Đào tạo ngành du lịch ở đại học một số nước

  (Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Tạp chí Văn hoá  và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013)

 

                                    (Ảnh: Sinh viên ở ĐH Queensland, Úc)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa ngày nay, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng và thu hút một lực lượng nhân sự rất lớn. Từ đó, ngành du lịch cũng trở thành một định hướng đào tạo quan trọng ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Bài viết này giới thiệu chương trình đào tạo ngành du lịch ở các trường đại học nổi tiếng là: Đại học Queensland (Australia), Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) và Đại học Tây London (Anh). Với định hướng đào tạo là rèn luyện năng lực làm việc chuyên môn cho người học đồng thời phát triển năng lực nghiên cứu chuyên sâu, các trường đại học này đều chú trọng mở rộng đào tạo ở cả bậc đại học và sau đại học với nhiều định hướng chuyên ngành như: Quản trị Du lịch, Quản trị Khách sạn, Quản trị Sự kiện,...

THE TOURISM PROGRAM IN CERTAIN UNIVERSITIES IN THE WORLD

Abstract

             In the trends of modernisation and globalisation nowadays, the tourism industry has been frantically developed and has attracted a vast amount of workers. As a result, tourism has become one of the most important programs in many universities over the world. This article introduces the tourism program in some famous universities such as The University of Queensland (Australia), the University of South Caroline (the U.S.), and the University of West London (the U.K.). With the goals of enabling learners to work efficiently in practice and to research further in the academic field, those universities offer the tourism education and training in both the undergraduate and postgraduate levels, with various sub-programs such as Tourism Management, Hotel Management, and Event Management.

 

***

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, mở rộng ở nhiều lĩnh vực dịch vụ đa dạng và phong phú, bao gồm: lữ hành, khách sạn, nhà hàng, sự kiện, giải trí,... Cùng với sự phát triển đó là nhu cầu rất cao về nhân sự có năng lực chuyên môn và chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể của ngành. Từ đó, cũng cho thấy sự cần thiết của việc phát triển đào tạo ngành du lịch trong các trường đại học. Để tiếp cận với chương trình đào tạo ngành du lịch ở các trường đại học ở nước ngoài, chúng tôi chọn các đại diện gồm: Trường Du lịch thuộc Đại học Queensland (Australia), Trường Quản trị Khách sạn, Nhà hàng và Du lịch thuộc Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), Trường Khách sạn và Du lịch London thuộc Đại học Tây London (Anh). Các trường được chọn đều là các trường trực thuộc của các đại học lớn, có bề dày lịch sử phát triển và có uy tín về chất lượng đào tạo ở các nước vốn có nền giáo dục tiên tiến.

Qua khảo sát chương trình đào tạo ngành du lịch ở các trường đại học ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy xu hướng chú trọng xây dựng chương trình đào tạo nhằm đào tạo nhân sự có trình độ cao để đáp ứng thị trường lao động, bên cạnh đó là định hướng phát triển nghiên cứu chuyên sâu để xây dựng cơ sở lý luận cho ngành đào tạo. Đây có thể được xem là hướng phát triển nền tảng và hiệu quả để phát triển hoạt động đào tạo và nghiên cứu ngành du lịch. Vì vậy, đào tạo ngành du lịch ở các trường đại học ở nước ngoài không chỉ được xây dựng ở bậc đại học mà còn ở bậc sau đại học (đào tạo cao học và nghiên cứu sinh).

Với quan điểm, xem du lịch là một ngành kinh doanh đồng thời là một ngành văn hóa, chương trình đào tạo của các trường đều tập trung xây dựng và phát triển cả hai phương diện này. Người học ngành du lịch không chỉ được trang bị các kiến thức về dịch vụ du lịch trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, sự kiện, lữ hành, ẩm thực, câu lạc bộ,... mà còn được trang bị một khối lượng kiến thức quan trọng về kinh doanh, thương mại, tiếp thị, tài chính, khách hàng,... Cùng với đó là việc rèn luyện các kỹ năng như tổ chức, thiết kế chương trình, hoạch định chiến lược, quản trị hệ thống,  quản trị nhân sự, nắm bắt định hướng xu thế phát triển của ngành. Các chương trình đào tạo từ đó đều chú ý đến việc kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho học viên có thể áp dụng những kiến thức đã học trong nhà trường và hoàn thiện năng lực chuyên môn trong quá trình trải nghiệm thực tiễn.

