Hiện tượng “đi” và “về” của các nhà văn đương đại Việt Nam

Trong bối cảnh từ sau thời đổi mới, văn học Việt Nam chứng kiến những thay đổi khá bất ngờ. Đặc biệt bước vào thời hội nhập, toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, không gian sáng tác ngày nay không chỉ giới hạn ở một quốc gia, một vùng lãnh thổ. Chúng tôi gọi là những sáng tác “xuyên quốc gia” (transnational). Việc miêu tả cuộc sống không chỉ trong quá khứ mà thường là những tiến trình đang xảy ra, vì những quan hệ xuyên quốc gia càng ngày càng phổ biến, nếu không muốn nói chúng đã biến thành kinh nghiệm phổ quát của đa số con người trên mặt đất ở thế kỷ chúng ta. Chuyện du lịch, làm việc, định cư tại một nước khác không còn là chuyện xa lạ hay thiểu số để trở thành một đề tài mang tính chất bi kịch nữa.

Có hai trường hợp viết văn liên quan đến “không gian” nói trên. Trường hợp thứ nhất, là những nhà văn “ra đi” đến nhiều vùng đất khác nhau để sáng tác. Trường hợp thứ hai, là những nhà văn “trở về” quê nhà để sáng tác. Hai trường hợp tưởng chừng như trái ngược mâu thuẫn nhưng thực ra lại có nhiều điểm tương đồng. Ở cả hai trường hợp, “không gian” đóng một vai trò quan trọng trong sáng tác của họ. Bởi lẽ nếu không có nhiều chiều kích không gian, không đặt sáng tác của họ trong bối cảnh “đi” và “về” thì những chủ đề như quê nhà- mất quê nhà, nhân dạng- hòa nhập, khác biệt văn hóa- hội nhập văn hóa…sẽ không trở nên hấp dẫn và thú vị. Những đề tài họ chọn, ý nghĩa của cuốn sách có liên quan mật thiết đến những vùng đất mà họ đi qua.

1. Hiện tượng “đi” để viết

Văn học du ký là một thể loại không xa lạ với bạn đọc thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay vì nó đáp ứng được nhiều tiêu chí chọn lựa của độc giả, nhất là độc giả của một thời đại muốn ra đi và khám phá: những bí ẩn về địa lý, năng lực tưởng tượng, ý thích phiêu lưu, trải nghiệm tinh thần… On The Road (Trên đường) của nhà văn Mỹ Jack Kerouac- nhà văn tiên phong của Thế hệ Beat ở nước Mỹ những năm 1950- đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ. Paul Theroux, nhà văn du ký nổi tiếng người Mỹ đã trở thành biểu tượng của văn học du ký với những cuốn sách thúc giục người ta lên đường sau khi đọc xong sách của ông, nổi tiếng nhất là cuốn Phương Đông lướt ngoài cửa sổ…hay Bill Bryson với nhiều tác phẩm kể về các chuyến đi khám phá ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cuốn A Walk in the Woods: Rediscovering America on the Appalachian Trail (Chuyến đi bộ trong rừng: Khám phá lại nước Mỹ từ dãy Appalachian[1]). John Steinbeck cũng có một tác phẩm du ký rất thành công (đã dịch sang tiếng Việt) là Du hành với Charley

Những cuốn sách du ký trên thế giới viết đã ảnh hưởng đến các nhà văn Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như trường hợp của Eat, Pray, Love (Ăn, cầu nguyện, yêu) - Elizabeth Gilbert- kể về hành trình qua Ý, Ấn Độ và Indonesia của một người phụ nữ (chính là tác giả) trên đường khám phá cuộc sống sau khi ly hôn. Tác phẩm có mặt trong danh sách bán chạy của New York Times trong 187 tuần (hơn 3 năm rưỡi), đã được Hollywood chuyển thể thành phim do Julia Roberts và Javier Bardem đóng vai chính.

