Sydney là một cái tên thân quen với người Việt vì nhiều lẽ: số lượng kiều bào sinh sống đông đúc; sự hiện đại, năng động kèm theo những cơ hội học tập, nghề nghiệp, định cư; kiến trúc vững chãi mà lại nhẹ nhàng; khí hậu ôn hòa… Riêng tôi, Sydney gây lưu luyến vì những điều rất nhỏ.
Ngồi ghế ngày xưa, nhớ nhìn hướng người xưa
Trước khi được mục sở thị, tôi tưởng tượng ghế ngồi của bà Macquarie được đặt trong một dinh thự hoặc điền trang nào đó và hẳn phải làm bằng gỗ quý hay một chất liệu đặc biệt. Thậm chí, tôi còn liên tưởng đến những chiếc ghế bí ẩn và lắm giai thoại trong những bộ phim đã xem. Tôi cũng tự hỏi bà Macquarie là ai mà ghế ngồi của bà lại trở thành một điểm tham quan nổi tiếng của Sydney như thế.
Chừng đến nơi, tôi mới thấy mọi thứ khác xa với trí tưởng tượng. Đó là một “chiếc” ghế đá, đúng nghĩa chỉ toàn đá, nằm chênh vênh giữa đất trời. Thật ra, đó là một khối đá nhỏ được đẽo gọt thành ba bậc tam cấp lớn và một lưng tựa. Dựa vào những chữ khắc trên lưng tựa, tôi hiểu lờ mờ rằng bà Macquarie thường ngồi ở đây để nhìn ra bến cảng.
Lachlan Macquarie là một trong những thống đốc nổi tiếng nhất của lịch sử Úc. Ông giữ vai trò then chốt trong việc chuyển New South Wales từ một thuộc địa của Anh thành vùng đất tự do, góp phần khẳng định dáng hình nước Úc ngày nay. Những năm đầu thế kỉ 19, người vợ thứ hai của Lachlan Macquarie là Elizabeth thường có thói quen rời khỏi ngôi nhà của mình mỗi ngày và đi bộ dọc bán đảo, sau đó ngồi trên một mỏm đá, ngắm vọng ra xa, nơi có nhiều tàu thuyền của Anh quốc ra vào. Vào khoảng năm 1810, các tù nhân ở đây đã đẽo sa thạch thành một chiếc ghế dành tặng bà. Macquarie cũng không bao giờ biết rằng, chệch khỏi hướng nhìn của bà một chút, hơn trăm năm sau, hai biểu tượng bậc nhất Sydney mọc lên: cầu cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge) và nhà hát con sò (Sydney Opera House). Vì lẽ đó, khi tìm đến ghế ngồi của Macquarie, du khách hiếm khi nghĩ về vợ chồng thống đốc. Họ thích thú ngồi vào chiếc ghế này để… ngắm hai công trình nổi tiếng kia. Ngay cả tôi cũng thế, cho đến khi một du khách mỉm cười với tôi, nói nhỏ như thủ thỉ: “Hãy nhìn về hướng mà bà Macquarie đã nhìn, hướng Đông Bắc”. Một chỉ dẫn đơn giản mà đáng ngẫm. Trong những chuyến hành trình, có khi ta mải chú ý đến thắng cảnh ở khía cạnh vật thể mà quên đi cái “phi vật thể”. Có bao giờ ta đứng ở Đèo Ngang mà cố hiểu bà huyện Thanh Quan đã nhìn gì, thấy gì đến nỗi chỉ còn “một mảnh tình riêng”? Có bao giờ ta ghé thăm Yên Tử mà tự hỏi nơi nao Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết kinh, thiền tọa? Hãy thử kiến tạo điểm nhìn tương ứng với những người muôn năm cũ. Để cảm nhận, dù chỉ một phần nhỏ nhoi những gì mà họ đã trông, đã ngẫm.
Mẹ ơi, Bangladesh!
