Về bài "Thi tiên" trong thơ "Thánh Quát"

             Bài viết của PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học số 2 năm 2005 có nhan đề “Thi Tiên” trong thơ “Thánh Quát”  (tr 41 - tr 48). Trong bài viết, Hồ quân đã chỉ ra vài ảnh hưởng của thơ Lý Trích tiên đối với thơ Thánh Quát với những điểm tương đồng và dị biệt khá thú vị, dù những so sánh này chẳng mới mẻ cho lắm. Phương Tây có câu “mọi so sánh nào cũng đều khập khiễng cả” nên người đọc có thể dễ dàng cảm thông. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ bài viết của tác giả khi viết về Cao Chu Thần thì có vài chỗ cần trao đổi. Là một độc giả của Tạp chí Văn học, rồi Nghiên cứu Văn học đã hơn 30 năm nay (nghĩa là từ sau ngày Đất nước thống nhất), tôi quan niệm đọc để tự học nên có thói quen đã thành lệ là đọc chậm, đọc kỹ, mỗi bài đọc vài lần, bài nào thích và cần thì đọc nhiều hơn. Vì thế, dù biết mình là hậu sinh lại thiển học, nhưng cũng có đôi lời muốn thưa với Hồ quân về bài viết trên như sau:

             - Một là, không cập nhật thông tin tư liệu mới nên có vài điểm cơ bản nêu ra chưa chính xác. Đó là việc ghi năm sinh, năm mất của Cao Bá Quát. Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 2-2005 là số kỷ niệm 150 năm mất Cao Bá Quát (2-1855 – 2-2005) nên đã đăng 3 bài viết về Cao Chu Thần ở phần đầu tạp chí với dung lượng 48 trang của tạp chí. Cũng cần nói thêm, hai bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và của nhà phê bình Hồng Diệu đều ghi năm sinh, mất của Cao tiên sinh là 1809 – 1855; trong khi đó cũng tại tạp chí này, bài của PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp thì lại ghi 1808 – 1854 (riêng sự không nhất quán này, Ban biên tập của tạp chí cũng cần cân nhắc thêm). Năm sinh và mất 1808 – 1854 là cách ghi trong các tài liệu cũ ở trong Nam cũng như ngoài Bắc cách đây rất lâu! Thánh Quát  sinh năm 1808 hay 1809? Đây là một rắc rối và xưa nay các nhà nghiên cứu đã tốn nhiều giấy mực để bàn. Trước năm 1975, khi còn ngồi trên ghế nhà trường các cấp, tôi thấy các sách giáo khoa Văn học Trung học Đệ nhất cấp, Đệ nhị cấp và khoá giảng của các GS dạy Đại học ở miền Nam đều để trống và chấm dấu hỏi về năm sinh. Giáo trình của ĐHSP và của ĐHTH Hà Nội trước 1975 cũng vậy. Sau này, các nhà nghiên cứu đã dựa vào kết quả tìm tòi của hai cụ Chu Thiên và Tảo Trang vào năm 1963 (1), mà hai cụ đã căn cứ vào mấy bài thơ chữ Hán của Cao Chu Thần như Cảm tác, Thiên cư thuyết để từ đó đoán định năm sinh của Cao Bá Quát là1808. Vì thế, sau này khi giáo trình tái bản, các nhà nghiên cứu mới ghi năm sinh cùng mấy lời giải thích cặn kẽ. Tiếp bước hai cụ, gần đây, nhà giáo TS. Nguyễn Ngọc Quận khi khảo sát thơ chữ Hán Cao Bá Quát, đã nhận ra thêm trong bài thơ Di xuân cũng cho phép khẳng định ông sinh năm 1808 (2). Thế nhưng, đó đây ở các tài liệu, kể cả tài liệu mang tính chính thống, cách ghi năm sinh cũng không nhất quán, có người ghi 1808, lại có người ghi 1809! Sau đây là một số ví dụ cụ thể về cách ghi năm sinh, mất của Thánh Quát trong vài cuốn sách. GS Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (viết xong 1941, in lần đầu 1943) thì ghi (? – 1854); GS Lê Trí Viễn (chủ biên) trong Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, tủ sách ĐHSP, NXB Giáo Dục in lần đầu 1960, tái bản nhiều lần, thì ghi (? – 1855); sau này khi GS viết lại giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, Trường ĐHSP TP. HCM, 1997, thì ghi (1809 – 1855); PGS. Nguyễn Lộc trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, NXB ĐH & THCN, 1976, thì dựa vào kết quả nghiên cứu của Chu Thiên,Tảo Trang, Vũ Khiêu mà cho rằng Cao sinh năm 1808 hay 1809 và mất năm 1854. Chỗ này đáng tiếc là PGS cùng cụ TảoTrang và cụ Vũ Khiêu đã nhầm, vì theo chỗ tôi được biết và đã tra cứu kỹ lại thì bài Thiên cư thuyết được Cao tiên sinh viết vào đầu thu năm Nhâm Thìn (tức năm 1832) có nói tuổi mới hai kỷ, mà trước Nhâm Thìn hai kỷ là năm Mậu Thìn (tức năm 1808) chứ không phải 1809; GS Huỳnh Lý (chủ biên) trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập III, NXB Văn học, in lần 2, 1978, thì không ghi năm sinh, còn năm mất thì ghi nước đôi 1855 hoặc 1854; GS Hoàng Hữu Yên trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, NXB GD,1990 thì chép (1808 – 1855); Trần Ngọc Vương trong Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 1999, thì ghi (1809 – 1854); Từ điển văn học (bộ mới) do các vị GS Đỗ Đức Hiểu, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Phùng Văn Tửu, PGS. TS. Trần Hữu Tá chủ biên, NXB Thế Giới, 2004, thì ghi (1808 – 1855); Cao Bá Quát toàn tập, tập 1, do GS . TS. Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Văn Học, 2004, cũng ghi năm sinh, mất như Từ điển văn học.

