Tình hình sưu tầm và diện mạo văn học dân gian Vĩnh Long

Tóm tắt: Bài viết được thực hiện dựa vào kết quả sưu tầm điền dã văn học dân gian tại tỉnh Vĩnh Long trong hai đợt (năm 2013 và 2014, mỗi đợt 2 tuần) của giảng viên và sinh viên Khoa Văn học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Tổng cộng số đơn vị tác phẩm mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến 2.750 đơn vị, số cộng tác viên các nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh 1.976 người. Sau khi lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý chúng tôi giữ lại được văn bản tác phẩm của các thể loại câu đố, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ma, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao và vè. Ở bài viết này, sau khi giới thiệu qua về quá trình sưu tầm thu thập tư liệu, chúng tôi tập trung giới thiệu những đặc trưng về diện mạo và số lượng, chất lượng các tác phẩm ở mỗi thể loại riêng biệt. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn của chúng tôi về việc cần phải kịp thời sưu tầm, lưu giữ và xuất bản nguồn tư liệu văn hóa quý báu này của dân tộc từ tất cả các địa phương khác ở vùng Nam Bộ.

Từ khóa: Văn học dân gian, Vĩnh Long, sưu tầm, điền dã


1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, việc sưu tầm, lưu giữ và nghiên cứu văn học dân gian luôn luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà folklore học, xuất phát từ nhiều quan điểm và những mục tiêu khác nhau qua các thời kỳ ở các quốc gia. Với anh em Grimm tại Đức vào thế kỷ XIX, đó là khơi dậy lòng tự tôn về ngôn ngữ và văn hóa của người Đức, như một sự tự vệ về mặt tinh thần trước sự chiếm đóng quân sự của nước Pháp tại Đức. Tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến các học giả lớn của Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Huyên … đã trưng dụng văn hóa, văn học dân gian để xây dựng một căn tính dân tộc, như một thứ đề kháng bằng học thuật trong hoàn cảnh thuộc địa của đất nước. Thế thì vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI này, mối quan tâm đến văn hóa dân gian cổ truyền có còn trở nên bức thiết nữa hay không? Câu trả lời là có; vì thế giới đang đứng trước một vấn đề mới: toàn cầu hóa. Sự xóa nhòa nhiều khoảng cách ngôn ngữ, địa lý, kinh tế, văn hóa đã dẫn giới trẻ Việt Nam đương đại đứng trước nỗi băn khoăn về bản sắc, hình thành một khuynh hướng về nguồn trong nhiều khía cạnh của đời sống như trang phục, phim ảnh, âm nhạc, sáng tạo nghệ thuật, v.v.. Ngay từ khi xuất phát, folklore học đã khai sinh một sự đề cao giá trị bản địa đối lập với sự thống trị của giá trị phổ quát đang lên ngôi; ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị bản địa lại dần phục sinh như một khát vọng cội nguồn và căn cước luôn ăn sâu trong bản tính người. 

Đối với nước ta, từ lâu văn học dân gian đã được xem là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, do đó những chuyến sưu tầm điền dã đã liên tục diễn ra từ vài mươi năm nay trên khắp mọi miền đất nước, tập trung mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng và miền núi Bắc Bộ, bằng chứng là các tuyển tập văn học dân gian đồ sộ của các tỉnh phía Bắc đã được công bố sau quá trình miệt mài sưu tầm của những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, văn học dân gian của vùng đất mới Nam Bộ thì lại chưa được quan tâm khai thác và lưu giữ nhiều như ở các vùng miền khác. Nhằm thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận lấy sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ và công bố phần di sản quý giá này của dân tộc. Đồng thời trên cơ sở tài liệu thu thập được, chúng tôi còn tiếp tục nghiên cứu và giáo dục sâu rộng cho sinh viên những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại qua những câu ca, điệu hát, qua những câu chuyện kể lịch sử, những bài vè, những câu tục ngữ, thành ngữ…

Kể từ năm 1999 đến nay, khoa Văn học đã liên tục thực hiện các đợt sưu tầm điền dã mỗi năm mỗi đợt từ hai đến ba tuần, mỗi tỉnh từ hai đến ba đợt, gồm các tỉnh thuộc hai vùng văn hóa Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là chương trình thực tập thực tế, một môn học bắt buộc, một kỹ năng cần có cho sinh viên ngành Văn học chính quy dưới sự hướng dẫn của giảng viên khoa Văn học. Chúng tôi đặt nhiệm vụ cho mình là phải triển khai sưu tầm tối đa vốn liếng văn học dân gian của toàn bộ các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Các đợt khảo sát thực tập thực tế về các tỉnh thành được triển khai vừa theo diện rộng vừa có trọng điểm nhằm mục đích sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu và đánh giá về vốn văn hóa truyền thống, cụ thể là trữ lượng văn học dân gian của các địa phương về phương diện số lượng, chất lượng văn bản, những đặc điểm đặc trưng có tính vùng miền trong tác phẩm cả về mặt nội dung lẫn đặc điểm nghệ thuật.

Vĩnh Long cũng là một trong những tỉnh trọng điểm của miền Tây Nam Bộ nằm trong kế hoạch sưu tầm và lưu giữ văn học dân gian Nam Bộ của chúng tôi. Do vậy, trong hai năm liên tiếp là 2013 và 2014, chúng tôi đã cho triển khai thực tập điền dã nhằm sưu tầm vốn liếng văn học dân gian của tỉnh nhà hiện còn tồn tại trong trí nhớ của người dân địa phương. Qua hai đợt sưu tầm điền dã trên diện rộng, phỏng vấn trực tiếp gần 2000 cộng tác viên, chúng tôi đã thu về số lượng tài liệu thô đáng kể với nhiều thể loại có nội dung tiêu biểu cho tính địa phương và tính vùng miền của văn học dân gian.