Gần khách sạn tôi ở tại Sydney là tiệm phở Mẹ ơi. Tôi muốn ăn phở nhưng không hôm nào làm được điều này vì ra đi khi tiệm chưa mở và trở về khi tiệm tắt đèn tối thui. Chỉ ấn tượng nhất là ba cái thùng rác to sụ nhưng sạch sẽ trên lề đường trước tiệm. Mỗi lần bước ra khỏi cửa khách sạn, tôi đều nhìn tấm biển “Mẹ ơi” rồi mỉm cười thích thú. Cũng không biết vì sao tôi lại thích thú đến vậy, chắc vì tên tiệm biểu cảm trực tiếp quá xá, kiểu vừa “xa quê hương nhớ mẹ hiền” vừa “Oh my God”. Tôi nhớ lại những tên tiệm Việt đã trông thấy ở Sydney: Hồng Hà, Gia Hội, Thanh Bình, Bảy Hồng, Madamme Nhu, Uyên… Hình như không có tên nào biểu lộ cảm xúc rõ ràng như thế.
Đêm cuối ở Sydney, tôi và hai người bạn muốn thăm nhà hát con sò lần nữa. Nhanh nhảu đón một chiếc taxi, an tọa rồi mới thấy bác tài không có vẻ là người Úc. Bộ râu dài, tóc xoăn màu đen, mặt nghiêm nghị, da trắng tựa mấy nam chính trong 1001 đêm. Điều đó cũng chưa làm tôi quan tâm bằng cái đồng hồ taxi. Bất kể chạy hay ngừng đèn đỏ thì nó đều nhảy tiền. Bọn tôi đang bàn tán về cái đồng hồ thì bác tài hỏi:
- Việt Nam phải không?
- Dạ, sao bác biết?
- Ta nghe ngữ điệu, biết tụi bây không phải Trung Quốc mà cũng không phải Thái Lan.
- Hay quá! Vậy bác đây là người Úc?
- Không, ta là người Bangladesh.
Chúng tôi bấm nhau, lòng hoang mang. Bác tài tiếp:
- Tụi bây có biết Bangladesh ở đâu không?
Trong ba người, tôi có vẻ biết về Nam Á nhiều hơn. Tôi trả lời:
- Dạ ở Nam Á, gần Ấn Độ.
- Lần đầu tiên ta thấy có khách đi taxi trả lời đúng. Nói ta nghe, thấy Bangladesh sao?
- Dạ, đất nước bác giàu đẹp, nhân dân bác anh hùng.
- Thật không? Hãy nói cảm nhận thật. Đi Bangladesh hồi nào mà biết?
Giọng bác tài đanh lại, tay lái cũng chậm lại. Tôi vội thảo mai:
- Dạ em tuy chưa đến quê bác nhưng có biết qua thơ ca nhạc họa. Quê bác nói tiếng Bengal nè, coi Tagore là thần tượng nè.
- Ừ, đúng. Có định đi du lịch Bangladesh không?
Bạn tôi thì thầm: “Nói có đi, kẻo ổng dừng xe đồng hồ nhảy bây giờ! Đó là chưa kể ổng có thể có bom nữa”.
- Dạ có, chắc luôn. Bác tin em đi.
Tự nhiên bác tài im lặng rồi thở dài. Vừa khi ấy thì tới con sò. Hú hồn. Bạn tôi cứ trách sao không gọi tài xế Úc mà gọi tài xế Bangladesh. Cả ba thống nhất là vòng về sẽ để ý kĩ gương mặt tài xế, thấy… có vẻ Úc rồi mới lên xe.
Ở con sò ba tiếng mà vẫn lưu luyến. Dù vậy, tôi vẫn tỉnh táo nhớ rằng vòng về phải chọn tài xế “có vẻ Úc”. Nhưng dự định bất thành vì nhà hát điều tài cho khách. Leo lên xe do nhân viên nhà hát chỉ định, chưa kịp mừng vì anh này không có bộ râu dài thì ảnh đã mở miệng:
- Mấy người ở đâu qua đây? Tui người Bangladesh.
