Tôi bắt đầu quan tâm đến một hình thức bay nguyên sơ và thi vị nhờ… xem phim. Bộ phim The Mummy Returns (tựa Việt: Xác ướp trở lại) có cảnh kết thật ấn tượng: Rick, Evelyn, Alex và Jonathan chạy lên đỉnh Kim Tự Tháp. Izzy lái khinh khí cầu đến đón họ thật kịp thời vì chỉ tích tắc sau đó, cả Kim Tự Tháp tan thành tro bụi. Một “vật thể trên cao” khác trong bộ phim hoạt hình Up (tựa Việt: Vút bay) không hẳn là khinh khí cầu mà chính xác là ngôi nhà bóng bay vừa nên thơ vừa dịu dàng quá đỗi. Vợ chồng Carl và Ellie là bạn thân từ nhỏ. Họ ao ước có những chuyến phiêu lưu thật rộng xa và kỳ vĩ. Khi Ellie qua đời, Carl kết những chùm bóng bay đưa căn nhà có di ảnh vợ vút lên bầu trời.
Du ngoạn không gian bằng hàng trăm quả bóng bay thì tôi không dám mơ rồi. Nhưng vẫn thầm ao ước một lần nào đó trong đời được trải nghiệm cảm giác đi khinh khí cầu. Loại truyền thống hay hiện đại đều được. Tôi nghe nói sử dụng khinh khí cầu Hybrid để di chuyển đến những vùng hẻo lánh là một cách tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Chúng tiêu tốn năng lượng và thải khí CO2 chỉ bằng 1/3 so với các máy bay thông thường, cũng chẳng gây ô nhiễm âm thanh.
Và ngày ấy cũng đến, sau những lần lỡ hẹn đáng tiếc với lễ hội khinh khí cầu Huế, khinh khí cầu Phan Thiết và Bagan. Dù đã biết trước nhưng tôi vẫn phấn khích đến mức thức dậy sớm trước giờ quy định. Chúng tôi sẽ bay trên khinh khí cầu Cappadokia – dịch vụ khinh khí cầu tốt nhất thế giới (trừ mấy lần gây tai nạn ra), 7 ngày một tuần và 365 ngày một năm, chỉ cần thời tiết cấp phép. Hơn 200 USD cho một giờ lơ lửng trên không trung chẳng phải là rẻ với đa số người Việt. Nhưng vụ khinh khí cầu này quả thật đáng giá đến từng cent.
Mặt trời lên. Ảnh: Diễm Trang
Năm giờ sáng. Một chiếc xe 16 chỗ đón đoàn chúng tôi tại khách sạn. Cappadokia dù là sáng mùa hè thì vẫn hanh hao lạnh. Trời còn mờ tối. Xe chạy khoảng 15 phút, tôi đã thấy những đốm lửa bập bùng kèm theo tiếng “xẹt, xẹt” khá to. Những quả bóng da hình cầu, hình bóng đèn khổng lồ, sặc sỡ nằm sóng soài trên đất đang được bơm ga để từ từ dựng thẳng lên.
Mười sáu người chúng tôi được yêu cầu trèo vào chiếc giỏ mây chia thành bốn ngăn. Một nhân viên mặt đất cho biết đây là khinh khí cầu tiêu chuẩn. Nếu có điều kiện hơn, bạn có thể thuê khinh khí cầu dành cho hai người với giờ bay một tiếng rưỡi, bao gồm ăn sáng ở lưng chừng núi (những người giàu có hoặc các cặp đôi muốn kỉ niệm một dịp đặc biệt thường chọn dịch vụ này). Anh “khinh khí phi công” trấn an chúng tôi bằng lời chào “tá lả” ngôn ngữ rồi hướng dẫn các thao tác cần thiết và đơn giản khi khinh khí cầu bay lên và hạ xuống. Anh cũng yêu cầu chị em tháo giày cao gót nếu đã trót xỏ vào vì anh không muốn chiếc giỏ mây thân yêu bị thủng. Đoạn, anh yêu cầu bọn tôi nhảy cẫng lên vài lần để cân bằng chiếc giỏ. Anh nhân viên mặt đất ân cần hỏi tôi có cần chụp ảnh trước khi bay lên không. Dĩ nhiên là tôi gật đầu cái rụp.
Trời tang tảng sáng. Gió mơn man khăn ấm. Chiếc giỏ mang chúng tôi trôi từ từ qua những dãy núi đá vôi đặc trưng của Cappadokia. Tôi đứng thẳng người lên chứ không còn hơi khom lưng như lúc mới bay lên. Tay tôi cũng không níu chặt thành giỏ nữa. Tôi khoan khoái quan sát trùng trùng “ống khói cổ tích” và những ngôi nhà hình nấm có nguồn gốc từ một loạt núi lửa phun trào và các tác động xói mòn. Chúng làm nên vẻ đặc sắc của vùng. Có lúc, khinh khí cầu suýt chạm một dãy núi khiến mọi người đứng tim. Nhưng không sao, chúng tôi đã có anh “khinh khí phi công” rồi mà. Anh điệu nghệ điều khiển chiếc giỏ dọc theo các triền núi, cố tình áp sát để du khách được thấy sắc màu nâu xỉn, khô mốc của chúng và cả từng ngọn cây, cọng cỏ lưa thưa. Với chất giọng sang sảng, anh liên tục hỏi chúng tôi: “Mọi người ổn cả chứ?” – “Ổn lắm!”, “Siêu ổn!” – “Ừ, ngắm cảnh đi, nhớ nhảy lên như hồi nãy nha! Lạy thánh Allah, tôi đùa đó!”.