2. Tình hình sưu tầm điền dã và số lượng sản phẩm thu được

Kể từ khi anh em nhà Grimm đặt những nền móng đầu tiên và khai mở cho một ngành học thuật mà sau đó sẽ lan rộng trên toàn châu Âu nói riêng và nhiều vùng đất trên thế giới nói chung là folklore học, công tác sưu tầm, điền dã và nghiên cứu di sản dân gian đã thu về những thành tựu đáng kể cả về phương pháp luận lẫn khối lượng tư liệu khổng lồ. Công trình của chúng tôi tại Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung thừa hưởng những thành tựu về phương pháp sưu tầm điền dã theo định hướng dân tộc học đó, đồng thời công trình cũng có nhiều thuận lợi về quy mô, nhân lực, chuyên môn, sức bền… mà ít dự án sưu tầm văn hóa nào có được. 

Vào tháng 3 năm 2013 và tháng 2 năm 2014,  chúng tôi triển khai một đợt thực tập gồm hai tuần đến tỉnh Vĩnh Long với phương án chia nhỏ nhóm sinh viên, chia nhỏ địa bàn cho tiện đi lại và sưu tầm. Có lẽ do địa bàn tỉnh khá gần với Thành phố Hồ Chí Minh và điều kiện đi lại rất thuận lợi nên Vĩnh Long cũng là một tỉnh phát triển mạnh mẽ về kinh tế và hiện đại về văn hóa xã hội, do đó trữ lượng văn học dân gian mà chúng tôi sưu tầm được ở đây trong hai năm không dồi dào bằng những đợt điền dã mà chúng tôi tiến hành ở ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu hay An Giang.

Quá trình sưu tầm đợt 1 diễn ra từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2013, 163 sinh viên ngành Văn cùng với 10 cán bộ hướng dẫn là giảng viên trong Khoa chúng tôi chia làm 12 tổ tiến hành việc sưu tầm tại 12 xã trong tỉnh. Tại thành phố Vĩnh Long, sinh viên tập kết tại 3 xã: Tân Hòa, Tân Ngãi và xã Trường An, 4 tổ sinh viên ở huyện Long Hồ thì được chia về thị trấn Long Hồ và các xã Thanh Đức, Long Phước, Long An. Huyện Tam Bình, do tính chất địa bàn rộng và tương đối sâu hơn hai địa bàn còn lại nên hy vọng sẽ còn lưu trữ được nhiều tác phẩm, do vậy chúng tôi đưa về đây 5 tổ sinh viên ở tại thị trấn Tam Bình và các xã như Song Phú, Long Phú, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc. Quá trình sưu tầm đợt 2 từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 26 tháng 2 năm 2014 với 144 sinh viên chia làm 11 nhóm tập kết tại các xã Trung Thành, Trung Hiếu, Hiếu Phụng, và Tân An Luông thuộc huyện Vũng Liêm; các xã Mỹ Thiện, Lục Sĩ Thành và Phú Thành thuộc huyện Trà Ôn; các xã Tân Long và Chánh Hội thuộc huyện Mang Thít; Đông Thành và Đông Thuận thuộc thị xã Vĩnh Long. Qua hai đợt sưu tầm điền dã tại 23 xã và thị trấn của tỉnh Vĩnh Long, tổng cộng đơn vị tác phẩm văn học dân gian mà chúng tôi thu được còn ở dạng thô lên đến 2.750 đơn vị, số cộng tác viên các nhóm tiếp xúc được trong toàn tỉnh 1.976 người.

Về phương pháp xử lý tư liệu, chúng tôi chọn cách phân loại văn học dân gian Vĩnh Long theo ba loại hình cơ bản, đã được nhóm Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1977: tr.7-8) đề xuất, bao gồm: lời ăn tiếng nói dân gian; tự sự dân gian và trữ trình dân gian (riêng loại hình sân khấu dân gian chúng tôi không ghi nhận được trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong mỗi loại hình, chúng tôi tiếp tục phân loại theo các thể loại xuất hiện tại Vĩnh Long, gồm: tục ngữ, câu đố (loại hình lời ăn tiếng nói dân gian), truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện ma (loại hình tự sự dân gian), vè (giao thoa giữa tự sự và trữ tình dân gian, trong đó đặc trưng tự sự trội hơn), da dao (loại hình trữ tình dân gian). Việc tuyển chọn tác phẩm trải qua rất nhiều khâu, trước tiên chúng tôi loại bỏ số tác phẩm trùng nhau nhiều lần, chỉ giữ lại bản đầy đủ nhất, giữ lại những câu bài là dị bản của nhau, những tác phẩm chưa hoàn chỉnh nội dung hoặc nội dung và từ ngữ khó hiểu mà không thể làm rõ được thì chúng tôi cũng loại bỏ. Những tác phẩm thuộc vùng miền khác, tỉnh khác một cách rõ ràng (ví dụ cốt truyện liên quan đến lịch sử vùng đất, tên địa danh, nhân danh xuất hiện trong bài, tiếng địa phương, văn hóa đặc trưng của địa phương…) cũng được chúng tôi loại ra. Sau khi có được văn bản những tác phẩm đã được tinh chọn, chúng tôi mới bắt đầu phân loại theo nội dung, chủ đề của từng thể loại.

Ở mỗi thể loại, trước khi trình bày phần tác phẩm sưu tầm đã được chỉnh lý, chúng tôi có giới thiệu đôi nét về diện mạo chung của nội dung và số lượng đơn vị tác phẩm trong từng tiểu loại hoặc đề tài của thể loại đó. Cuối phần tác phẩm sưu tầm của mỗi thể loại, chúng tôi đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho chúng tôi những tác phẩm trên. Để có được thành phẩm cuối cùng là một tuyển tập văn học dân gian hoàn chỉnh của tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi phải trải qua rất nhiều khâu trong quá trình xử lý tư liệu và thường chỉ giữ lại khoảng 30 đến 50 phần trăm khối lượng tài liệu thô thu về ban đầu. Từ nguồn tài liệu sau khi chỉnh lý và phân loại, chúng tôi sẽ khái quát đôi nét về diện mạo văn học dân gian của vùng đất này.

