Sân khấu nghi lễ: ươm hy vọng cho mùa mới

Ngày nay, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tiễn năm cũ chào năm mới không còn xa lạ gì với khán giả. Nhiều chương trình được Nhà nước tổ chức ở các nơi công cộng, tạo điều kiện cho người dân tham dự miễn phí, tạo ra không khí hội hè vô cùng náo nhiệt. Một số chương trình khác được bán vé và có thể gây ra cơn sốt vé. Sân khấu được con người thời hiện đại xem như một hình thức giải trí tương đương với phim ảnh, game… Tuy nhiên, từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, ở khắp nơi trên thế giới, biểu diễn sân khấu ra đời vì mục đích nghi lễ. Các hình thức hóa thân và vận động khác thường của con người nhằm mục đích kết nối, tạ ơn đấng tối cao siêu hình và cầu phúc cho mùa mới, năm mới.

Một số sân khấu nghi lễ truyền thống trên thế giới

Từ “nghi lễ” (ritual) có nguồn gốc Ấn-Âu, “ri” có nghĩa là “dòng chảy” hoặc “nhịp điệu”. Theo nhà nghiên cứu J. L. Styan, “Nghi lễ là một hành động của nghi thức trang trọng. Nó là một biểu hiện có tổ chức của các phong tục được quy định bởi niềm tin tôn giáo hoặc hành vi xã hội”. Người xưa khao khát thể hiện sự hiểu biết về các chức năng của vũ trụ thông qua việc biểu diễn các điệu múa. Vì vậy, múa có thể được xem là hình thái sân khấu nghi lễ đầu tiên của nhân loại. Có hai điệu múa nghi lễ phổ biến: những điệu nhảy quay cuồng nhằm tạo ra ma thuật và những điệu nhảy hướng đến việc tái hiện các thần thoại cũng như sinh hoạt của con người. Thuở sơ khai, pháp sư là người thực hiện các điệu múa. Điệu múa săn bắn dần được nâng lên thành một loại kịch nghi lễ.

20230312 3

Sân khấu rối nước cũng ra đời dựa trên nguyên tắc của biểu diễn nghi lễ. Trong ảnh là sân khấu rối nước Việt Nam…

Sân khấu rối cũng ra đời dựa trên nguyên tắc của biểu diễn nghi lễ. Các con rối nguyên thủy được làm từ đất, ngà voi, đá, gỗ, da động vật, giấy…, được xem là các chất liệu thiêng liêng nhằm tạo ra linh khí. Có thể phân loại rối theo các tiêu chí: không gian biểu diễn (rối nước/rối cạn); hình thức biểu diễn (rối que/rối dây/rối điều khiển trực tiếp bằng tay người)… Các loại rối đặc sắc trên thế giới có thể kể đến như: rối nước (Việt Nam), hun lakhon lek (Thái Lan), kathputli (Ấn Độ), bunraku (Nhật Bản), các vở rối về nhân vật Karagiozis của Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ…

Một trong những hình thức sân khấu nghi lễ lâu đời khác là sân khấu mặt nạ. Các sân khấu kịch cổ đại Hy Lạp, Kathakali (Ấn Độ), Noh (Nhật Bản), Hahoe (Hàn Quốc), Khon (Thái Lan), Robam (Campuchia), Topeng (Indonesia)… đều sử dụng mặt nạ để biểu hiện thần thánh, ma quỷ, con vật và các nhân vật thuộc hai phe ác – thiện. Người ta quan niệm rằng mặt nạ đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh, tương tự như sợi dây dẫn giữa cái thiêng liêng và cái phàm tục. Bản thân người đeo mặt nạ sẽ có cảm giác và ý thức đoạn lìa bản ngã để nhập tâm vào một thân phận mới. Vì ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mặt nạ trở thành chủ đề quan trọng trong việc nghiên cứu nhân học và tôn giáo học trong nghệ thuật biểu diễn.

Sân khấu rối nước Kathputli của Ấn Độ.

Âm nhạc là thành phần không thể thiếu trong các buổi biểu diễn nghi lễ. Các nhạc cụ được làm từ chất liệu thiên nhiên (đá, cây cối, da động vật, khoáng sản) và được tạo ra từ nghệ thuật đúc kim loại. Nguồn gốc thiên nhiên của nhạc cụ là điều kiện lý tưởng để tạo ra những âm thanh cao nhã, có tần số rung động cao. Theo nhà lý luận Bharata, nên chia nhạc cụ thành các bộ: bộ gõ (trống, cồng, các nhạc cụ phải dùng dùi hoặc tay để tạo ra âm thanh), bộ hơi (sáo, tù và, ốc…), bộ dây (các loại đàn có dây). Chúng ta cũng có thể tìm thấy mối liên hệ sâu sắc giữa nhảy múa, kịch nghệ và lời ca trong các hình thức diễn xướng nghi lễ. Thần thoại, sử thi, kinh thánh… là nguồn đề tài bất tận của sân khấu nghi lễ.

Sự biến đổi của sân khấu nghi lễ theo thời gian

Ngày nay, sân khấu nghi lễ vẫn được duy trì nhưng có sự biến tấu để phù hợp với nhịp sống và tư duy của con người thời hiện đại.

Sự phong phú và thời thượng của kỹ thuật âm thanh và ánh sáng, kỹ thuật hóa trang, thời trang, đạo cụ… khiến cho các màn biểu diễn nghi lễ trở nên sống động và gần gũi với người xem. Sự biến hóa thành thần linh, ma quỷ, cây cối hay động vật của diễn viên được xem như một nghi thức bắt buộc để tạo ra không khí linh thiêng trong quá khứ lại được khán giả thời nay nhìn nhận tập trung vào yếu tố thẩm mỹ và giải trí.

Bên cạnh đó, sự giao lưu và tiếp biến về loại hình biểu diễn tạo ra nét tương đồng trong biểu diễn sân khấu nghi lễ giữa các quốc gia trên thế giới. Khai trống nhân dịp đầu năm mới là một ví dụ tiêu biểu. Trống là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của nhân loại, thể hiện tư tưởng và tài năng của con người thời cổ. Thanh âm hào hùng của trống là chất dẫn truyền tinh khiết từ linh hồn cá nhân và cộng đồng đến đất trời. Các loại trống lớn nhỏ tượng trưng cho tuổi tác, giới tính. Mặt trống được bịt bằng da trâu, da rắn, da dê…; thân trống được tạo tác từ các loại gỗ quý hoặc tre nứa già tuổi… là những nguyên tắc tạo nên tính linh của biểu diễn.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thanh âm vang dội của trống tạo ra sự thiêng liêng, rộn rã, phấn khích, đánh thức giác quan của người nghe, từ đó hình thành nên niềm hy vọng và những cảm thức tốt đẹp dành cho mùa mới.

Nhân loại đã và đang liên tục phải đối mặt với các vấn đề bạo lực, sức khỏe, kinh tế… Thiết nghĩ, sự tìm về với các ý nghĩa và giá trị tinh thần cổ sơ cũng góp phần làm chắc khỏe thêm tâm trí con người hiện đại. Sự tái hiện các giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua biểu diễn nghi lễ cũng là một hình thức cầu phúc, khai tâm, khai nhãn đầy nhân văn và đặc sắc.

Diễm Trang

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 08.01.2023.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694755
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15047
23426
63694755

Thành viên trực tuyến

Đang có 714 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website