Những chiếc lỗ trần gian

Tôi sẽ không nói về những cái lỗ vô cùng hợp lý và hữu dụng trên cơ thể người. Tôi không hướng đến bao nhiêu cái lỗ gợi lên sự hãi hùng, bí ẩn, mênh mông hay khiếm khuyết. Tôi cũng chẳng rành các thiết kế lỗ trong kiến trúc hay thời trang. Và dĩ nhiên là không bàn tới hội chứng sợ lỗ tripophobia. Tôi chỉ muốn kể bạn nghe mấy câu chuyện nhỏ về những cái lỗ lạ lùng như vài minh chứng về sự kỳ diệu vô tận của thế gian.

Trong kiệt tác Sứ mây, nhà thơ Ấn Độ Kalidasa viết về một dòng chảy nối miền Trung Ấn và Bắc Ấn thế này:

Kìa dòng sông Nơ-ớc-bin-đi-a, cô gái đẹp nằm duỗi mình bên sườn núi

Rốn lượn xoáy nước tròn duyên dáng thanh tân

Con mắt hữu tình của thi nhân trứ danh đã tưởng ra vẻ gợi cảm của rốn thiếu nữ nơi xoáy nước. Đó là chiếc lỗ thiên nhiên đầu tiên làm tôi ngơ ngẩn, dù chỉ mới là trong tưởng tượng.

Thế rồi một ngày, mắt tôi dừng lại thật lâu trước một bức ảnh trên bưu thiếp. Không hiểu sao, Dean's Blue Hole ở Long Island (Bahamas) làm tôi liên tưởng đến chiếc rốn lừng danh trong thơ Kalidasa. Bạn tưởng tượng nhé, giữa làn nước biển xanh nhạt, bỗng có một quầng nước tròn trịa, sậm màu hơn hẳn, đường kính độ 30 mét và độ sâu hơn 200 mét. May sao, tôi vớ được cách miêu tả của Nguyễn Tuân trong tùy bút Sông Đà: “xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày”. Có khá nhiều kiến giải về khối xanh kì lạ này. Có thể hiểu nôm na rằng màu xanh sẫm ấy là sự phản quang của nước biển với cát carbonate sáng màu. Khi thám hiểm, các thợ lặn đã phát hiện ra đất khô ở phần gần đáy lỗ. Họ kết luận chiếc lỗ này có thể là kết quả của việc một thiên thạch rơi ầm xuống trái đất từ đời nảo đời nao. Nó tạo thành một miệng núi lửa khổng lồ và nước biển cứ thế tràn vào.

Trong những lần ngao du, tôi tình cờ diện kiến thêm mấy chiếc lỗ kì lạ khác của đời.

Thị trấn Kiama thuộc vùng Illawarra, bang New South Wales (Úc), cách Sydney độ 120 km, lôi kéo lượng du khách khổng lồ về đây hằng năm không phải vì các bãi biển đa dạng, các nông trại bò sữa khổng lồ hay dòng sông Minnamurra mà là vì chiếc lỗ có tên Kiama Blowhole. Nó ngự trị trong một ghềnh đá khúc khuỷu sát biển và xói mòn phần đáy. Các thổ dân thuở xưa đã gọi kỳ quan này là “kiarama” (có nghĩa là “nơi biển làm ồn”), từ đó mà có cái tên Kiama. Sóng biển đánh dưới ghềnh đá, tràn vào đáy lỗ, tạo ra áp suất mạnh mẽ đến mức một cột nước cao gần 30 mét phun trào lên không trung như dung nham cùng với tiếng nổ tựa âm thanh khui champagne được khuếch đại hết cỡ. Du khách phải giật mình sững sờ vì độ phóng khoáng và dữ dội theo chu kì chăm chỉ của nó. Xa xa, chếch khỏi chiếc bảng Kiama Blowhole một chút, biển xanh rì, thênh thang, chan hòa với cỏ xanh và ghế tựa. Tôi ngồi vào ghế, ngắm sóng biển an nhiên và tim thỉnh thoảng lại đập mạnh vì tiếng vỗ của cột nước. Cái lỗ trời ban ấy tuy bé tẻo so với mặt biển nhưng nằng nặc réo gọi người ta phải để tâm đến nó.