3. Khái quát diện mạo văn học dân gian Vĩnh Long qua tài liệu sưu tầm điền dã 

3.1. Loại hình lời ăn tiếng nói dân gian: tục ngữ và câu đố

3.1.1. Thể loại tục ngữ

Sau khi chỉnh lý, chúng tôi phân loại và sắp xếp tục ngữ Vĩnh Long dựa vào cách phân loại tục ngữ của Nguyễn Xuân Kính và cộng sự (2002)[1]. Qua đó, tục ngữ Vĩnh Long có hầu như các đề tài cơ bản của tục ngữ cả nước, bao gồm bốn chủ đề lớn: Giới tự nhiên và quan hệ của con người với giới tự nhiên (56 câu, 3/4 tiểu chủ đề[2]); Con người - đời sống vật chất (45 câu, 8/9 tiểu chủ đề); Con người - đời sống xã hội (136 câu, 18/19 tiểu chủ đề); Con người - đời sống tinh thần  (254 câu, 38/43 tiểu chủ đề).

Có thể nói, tục ngữ là một thể loại khá phát triển ở Vĩnh Long với 494 đơn vị sưu tầm được từ 314 cộng tác viên. Trong đó, nhóm tục ngữ về “con người và đời sống xã hội” và “đời sống tinh thần, những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ” có số lượng cao hơn hẳn so với hai nhóm còn lại - “giới tự nhiên, quan hệ của con người với giới tự nhiên” và “con người - đời sống vật chất” (136 và 254 đơn vị so với 56 và 48 đơn vị). Hầu hết tục ngữ Vĩnh Long vẫn là những câu tục ngữ quen thuộc trên khắp mọi miền đất nước, đã xuất hiện nhiều trong các bộ sưu tập tục ngữ truyền thống. Điều này cho thấy một hiện tượng là: kho tàng tục ngữ truyền thống khi vận động đến thời hiện đại (thời điểm mà chúng tôi đi điền dã) thì các câu tục ngữ về mảng đời sống xã hội và đời sống tinh thần được giữ lại nhiều hơn mảng về tự nhiên và đời sống vật chất. Lý do nằm ở chỗ: nhu cầu về việc dự báo thời tiết bằng cách quan sát tự nhiên, hay nhu cầu về kinh nghiệm nông nghiệp qua tục ngữ ngày càng giảm cùng với sự đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sự đổi mới nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Các đồ dùng truyền thống thuộc về “đời sống vật chất” cũng ít trở nên quen thuộc hơn, nên sự sút giảm của mảng tục ngữ này cũng dễ hiểu. Trong khi đó, đời sống tinh thần và xã hội, những vấn đề mà con người phải đối diện với tha nhân, với cộng đồng, lại bền vững, ít thay đổi hơn theo thời gian.

Là “túi khôn” của dân gian, tục ngữ Vĩnh Long đúc rút những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nhìn người và xét đoán sự việc qua đó giúp người nghe hiểu đời hơn, có thái độ và cách ứng xử phù hợp hơn với các tình huống trong đời sống. Đó có thể là lời khuyên về giá trị của sức lao động (“Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”), về sự thận trọng trong nói năng (“Vàng thì thử lửa thử than; Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời”), về lối sống tử tế (“Nghèo không hèn, sang không lối”)… Ngoài ra, một bộ phận tục ngữ còn đề cập đến những “thói đời”: “Tham giàu phụ khó; Tham phú phụ bần”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Của người bồ tát, của mình lạt buộc”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”… Những câu tục ngữ trên chỉ ra những mặt tiêu cực trong đời sống, thoáng chút cảm thán, thở dài; song ở một khía cạnh khác lại có giá trị nhận thức, phê phán, qua đó giúp ta trải đời, hiểu đời hơn.

Tục ngữ phản ánh cách nghĩ, cách nhìn đời giản dị mà không kém phần sâu sắc của người bình dân. Đặc biệt, qua bộ phận tục ngữ về đời sống tinh thần, ta thấy toát lên một nhân sinh quan tích cực của con người Vĩnh Long: coi trọng con người (“Một mặt người bằng mười mặt của”), coi trọng học vấn và tri thức (“Một kho vàng không bằng một nang chữ”), quan tâm đến thể diện và giá trị đích thực của cá nhân (“Vàng thật không sợ lửa”), đề cao phẩm giá (“Lấy đức dụ người quân tử, lấy tiền dụ kẻ tiểu nhân”)

Trên phương diện hình thức biểu đạt, tục ngữ Vĩnh Long vẫn nằm trong những mô hình của tục ngữ truyền thống. Tồn tại nơi “cửa miệng”, gắn chặt với hoạt động giao tiếp, nói năng hằng ngày, tục ngữ có hình thức ngắn gọn, đăng đối, vần điệu nhịp nhàng, nhờ đó mà dễ ghi nhớ, dễ lưu truyền. Với độ dài co dãn từ tối thiểu là 4 chữ đến tối đa là 2 cặp lục bát, tục ngữ có sự súc tích của một thứ “chân lý” đã được đúc rút qua thời gian, gây nên ấn tượng về sự đáng tin cậy, vì vậy sẽ được người bình dân sử dụng để “viện dẫn” trong những lập luận của mình. Đa phần tục ngữ Vĩnh Long vẫn là những câu phổ biến trong cả nước, nhưng đâu đó vẫn có dáng dấp của cá tính Nam Bộ qua những cách diễn đạt có phần bộc trực, thô mộc của lời nói hàng ngày: “Chung nhau thì giàu, chia nhau thì khó”, “Hay thì khen, hèn thi chê”, “Ở xó chuồng heo hơn là theo phía vợ”…

3.1.2. Thể loại câu đố

Câu đố cũng là một thể loại khá phát triển tại Vĩnh Long với 591 đơn vị sưu tầm được từ 188 cộng tác viên. Lấy tiêu chí là đối tượng đố, chúng tôi phân loại câu đố Vĩnh Long thành các nhóm: câu đố về các hiện tượng tự nhiên (69 câu), về các công trình kiến trúc (11 câu), về loài vật (92 câu), về các loài cây (80 câu), về củ quả (67 câu), về các loài hoa (8 câu), về các loại bánh (13 câu), về địa danh (1 câu), về dụng cụ học tập (14 câu), về danh nhân (15 câu), về chữ nghĩa (5 câu), về con người (4 câu), về các đồ vật (176 câu), về các sự việc trong cuộc sống (36 câu). Như vậy, các câu đố về tự nhiên vẫn chiếm vị trí áp đảo phản ánh một cuộc sống lấy nông nghiệp và trồng trọt làm hình thức kinh tế chính của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Qua câu đố Vĩnh Long, ta thấy hiện lên một nếp sống dân dã, còn gần gũi với ruộng vườn, hoa trái, các loài vật nuôi, các món ăn và những sinh hoạt thôn quê.

