Người vợ ba và bảy bước phản ánh “vấn đề nghệ thuật” của báo chí (góc nhìn của một độc giả)

20200521

Từ giữa tháng 5/2019 trở đi, sự vụ “Ngọc Trinh đi Cannes” và bộ phim Người vợ ba gần như “chiếm spotlight” của tất cả báo mạng và một phần báo in. Nếu như trường hợp Ngọc Trinh đi Cannes chủ yếu được báo chí khai thác mạnh về phần hình ảnh (còn thái độ của người đưa tin lẫn độc giả đã rõ ràng) thì Người vợ ba lại tạo ra một “chuỗi” thông tin và tranh luận do nhiều vấn đề mà bộ phim mang đến. Có vẻ như điều này cũng không nằm trong “tầm đón đợi” của các cây bút mảng văn hóa - nghệ thuật - giải trí. Chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, Người vợ ba trở thành một “ca đặc biệt”, một “trường hợp nghệ thuật” buộc báo chí phải khai thác do tính vấn đề của tác phẩm điện ảnh này. Những nghi vấn liên tiếp được đặt ra: phim đã đạt tới đẳng cấp nghệ thuật chưa, sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh mô phỏng tình dục có phạm luật không, thông điệp của phim thực sự là gì…? Có thể nói, bộ phim đã tạo nên “làn sóng” tiếp nhận tại Việt Nam, bao gồm cả tiếp nhận của báo chí. Hầu như tất cả báo, trang tin điện tử đều đồng loạt đưa nhiều tin, bài liên quan đến Người vợ ba: zing.vn có 41 tin bài; báo Thanh Niên online có 19 tin bài; kenh14.vn có 12 tin bài; báo Phụ Nữ TP.HCM online có 10 tin bài; báo Tuổi Trẻ online có 7 tin bài; báo Pháp Luật online có 5 tin bài;… (thống kê đến ngày 4/6/2019).

1. BẢY BƯỚC TRUYỀN THÔNG VỀ NGƯỜI VỢ BA

Tựu trung báo chí đã vào cuộc với “trường hợp nghệ thuật” Người vợ ba gồm 7 bước sau đây:

Bước 1: Quảng bá trước công chiếu

Ở bước này, một vài báo tỏ ra khách quan, chỉ đưa thông tin ngắn gọn về sự kiện bộ phim Người vợ ba sắp được công chiếu tại Việt Nam cũng như các giải thưởng mà phim đã nhận được: Người vợ ba tỏa sáng tại liên hoan phim Toroto, Người vợ ba đoạt giải thưởng tại liên hoan phim Tây Ban Nha, Người vợ ba nhận giải thưởng tại Ấn Độ, Người vợ ba đoạt 2 giải ở Diễn đàn điện ảnh Hongkong, Sau chinh chiến quốc tế, Người vợ ba chính thức ra rạp tại Việt Nam… Một số bài báo khác tỏ ra “câu khách” khi giật tít xoáy vào chủ đề nhạy cảm của Người vợ ba. Từ “cảnh nóng” tràn ngập trong các tít báo: Vợ ba: Chuyện ám ảnh hơn cả những cảnh nóng, Phim Việt ngập cảnh nóng gây sốc chuẩn bị được công chiếu, Phim Vợ ba gây chú ý vì trailer nhiều cảnh nóng, Đạo diễn Vợ ba: “Nếu cảnh nóng có vấn đề thì Cục đã cắt rồi”, Nhan sắc cô gái Việt đóng cảnh nóng năm 13 tuổi trong phim Vợ ba, Nhan sắc diễn viên 10X đóng phim Việt ngập cảnh nóng khi mới 13 tuổi… Nếu không có từ “cảnh nóng” thì cái tựa cũng phải thật gợi sự tò mò: Maya chia sẻ chuyện “phòng the” trong trailer Vợ ba, Sự thực diễn viên 13 tuổi hở ngực gây tranh cãi trong Vợ ba, Tình dục và phận nữ giới trong phim Vợ ba,