Đi cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội cũng như hoạt động du lịch thời hiện đại, những nội dung kiến thức về du lịch cũng như kinh doanh trong chương trình đào tạo đều hướng đến tính ứng dụng trong môi trường quốc tế và hệ thống toàn cầu. Song song với định hướng này là định hướng phát triển nghiên cứu chuyên sâu trong đào tạo. Ở các bậc đào tạo sau đại học, người học phải bắt tay xây dựng các đề án nghiên cứu, viết luận văn với mục tiêu trở thành những nhân sự cấp cao trong công nghiệp du lịch ở quy mô toàn cầu hoặc là những nhà nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đào tạo chuyên môn du lịch.

Trước nhất, cần phải có một cái nhìn khái quát về đào tạo ngành du lịch cũng như các định hướng cốt lõi của nó.

1. Các chuyên ngành du lịch cốt lõi

Ngành du lịch được xem là ngành đạo tạo có tiềm năng vì nhu cầu rất lớn từ thị trường và xã hội. Ngày nay, người theo đuổi ngành du lịch đã có rất nhiều lựa chọn khác nhau trong học tập trước rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong thực tiễn. Về hoạt động và định hướng đào tạo, mỗi trường sẽ có những đặc thù riêng, tuy nhiên qua khảo sát, có thể nhận diện 3 định hướng chuyên ngành đào tạo cơ bản và cốt lõi trong ngành du lịch là: Quản trị Du lịch, Quản trị Khách sạn và Quản trị Sự kiện.

1.1. Chuyên ngành Quản trị Du lịch (Tourism Management)

Đầu tiên, chuyên ngành Quản trị Du lịch trang bị kiến thức căn bản về hoạt động du lịch nói chung cùng với khối kiến thức về kinh doanh du lịch, xây dựng kế hoạch và chiến lược, phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái, quan hệ khách hàng, tác động của ngành du lịch đến kinh tế xã hội,... Chương trình đào tạo ngành Quản trị Du lịch còn có mục tiêu đào sâu vào kiến thức ngành, phát triển nghiên cứu để có thể ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn nhằm đoán biết xu hướng phát triển của hoạt động du lịch.

Người học chuyên ngành Quản trị Du lịch có cơ hội làm việc ở các lĩnh vực như: Xây dựng dự án, chiến lược trong du lịch, Tư vấn quản trị du lịch, Quản lý du lịch (cấp địa phương hay cấp quốc gia), Kinh doanh du lịch, Hợp tác kinh doanh trong hoạt động du lịch (như môi giới, đại lý, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển,...),...

1.2. Chuyên ngành Quản trị Khách sạn (Hotel Management)

Với quan điểm xem du lịch là một ngành công nghiệp đặc trưng, đối tượng của ngành Quản trị Khách sạn bao gồm các dịch vụ liên quan đến nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, câu lạc bộ giải trí, casino, quán bar,... Điều đặc biệt trong đào tạo của các trường là đều chú trọng đến hoạt động quản trị khách sạn trong hệ thống quốc tế, áp dụng kỹ thuật hiện đại trong quản trị khách sạn, quản lý dịch vụ với quy mô lớn. Chương trình đào tạo cũng có định hướng nâng cao các kỹ năng và kiến thức nền tảng để phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết văn hóa, năng lực phục vụ và khả năng cạnh tranh trong thực tiễn làm việc.

