Bệnh tật và nghệ thuật

Một truyện cổ (sau này trở thành truyện thơ cung đình) của Thái Lan kể rằng: hoàng tử Inao và công chúa Butshaba bị các vua cha phù phép làm cho mất trí nhớ. Từ một đôi uyên ương khắng khít, họ trở nên không thể nhớ bất kì điều gì về nhau. Người hầu gái của Butshaba thương chủ, bèn tổ chức một buổi biểu diễn kịch rối. Nội dung vở diễn kể lại quá trình luyến ái và tự ý kết hôn của Inao và Butshaba. Sau khi vở kịch kết thúc, hoàng tử và công chúa nhận ra nhau và tái hợp.

Cứ ngỡ đó là một câu chuyện cổ tích kể cho vui nhà vui cửa. Nhưng hóa ra, việc chữa trị tâm thần bằng kịch nghệ đã thật sự tồn tại trong y khoa như một liệu pháp hữu hiệu. Từ thế kỉ V - IV trước công nguyên, con người đã đến vùng Epidaurus hay Acropolis của Hy Lạp để tìm kiếm các đền thờ Asklepieion – nơi thờ phụng thần Aesculapius, vị thần y học theo quan niệm của người Hy Lạp cổ đại – với niềm tin được chữa lành bệnh tật tinh thần hay thể xác. Các bệnh nhân cầu nguyện, qua đêm tại các đền thờ và thành kính kể lại giấc mơ của họ cho các thầy tu vào sáng hôm sau (đây chính là bước đi đầu tiên của ngành Phân tâm học). Người bệnh còn ngâm mình trong các bể tắm, bể bùn, được xoa bóp, tập thể dục, đọc sách, tham gia những đợt trị bệnh bằng hương liệu và các liệu pháp tinh thần khác. Những con rắn không có độc sẽ được thả vào phòng ngủ của các bệnh nhân. Có nhiều lý do để con người thời cổ tin vào sự màu nhiệm của loài rắn. Theo truyền thuyết, Aesculapius đã chữa lành vết thương cho một con rắn và để đền ơn, con rắn này đã dạy cho ngài thuật chữa bệnh. Tên tuổi, lịch sử căn bệnh, phản hồi của bệnh nhân và quá trình trị liệu còn được tạc lên các phiến đá cẩm thạch ở Epidaurus.

Phế tích nhà hát tại Asklepieion (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Diễm Trang

Ngoài Hy Lạp, nhiều đền thờ Asklepieion hiện diện ở La Mã và một số quốc gia trên thế giới. Tôi đến phế tích bệnh viện cổ Asklepieion tại Bergama vì lời “khiêu khích” của các trang web du lịch: “Chưa đến Asklepieion thì xem như chưa đến Thổ Nhĩ Kỳ”. Qua khỏi cổng rào bằng lưới B40 khá hẹp được sơn màu xanh lá, tôi đi dọc theo những hàng cột dài tha thướt được điêu khắc tinh xảo đậm chất La Mã. Khung cảnh hoang tàn nhưng vẫn tôn nghiêm, kỳ vĩ. Giọng nam thuyết minh viên rành rọt: “Asklepieion được một người tên Archias xây lên vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Các bệnh nhân đến đây chủ yếu để được trị liệu thần kinh (mà con người hiện đại hay gọi là trầm cảm, stress, tâm thần phân liệt, hội chứng rối loạn lo âu, đa nhân cách...), trong đó có nhiều người nổi tiếng như các hoàng đế Hadrian, Marcus Aurelius, Caracalla... Nơi này có một đền thờ, một thư viện, một nhà hát có sức chứa hàng ngàn người, hầm chữa bệnh với nhiều khung kim loại thông ánh sáng và âm thanh gần như còn nguyên vẹn, các hồ ngâm mình và nhà vệ sinh…”.

