Đón xuân trên dòng Nile

 “…Sông Nile trên trời Mưa cho xứ khác Còn sông Nile dưới đất Riêng dành Ai Cập thôi…” (Tụng ca mặt trời – Akhenaten)

Một ngày cuối năm, khát vọng được tận mắt chiêm ngưỡng con sông đã kiến tạo nên nền văn minh cổ đại của xứ sở Bắc Phi thôi thúc tôi tìm đến Ai Cập, dù được khuyến cáo rằng tình hình an ninh nơi đây rất… tình hình. Khác với trí tưởng tượng của tôi về một châu Phi nóng bức, nhiệt độ của Cairo khiến đoàn chúng tôi rùng mình khi vừa ra khỏi sân bay. Ai bảo châu Phi không có mùa đông! Bữa ăn sáng đầu tiên ở khách sạn Grand thật khó quên, không phải vì thức ăn mà là vì phút giây đầu tiên chạm mặt dòng Nile. Sự gần gũi bất ngờ, chỉ cách nhau đúng một tấm kính trong suốt, khiến tôi tự hỏi phải chăng mình đã thật sự đến được sông Nile, rồi lặng người đi vì… xúc động. Dòng sông đục mờ và im lìm trong sương, từ bên này bờ có thể thấy được bên kia bờ. Có chút hẫng hụt vì cứ ngỡ sông Nile phải vĩ đại và cuồn cuộn. Đã thế, những dãy khách sạn và cao ốc khá hiện đại càng khiến Nile chẳng có vẻ gì đặc biệt so với các dòng chảy mà tôi từng thấy. Dù vậy, tôi cho rằng không nên đem một khúc sông mà đánh giá cả một dòng sông. Thế là nuôi dưỡng niềm tin rằng: chỉ chiều nay hay ngày mai, tôi sẽ tìm thấy nét độc đáo nào đó trên con sông huyền thoại này. Sau một ngày tham quan cung điện Mohamed Ali, thành cổ Citadel và phố xá Cairo, chúng tôi trở về khách sạn Grand lúc chiều buông. Tiếng dương cầm thánh thót khiến tôi không vội về phòng mà thong thả ngồi tận hưởng các giai điệu ngay góc trang trí đẹp nhất của sảnh khách sạn. Trước mắt tôi, sông Nile hiện ra rõ ràng chứ không mờ mịt như ban sáng. Trong ánh nắng chiều nhẹ nhàng, nước sông bàng bạc, lững lờ. Nhớ đến nỗi buồn tầm vóc của các thi nhân trước cảnh tràng giang, tôi bỗng ngượng ngùng vì ngay lúc này đây chỉ thấy niềm nhẹ nhàng, thư thái. Một động lực lạ lùng nào đó khiến cho tôi tỉnh như sáo sau mười lăm tiếng đồng hồ di chuyển từ Sài Gòn sang Cairo và cả một ngày du ngoạn. Làm sao có thể phí phạm thời gian vào giấc ngủ khi tôi sắp sửa được chiêm ngưỡng pháo hoa trên sông Nile ngay phút giao thừa. Càng về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp. Tôi khoác thêm khăn áo, bước ra khoảng tiền sảnh rộng được xây nổi trên sông Nile. Rất nhiều du khách cũng đã tụ tập ở đây. Đồng hồ điểm không giờ. Tôi ngước mặt lên bầu trời chờ đợi. Mãi đến gần mười phút sau, đợt pháo hoa đầu tiên mới vụt sáng. Không quá hoành tráng và cũng chẳng hề ghê gớm so với pháo hoa ở quê nhà. Nếu có đặc biệt hơn chăng thì chỉ vì chúng được bung tỏa trên dòng sông đồng hành cùng văn minh nhân loại. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đáp chuyến bay đến Aswan. Tôi trông chờ tiết mục này vô cùng, bởi lẽ tại Aswan, chúng tôi sẽ trải những ngày đầu năm mới trên du thuyền năm sao để xuôi theo dòng Nile về Luxor. Chỉ sau hai giờ bay, chúng tôi đã hiện diện ở Unfinished Obelisk. Đài tưởng niệm còn dang dở này được xây dựng cách đây 3500 năm bởi các khối đá granite cao hơn 40 mét và nặng 1090 tấn, tương đương với 200 con voi trưởng thành ở châu Phi. Vẫn còn đang ngỡ ngàng vì khả năng lao động và sáng tạo của con người thời cổ, chúng tôi được xe đưa