Tiên Nga xác lập bản sắc nhạc kịch Nam Bộ

Đầu thế kỉ XIX, khi truyện thơ Đông Nam Á đã đi qua giai đoạn đỉnh cao thì tại một mảnh đất phương Nam của Việt Nam, Lục Vân Tiên xuất hiện, sáng ngời tư tưởng giáo hóa. Bên cạnh văn bản thơ phổ biến đến mức “không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy” (G. Aubaret), truyện thơ Nôm này nhiều lần được chuyển thể thành cải lương, phim điện ảnh, phim truyền hình trong suốt trăm năm qua... Kỉ niệm tuổi 20 bằng Tiên Nga – một phiên bản mới của Lục Vân Tiên – sân khấu Idecaf cống hiến cho khán giả những gì?

1. Vấn đề trọng yếu của tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu đương nhiên là “chở đạo, đâm gian”. Đạo của Đồ Chiểu không chỉ là các giá trị cốt lõi của Nho giáo như nhân, trí, tín, trực, dũng, cương mà còn là sự mềm mại ở lí và tình giữa con người với con người trong cuộc đời rộng lớn. Ý thức rõ điều đó, ở Tiên Nga, nhóm biên kịch truyền tải tinh thần “chở đạo” bằng việc giữ nguyên tính cách nhất quán của hệ thống nhân vật trong truyện thơ gốc. Mạch kịch được trần thuật theo trình tự thời gian truyền thống, chú ý làm rõ các trục đối lập: chánh – tà, trung – nịnh, thiện – ác, tốt – xấu. Mỗi nhân vật trong Tiên Nga đại diện cho một kiểu người trong xã hội, góp phần khẳng định chân và thiện sẽ mãi trường tồn dù đời sống vẫn “đùng đùng sóng xao”. Cái đạo ở Tiên Nga còn nằm ở sự xâu chuỗi tư tưởng và xúc cảm của Nguyễn Đình Chiểu qua hệ thống tác phẩm của ông, đặc biệt tỏa sáng ở việc kết hợp Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với Lục Vân Tiên. Bằng cách đó, Tiên Nga thẳng thắn chỉ ra vấn đề “đất bằng dậy sóng” biết bao đời nay; nghiêm khắc phê phán những mưu đồ chính trị đê hèn, khơi gợi những rung động về truyền thống dân tộc cũng như đánh động ý thức con người về vận nước và nhân tâm hôm nay. Một điểm nhấn không thể không nhắc đến trong vở kịch này là phần âm nhạc và dàn dựng sân khấu. Dàn nhạc sống nghe sung sướng đến tê người. Nó làm tôi nhớ cái thuở đi xem cải lương ở rạp Ca Đồng Hưng, tay cầm quạt giấy, hạt dưa mua trước cửa rạp, mắt tròn mắt dẹt ngắm những nhạc công chỉn chu ngồi trước dàn trống, đờn chờ biểu diễn. Vẫn là Đức Trí – người dám đặt Nắng có còn xuân lên môi Lý Thường Kiệt trong Ngàn năm tình sử, nhưng lần này, anh tiết chế hơn, không đưa bất kì bài tân nhạc nào vào Tiên Nga mà chỉ tận dụng sức sống của các nhạc cụ phương Tây để làm nên sự hùng tráng “đã đời” và nét sang trọng cho vở diễn. Các nghệ sĩ gạo cội lùi lại làm bệ đỡ để dàn diễn viên trẻ trung tha hồ xông pha, “rút ruột”. Vở không quá đông diễn viên nhưng dàn trải thông minh, đủ cao trào hoặc êm ái. Tre, trúc, cúc, mai, sen và mẫu đơn trở thành cảm hứng chủ đạo của phông màn, trang phục, đạo cụ, thanh thoát và giàu ẩn dụ. Tương tác với ánh sáng, chúng trở nên lả lướt và toàn bích. Đạo diễn Thành Lộc quá may mắn khi có nhiều cộng sự tài năng và hiểu anh như Đức Trí, Sĩ Hoàng, Vũ Minh… Qua Tiên Nga, những nghệ sĩ yêu ngôn ngữ và tâm hồn Nam Bộ đã chứng tỏ họ xứng đáng thuộc về mảnh đất đã nuôi dưỡng và cho mình nhiều hoa trái ngọt lành.