Hagia Sophia (nghĩa là trí tuệ thánh thiêng) tọa lạc tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nổi tiếng thế giới bởi kiến trúc Byzantine mẫu mực và ý nghĩa lịch sử “chân vạc” của nó. Được xây dựng ròng rã trong năm năm trời (532-537) theo lệnh của hoàng đế Byzantine Justinian, nơi này thoạt đầu là Vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông Phương, sau trở thành nhà thờ Islam giáo và hiện nay là bảo tàng đáng giá bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Hagia Sophia từng được đánh giá là giáo đường lớn nhất thế giới trong suốt một ngàn năm. Bên trong giáo đường, giữa những hàng cột bọc kim loại nguyên vẹn và sừng sững với khoảng cách hợp lý, bỗng có một cây cột “nứt ra một lỗ hõm hòm hom” như Hồ Xuân Hương mô tả trong bài Hang Cắc Cớ. Chẳng ai biết lỗ thủng có từ lúc nào, chỉ biết rằng cái lỗ vừa đủ chứa một ngón cái của người lớn. Từ khi một cái đầu thông thái nào đấy đã nghĩ ra tên gọi hấp dẫn cho nó – Lỗ Ước Muốn, cây cột bị thủng này được du khách chú ý hơn tất thảy. Muốn ước gì thì nghĩ thầm điều mình mong mỏi rồi đưa ngón cái của bàn tay phải vào, phần còn lại của bàn tay phải áp sát cột, xoay liên tục đủ một vòng 360 độ thì điều ước sẽ thành hiện thực. Ngày ngày, có biết bao người đến đây ao ước. Cụ ông cụ bà mong sao “càng già càng dẻo càng dai, càng gãy chân chõng càng sai chân giường”. Đôi lứa “ước gì ta được làm con một nhà”. Hiếu nhi “cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Người ấp ủ hoài bão “trông cho chân cứng đá mềm”…

 

Du khách bên cây cột lỗ trong thánh đường Hagia Sophia. Ảnh: Diễm Trang

Có tròn thì ắt có vuông. Tôi bỗng nghĩ đến những chiếc lỗ vuông “nhân tạo” ở Colloseum (Ý). Đấu trường lớn nhất thế giới này được xây dựng vào những năm 80 đầu công nguyên, dưới sự trị vì của hoàng đế Vespasian và Domitian, trở thành biểu tượng đẹp đẽ và huy hoàng bậc nhất của đế chế La Mã. Vì không thể ốp cẩm thạch toàn bộ đấu trường, người ta chọn những viên đá cẩm thạch vuông vức, trám theo khoảng cách giãn đều trên mặt tiền và một số vị trí đặc biệt bên trong công trình. Những viên đá quý này vừa có giá trị trang trí vừa che chắn cho các thanh sắt xây dựng được chèn giữa các khối đá vôi. Những trận lụt vào khoảng năm 400-500 sau công nguyên đã khiến công trình bị suy mòn đáng kể (Colosseum được xây dựng trên một khoảng đất trống bằng phẳng giữa thung lũng). Thêm vào đó, sự đổ vỡ của nền văn minh La Mã cũng khiến cho đấu trường La Mã tuột mất vị trí hoàng kim. Khoảng năm 600 sau công nguyên, một sắc lệnh được ban hành ở Byzantium cho phép người La Mã phá hoại các tòa nhà không còn hoạt động nữa. Kiệt tác đấu trường bị khua khoắng nguyên liệu, đặc biệt là cẩm thạch và kim loại, để kiến thiết nhà thờ, khu dân cư và trang trại. Các nhà khảo cổ học ước tính lượng kim loại bị tước đoạt và hư hỏng ở Colosseum vào khoảng 200 tấn. Một khối lượng không nhỏ sắt và đồng của công trình thiên niên kỷ này cũng được đưa vào các nghiên cứu kim loại vào giữa thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8. Trong nhiều thế kỉ sau đó, người ta thậm chí còn cho thuê một số khu vực bên trong đấu trường để chứa hàng hóa và ngụ cư. Trận động đất năm 1349 đã khiến toàn bộ phần tường phía nam Colesseum sụp xuống. Đấu trường lừng lẫy năm nào bị hậu thế róc rỉa không thương tiếc, chẳng mấy ai đoái hoài, đếm xỉa quá khứ liệt oanh. Những chiếc lỗ ngày càng dày đặc thêm nhưng kì lạ là chúng đều đặn như một tác phẩm nghệ thuật. Không trơ vơ, yếu ớt mà trái lại, tăng thêm sự cổ kính, khốc liệt, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Và ngoan cường, sừng sững như ý nghĩa nguyên sơ “tạo hóa gây chi cuộc hí trường” mà từ đó Colosseum được sinh ra.

Bạn thấy đó, khi nhân loại âu lo về những khoảng trống không thể lấp đầy trong khí quyển, trong bản thể, trong kiến trúc… thì những cái lỗ trần gian lại chứng minh điều ngược lại: sự trống trải hay mất mát có vẻ quyến rũ huy hoàng của riêng nó.

 

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/268235/nhung-chiec-lo-tran-gian.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63721656
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19750
22198
63721656

Thành viên trực tuyến

Đang có 1436 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website