Eat, Pray, Love là một tự truyện. Tác giả được nhà xuất bản trả tiền để đi du lịch các nước và viết nên cuốn sách. Chị dành 4 tháng ở Ý để thưởng thức ẩm thực và tận hưởng cuộc sống (ăn), 3 tháng ở Ấn Độ để theo đuổi các giá trị tâm linh (cầu nguyện) và kết thúc những tháng còn lại trong năm ở “thiên đường du lịch” Bali, Indonesia tìm kiếm sự cân bằng giữa hai điều trên và tìm được tình yêu với một doanh nhân người Brazil (yêu).

            Theo thống kê sơ bộ, gần đây Việt Nam có rất nhiều nhà văn được xem là những “nhà văn xê dịch”, đi nhiều, và viết văn trên đường đi. Đó là Trang Hạ, Ngô Thị Giáng Uyên, Phan Việt (Nước Mỹ, Nước Mỹ; Một mình ở châu Âu), Dương Thụy, DiLi (Đảo thiên đường), Tiến Đạt (Lữ khách gió bụi xa gần), Nguyễn Văn Mỹ (Ngày đàng sàng khôn, trường hợp của nhà văn này cũng rất hi hữu, anh là giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, đã từng đi nhiều nơi trên thế giới), Hồ Anh Thái (Namaska! Xin chào Ấn Độ, Salam! Chào xứ Ba Tư, Người bên này trời bên ấy, trường hợp Hồ Anh Thái, nhà văn và là nhà ngoại giao, đi nhiều nơi nên những quan sát của anh rất tinh tế và sâu sắc), Trương Anh Ngọc (Nước Ý, câu chuyện tình của tôi),…Trẻ hơn nữa, có Huyền Chip, người đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về tính xác thực liên quan đến cuốn du ký của mình: Xách ba lô lên và đi, Nguyễn Phương Mai (Tôi là một con lừa), Hoàng Yến Anh (Dưới nắng trời châu Âu), Nguyễn Thiên Ngân (Đường còn dài, còn dài), Nguyễn Nhật Lâm (Ở lại),…Tác phẩm của họ phản ánh rất rõ quan điểm văn chương: đi và viết, phản ánh rất rõ những vùng đất mà họ đi qua, văn hóa và con người nơi đó.

           

Họ đều là những nhà văn trẻ, từng đạt nhiều giải thưởng trong nước (Trang Hạ đạt giải Văn học tuổi xanh, Văn học tuổi 20, Giáng Uyên đạt giải nhất thơ của tạp chí Áo Trắng, Dương Thụy đã có ba giải thưởng văn học, Phan Việt được giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 3, Nguyễn Thiên Ngân đạt giải Văn học tuổi 20 khi mới 16 tuổi…), và có nghề nghiệp ổn định: Nguyễn Văn Mỹ là tổng giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, Hồ Anh Thái là nhà ngoại giao, Trang Hạ là phóng viên, Dương Thụy làm PR cho công ty dược phẩm Sanofi, Ngô Thị Giáng Uyên làm việc cho tập đoàn dược phẩm Wyeth, Phan Việt là giáo sư tại Mỹ, Nguyễn Thiên Ngân làm copywriter (viết quảng cáo) cho những công ty quảng cáo nổi tiếng như Yahoo, TBWA…Phương Mai là cô gái nổi tiếng khi ở tuổi 24 đã làm thư ký tòa soạn một tờ báo dành cho tuổi thiếu niên hàng đầu Việt Nam, rồi từ bỏ công việc, địa vị để đi du học, trở thành giảng viên một trường đại học danh tiếng của Hà Lan, Huyền Chip ở tuổi 20 đã từ bỏ công việc mơ ước ở Singapore để đi vòng quanh thế giới chỉ với cái tặc lưỡi “đi bừa đi”…