Tươi tắn, rõ ràng, sâu lắng về chủ đề, thông điệp và cách truyền tải, Tiên Nga tặng khán giả những giây phút tri lí, những ân tình sâu nặng. Một đêm thưởng thức nghệ thuật thỏa mãn thị giác lẫn thính giác.

2.Tiên Nga, các biên kịch đã thể hiện sự đối thoại dũng cảm với tiền nhân và tô đậm thêm những chân dung vốn mờ nhạt trong truyện thơ. Nếu như Lê Duy Hạnh – Hoàng Song Việt cho Chiếc áo thiên nga hai điểm mới: Trọng Thủy đã có vợ con quê nhà nhưng phải lòng Mị Châu, nỏ thần không có thật mà sự hợp nhất giữa ý vua, lòng tướng mới thực là vũ khí khiến quân thù bạt vía; Nguyễn Thị Minh Ngọc – Hoàng Thái Thanh muốn Lan (Lan và Điệp) phải sống thì nhóm tác giả Nguyễn Thành Châu – Nguyễn Thị Minh Ngọc – Nguyễn Hồng Dung cũng đẩy nhân vật Kim Liên lên tuyến đầu của vở bằng hình tượng một thiếu nữ mong manh như cọng sen, thà thác mà đặng câu địch khái.

Cốt kịch xoay quanh ba lựa chọn. Nguyệt Nga chọn câu chuyện tình yêu. Kim Liên chọn câu chuyện nước non. Thể Loan chọn câu chuyện chữ duyên tráo chác chữ tình lãng xao. Giữa ba lựa chọn đó, câu chuyện của nàng tì tất nhỏ nhoi dĩ nhiên “nghìn năm tiết rỡ”. Vở mang tên hai nhân vật chính nhưng Kim Liên lại trở thành hình tượng trung tâm, để lại ấn tượng sâu đậm về một liệt nữ trung trinh đến mức hóa thành hồn thiêng sông núi. Từ vị trí người hầu, nàng trở thành người thân và người được thờ phụng – ngang hàng với Vân Tiên – trong lòng Nguyệt Nga. Nàng làm ta nhớ đến các anh thư của non nước này, từ Huyền Trân, Ỷ Lan, Dương Vân Nga, Vũ Thị Thiết cho đến Ngọc Hân. Kim Liên sinh ra đâu chỉ để Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê hay an phận làm hoàng hậu nước Phiên! Nàng tự viết riêng trang sử đời mình.

Cách nâng cao hình tượng Kim Liên mạnh dạn như vậy có phần hợp lí. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có khát vọng “an dân, trừ bạo” như Nguyễn Trãi mà còn đặc biệt tin vào thái độ, khả năng của những con người ngoài cật có một manh áo vải. Nếu thế sự bình yên, họ có lẽ cả đời chỉ biết “cun cút, toan lo”; nhưng trước nợ nước tình nhà, họ bừng lên nhiệt huyết Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình/ Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ. Sức mạnh ấy, tinh thần ấy bắt nguồn từ ý thức đúng đắn Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta/ Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó? Việc chuyển hóa nữ nhân Kim Liên trong Lục Vân Tiên thành một tượng đài nghĩa sĩ sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc là một sáng tạo đầy tinh anh và đáng trân trọng của nhóm biên kịch Tiên Nga. Và vì bà mẹ biên kịch mắc chăm bẵm đứa con Kim Liên nên các nhân vật khác chỉ dừng ở mức tròn trịa hoặc nhàn nhạt minh họa. Nguyệt Nga là nhân vật tròn trịa. May thay, tác giả kịch bản đã tặng nàng một màn độc diễn trên chiếc thuyền có con mắt son đậm hồn vía sông nước Nam Bộ. Về phương diện kể chuyện một mình trên con thuyền cống Phiên thì có lẽ, Lê Phương chưa thể vượt qua được tấm tình giằng xé, bơ vơ, ngả nghiêng mà các Nguyệt Nga - Bạch Tuyết,  Nguyệt Nga - Thoại Mỹ từng thể hiện. Nhưng Lê Phương có tố chất của một đào thương, trong sáng và ngọt ngào. Giá như Phương bớt “cứng” trong động tác, uyển chuyển và lắng đọng thêm chút nữa thì Nguyệt Nga sẽ tròn vẹn hơn. Hoài Thanh cho rằng thái độ Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay của Nguyệt Nga quá “vận động viên” so với cảm thức Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang của Thúy Kiều. Tôi nghĩ, người diễn viên cũng nên tham khảo ý này của nhà phê bình tài hoa. Và tôi tiếc khi Nguyệt Nga - Lê Phương đội chiếc mũ ni như Lan và Điệp trong phần gặp lại Lục Vân Tiên. Cụ Đồ Chiểu không để nhân vật đi tu và không cần thiết phải “sáng tạo” như vậy. Vân Tiên là một nhân vật minh họa. Dương Cường không có nhiều đất diễn. Vở cũng không nói rõ vì sao chàng Vân Tiên thoát nạn tai mà chỉ “thông báo” qua vài câu hát. Vân Tiên cao lớn, sáng sân khấu, đài từ ấm, múa gậy đẹp và có một màn khóc mẹ. Nghĩ đến Vân Tiên của Tiên Nga, ta nhớ nhất đạo nghĩa làm con. Cuộc tình giữa chàng và Nguyệt Nga được nhìn nhận ở khía cạnh tình nghĩa hơn tình ái. Âu cũng phù hợp với tinh thần nguyên tác.
 