đến bến du thuyền. Trời, du thuyền năm sao đây sao? Sao không giống các cruise ở châu Âu hay châu Mỹ vậy! Tôi tự nhắc nhở rằng mình đang ở châu Phi, hãy thôi trí tưởng bở từ phút giây này. Cách chúng tôi lên thuyền cũng vô cùng độc đáo. Những thuyền không có khách sẽ làm con đường trung chuyển để chúng tôi băng đến thuyền mình. Nỗi ấm ức vì căn phòng dành cho mình khá “mini” so với hình dung ngay lập tức được xoa dịu khi tôi nhìn ra bên ngoài. Dòng Nile đang êm đềm chảy ngoài cửa sổ, xanh màu nước biển chứ không trắng nhờ như lúc ở Cairo. Phía sau và phía trước thuyền tôi là những con thuyền khác. Các con thuyền dường như bất động vì tôi luôn thấy cồn cây xanh thâm thấp pha với cỏ lau hồng dong dỏng bên phía trái thuyền. Trong bữa ăn trưa, người phục vụ cho tôi biết lý do các con thuyền không di chuyển. Thủy triều đang xuống thấp và việc chờ đợi nước lên là điều hết sức bình thường ở lưu vực này. Suốt cả trưa đầu tiên trên du thuyền, tôi thao thức không ngủ được, có lẽ vì lệch múi giờ, và cũng có lẽ vì cảm giác hân hoan biết mình đang hiện diện nơi dòng sông đã có công lao biến đồng cát Ai Cập thành một vùng mỡ màng, trù phú. Tôi hướng mắt ra cửa sổ, nhìn dòng chảy biêng biếc dịu dàng, thân mật ôm lấy bến bờ, mường tượng đất đai Ai Cập như cổ họng một người khát cháy mà dòng Nile như suối nguồn cứu rỗi tràn vào. Vòng đời vô tận của dòng sông đã hào phóng nuôi nấng trăm nghìn mảnh đời hữu hạn của con người Ai Cập, bằng cách làm phong nhiêu nông trại, vườn tược của họ. Để rồi từ đó, biết bao Kim Tự Tháp và đền đài vĩ đại mọc lên. Tôi tự hỏi vì sao một con sông mới tao ngộ lần đầu mà cứ khơi gợi vô vàn suy nghĩ, rồi thầm thán phục sức mạnh của năng lực truyền thụ văn hóa qua sách vở và các phương tiện nghe nhìn. Buổi chiều đầu tiên trên du thuyền, nắng vẫn hanh hao vàng ngọt. Chúng tôi được đưa từ thuyền lớn sang thuyền nhỏ có cặp mắt đuôi dài. Tôi à lên thích thú vì văn hóa thuyền có mắt y chang sông nước quê mình. Có điều, con mắt thuyền Ai Cập được vẽ gần giống với mắt người hơn với đường nét to dài và hàng mi cong rợp. Ba người lái thuyền sông Nile hiện ra khiến tôi choáng ngợp. Trông họ chẳng khác gì các thước phim điện ảnh với vóc dáng cao lớn, làn da đen sạm và trang phục đặc trưng của người Ai Cập cũ, tựa như một chiếc áo trắng thụng dài, cổ đinh. Phần lai áo ngay mắt cá chân ố vàng và sờn rách. Họ phối hợp nhịp nhàng trong việc gỡ mỏ neo, căng dây buồm và điều khiển con thuyền. Thuyền chúng tôi trôi qua “cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” đúng nghĩa, vì sông Nile thừa mứa những cồn cát vàng cao vút và lau trắng lách hồng. Khi không tôi nhớ Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu: …Thuyền bơi một chiều Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu. Nước trời một sắc, Phong cảnh ba thu Bờ lau san sát, Bến lách đìu hiu… Dòng Nile xanh sắc biển nhưng lại thon dài như một con sông. Thuyền cứ trôi nhẹ nhàng, gió sông phả lên mát rượi khiến chúng tôi hồ hởi trong dạ, cho đến khi nó… đụng vào tảng đá ngầm. Ba người lái thuyền trấn an khách rằng nước đang rút và họ đang cố gắng “gỡ” mũi thuyền khỏi đá. Chúng tôi xanh mặt vì chẳng ai mặc áo phao, mà thực sự thuyền cũng