Những nhà sách cũ, cổ xưa nếu được bảo tồn và lưu giữ như một bảo tàng sống động cũng là một điểm đến văn hóa thú vị cho khách du lịch trong và ngoài nước
Trong tâm thức của một người học văn, đã đọc biết bao nhiêu tác phẩm văn học Pháp và của bao nhiêu người yêu nghệ thuật khác, Pháp là niềm mơ ước, mơ mộng, lãng mạn của tuổi trẻ, là "kinh đô ánh sáng", là nơi tập trung tinh hoa của châu Âu và thế giới. Nên khi lần đầu sang Paris, người Việt nào cũng sẽ hỏi: Sông Sein đâu, cầu Mirabeau đâu, nhà thờ Đức Bà Paris đâu, vườn Luxembourg đâu, mộ của Victor Hugo, Balzac, Napoleon đâu, Khải Hoàn môn đâu, bảo tàng Lourve đâu, những quán cà phê mà Hemingway và nhiều nhà văn nhà thơ khác đã từng ngồi đâu… Rất nhiều những kỷ niệm về Pháp được người Việt Nam dệt qua những trang sách và mộng ước cho riêng mình. Riêng tôi, ngoài những địa danh đó, khi đến một nơi nào, để biết về văn hóa của một thành phố, tôi lại thường chọn đi hiệu sách.
Tác giả đứng trước nhà sách Shakespeare and Company, Paris (Ảnh do tác giả cung cấp)
Niềm tự hào của người Paris
Điểm đầu tiên tôi nhận thấy là, các hiệu sách của châu Âu thường nằm ở trung tâm, nên không khó tìm. Hiệu sách tiếng Anh lại càng nhiều và phong phú. Sách châu Âu nhìn chung mắc so với giá cả các mặt hàng khác, so với túi tiền người Việt lại càng mắc. Trung bình một cuốn sách mỏng hơn 100 trang phải có giá trên 10 euro. Sách cũ thì rẻ hơn nhưng không rẻ bằng sách cũ ở Mỹ hay Úc.
Hình nhà văn Hemingway trước nhà sách Shakespeare and Company
Pháp là nơi ở lâu nhất nên tôi hay đi hiệu sách, có mấy hiệu sách lớn ở Pháp mà lại nằm ngay trên con đường đắt đỏ bậc nhất Paris (đại lộ Rivolli) đó là WHSmith và Galignani. Tôi đặc biệt ấn tượng với Galignani vì đây là nhà sách tiếng Anh đầu tiên tại Pháp, thành lập năm 1801 nhưng cội nguồn của nhà sách này là nhà xuất bản Galignani, đã có từ tận năm 1520 khi Simone Galignani xuất bản ở Venice một cuốn sách về ngữ pháp Latin. Tuy nhiên, cuốn sách thành công của họ là cuốn "Geografia" (Địa lý) xuất bản năm 1597, một cuốn sách "best seller" không thể tin được của cả thế kỷ XVI và XVII. Trải qua bốn lần chuyển địa điểm, năm 1856 thì tọa lạc ở số 224 đại lộ Rivolli. Nhà sách Galignani hiện nay không rộng, là một mặt bằng gồm một tầng trệt và một tầng lửng gỗ, không nhiều khách (hay tại tôi đi vào ngày thường), không khí trầm mặc, yên tĩnh, khẽ khàng trong một không gian thanh lịch và thoáng đãng, không nhiều phong vị hoài cổ. Có một cái thang nhôm cho ai muốn lấy sách ở các giá trên cao. Sách được phân loại theo từng khu vực: châu Á, châu Mỹ, châu Âu, theo từng tác giả lớn, theo từng thể loại sách (khoa học, tiểu thuyết, phê bình văn học,…). Có một vài cái ghế dựa cho khách nằm hay ngồi đọc sách thoải mái.
Bên trong nhà sách Galignani - Paris
Nếu muốn hoài cổ và tham quan hiệu sách như một bảo tàng nhiều hơn là mua sách thì có nhà sách Shakespeare and Company, ngay tại trung tâm Paris, cách nhà thờ Đức Bà vài bước chân, là một nơi cực kỳ nổi tiếng. Shakespeare and Company, thành lập năm 1919 (cách đây đúng 100 năm), là niềm tự hào của người Paris mà họ gọi là "Hiệu sách của người Paris" (Parisian Bookstore).
Tác giả trước nhà sách Galignani
Tại sao lại có tên là Shakespeare and Company? Ban đầu, đây là một hiệu sách do Sylvia Beach mở năm 1919, sau đó George Whitman vào những năm cuối 1950 sau khi Sylvia qua đời đã mở lại hiệu sách này đúng vào năm kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Shakespeare.
Vài suy nghĩ cho chúng ta
Muốn vào hiệu sách đôi khi bạn phải xếp hàng, bất kể ban ngày hay buổi tối, bất kể ngày thường hay cuối tuần, đều đông khách. Nếu quá đông khách thì vui lòng đứng ngoài chờ, khi bớt đông mới được vào. Đập vào mắt khách sẽ là kệ sách về Beat (tức Beat Generation: Beatnik: thế hệ đập phá của thập niên 1950). Sau đó là sách về Lost Generation (thế hệ lạc lối thập niên 1920). Hiệu sách là một ngôi nhà cũ kỹ, lên cầu thang bằng gác gỗ, ngoắt nghéo qua nhiều gian phòng nhỏ, đi có khi đụng trần nếu ai cao quá 1,8 m. Mỗi gian phòng trưng bày sách, chủ yếu là sách cũ (nhưng không rẻ). Cách sắp xếp sách cũng khá khoa học, ví dụ gian sách về Hemingway, về Shakespeare (dĩ nhiên), về chiến tranh thế giới 1 và 2, về nghệ thuật, về sinh học, về lịch sử…
Ở mỗi góc phòng, hay trên cầu thang, đều có nhiều hình ảnh ố vàng các nhà văn từng đến đây, ở đây, như E. Hemingway, F. Scott Fitzgerald, James Joyce, Henry Miller… Nhà sách chủ yếu để tham quan và đọc miễn phí, nhiều góc có ghế ngồi, dù đông nhưng rất yên tĩnh. Bên cửa sổ, cạnh chậu hoa, có một con mèo đang nằm, một cậu bé ngồi đọc Hamlet. Hiệu sách không cho chụp ảnh, nếu không, những khoảnh khắc như vậy đã vào ống kính của tôi.
Cách thức hoạt động của những nhà sách nổi tiếng của Pháp đem lại cho những khách Việt chúng ta không ít suy nghĩ. Những nhà sách cũ, cổ xưa nếu được bảo tồn và lưu giữ như một bảo tàng sống động có lẽ cũng là một điểm đến văn hóa thú vị cho khách du lịch trong và ngoài nước. Những ai đã từng đến cà phê Lâm Hà Nội có lẽ sẽ thú vị khi nhìn những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện có đến hai cà phê Lâm và nhiều người không biết "Lâm" nào là Lâm chính gốc và giá mà có ý thức gìn giữ thì chúng ta còn nhiều địa chỉ văn hóa như thế nữa…
Trần Lê Hoa Tranh
Nguồn: báo Người lao động, ngày 12.9.2019.