 
Cảnh trong vở Tiên Nga của sân khấu Idecaf - Ảnh: TL


Một số nhân vật của Lục Vân Tiên bị “triệt tiêu” hoàn toàn ở Tiên Nga, đáng kể là: Hớn Minh, Cốt Đột, tiên ông, ông ngư, ông tiều, lão bà... Điều này chấp nhận được vì mỗi kịch bản sẽ chọn một cách thức tiếp cận với nguyên tác chứ không đều đặn minh họa tất cả những tình tiết. Rất sáng suốt khi kịch bản giữ lại nhân vật ông quán. Ông xuất hiện vài phút ngắn ngủi nhưng cực kì quan trọng vì nhân vật này chính xác là người phát ngôn “lẽ ghét thương” trong tư tưởng Đồ Chiểu. Một số vai khác có xuất hiện trong Tiên Nga nhưng “hi sinh” từ phút đầu tiên vì chỉ dừng lại ở mức độ nhân vật chức năng. Ví dụ, Trịnh Hâm chỉ hậm hực ông quán vài câu và bao thêm một nhiệm vụ nữa là đẩy Vân Tiên xuống nước. Võ bà Quỳnh Trang “có da thịt” một chút trong việc can ngăn cha con Võ Thể Loan và nhận thức nghiệp báo nhãn tiền. Duy chỉ nhân vật Bùi Kiệm là thoát ra được cái bóng tỏa quá rộng của Kim Liên, tạo được nét duyên dáng và tiếng cười hài hước. Đình Toàn không khó khăn gì để làm việc này. Anh chỉ cần pha trộn vẻ lí lắc đáng yêu của những nhân vật kịch dân gian từng thủ diễn trên sân khấu Idecaf với vẻ trí trá, bất tài bất xứng của Lê Long Đĩnh trong phim Thiên mệnh anh hùng là đủ ổn.

3. Lục Vân Tiên là một truyện thơ đúng cấu trúc: gặp gỡ – tai biến và lưu lạc – đoàn viên. Cốt truyện như vậy chắc chắn là nền móng vững chãi cho một kịch bản truyền thống giàu kịch tính. Kịch bản đầy đặn, giàu ý tứ của Tiên Nga là thành quả của việc bám sát lời thơ đẹp đẽ của nguyên tác Lục Vân Tiên, kết hợp với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và kho tàng lời ăn tiếng nói nhuần nhị của dân gian một cách bài bản, thông minh, chừng mực. Nhiều khúc đoạn trong lời ca và thoại kịch đạt đến mẫu mực kịch thơ, càng nghe càng ngấm càng ngẫm. Nó đòi hỏi người xem phải có vốn kiến thức phong phú về điển tích, điển cố văn học và từ vựng tiếng Việt, nhất là từ cổ. Nó đập tan thành kiến Lục Vân Tiên chỉ là một truyện Nôm bình dân nặng về luân lí.