             Còn năm mất của Cao tiên sinh thì sao? Lại một rắc rối khác! Tài liệu này thì ghi 1854, tài liệu kia thì ghi 1855. Theo sử sách, Cao Bá Quát mất năm Giáp Dần, dương lịch là năm 1854. Nhưng ông tử trận vào tháng chạp năm Giáp Dần. Điều này sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép rất rõ ràng ở tập XXVIII, Đệ tứ kỷ II, Tự Đức năm thứ 7 – 11 (1854 –1858), và người đã bắn Cao Bá Quát là viên suất đội  Đinh Thế Quang, nhờ thế mà ông ta được thăng chức cai đội (3). Tra cứu và đối chiếu âm – dương lịch thì biết ngày 31 tháng 12, ngày cuối cùng của năm 1854 nhằm ngày Chủ nhật 12 tháng 11 năm Giáp Dần. Cao tiên sinh tử trận trong cuộc khởi nghĩa chống lại Nguyễn triều vào tháng chạp năm ấy, mà năm đó tháng chạp đủ, tức 30 ngày, tính ra dương lịch là từ ngày Chủ nhật 09 tháng 01 đến ngày thứ Hai 07 tháng 02 năm 1855 (tương ứng với ngày mùng 1 đến ngày 30 của tháng chạp âm lịch). Điều đó khẳng định Cao tiên sinh mất trong khoảng thời gian trên, từ 09 tháng 01 đến 07 tháng 02 của năm 1855. Theo thiển ý, ta nên dựa vào thơ văn của Cao Bá Quát và dựa vào chính sử triều Nguyễn, có thể khẳng định rằng Cao sinh năm Mậu Thìn 1808 và tử trận trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương vào tháng chạp năm Giáp Dần ứng với dương lịch là tháng 01 hoặc 02 năm 1855, nên ghi (sinh 1808 – mất 1855) là chính xác, không bàn cãi nữa! Chỗ này kính mong Hồ quân xem lại.

            - Hai là, trong bài viết có vài khái quát, quy kết hơi bị võ đoán và vội vàng. Đoạn mở đầu bài nghiên cứu, PGS. TS. Hồ quân đã viết “Cao Bá Quát (1808 – 1854) tuổi thọ không cao (45 tuổi), học không nhiều (chỉ đậu cử nhân), chức quan không có, tham gia khởi nghĩa chống triều đình Tự Đức cuối cùng thất bại, tử trận và lãnh án “tru di tam tộc” (tr.41).