            Trang Hạ, nổi tiếng là một dịch giả văn học mạng, mà đình đám là Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Tào Đình. Nhưng cô còn nổi tiếng hơn với bức ảnh nằm dài trên mô tô như một tuyên ngôn “đời ta là những chuyến xe” được trưng bày ngạo nghễ trên blog cá nhân. Những đống lửa trên vịnh Tây Tử là tập truyện ngắn mang chất kí sự những vùng đất cô đã đi qua trên đất Đài Loan. Nơi đó có những con người, cảnh ngộ, và trên hết, là tâm trạng của một người đàn bà mỏng manh, yếu đuối, cô đơn vì đã trót chọn cho mình con đường phiêu lưu không dừng lại, đam mê tự do và khao khát tận hưởng, nhưng cũng sợ bị tổn thương và tuyệt vọng. Hình ảnh người đàn bà day dứt giữa nghĩa vụ và cá nhân Trang Hạ viết cũng chính là số đông phụ nữ chỉ dám mơ ước mà không dám thoát ra thực tế.

Ngô Thị Giáng Uyên, mà tác phẩm phổ biến là những tập bút kí Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Bánh mì thơm, cà phê đắng…ghi lại cảm xúc đi qua mười bốn nước Châu Âu- Anh, Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Xứ Wales, Ý. Từng là một học sinh giỏi, nhận học bổng danh giá đi Anh học MBA ở đại học Southampton. Trong quá trình học, cô đi du lịch qua nhiều nước và viết. Từng trang viết là từng sự chăm chút nhưng chất du kí hiện rất rõ, đi để lang thang, để ăn những món ăn mình thích, để hít hà mùi cà phê mình ghiền, để chụp những tấm ảnh mình ao ước... Sự giản dị và tự nhiên ấy thu hút người đọc trẻ tuổi, truyền vào trong họ niềm đam mê du khảo, chinh phục và khám phá cuộc sống. Tác giả đem chất nữ tính, tươi trẻ của mình vào trang viết, không triết lí sâu sắc, không nghị luận khô khan, tả mà hóa ra kể, như là viết nhật kí. Và rồi đi, thì mới nhận ra giá trị đích thực của quê nhà. Nhà là một điểm cố định (biểu tượng của quê hương/ nguồn cội) và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, du hành. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn đang ở xa quê nhà thường hay đặt vấn đề, hay bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. Quê nhà là một khái niệm có liên quan chặt chẽ đến nhân thân “Identity is a word full of home” (Nhân thân là một từ đầy ắp nghĩa về quê nhà). Trường hợp các nhân vật trong tiểu thuyết Dương Thụy và Phan Việt cũng chứng minh điều này.

            Dương Thụy, tương tự như Ngô Thị Giáng Uyên, nhận học bổng đi Pháp du học, những khóa du học dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ, Pháp, Anh... và sau khi tốt nghiệp cũng làm việc ở một số nước châu Âu không chỉ giúp cô trở thành một trong số ít cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn mà còn đủ vốn sống về mảng đề tài mà các nhà văn trong nước rất khó đụng đến: cuộc sống của lưu học sinh. Bước chân cô đặt chân trên hầu hết các nước châu Âu và một số nước châu Á. Ngoài những tập truyện ngắn, tiểu thuyết lấy bối cảnh nước ngoài như Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Hành trình những người trẻ, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng... thì Venise và những cuộc tình gondola là tập bút kí du lịch đúng nghĩa khi cô đi qua các nước châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo... Viết trong tư thế của một người đi nhiều, học nhiều, ghi chép nhiều, hầu hết tác phẩm của Thụy đều có ít nhiều màu sắc báo chí (Dương Thụy từng làm báo ở báo Hoa Học Trò) với nhiều chủ động đưa vào các thông tin về vùng đất, con người, cuộc sống của bối cảnh diễn ra câu chuyện. Qua tác phẩm của mình, cô muốn chia sẻ về những tâm tư của một người đi tìm kiến thức ở nơi xa, hạnh phúc nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tâm trạng của một người trẻ chênh vênh giữa việc làm sao giữ được cá tính dân tộc của mình, nhân dạng của mình (identity) mà vẫn phải hòa nhập với văn hóa các nước khác. Những mối tình khác quốc tịch xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm Dương Thụy (Nhắm mắt thấy Paris, Oxford thương yêu…) và đi kèm với tình yêu luôn là những khác biệt văn hóa (culture shocks). Tình yêu đôi khi giúp vượt qua những khác biệt này, hoặc ngược lại, làm cho nó rõ nét hơn. Đến cuối tác phẩm, bao giờ chúng ta cũng thấy rằng, chỉ có nhờ vào chính bản thân mình, lớn lên, trưởng thành, đi và chiêm nghiệm thì chúng ta mới vượt qua được những khác biệt văn hóa này, chứ không thể trông chờ vào một ai khác.