Bước 2: Review

Sau xuất chiếu sớm dành cho báo chí, một số bài báo review bộ phim bắt đầu xuất hiện với các nhận định: phim không chỉ có cảnh nóng mà còn nói được nhiều vấn đề của xã hội cũ và cả các vấn đề thời hiện đại; cảnh phim đẹp đẽ, được trau chuốt đến từng góc máy, từng chi tiết; phim giàu tính nữ;…

“Những hình ảnh ẩn dụ về tình dục thân thuộc với đời sống, đầy nữ tính cũng được lồng ghép khéo léo, khiến phim có những điểm thi vị nhất định, không tạo cảm giác lạm dụng quá đà các cảnh nhạy cảm. Đề tài đồng tính (…) cũng khiến tác phẩm có thêm những góc nhìn hiện đại hơn, dù bối cảnh là thời xưa” (Vợ ba: Kiếp vợ lẽ đầy trắc trở của phụ nữ Việt thế kỷ 19 - Thùy Linh, thanhnien.vn).

 Bên cạnh những lời khen dành cho phim, nhà báo Lâm Lê nhận định đây là bộ phim “kén” khán giả: “Phong cách làm phim thiên về nghệ thuật này thực ra khá xa lạ và là một thứ đánh đố cảm giác với khán giả đại chúng Việt Nam, nơi họ quen thưởng thức những bộ phim giải trí có kịch bản ba hồi dễ xem, dễ cảm” (Vợ ba và câu chuyện của những người đàn bà trong “tổ kén” - Lâm Lê, tuoitre.vn)…

Bước 3: Khai thác dư luận và tranh luận

Trước những thông tin về phim do báo chí mang đến và sau khi phim được công chiếu từ ngày 17/5, mạng xã hội và các comment dưới mỗi bài báo sôi sục bình luận về phim Người vợ ba. Những tranh cãi gay gắt xuất hiện. Không bỏ qua, báo chí lập tức cập nhật tình hình bằng cách dẫn nhiều thông tin chê bai lẫn ngợi khen dành cho Người vợ ba. Tôi tạm phân chia các bài báo thành hai luồng ý kiến:

Chê bai, ủng hộ việc ngừng chiếu phim:

+ Một bộ phim ôm đồm nhiều nét văn hóa Việt Nam nhưng sai kiến thức văn hóa, lai căng hoặc tự nghĩ ra, từ phong tục (cưới xin, tang ma), tập quán (trồng trọt, chăn nuôi), trang phục, sinh hoạt cho đến ý niệm về tôn giáo và triết học (Vợ ba và sự nhầm lẫn về văn hóa - Nguyễn Thu Quỳnh, tienphong.vn).

+ Một bộ phim muốn khai thác chủ đề giới với các ẩn ức tính dục mà làm không tới, khiên cưỡng, gây hiệu ứng xấu về mặt tiếp nhận, khiến người xem không khỏi liên tưởng đến vấn nạn ấu dâm. Đây cũng là lý do lớn nhất khiến Người vợ ba bị dư luận lên án gay gắt, dẫn đến việc nhà sản xuất xin ngừng chiếu trước thời hạn và bị phạt 50 triệu đồng vì “thêm/bớt làm sai nội dung phim đã được cấp phép phổ biến” (Phản đối việc bé 13 tuổi đóng cảnh nóng là giết phim nghệ thuật Việt? - Hiếu Trung, zing.vn).

+ Một bộ phim không mang lại điều gì mới. Một chút Đèn lồng đỏ treo cao, một chút Lolita, một chút Vợ chồng A Phủ, một chút phong cách phim Trần Anh Hùng…

+ Một bộ phim đẹp về hình ảnh nhưng đẹp để làm gì khi chủ đề, thông điệp lộ, cũ và không hề tích cực.

Khen ngợi, bênh vực phim:

+ Một bộ phim giàu chất thơ và ngôn ngữ điện ảnh. Nhiều khán giả ngây ngất trước các góc quay đẹp, hình ảnh đậm chất xi-nê và gợi ra nhiều ẩn dụ trong phim (nước, trăng, tằm, trứng, vòng, tóc, hoa,…), cách xử lý âm thanh (tiếng quạ, tiếng nước, tiếng thở, tiếng khóc…) (Ẩn ý nghệ thuật đằng sau các tình tiết “khó hiểu và mông lung” của Vợ Ba - Lucas và Thành Lộc, kenh14.vn; Báo chí nước ngoài nói gì về “Người vợ ba” của điện ảnh Việt? - Bích Ngọc, dantri.com.vn).

