nghệ thuật thuộc những gì tinh tế, nhân văn nhất, vượt qua khỏi giới hạn của chính trị, đạo đức, pháp luật.

Cuộc sống và con người chỉ là chất liệu cho những tổ chức hình thức và tư tưởng nghệ thuật tinh tế chứ không đơn thuần là phản ánh hiện thực thô thiển.

Chí Phèo hay các loại nhân vật độc đáo kiểu Chí Phèo trong văn học chỉ là vấn đề nghệ thuật hóa, ký hiệu hóa, biểu trưng hóa con người trong tính phức tạp, bí ẩn nhất của nó - một khối xung đột có tính phổ quát giữa ý thức và vô thức, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa văn hóa và tự nhiên, giữa con người và bản năng hoang dã...

Chí Phèo là điển hình siêu mẫu (GS Đặng Anh Đào), bởi trong Chí Phèo có tất cả những gì thuộc về con người. Không phải ngẫu nhiên mà Chí Phèo thành điển hình cho mọi loại người của mọi thời đại và trở thành hình tượng bất hủ.

Chí Phèo là con người của mọi con người - con người phổ quát chứ không là đại diện cho một giai cấp, một thời đại. Không ngẫu nhiên mà Chí Phèo được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhiều dân tộc các nước ưa thích.

Văn học là nhân học. Mệnh đề này của M. Gorki luôn luôn đúng trong nghĩa nhân học sâu sắc nhất của văn học. Học văn để hiểu về con người, hiểu về chính mình. Trong mỗi con người có cả thiện/ác, tốt/xấu, ý thức/vô thức, văn hóa/bản năng hoang dã...

Khi một tác phẩm mà nhân vật vươn tới điển hình siêu mẫu, người đọc sẽ nhìn thấy chính mình trong nhân vật. Hiểu đúng con người của mình sẽ thoát khỏi tình trạng hoang tưởng và vô minh để sống chân thực, sống gần con người và sống tốt với cuộc đời.

Trong truyện ngắn Những truyện không muốn viết, Nam Cao từng kể về nỗi khổ của mình khi chuyển khuynh hướng sáng tác từ lãng mạn sang hiện thực. Khổ sở không phải vì phải vò đầu bứt tóc để viết ra câu văn hay, cũng không phải vì miếng cơm manh áo trì níu. Khổ sở vì viết cái gì cũng “động chạm”.

Viết về một người đàn ông tầm thường vô vị, hắn có thể là tôi, là anh hay là bất cứ người đàn ông nào, thế là có người đàn ông tự vơ ngay vào mình, hằn học với nhà văn, rằng tại sao viết về anh ta như vậy? Thôi thì không viết về “thằng người” nữa mà viết về con chó mực.

Tưởng chó thì nó không biết chữ nên yên thân. Nào ngờ có một thằng say đọc được, nó chặn đường chửi như tát nước vào mặt và đòi nện nhà văn vì sao viết về nó giống như con chó mực? Ức quá, nhà văn viết ngay truyện về thằng say, mày đã chửi thì ông cho mày chửi luôn.

Không ngờ có rất nhiều kẻ tỉnh, rất tỉnh, tấn công ném đá nhà văn, vì tại sao dám mượn thằng say chửi cả họ nhà ông?

Thì ra văn chương đích thực như là một cuộc trải nghiệm đớn đau, vật vã, hiểu người khác cũng là để hiểu chính mình và từ hiểu mình đi đến thấu hiểu cuộc đời, như từ bóng tối vươn ra ánh sáng. “Nghệ thuật vừa đau đớn vừa phát khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái và sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn” - Nam Cao đã nói như thế trong tác phẩm nổi tiếng khác, Đời thừa. Và quan niệm nghệ thuật ấy kết tinh trong danh tác Chí Phèo.

Hiểu đúng và giảng dạy đúng giá trị văn chương như thế, tôi tin không có chuyện học sinh noi gương Chí Phèo rượu chè, ăn vạ, ăn quỵt, đốt nhà, cưỡng hiếp... như tác giả Nguyễn Sóng Hiền hiểu.

Ngược lại, những kẻ “giống Chí Phèo” khi đọc hiểu Chí Phèo sẽ thấy xấu hổ, đớn đau mà tự giải thoát, tự thay máu Chí Phèo, thay cái phần vô thức, bản năng hoang dã để sống như một chủ thể người.

