Thơ đi sứ triều Nguyễn: diện mạo và giá trị

Tóm tắt

Trong lịch sử dân tộc, vì nhiều lý do khác nhau, Việt Nam đã hình thành mối quan hệ bang giao với các nước trong khu vực, nhất là với Trung Quốc, rồi với Nhật Bản, Triều Tiên; đến thế kỷ thế kỷ XIX, mối quan hệ này được mở rộng không gian với các nước ở khu vực Đông Nam Á biển (Malaysia, Singapore, Indonesia), rồi phương Tây (Pháp), từ đó hình thành dòng văn học bang giao, trong đó có thơ đi sứ, mà tác giả của nó là các sứ thần Việt Nam. Do vậy, đường đi sứ trở thành đường thơ.

Trên cơ sở tư liệu hiện có, bài viết này sẽ trình bày một diện mạo đầy đủ về thơ đi sứ triều Nguyễn, từ đó nêu lên một số giá trị của nó.

Từ khóa

Bang giao; thơ đi sứ; triều Nguyễn; thơ tiếp sứ; thơ tiễn sứ; sứ thần; diện mạo và giá trị.

 

1. Giới thiệu chung

Trong lịch sử dân tộc, vì nhiều lý do khác nhau, giữa Việt Nam đã hình thành nhiều mối quan hệ bang giao với các nước trong khu vực, nhất là với Trung Quốc, rồi với Nhật Bản, Triều Tiên; đến thế kỷ thế kỷ XIX, mối quan hệ này được mở rộng với các nước ở khu vực Đông Nam Á biển (Malaysia, Singapore, Indonesia), rồi phương Tây (Pháp), từ đó hình thành dòng văn học bang giao, chủ yếu là thơ đi sứ (thơ sứ trình), mà tác giả của nó là các sứ thần Việt Nam. Do vậy, đường đi sứ trở thành đường thơ.

Vấn đề đang bàn, trước đây, trong các bộ văn học sử Việt Nam hầu như các nhà nghiên cứu chưa quan tâm và đề cập đến, nếu có thì chỉ điểm qua sơ lược qua việc liệt kê tác giả tác phẩm, duy chỉ có giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, tập 2, GS. Đinh Gia Khánh (chủ biên)[1] ở Phần thứ tư, mục V. Thơ vịnh sử, thơ đi sứ và chủ nghĩa yêu nước, do Bùi Duy Tân viết, tr.204-237. Riêng mảng thơ đi sứ chiếm dung lượng hơn 14 trang sách khổ 13 x 19 (tr.223 đến tr.237) và chỉ giới thiệu cảm hứng chủ đạo của nó, chứ chưa có điều kiện đi sâu và do tình hình tư liệu lúc bấy giờ nên giáo trình cũng chưa thống kê đầy đủ danh mục tác giả tác phẩm thơ đi sứ trong văn học nước nhà từ đầu đến giữa thế kỷ XVIII, bởi do quan niệm phân kỳ văn học lúc bấy giờ. Như vậy là giáo trình chưa đề cập đến mảng thơ sứ trình triều Nguyễn, mà phần văn học triều Nguyễn (thế kỷ XIX) do GS. Nguyễn Lộc biên soạn thì không đề cập đến. Còn trong công trình Thơ đi sứ[2], Phạm Thiều và Đào Phương Bình trước khi tuyển thơ có bài khảo cứu giới thiệu chung, nhưng khách quan mà nói bài khảo này cũng chưa giới thiệu đủ đầy về danh mục tác giả tác phẩm mảng thơ đi sứ. Gần đây, trong chuyên khảo Văn học Việt Nam thời Lê - Mạc, Nam Bắc phân tranh[3], tại chương 2 Những khuynh hướng văn học, mục 2.1. Khuynh hướng yêu nước, tiểu mục 2.1.5. Khuynh hướng yêu nước, tự hào dân tộc trong thơ bang giao (trang 92-137), Nguyễn Công Lý đã dành 45 trang để trình bày một diện mạo và thành tựu tương đối đủ đầy về thơ bang giao - đi sứ trong mười thế kỷ văn học cổ điển Việt Nam. Tiếp theo, trong một bài viết “Thơ bang giao trong văn học cổ điển Việt Nam: diện mạo và giá trị” bằng tiếng Trung 阮公理: 越南古典文學中的邦交詩:面貌 與價值, 2-2019. www.ssap.com.cn, chuyên đề đặc biệt của Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, kỳ 2 năm 2019, Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây Trung Quốc, một lần nữa, Nguyễn Công Lý đã trình bày sâu kỷ và đầy đủ thêm về diện mạo và giá trị của thơ bang giao - đi sứ trong văn học Việt Nam.  