+ Một bộ phim hướng về nữ tính và nữ quyền, có cái nhìn cởi mở và trực diện vào tính dục, bất bình đẳng giới (Vợ ba - tiếng vọng nữ quyền yếu ớt - Huỳnh Trọng Khang, nguoilaodong.com.vn).

+ Một bộ phim công phu, chỉn chu, được chăm chút cẩn thận từ poster cho đến trailer. Với tác phẩm đầu tay như vậy, đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) rất đáng được ngợi khen và ủng hộ (Phim Vợ ba: Tinh tế và ám ảnh - Dương Ngọc, thethaovanhoa.vn).

Bước 4: Hỏi ý kiến chuyên gia

Để rộng đường dư luận, báo chí tiếp tục cung cấp cho người đọc ý kiến của những người trong cuộc (nhà sản xuất phim Người vợ ba), những người làm trong ngành điện ảnh (biên kịch, đạo diễn, diễn viên), đại diện chính quyền và các chuyên gia (luật, giới, tình dục, trẻ em)…

Các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất phim được hỏi ý kiến khá nhiều (Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Phan Đăng Di,…). Những diễn viên có con gái cũng được “ưu tiên” hỏi han (Kim Chi, Kiều Trinh: “Không cho phép con gái đóng cảnh nóng ở tuổi 13”). Riêng các chuyên gia đều thận trọng cho rằng việc nhà sản xuất, đạo diễn sử dụng diễn viên 13 tuổi vào một vai diễn có nhiều cảnh nóng và nội tâm phức tạp như Mây là mạo hiểm, có thể phạm sai lầm. Nhà nghiên cứu tình dục học Khuất Thu Hồng có những đánh giá thẳng thắn về phim. Với bà, diễn viên 13 tuổi đóng đạt “cách thể hiện sự khao khát tình dục, cách tự thỏa mãn và tham gia trực tiếp vào những cảnh gợi dục kỳ quái, thực hiện những tư thế vô cùng gợi dục; thi vị hóa tình dục với trẻ em” là không thể chấp nhận.

Qua các thông tin liên tục được đăng tải, người đọc có thể hình dung được “tính vấn đề” của Người vợ ba: những tranh cãi xoay quanh bộ phim được đánh giá như một trường hợp chưa có tiền lệ, gây lúng túng cho nhà chức trách trong việc xử lý. Đây là bước quan trọng để thấy các quy định của pháp luật dành cho nghệ thuật ở nước ta còn quá nhiều kẽ hở. Nếu có “bắt tội” nhà làm phim thì chỉ có thể dựa vào Luật Trẻ em và Luật Kiểm duyệt, phát hành chứ không thể “trực diện” vào vấn đề chính là sử dụng diễn viên diễn cảnh nóng như thế nào là phạm luật và không phạm luật. Rốt cuộc, Người vợ ba bị phạt vì một lý do khá “ngoài lề” so với lý do chính vốn gây phẫn nộ trong dư luận: “Ngày 20/5, trả lời zing.vn, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Cục Điện ảnh phát hiện bản phim công chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép và lưu chiểu. Đơn vị sản xuất thừa nhận vi phạm và chấp nhận bị xử phạt 50 triệu đồng đồng thời chủ động khắc phục bằng việc ngừng phát hành Vợ ba từ ngày 20/5”.

Bước 5: Đưa ra các thông tin liên quan, có tính chất tham khảo

Không chỉ tập trung vào Người vợ ba, một số báo xuất hiện các bài viết nói về quan điểm của điện ảnh các nước khác (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu - Mỹ) về việc sử dụng trẻ em trong các bộ phim C13, C18; thống kê các phim có yếu tố tình dục đậm đặc, gây tranh cãi dù vẫn đạt được yếu tố nghệ thuật nhất định; phân tích một số bộ phim sử dụng yếu tố tình dục như một công cụ không thể thiếu để thể hiện ẩn dụ, thông điệp của phim (Trước Vợ ba, loạt phim quốc tế gây tranh cãi vì diễn viên nhí đóng cảnh 18+ - Tú Oanh, tienphong.vn). Báo zing.vn đã phỏng vấn bà Toni Casala - người sáng lập tổ chức Children in Film: “Ở Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục thật hay mô phỏng. Với các cảnh nhạy cảm, đạo diễn buộc phải sử dụng người đóng thế cho diễn viên nhỏ tuổi”. Đơn vị sản xuất Vợ ba cũng chủ động rút quảng cáo tại một số cụm rạp ở California, Mỹ dù chưa rõ nguyên nhân”…