Quan trọng hơn, đằng sau sự xấu hổ, đớn đau ấy còn là ý thức của cả cộng đồng về cải thiện môi trường xã hội, giải tỏa áp lực của những mối quan hệ phản nhân văn để xây dựng một xã hội người gần người hơn.

Thì ra văn chương đích thực như là một cuộc trải nghiệm đớn đau, vật vã, hiểu người khác cũng là để hiểu chính mình và từ hiểu mình đi đến thấu hiểu cuộc đời, như từ bóng tối vươn ra ánh sáng. 

Khả năng hòa điệu và thanh lọc

Đành rằng, văn chương ở nhà trường phổ thông phải có ý nghĩa giáo dục. Nhưng giáo dục sâu sắc không là giáo dục giáo điều. Văn chương không là công cụ minh họa cho khuôn khổ đạo đức của một thời đại, càng không là sản phẩm minh họa cho những điều luật trong luật pháp.

Nó tinh tế và đầy nhạy cảm chứ không phải cái robot lạnh lùng làm theo sự điều hành của trật tự và luật lệ cứng nhắc. Giảng dạy văn học khác với dạy bộ môn giáo dục học - đạo đức học.

Ở văn chương, không ai có thể đứng trên người khác để phán xét, nó bình đẳng đến mức ta cũng là người khác. Mỹ học gọi là khả năng tạo ra sự hòa điệu và khả năng tự thanh lọc.

Buộc tội Chí Phèo, kéo theo buộc tội Nam Cao, đòi loại trừ “Chí Phèo” ra khỏi nhà trường, là một cách đọc hiểu văn thô thiển, kéo theo tạo ra khoảng cách giữa ta và người khác, càng kích thích sự kỳ thị và gây mâu thuẫn, xung đột.

Nên nhớ, Chí Phèo là một hiện tượng xã hội trước khi trở thành hiện tượng văn chương chứ không có chuyện ngược lại. Cũng như thế, Kiều là một hiện tượng xã hội trước khi thành kiệt tác của Nguyễn Du.

Đọc Kiều bằng con mắt của nhà giáo dục - đạo đức, không chừng sẽ dẫn đến hô hào loại trừ luôn cả Truyện Kiều, như Truyện Kiều từng bị các nhà Nho giáo điều xem là “dâm thư”, và xem chừng lại đổ tội nạn mại dâm hiện đại là do ảnh hưởng từ Truyện Kiều.

Người Trung Quốc tự nhìn thấy mình trong AQ để chống lại AQ trong con người của mình và trưởng thành chứ không buộc tội AQ hay buộc tội nhà văn Lỗ Tấn.

Người Pháp từng thấy cái đê tiện của mình trong Tấn trò đời của Banzac để vươn đến kiến tạo một thế giới văn hóa văn minh cao nhất; thấy nỗi đau tột cùng của mình trong Những người khốn khổ của Hugo để chia sẻ với những Jean Valjean chứ không kêu gọi loại trừ các danh tác của họ vì sự keo kiệt bủn xỉn của giới tư sản giàu có hay hành vi phạm pháp của một con người khốn cùng.

Nhị nguyên luận với cách phân đôi phạm trù tục/thiêng, thiện/ác, tốt/xấu kéo theo phân đôi giai cấp nông dân/địa chủ, ta/địch... một cách cực đoan là cha đẻ của phê bình xã hội học dung tục.

Đành rằng sáng tạo, trong những thời điểm lịch sử nhất định, có những đối lập nhị nguyên cực đoan, nhưng phê bình hiện đại phải khách quan với cái nhìn đa chiều...

Phê bình văn học nghệ thuật đến lúc phải đoạn tuyệt với phê bình xã hội học dung tục. Xét đến cùng, bài viết với ý kiến cá nhân của Nguyễn Sóng Hiền tự phơi ra hai lỗi lớn của nghiên cứu phê bình và dạy học văn hiện nay.

Một là tàn dư của phê bình xã hội học dung tục tưởng đã chết từ sau đổi mới vẫn chưa chết hẳn. Hai là do sau các cuộc đổi mới thiếu thận trọng, phê bình xã hội học dung tục có cơ hội hồi sinh và phát triển.