Trời ơi, không biết diễn tả sao cho hết bao nhiêu cảm giác đến cùng một lúc này! Lửa ga thỉnh thoảng bùng lên trên đầu, ấm đến mức tôi nghĩ rằng mình có thể tháo chiếc khăn choàng pashmina mới sắm hôm qua ra lập tức. Tia nắng mặt trời đầu ngày đã thôi đỏng đảnh. Và chung quanh tôi, một rừng khinh khí cầu đủ màu, đủ hoa văn đang bay lên. Tôi đưa tay vẫy vẫy, bất chấp các “khinh khí hành khách” kia có thấy không. Những kẻ mộng mơ trong chiếc giỏ mây của tôi đang tận hưởng cảm giác thần tiên. Nhóm bạn nhìn nhau cười ăn ý. Người vợ ngả đầu vào vai chồng. Cô gái nhỏ ôm lấy cổ ba: “Ba ơi, mai bay thêm một lần nữa nha ba!” – “Đừng làm khó ba vậy chứ, con gái!”. Chúng tôi cười vang trước lời đề nghị hao tốn của cô bé. Nhưng quả thật, “nếu có ước muốn trong cuộc đời này”, tôi cũng mong được “cất cánh” hơn một lần như vậy.
Cỗ bóng bay dần đạt đến độ cao lý tưởng nhất. Vật đựng chúng tôi giờ đây chỉ là một chấm nhỏ, một phần tử của hàng trăm khinh khí cầu đang ngao du đầy kiêu hãnh trên bầu trời Cappadokia mà các bưu ảnh đã biểu đạt đầy đam mê và trọn vẹn. Chịu hết nổi, tôi mở điện thoại, chọn bài Bay. “…Ngoài ấy xanh hồng màu tím vàng/ Thôi quên đi bao nhiêu ưu tư, quên đi đừng lo gì/ Vui lên đi bao nhiêu đam mê, vui lên nữa đi/ Lung linh lung linh trong đầu, ta bay lên bay lên theo muôn màu/ Ước muốn đang trào dâng từ trong chiêm bao/ Bay lên trên mọi người, rồi nhẹ nhàng bay lên theo nụ cười/ Rạng ngời bay lên cao, bay lên cao như cồn cào/ Oh... Oh... Oh... Oh... Oh... Oh... Oh... Oh... Oh... Oh…”. Chưa bao giờ thấy cái vụ “ồ ố ô” của Thu Minh đáng yêu và hợp lý đến vậy.
Theo lẽ thường, cái gì lên cao nhất rồi cũng sẽ bò sát đất nhất. Dù luyến tiếc nhưng chúng tôi đành “cam chịu” với cảm nhận quả bóng kiên cường đang hạ độ cao. Vẫn là anh “khinh khí phi công” vô cùng tâm lý và am hiểu khí quyển Cappadokia nhắc chúng tôi nhớ quan sát “nhà bồ câu” một lần nữa. Việc xây dựng nhà thờ, nhà ở và cả những chiếc tổ bồ câu men sát các triền núi với vô số lỗ hở là kiến trúc độc đáo bậc nhất di sản văn hóa thế giới này. Hoa quả ở đây luôn trĩu nặng nhờ… chất thải của những chú chim mũm mĩm, vô tư lự. Lẽ ra đêm qua chúng tôi nên ngủ lại tại một trong các ngôi nhà đục lỗ để chờ sáng bay cho đúng điệu. Nhưng không có thời gian để nuối tiếc, tôi bận quan sát từng chút một thung lũng Red, Goreme và cả những vườn nho mọng trái.
Ngôi nhà lơ lửng của chúng tôi càng lúc càng gần mặt đất. Một chiếc xe tải trờ tới ngay bên dưới nó khiến chúng tôi thét lên hoảng loạn. Ngờ đâu, chiếc giỏ mây đáp gọn ơ trên thùng sau xe tải. Anh “khinh khí phi công” hóm hỉnh: “Cả nhà ổn hết phải không? Nào, giờ nhảy hết tốc lực đi!”. Cả bọn càng nhảy, quả bóng da càng xẹp xuống nhanh chóng. Xe dừng lại ở bãi đất trống ban sáng. Anh nhân viên mặt đất gần như ẵm tôi xuống xe, lại còn đòi chụp ảnh cùng. Tôi nhận ra tất cả những “viên chức” của dịch vụ bay đặc biệt này thật sự yêu thích công việc. Họ chuyên nghiệp, thân thiện và luôn muốn chắc chắn rằng du khách đã có một buổi sáng tuyệt vời nhất. Tiết mục đáp đất cũng vô cùng hấp dẫn. Chúng tôi có tháp champagne đỏ chói, bánh bông lan mềm rượi mừng hạ cánh an toàn. Anh “khinh khí phi công”, sau khi đặt chiếc nón chứa tiền tip lên bàn rượu, ân cần đọc tên và trao tận tay từng du khách giấy chứng nhận bay. Ấn tượng đến phút cuối cùng!
Sáu giờ sáng hôm sau, tôi dậy sớm và không vội ăn sáng. Tôi ra trước cửa khách sạn Ramada. Khinh khí cầu là là giữa đường, xen lẫn với xe cộ, hờ hững trên những rặng cây, ngọn núi, tạo nên nét duyên dáng đặc biệt mà có lẽ không nơi nào trên trái đất này sở hữu được. Tôi hăng hái băng qua đường, leo lên quả đồi gần nhất. Từng “đàn” khinh khí cầu đang nhởn nhơ tán tỉnh mây xanh. Tôi lịm đi cùng cảm giác của bọn trẻ con làng Kurkureu lần đầu trèo lên cây phong mà Aimatov diễn tả trong truyện Người thầy đầu tiên: như có một phép thần thông nào vụt mở ra trước mắt chúng tôi cả một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng, những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng.
Diễm Trang