Bước 6: Quan tâm đến “số phận” của nữ diễn viên chính

Giữa lúc bộ phim đang ở trong tâm bão của tranh cãi, một số bài báo đưa tin - ảnh diễn viên Nguyễn Phương Trà My, khẳng định em có buồn vì phim ngừng chiếu nhưng vẫn ổn. Có báo còn đăng “tâm thư” của bà Võ Mỹ Na - mẹ của diễn viên Trà My. Đến khâu này thì báo chí lại không bình luận mà chủ yếu trích dẫn. Đặc biệt, những lời bình luận là vô cùng quan trọng về bức “tâm thư” của bà Võ Mỹ Na đã không được báo chí thể hiện.

Bước 7: Theo dõi các động thái tiếp theo của ê-kíp làm phim

Trong lúc các bài viết về Người vợ ba thưa dần thì bộ phim được trình chiếu ở Mỹ. Đạo diễn Nguyễn Phương Anh có một số phát ngôn trước buổi công chiếu, một lần nữa gây sóng gió trên các diễn đàn mạng tại quê nhà. Nó cho thấy việc “chơi không đẹp” của nữ đạo diễn này, như báo zing.vn bình luận: “Ash Mayfair có thể là một đạo diễn liều mình vì nghệ thuật. Ấy vậy, trong quá trình liều mình, nữ đạo diễn có bỏ quên những giá trị đạo đức hay không? Có một điều nữa có lẽ Mayfair cũng đã quên. Đó là, trong khi bộ phim kể về câu chuyện tại Việt Nam, thì khán giả Việt xứng đáng có một lời giải thích từ chính cô chứ không phải qua một tờ báo nước ngoài” (Đạo diễn “Vợ ba” lên tiếng về tranh cãi dùng bé 13 tuổi cho cảnh nóng - Hương Đỗ, zing.vn).

Đến bước này thì chỉ còn rất ít tờ báo theo dõi vụ việc.

 Trên đây là bảy bước cơ bản của báo chí trong việc phản ánh một bộ phim nghệ thuật có tính vấn đề như Người vợ ba. Có báo thực hiện đủ 7 bước, có báo thực hiện từ 1-3 bước đầu tiên và không “theo” sự kiện này nữa, có báo chỉ dùng bước 1 và “nhảy cóc” qua bước 3, 4. Có khi, các bước 3, 4, 5, 6 được thực hiện gần như cùng một lúc.

