Có một hôm, tôi đi xem kịch ở sân khấu Phú Nhuận và gặp Việt Linh đi cùng Minh Trang. Có lẽ hai bà chị không để ý có một khán giả ra về cứ lặng lẽ quan sát nét mặt của họ. Vài hôm sau, trên một tờ báo, Minh Trang bày tỏ sự day dứt vì sân khấu kịch: “… sau 30 năm, so với những Hà Mi, Phồn Y… thuở ấy, chẳng những không tiến mà còn bị lùi.” (Nghệ sĩ Minh Trang: “Người hạnh phúc là người biết mình ở đâu”, báo Phụ nữ TP). Tôi chỉ thấy hai bà chị này đáng trách, ai bảo thấy vở kịch có cái tựa Cúc cù cúc cu và một cái tên phụ là Xin anh hãy ngủ với vợ em mà vẫn đi xem! À, tôi cũng thấy, nhưng tôi không phải người ăn cơm nghệ thuật, lại thêm máu ghiền kịch thành ra hay rơi vào trạng thái xem đỡ vã. Còn hai bà chị lâu lâu mới về nước thì phải cân nhắc chớ. Nhưng không hiểu sao trong tôi lúc ấy lại nảy ra một sự chờ đợi, chờ đợi Việt Linh và Minh Trang sẽ làm điều gì đó cho sân khấu kịch.
Và kết quả của sự chờ đợi của tôi là đây: Thiên Thiên – vở kịch được ra mắt khán giả Sài Gòn đúng vào dịp lễ Tình Nhân. Và đêm qua, 16/2/14, tôi thật sự tiếc nuối khi biết vở không diễn nữa. Thiên Thiên chỉ là cuộc dạo chơi của Việt Linh và ê-kíp của chị. Với tôi, vở kịch là cuộc lãng du biết dừng ngay đúng cao trào của xúc cảm người xem.
Ấn tượng đầu tiên về Thiên Thiên là… vé. Tôi chưa bao giờ đi xem kịch mà được cầm trên tay chiếc vé đẹp và chu đáo đến vậy. Lối vào cửa Nhà hát Thành Phố dành một góc xinh xẻo để bày sách Chuyện mình chuyện người của Việt Linh và những chú cánh cam làm bằng men đỏ hiếm quý với thông điệp “Thiên sứ tốt lành”. Tiền thu được từ việc bán sách và cánh cam sẽ đóng góp cho Quỹ phẫu thuật hàm ếch cho trẻ em. Tôi nhận thấy khán giả rất hài lòng về cách bày biện và ý nghĩa của góc trưng bày. Có người mua rất nhiều để cho mình và bạn bè (riêng tôi cũng tậu cho mình một chú cánh cam).
Trên vé của Thiên Thiên đề “Không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc”. Tôi không cho là như vậy.
Bởi, trước hết, Thiên Thiên có câu chuyện, hay nói cách khác, Thiên Thiên là một kiểu “chuyện trong chuyện”. Bản thân kịch bản Thiên Thiên cũng được gom nhặt từ hai truyện ngắn Hạnh phúc là cùng và Xoa. Thêm nữa, Thiên Thiên để lại nhiều cảm xúc chứ không phải là một. Tùy vào lứa tuổi, hoàn cảnh, mỗi người sẽ có một chiêm nghiệm khác nhau.
Thiên Thiên vốn là người đàn bà tên Hậu. Đầu vở, chị cho ta cảm giác về một người đàn bà sinh ra để được cưng chiều khi say mê và mong manh lướt đôi tay trên dương cầm. Nhưng chỉ vài phút sau, cuộc đời Hậu rơi vào bi kịch lớn khiến chị chỉ còn khả năng lắng nghe chứ không muốn phán xét, truy nguyên ngọn nguồn câu chuyện được nghe. Mà thật ra, khán giả chỉ biết chị tên Hậu ở những phút cuối của vở. Ở đầu vở, sau nỗi đau quá lớn, chị được người đời tin cậy lẫn đàm tiếu với cái tên Thiên Thiên. Thiên Thiên thừa khả năng nghe, chỉn chu trong từng câu mẫu đối thoại, chừng mực hoặc quyết liệt với những trơ trẽn của phù phiếm hay phản bội, hào phóng đến run rẩy trong những cái ôm dành cho từng nạn nhân – tri âm. Thiên Thiên cười, khóc với những người đến nhà chị một cách chân thành, tự nhiên và… không tính phí. Có lẽ vì chị khác với thời buổi này nên người ta gọi chị là Thiên Thiên – một kiểu người “ở trển”. Người ta thắc mắc, thêu dệt về chị, khâm phục hay bực dọc vì sự hiểu biết “tinh như ma”, như đi guốc trong bụng người của chị. Nhưng rồi vẫn cần chị.