Không khó khăn gì để nhìn thấy những điều mà anh ta nói. Tuy có hơi ngại ngần (tôi vẫn khép nép và rụt rè thái quá khi đến những địa điểm cổ xưa, huống hồ đây lại là “bệnh viện tâm thần”), tôi vẫn đưa tay đón lấy dòng nước trong veo đang chảy tràn ở một bồn rửa như một phép màu, vì vùng đất xung quanh nó vẫn ráo rẽ, mà tôi chẳng tài nào tìm thấy ngõ cấp nước và thoát nước. Dòng nước mát lạnh khiến tôi phấn chấn. Một trái phỉ còn thơm mùi nhựa nhẹ nhàng rơi lên vai tôi, ban tặng một cảm giác lý thú: tôi đang tận hưởng những thứ rất sống động, chân thực và “đương đại” trên nền hoang phế mấy ngàn năm. Được đà, tôi ngồi lên một bậc thang nhà hát hình rẽ quạt, thử cảm giác làm khán giả. Trong cái nắng chói chang ban trưa, tôi mường tượng ra quân vương, ái thiếp, tùy tùng, ly biệt… Rồi không do dự nữa, tôi lần xuống tam cấp của hầm chữa bệnh. Thuở trước, các bệnh nhân đi đi lại lại dưới hầm được xông hương liệu này. Các thầy thuốc đứng trên miệng hầm, nói vọng qua các ô sắt những lời trấn an kiểu “ngươi sẽ hết bệnh” hoặc động viên bệnh nhân trút ra tâm tư của họ. Thứ thanh âm vang vọng và mùi thảo dược dần len vào tâm trí bệnh nhân, thôi thúc họ mở rộng tâm trí, suy ngẫm lại những lý do đã khiến họ đau đớn, trầm uất. Xong phần trị liệu “cứng”, người bệnh được hướng dẫn vào thư viện đọc sách và xem những buổi diễn kịch định kỳ, thậm chí trở thành diễn viên của vở diễn. 

Chuyến tham quan khiến tôi nhận ra hai cách trị liệu quan trọng thời cổ là “thôi miên” tâm trí và sử dụng văn chương nghệ thuật. Tôi tự hỏi: vì sao phương pháp sử dụng kịch nghệ (dramatherapy) có tác dụng trong trị liệu tâm lý (psychotherapy)?

Plato, nhà triết học vĩ đại thời Hi Lạp cổ đại, cho rằng thơ ca, kịch nghệ nuôi dưỡng niềm đam mê và ham muốn của con người. Ông khẳng định những nhà thơ tài năng nhất là những người gợi lên những cảm xúc vĩ đại nhất. Với ông, khi tham gia vào một buổi biểu diễn kịch, khán giả bỗng hóa trẻ em, rơi vào trạng thái khó phân biệt sự khác nhau giữa sân khấu và đời thực. Cứ thế, khán giả bị cuốn theo những làn sóng cảm xúc, có dịp xét soát các vấn đề của bản thân, tìm thấy những kinh nghiệm cảm xúc đang sở hữu và bổ sung thêm những nhận thức mới. Hai nhà nghiên cứu Emunah Leeder và Wimmer cũng cho rằng bản chất của kịch là tạo ra sự đồng cảm và khơi gợi quan điểm. Điều quan trọng là người xem thấy mình được cảm thông, từ đó đạt được một trạng thái an sinh.

Aristotle, học trò của Plato, cũng đồng tình với thầy ở quan niệm: nghệ thuật là một hình thức bắt chước đời sống. Con người sáng tạo, trải nghiệm, tận hưởng và học tập thông qua quá trình biểu diễn trên sân khấu. Khái niệm “catharsis” (sự thanh lọc tâm hồn sau khi thưởng thức biểu diễn sân khấu) cũng từ đấy mà ra. Dù vậy, Aristotle cũng cho rằng nghệ thuật không phải là một sự liệt kê các sự kiện theo thứ tự thời gian, đơn giản và máy móc. Nó giàu triết lý và có tính sáng tạo, dự báo. Theo quan điểm đó, bệnh nhân không chỉ thưởng thức mà còn phải thực hành diễn xuất. Cốt kịch, vai diễn, phông màn, đạo cụ, mặt nạ… được sử dụng để thúc đẩy cái gọi là “kịch tính hóa” hiện thực đời sống. Thông qua diễn xuất, diễn viên sẽ tái hiện những phần sâu lắng nhất trong câu chuyện đời mình và chứng kiến thêm câu chuyện ​​của những người khác. Các đối thoại, độc thoại, xung đột nội tâm, tưởng tượng, kỳ vọng, nước mắt, nụ cười… sẽ khiến “một tôi khác” (auxiliary ego) vốn lặn ngụp sâu trong bản thể xuất hiện, góp phần cải thiện các vấn đề tâm lý trầm trọng, bế tắc mà bệnh nhân đang chịu đựng.

