Quà của hành trình

“Được ăn, được nói, được gói mang về” có lẽ là điều tất yếu mà bất kỳ du khách nào cũng kỳ vọng trong một chuyến du lịch. “Được nói” ở đây tạm định nghĩa là sự quan sát, cảm nhận, bình phẩm về điểm tham quan, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi... “Một trời lá phong” trên quà lưu niệm ở Vancouver (Canada). Ảnh: Diễm Trang Vậy chúng ta thường muốn “gói mang về” cái gì? Dĩ nhiên là quà cho mình và quà cho người ở nhà. Tôi sẽ không nói đến các thương hiệu đình đám như Dior, Chanel, Gucci, Versace, Hermes, Louis Vuitton... (bởi chúng không dành cho số đông du khách và “đại trà” quá!), mà bàn về những món quà hợp túi tiền, đậm đà “quốc hồn quốc túy” và ai cũng có thể tậu được cho mình. Chúng có thể là sản vật địa phương (thực phẩm, nông sản, gia vị), vật phẩm tâm linh, vật phẩm trang trí, văn phòng phẩm, thuốc men, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang sức, vải vóc, áo quần, túi xách, giày dép, đồ gia dụng... Đi đến bất kỳ quốc gia nào, tôi cũng tự thấy mình thừa năng khiếu săn lùng lẫn liêu xiêu trước quà lưu niệm. Bên cạnh các “bộ sưu tập” truyền thống như móc khóa, tách trà, sổ tay, tôi thích mua biểu tượng hoặc mô hình thắng cảnh của vùng đất mà mình đang hiện diện. Nào là Nữ thần Tự Do (New York); tháp Eiffel (Paris); nguyên tử sắt Atomium, chú bé tè Maneken Pis (Brussels); nhà hát Con Sò (Sydney); lâu đài bông Pamukkale (Denizli); khinh khí cầu, nhà nấm (Cappadocia); Kim tự tháp, Pharaoh, Nefertiti (Cairo); tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur); tháp bốn mặt Bayon (Siem Reap); lạc đà, voi, cá sấu, kangaroo, koala... chế tác từ đá, gỗ hoặc nhồi bông. Vùng vằng và u ám khi nhận ra dòng chữ “Made in China” được dán hoặc khắc cẩn thận trên đa số các biểu tượng lẽ ra phải là minh chứng hùng hồn, sống động nhất về lãnh thổ. Tính chất bành trướng của Trung Hoa lởn vởn cả trong những điều nho nhỏ và cụ thể như vậy. Tôi thề sẽ phải lòng món hàng nào không đến từ Trung Hoa (trừ khi đứng trên đất Trung Hoa) - mà sao khó quá! Buồn tình, tôi quay sang chọn những món đậm đà bản sắc lãnh thổ như giấy papyrus (Ai Cập); vải Kalaga, lá bồ đề dát mỏng, bột thanaka (Myanmar); mèo tài, muối đa sắc, trà matcha (Nhật); xà phòng handmade, tinh dầu thiên nhiên, chén đĩa họa tiết đồng tâm (Thổ Nhĩ Kỳ); đèn lồng, trà sữa (Đài Loan); chocolate ớt - sầu riêng - đu đủ (Malaysia); khô cá lóc, lạp xưởng (Campuchia); dâu, cherry, phỉ, táo, chà là, hồng... Tôi đặc biệt thú vị trước những món quà có sự phối ngẫu điêu luyện giữa tính ứng dụng và tính nghệ thuật. Rượu chứa trong chai hình tháp Eiffel, khăn tắm có hình geisha mặc kimono (nhưng khi dùng máy sấy sấy hơi khô thì geisha... không mặc gì nữa), tranh khảm đá vụn của Myanmar, gạt tàn hay hộp đựng nữ trang có dáng hình Kim tự tháp... Khi đến Canada, tôi ngỡ ngàng nhận ra một trời lá phong trên các sản phẩm lưu niệm. Lá phong vốn hiện diện ở Nga, Nhật, Hàn, Trung... nhưng có lẽ quốc gia Bắc Mỹ này cho tôi cảm giác “bán lá phong mà ăn” rõ rệt nhất. Bánh lá phong, trà lá phong, cá hồi tẩm lá phong, bình tách lá phong, bút lá phong, móc khóa lá phong, nhiệt kế và cả... quần đùi có hình lá phong. Lá phong hòa quyện trong từng sản phẩm, ngời ngời trên các bao bì, đỏ thẫm, vàng tươi hoặc xanh thắm. Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là món syrup đựng trong chai thủy tinh hình lá phong có dung tích từ 50-1.000 mi li lít. Loại chất ngọt sucrose tinh túy trong nhựa cây phong đã giúp người Canada làm nên sản phẩm vừa độc đáo vừa có ích cho sức khỏe này. Chợt hiểu ra phải gắn bó đến mức nào thì dân Canada mới đưa lá phong lên cả quốc kỳ chứ! Không sâu sát vào một biểu tượng mà đánh vào tâm lý mong cầu bình an, thịnh vượng, hạnh phúc... của khách hàng cũng là một chiêu thức kinh doanh quen thuộc. Các doanh nghiệp châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore... đã cho ra đời một khối lượng lớn sản phẩm cầu may và hỗ trợ sức khỏe. Nổi bật trong số đó là đá quý được chế tác thành trang sức, vật phẩm phong thủy (tì hưu, ngọc bội, mèo tài...), đồ trang trí nội thất (thảm, tranh, bình tách), thực phẩm chức năng (cao, sâm, kem, dầu, viên uống), mỹ phẩm, thuốc... Thế là, các tour du lịch đến những đất nước này luôn đính kèm tiết mục “đi học bài”. Du khách được hướng dẫn viên đưa vào các điểm tham quan, trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng đèn đuốc sáng choang, sang trọng, được xem các clip ngắn, các tiết mục biểu diễn hoặc được các “chuyên gia” giảng giải về tính năng, ích lợi của sản phẩm, được mời sử dụng thử sản phẩm và dĩ nhiên là bị nài mua. Không giống các nước kể trên, các quốc gia Âu, Mỹ, Úc và Nhật lại có khuynh hướng “hữu xạ tự nhiên hương”, không nài ép, “áp giải” du khách mà chính du khách có nhu cầu tìm mua bằng được các sản phẩm lừng danh của họ. Thậm chí, ở một số cửa tiệm, tiểu thương Nhật để khách tự do chọn lựa hàng hóa, tự giác bỏ tiền vào hộp mà không cần trông coi. Cũng vì tự tin vào thương hiệu mà trường Đại học Harvard có cách kinh doanh đáng nể, xứng đáng là ngôi trường đào tạo doanh nhân hàng đầu thế giới. Ngay trong khuôn viên đại học này có hẳn The Harvard Coop với hàng trăm sản phẩm có logo trường bao gồm tấm khiên chứa chữ Veritas bên trong và chữ Harvard bên ngoài. Hàng hóa nơi đây không những phong phú, đẹp mắt, tiện ích mà còn chú ý đến những nhu cầu nhỏ nhất của khách hàng (chai nước suối hay dây buộc cổ chó chẳng hạn). Dẫu biết giá bán đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với sản phẩm tương tự bên ngoài trường nhưng không ai mà không vui lòng chi tiền để sở hữu các đồ vật có xuất xứ từ đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ. Nhân đây, tôi cũng năn nỉ bạn hãy ủng hộ những di tích, danh lam, nhà thờ, bảo tàng, công trình kiến trúc thượng thặng bằng cách mua ít nhất một món quà lưu niệm trong các cửa hàng của họ. Bởi, ngoài ý nghĩa “check-in”, hành động này góp phần bảo tồn di sản một cách dễ dàng, thiết thực. Và thi thoảng, tôi nhận được một món quà lưu niệm ngoài mong đợi. Đó là lần xếp hàng vào hoàng cung Brunei để bắt tay hoàng hậu nhân dịp lễ Hari Raya (nếu là nam giới, bạn sẽ được bắt tay nhà vua). Tất cả thần dân lẫn người ngoại quốc đều được