Trên cơ sở thành tựu về văn bản và những nghiên cứu đã có, bài viết này sẽ trình bày diện mạo và những giá trị của thơ đi sứ triều Nguyễn (1802-1945).

2. Giới thuyết lại khái niệm “thơ đi sứ”, “thơ bang giao”

Sở dĩ chúng tôi giới thuyết lại các khái niệm là bởi từ trước đến nay trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước chưa có sự đồng thuận và thống nhất về nội hàm các khái niệm ‘thơ bang giao’, ‘thơ đi sứ’, ‘thơ tiếp sứ’ (bao gồm thơ ứng đối, thơ xướng hoạ, thơ tặng sứ, thơ tiễn sứ), nhất là hiểu các khái niệm này với nghĩa rộng hẹp khác nhau, trong đó, có sự phân chia rạch ròi tách bạch về ‘thơ bang giao’ và ‘thơ đi sứ’.

Vấn đề này, hiện nay trong giới nghiên cứu đã có 3 quan niệm khác nhau.

Một là, có nhà nghiên cứu hiểu khái niệm thơ bang giao theo nghĩa hẹp, trong thế đối sánh với thơ đi sứ với quan niệm thơ bang giao chỉ là một bộ phận của thơ đi sứ. Họ quan niệm rằng thơ bang giao là những bài thơ đối đáp, xướng họa của các sứ thần Đại Việt với quan lại “thiên triều” tại Trung Hoa hoặc những bài thơ của những vị hoàng đế, quan lại đại thần phương Nam viết ra để xướng hoạ, hay tặng, tiếp, tiễn sứ thần phương Bắc, với mục đích phục vụ trực tiếp công cuộc đối ngoại của triều đình. Như vậy, thơ bang giao là những sáng tác thực hiện sứ mệnh “ngoại giao văn hóa”. Tiêu biểu cho quan niệm này là Phạm Thiều và Đào Phương Bình trong công trình Thơ đi sứ. Về sau, trong một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nghiên cứu về thơ đi sứ cũng có cách nhìn như thế.

Hai là, có nhà nghiên cứu hiểu thơ bang giao theo nghĩa rộng, khi cho rằng, thơ bang giao dùng để chỉ những sáng tác gắn liền với hoạt động ngoại giao Việt - Trung. Theo quan niệm này, thơ bang giao bao gồm cả thơ đi sứ, thơ tiếp sứ (thơ xướng hoạ, tặng sứ, tiễn sứ). Như vậy, thơ đi sứ chỉ là một bộ phận của thơ bang giao. Tiêu biểu cho quan niệm này là Phan Huy Chú trong bộ bách khoa thư Lịch triều hiến chương loại chí[4]; Nguyễn Thế Long trong công trình Bang giao Đại Việt[5] và Nguyễn Ngọc Nhuận trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu và đánh giá văn bản thơ văn bang giao của Phan Huy Ích[6], ở đó, tác giả luận án đi sâu tìm hiểu tập thơ đi sứ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích. Trong các công trình và bài viết của chúng tôi đã thể hiện quan niệm này.

Ba là, có một số nhà nghiên cứu quan niệm có tách bạch khi phân chia rạch ròi thành hai mảng thơ bang giao và thơ đi sứ. Tiêu biểu cho quan niệm này là Bùi Duy Tân trong giáo trình Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII (do Đinh Gia Khánh chủ biên); đây cũng là quan niệm của Trần Thị Băng Thanh và Phạm Tú Châu trong bài viết “Vài nét về thơ bang giao, đi sứ đời Trần trong giai đoạn giao thiệp với nhà Nguyên”. Tiêu đề xác định rõ ràng “thơ bang giao”, “thơ đi sứ” và trong nội dung bài viết, hai nhà nghiên cứu đã cho rằng thơ bang giao là thơ tặng, tiễn sứ thần Trung Hoa sang Việt Nam phong vương. Tức là, những vần thơ làm nhiệm vụ bang giao trực tiếp qua hình thức xướng họa trong nước. Còn thơ đi sứ là thơ của sứ thần nước ta viết trên hành trình đi sứ Trung Hoa. Với cách hiểu này, thơ bang giao đồng đẳng với thơ đi sứ.