           Tôi xin được trích lại nguyên văn như trên để muốn thưa lại với người viết rằng, về năm sinh, mất ở trên tôi đã nói rồi; điều tôi muốn nói ở đây là trong cách nói rất quen thuộc của người Việt chúng ta, và có thể đó cũng là cách nói của các dân tộc có cùng nền văn hoá đồng văn nữa, là không bao giờ dùng chữ thọ để chỉ người nào chết trước 60 tuổi, ngoại trừ các sử quan khi chép về các vị vua chúa ngày xưa với mục đích tỏ lòng tôn kính, còn trong dân gian không ai nói như thế cả. Phải chăng Hồ quân dùng chữ thọ để tỏ lòng tôn kính với Cao tiên sinh?  cho dù ông chỉ hưởng dương 45 năm! (chỗ này Hồ quân lại nhầm tiếp vì làm sai phép tính trừ. Cứ theo cách ghi của Hồ quân thì 1854 trừ 1808, đáp số phải là 46, cộng theo cách tính tuổi mụ của truyền thống phải là 47 tuổi).Trong dân gian, khi người ta nói tuổi thọ không cao là để chỉ những ai không may rời khỏi cõi đời khi vừa tròn hoặc ngoài 60 tuổi; còn sống đến 70 trở lên là trung thọ, đã là cổ lai hy rồi; và sống 80 trở lên là đại thọ hoặc thượng thọ; ngoài 90 là thượng thượng thọ. Không biết tôi nói như thế có đúng không, nếu sai xin được lượng thứ và xin nhận lời chỉ giáo.

             Hồ quân viết tiếp “học không nhiều (chỉ đậu cử nhân)”. Xin thưa, để giành được học vị cử nhân ngày xưa dưới chế độ phong kiến, kẻ sĩ  phải ra sức dùi mài, nấu sử sôi kinh chứ chẳng dễ dàng gì đâu! Đó là tôi muốn nói cái thực học, thi cử nghiêm minh, còn chuyện có thời, có triều đại có lệ nộp tiền thông kinh, hay gian lận thuê mướn người đi thi thì lại là chuyện khác, đời nào mà chẳng có. Cái chuyện học giả mà bằng thật, báo chí bấy lâu nay phanh phui đã nhiều, nói lại đau đầu lắm. Hơn nữa, ngày ấy từ cuối đời Hậu Lê sơ, rồi Lê Trung hưng đến triều Nguyễn, thường thì cứ 3 năm mở một khoa thi Hương cho cả vùng (thảng hoặc có khi 5 hay 6 năm). Thời điểm Cao Bá Quát dự kỳ thi Hương thì cả nước ta chỉ mở 6 trường thi. Năm Tân Tỵ 1821 dưới triều Minh Mạng, Cao tiên sinh lần đầu đi thi Hương ở trường Hà Nội nhưng không đỗ, mấy khoa thi tiếp theo, cũng chẳng đem lại kết quả gì, dù bấy giờ ông đã nổi tiếng văn hay chữ tốt khắp cả vùng Kinh Bắc và Hà Nội. Mãi đến 10 năm sau, tức 1831 khoa Tân Mão, ông mới đỗ Á nguyên trường Hà Nội (Bắc Thành), sau đó khi Bộ Lễ duyệt quyển, ông bị đánh truất xuống cuối bảng cử nhân mà không rõ lý do! Tuy vậy, trong Quốc triều Hương khoa lục, cụ Cao Xuân Dục khi chép lại thứ tự người thi đỗ khoa thi Hương năm ấy ở trường Hà Nội thì vẫn chép Cao tiên sinh ở thứ nhì. Sau đó vào năm 1832, ông vào kinh đô Phú Xuân (Huế) dự kỳ thi Hội và liên tiếp 3 khoa (các năm: 1832, 1835, 1838) đều hỏng cả, chỉ vì phóng túng, phạm trường quy! Trở lại học vị Cử nhân, nếu Hồ quân bảo ông Cao Bá Quát học không nhiều thì làm sao mà đỗ được Cử nhân? Làm sao mà nổi tiếng khắp đất Bắc hà lúc bấy giờ? Nếu Hồ quân nói ông đỗ đạt không cao thì nghe có lý hơn, vì Cử nhân mới chỉ là trung khoa, tên ghi ở bảng hổ (còn đỗ Phó bảng (bảng phụ), Tiến sĩ (đệ tam giáp), Hoàng giáp (đệ nhị giáp), Thám hoa (đệ nhất giáp đệ tam danh), Bảng Nhãn (đệ nhất giáp đệ nhị danh) mới gọi là đại khoa và tên tuổi, quê quán mới được ghi ở bảng rồng; cần lưu ý là trong các khoa thi dưới triều Nguyễn thì không có người nào đỗ Trạng nguyên, bởi cách chấm nghiêm ngặt, quy định điểm xếp loại có khắc khe. Hơn nữa, ngày ấy lấy được học vị Cử nhân đã là mơ ước của bao người! Có khoa, tại một trường thi, sĩ tử dự thi dăm ba ngàn mà chỉ đỗ vài chục Cử nhân tân khoa. Nói thế để thấy thi cử ngày xưa khó khăn và khốn khổ đến dường nào!