Kế thừa các lý luận của Plato và Aristotle, Robin George Collingwood (1889-1943), nhà triết học Anh, đưa ra những tham luận mang tính chất đối thoại nhằm khẳng định rằng nghệ thuật có quan hệ cộng sinh với cảm xúc, có giá trị giảm bớt cảm giác bị áp bức ở con người. “Hạnh phúc và nỗi đau sẽ chiếm đoạt quyền hạn của pháp luật” – Collingwood dẫn lại lời của Plato như một sự đồng tình.

Y học đã ứng dụng cũng như thừa nhận năng lực chữa bệnh phong phú và đầy tiềm năng của nghệ thuật. Song, mãi đến những năm 1930, tại Anh quốc, nó mới được khởi động một cách mạnh mẽ và có hệ thống tại các bệnh viện bởi những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn với công chúng như Peter Slade, Billy Lindkvist, Sue Jennings…, với tư cách là một liệu pháp bổ sung cho các phương cách trị liệu vật lý thông thường. Ngoài kịch nghệ, âm nhạc và khiêu vũ cũng được ghi nhận là có thể thao túng tâm trí, hồi phục thần kinh. Những người phụ nữ rơi vào chứng câm nín lâu năm đã có thể mở miệng khi tham gia diễn vai người vợ bị bạo hành, người bị tấn công tình dục. Những cá nhân tự kỷ vì cảm giác mình giống một ai đó quá mức (cha mẹ, anh chị, thần tượng) được hướng dẫn “làm cho khác đi” khi tham gia biên kịch, diễn kịch. Tại các viện dưỡng lão, người ta khuyến khích các cụ già hãy siêng năng vận động và nhảy múa. Tất cả người bệnh cần những phản ứng đặc biệt và một không gian cởi mở để hoạt động thể chất, bộc lộ nội tâm, đồng thời “đốt cháy” sự tiêu cực. Chính từ việc tự khám phá ra các “hố đen” trong tâm hồn mình mà các “nghệ sĩ tự phong” này được giải thoát khỏi sự đè nén tinh thần.

Chúng ta hãy nhớ lại bộ phim Breathe (tựa Việt: Trong từng nhịp thở). “Hãy đưa anh đi khỏi đây. Hoặc là ở đây rồi chết, hoặc là ra ngoài kia và có thể sẽ chết”, “Tôi muốn sống cho ra sống”… Những tuyên ngôn của nhân vật Robin – người kéo dài sự sống thêm 20 năm sau bại liệt và phải thở bằng ống dẫn nhờ trốn khỏi bệnh viện, về nhà cùng người thân, ngồi xe đẩy dạo ngắm thiên nhiên mỗi ngày, thậm chí du lịch từ nước này sang nước khác – là câu trả lời hùng hồn cho câu hỏi “Có nên để các bệnh nhân ù lì trên giường bệnh từ ngày này qua ngày khác hay không?”.

Và, phải chăng là quá mộng tưởng khi mơ một nhà hát trong bệnh viện hôm nay – điều mà con người đã có thể làm ở thời cổ đại?

Diễm Trang

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/266936/benh-tat-va-nghe-thuat.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63666597
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10315
17595
63666597

Thành viên trực tuyến

Đang có 939 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website