Nhà văn Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, lấy bằng Tiến sĩ Đại học Chicago, hiện đang là Phó giáo sư và là giảng viên đại học tại Mỹ. Cô được nhiều độc giả biết đến với những tập truyện ngắn như Phù phiếm truyện, Nước Mỹ, nước Mỹ, tiểu thuyết Tiếng Người hay gần đây nhất là bộ sách Bất hạnh là một tài sản bao gồm ba cuốn, trong đó Một mình ở Châu Âu là cuốn mở đầu. Ngoài công việc giảng dạy tại trường đại học, cô viết văn, làm báo, dịch và biên tập sách. Cô cũng là người đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng cùng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ tại Việt Nam. Một chủ đề khá thú vị của Phan Việt là việc hòa nhập trên đất lạ. Cuốn Nước Mỹ, nước Mỹ của cô xoáy vào đề tài này khi tìm hiểu những lưu học sinh sống trên đất Mỹ, hoặc sau khi học xong chọn lựa cuộc sống nơi đất khách quê người. Những dằn vặt, suy tư của những trí thức xa quê hương. Cuốn Một mình ở châu Âu nằm trong bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” có lẽ cho chúng ta hình dung ra chủ đề của cô khi kết nối những không gian khác nhau với ý thức tìm kiếm sự tự chủ bản thân của một phụ nữ khi đối mặt với những nỗi sợ hãi, bất hạnh của đời người.

Tóm lại, “không gian” ở đây có thể xem như là một chủ đề quan trọng trong sáng tác của các nhà văn viết du ký. Rõ ràng những đề tài họ chọn, ý nghĩa của cuốn sách có liên quan mật thiết đến những vùng đất mà họ đi qua. Chỉ khi đi qua những vùng đất, liên tục xê dịch, thì họ mới thể hiện được những giá trị của bản thân. Như một nhu cầu chia sẻ, những trang viết du kí của họ là một thôi thúc trong tâm hồn muốn khám phá thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa, đặt chân lên nhiều vùng đất khác nhau là một minh chứng cho khái niệm “toàn cầu là một ngôi nhà”, vì cho dù đi nhiều như vậy, nhưng mỗi người vẫn giữ được cá tính của mình, đồng thời làm giàu có, phong phú thêm nhờ vào việc học hỏi người khác. Có đi xa mới nhận chân được tình yêu quê nhà. Có đi xa mới vượt qua được những cú sốc văn hóa mà nếu không đi sẽ không bao giờ hình dung được. Họ là những nhà văn được “thiên thời”: thời của cơ hội đi nhiều, đi trong nước, ngoài nước, thời của cơ hội đi và viết, được độc giả đón nhận.