Câu đố Vĩnh Long nằm trong khuôn khổ câu đố truyền thống không chỉ ở đối tượng mà còn ở hình thức thể hiện. Căn cứ theo sự phân loại của Nguyễn Văn Trung (1991: tr.95-106), câu đố Vĩnh Long bao hàm cả những câu đố trực tiếp và câu đố gián tiếp. Câu đố trực tiếp là những câu đố không sử dụng so sánh, ví, hay dùng hình ảnh, ẩn dụ, chẳng hạn như “Con gì bé tí/ Đi lại từng đàn/ Kiếm được mồi ngon/ Cùng tha về tổ” (Con kiến).

Loại đố gián tiếp sử dụng lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ được thể hiện đưới các hình thức là phạm trù nghịch lý, phạm trù quái dị và phạm trù cái tục. Phạm trù nghịch lý được sử dụng rất phổ biến, qua việc thể hiện những đặc điểm có vẻ mâu mẫu, đối chọi nhau của sự vật, chẳng hạn như “Con gì khi sống thì vô ích mà khi chết thì có ích” (Con tằm); “Đứng thì nằm, nằm thì đứng” (Cái chân); “Nắng ba năm ta không bỏ bạn/ Mưa một ngày bạn lại bỏ ta” (Cái bóng). Phạm trù quái dị được sử dụng là khi người nói biến đồ dùng thành con vật, con người và gán cho nó những bộ phận, hành động kì lạ. Chẳng hạn như câu đố “Đi le lưỡi, về le lưỡi” sử dụng biện pháp nhân hóa đã biến đối tượng “cái lưỡi cày” thành một sự vật lạ lùng làm thách thức tư duy người nghe. Hay như câu “Đầu thì trọc lóc/ Tóc thì mọc trong/ Hai dây thòng lòng/ Nhà nào cũng có” gợi đến một hình ảnh quái dị; song qua liên tưởng ẩn dụ thì đáp án là “cái bóng đèn”. Phạm trù cái tục được thể hiện qua những câu đố tục giảng thanh với sự miêu tả gợi liên tưởng đến các bộ phận hoặc hình vi tính dục, nhưng đáp án lại là những sự vật hoặc hành động khác, chẳng hạn như: “Trên lông dưới lông/ Chờ cho trời tối nằm chồng lên nhau” (Đôi mắt) hay “Manh manh muốt muốt/ Đút vào lỗ ngay/ Bên ngắn bên dài/ Cái cao cái thấp” (Xỏ kim).

Bên cạnh những câu đố hình thành từ sự quan sát, liên tưởng, câu đố Vĩnh Long còn có những câu đố gắn với các thể loại văn học dân gian khác như ca dao, thần thoại, và có cả hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương được vận dụng/ sử dụng để đố. Chẳng hạn như câu đố “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con vẽ mặt làm đào má coi” vốn là hai câu ca dao nay trở thành một câu đố về nghề nghiệp với đáp án là “Hát bội”. Câu đố “Quê em ở chốn đảo xa/ An Tiêm thuở ấy làm quà tặng vua?” đòi hỏi người nghe đố phải biết truyện thần thoại “Sự tích dưa hấu” để có đáp án chính xác. Câu thơ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” của Hồ Xuân Hương được dân gian vận dụng để đố về viên phấn trong câu “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Viết bao nhiêu chữ em mòn bấy nhiêu”. Bài thơ về trái mít của Hồ Xuân Hương được dùng lại với dạng rút gọn để đố: “Thân em mốc lại xù xì/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Đừng mân mó nhựa ra tay”… Với sự vận dụng linh hoạt trên, ta thấy sự giao thoa thể loại trong phạm vi văn học dân gian, sự ảnh hưởng qua lại giữa hai dòng văn học dân gian và văn học viết, cũng như chất trí tuệ, bác học của bộ phận câu đố dân gian cho thấy thành phần sáng tác của nó không chỉ gói gọn trong những người bình dân, nông dân mà cả những trí thức, những nhà Nho sống ở thôn quê.

Câu đố là một thể loại cận văn học, mục đích chính của nó không nhằm khơi dậy những hứng thú và cảm xúc thẩm mĩ qua việc phô diễn đời sống tâm hồn, tình cảm con người mà là nhằm mài dũa về mặt nhận thức, lí tính, trí tuệ - một dạng trí khôn bình dân hồn nhiên trong những liên tưởng thú vị, hài hước. Tuy nhiên với một số lượng khá dồi dào cho thấy nó đã từng là một sinh hoạt giải trí khá sôi nổi, lành mạnh, có tính gắn kết cộng đồng của người dân Vĩnh Long.

3.2. Loại hình trữ tình dân gian: thể loại ca dao

Sau khi chỉnh lý và phân loại, chúng tôi giữ lại được 1.156 câu ca dao Vĩnh Long, được cung cấp bởi 391 cộng tác viên. Có thể thấy nội dung ca dao Vĩnh Long cũng chứa đựng hầu hết các chủ đề chung của ca dao cả nước như tình yêu quê hương, yêu lao động, yêu đất nước, con người, tình yêu trai gái, tình cảm gia đình và những suy tư của người lao động về những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống. Ở đây chúng tôi tập trung giới thiệu những câu ca dao đặc sắc riêng có của Vĩnh Long với sự xuất hiện của các địa danh hay sản vật địa phương nơi này.

Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu với hàng vạn hecta đất phù sa ngọt ven hai con sông này. Cũng như tất cả các tỉnh khác thuộc miền Tây Nam Bộ, Vĩnh Long là vùng đất của sông suối ao hồ, của kênh rạch, của phù sa, của đất đai phì nhiêu màu mỡ và của cây cối tươi xanh. Đất sao thì người vậy, con người của vùng đất này cũng phóng khoáng, tươi tắn như đã được phù sa tưới tắm từ bao nhiêu đời nay. Cái phì nhiêu của đất, cái tươi xanh của cây cối, cái tươi vui hiền hòa của con người đất Vĩnh cứ thế mặc nhiên đi vào văn học, thành những câu hát dân gian được lưu đến muôn đời:

Vĩnh Long đất lịch người xinh

Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương.