Người học ngành Quản trị Khách sạn có thể tham gia lao động trong hệ thống dịch vụ khách sạn, motel, khu nghĩ dưỡng, câu lạc bộ giải trí, nhà hàng, quán bar, casino, tổ chức hội nghị và các sự kiện đặc biệt, cũng như cung cấp thực phẩm, thức uống và chế biến ẩm thực. Bên cạnh đó, người học cũng có thể tham gia các hoạt động kinh doanh và thương mại liên quan tới khách sạn.

1.3. Chuyên ngành Quản trị Sự kiện (Event Management) 

Ngành Quản trị Sự kiện trang bị cho người học tri thức toàn diện và chuyên sâu về các lĩnh vực sự kiện. Điều cốt yếu là mang lại nhận thức và nền tảng lý thuyết về bản chất, đặc trưng và vai trò của các “sự kiện” trong đời sống. Các hoạt động nào được xem là sự kiện? Từ đó, có thể nắm rõ ý nghĩa và tác động của các lễ hội và sự kiện trong xã hội cũng như tham gia vào các sự kiện ở góc độ tổ chức, thiết kế và kinh doanh.

Ngành Quản trị Sự kiện mở ra cơ hội làm việc rất phong phú ở nhiều quy mô khác nhau. Đó không chỉ là việc tổ chức các hoạt động du lịch đơn thuần mà còn là việc tổ chức các liên hoan văn hóa nghệ thuật đặc thù, tổ chức các hội nghị, các triển lãm kinh tế và nghệ thuật, các sự kiện thể thao và còn là các sự kiện đời sống thông thường như kế hoạch đám cưới, tiệc tùng. Người học ngành Quản trị Sự kiện còn có thể làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật.

Ngoài ba chuyên ngành đã đề cập, người học ngành du lịch còn có thể chọn các chuyên ngành như: Quản trị Hàng không và sân bay, Nghệ thuật Ẩm thực quốc tế, Thực phẩm và Chế biến chuyên nghiệp, Quản trị lữ hành,... Có thể thấy, dù là đào tạo theo chuyên ngành nào, đặc điểm chung của đào tạo ngành du lịch ở các trường đại học nước ngoài là hướng đến các tiêu chí trong đào tạo lực lượng nhân sự có năng lực chuyên môn cao với các khía cạnh quan trọng là am hiểu văn hóa, định hướng quốc tế và làm việc chuyên nghiệp. Các chương trình đào tạo cũng đều chú ý đến việc mở ra khả năng hoạt động du lịch gắn kết với các lĩnh vực kinh doanh và văn hóa nghệ thuật có liên quan, cũng như mở ra khả năng đi sâu vào phương diện lý luận và nghiên cứu để phát triển nhân sự cấp cao trong ngành.

Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học ở ba trường: Trường Du lịch thuộc Đại học Queensland (Australia), Trường Quản trị Khách sạn, Nhà hàng và Du lịch thuộc Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), Trường Khách sạn và Du lịch London thuộc Đại học Tây London (Anh).

2. Định hướng đào tạo Đại học và Sau đại học

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các trường đều xây dựng mục tiêu đào tạo là phát triển chuyên môn sâu và nâng cao tính ứng dụng. Chương trình đào tạo đều được xây dựng trên cơ sở xác định mối liên hệ bổ trợ giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức trong nhà trường vào một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại. Hoạt động đào tạo ngành du lịch không chỉ là đào tạo nhân sự có thể làm việc trong ngành du lịch (ở cấp phục vụ và cấp quản lý) mà còn hướng đến việc đào tạo nhân sự có năng lực nghiên cứu ở cấp độ chuyên sâu. Ở mỗi cấp bậc đào tạo, các trường đều nêu rõ yêu cầu năng lực mà người học cần đạt được cũng như cơ hội nghề nghiệp cụ thể mà họ có thể tiếp cận được.

2.1. Trường Du lịch thuộc Đại học Queensland (Australia)

Trường Đại học Queensland của Australia được thành lập từ năm 1909. Cho tới nay trường đã phát triển nhiều lĩnh vực đào tạo cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật. Trong số đó đào tạo du lịch là một trong những thế mạnh của nhà trường. Trường Du lịch thuộc Đại học Queensland được xây dựng từ năm 1972, hiện nay trường đã triển khai đào tạo ở cả đại học, cao học và nghiên cứu sinh.