Chúng tôi cho rằng thơ bang giao bao gồm thơ tiếp, tiễn sứ thơ đi sứ. Như vậy, thơ đi sứ là một bộ phận của thơ bang giao.

Đi sâu vào các khái niệm, có thể thấy, về tính chất, thơ bang giao, trong đó có thơ đi sứ là những tác phẩm vừa mang tính chức năng lại vừa mang tính nghệ thuật, được sáng tác nhằm mục đích ngoại giao, bày tỏ mối quan hệ hoà hiếu giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Những sáng tác được viết lúc đón tiếp, ứng đối xướng hoạ, tặng, tiễn các phái đoàn sứ bộ nước ngoài đến với nước ta; những sáng tác của các phái đoàn sứ bộ nước ta đi sứ sang các nước khác, chủ yếu là sang Trung Quốc, mà trước đây, các nhà nghiên cứu đã định danh là thơ đi sứ hoặc thơ sứ trình, tất cả đều thuộc về văn học bang giao, trong đó đa phần là thơ. Qua những bài thơ này, các nhà thơ - sứ giả Đại Việt có dịp để quảng bá văn hóa văn hiến nước nhà cho các vua chúa quan lại Trung Quốc và các sứ thần các nước Cao Ly (Triều Tiên), Lưu Cầu (Nhật Bản) đến Trung Quốc nhằm giúp họ hiểu thêm về đất nước, con người, văn hoá Đại Việt.

Về phân loại, Thơ bang giao bao gồm Thơ tiếp sứThơ đi sứ. Chúng vừa có điểm chung vừa có nét đặc thù, song bổ sung cho nhau tạo nên những nét đặc trưng của thơ bang giao Việt Nam.

Thơ tiếp sứ là thơ của các nhà ngoại giao Việt Nam (hoàng đế, đại thần) viết ra để đón tiếp các sứ giả Trung Hoa khi họ sang nước ta để phong vương, ban chiếu chỉ, lệnh dụ hoặc thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao khác. Thơ tiếp sứ có các dạng: thơ ứng đối xướng hoạ thù tạc, thơ tặng sứ, thơ tiễn sứ.

+ Thơ ứng đối xướng hoạ thù tạc là thơ do các vị hoàng đế, các quan đại thần nước Nam viết ra để đối đáp, xướng hoạ với các sứ thần Trung Hoa khi họ sang nước ta làm nhiệm vụ ngoại giao. Bài Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận của hoàng đế Trần Nhân Tông viết năm 1301 để hoạ thơ sứ thần họ Kiều của nhà Nguyên. Khoảng mười bài thơ của Phạm Sư Mạnh hoạ lại thơ của sứ giả nhà Minh là Dư Quý tại trạm dịch ở Nhĩ Hà vào giữa thế kỷ XIV, như bài Hoạ đại Minh sứ đề Nhĩ Hà dịch. Bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục của Hồ Quý Ly viết lúc gần cuối thế kỷ XIV để trả lời câu hỏi của sứ giả nhà Minh về phong tục nước Nam, v.v..

+ Thơ tặng sứ là thơ của các quan đại thần hoặc hoàng đế Đại Việt sáng tác để tặng các phái đoàn sứ giả Trung Quốc khi họ sang nước ta làm nhiệm vụ ngoại giao. Bài Tặng Bắc sứ Sài Trang Khanh, Lý Chấn Văn của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải viết năm 1278 để tặng hai sứ giả nhà Nguyên sang nước ta. Hai bài Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bínhTặng Bắc sứ Lý Tư Diễn của hoàng đế Trần Nhân Tông viết năm 1291 và 1289.

+ Thơ tiễn sứ là thơ của các quan đại thần hoặc hoàng đế Đại Việt sáng tác để tiễn đưa các phái đoàn sứ giả Trung Quốc về lại đất nước khi họ đã làm xong nhiệm vụ bang giao ở nước ta. Bài Từ khúc điệu Nguyễn lang quy của Quốc sư Khuông Việt viết năm 987 để tiễn sứ giả Lý Giác nhà Tống về lại đất Bắc. Bài Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh của hoàng đế Trần Thái Tông viết năm 1265 tiễn sứ giả nhà Nguyên. Bài Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải viết năm 1278 để tiễn sứ giả họ Sài về nước. Bài Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai và bài Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng của hoàng đế Trần Nhân Tông viết năm 1293 và 1301 để tiễn các sứ giả nhà Nguyên về nước. Bài Tống sứ ngâm của Tướng quân Mạc Ký ứng tác khoảng năm 1333-1334 để tiễn sứ giả nhà Nguyên là Hoàng Thường về nước.