     Hay

Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh

Quyện lòng du khách gợi tình nước non.

Vĩnh Long còn là vùng đất của cù lao do địa bàn bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch. Sông Tiền và sông Hậu chảy ra biển Đông qua vùng đất Vĩnh Long làm nổi lên nhiều cù lao lớn nhỏ như An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Quới Thiện, Lục Sĩ Thành… đây là những vùng trồng cây ăn trái trù phú, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Niềm tự hào về những sản vật thiên nhiên như các giống gạo ngon, những vườn cây trái và các loại hải sản cũng là một đề tài được ca dao Vĩnh Long thường xuyên nhắc đến:

Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh

Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm.

Dưới sông cá bạc, tôm vàng

Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui.

Trong số những cù lao ở Vĩnh Long, có lẽ An Bình là nơi được ca dao nhắc đến nhiều nhất và hiện nay cũng là một trong những cù lao thường xuyên đón khách du lịch từ nơi xa đến viếng thăm. Đây là một cù lao “nho nhỏ xinh xinh” theo cách nói của dân địa phương, gởi gắm trong đó là niềm yêu mến tự hào. Nhiều khu du lịch khang trang đã được xây dựng trên cù lao này và ngày càng triển khai thêm nhiều loại hình giải trí để phục vụ du khách được chu đáo hơn:

Bình Lương gió lộng về chiều,

Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.

Đò dọc rồi lại đò ngang,

Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình.

     Hay:

An Bình đất mẹ cù lao,

Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.

Khách về nhớ mãi trong lòng,

Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang.

Bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên, sản vật phong phú được tự nhiên trao tặng, Vĩnh Long còn là một tỉnh anh hùng với bề dày lịch sử đáng tự hào. Còn lưu lại ở các địa phương trong tỉnh là những di tích lịch sử như thành Long Hồ, Công Thần Miếu Vĩnh Long, đình Tân Giai, đình Tân Hoa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, hay mới nhất là khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng… Mỗi công trình kiến trúc này là một nốt son trong lịch sử với những chiến công của con người và vùng đất Vĩnh Long - xứ sở của địa linh nhân kiệt - đã ghi dấu công lao trong sự nghiệp đấu tranh và dựng xây nước nhà. Cho nên khi đến với Vĩnh Long ta vẫn được nghe người dân ở đây truyền nhau câu ca:

Long Hồ là xứ địa linh

Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng.

Khi nói về nhân vật lịch sử, ca dao Vĩnh Long thường hay nhắc đến “cặp rồng vàng” - là niềm tự hào của vùng đất hiếu học Vĩnh Long xưa:

Vĩnh Long có cặp rồng vàng,

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần.

Cụ Phan Thanh Giản (Phan Tuẫn Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long, về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa được sinh ra ở đất Vĩnh Long là một người có tài học cao và là một trong những người có nhiều đóng góp cho nền văn học miền sông Hậu.

Nếu có dịp về qua huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe nhân dân ở đây giới thiệu về một di tích lịch sử với thái độ đầy tôn kính, đó chính là đền thờ của một Ông Lớn (như cách gọi của nhân dân nơi đây) - là một người có nhiều công trạng với nhân dân và vùng đất này thời chúa Nguyễn:

Lịch thay địa phận Trà Ôn

Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay.

     Hay:

Đất Giồng Thanh Bạch xưa kia

Có đền Ông Lớn với bia lưu truyền.

Đó là miếu thờ Thạch Duồng - một người gốc Khmer, quê ở Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính họ Nguyễn, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Tồn. Ông được nhân dân Trà Ôn tôn kính như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi vùng đất này và được nhân dân lập miếu thờ để đời đời hương khói. Hằng năm, vào các ngày mồng 3 và mồng 4 tháng giêng âm lịch, người dân Trà Ôn đều tổ chức giỗ ông với nhiều nghi thức truyền thống độc đáo và long trọng.

Trong số những câu ca dao sưu tầm được ở Vĩnh Long, chúng tôi thấy nổi bật nhất là những câu ca dao viết về đề tài tình yêu nam nữ. Dường như tình yêu nam nữ luôn luôn là một đề tài lớn, là một lăng kính được chiếu soi qua tất cả những đề tài khác trong ca dao. Trong những câu ca tại vùng đất này, chúng tôi thấy niềm tự hào về những thắng cảnh của địa phương và những đặc sản thiên nhiên trù phú của người dân Vĩnh Long còn gắn liền với tình yêu trai gái:

Cù lao An Bình vườn cây xanh mát

Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông

Thương em chỉ để trong lòng

Biết bao ngày đợi, tháng trông mỏi mòn.

Bao giờ cũng vậy, yêu quê hương đất nước nghĩa là yêu cả những con người được sinh ra trên mảnh đất quê hương ấy. Cái bát ngát mênh mông của thiên nhiên xứ sở cũng như cái chứa chan tràn đầy trong tình yêu của trai gái dành cho nhau. Và cũng chẳng có cách ví von nào giản dị mộc mạc hơn ca dao khi nhung nhớ yêu thương trong tình lứa đôi được ví với sự ngọt ngào của vườn cam sai quả hay sự sung túc tràn trề của đàn cá đang bơi:

Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả

Rạch Cái Cá, cá lội thành đàn

Lòng tôi tha thiết yêu nàng

Như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi.

Hay đâu đó là những hình ảnh ví von tưởng chẳng ăn nhập gì với nhau giữa những chuyến đò đông với cái cô đơn trong tình yêu nam nữ. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể thấm thía hơn con người Vĩnh Long khi đứng trước cái nhộn nhịp tấp nập của quê hương từ đám lục bình trôi dưới sông đến những chuyến đò đưa người sang đất cù lao, để rồi gặm nhấm cái cô đơn trống trải trong lòng mình khi không còn người yêu thương bên cạnh:

Đò đưa mấy chuyến An Bình

Lục bình còn có bạn, sao chúng mình lẻ đôi?