2. NHẬN XÉT VÀ KHUYẾN NGHỊ

Có thể thấy, báo chí đã dành rất nhiều sự quan tâm cho bộ phim Người vợ ba, tiến hành các bước truyền thông khá nhịp nhàng, nhạy thông tin, theo dõi sát sao các phản ứng của khán giả thông qua mạng xã hội và kịp thời chuyển tải, đưa ra các ý kiến đáng tin cậy của chuyên gia, xâu chuỗi các vụ việc có liên quan để rộng đường dư luận. Chính nhờ không gian “không giới hạn” của báo mạng mà các vấn đề xoay quanh bộ phim đã được khai thác đa chiều, cung cấp nhiều thông tin quan trọng và bổ khuyết kiến thức cho người xem. Đặc biệt, một số báo đã có những nhận xét, tổng kết rất thẳng thắn. Đáng chú ý là nhận định: “Quyết định xử phạt của cơ quan chức năng chưa làm thỏa mãn công chúng, mang tính che đậy sự yếu kém từ Hội đồng Thẩm định phim quốc gia và Cục Điện ảnh. Đây là cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ ‘gác cổng’, đã 3 lần thẩm định phim Vợ ba từ khâu kịch bản đến thành phẩm nhưng lại không biết các cảnh nhạy cảm là do diễn viên nhỏ tuổi thực hiện? Nếu biết mà vẫn bỏ qua để khi phim ra rạp dẫn đến tranh cãi gay gắt lúc đó mới xem xét lại thì liệu đơn vị này có hoàn thành trách nhiệm không? Nếu Cục Điện ảnh không nghĩ đến việc để diễn viên nhỏ tuổi đóng cảnh nhạy cảm là vi phạm pháp luật thì lại càng khó chấp nhận, bởi không chỉ pháp luật Việt Nam có quy định mà ngay các nước phương Tây cũng quy định rất khắt khe việc này. Việc công chúng nghi ngờ năng lực của Hội đồng Thẩm định Phim quốc gia và Cục Điện ảnh cũng là hợp lý, bởi cả hai đều im lặng suốt thời gian phim Vợ ba gây tranh cãi trái chiều. Đến lúc công luận yêu cầu phải xem xét lại quy trình kiểm duyệt, Cục Điện ảnh đẩy cái sai cho riêng nhà sản xuất và ban hành một quyết định xử phạt chưa thuyết phục. Nó cho thấy phía cơ quan chức năng ‘gác cổng’ không chỉ thiếu năng lực dự báo, ngăn ngừa sự việc theo tầm mức hiểu biết pháp luật của mình mà còn chỉ biết hành xử theo dư luận rồi đá ‘quả bóng trách nhiệm’ sang phía khác, còn mình xem như ngoại phạm” (Xử phạt phim Vợ ba, Cục Điện ảnh rũ bỏ trách nhiệm? - Minh Khuê, nld.com.vn).

Như vậy, có thể thấy là kỹ năng tiếp nhận, khai thác thông tin và đưa ra góc nhìn đa chiều là thế mạnh của báo chí đối với trường hợp Người vợ ba. Điều này cho thấy rằng với các vấn đề nghệ thuật có “tính vấn đề” thì báo chí sẵn sàng vào cuộc và “đi theo” sự việc. Đó là một tín hiệu đáng mừng vì chỉ với cách đó, báo chí mới thực sự “ghi điểm” trong lòng độc giả, trở thành một kênh tham khảo thông tin quý giá và đáng tin cậy. Ở tâm trạng của một độc giả, tôi chỉ mong sao những sự việc, sự kiện khác (chính trị, kinh tế, xã hội,…) cũng sẽ được các phóng viên và cơ quan báo chí chủ quản phổ biến sâu rộng như vậy (dù biết là khó).

Tuy nhiên, tôi cũng có những băn khoăn nhất định đối với các nhà báo, phóng viên và cơ quan chủ quản trong việc phản ánh các vấn đề liên quan đến Người vợ ba như sau:

Thứ nhất, khi quảng bá bộ phim, báo chí “chính thống” vẫn không thoát khỏi cách đưa thông tin mang tính “câu khách”, hời hợt, chỉ tập trung vào “cảnh nóng”. Việc giới thiệu danh sách giải thưởng quốc tế của phim là cần thiết nhưng cũng không hề có tin, bài nào cho biết quy mô, tính chất của một vài liên hoan phim có Người vợ ba tham dự, để biết phim thành công đến mức độ nào.

Thứ hai, ngay cả khi bộ phim đã có suất chiếu dành cho ký giả, khách mời,… thì những người được thưởng thức phim trước khán giả thông thường như chúng tôi vẫn chưa có một bài viết nào thật thuyết phục để thấy hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng nổi cộm: (1) phim sử dụng diễn viên chưa đủ tuổi đóng cảnh nhạy cảm (đồng nghĩa với phạm luật); (2) những giá trị nào khác của bộ phim khiến người xem có thể cảm thông, thể tất cho lỗi lầm của họ (1). Các bài báo vào thời điểm trước ngày công chiếu chính thức vẫn là kiểu “review” an toàn, chủ yếu bình phẩm về “thân phận người phụ nữ thời phong kiến” (một chủ đề xưa như Trái đất mà ai xem phim cũng sẽ tự nhận ra), khen phim đẹp, dự đoán phim sẽ “kén” khán giả. Chỉ đến khi comment của độc giả và các status, các review trên mạng xã hội “dậy sóng” thì báo chí mới vào cuộc và thực hiện các bước 3, 4, 5, 6, 7. Điều này cho thấy bản thân của nhà báo mảng văn hóa - nghệ thuật - giải trí thiếu “độ nhạy” với vấn đề mà mình tiếp cận, dù tin bài vẫn “đi” nhanh chóng, thậm chí dư thừa số lượng.