chẳng có. Sóng nước sông Nile đã cho những người lái thuyền một bản lĩnh lạ thường. Sau khi lèo lái con thuyền thoát hiểm, họ gõ trống, ca hát và bán các sản phẩm lưu niệm như cá sấu gỗ, vòng tay, hoa tai... Tôi không mua ủng hộ họ bất cứ món gì, lý do là đồ không tinh xảo. Chừng lên lại thuyền lớn, tôi thấy bàn chân của một trong ba người bật máu, lòng xót xa ân hận. Ngày mới trên du thuyền nhộn nhịp ở khu vực ăn sáng. Nghe đâu thuyền di chuyển suốt cả đêm qua để kịp đến thành phố nông nghiệp Komombo. Chúng tôi được hướng dẫn lên bờ để tham quan ngôi đền Sobek linh thiêng. Ngôi đền vừa thờ thần sông nước Sobek vừa thờ thần chim ưng Haroeris. Trước đền thờ là một quán cà phê cực kì ấn tượng. Dù che, bàn ghế, phòng uống cà phê đều được làm từ mây tre lá. Ngồi ở bất kì vị trí nào trong quán cũng có thể trông lên đền Sobek. Sau này, tôi lại khám phá thêm những quán cà phê mà view cực kì đắt giá: view đại tháp Giza, view tượng nhân sư… Tại đền Sobek, tôi lần đầu tận mắt thấy các nét chạm khắc mà xưa giờ chỉ xem trong sách vở. Người Ai Cập cổ đại khá duy vật. Họ quan sát và tái hiện sống động các hoạt động của con người, đặc biệt chú trọng tính dục và sinh sản. Quá trình sinh con của một người đàn bà được biểu đạt trọn vẹn bằng các hình thù khắc trên đá. Nhờ vậy, tôi hiểu ra người Ai Cập cổ sơ ngồi xổm và sinh con vào một cái hố. Lạ lùng thay, hài nhi vẫn chòi đạp và cứng cáp để khôn lớn, chắc khỏe và xinh đẹp. Buổi trưa ngày thứ hai trên du thuyền, nước xuống rất nhanh. Thuyền nối đuôi nhau san sát, không nhích lên được tí nào. Người hướng dẫn viên gõ cửa từng phòng xin lỗi khách vì không thể lên bờ đi chợ và tham quan thêm khu đền. Anh khuyên tôi nên ngủ một giấc rồi lên tầng thượng của du thuyền thưởng thức một tách trà chiều và một mâm bánh ngọt. Không vui lắm với cảm giác mắc kẹt nhưng rồi người ta chẳng thể hạnh phúc bằng cách càu nhàu mãi. Khi chúng tôi lục tục kéo lên tầng thượng thì cũng là lúc nắng chiều nghiêng bóng. Nắng ở Aswan vàng rực và ngọt ngào hơn hẳn ở Cairo. Những khung nhà gỗ xinh xinh ở tầng thượng được quây màn trắng thật lãng mạn và lý tưởng cho các đôi tình nhân hoặc các gia đình nhỏ tìm sự riêng tư mà vẫn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn hoàng hôn trên sông Nile. Khoáng đạt hơn là các dãy ghế dài phủ nệm trắng như mời gọi những tấm lưng mỏi mệt và những đôi mắt khát khao cảnh vật. Dòng Nile trong ánh tà huy chợt chia đôi bằng một đường chéo, với một bên xanh sẫm màu nước biển và một bên xanh lá. Nước bắt đầu lên, những con thuyền chầm chậm di chuyển. Chúng sát nhau đến mức người bên này thuyền thấy rõ người bên kia thuyền và vẫy chào nhau. Rồi tôi nhận ra, đôi khi ngồi nhấm nháp cảm giác “mắc kẹt” cũng là một trải nghiệm thú vị, nhất là “giết thời gian” trên một dòng sông ăm ắp dấu thời gian. Và ấp ủ mơ về những tour du thuyền tấp nập trên sóng nước Cửu Long, vào một ngày thật gần.

 

Nguồn: Báo Pháp Luật Xuân 2019

Ảnh:Sông Nile (Diễm Trang)

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63670712
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14430
17595
63670712

Thành viên trực tuyến

Đang có 648 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website