Trong đổi mới giáo dục có vấn đề giáo dục tích hợp bị hiểu sai, rằng trong dạy học văn có dạy môi trường, lịch sử, địa lý, pháp luật, và đặc biệt là giáo dục đạo đức.

Tôi từng phê phán sách hướng dẫn giáo viên hướng dẫn dạy tích hợp môi trường trong Bình Ngô đại cáo. Câu “Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ” không được hiểu là cách nói phóng đại của ký hiệu văn chương mà bị hiểu là quân Minh tàn phá môi trường, dẫn đến câu: “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc / Đánh trận nữa tan tác chim muông” dễ bị học sinh hiểu là ta đánh giặc kéo theo tàn phá môi trường hơn cả giặc, đến mức cá dưới nước, chim trên trời cũng bị hủy diệt?

Tích hợp theo cách ấy, văn chương không còn là văn chương nữa, đến khi tích hợp giáo dục đạo đức, các nhân vật trong mọi tác phẩm đều có vấn đề trục trặc, không chỉ là Chí Phèo, Thúy Kiều, Chị Dậu... của Việt Nam, hay AQ, Jean Valjean... của thế giới.■

(*): Đăng trên VietNamNet ngày 5-12-2017.

Nhìn văn chương không thể nhìn bằng con mắt của nhà đạo đức hay nhà hành pháp, thậm chí là nhà khoa học.

Nếu nhìn bằng con mắt nghiêm khắc, lạnh lùng của giới phi văn học, toàn bộ văn học, từ huyền thoại, sử thi, cổ tích đến các loại văn học hiện đại, đều phải bị tống cổ ra khỏi nhà trường vì toàn thấy nhà văn “bênh vực” cho những kẻ vô đạo đức, phạm pháp và tưởng tượng phản khoa học?

Chẳng phải huyền thoại toàn cả tin vào thần linh với những kiến giải phản khoa học? Chẳng phải sử thi toàn ngợi ca chiến tranh giành đất và giành đàn bà của đám đàn ông quyền lực mà Engels đã chỉ ra trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước? Chẳng phải cổ tích toàn nói chuyện ông Bụt bà Tiên để ru ngủ người nghèo, rằng cứ thật thà và hay khóc nhè thì Bụt Tiên sẽ hiện ra giúp cho?

Mỗi thể loại văn học đều có cái lý tồn tại trong tính lịch sử của nó, dù là huyền thoại hay cổ tích, văn học hiện thực phê phán hay văn học cách mạng. Văn học là ký hiệu của tư tưởng được hình thành trong những giai đoạn văn hóa khác nhau chứ không phải là bản sao hay minh họa cho hiện thực thô thiển, cho những luân lý giáo điều.

Nguồn: https://tuoitre.vn/can-cham-dut-phe-binh-xa-hoi-hoc-dung-tuc-1414305.htm

 

Lại chuyện anh Chí

Hà Thanh Vân

Không muốn nói chuyện nữa song vẫn phải nói chuyện khoa học 1 chút:

Ở bài viết thứ nhất, ông Nguyễn Song Hiền nói rằng: “Chí Phèo” có thể thành công về phong cách viết, nhưng không có giá trị giáo dục” (nguyên văn) và ông cho rằng cần phải loại tác phẩm này ra khỏi chương trình phổ thông. Sau đó ông phân tích 1 bài dài về việc Chí Phèo gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh phổ thông thế nào. Toàn bài viết đều lên án Chí Phèo gay gắt, y như Chí Phèo là một nhân vật ở ngoài đời thực. Đến nỗi tôi đồ rằng ông sẽ lên án Thị và Tràng vi phạm luật hôn nhân gia đình, dám sống thử, sống gấp. Rằng phụ nữ cần noi gương người đàn bà hàng chài vì nhịn nhục để giữ hạnh phúc gia đình, và ai xem phim sex thì cũng sẽ mắc tội cưỡng dâm.