Thơ đi sứ (Thơ sứ trình) là những tác phẩm thơ được các sứ thần Đại Việt sáng tác trên hành trình đi sứ để thực hiện công việc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa. Có phái đoàn sứ bộ, mang theo quốc thư, cờ tiết, sắc phong đầy đủ, được triều đình cử đi làm nhiệm vụ bang giao. Có đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này thì mới được gọi là thơ đi sứ.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên ở Đài Loan lại hiểu khái niệm thơ đi sứ theo nghĩa rất rộng, bao hàm cả thơ đi công cán, dương trình hiệu lực, đi áp tải các thuyền của các quan nhân, thương nhân Trung Quốc gặp nạn ở vùng biển nước ta về lại Phúc Kiến, Quảng Đông. Vấn đề này, chúng tôi đã có lần trao đổi trực tiếp với ông trong một Hội thảo khoa học quốc tế. Theo chúng tôi, mảng thơ của các tác giả viết khi được triều đình cử đi theo để phục dịch phái đoàn với tư cách phái đi công cán hay là ‘dương trình hiệu lực’ để lập công chuộc tội, như thơ của Cao Bá Quát, của Phan Thanh Giản viết trong lúc đi sang Tân Gia Ba, Gia Cát Ta, v.v..; hay như thơ của các vị quan nhà Nguyễn viết nhân chuyến áp giải thuyền của thương nhân Phúc Kiến, Quảng Đông gặp nạn về lại Trung Quốc thì không thể xếp vào mảng thơ đi sứ.

Từ khi có quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc là có thơ đi sứ. Trong các tập thơ đi sứ hiện còn, trong đó có cả thơ vịnh sử (nhân vật lịch sử, địa danh lịch sử) Trung Quốc, thơ ứng đối, xướng họa với các quan lại văn nhân trên đất nước Trung Quốc, và thơ xướng họa với các phái đoàn sứ bộ các nước Lưu Cầu (Nhật Bản), Cao Ly (Triều Tiên) đang làm nhiệm vụ bang giao tại triều đình Trung Quốc.

Sang thế kỷ XIX dưới triều nhà Nguyễn, không gian của những chuyến đi được mở rộng, không chỉ là sang ‘thiên triều’ Trung Quốc để tuế cống, báo hỷ, báo tang, cầu phong mà còn đến các nước trong khu vực với nhiều mục đích khác nhau, như đi sang Chân Lạp, Gia Các Ta (Malaysia), Tân Gia Ba (Singapore), Giang Lưu Ba (Batavia, thuộc Indonesia), Hoành Tân (thuộc Nhật Bản) để giao thương buôn bán, v.v.. Đến cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn còn cử nhiều phái bộ sang tận Paris nước Pháp để thương thuyết, chuộc lại những vùng đất của nước ta bị Pháp chiếm đóng, hay sang thông hiếu cùng thực hiện những nhiệm vụ bang giao khác.

Trong gần 10 thế kỷ văn học cổ điển Việt Nam, có cả trăm tập thơ đi sứ hiện còn, xin nêu ra đây một vài tập tiêu biểu như Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập của Phùng Khắc Khoan viết năm Đinh Dậu (1597) đi sứ sang nhà Minh cầu phong cho nhà Lê trung hưng và nhân dịp này chúc thọ vua Vạn Lịch nhà Minh; Sứ trình tân truyện, một truyện ký đi sứ bằng thơ Nôm của Nguyễn Tông Quai viết nhân chuyến đi sứ năm 1742-1745 sang nhà Thanh; Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du viết trong chuyến đi sứ sang nhà Thanh năm 1813-1814; tập Tây tra thi thảo của Nguyễn Trọng Hiệp được viết trong chuyến đi sứ sang Paris nước Pháp năm 1894 để thông hiếu; v.v.. Chính những chuyến sứ trình này, các sứ thần nước ta đã để lại rất nhiều tập thơ đi sứ có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

3. Diện mạo thơ đi sứ triều nhà Nguyễn

Do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có mối quan hệ bang giao kéo dài đến hai ngàn năm. Về văn hóa và văn học, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa và văn học Hán. Riêng ở lĩnh vực chính trị và ngoại giao, các vương triều hai nước cũng có nhiều lúc căng thẳng, xung đột, nhiều cuộc chiến thảm khốc đã diễn ra và cuối cùng Việt Nam đã chiến thắng, giành lại độc lập dân tộc, và cho dù đã chiến thắng, nhưng liền sau đó vì mục đích hoà bình lâu dài các vương triều nước ta đã cử những phái đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để hoà hiếu.