2. Hiện tượng “về” để viết

Còn trường hợp thứ hai mà bài viết này muốn phân tích, đó là những nhà văn Việt Nam trước đây sống ở nước ngoài, nhưng giờ chọn hình thức “quay về” Việt Nam để sáng tác. Khái niệm “trở về” ở đây có nhiều nghĩa, có thể là trở về trong sáng tác của họ, có thể là trở về theo nghĩa đen, tức là quay về Việt Nam bằng hình thức xuất bản sách trong nước hoặc về Việt Nam sinh sống. Nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Quyên gọi là hiện tượng “chuyển bàn viết”, và có gợi ý một số trường hợp như Nguyễn Văn Thọ, Mai Ninh, Miêng (sáng tác), Vũ Ngọc Thăng, Nguyễn Tiến Văn (dịch thuật)…[2]

Một số trường hợp chúng tôi đưa ra dưới đây nhằm chứng minh cho khái niệm “trở về” này. John đi tìm Hùng của Trần Hùng John là một ví dụ khái quát cho hiện tượng “trở về”. Trần Hùng John lớn lên tại Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học, đã quay về Việt Nam hai năm thực hiện hành trình xuyên Việt, và viết. Cuốn sách là những trải nghiệm và suy nghĩ riêng của anh về hành trình “trở về” Việt Nam và đã tạo ra một hiệu ứng tích cực về cái nhìn của độc giả trong nước đối với những thanh niên gốc Việt sinh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài.

Một số nhà văn chọn hình thức “trở về” không chỉ là qua con đường về Việt Nam, đi và viết, mà còn dưới hình thức xuất bản sách/được dịch trong nước. Những nhà xuất bản như Nhã Nam, Phương Nam, Trẻ, Hội Nhà Văn,…là những nhà xuất bản đi tiên phong trong việc đưa tác phẩm của các nhà văn hải ngoại này đến với độc giả Việt Nam. Mở màn từ năm 1998 với bộ trường thiên lịch sử Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác có lẽ là nhà văn hải ngoại đầu tiên có sách in tại Việt Nam. Và càng ngày, những nhịp cầu văn học như vậy càng nhiều hơn. Kiệt Tấn cũng được xuất bản lại (Em điên xõa tóc,…). Nhà văn Thuận có lẽ là trường hợp nhà văn nước ngoài có sách xuất bản sách trong nước nhiều nhất với Phố Tàu, Vân Vy, T mất tích, Made in Vietnam, Paris 11 tháng 8, Thang máy Sài gòn,… nhiều lần về Việt Nam, Thuận là nhà văn gắn bó với thị trường sách và độc giả Việt Nam khi thường xuyên tổ chức những buổi đọc sách, ra mắt sách. Câu chuyện của Thuận từ những con người ở xứ lạ, dần dần, đã xuất hiện những nhân vật tại Việt Nam (Made in Vietnam, Thang máy Sài gòn). Có thể gọi đó tính “phân tán” hay còn được gọi là tính “giải trung tâm”, người và việc đã dịch chuyển từ ngoài nước về trong nước. Sau Thuận là Nguyễn Văn Thọ (Vàng xưa, Quyên, Sẫm Violet, Vợ cũ,…), nhà văn trước đây sống ở Đức và giờ đã về Việt Nam định cư cùng với một gia đình nhỏ là nhà văn Châu Giang và con trai. Ngoài ra, có thể kể các trường hợp đều đặn có sách xuất bản trong nước mặc dù sinh sống ở nước ngoài, trở về Việt Nam nhiều lần như Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi), Việt Linh (Chuyện mình chuyện người, Chuyện và Truyện), Nguyễn Thị Minh Ngọc (Ký sự người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, Pearl of the Far East,…), Lý Lan (Tiểu thuyết đàn bà, Miên man tùy bút, Là mình, …), Lê Minh Hà (Gió tự thời khuất mặt, Thương thế ngày xưa & Những giọt trầm, Sâm cầm, Truyện cổ viết lại,…) Trịnh Y Thư (Người đàn bà khác), Nguyễn Phan Quế Mai (Hành trình đến biển sông), Đỗ Kh. (Ký sự đi Tây), Đỗ Quyên (tập trường ca Lòng hải lý), Mai Ninh (Ảo đăng), Nam Dao (Trăng nguyên sơ, Đất-trời), Lệ Tân Sitek (Một mình trên đường, Ngã ba đường), Miêng (Rượu đêm, Ai thương,…), Cao Huy Thuần (Từ Đông sang Tây, Nắng và hoa, Nhật ký sen trắng,…), Mc Ammond Nguyen Thi Tu (Trên nền tuyết trắng xóa)…Lướt qua những tác phẩm này, có thể thấy, đề tài chính của các nhà văn này không còn là những đề tài quen thuộc của văn học hải ngoại (như nỗi nhớ quê hương, thân phận di dân, hội nhập, nhân dạng,…) nhưng cũng không bó buộc vào những đề tài của văn học trong nước (chiến tranh, công ăn việc làm, đô thị, nông thôn,…) mà đã được hòa trộn vào nhau, và rất khó gọi tên đề tài, như vậy có thể thấy tính chất đa dạng của nó.