            Hồ quân viết tiếp “chức quan không có”. Tôi không hiểu tác giả bài viết muốn thông báo điều gì cho người đọc, nhất là người đọc của tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu Văn học? Thường thì ngày xưa, người thi đỗ Cử nhân, nếu có nhu cầu, những Cử nhân tân khoa đệ đơn lên Bộ Lại thì triều đình sẽ xem xét và bổ chức quan (nếu là con quan thì chỉ cần đỗ Tú tài sẽ được bổ chức quan vì theo lệ tập ấm). Trường hợp Cao Bá Quát có khác, triều đình ban đầu không bổ chức quan, mãi đến 10 năm sau khi thi đỗ, nghĩa là đến năm 1841, nhà Nguyễn mới cho gọi ông vào kinh lãnh chức Hành tẩu (một chức thư ký lo chạy giấy tờ ở Bộ, không biết Cao làm ở Bộ nào, có tài liệu ghi là Hành tẩu Bộ Lễ, việc này trong thơ chữ Hán của ông có nói, bài Ức tử). Vài tháng sau, ông được cử đi chấm thi Hương, làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Vì tiếc bài văn hay của sĩ tử mà bị phạm huý nên ông cùng người bạn chấm thi là Phan Nhạ dùng muội đèn hoà với mực son để chữa bài (theo quy định chấm thi của triều Nguyễn, quan Sơ khảo dùng dấu mực son ta; quan Phúc khảo dùng dấu mực xanh; quan Giám khảo dùng dấu mực hồng đơn; quan Chánh và Phó chủ khảo duyệt quyển sau cùng bằng dấu mực son Tàu để xem quyển thi đáng lấy đỗ hay hỏng), việc bị phát giác, hai người bị tội, Phan Nhạ bị tử hình sau chuyển thành án giảo giam hậu, tức án phạt thắt cổ nhưng chưa thi hành, giam lại đợi lệnh; còn ông có lẽ nhờ Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là hai ông hoàng, em của vua và là bạn thơ của ông, quý cái tài của ông mà xin vua Thiệu Trị tha cho, nên chỉ chịu án giam. Sau ông phải đi dương trình hiệu lực (tháng 01 năm 1844), khi về mới được phục chức cũ, một thời gian sau được thăng Chủ sự Bộ Lễ (tương đương Chánh Văn phòng ở Bộ), có tài liệu nói ông được bổ làm việc ở Hàn lâm viện?. Cuối cùng, có lẽ do tính tình cương trực, thẳng thắn, các quan trên không ưa, ông mới bị đổi về làm Giáo thụ (chức quan trông coi việc học ở một phủ) phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây vào năm 1850. Thật ra, chuyện thay đổi nhiệm sở này là việc bình thường, giống như chuyện thuyên chuyển cán bộ của ta hiện nay sau khi đã mãn nhiệm kỳ, vì chức Chủ sự có cùng hoặc tương đương ngạch trật, phẩm hàm với chức Giáo thụ, lương bổng ngang nhau, hàm chánh hoặc tòng lục phẩm. Vì thế, có tài liệu nói ông bị giáng chức, bị đì là cần xem lại. Ở Quốc Oai một thời gian, sau đó ông mới bỏ quan, đứng về phía nhân dân chống lại triều đình nhà Nguyễn Tự Đức, làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, rồi tử trận. Tôi hơi dông dài về hành trạng của Cao tiên sinh là để phản bác lại cái ý quy kết “chức quan không có” của Hồ quân. Rõ ràng Cao Bá Quát đã làm quan và có chức vụ hẳn hoi, sao lại bảo không có chức quan? Nếu nói chức quan không cao, không to thì dễ chịu hơn!