- Ở bậc đại học, nhà trường có các chuyên ngành cử nhân là Quản trị Du lịch, Quản trị Khách sạn và Quản trị Sự kiện. Đặc biệt chương trình đào tạo được xây dựng với định hướng quốc tế với cách nhìn hoạt động du lịch như là một hoạt động mang tính chất toàn cầu. Từ đó chương trình chú trọng đến việc tổ chức hoạt động quản lý dịch vụ du lịch tiếp cận với nền văn hóa toàn cầu. Điều quan trọng là nhà trường định hướng đào tạo nhân sự ngành du lịch am hiểu những vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh như nguồn nhân lực, kế toán, tài chính, thương mại. Với thiết kế gồm 48 đơn vị học trình chuyên môn, chương trình đào tạo của nhà trường xác định tiêu chí kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, đào tạo phát triển chuyên môn sâu cũng như khả năng thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Người học còn được thực hành nghề nghiệp ngay trong quá trình đào tạo khi tham gia các hội thảo, sự kiện, hoạt động du lịch ngay tại địa phương.

- Ở bậc sau đại học, nhà trường tổ chức đào tạo ở cả hệ cao học và hệ nghiên cứu sinh, trong đó chương trình cao học gồm: Chương trình Cao học về Quản trị Du lịch, Khách sạn và Sự kiện và Chương trình Cao học về Lãnh đạo Du lịch. Học viên cần phải tích lũy đủ 24 đơn vị học trình để hoàn thành chương trình đào tạo cao học. Cả hai chương trình đào tạo Cao học này đều hướng đến vệc đào tạo nhân sự theo 4 chuyên ngành là Quản trị Dịch vụ, Phát triển Du lịch, Kinh doanh Du lịch và Quản trị Khách hàng.

+ Chương trình Cao học về Quản trị Du lịch, Khách sạn và Sự kiện

Chương trình cao học này hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực làm quản lý và chuyên môn trong ngành du lịch. Lấy tiêu chí liên kết những gì đã học trước đó với việc trải nghiệm thực tiễn công tác, nhấn mạnh việc cân bằng giữa lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao và phát triển năng lực chuyên môn ở người học. Với mục tiêu hướng đến khả năng nắm bắt xu thế và ứng biến trước thay đổi, người học được chú trọng rèn luyện năng lực thiết kế, xây dựng chiến lược, đề án, dự đoán phát triển trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Phát triển từ chương trình đại học, chương trình cao học thêm nhấn mạnh việc trang bị tri thức chuyên sâu và năng lực hoạt động du lịch quốc tế. Trọng tâm của chương trình là 4/24 đơn vị học trình người học phải tự mình thực hiện đề án nghiên cứu hoặc trải nghiệm nghề nghiệp thực tế.

+ Chương trình Cao học về Lãnh đạo Du lịch

Mục tiêu của chương trình đào tạo nhân sự quản lý cấp cao. Với yêu cầu hoàn thiện năng lực quản lý và hoạch định chiến lược, học viên theo học chuyên ngành này bắt buộc phải thực hiện đề án nghiên cứu hoặc luận văn chiếm đến 8/24 đơn vị học trình (gấp đôi chương trình Cao học về Quản trị Du lịch, Khách sạn và Sự kiện.

Điều đặc biệt trong chương trình đào tạo của nhà trường là các học viên được yêu cầu tự xây dựng kế hoạch học tập của mình dựa trên cơ sở các gói môn học mà nhà trường đã thiết kế dưới sự tư vấn của bộ phận đào tạo. Yêu cầu học viên phải đạt được năng lực hoạch định chiến lược qua quá trình xây dựng đề án nghiên cứu, làm luận văn hoặc trải nghiệm nghề nghiệp thực tế độc lập và riêng biệt của cá nhân hết sức được chú trọng. Đến mức mà trọng chương trình đào tạo cao học, nhà trường đã nhấn mạnh rằng học viên phải trình kết quả do chính mình tạo ra, bất kỳ báo cáo về công việc hay ý tưởng nào bị phát hiện là không phải của mình đều bị xem là “ăn cắp”, là gian lận, đều không được chấp nhận trong nhà trường và phải chịu kỷ luật.