Rồi cái tình yêu ấy mai này lớn lên như tình yêu xứ sở, lời thề thủy chung của những con người mộc mạc đất phương Nam cũng trở nên bất diệt trường tồn như phù sa cứ mãi đắp bồi, làm nên một vùng đất Vĩnh Long chan chứa tình yêu:

Sông Mang Thít có dòng nước xoáy

Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung

Người đi mang nỗi nhớ nhung

Sông nầy vẫn giữ thủy chung với người.

3.3. Loại hình tự sự dân gian: các thể loại truyện truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười và truyện ma

Truyện kể dân gian Vĩnh Long vào những năm đầu của thế kỷ 21 này được sưu tầm trong hai năm 2013 và 2014 có số lượng khá hạn chế, số truyện tuyển chọn được là 177 truyện. Nguyên nhân là từ các yếu tố địa-lịch sử, địa-kinh tế, địa-xã hội và địa-văn hóa của tiểu vùng văn hóa Sài Gòn Gia Định - Tân An - Mỹ Tho đã sớm phát triển từ trước và nay những vấn đề kinh tế xã hội văn hóa địa phương đã và đang được nhà nước đầu tư phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ về mọi mặt. Tiểu vùng văn hóa Tây Nam Nam Bộ này nằm ở thế đối xứng với tiểu vùng văn hóa Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - Tây Ninh, cả hai đều trực thuộc và bao quanh vùng đất của trấn Gia Định khi xưa. Thử làm một phép so sánh với thực trạng sưu tầm truyện kể dân gian cách đấy 10 năm (2004-2005) tại tỉnh An Giang là 621 truyện, thì con số 177 truyện tinh chọn được ở tỉnh Vĩnh Long (2013-2014) đã nói lên vấn đề mai một trầm trọng trữ lượng văn học dân gian địa phương / vùng, miền là đáng được các giới quan tâm lên tiếng báo động ở cấp cao nhất có thể. Về phân chia thể loại, trong 177 truyện này không có thể loại thần thoại, gồm các thể loại truyện kể dân gian chính yếu như sau:

+ Thể loại truyền thuyết có 25 truyện gồm đủ các nhóm: truyện về thời khai hoang mở đất, truyện về nhân vật anh hùng, truyện về địa danh lịch sử-văn hóa, truyện về tín ngưỡng-phong tục, và truyện về phong vật địa phương;

+ Thể loại truyện cổ tích thật ít ỏi với 35 truyện trong đó tiểu loại truyện cổ tích loài vật có 6 truyện, tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ có 4 truyện và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt có 25 truyện;

+ Nhóm truyện về thế giới ma quỷ có 16 truyện;

+ Thể loại truyện cười nhiều nhất với 94 truyện trong đó có 15 truyện cười kết chuỗi và 79  truyện cười không kết chuỗi;

+ Thể loại truyện ngụ ngôn có 7 truyện với hai chủ đề phổ biến.

Về 25 truyện truyền thuyết, đặc sắc nhất là nhóm 12 truyền thuyết địa danh như: gắn với thời khai hoang mở đất có các truyện Sự tích sông Bưng Trường và cầu Vỉ, Sự tích Bến Đổi, Sự tích vùng đất Nông Thành; gắn với thời Tây Sơn-Nguyễn Ánh có truyện Sự tích sông Mang Thít, Sự tích Gò Ân, Sự tích chùa Vĩnh Lạc; gắn với thời kháng chiến chống xâm lược Pháp-Mỹ có các truyện Sự tích các cây cầu, Sự tích cù lao Lục Sĩ Thành, Sự tích chợ Mã Tấu,…; nhóm truyền thuyết về tín ngưỡng phong tục có các truyện suy nguyên về lễ cúng trăng và tục đua ghe ngo của người Khmer, tục thờ Cá Ông và tục treo bùa nêu ngày Tết nguyên đán của người Việt; truyền thuyết về phong vật có 2 truyện về tên gọi hai đặc sản địa phương là bưởi Năm Roi và vú sữa Lò Rèn...      .  

Phần truyện cổ tích có 35 truyện cổ tích gồm đủ ba tiểu loại: 6 truyện cổ tích loài vật, 4 truyện cổ tích thần kỳ, và 25 truyện cổ tích sinh hoạt. Về tiểu loại truyện cổ tích loài vật, mặc dù chỉ có 6 truyện song nội dung lại bao gồm đủ hai nhóm truyện phổ biến là truyện về loài vật sống gần gũi với con người (2 truyện: Mèo và chuột, Con mèo tinh khôn), và truyện về loài vật sống nơi hoang dã (4 truyện). Hai truyện kể về sự tinh khôn của loài mèo sống bằng nghề bắt chuột phá hại trong nhà người đã không bị lũ chuột lừa gạt nên luôn được chủ nhà khen thưởng; các truyện có motif chủ đạo là “mẹo lừa” để tập khôn của loài thú sống nơi hoang dã với hình tượng nhân vật Thỏ nổi bật; 1 truyện kể về nhân vật Rồng được thần Trời phong cho chức thú vương dưới nước là nhờ Rồng nghe lời xui của Rết mượn sừng của Gà rồi không trả cho nên loài Rồng không dám trở lên mặt đất vì xấu hổ với loài Rết (truyện Rồng, Rết, Gà). Có 4 truyện cổ tích thần kỳ gồm 2 truyện có chủ đề về người nghèo khổ (Ba bà cháu và Hòn đá thần) và 2 truyện có nội dung mang thực tại để lý giải thiên nhiên (Sự tích con khỉ, Sự tích con muỗi). Sau cùng là 25 truyện cổ tích sinh hoạt gồm các nhóm truyện như: mang thực tại để lý giải thiên nhiên (Sự tích cá nược, Sự tích đôi sam), kiêu ngạo (Cụ Đôn), đầu thai (Đức Phật và con chó, Đức Phật và con nhện), duyên nợ (Đức Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu), tình anh em (Hai anh em), tình yêu chung thủy (Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, Người chồng thương vợ, Sự tích Táo Quân), xử kiện (Lá đơn đặc biệt), kẻ ngốc (Chàng ngốc), kén chọn (Kén chồng), thử lòng (Người vợ tham lam), người thông minh (Người vợ khôn ngoan), lựa chọn (Sự lựa chọn), máy móc nhầm lẫn (Sự tích cái gương),…    