Đến bài thứ hai, có lẽ do dư luận ném đá nhiều quá, cho nên ông bảo Chí Phèo là một tác phẩm kinh điển và nên học ở cấp cao hơn, với lý do học sinh lớp 11 là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Hóa ra ông tự mâu thuẫn với chính mình vì lúc đầu bảo tác phẩm không có giá trị giáo dục, sau lại bảo là tác phẩm kinh điển. Có lẽ ông hiểu sai về một tác phẩm văn học kinh điển, cho rằng chỉ thành công về phong cách thôi là đủ kinh điển rồi. Nhưng điều này có thể thông cảm được vì ông vốn là giáo viên trường dạy nghề, và trường tin học, ngoại ngữ, không phải giáo viên văn.

“Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều cảnh đau lòng như bạo lực học đường, giết người cướp của, cưỡng hiếp... mà đối tượng không ai khác chính là các em-những trẻ vị thành niên. Ai dám phủ nhận rằng nó không phải là một lỗi của giáo dục? Và ai dám phủ nhận những hành vi bạo lực và thú tính ấy không phải bắt chước từ hành vi của Chí” – ông Hiền nói” (nguyên văn). Ông nói như đinh đóng cột như vậy.

Nói như ông Hiền, té ra thế hệ học sinh mấy chục năm nay đều chịu ảnh hưởng xấu của Chí Phèo. Mọi tệ nạn ở giới trẻ đều là vì Chí Phèo. Nếu vậy, cần phải làm một cuộc khảo sát khoa học, điều tra xã hội học về tác động xấu của Chí Phèo đối với các thế hệ học sinh, chứ nếu nói chung chung như vậy là võ đoán, không khoa học. Lẽ nào là một nghiên cứu sinh, mà phương pháp nghiên cứu cơ bản nhất ấy, ông cũng không biết? Ông viện lý do ông không ở Việt Nam, nên không khảo sát được. Song chưa khảo sát mà đã ông đã có kết luận như đúng rồi. Làm khoa học, có ai dám công bố kết luận trước khi đi thực nghiệm, chứng minh không?

Có, tất nhiên, ý kiến trái chiều nhau của nhiều người về tác phẩm này, tôi cho rằng đó là ý kiến cá nhân và tôi tôn trọng. Song đó chỉ là ý kiến, chưa qua khảo sát khoa học, thì vẫn chỉ là quan điểm cá nhân. Tôi chỉ xem trọng những nghiên cứu khoa học thực sự về hành vi, tâm lý lứa tuổi dưới tác động của một tác phẩm văn học như Chí Phèo. Ông Hiền đang làm người đốt đền (trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang cần có những người đốt đền để định hướng dư luận), song ông đốt đền có vẻ chưa thành thạo.

 