2.2. Trường Quản trị Khách sạn, Nhà hàng và Du lịch thuộc Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ)

Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) được thành lập từ năm 1805. Từ truyền thống lâu đời đó, nhóm ngành du lịch cũng là hướng đào tạo đạt nhiều hiệu quả và có uy tín cao của nhà trường.

- Chương trình đại học của trường Quản trị Khách sạn, Nhà hàng và Du lịch thuộc Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) gồm có 2 chuyên ngành đào tạo cử nhân là Quản trị Du lịch và Quản trị Khách sạn. Ngoài ra còn có 2 chương trình bổ trợ đào tạo về Quản lý Câu lạc bộ và Quản lý Hội nghị và Sự kiện. Chuyên ngành Quản trị Du lịch được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên năng lực quản lý trong ngành du lịch đồng thời còn có thể làm việc trong các lĩnh vực như tổ chức hội nghị, du lịch sự kiện, tổ chức quản lý mục tiêu và điều hành du lịch. Chuyên ngành quản trị Khách sạn có mục đích đào tạo nhân sự quản lý trong ngành khách sạn, bao gồm khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, câu lạc bộ, quán bar, casino,...

- Ở bậc sau đại học, nhà trường cũng đào tạo ở cả hệ cao học với chương trình Cao học về Quản trị Du lịch và Khách sạn quốc tế và hệ nghiên cứu sinh với chương trình Tiến sĩ về Quản trị khách sạn.

Chương trình Cao học có định hướng chuyên sâu nhằm trang bị cho học viên những năng lực làm việc chuyên môn trong ngành công nghiệp du lịch và khách sạn toàn cầu. Nhà trường đề nghị tiêu chí ứng viên phù hợp với chương trình này là những cá nhân đã có kinh nghiệm làm việc quản lý trước đó. Và qua quá trình đào tạo họ sẽ có năng lực để đạt đến những cấp quản lý cao hơn. Chương trình đào tạo hướng đến việc đào sâu vào mọi phương diện của hoạt động quản lý du lịch và khách sạn quốc tế. Người học sẽ được rèn luyện trong những lĩnh vực chức năng quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia và tích lũy được những kỹ năng chuyên nghiệp và sắc bén.

Với chương trình tiến sĩ Quản trị Khách sạn, người học được định hướng tiếp xúc với cấp độ cao nhất trong nghiên cứu. Chương trình đào tạo được thiết kế với định hướng đào tạo nhân sự làm giảng viên trong các trường học đào tạo chuyên ngành du lịch và khách sạn hoặc nhân sự nghiên cứu trong các cơ quan nhà nước hay các tổ chức tư nhân có liên quan. Người học phải hoàn thành 60 đơn vị học trình không có trong chương trình cao học. Trong số đó có 13 đơn vị học trình cho đề cương luận án nghiên cứu cơ sở. Sau đó, nghiên cứu sinh còn phải vượt qua kỳ kiểm tra toàn diện, đề xuất và hoàn thành luận án, cuối cùng là bảo vệ luận án trước hội đồng.

2.3. Trường Khách sạn và Du lịch London thuộc Đại học Tây London (Anh)

Trường Đại học Tây London được thành lập từ năm 1860, hiện nay được xếp vào nhóm những trường đại học uy tín nhất nước Anh. Đào tạo chuyên ngành du lịch là một trong những thế mạnh của Đại học Tây London. Trường Khách sạn và Du lịch London hiện nay phát triển số lượng chuyên ngành phong phú và hướng tới những chuyên ngành hẹp.