             Tiếp theo, tác giả viết “cuối cùng thất bại, tử trận và lãnh án “tru di tam tộc”. Xin thưa, Cao tiên sinh đã tử trận rồi thì còn lãnh án cái nỗi gì nữa! Nếu nói anh em, con cháu, dòng họ của ông chịu lãnh án tru di tam tộc thì hợp lý hơn!

             Sang đầu đoạn văn thứ hai, Hồ quân đã khái quát “Thi phẩm Cao Bá Quát để lại không nhiều, gồm thơ chữ Hán và một ít thơ Nôm. Thơ Nôm của ông không có gì nổi bật nhưng thơ chữ Hán thì rất xuất sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật” (tr. 41). Xin thưa, tôi rất đồng ý khi Hồ quân nhận định về thơ chữ Hán của Cao Chu Thần, nhưng nói về thơ Nôm của tiên sinh như thế là chưa chính xác. Có lẽ, người viết mấy câu khái quát đó nên đọc lại thơ của Cao tiên sinh. Điều làm cho Cao Chu Thần trở thành một trong vài nhà thơ vĩ đại trong văn chương Hán Nôm hồi đầu thế kỷ XIX là ở chất lượng nội dung và hình thức nghệ thuật trong thơ của ông. Nếu thơ chữ Hán với ý tưởng tân kỳ, sáng tạo, phóng khoáng, phá vỡ tính quy phạm, viết dưới dạng phóng bút, tẩu bút, đạt đến trình độ mẫu mực, cổ điển và uyên bác, uẩn súc thì thơ, phú chữ Nôm của ông đã góp phần làm nên một Cao Bá Quát nhà Nho tài tử thật đẹp. Còn nói “thi phẩm của Cao Bá Quát không nhiều” thì tôi xin không bàn thêm gì, bởi ngay cả học sinh phổ thông Trung học trước đây và hôm nay cũng đã được quý thầy cô giáo dạy rằng Cao Bá Quát là người để lại một khối lượng tác phẩm thật đồ sộ, không chỉ thơ mà còn có cả văn. Đây là một hiện tượng kỳ tuyệt và rất đáng kinh ngạc (4) lẫn đáng khâm phục! Riêng về thơ chữ Hán với con số hiện còn lưu giữ được là 1353 bài thơ chữ Hán (có tài liệu chép là 1327 bài hay 1267 bài), chưa kể thơ chữ Nôm, hát nói chữ Nôm, phú Nôm và văn xuôi tự sự chữ Hán với tập Mẫn Hiên thuyết loại. Đó là chưa nói đến một số có thể bị mất sau cái nạn “tru di tam tộc” của Nguyễn triều đối với gia đình dòng họ nhà ông. Ai dám cất giữ thơ văn của kẻ “nghịch thần, phiến loạn”? Số lượng là như thế, nếu so với tác phẩm thơ hiện còn của Ức Trai tiên sinh, của Trạng Trình Bạch Vân cư sĩ, của đại thi hào Tố Như  thì tổng cộng con số những bài thơ chữ Hán của ba vị Tiền bối, ba cây Đại thụ của nền văn học cổ điển Việt Nam liệu có bằng chưa? Nguyễn Trãi với Ức Trai thi tập hiện còn 107 bài, Quốc âm thi tập hiện còn 254 bài; Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân am thi tập tài liệu cho biết có cả nghìn bài, nhưng hiện chỉ còn trăm bài; thơ Nôm Bạch Vân Quốc ngữ thi tập còn khoảng 170 bài; ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du hiện chỉ còn 249 bài (Thanh Hiên thi tập 78 bài, Bắc hành tạp lục 131 bài, Nam trung tạp ngâm 40 bài). Nếu cộng riêng thơ chữ Hán hiện còn của ba nhà thơ vĩ đại trên thì chỉ ngót 900 bài (trong khi thơ chữ Hán của Cao Bá Quát là 1353 bài). Thế tại sao bảo là “thi phẩm Cao Bá Quát để lại  không nhiều”?