Tôi lo ngại xu hướng đọc văn từ xã hội học dung tục thành giáo dục học dung tục

Đoàn Lê Giang

Văn học có liên quan mật thiết đến xã hội, chính trị, đạo đức (trong đó có giáo dục đạo đức), nhưng văn học không phải là lĩnh vực sinh ra chỉ nhằm minh họa cho 3 lĩnh vực kia. Môn văn vừa đồng hành với 3 lĩnh vực trên vừa có những đặc thù riêng. Văn học phản ánh đời sống, tái hiện cuộc sống như là nó đang diễn ra. Người đọc thưởng thức tác phẩm như sống trong cảnh ngộ của nhân vật, vui buồn, yêu ghét cùng với nhân vật, thông qua những bi kịch của đời sống, những đau khổ và niềm xót thương mà người ta thanh tẩy tâm hồn mình. Văn học có phương tiện riêng, đó là ngôn ngữ văn học, một thứ ngôn ngữ có tính nghệ thuật cao, với mỗi một loại trình độ khác nhau mà người ta có thể khám phá nhiều tầng vỉa thú vị của nó. Đó là những bài học vỡ lòng về văn học.
Thế mà có những người nhân danh giáo dục đòi đưa một danh tác của văn học Việt Nam trước 1945 là truyện Chí Phèo ra khỏi chương trình vì nhân vật này không đại diện cho ai, kể cả giai cấp nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với hành vi uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, hiếp dâm, giết người có thể khiến cho học sinh bắt chước, mà hư hỏng đi. Thậm chí gần như quy kết tệ nạn giết người, hiếp dâm tăng cao có thể là do chịu ảnh hưởng của Chí Phèo.
Nếu theo cái lý ấy thì nạn trộm cắp nhiều hiện nay rất nhiều là do chịu ảnh hưởng của Giăng-Van-Giăng, con ngoài giá thú nhiều là chịu ảnh hưởng của Phăng-tin (tác phẩm Những người khốn khổ), số gái điếm tăng bội phần khắp cả nước là do chịu ảnh hưởng của Thúy Kiều (Truyện Kiều), cha mẹ đẻ ra con ngu nhiều là do chịu ảnh hưởng của truyện cổ tích "Đứa con trời đánh hay Tiếc gà chôn mẹ"…?
Nếu không hiểu những đặc trưng của ngôn ngữ văn học, hình tượng văn học thì rất dễ có những sai lầm ấu trĩ, thậm chí có thể dẫn đến việc đòi đưa tác phẩm ra khỏi chương trình. Ví dụ:
- Học làm gì cái ông Lý Bạch ngớ ngẩn với: "Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi" (Thấy chăng ai ngọn nước tự lưng trời/ Trôi đến biển khôn vời lại được). Sao sông Hoàng Hà lại từ trời chảy xuống?
- Học làm gì Nguyễn Du với Truyện Kiều, tác phẩm này chỉ là dâm thư, Thúy Kiều chỉ là “con đĩ” (như cụ nghè Ngô Đức kế nói)! Học vậy là xui con cái chúng ta làm nghề buôn phấn bán hương hết à?
- Anh Chí hãy chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân của anh chứ, anh phải biết tự phán chứ, sao cứ đổ thừa cho người ta: "Ai cho tao làm người lương thiện?". Hỏi vậy mà không cần biết anh Chí chứ có phải anh đâu? Vô duyên nhất là người đọc sách đời sau cứ đòi hỏi: sao nhà văn không viết thế này, thế khác, theo ý tôi cho là hay?!
Văn học có ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhưng nó không phải là đạo đức, nó không đưa ra các khuôn mẫu đạo đức cho mọi người noi theo. Người làm giáo dục đừng nhân danh này khác để bắt nó làm cái việc không phải của nó. AQ là một "siêu mẫu" của châu Á; Chí Phèo, Bá Kiến cũng là các "siêu mẫu" vượt thời gian của Việt Nam. Ở nước ta, nhà văn có thể đem so sánh với Lỗ Tấn thì chỉ có Nam Cao. Nếu Nam Cao mà còn bị cho là kém hay thì nói gì đến Nhất Linh, Khái Hưng, và kể cả Thạch Lam... Vài tác phẩm của Nam Cao có thể đạt đến tính đa nghĩa, tính mở về thưởng thức. Nhà văn Việt Nam viết được những tác phẩm cỡ đó ít lắm, nửa đầu thế kỷ XX may ra chỉ có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Tính khái quát từ làng Vũ Đại thì chỉ có Nam Cao - Làng Vũ Đại của Chí Phèo, Bá Kiến, Nam Cao, làng Vũ Đại của chúng ta: tăm tối và “quần ngư tranh thực”! Còn về ngôn ngữ tiếng Việt, so với Nam Cao thì các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn không thể sánh được ở tính đa dạng, sâu sắc, mới mẻ, đời thường, có khả năng khắc họa cao. Tác phẩm như thế có đáng để học sinh trung học học và suy nghĩ không, hay những học sinh này chỉ đáng đọc loại văn chương "si rô", "nước đường"? Cũng may, tôi biết được tuổi trẻ không phải ai cũng hời hợt, thô thiển và dung tục!
Có những người mới biết một chút mà đã tưởng là chân lý, mới đọc được vài quyển sách, mới đi ra được nước ngoài là cứ tưởng mình là Galile đến nơi rồi. Với văn học, họ không hiểu nhưng vẫn cứ chê văn, rồi đòi đưa tác phẩm này tác phẩm nọ ra khỏi chương trình. Có họ người ta cứ phải giảng lại bài những bài học nhập môn về văn học của hàng chục, hàng trăm năm trước. Phê bình xã hội học dung tục tưởng đã chết từ lâu rồi, bây giờ thông qua những người ngoại đạo nó lại có khả năng sống dậy và biến thái theo kiểu khác: “phê bình giáo dục học dung tục”. Những cách nói, cách nghĩ như thế kéo lùi đất nước biết bao nhiêu!

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63740833
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3704
35223
63740833

Thành viên trực tuyến

Đang có 492 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website