Chính mối quan hệ bang giao này đã hình thành dòng thơ bang giao trong văn học cổ điển Việt Nam, trong đó có thơ đi sứ (thơ sứ trình). Riêng việc ứng đối khi tiếp sứ, tiễn sứ và đi sứ thì các sứ thần Việt Nam không chỉ là nhà ngoại giao kiệt xuất với vốn văn hóa uyên bác mà còn là những nhà thơ tài hoa.

Về con đường đi sứ, trên hành trình nghìn trùng diệu vợi, để đến được kinh đô của “thiên triều”, từ Thăng Long hay Phú Xuân phái đoàn theo đường bộ đi lên Lạng Sơn rồi qua Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc). Bắt đầu từ Nam Ninh trở đi, phương tiện giao thông chủ yếu mà các đoàn sứ bộ ngoại giao thường dùng là đường thủy, theo dòng Trường Giang. Cụ thể như sau: Từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh) hay Phú Xuân đến Bắc Kinh, thông thường, các sứ đoàn hay đi theo lộ trình: Phú Xuân – Thăng Long – Lạng Sơn – Quảng Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc – Hà Nam – (hoặc An Huy – Giang Tô – Sơn Đông) – Hà Bắc – Yên Kinh (Bắc Kinh). Chỉ có một lần duy nhất vào đầu triều Nguyễn, sứ đoàn của Ngô Nhơn Tĩnh năm 1802 đi bằng đường biển từ Phú Xuân sang Trung Quốc để cầu phong việc đặt quốc hiệu, nhưng từ đó về sau không có sứ đoàn nào đi theo con đường biển này, dù đi ven bờ, bởi quá nguy hiểm vì sóng to gió lớn bão bùng. Những chuyến đi và về trên đất nước Trung Quốc rộng lớn ấy, các sứ giả - nhà thơ có dịp tận mắt thưởng ngoạn nhiều danh lam thắng cảnh. Chẳng hạn, sứ đoàn sẽ ngang qua Toàn Châu – chùa Tương Sơn (ở cuối Quảng Tây); Hành/Hoành Sơn, Hành/Hoành Dương, Hồi Nhạn phong, chùa Nhạc Lộc, hồ Động Đình, sông Tiêu Tương, lầu Nhạc Dương, Trường Sa... (thuộc Hồ Nam); Xích Bích, lầu Hoàng Hạc... (thuộc Hồ Bắc); Bồn Phố, Thái Thạch… (thuộc An Huy); Kim Lăng, Dương Châu... (thuộc Giang Nam - Giang Tô), hồ Vi Sơn... (thuộc Sơn Đông)...  Các danh thắng hữu tình đó đã gợi thi hứng cho các vị cất bút đề thơ ghi lại cảm xúc, nỗi niềm. Bên cạnh, khi đến các trạm dịch ở các địa phương hay tại kinh đô, tiếp xúc với quan lại ‘thiên triều’, các vị thường bút đàm chữ Hán và dùng văn chương để xướng họa thù tạc thể hiện thâm tình giao hảo. Do vậy, đường đi sứ trở thành đường thơ. Từ đó, có rất nhiều tập thơ đi sứ nổi tiếng được hoàn thành.