Ẩn sau cách kể chuyện tươi sáng, rõ ràng và giàu chất thơ, Tiên Nga sở hữu phương thức trần thuật sử thi và những kĩ thuật của sân khấu kịch cổ điển phương Tây lẫn phương Đông. Chất sử thi của Tiên Nga trước hết nằm ở sự xuất hiện của Nguyễn Đình Chiểu. Rõ là có nét tương đồng với người hát rong mù Homère. Nhưng ở đây, Homère phương Đông của chúng ta không phải là người kể chuyện thuần túy (narrator) mà là nhân vật Đồ Chiểu. Thủ pháp đồng hiện đã giúp nhân vật này “xen vào” giữa các phân đoạn một cách hợp lí nhất, để thực hành “thi dĩ ngôn chí”, để xiển dương hoặc nâng đỡ những nhân vật chính nghĩa khác. Sự đa nghĩa của nhân vật Đồ Chiểu lật lại vấn đề về mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể sáng tạo. Đồ Chiểu thiết lập ra thế giới nhân vật rồi lại “sa ngã”, dự phần vào thế giới đó. Đừng quên Lục Vân Tiên là giấc mộng đẹp của Đồ Chiểu. Tiên Nga còn mang dáng dấp sử thi khi khai thác các khía cạnh anh hùng, chiến tranh, hòa bình và một “cuộc tình hạt nhân” đẹp đẽ. Nó cũng không giấu giếm ý định xây dựng hình mẫu người nam và người nữ lí tưởng trong xã hội: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Từ “trung hiếu” và “tiết hạnh”, hiểu theo nghĩa tường minh và nâng niu nhất, thì có bao giờ là cũ?

Màu sắc của bi kịch Hi Lạp phảng phất trong Tiên Nga ở dàn đồng ca - người nghe - người hát. Thủ pháp mộng và huyễn - một trong những đặc thù của kịch cổ điển phương Tây lẫn phương Đông (đặc biệt điêu luyện ở kịch Nô) cũng được áp dụng trong vở. Mộng khiến Nguyệt Nga cảm biết Vân Tiên gặp tai ương. Huyễn khiến hồn người con gái Kim Liên xuôi về cố quốc dẫn đường cho Nguyệt Nga thoát khỏi những cánh cửa cài then sập chốt nhà Bùi Kiệm, đưa lối Vân Tiên vào đúng ngôi nhà tranh tịch mịch giữa rừng. Huyễn cũng tạo cơ sở cho người xem “chấp nhận” cụ Đồ Chiểu xuất hiện thình lình ở những khúc đoạn cao trào của số phận và tâm lí các nhân vật.

Nếu những vở nhạc kịch trước đây ở Idecaf (và cả ở sân khấu 5B) ít nhiều sa đà vào kiểu thức kịch Tây lời Việt, lạm dụng tân nhạc thì Tiên Nga đã tìm được lối ra cho mô thức nhạc kịch dựa trên sở trường, sở đoản của “sân nhà”. Tiên Nga không phải là một vở opera đúng nghĩa và chắc chắn Idecaf không đặt ra sứ mệnh đó. Điều mà Tiên Nga đạt được là phô diễn thế mạnh của một kịch bản chắc tay chuyển thể từ văn học, những diễn viên “hát được”, ứng dụng âm hưởng đờn ca tài tử, các thang âm ngũ cung, các điệu Ai, Xuân... và dàn nhạc Tây phương nhưng bè phối kiểu Việt Nam. Truyền thống của một gia đình mấy đời theo nghệ thuật tuồng cổ giúp Thành Lộc và các cộng sự của anh có đủ bản lĩnh quyện hòa tất cả những điều đó. Nếu Tiên Nga sử dụng thêm một vài làn điệu dân ca Nam Bộ thì e rằng khán giả lịm ngất! Cậy dựa vào âm nhạc truyền thống và sự tân thời của dàn nhạc thính phòng, biểu hiện bằng một hình thức chỉn chu và mềm mại, Tiên Nga chính thức xác lập bản sắc nhạc kịch Nam Bộ.

Làm sống lại mĩ mãn các giá trị truyền thống, giương cao nhuệ khí và tâm hồn cao nhã của cha ông, lồng ghép nhịp nhàng những thông điệp thời sự, Tiên Nga - đẹp đẽ, thướt tha và lấp lánh như cái tên của nó - đáng được tán thưởng và nô nức đón xem.

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/tien-nga-xac-lap-ban-sac-nhac-kich-nam-bo-11712.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63674605
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18323
17595
63674605

Thành viên trực tuyến

Đang có 576 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website