Tối ngày 23.1.2016, tại Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Văn học và Ngôn ngữ - Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM tổ chức "Đêm thơ nhạc Kỷ niệm 70 năm ngày mất Nhà thơ Bích Khê".
Nghệ sĩ Kim Lệ diễn ngâm bài Tiếng đàn mưa của Bích Khê - Ảnh: L.Điền
Từ phong trào Thơ Mới, Bích Khê là một trong những cái tên mang lại những cách tân táo bạo cho nền thơ Việt Nam hiện đại, với những tư duy độc đáo và những sáng tạo mới mẻ về ngôn từ cũng như hình ảnh và cảm hứng thơ ca. Qua đời ở tuổi 30, Bích Khê để lại cho đời tập thơ "Tinh huyết" và một số tác phẩm chưa kịp xuất bản.
Trong chương trình kỷ niệm Bích Khê, nhiều bài thơ của ông đã được giới thiệu qua hình thức ngâm thơ và đặc biệt hơn là các ca khúc phổ nhạc. Các nhạc phẩm phổ nhạc từ thơ Bích Khê của Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu,... cho thấy vẻ đẹp của thơ Bích Khê cũng như ý thức cách tân, truy tìm tính nhạc của thơ ca trong tư duy sáng tác của thi nhân.
Nhận định về những đóng góp quan trọng của Bích Khê, PGS.TS Nguyễn Thành Thi cho rằng, Bích Khê đã gieo được những hạt giống mới, từ đó đã nảy lên những mầm cây đẹp đẽ cho thi ca Việt Nam.
Đêm Thơ nhạc Kỷ niệm Bích Khê đã có sự tham dự của các nhà nghiên cứu - giảng dạy, giới văn nghệ sĩ cùng với gia đình, thân hữu và đông đảo người yêu thơ.
Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ khi người thi sĩ tài hoa Bích Khê từ biệt đời sống này nhưng có thể nói âm hưởng thơ ca của ông vẫn còn vang vọng trong đời sống văn chương hiện đại.