                  Về sách dịch, nhiều nhất có thể kể đến gương mặt nổi bật của văn học hải ngoại Pháp, Linda Le. Tác phẩm của chị được dịch nhiều ở Việt Nam như Vu khống, Lại chơi với lửa, Thư chết. Nam Le cũng là gương mặt nổi bật của văn học Úc có tập truyện ngắn The Boat (Con thuyền) được dịch ra tiếng Việt, hay Kim Lefevre  với tiểu thuyết Cô gái lai da trắng. Trong đó, như chúng ta biết, Linda Le là nhà văn nổi tiếng của văn học Pháp, từng được nhiều giải thưởng tại Pháp. Trường hợp của Linda Le có thể được xem như một “nhà văn quốc tế” khi những vấn đề mà chị đề cập không chỉ liên quan đến Việt Nam hay Pháp. Những tác phẩm đầu tay luôn khắc khoải về nhân thân, gốc gác, quê quán, bản xứ (Home) như trong Tiếng nói, Vu khống, lúc đó, chúng ta có thể gọi Linda Le là nhà văn Pháp gốc Việt vì những vấn đề của di dân và văn học di dân được đề cập trực tiếp trong tác phẩm của chị. Nhưng rồi đến Lại chơi với lửa, thì chúng tôi quả thực ngỡ ngàng, Linda Le đã trở thành một nhà văn quốc tế khi nói đến những vấn đề về con người, về bản ngã, về những gì phổ quát của nhân loại (Homeless), để trở thành khái niệm mà Bella Adams gọi là “Between World” (giữa thế giới)[3]. Lúc đó, chúng ta có còn gọi Linda Le là nhà văn gốc Việt nữa chăng hay nên gọi chị là nhà văn Pháp? Linda Le đã từng thú nhận rằng: “thân phận lưu vong của tôi có thể là bất kỳ ai, không nhất thiết phải là người Việt. Họ không được biết và không thể biết về Đất Nước mình đã bị buộc phải lìa bỏ, nhưng khát khao muốn biết và nỗi nhớ vô hình về nơi chốn ấy khiến nó trở nên thiêng liêng, ngay cả trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng”[4]

Trong số những nhà văn nói trên, nhiều nhất là các nhà văn từ châu Âu như Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà (từ Đức), Cao Huy Thuần, Việt Linh, Thuận, Linda Le, Miêng, Kim Lefevre, Mai Ninh, (từ Pháp), Lệ Tân Sitek (Ba Lan), Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trịnh Y Thư (từ Mỹ), Nam Dao, Đỗ Quyên, Mc Ammond Nguyen Thi Tu (từ Canada),…

Ngoài sáng tác thì dịch thuật, triết học và khảo cứu cũng là một mảng sách đáng chú ý khi gần đây sách của Nguyễn Tiến Văn (dịch thuật), sách triết của Phan Huy Đường (Tư duy tự do) được in. Đặc biệt, trường hợp của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường với nhiều đầu sách in tại Việt Nam như Thần người và đất Việt, Người lính thuộc địa Nam Kỳ, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802,…được đánh giá cao. Ông được trao giải Phan Chu Trinh vì những đóng góp về sử học.

Nhiều đầu sách của các nhà văn Việt Nam hải ngoại đã được trao giải thưởng, ví dụ như Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, T mất tích của Thuận,…được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua.