Nhóm truyện về thế giới ma quỷ có 16 truyện trong đó có đến 13 truyện kể về nhân vật ma nữ (Soi cá, Cái áo mưa, Hồn ma linh ứng, Cái đầu ma, Ma nhà ông Cả Kiểu, Ma giấu người 2, Ma nhập hồn người, Ma làm mắm, Ma bồng con, Ma quái thai 1, Má quái thai 2, Hồn ma cô Tiên, Ma đẻ con), 2 truyện về ma nam và 1 truyện về con ma da nhớt. Về khía cạnh phân bổ thì 16 truyện ma quỷ ở Vĩnh Long được thấy lưu truyền tập trung ở hai địa phương huyện Vũng Liêm (8 truyện) và thành phố Vĩnh Long (5 truyện), còn lại 3 truyện được chúng tôi sưu tầm ở mỗi huyện 1 truyện trong ba huyện Tam Bình, Trà Ôn và Mang Thít.

Về thể loại truyện cười, có 94 truyện cười trong đó: 15 truyện cười kết chuỗi kể về các nhân vật như Ba Giai-Tú Xuất, bác Ba Phi, Bợm Bảy, Cụm Miêu, Trạng Quỳnh và 79 truyện cười không kết chuỗi gồm 31 đề tài và chủ đề phong phú như : (1) Khuyết tật bẩm sinh, (2) Hôn nhân, vợ chồng, gia đình, (3) Đối đáp, ứng xử,(4) Tình cờ, (5) Ngây thơ, (6) Thật thà, (7) Cảnh giác, (8) Nhắc nhở, (9) Giải tỏa, (10) Lãng tai, (11) Thề nguyền, (12) Hiểu lầm, (13) Máy móc, (14) Say xỉn, (15) Sốt sắng, (16) Thách đố, (17) Đố mẹo, (18) Suy đoán, (19) Lười biếng, (20) Tham ăn tham uống, (21) Sợ vợ, (22) Nói đùa, nói dối, nói láo, nói dóc, khoác lác, (23) Mẹo lừa, (24) Chơi khăm, (25) Thầy chùa, sư sãi. (26) Thầy bói, (27) Thầy giáo, học trò, (28) Ngốc nghếch, (29) Kén rể, ở rể, làm dâu, (30) Sui gia, (31) Tiếu lâm. Về khía cạnh phân bổ số truyện cười ở Vĩnh Long: đa số truyện cười được sưu tầm tập trung ở ba địa phương gồm huyện Vũng Liêm, huyện Tam Bình và thành phố Vĩnh Long, trong đó huyện Vũng Liêm được 36 truyện, huyện Tam Bình được 33 truyện và thành phố Vĩnh Long được 19 truyện. Điều này chứng minh văn học dân gian hiện đại đang tồn tại, phát triển và được lưu truyền khá bền chặt trong dân gian các địa phương này so với các địa phương khác. Bởi lẽ, xét đến hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích vốn dĩ thuộc dòng văn học truyền thống ra đời sớm tại địa phương hoặc lưu truyền sớm từ nơi khác đến đây thì truyện cười dân gian Nam Bộ nói chung và tại Vĩnh Long nói riêng là minh chứng nói lên sức sống vượt trội của văn học dân gian hiện đại của quê hương Vĩnh Long đáng được người dân địa phương quan tâm lưu giữ và phát huy lan tỏa hết mực.

Trở lên, dựa vào mật độ lưu truyền dày đặc hơn cả về truyện ma quỷ và truyện cười ở hai địa phương huyện Vũng Liêm và thành phố Vĩnh Long, có thể ghi nhận rằng có hai địa bàn huyện Vũng Liêm và thành phố Vĩnh Long của tỉnh Vĩnh Long đã / đang / sẽ lưu giữ, lan truyền và sáng tạo mới nguồn truyện kể dân gian này vừa mang tính truyền thống của quá khứ vừa mang tính hiện đại đầy chất tạo trong tương lai.  

Về thể loại truyện ngụ ngôn, có 7 truyện nói về hai chủ đề sau: Chế giễu các thói hư, tật xấu, sự ngu dốt, tính huyễn hoặc, khoe khoang, hợm mình, khoác lác (3 truyện: Dê trắng dê đen, Chuyện hai con ngựa, Khỉ và Sóc) và Triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan về xã hội (4 truyện: Bóng hình, Có còn hơn không. Con bò và con ếch, Hai con cò và con rùa)

3.4. Giao thoa giữa loại hình tự sự dân gian và trữ tình dân gian: thể loại vè

Nội dung của 79 bài vè mà chúng tôi giữ lại được sau khi chỉnh lý từ hơn 100 bài vè sưu tầm được ở Vĩnh Long đa số có nội dung miêu tả các sự vật trong thiên nhiên hay các sự kiện sinh hoạt xã hội gắn liền với nếp sống quen thuộc của nhân dân lao động Nam Bộ, chỉ có số rất ít gồm 4 bài vè có nội dung đề cập đến các vấn đề có liên quan đến các sự kiện lịch sử của cả nước.

 Những bài vè có nội dung kể vật trực tiếp cung cấp các tri thức khách quan về thế giới tự nhiên đồng thời thể hiện lòng mong muốn của người dân là được giới thiệu về tài nguyên, đặc sản của địa phương mình. Đó là những câu vần vè ngắn gọn liệt kê những sản vật của quê hương, ca ngợi sự trù phú của các loại sinh vật tự nhiên của vùng đất như các loại cây trái, các loài chim thú hay tôm cá… “Da thịt trắng tươiLà con thác lácĂn bùn ăn cátCon cá bống kèoĂn khổ ăn nghèoLà con cá cháo” (Vè cá)… Từ nội dung của các bài vè đó, ta có thể thấy được tình cảm của người Vĩnh Long đối với quê hương thân thuộc và là niềm tự hào về sự dồi dào của sản vật nơi vùng đất mình đang sinh sống: “Năm roi tên bưởiMắt đen nhanh nhánhLá trái nhãn lồngBuồn bực trong lòngVốn thiệt sầu riêng/ Danh tiếng ba miền/ Xoài cát Hòa Lộc”… (Vè trái cây).

