Sân khấu và tư duy sinh thái

Trong thời đại mà toàn cầu đang nỗ lực bảo vệ môi trường, cứu lấy trái đất, văn học nghệ thuật được kỳ vọng là phương tiện hữu hiệu để lay động và làm bừng tỉnh ý thức của con người.

20210624 2

Văn học nghệ thuật là bản thu nhỏ về nơi chốn mà chúng ta đang sống. Thông qua tác phẩm, người sáng tạo đưa ra những hình ảnh khác nhau về thế giới cũng như tư duy, thông điệp về xã hội, văn hóa, lịch sử... Nằm trong hệ thống văn học nghệ thuật, các hình thức biểu diễn sân khấu khiến chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: Liệu không gian thể hiện tác phẩm nhỏ hẹp và có phần không thực (trong cảnh trí, trong hóa trang, các thủ pháp ước lệ...) có thể đóng góp gì cho việc nâng tầm ý thức của con người về môi trường sinh thái?

Tư duy sinh thái

Tư duy sinh thái (ecological thinking/ ecological consciouness) là cách con người hình dung, mô tả và cảm nhận sự kết nối của các sinh vật trong môi trường mà chúng tồn tại. Tư duy sinh thái coi cuộc sống là một mạng lưới lớn mà trong đó các sinh vật hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một quá trình sống và đổi mới vô tận. Nó công nhận cái chết là một phần của quá trình tái sinh. Vì lẽ đó, tư duy sinh thái không đề cao một loài mà xem nhẹ những loài khác. Sự kết hợp giữa các loài tạo nên hệ thống và cơ chế cân bằng của tự nhiên. Bằng cách liên tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu tái cân bằng, con người và vạn vật có thể sống hài hòa với nhau. Nhà nghiên cứu sinh thái Feibleman nói: “Cuộc sống là sự tích hợp quy trình của các hệ thống sống lồng vào nhau”.

Dưới ánh sáng của tư duy sinh thái, con người nhận thức được tính chất đa dạng và phức tạp của giới tự nhiên, biết cách tôn trọng các khía cạnh của sự sống, quan tâm và tương tác với chúng. “Tư duy sinh thái là một cách tự nhiên để những người nhạy cảm cao sống và suy nghĩ. Nó cho phép nỗi đau trở thành một phần của quá trình tái cân bằng tự nhiên trong cuộc sống của chúng ta và cho phép sự nhạy cảm của chúng ta phục vụ toàn bộ mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau của thiên nhiên và cuộc sống. Nó làm cho sự nhạy cảm có giá trị đối với bản thân và những người khác” (Maria Hill). Vì lẽ đó, tư duy sinh thái cũng cho thấy rõ rệt đặc điểm biểu hiện của cá thể trong thế giới tự nhiên, là kết quả của sự bao trùm tính liên kết của tất cả các dạng sống.

Tư duy sinh thái trong biểu diễn sân khấu

Ngày nay, hoạt động biểu diễn sân khấu được đánh giá một trong những dịch vụ hệ sinh thái (ecosystem service). Mặc dù thuật ngữ “biểu diễn sân khấu” và “sinh thái” có vẻ như không gắn bó mật thiết nhưng thực chất là không thể phủ nhận các khía cạnh sinh thái của sân khấu từ xưa đến nay.

Tìm về quá khứ, chúng ta có thể thấy nhà hát phương Tây lẫn phương Đông đều gắn bó mật thiết với truyền thống nhân văn trong việc trình bày những cách thức biểu hiện mối liên hệ sâu sắc giữa con người và nhiên giới. Các vở kịch thời Hy Lạp cổ đại và thời Phục Hưng không chỉ diễn ra trong không gian tự nhiên mà bản thân kịch bản luôn tràn đầy trí thông minh thiên bẩm của con người, lòng nhân từ của vũ trụ và vô số phương thức biểu hiện biển cả, đại ngàn, vầng trăng, mặt trời... Hầu hết các tác phẩm sân khấu cổ xưa tập trung vào nỗi tuyệt vọng lẫn sức mạnh của con người trong thế giới, thông qua quá trình tái thiết nghi lễ, vũ điệu, mặt nạ, phục sức và sự tràn ngập cảm xúc trong những câu chuyện kịch. “Sân khấu có thể cung cấp một cái gì đó đặc biệt trong tương tác với sinh thái” (David Wright).

Nếu như sân khấu xanh (green theater) hay sân khấu sinh thái (ecology theater) tìm cách tạo ra không gian biểu diễn gần gũi với thiên nhiên hết mức có thể cũng như đưa ra các kịch bản hiển lộ thông điệp về môi trường thì tư duy sinh thái lại để cho khán giả tự cảm nhận cốt truyện sinh thái thông qua cốt truyện thông thường.