Một số nhà văn quay về Việt Nam (định cư, hoặc du lịch) nhưng chưa sáng tác: Nguyễn Quý Đức, Angie Chau, Le Thi Diem Thuy, Linda Le, Dao Strom,… Có thể thấy những sinh hoạt văn nghệ của các nhà văn trong ngoài nước ngay tại Việt Nam rất phong phú và ấm áp.

Rõ ràng, văn học hải ngoại Việt Nam cần độc giả, và việc in sách trong nước là một cách để có độc giả. Vì việc viết văn và trở thành một nhà văn viết bằng tiếng nước ngoài là một điều rất khó khả thi (mấy trường hợp được như Linda Le, Monique Truong và Nam Le?). Do đó, viết bằng tiếng mẹ đẻ vẫn là con đường được nhiều nhà văn chọn lựa. Mà độc giả tiềm năng nhất vẫn là từ trong nước.

3. Cuối cùng, vấn đề mà qua bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn đưa ra: văn học Việt Nam đương đại có gương mặt như thế nào? Hai hiện tượng mà chúng tôi kể trên cho thấy tính chất đa chiều, đa cực và phong phú của văn học nước nhà. Có những nhà văn chọn hướng đi xa, lấy thế giới như một đích đến để viết. Và có những nhà văn chọn con đường quay về, lấy tâm điểm “nhà” làm chủ đề cho những sáng tác của mình. Thực ra, hai hiện tượng này có vẻ trái ngược nhưng kỳ thực có những điểm chung, đó là sự giao thoa các đề tài với cảm hứng chung là “không gian” như những đề tài về quê hương, về nhân thân, về bản sắc, về đa dạng văn hóa và hội nhập văn hóa. Bởi cả hai “trường phái” nhà văn này đều có đủ kinh nghiệm và thực tiễn sáng tác ở cả trong nước và ngoài nước. Toàn cầu hóa không chỉ là khái niệm của kinh tế, mà còn của văn học.

 

 

TÓM TẮT

Khi bước vào thời hội nhập, toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, không gian sáng tác ngày nay không chỉ giới hạn ở một quốc gia, một vùng lãnh thổ. Chúng tôi gọi là những sáng tác “xuyên quốc gia”. Hai hiện tượng mà chúng tôi muốn phân tích là những nhà văn “đi” đến nhiều vùng đất khác nhau để sáng tác và trường hợp thứ hai, là những nhà văn “trở về” quê nhà để sáng tác cho thấy tính chất đa chiều, đa cực và phong phú của văn học nước nhà. Thực ra, hai hiện tượng này có vẻ trái ngược nhưng kỳ thực có những điểm chung, đó là sự giao thoa các đề tài với cảm hứng chung là “không gian” như những đề tài về quê hương, về nhân thân, về bản sắc, về đa dạng văn hóa và hội nhập văn hóa. Bởi cả hai “trường phái” nhà văn này đều có đủ kinh nghiệm và thực tiễn sáng tác ở cả trong nước và ngoài nước.

Toàn cầu hóa không chỉ là khái niệm của kinh tế, mà còn của văn học.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 6.2014

 



[1] Dãy Appalachian dài khoảng 2.500km là nơi cao nhất và có địa hình ngoạn mục nhất phía Đông Bắc Mỹ.

[2]Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua”- Đỗ Quyên http://4phuong.net/ebook/46796237/van-hoc-viet-o-ngoai-nuoc-trong-vai-nam-qua.html

 

[3] Bella Adams, Asian American Literature (2008), Edinburgh University Press Ltd.

[4] “Tôi cố ý viết hoa hai từ Đất Nước”, Linda Le, Báo Tuổi Trẻ 15/10/2010 http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/405710/toi-co-y-viet-hoa-2-tu-dat-nuoc.html

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63674836
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18554
17595
63674836

Thành viên trực tuyến

Đang có 486 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website