Tôi nghĩ về Trung Đông qua những hình ảnh quen thuộc: tấm mạng che mặt của phụ nữ, lạc đà, sa mạc và... Bin Laden. Hiếm khi tôi tự hỏi “quốc dân tính” của họ là gì, chỉ mơ hồ phụ nữ bí ẩn, chịu đựng; đàn ông gia trưởng. Và một ấn tượng đậm nét nữa là nhan sắc. Sâu thẳm. Hút hồn. Sau những choáng ngợp về sự giàu có của Dubai và Abu Dhabi, chủ yếu qua những công trình kiến trúc kỳ vĩ, quy hoạch đẹp đẽ, hợp lý, những chiếc xe siêu sang vun vút (mà sang nhất có lẽ là xe cảnh sát) tôi bắt đầu để ý hơn người Trung Đông, cụ thể U.A.E (các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất).
Câu hỏi đầu tiên là sao không thấy dân họ trên phố? Tôi dùng từ “dân họ” vì dân số U.A.E gần 10 triệu nhưng chỉ có 15% là người U.A.E thật sự, 47% là người Ấn, còn lại là dân các quốc gia khác đến đây làm việc hoặc tìm cách nhập cư. Như một kẻ bề trên kiêu hãnh nhưng khó lòng xoay xở nếu thiếu phụ tá, Chính phủ U.A.E thâu nhận người ngoại xứ đến lao động, tham quan, học tập nhưng vạch làn ranh rõ rệt: không thân mật, đãi bôi, không cho nhập tịch ngay cả qua đường kết hôn với dân bản địa. Đó là cách hữu hiệu để đảm bảo phúc lợi cho các “công dân vàng”, và cũng là cảnh báo nghiêm khắc cho những kẻ ở nhờ.
Nhưng dù chỉ chiếm 15% dân số thì họ vẫn phải hiện diện trên đất nước của mình chứ! Từ lúc ra khỏi sân bay tôi hiếm khi thấy những bộ đồ đen hay trắng đi trên phố, mãi đến khi vào Dubai Mall - trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, mới thấy họ ngập tràn. Họ đi mua hàng hiệu, ăn uống, ngắm bể cá thủy cung hoặc đưa con lên tầng 124 của tòa nhà Burj Khalifa cao nhất thế giới ngắm toàn cảnh Dubai tân kỳ chỉ bằng một phút thang máy.
Họ khiến tôi nhớ những câu chuyện thuở bé “Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc giàu có nọ...”. Họ khiến tôi tin cây đèn thần, những thương buôn mưu trí, các kho báu ăm ắp là có thật, vì ở xứ sở chịu chơi nhất trái đất này, nước biển biến thành nước ngọt, đồng cát hóa lâu đài và vườn thượng uyển. Thế là tôi đã tìm được câu trả lời: các công dân thượng lưu không việc gì phải ra nắng. Họ ở trong những chiếc xe siêu sang có tài xế Ấn Độ, trong những mall rộng lớn, trong những dinh thự kín cổng đương nhiên có trồng chà là, trong những khách sạn phục vụ bánh có rắc vàng.
Câu hỏi thứ hai là đằng nào cũng mặc đồ truyền thống, mắc mớ chi mua hàng hiệu mặc bên trong? “Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Đẹp đẽ mà chẳng cần khoe mẽ, đó mới là đẳng cấp nhà giàu. Các thương hiệu đình đám của thế giới tràn ngập các mall như Dubai hay Marina chắc không phải để phục vụ du khách vì giá đắt hơn cả ở châu Âu. Tôi quen dần với hình ảnh những người đàn ông áo trắng đưa phụ nữ áo đen đi mua sắm. Cái túi mà phụ nữ U.A.E hờ hững khoác trên vai không phải Hermès thì cũng cỡ Louis Vuitton.
Nhưng trên cả những sản phẩm đáng giá ấy là cách mà người đàn ông Trung Đông đối đãi với vợ, rất đúng kiểu châm ngôn của Ptahhotep “Hãy làm nàng no ấm và thân thể ánh lên vì xoa dầu. Hãy làm trái tim nàng hân hoan trọn đời, vì nàng là cánh đồng phong nhiêu cho chủ nhân nàng”.
Câu hỏi thứ ba là: rốt cuộc, “quốc dân tính” của người U.A.E là gì? Cũng khó trả lời khi tôi chỉ ở đây mấy ngày.