Phía sau nhà của Thiên Thiên có một con sông. Nhưng chị không tự tử mà từng từ nơi đó muốn được bay lên. Trong bộ phim Endless love, nhân vật người cha của Jade Butterfield có nói “Sau nỗi đau mất một đứa con thì không nỗi đau nào là không vượt qua được”. Nếu xem điều này là một chân lý thì nỗi đau của Thiên Thiên nhẹ nhàng hơn nhưng cũng đủ quật ngã bất kì một người nào: bị người đầu ấp tay gối phản bội bằng một thủ đoạn nhem nhuốc và đáng tởm. Người đàn bà tên Hậu đã từng đập đầu tự tử ngay phút giây hiểu ra thủ đoạn của chồng. Nhưng khi trở thành Thiên Thiên, chị lại tỉnh táo và bình tâm lắng nghe nỗi đau của người khác. Không phải để đong đo xem nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào hay so sánh nỗi đau người với nỗi đau mình. Mà đơn giản, nỗi đau có khả năng chữa trị nỗi đau. Xét về phương diện này thì Thiên Thiên đâu miễn phí cho ai. Chị vừa là bác sĩ vừa là bệnh nhân cần được chữa trị. Hình ảnh các nhân vật mặc áo blouse trắng ra chào khán giả ở cuối vở đã khẳng định điều này.
Một số bài báo cho rằng Thiên Thiên là điểm khởi đầu cho kịch đương đại. Tôi cũng không cho là như vậy.
Kiểu của Thiên Thiên là kiểu của Ngôi nhà trái tim tan vỡ, Những chiếc ghế… mà Bernard Shaw, Ionesco đã phát triển từ những năm 20, 50 của thế kỉ trước. Những câu chuyện không đầu không đũa nối nhau không dứt. Các tuyến nhân vật không có sự kết nối chặt, tựa hồ những cuộc đi hoang. Không đổi cảnh. Mộc trong phục sức và âm nhạc. Câu chuyện và cách dàn dựng của Thiên Thiên không phải là một cuộc bứt phá nếu so với guồng kịch đương đại thế giới, thậm chí có phần hơi rụt rè và truyền thống. Còn nếu tính ở Việt Nam, những vở như Người đàn bà thất lạc, Tuyết đỏ, Kangaroo đến Việt Nam, Những con ma trong nhà hát… xứng đáng đóng mộc cho điểm khởi đầu của kịch đương đại hơn.
Thiên Thiên chỉ đương đại ở những câu chuyện của con người đương đại: con trẻ thèm khát tình thương, con buôn khát tiền, trí thức á khẩu, tai to mặt lớn rách bươm, ô-sin khổ nhục vì cục sĩ của chủ, vợ chồng như hai khách trọ cùng nhà, người bất chấp trò lố để được “like”, kẻ ít tài muốn ngoi lên không ngừng và cay đắng nhận ra mình chông chênh khi đã lên được những nấc thang cao hơn… Nhưng những câu chuyện ấy trước thời Nguyễn Du cũng đã có rồi.
Vậy thì điều gì khiến Thiên Thiên mới? Theo tôi, Thiên Thiên khác lạ so với những vở kịch gần đây vì thực sự đã thành công trong việc đưa điện ảnh vào kịch nói. Thiên Thiên thừa sức làm điều này vì đã có hai át chủ bài là Việt Linh và Phạm Hoàng Nam, cộng thêm nhiều diễn viên đã chạm hoặc đi sâu vào ngõ điện ảnh. Thiên Thiên đã khiến tim khán giả phải loạn nhịp vì phông màn, ánh sáng chứ không chỉ riêng mạch kịch.