- Ba là, người viết chưa hiểu về giáo dục khoa cử ngày xưa, nhất là dưới triều Nguyễn nên chưa rõ các học vị ngày ấy. Đoạn ở gần cuối trang 47, Hồ quân viết Khoa thi Tân Mão (1831) Cao Bá Quát đỗ Á nguyên và khoa thi năm Minh mạng thứ 15 (1834) ông đỗ cử nhân”. Thưa rằng, trên đời này có ai đi thi đỗ đạt học vị này rồi lại tiếp tục đi thi để lấy lại học vị đó nữa, mà đỗ thấp hơn bao giờ? Về thi cử ngày xưa, ở kỳ thi Hương, đời Trần, Hồ người thi đỗ kỳ thi này được nhận học vị Hương tiến, người đỗ đầu gọi là Hương nguyên; đời Hậu Lê, người đỗ kỳ thi Hương là Hương cống, đỗ mức thấp hơn là Sinh đồ, người đỗ đầu gọi là Hương nguyên; đời Nguyễn, người thi đỗ là Cử nhân, đỗ đầu kỳ thi này là Giải nguyên, đỗ thứ nhì gọi là Á nguyên, đỗ ở mức thấp gọi là Tú tài. Nên lưu ý là các triều đại đều quy định số điểm với phân lượng cụ thể để xếp loại các học vị, và không riêng gì kỳ thi Hương mà thi Hội, thi Đình (Đình thí, Điện thí) cũng thế. Chẳng lẽ, khoa trước Cao tiên sinh đã đỗ thứ nhì tức Á nguyên, để khoa thi tiếp theo (3 năm sau) ông lại đi thi nữa và chỉ đỗ Cử nhân? Hồi ấy đâu có học để thi lấy văn bằng 2 như bây giờ? Còn vì sao Cao tiên sinh nhiều lần thi Hương và mãi đến năm Minh Mạng 1831 mới đỗ Á nguyên trường Hà Nội, sau đó duyệt quyển, Bộ Lễ đánh tụt xuống đỗ ở cuối bảng (thật ra, chính sử triều Nguyễn không có ghi chi tiết này, theo thứ tự danh sách, Cao tiên sinh vẫn xếp thứ nhì) thì ở trên tôi có nói qua rồi.

             Thưa Hồ quân, từ đầu tháng 3 năm 2005, khi đọc bài này trên tạp chí, tôi có viết bài trao đổi, nhưng sau đó không gởi đi, bởi chúng ta là đồng nghiệp mà huynh lại là bậc đàn anh trong nghề. Mới đây, khi giảng về Cao Bá Quát, có sinh viên đọc bài của huynh rồi nêu ra thắc mắc trước lớp, nên tôi buộc phải viết lại và cho đăng bài trao đổi này. Chỉ vì lo cho lớp em cháu nếu đọc được bài của huynh mà tin theo thì người viết mấy dòng này (một kẻ hậu sinh lại ít được học hành tử tế) không yên lòng nên có đôi lời thưa lại. Có gì không đúng, xin được huynh và các bậc thức giả chỉ giáo.

                                                                                    TP. HCM, 3-2005

viết lại giữa tháng 3 năm 2008 - NCL

CHÚ THÍCH:

(1)   Xin xem: - Chu Thiên, Cao Bá Quát và cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, Thông báo khoa học ĐHTH Hà Nội, tập 1, Phần Sử học, NXB GD, HN, 1963, tr. 67-82.

                             - Tảo Trang, Góp thêm tài liệu về năm sinh và chỗ ở của Cao Bá Quát,          Tạp chí Văn học, HN, số 5, 1963, tr. 65-70.

                              - Chu Thiên, Một bài thơ nói về việc Cao Bá Quát tử trận, Tạp chí Văn học, HN, số 12, 1964, tr. 93-94.

(2)   Xin xem: -Nguyễn Ngọc Quận, Thêm một cứ liệu xác định năm sinh của Cao Bá Quát, Thông báo Hán Nôm học, 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, HN, tr. 487-490.

                -Nguyễn Ngọc Quận, Tiểu sử Cao Bá Quát trong Cao Bá Quát toàn tập,

tập 1, NXB Văn Học, HN, 2004, tr. 40-58.

(3)   Quốc sử quán triều Nguyễn (chữ Hán), Viện Sử học phiên dịch, Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVIII, Đệ tứ kỷ II, Tự Đức năm thứ 7-11 (1854-1858),NXB       KHXH,HN,1973, tr. 44-141.

      (4)  Chữ dùng của GS.TS. Mai Quốc Liên trong Cao Bá Quát – một thiên tài kỳ vĩ của Văn học Việt Nam, lời giới thiệu Cao Bá Quát toàn tập, tập 1, NXB VH, HN, 2004. tr. 7.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 6-2008, tr.71-76.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60853129
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12908
13943
60853129

Thành viên trực tuyến

Đang có 458 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website