(Diễn văn của PGS.TS. Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ đọc tại Lễ Kỷ niệm 40 năm hoạt dộng của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM ngày 12 tháng 4 năm 2015)
Kính thưa:
PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM
Quý vị giáo sư, giảng viên, quý vị đại biểu
Thưa các anh chị sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã và đang học tập tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ
Hôm nay ở Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM diễn ra một sự kiện lớn: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Khoa Ngữ văn, Ngữ văn và Báo chí trước đây) tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hoạt động của Khoa, kể từ khóa sinh viên đầu tiên – khóa bổ túc, khai giảng vào năm 1975 ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng – thống nhất đất nước. 40 năm - biết bao gian nan, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu kỷ niệm…Hôm nay tất cả các thầy cô từng làm việc ở Khoa và 40 khóa sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã từng học tập ở Khoa và những người bạn của Khoa về đây để ôn lại những kỷ niệm, để chung vui về những thành công, để kết nối truyền thống với hiện tại và tương lai… Tôi xin thay mặt Khoa Văn học và Ngôn ngữ nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của quý thầy cô, quý vị đại biểu, các anh chị em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và đạt được nhiều thành công trong công tác.
Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô
Khoa Văn học và Ngôn ngữ cách đây 40 năm là tổ bộ môn Ngữ văn - tổ bộ môn được hình thành từ hai nguồn giảng viên: thứ nhất, các giáo sư của Ban văn chương Việt Nam, Ban Hán văn của Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và thứ hai, các giáo sư từ Trường ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm, Viện Ngôn ngữ tăng cường từ Hà Nội vào. Đến năm 1978 tổ bộ môn được nâng lên thành Khoa Ngữ văn Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, rồi Khoa Ngữ văn vào năm 1990, Khoa Ngữ văn và Báo chí vào năm 1994, rồi Khoa Văn học và Ngôn ngữ từ năm 2007 đến nay.
Trong suốt 40 năm qua, Khoa Văn học và Ngôn ngữ luôn luôn cố gắng phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được giao là cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngữ văn hàng đầu của phía Nam, góp phần tích cực vào sự phát triển của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM trước kia, Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM hiện nay.
Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Văn học và Ngôn ngữ tự hào về đội ngũ giáo sư, các thầy cô giáo của chúng ta. Tên tuổi các thầy là niềm tự hào vang vọng mãi trong tim chúng ta: GS Hoàng Như Mai*, GS.Lê Đình Kỵ*, GS. Bửu Cầm*, GS. Trần Trọng San*, GS.Nguyễn Văn Trung, GS.Nguyễn Hàm Dương, GS.Lương Duy Thứ*, GS.Nguyễn Đức Dân, GS.Nguyễn Lộc, GS.Chu Xuân Diên, GS.Trần Thanh Đạm, GS.Bùi Khánh Thế, GS.Mai Cao Chương, GS.Nguyễn Tri Tài, GS.Huỳnh Minh Đức, GS.Nguyễn Khuê, GS. Phạm Hữu Lai, GS.Thái Thu Lan…Các thầy cô thực sự là những giáo sư đầu ngành, những nhà giáo tận tụy với nghề, là những tấm gương lao động khoa học không mệt mỏi và lòng yêu thương vô bờ đối với sinh viên.