Chẳng hạn, ít ai nghĩ Romeo và Juliet là một kịch bản có lồng ghép nhiều yếu tố sinh thái. Nhưng ta không thể phủ nhận hình ảnh thiên nhiên cứ tuần tự hiện ra hết sức tự nhiên và đầy đặn, như cảnh Romeo thoăn thoắt leo qua tường và nhảy vào vườn cây hay những lời thoại kiểu: “Bông hoa kia, giá như ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm vẫn ngọt ngào”; “Em xin chàng đừng lấy trăng kia thề thốt, vầng trăng nghiêng ngả mà mỗi tháng lại thay đổi đường đi lối về. Em sợ tình chàng cũng như trăng kia thay đổi” (lời Juliet); “Buổi sáng mù sương, giao hòa với đêm tối. Ta phải hái cho đầy giỏ, những hoa thơm cỏ lạ, hương vị ngọt ngào và quý giá kia. Quyền lực to lớn đang ngự trị trong cây, trong cỏ và cả trong những tảng đá, đồng thời với những mối nguy hiểm! Cánh hoa bé nhỏ này vừa chứa đựng chất độc, vừa là vị thuốc. Con người cũng chẳng khác gì loại cây cỏ ấy”; “Chúa ơi! Đôi má hóp vì sầu muộn của con từng đầm đĩa nước mắt. Mặt trời còn chưa xua tan đám sương mù tích tụ những lời than thở của con” (lời tu sĩ Laurent)...

Shakespeare hầu như chưa bao giờ đề cập trực diện đến chủ đề sinh thái nhưng cách thức thiết lập không gian sinh thái trong thoại kịch và bối cảnh câu chuyện cho thấy mối quan tâm thường xuyên của ông về các vấn đề môi trường. Nếu để ý, ta sẽ thấy nhà văn thường đề cập đến mùa, những cơn bão và băng tuyết trong nhiều vở kịch.

“Shakespeare viết khi chủ nghĩa tư bản sơ khai, thương mại toàn cầu hóa và chủ nghĩa thực dân đang bắt đầu mở rộng những lý tưởng của phương Tây và nam quyền về việc chinh phục thiên nhiên trên khắp thế giới. Phản ứng bằng trí tưởng tượng với những phát triển này, Shakespeare nhận ra những giới hạn mà thiên nhiên bị áp đặt bởi sự bóc lột của con người, sự cần thiết của việc bảo tồn tính toàn vẹn sinh học của các hệ sinh thái vì lợi ích của con người và phi con người, và sức mạnh tuyệt đối của trái đất để vượt qua những nỗ lực thống trị của con người” (Randal Martin).

Một điều không thể phủ nhận là, khi tham gia vào một buổi biểu diễn, cảm thức về nhiên giới ít nhiều xâm nhập vào tâm trí người xem, một cách vô thức hoặc ý thức. Điều đó có nghĩa là dù cho tác phẩm có được biểu diễn trong bốn bức tường của sân khấu (có vẻ không liên quan đến môi trường sinh thái) thì tự thân nó đã hàm chứa các ý niệm sâu sắc về nhiên giới. Để hỗ trợ thêm cho điều này, thiết kế bối cảnh (scenography/stage design) đóng vai trò quan trọng. Không nhất thiết phải mang cây cảnh hay động vật thật lên sân khấu, mà sự gợi ý về sinh thái được biểu hiện qua phông màn, ánh sáng, những âm thanh mô phỏng tự nhiên (tiếng gầm của hổ, tiếng suối chảy, tiếng gió rít, màu vàng ngà của trăng...). Cầu kỳ hơn, các đạo cụ và trang phục biểu diễn cũng là minh chứng rõ nét cho ý thức sinh thái trong vở diễn.

Tiếp nhận tư duy sinh thái trong thưởng thức sân khấu

Ngày nay, mối quan tâm của khán giả không đơn thuần là giải mã ý nghĩa của văn bản kịch mà còn tập trung vào cách thức, ý nghĩa và sức lan tỏa của buổi trình diễn. Họ đủ tinh tế và tỉnh táo để nhận ra những thông điệp chính trị, xã hội, môi trường... Do đó, tư duy sinh thái không chỉ được tạo ra từ người sáng tạo mà còn nằm ở nơi người tiếp nhận. Sự lan tỏa và thẩm thấu này chắc chắn có lợi cho môi trường sinh thái, khi khán giả muốn chuyển hóa nhận thức của mình thành những hành động thiết thực hoặc chí ít chùng tay khi định làm điều gì đó gây bất lợi cho môi trường sống. Suy nghĩ này nếu được duy trì thường xuyên, có thể xóa bỏ định kiến biểu diễn sân khấu và các hoạt động văn hóa là xa lạ và trái ngược với tự nhiên. Vì lẽ, các mối quan hệ liên kết với nhau của thế giới sự sống có thể được phản chiếu rõ nét thông qua các buổi biểu diễn vốn đã thâu tóm được tinh thần của sinh thái học.

Sân khấu không tồn tại riêng biệt. Nó tác động và bị tác động bởi môi trường mà nó tồn tại, bao gồm hệ sinh thái và các mối quan hệ xã hội. Trong quá trình biểu diễn, sân khấu tạo ra tư duy sinh thái thông qua việc giúp khán giả có nhận thức đầy đủ hơn về cách mà con người kết nối với những sinh vật khác. Khán giả được đánh thức trí tượng tượng và khả năng liên tưởng, được cung cấp trải nghiệm gần gũi với thế giới mà họ đang sống, bao gồm con người và vạn vật, từ đó mở rộng nhận thức sinh thái.

Như vậy, không nhất thiết chủ đề vở diễn hay kịch bản phải nói về việc bảo vệ môi trường hay các vấn đề sinh thái, mà chính cách các nhân vật đi đứng, nói năng và kết nối với nhau trong vở diễn sẽ khiến người xem hình thành tư duy sinh thái.

Đào Thị Diễm Trang

Giảng viên trường Đại học Văn Lang

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 21.6.2021.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694454
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14746
23426
63694454

Thành viên trực tuyến

Đang có 598 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website