Thiên Thiên là một bữa tiệc ánh sáng, ngay cả khi nó thể hiện ánh sáng của đèn xe cấp cứu. Một chiếc màn voan mỏng manh và ngoằn nghèo đường tơ uốn lượn sẵn sàng tương tác với ánh sáng để phản ánh những khúc đoạn tâm hồn của Thiên Thiên. Chiếc bóng đen thi thoảng hiện lên sau tấm phông trắng khiến Thiên Thiên phải van nài “đừng theo tôi nữa” đầy liêu trai và ám ảnh. Những tấm phông hai mặt trắng đen thoắt đỏ, cam, nâu sậm rồi chuyển sang xanh mướt mát. Những ô tứ giác, lục giác, lập thể trên mấy tấm phông có lúc như những phiến kính vỡ, có lúc – nhờ ánh sáng – lại khiến người xem cảm giác đó là chất diệp lục được những đường gân khỏe mạnh nâng đỡ. Tôi đặc biệt thích ánh sáng xanh của Thiên Thiên. Thứ ánh sáng mà tôi đã từng phải lòng khi xem Gatsby vĩ đại. Nhưng nếu ở Gatsby vĩ đại, ánh sáng xanh là một ẩn dụ về hạnh phúc bi ai – thứ hạnh phúc cứ lờn vờn trước mặt nhưng con người càng muốn chạm vào nó thì càng bất lực và tuyệt vọng – thì ánh sáng xanh của Thiên Thiên lại cho tôi một điều ngược lại, rằng nỗi đau nào cũng sẽ được XOA, rằng nước sẽ về trên ruộng đồng khô hạn. Cứ thế, người sáng tạo lẫn người xem đều chắt chiu ánh sáng, để rồi trôi vào một mộng mơ: mình đã thực sự biết được thế nào là thánh đường nghệ thuật.
Có nhiều khán giả cho rằng: Thiên Thiên nói nhiều hơn diễn nên vở nặng về triết lý. Nhưng “đã” tai. Điều này chính xác. Tôi có thể chép ra hàng trang triết lý từ Thiên Thiên theo trí nhớ của mình:
“Văn minh thật tàn nhẫn, nó không chịu chờ ai nên lắm kẻ khốn khổ vì không theo kịp. Người biết mình không theo kịp còn may. Người cứ tưởng mình đi trước văn minh mới gọi là thảm họa.”
“Hãy lấy tình yêu trả lại cái ác!”
“Khinh bỉ cái xấu là quyền còn lại duy nhất của những ai bị lừa dối.”
“Chuyện mà chú cứ khăng khăng cho rằng cháu ăn cắp tỉ như là ai đó vô tâm đái xuống sông. Sông không vì vậy mà dơ đâu chú. Ngoại cháu nói: lòng sông rộng lắm!”
“Cuộc sống là bức tranh đang vẽ mà chúng ta không có cục gôm. Chúng ta chỉ có thể phủ lên vết vẽ không như mong muốn những gam màu mới.”
“Ta không đề phòng từ phía những người ta yêu
Cây ngã về nơi không có vết rìu”…
Tác giả kịch bản hẳn đã tích cóp và thấu cảm những chân lý này từ mọi ngõ ngách của đời sống, từ quỹ thời gian trôi qua bản ngã mình. Nghe. Ngẫm. Và thấm. Chợt hiểu ra rằng không ai muốn bất hạnh để chứng tỏ mình minh tuệ trong triết lý, chẳng qua là vì, triết lý tự cô đọng lại sau những kinh nghiệm tận tường về nỗi đau.
Phần mình, tôi cũng có lúc nghi ngờ Thiên Thiên đi vào lối mòn khi đưa ra những thông điệp quá lộ, nhất là phân đoạn cô gái tuổi teen gào thét mong muốn cha mẹ hãy tặng quà do chính họ chọn chứ đừng ném vào mặt con một đống tiền. Tính luận đề của vở không có gì để bàn cãi. Mỗi câu chuyện nhỏ của từng nhân vật là một bài học để suy gẫm. Nhưng rồi Thiên Thiên đã làm tôi yên lòng khi những câu chuyện sau cô bé tuổi teen càng lúc càng hấp dẫn và khó khăn để tháo gỡ hơn, tựa như bài thơ-vè mà nhân vật xem tiền là một ngăn quan trọng nơi trái tim ( do Thanh Thủy thủ vai) đọc:
Em nói vịt
Anh nói hạc
Em nói thịt
Anh nói rau
Em nói ao
Anh nói sông
Không nằm võng, không Trường Sơn
Mà hai đứa ở hai đầu xa thẳm…
Xem Thiên Thiên, ta càng chắc chắc một điều: dù có là kiểu hạng nào, dù có bao nhiêu giá trị ngụy chân ủ áo lùm xùm thì con người vẫn chưa bao giờ thôi thèm khát tình thương, chưa bao giờ thôi hy vọng được nâng niu và thấu hiểu.
Vì những lẽ đó, không nên gắn cho Thiên Thiên những cụm từ to tát: kịch đương đại, kịch triết lý… Thiên Thiên chỉ là Thiên Thiên. Là một cách kể chuyện riêng của Việt Linh. Là những chăm chút cho câu chuyện rất đàn bà và rất con người. Là một cuộc dạo chơi không tính toán doanh thu, không lo toan cơm áo. Để dạo chơi như vậy, Việt Linh và ê-kíp của chị hẳn cũng phải rất… Thiên Thiên.