Với tính thời sự và phản ánh cấp thời, những bài vè thế sự của nhân dân lao động Vĩnh Long tích cực phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, tập trung hơn cả là tệ cờ bạc và uống rượu. Bên cạnh đó còn có những bài vè hóm hỉnh phê phán những người phụ nữ nhiều chuyện hay ngồi lê đôi mách, những cô gái hư thân mất nết, những người chồng sợ vợ hay những anh chàng lười lao động chỉ biết nằm dài chờ thời…Vè thế sự còn kể lại những cảnh sinh hoạt truyền thống quen thuộc của người dân địa phương thông qua việc đi quán, đi chợ, sắm tết, tát cá…: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè tát cá/ Xúc được đầy rá/ Con cá rô phi/ Nhỏ tí nhỏ ti/ Một bầy cá trắng/ Đem phơi ngoài nắng/ Một nia lóc đồng”… (Vè tát cá)

Với tính chiến đấu và ghi chép sự kiện, vè lịch sử kể lại những cuộc đấu tranh lớn nhỏ, các sự kiện lịch sử có liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương, miêu tả lại một thời kỳ đấu tranh và hy sinh mất mát của nhân dân địa phương cùng với đồng bào cả nước trong công cuộc giành lại tự do độc lập cho nước nhà. Đồng thời vè còn tham gia tố cáo sự áp bức bóc lột của giới cầm quyền với tinh thần đả kích sâu cay và quyết liệt, do vậy vè cũng trở thành kẻ thù số một của giới cầm quyền hay cường hào ác bá của địa phương khi xưa: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè Tổng Diệm/ Côn đồ nham hiểm/ Nổi tiếng bạo tàn/ Chuyên bán giang san/ Cho quân xâm lược…” (Vè Tổng Diệm)

Ngôn ngữ trong vè Vĩnh Long giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân, không trau chuốt bóng bẩy mà tận dụng ngôn ngữ đời thường một cách hiệu quả. Nhìn chung, vè Vĩnh Long có nội dung phong phú vừa mang tính giáo dục vừa tái hiện lại một giai đoạn quá khứ, nhờ vậy mà người đương thời có thể nắm bắt được tình hình ở mỗi địa phương khi ấy. Bên cạnh đó, từ nội dung của những bài vè này, người đời nay có cơ hội nhìn lại người đời xưa để được tự đặt mình trong không khí đấu tranh hào hùng hay suy xét và nhìn lại chính mình trong những tệ nạn chung của địa phương khi xưa để sửa đổi, góp phần xây dựng quê hương, cộng đồng thêm giàu đẹp. Vè Vĩnh Long đã hòa chung vào dòng chảy thơ ca dân gian dân tộc, tạo nên tiếng nói tiêu biểu của con người và vùng đất Vĩnh Long trong kho tàng thơ ca dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam.

4. Kết luận

Nhìn chung, về mặt đơn vị thể loại thì trong số gần 3 ngàn đơn vị văn học dân gian thu được qua sưu tầm điền dã tại Vĩnh Long có thể thấy chiếm đa số là thể loại ca dao, hát ru, tục ngữ, câu đố, trong đó dồi dào nhất là thể loại ca dao với gần 50% tổng số đơn vị tác phẩm. Điều đáng ngạc nhiên là số đơn vị truyện kể dân gian bao gồm cả 4 thể loại là truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn có số lượng khá mỏng. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng: phải chăng chúng tôi đã đến với Vĩnh Long quá muộn, khi những người dân còn nhớ những câu chuyện dài, đầy đủ chi tiết về lịch sử vùng đất hay những truyện kể có cốt truyện thần kỳ hấp dẫn thì tuổi đã quá cao và đã qua đời? Còn các thế hệ sau này thì chỉ lưu lại được những câu hát, câu vè, câu đố… với không quá nhiều câu chữ và nội dung thì dễ nhớ, dễ truyền? Dù sao, theo chúng tôi, đây cũng là một điều hết sức đáng tiếc với những người làm công tác sưu tầm và biên soạn các công trình văn học dân gian ở các tỉnh thành. Vì nếu như được sưu tập sớm hơn, biết đâu tuyển tập Văn học dân gian Vĩnh Long sau này sẽ không quá mỏng trong phần truyện kể - một thể loại tự sự đặc sắc của văn học dân gian nói chung?

Về mặt nội dung thể hiện, qua số lượng tác phẩm dẫu không thật sự dồi dào, phong nhiêu như vài chục năm trở về trước, nhưng văn học dân gian Vĩnh Long cũng đã hiển lộ một chân dung khá trọn vẹn về một nền văn học cổ truyền với đầy đủ phương diện và đặc trưng thể loại cơ bản nhất. Việc làm của chúng tôi có thể được ví như một sự kiểm kê nghiêm túc về văn học dân gian truyền thống một cách kịp thời và đó cũng là một điều cần thiết để chúng ta có những kế hoạch cụ thể hơn cho việc sưu tầm và nghiên cứu trong tương lai. Đồng thời chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn của mình về việc cần phải kịp thời sưu tầm, lưu giữ và xuất bản nguồn tư liệu văn hóa quý báu này của dân tộc từ tất cả các địa phương khác ở vùng Nam Bộ./.

La Mai Thi Gia, Phan Xuân Viện, Lê Thị Thanh Vy

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, tập 7 số 04 (2021) 

Tài liệu tham khảo:

Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1977). Lịch sử văn học Việt Nam: Văn học dân gian (tập 2). Hà Nội, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tr.7-8.

Nguyễn Xuân Kính (chủ biên). Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân (2002). Kho tàng tục ngữ người Việt (tập 2). Hà Nội, Văn hóa - Thông tin, tr.2967-2968.

Nguyễn Văn Trung (1991). Câu đố Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.95-106. .


[1] Phân chia theo chủ đề và tiểu chủ đề trong công trình này của nhóm Nguyễn Xuân Kính là dựa vào kết quả phân chia của nhóm tác giả Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri trong công trình Tục ngữ Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 1975) có điều chỉnh đôi chút. 

[2] Theo số lượng tiểu chủ đề trong công trình Nguyễn Xuân Kính.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63562477
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8794
12114
63562477

Thành viên trực tuyến

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website