hoàng gia chiêu đãi buffet và tặng một hộp nhung màu vàng có quai xách, bên trong là một chiếc bánh hạnh nhân rất bắt mắt. Thú thật, bánh ăn không ngon mấy nhưng chiếc hộp sang chảnh thì vẫn được đặt trang trọng cùng với những món quà lưu niệm khác ở nhà tôi gần chục năm nay. Lần khác, khi xem Nanta show ở Seoul, tôi hân hạnh chụp được một quả bóng nhựa màu xanh lá do diễn viên thảy xuống. Niềm say mê với quà lưu niệm còn giúp tôi lãi thêm văn hóa vùng qua cung cách bán hàng. Người Ai Cập ưa nói thách và chèo kéo, người Thổ Nhĩ Kỳ ngọt miệng và duyên dáng, người Nhật chu đáo và nhã nhặn, người Trung Quốc dụ dỗ giỏi và hay trở mặt, người châu Âu kiệm lời và ghét ai xin túi nylon... Nhưng nói gì thì nói, các sản phẩm đa dạng, tinh xảo và đặc trưng của xứ người làm tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến quà lưu niệm của nước mình. Ngoài các biểu tượng như nón lá, xích lô, chúng ta vẫn có những sản phẩm chất lượng tốt như các loại khô, mắm, rong biển, nem tré...; có cả thương hiệu lâu đời như kẹo dừa Bến Tre, bún Song Thằn, rượu Minh Mạng, rượu Bàu Đá, tỏi Lý Sơn, nước mắm Phan Thiết, nho Ba Mọi, đèn lồng Hội An, gốm Bàu Trúc, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... song chủ yếu đáp ứng nhu cầu của khách trong nước. Đó là chưa kể nhiều thương hiệu “dại dột” trộn thêm hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng, sử dụng chất bảo quản bừa bãi, lừa đảo lòng tin của khách và tự hạ thấp uy tín của mình. Dạo quanh chợ Bến Thành, chợ Đồng Xuân, các chợ đêm ở Phú Quốc, Châu Đốc, Nha Trang, Lào Cai... và kể cả nhiều thắng cảnh, cổ tự, tôi thật sự ngậm ngùi vì khó lòng tìm được một sản phẩm mang hồn vía địa phương. Các món đồ đạo nhái phom dáng, chất liệu của các thương hiệu uy tín hoặc có nguồn gốc từ Quảng Châu, Thâm Quyến tràn lan; cách trưng bày kém thu hút và cả tác phong, trang phục của người bán đã khiến cho tiền vẫn nằm ngoan trong túi du khách. Nếu như sự phân khúc hàng hóa làm nên nét tinh anh ở quà lưu niệm các nước (ví dụ, bạn chỉ mua được chiếc giỏ hay cái tách có dòng chữ Niagara Falls khi đứng ngay khu vực thác Niagara, chỉ mua được con ngựa Troia bằng đồng, gỗ hoặc thủy tinh khi ghé Troia) thì hỡi ôi, các sản phẩm na ná nhau ở bất kỳ nơi đâu là điều dễ thấy của quà lưu niệm Việt Nam. Hàng trăm năm nay, nhiều quốc gia đã nằm lòng chuyện không thể dễ dãi, hời hợt, qua loa với quà lưu niệm. Bằng lối nghiên cứu mẫu mã, thị hiếu vô cùng cần mẫn, nghiêm túc và sáng tạo, các đế chế quà tặng đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh tế đến mức để thương để nhớ cho người mua lẫn người được nhận. Trong khi đó, quà lưu niệm vẫn là một thị trường bỏ ngỏ ở nước ta, dù tiềm năng không hề nhỏ.

Ảnh: “Một trời lá phong” trên quà lưu niệm ở Vancouver,Canada (Diễm Trang)

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/277400/qua-cua-hanh-trinh-.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63665765
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9483
17595
63665765

Thành viên trực tuyến

Đang có 666 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website