Thứ ba, nếu thử nhìn toàn bộ “tiến trình Người vợ ba” trên một tờ báo cụ thể bằng cách xâu chuỗi toàn bộ các bài viết về cùng bộ phim, chúng ta sẽ thấy tính hệ thống là rất yếu, thậm chí không tồn tại. Các nhà báo chạy theo thông tin mà không hề đưa ra dự đoán trước là bộ phim sẽ gây bão vì diễn viên 13 tuổi với lao động đặc biệt. Các tin bài xuất hiện là do “chạy theo” phản ứng của xã hội mà thiếu đi tính định hướng từ đầu - điều rất cần trong lĩnh vực báo chí. Vì vậy, nhiều trang báo rơi vào trường hợp “hai hàng”, “nước đôi”, thậm chí số trước vừa mới khen ngợi bộ phim thì số sau đã quay sang đưa các bài viết phê phán bộ phim.

Nhiều tờ báo không phản ánh tới cùng sự việc, vai trò của phóng viên văn hóa văn nghệ khá mờ nhạt, rất ít những bình luận sắc sảo, tinh tế, thể hiện chủ kiến mà chủ yếu “dựa dẫm” vào các chuyên gia, thu nhặt các status và note trên mạng xã hội. Vậy thì hiện tượng Người vợ ba đã làm nên các bài báo hay chính dư luận quanh hiện tượng này đã làm nên các bài báo? Tính đến thời điểm này, dường như chỉ có báo zing.vn là đi đến tận cùng vấn đề, chi tiết nhất có thể, đồng thời có chủ ý tổng kết, khái quát vấn đề: “đạo diễn Nguyễn Phương Anh lại thể hiện ‘tình yêu’ đó (tình yêu phụ nữ) bằng việc sử dụng một bé gái chưa đến 13 tuổi đóng cảnh tình dục - hành vi bị cấm tại quốc gia nơi cô học điện ảnh, hoàn toàn có thể bị coi là hành vi lạm dụng trẻ em. Vậy phải hiểu “tình yêu” đó là như thế nào? Liệu “tình yêu” đó có thật hay chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi? Người phương Tây có câu: “Actions speak louder than words” (Hành động thực tế mới thực sự là thước đo, chứ không phải là lời nói gió bay). Nếu xét trên các khía cạnh pháp lý và đạo đức, Vợ ba phải bị coi là một vết nhơ trong lịch sử phim Việt, bởi đạo diễn đã lạm dụng một đứa trẻ chưa đầy 13 tuổi để thực hiện tham vọng nghề nghiệp của bản thân, và nhiều nhà làm phim có hiểu biết, được giáo dục ở phương Tây, cùng nhiều tay viết đã hòa giọng cổ vũ cho hành vi đó. Vợ ba chính là tiền lệ đáng xấu hổ, là bài học đắt giá mà giới làm phim Việt Nam cần phải tiếp thu để không bao giờ lặp lại, để không bao giờ có thêm tranh cãi về việc trẻ em đóng cảnh nóng mà không có được sự bảo vệ cần thiết. “Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những quy định rất chặt chẽ để quản lý việc trẻ em đóng phim. Các bạn hãy chiến đấu vì điều đó”…” (Nhà sản xuất Mỹ: Tôi giận dữ khi ê-kíp Vợ ba để bé gái 13 tuổi đóng cảnh tình dục - Hiếu Trung, zing.vn). Các nhà báo Hiếu Trung, Quang Đức của zing.vn có một số bài viết đáng chú ý, chứng tỏ người viết thực sự có mối quan tâm nghiêm túc đến vấn đề phản ánh, có tính chuyên nghiệp, trách nhiệm. Tôi cũng băn khoăn: vì sao tờ báo muốn “ra ngô ra khoai” vấn đề không phải là một tờ báo truyền thống, có lịch sử hình thành mảng văn hóa - nghệ thuật - giải trí thuộc loại lâu năm mà lại là một tờ báo trẻ như zing.vn? Vì Người vợ ba không “xứng tầm”, hay cách làm quen thuộc của trang văn hóa - nghệ thuật - giải trí là đưa tin rồi thì xong nhiệm vụ?