Khoa Văn học và Ngôn ngữ chúng ta tự hào và luôn luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ về các giáo sư, trí thức đã đến giảng dạy ở đây, trong đó có nhiều vị nay đã thành người thiên cổ như: Ca Văn Thỉnh*, Phạm Thiều*, Hoài Thanh*, Chế Lan Viên*, Đinh Gia Khánh*, Hoàng Xuân Nhị*, Trần Đình Hượu*, Nguyễn Tài Cẩn*, Cao Xuân Hạo*, Hoàng Tuệ*, Nguyễn Đức Nam*, Phan Cự Đệ*, Bùi Duy Tân*, Cù Đình Tú*, Đỗ Hữu Châu*, Đinh Trọng Lạc*, Nguyễn Văn Tu*, Đỗ Hồng Chung*, Hoàng Thiệu Khang*, Phạm Thị Hảo*, Hoàng Nhân*, Trần Duy Châu*… Nhiều giáo sư vẫn tiếp tục thỉnh giảng cho Khoa: GS. Nguyễn Văn Hạnh, PGS.Trần Hữu Tá, GS. Lê Ngọc Trà, GS. Lý Toàn Thắng, GS Nguyễn Thiện Giáp…
Chúng ta tự hào về những thành tích khoa học của các thầy và của các thế hệ giảng viên trong Khoa của chúng ta. Các công trình khai phá, đặt nền tảng lý thuyết của các thầy về văn học dân gian, Hán Nôm, văn học cổ điển, văn học hiện đại của dân tộc, các công trình lý thuyết chuyên ngành ngôn ngữ học, lý luận phê bình văn học, văn học nước ngoài… thực sự là những sách gối đầu giường của tất cả những ai đặt chân vào ngưỡng cửa tòa lâu đài văn chương và ngôn ngữ. Tiếp theo các công trình ấy là các công trình nghiên cứu gần đây của giảng viên trong Khoa về lý luận phê bình văn học hiện đại, về các nền văn học phương Đông và phương Tây, về văn học so sánh Việt Nam và Đông Á, các công trình nghiên cứu đã và đang tiến hành về văn học dân gian, Hán Nôm, văn học quốc ngữ Nam Bộ, các công trình về chữ quốc ngữ và Việt ngữ học… thực sự đã đưa Khoa chúng ta trở thành một trung tâm nghiên cứu ngữ văn có “uy tín trong nước và cả khu vực” như đánh giá của Ban biên tập tạp chí Nghiên cứu văn học đã viết trong Lời nói đầu chuyên san số 4/2015 mới đây.
Khoa Văn học và Ngôn ngữ chúng ta có niềm tự hào rất lớn về các thế hệ sinh viên đã trưởng thành từ Khoa. Trong suốt 40 năm qua, Khoa đã đào tạo cho đất nước hơn 11.000 sinh viên tốt nghiệp các hệ: chính quy, tại chức, mở rộng, hàm thụ và các cấp đào tạo: đại học, cao học, tiến sĩ. Nhiều gương mặt của cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã đạt được những thành công nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh từng có thời khoác áo sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ.
Nhiều cựu sinh viên, cựu học viên cao học, nghiên cứu sinh đã và đang phụ trách vị trí quan trọng của các Hội, Ngành, Tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội TP.HCM, Hội Điện ảnh VN, Hội Điện ảnh TP.HCM; Hội Văn nghệ TP.HCM và các tỉnh; Hội Nhà báo TP.HCM và các tỉnh; Lãnh đạo nhiều Trường Đại học, cao đẳng ở Thành phố và các tỉnh.
Về lĩnh vực nghiên cứu-giảng dạy văn học, ngôn ngữ, Hán Nôm, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã đóng góp cho xã hội nhiều thế hệ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên có uy tín ở các trường Đại học công lập, các trường dân lập và tư thục, các viện nghiên cứu như: Trường ĐH KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh; Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH HUFLIT, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Văn Lang, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Viện Văn hóa, Viện Giáo dục…; các trường phổ thông trên khắp cả nước.
Đông đảo các cựu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh Khoa Văn học và Ngôn ngữ đóng góp vào đời sống sáng tác văn học của TP.HCM nói riêng, và cả nước nói chung. Tuy thống kê chưa đầy đủ, nhưng hiện có khoảng trên 100 nhà thơ, gần 50 nhà văn, hàng chục đạo diễn, biên kịch điện ảnh có tiếng tại TP.HCM và cả nước xuất thân từ Khoa Văn học và Ngôn ngữ.
Cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ có những đóng góp quan trọng cho ngành báo chí truyền thông nước ta. Hầu hết các cơ quan thông tấn và báo chí lớn tại TP.HCM như báo Tuổi trẻ, Thanh niên, SGGP, Nhân dân (chi nhánh TP.HCM), Pháp luật TP.HCM, Phụ nữ TP.HCM, Đài truyền hình Việt Nam (chi nhánh TP.HCM), Đài Truyền hình TP.HCM, Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM…và báo đài các tỉnh đều có sự tham gia của cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ trong vai trò là tổng biên tập, phó tổng biên tập, thư ký toà soạn, trưởng phó ban, biên tập viên, phóng viên,... Rất nhiều người trong các cơ quan ấy đã nhận được giải thưởng báo chí hàng năm.
Rẽ sang hướng kinh doanh, cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ cũng có những gương mặt thành công trên thương trường, nhiều người đã sáng lập và lãnh đạo những công ty kinh doanh rất phát đạt như: Công ty bao bì Tín Thành, Công ty truyền thông Tâm Điểm, Công ty võng xếp Duy Lợi, Trường quốc tế Á Châu, Khôi Anh group v.v.
Nói về sự thành đạt của sinh viên, không nên nghĩ chỉ có ở bề nổi, tôi vẫn cứ hay nghĩ đến mảng chìm khuất của nó. Nhiều sinh viên từ khi ra trường đến nay ít ai gặp: có những người làm giáo viên những vùng núi cao, những vùng nông thôn xa xôi, âm thầm truyền ánh sáng tri thức và đạo lý cho bao lứa học trò; có những người suốt đời gắn bó với những tổng đội thanh niên xung phong, những trường giáo dục đặc biệt, thắp lên trong những học viên ấy ánh lửa của tình thương và trách nhiệm; có rất nhiều người sống một cuộc đời bình dị, lập gia đình sinh con nuôi dạy con khôn lớn, làm những công dân tốt hòa trong mình đám đông thầm lặng tạo nên đất nước này… Họ cũng là những người thành đạt trưởng thành từ Khoa mà thành đạt trong môi trường của họ, trong cách của họ.
Do những cố gắng không ngừng nghỉ suốt 40 năm qua trong sự nghiệp giáo dục đại học, Khoa đã được chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về khen thưởng cá nhân, Khoa chúng ta có 2 giáo sư được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, 2 GS được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; 3 GS được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; 3 giáo sư được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 9 thầy cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Qua 40 năm hoạt động, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tạo ra được những truyền thống tốt đẹp cần phải được giữ gìn và trao gửi cho thế hệ mai sau. Đó là 3 truyền thống sau đây:
Thứ nhất, đó là truyền thống đoàn kết, yêu thương, tôn trọng nhau trong Khoa. Tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp; thái độ tôn trọng giữa các thế hệ lãnh đạo của Khoa, Bộ môn; tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm giữa các thế hệ trong Khoa: thầy yêu thương trò, thầy mong muốn và tạo điều kiện cho trò đi xa hơn mình…Tình đoàn kết ấy dựa trên tinh thần nhân văn, lòng chính trực, thái độ tôn trọng tư cách trí thức và thành quả lao động khoa học của nhau. Nhờ tinh thần đoàn kết ấy mà Khoa không bị mất thì giờ và công sức vào những việc vô bổ mà dành công sức cho việc xây dựng và phát triển Khoa.
Thứ hai, đó là truyền thống chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, có tư cách đạo đức và cách sống trong sạch. Suốt 40 năm qua, các giảng viên trong khoa đều được tuyển dụng một cách công bằng và nghiêm khắc, không một ai được tuyển dụng vì quen biết, tất cả đều phải là những sinh viên ưu tú nhất, những giảng viên giỏi từ nơi khác đến. Thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, Khoa luôn luôn có lực lượng giảng viên hùng hậu đứng hàng đầu trong trường và trong các khoa ngữ văn cả nước. Khoa chúng ta luôn giữ được thanh danh “đói cho sạch rách cho thơm” – suốt 40 năm qua các cựu sinh viên chưa bao giờ phải hổ thẹn vì Khoa của mình.