Rồi ảnh chạy vù vù. Đồng hồ 15 đô rồi mà vẫn chưa thấy khách sạn. Bạn tôi chép miệng:
- Giờ phải thấy Mẹ ơi thì mới an tâm. Nếu không thấy là kêu mẹ ơi thiệt.
Cuối cùng cũng tới tiệm phở thân quen. Anh tài Bangladesh thả chúng tôi xuống rồi lao đi nhanh chóng. Chỉ cần quan sát đường phố thì không khó khăn gì để nhận ra thành phố này có nhiều người Bangladesh làm nghề lái taxi. Đa số các bác tài có bộ râu dày. Tự nhiên thấy nao lòng về bộ phận người nhập cư luôn phải cáng đáng những công việc nặng nhọc ở xứ người và thường bị dán những nhãn mác đầy kì thị, hoài nghi. Hai bác tài Bangladesh làm tôi nhớ những người Việt chạy bàn, bán thức ăn, thịt bò, nhu yếu phẩm... đã gặp trên hành trình. Họ vừa có vẻ tự hào vì được ở xứ văn minh vừa có chút gì lạc lõng sống thầm. Lòng hoài hương dễ gì không có. Chắc vì vậy mà đặt tên tiệm tha thiết “Mẹ ơi”.
Những chiếc vali rơi
Buổi sáng rời Sydney, tôi tranh thủ chụp ảnh con đường trước khách sạn và tiệm phở Mẹ ơi. Sân bay Sydney cũng nằm trong nội thành như sân bay Tân Sơn Nhất. Khi xe chúng tôi còn vài trăm mét nữa là đến nơi thì có một chiếc ô tô cố đuổi theo xe và hét lớn “Rớt vali!”. Tài xế điếng hồn dừng lại. Xe của Úc hay có cái rờ moọc kéo theo mà tôi vẫn gọi đùa là bô rác. Cả đoàn để hành lý trong này. Khi mọi người ùa xuống thì phát hiện cửa mở toang, mất năm cái va li. Thế là bác tài quay lại đường cũ, bắt đầu công cuộc tìm kiếm. Đến một ngã tư, tôi trông thấy một người đàn ông đứng với một va li màu hồng và màu đen. Hai chủ nhân vội xuống xe xin lại. Lại hộc tốc đi đến những ngã đường khác. Qua một công trường thì thấy một nhân viên đang đứng với một chiếc vali đỏ. Lại ào xuống. Người này dẫn chúng tôi vào bên trong công trường, lôi ra hai va li nữa. Cái ca rô cuối cùng chính là của tôi. Sứt dây kéo, trầy xước và thủng vài chỗ. Nhưng ấm lòng vì người Sydney quá tốt và chu đáo. Ơn trời, chiếc vali cuối cùng cũng theo tôi về nhà. Đồ đạc bình an cả.
Trước khi đến Sydney, tôi nghe nhiều người nói rằng thành phố nhộn nhịp này sẽ chẳng hơi nào để ý sự hiện diện của bạn đâu. Mọi người ăn nhanh, nghĩ nhanh và lướt qua bạn rất nhanh. Nhưng đi một vòng Sydney rồi, tôi biết là không phải. Thành phố này chẳng quên một điều gì cả. Tôi có thể thấy mọi thứ quyện vào nhau thật hài hòa ăn khớp, từ các phương tiện hiện đại xuôi ngược đến những chuyến xe lửa 20 phút cổ điển mà tiện lợi, từ những khu đô thị chót vót đến các dãy nhà thâm thấp có vườn cây, từ những câu chuyện vĩ mô về quá trình kiến thiết Sydney đến những điều nho nhỏ đã in dấu trong tôi…
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 51, ngày 15.12.2016