Nhưng tôi thú vị nhận ra đây là lãnh thổ mà “quốc dân tính” có yếu tố giới. Đúng là đàn ông Islam xem phụ nữ như vật sở hữu đáng được yêu chiều, nhưng chính phụ nữ cũng có vẻ hài lòng khi tựa vào những đàn hương, trắc bá ấy. Cùng nhau, họ tạo nên sự thống nhất xã hội mà vẫn có phút riêng tây. Tôi thích nhất gặp phụ nữ U.A.E trong các restroom. Nghe có vẻ kỳ quái nhưng tôi cảm nhận khi không có đàn ông bên cạnh, họ cởi mở và tám chuyện như bất kỳ phụ nữ nào trên thế giới. Một chị Trung Đông đã mở áo choàng đen để tôi xem chiếc áo thun sáng màu và quần legging bên trong, say sưa nói về những bãi biển cấm đàn ông bén mảng ở nước mình, nhưng vẫn không được phép mặc bikini.
Tối cuối ở Abu Dhabi tôi đi Marina Mall đến 11 giờ đêm và lập tức hối hận vì đội sổ trong dòng người chờ taxi dằng dặc. Tôi bàn với bạn đồng hành đi bộ, vừa thể dục vừa ngắm cảnh. Đi thấm mệt vẫn không thấy bến bờ, tôi hỏi thăm những người ven đường, nhận nhiều cái lắc đầu mới sực nhớ người U.A.E không đi bộ, còn người đi bộ hoặc làm việc trên đường thì không biết khách sạn năm sao ở đâu. Đến một ngã tư, thấy chiếc Range Rover đậu bên lề đang mở cửa sổ, tôi gào to “Làm ơn chỉ tôi đường đến InterContinental!”. Người phụ nữ áo đen ngồi cạnh tài xế nói rành rọt: “Cứ đi thẳng, qua hai ngã tư rồi quẹo trái”. Tôi làm theo và về được.
Hú vía và cũng nhận ra rằng đừng tưởng phụ nữ Trung Đông ở nhà riết mà lạc hậu.
Bình luận một chút về đàn ông Trung Đông. Đàn ông Trung Đông không rượu chè, thuốc lá. Đằng sau vẻ lạnh lùng, trầm tĩnh, các quý ông U.A.E vóc cao lớn, mặt rạng ngời, da trắng muốt, dáng khoan thai thường tụm năm tụm ba trong mall. Những khi ấy, họ để phụ nữ ở nhà. Trong bộ đồ trắng điệu đà họ chạm đầu mũi hoặc ôm nhẹ nhau thân ái rồi vừa đi vừa trò chuyện. Không hiểu họ nói gì nhưng qua sự thanh lịch vương tôn ấy, tôi mặc định cuộc đối thoại như sau:
- Chào công tử, lâu quá không gặp, công tử khỏe không?
- À, hôm trước tôi có thấy công tử trong mall Marina nhưng đi cùng vợ, thành ra tôi không gọi vì sợ phiền.
- Thế à, hôm ấy tôi đưa nàng đi ra ngoài để nàng khuây khỏa. Vậy sẵn gặp nhau đây chúng ta làm tách capuchino nhé!
Thế rồi những pho điêu khắc sống ấy cùng vào một nhà hàng ăn uống nào đó, có khi ngồi đến nửa đêm. Sự giàu có ước tính đến hơn trăm năm nữa chỉ riêng về tài nguyên, đã cho họ vẻ thư thái, kiêu hãnh trong dáng đi, cách cầm ly cà phê và cả lướt smartphone.
Vậy thì, SANG phải chăng là tính từ gọn nhất diễn tả đặc tính của dân U.A.E? Sang nên chỉ chấp nhận những công trình tầm cỡ, độc nhất vô nhị. Sang nên chẳng nhìn chính mặt ai, khi khó ở thì một cái liếc đã làm công dân hạng hai răm rắp. Sang nên xài xe hiệu, đồ hiệu như mớ rau con cá. Sang nên rất kiệm lời và khi cười thường dùng những ngón tay thon muốt che răng. Sang nên những công việc lao động chân tay, dịch vụ đã có người dân nước khác làm thay. Cái sang đó khen cả ngày không hết nhưng chẳng tài nào học nổi, vì muốn sang như thế trước hết phải có dáng chuẩn mực, riêng biệt ngay cả khi khoác lên người thứ đồng phục xứ sở. Và nhất là phải giàu.
Buổi tối cuối, sau khi được người phụ nữ mặc hijab chỉ đường về khách sạn, tôi hân hoan đi trên lối vào lobby đầy trái chà là rụng, có trái nhão nhoét, bị ủi phẳng bởi đôi chân hay bánh xe nhân thế. Bất giác chúng làm tôi nhớ trái sung, trái mận lăn lóc ở quê nhà... Bất giác tôi bắt đầu nhớ nhung mảnh đất lúc nào cũng ngồn ngộn người của xứ mình... Sinh ra ở đâu thì mãi mãi thuộc về nơi đó. Cảm ơn người đã cho em lạc loài vào giấc mơ Ảrập trong phút chốc. Người cứ sang, cứ hách, cứ ở đi. Em về.
Ảnh: Từ tầng 124 của Burj Khalifa nhìn xuống Dubai (Diễm Trang)
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/123514/Nguoi-o-em-ve.html