Thứ tư, việc Người vợ ba ngừng chiếu sau bốn ngày ra rạp có thể là tổn thất (về doanh thu, về tinh thần của ê-kíp làm phim), nhưng việc bộ phim tạo được sự quan tâm của dư luận, tốn nhiều giấy mực của báo chí lại là thành công. Vấn đề đặt ra ở đây là: Người vợ ba có thật là một trường hợp đắt giá trong việc phản ánh vấn đề nghệ thuật hay chính vì sự chạy đua thông tin, ngó bên này nghiêng bên nọ, đưa tin thiếu cô đọng, rốt ráo đã “thổi phồng” giá trị của phim, tạo thành một cơn bão thông tin không đáng có? Những bài viết na ná nhau, trích dẫn na ná nhau đã dàn thành hàng ngang, làm ra sự cồng kềnh, tản mác, trong khi vấn đề của Người vợ ba chỉ gói gọn trong hai điểm: một bộ phim có sự đầu tư nghiêm túc, có tính nghệ thuật nhưng lại sai trong việc sử dụng diễn viên 13 tuổi cho các cảnh nhạy cảm.

Thứ năm, vì sao báo chí lại “đuối hơi” trước các phát biểu của đạo diễn Nguyễn Phương Anh được đăng tải trên hollywoodreporter.com? Lẽ ra các phát ngôn của Nguyễn Phương Anh cần được báo chí Việt Nam phân tích kỹ để thấy một vấn đề là: không những không nhận lỗi (sử dụng diễn viên trẻ em cho các cảnh nhạy cảm là sai) mà vị đạo diễn này còn tạo ra một “màn sương” khiến báo giới quốc tế có thể hiểu lầm về chính sách của nhà nước đối với tác phẩm nghệ thuật Việt Nam và cả trình độ thưởng thức của người Việt hiện nay. Một đạo diễn tinh tế, dũng cảm vì sao lại im lặng tại Việt Nam và phát ngôn “gây nhiễu” ở nước ngoài, né tránh sai phạm rõ ràng của mình? Nếu như báo chí đồng lòng tiếp tục “đấu tranh” thì có lẽ nhà sản xuất, đạo diễn và người mẹ của diễn viên sẽ có phát ngôn chính thức trước người dân Việt Nam, ít nhất là xin lỗi vì đã không sử dụng diễn viên đóng thế cảnh nhạy cảm, cảnh tình dục và lời hứa rút kinh nghiệm, chứ không phải kiểu à ơi “không nợ ai lời giải thích”, “chúng tôi không làm gì sai” và sự liên tục đánh tráo khái niệm của ê-kíp làm phim. Một bộ phim làm tốt không có nghĩa là sạch trơn, không hề có sai sót gì - báo chí Việt Nam lẽ ra phải giúp ê-kíp Người vợ ba nhận ra điều đó.

Từ các bước phản ánh trường hợp điện ảnh Người vợ ba của báo chí, tôi có mong ước rằng: các nhà báo hãy thực sự là người chủ xướng, là linh hồn của các bài viết chứ không nên chỉ “nhìn quanh”, “hỏi quanh”. Một tác phẩm nghệ thuật có tính vấn đề rất cần tiếng nói công bằng và thẳng thắn từ báo chí. Để làm được điều đó, nhà báo cần đọc, học thêm rất nhiều, đặc biệt là tìm hiểu các luật liên quan đến nghệ thuật, kỹ năng viết review và phê bình nghệ thuật.

Đào Thị Diễm Trang

Bài tham gia HTKH “Báo chí và truyền thông: những thách thức và giải pháp trong xu hướng phát triển hiện đại”, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/07/2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63689197
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9489
23426
63689197

Thành viên trực tuyến

Đang có 875 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website