- Ở bậc đại học, trường có nhiều chuyên ngành bao gồm: Quản trị Hàng không và Sân bay, Quản trị Sự kiện, Quản trị Sự kiện và Khách sạn, Quản trị Sự kiện và Du lịch, Quản trị Khách sạn, Quản trị Khách sạn và Nghiên cứu Thực phẩm, Nghệ thuật Ẩm thực quốc tế, Quản trị Khách sạn quốc tế, Quản trị Du lịch và Lữ hành, Thực phẩm và Chế biến chuyên nghiệp.

Chương trình đào tạo cử nhân của nhà trường được thiết kế gồm 4 năm, trong đó có 3 năm học tập chuyên môn và một năm làm việc thực tế. Qua đó, người học có điều kiện đưa kiến thức đã học vào thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm làm việc trong ngành của mình. Những sinh viên đã có trãi nghiệm việc làm thực tế phù hợp còn có thể được xét miễn năm học thứ tư.

Cũng như các chương trình đại học ở các trường khác, nhà trường chú trọng đến yếu tố quốc tế trong hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan. Chương trình học được thiết kế để người học nắm vững cấu trúc, bản chất và đặc trưng hoạt động du lịch quốc tế, từ đó có thể vận dụng được kiến thức chuyên môn trong thực tiễn và tham gia nghiên cứu sâu về ngành học của mình.

Chương trình đào tạo của nhà trường đặc biệt thể hiện sự chú trọng tiêu chí vận dụng lý thuyết vào thực hành trong môi trường kinh doanh thực sự. Qua đó, người học có cơ hội nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình trong một năm làm việc thực tế ở các doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành đã chọn lựa.

- Ở bậc đào tạo sau đại học, trường cũng thiết kế nhiều chuyên ngành như: Quản trị Hàng không và sân bay, Quản trị Thực phẩm và Ẩm thực, Quản trị Khách sạn, Quản trị Du lịch, Truyền thông Du lịch. Điều đặc biệt là chương trình đào tạo nghiên cứu sinh của nhà trường đặt ra mục tiêu đào tạo giảng viên để giảng dạy trong các trường chuyên đào tạo nhóm ngành du lịch. Đây cũng là định hướng quan trọng để phát triển nền tảng lý thuyết, lý luận cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của ngành.

Có thể thấy, để thích ứng với nhu cầu và tiến trình phát triển của ngành du lịch, nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã rất chú trọng xây dựng cơ sở đào tạo chuyên ngành này. Ba đại diện mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này có thể xem là những ví dụ cho sự phát triển đó. Điều đáng chú ý có thể nhận thấy là đào tạo ngành du lịch không thể tách khỏi đào tạo năng lực kinh doanh, thương mại. Bên cạnh đó, với việc đặt ngành du lịch ở vị trí là một ngành văn hóa thuộc về khoa học xã hội, các trường đại học đào tạo ngành du lịch cũng chú trọng phát triển nghiên cứu và đào tạo nhân sự nghiên cứu. Định hướng này vừa nhằm để đào tạo ra những nhân sự quản lý cao cấp trong những tập đoàn quy mô toàn cầu, vừa nhằm để đào tạo ra người có năng lực nghiên cứu và am tường chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn để tham gia giảng dạy. Từ đó, hoàn thiện thêm nữa nền tảng của ngành đào tạo đang rất có tiềm năng phát triển này.

           

Tài liệu tham khảo

1.      London School of Hospitality and Tourism,  http://www.uwl.ac.uk/hospitality/London_School_of_Hospitality_and_Tourism.jsp

2.      School of Hotel, Restaurant and Tourism Management, http://www.hrsm.sc.edu/hrtm/

3.      The School of Tourism, http://www.tourism.uq.edu.au/

4.      The University of Queensland (Australia), http://www.uq.edu.au/

5.      University of South Carolina, http://www.sc.edu/

6.      University of West London, http://www.uwl.ac.uk/index.jsp

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60829438
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3160
9068
60829438

Thành viên trực tuyến

Đang có 251 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website