Thứ ba, đó là truyền thống học thuật, có thể gọi là “học phong” của Khoa. 40 năm qua Khoa đã xây dựng được một phong cách học thuật căn bản và thiết thực, hiện đại và dân tộc. Là một khoa của trường đại học Tổng hợp trước kia, đại học KHXH & NV hiện nay, Khoa Văn học & Ngôn ngữ chủ trương một chương trình giáo dục căn bản, có tính khai phóng, tôn trọng tư duy và phong cách cá nhân, tránh áp đặt. Chương trình này dựa trên căn bản dân tộc, nhưng lại luôn luôn đổi mới theo xu hướng hiện đại của khoa học ngữ văn trong nước và quốc tế. Chính chương trình giáo dục ấy đã phát huy tối đa được tư duy và tài năng cá nhân, giúp sinh viên có thể dễ dàng thích ứng và thành công ở nhiều môi trường và lĩnh vực khác nhau trong một thời đại biến đổi một cách nhanh chóng như hiện nay.
Kính thưa quý vị giáo sư, quý vị đại biểu,
Đạt được những thành công 40 năm qua, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều thế hệ lãnh đạo ĐHQG cũng như Nhà trường. Cho phép tôi thay mặt Khoa Văn học và Ngôn ngữ được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG TP.HCM; Các giáo sư hiệu trưởng Nhà trường qua các giai đoạn: GS. TS Phan Hữu Dật, Trưởng Ban phụ trách Trường Đại học Văn Khoa TP. Hồ Chí Minh những năm 1975 – 1977; Giáo sư, Tiến sĩ LÝ HOÀ, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh những năm 1977 – 1990; Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC GIAO, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1990 – 1996; Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN QUANG ĐIỂN, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1996 – 1999; Giáo sư, Tiến sĩ NGÔ VĂN LỆ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhiệm kỳ 1999-2007; Phó Giáo sư, Tiến sĩ VÕ VĂN SEN, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhiệm kỳ từ 2007 đến nay; Cùng tập thể Đảng uỷ, Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn Nhà trường trong các giai đoạn nói trên đã lãnh đạo, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Khoa Văn học và Ngôn ngữ.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Phó giáo sư MAI CAO CHƯƠNG, người đã đặt nền móng cho việc xây dựng Khoa Ngữ văn, thầy Trưởng Khoa đã dành hết tâm sức để lãnh đạo Khoa từ những ngày đầu tiên cho đến năm 1990; Phó giáo sư NGUYỄN LỘC, Trưởng Khoa Ngữ văn nhiệm kỳ 1990 – 1994, người đã lãnh đạo quá trình đổi mới và phát triển Khoa cả về qui mô lẫn chất lượng đào tạo; Giáo sư, Tiến sĩ HUỲNH NHƯ PHƯƠNG, Trưởng Khoa Ngữ văn và Báo chí nhiệm kỳ 1994-2001, người đã tiếp tục lãnh đạo làm sâu sắc hơn quá trình đổi mới, mở ra những ngành mới, nâng cao uy tín của Khoa; Nhà giáo NGUYỄN NGỌC QUANG, Trưởng Khoa Ngữ văn và Báo chí nhiệm kỳ 2002-2007, người đã tiếp tục lãnh đạo Khoa trong quá trình đổi mới, mở rộng các mối quan hệ hợp tác, quy chuẩn hóa công tác quản lý của Khoa. Trân trọng cảm ơn Quý vị giáo sư và giảng viên của các Khoa trong Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng như của các Trường Đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan văn hoá – tư tưởng và truyền thông đại chúng đã nhiệt tình tham gia công tác đào tạo ngành Ngữ văn và ngành Báo chí trong 40 năm qua.
Cuộc Hội Khoa năm nay với nhiều công trình công phu là do công lao đóng góp của các giảng viên, các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã và đang học ở Khoa, nhất là các anh chị trong Ban Đại diện sinh viên các khóa. Xin thay mặt cho Khoa, xin cám ơn tất cả tấm chân tình ấy.
Xin kính chúc sức khỏe tất cả các vị đại biểu, các thầy cô, các anh chị sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có mặt trong ngày hôm nay. Chúc cuộc Hội Khoa 2015 năm nay để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và có ý nghĩa. Xin cám ơn.