Về diện mạo và thành tựu của thơ đi sứ dưới triều Nguyễn, căn cứ vào chính sử của Quốc Sử quán triều Nguyễn; vào Tổng tập Văn học Viêt Nam, và bộ 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編) Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (Việt Nam sở tàng biên) do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) sưu tập và giới thiệu[7], và căn cứ vào các hợp tuyển, các biệt tập của các tác giả, chúng tôi đã lập một danh mục thơ đi sứ dưới triều nhà Nguyễn như sau: Trịnh Hoài Đức (1765-1825) có Cấn Trai quan quang tập, còn gọi là Bắc sứ thi tập; Lê Quang Định (1759-1813) có Hoa nguyên thi thảo; Ngô Nhơn Tĩnh (1761-1813) có Thập Anh Đường thi tập làm trong thời gian đi sứ, lúc làm quan và khi xướng họa với bạn bè. Ngô Thì Vị còn có tên Ngô Thì Hương (1774-1821) có Mai dịch xu dư một tập ký sự bằng thơ, ghi chép lại chuyến đi sứ năm 1809. Nguyễn Du (1765-1820) có Bắc hành tạp lục viết lúc đi sứ năm 1813-1814. Đinh Tường Phủ (?-?) đi sứ năm 1819, có để lại Cổ Hoan Khê Đình Đinh Tường Phủ sứ trình thi tập chép trong Bảo triện Hoàng giáp Trần công thi tập. Nguyễn Gia Cát (1760-?) có Hoa trình thi tập. Phan Huy Chú (1782-1840) có Hoa thiều ngâm lục (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc). Lý Văn Phức (1785-1849) có hơn 10 tác phẩm đi sứ bằng chữ Hán và Nôm, bởi trong vòng 11 năm (1830-1841), ông được triều đình nhà Nguyễn cử đi nước ngoài đến 7 lần: Tây hành thi ký, Tây hành kiến văn kỷ lược (1830, Hoàng hoa tạp vịnh thảo (đi sang Yên Kinh, 1841), Sứ trình chí lược thảo (chữ Hán, viết chung với Phan Huy Chú, khi đi sang Yên Kinh, 1841), Sứ trình quát yếu biên (đi sang Yên Kinh, 1841) và Sứ trình tiện lãm khúc (chữ Nôm, viết chhung với Phan Huy Chú lúc đi sang Yên Kinh, 1841). Trương Hảo Hiệp (?-?) có Mộng mai đình thi thảo. Phan Thanh Giản (1796-1867) có Kim Đài thảo. Phạm Chi Hương (?-1871) đi sứ nhà Thanh năm 1845, viết My Xuyên sứ trình thi tập. Bùi Quỹ có 03 tập: Yên đài anh thoại, Sứ trình anh thoại khúc Yên hành khúc. Nguyễn Văn Siêu có Phương Đình vạn lý tập. Đặng Huy Trứ có Đặng Hoàng Trung thi sao. Phạm Phú Thứ (1821-1882) có Tây phù thi thảo, Tây hành nhật ký. Bùi Văn Tự (quen đọc là Dị) 1833-1895 có Vạn lý hành ngâm. Nguyễn Tư Giản đi sứ nhà Thanh năm 1868 có 05 tập: Yên thiều thi văn tập, Yên thiều bút lục, Yên thiều thi thảo, Trung ngoại quỳnh giao tập, Như Thanh nhật ký. Phạm Hy Lượng (1834-1886) đi sứ nhà Thanh năm 1870, có tập Bắc minh sồ vũ ngẫu lụcPhạm Ngư Đường bắc tra (sà) nhật ký. Nguyễn Thuật có Mỗi hoài ngâm thảo (2 quyển) lúc sang nhà Thanh năm 1881 và Vãng sứ Thiên Tân nhật ký viết năm 1883. Nguyễn Trọng Hiệp năm 1894 sang Paris có viết tập Tây tra thi tập hơn trăm bài, trong đó có phần thơ viết về thủ đô Paris, gồm 36 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, song ngữ Pháp - Hán mà sau này ông tách ra cho in thành một tập riêng: Đại Pháp quốc Ba Lê đô thành tập vịnh - Tuyển tập thơ vịnh về thủ đô Paris của nước Pháp (Paris capitale de la France - Recueil de vers 大法國玻璃都城集詠). Tập thơ viết về thủ đô Paris thể hiện cái nhìn, cách cảm của một Chánh sứ triều đình nước Đại Nam đối với cảnh vật mới lạ nơi kinh đô ánh sáng ở trời Tây[8].

Có một thực tế cần ghi nhận là nhiều sứ giả - thi nhân Đại Việt - Việt Nam khi đi sứ sang Trung Quốc, có đến thăm những di tích danh thắng nơi đất nước bạn, các vị có đề thơ, trong đó có nhiều bài được những người có nhiệm vụ trông coi những di tích danh thắng này đã lập bia khắc thơ. Chẳng hạn, theo thông tin của Trần Ích Nguyên thì chỉ tính riêng tại Nhạc Vương miếu (miếu thờ Nhạc Phi) ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã có bia khắc thơ của nhiều sứ giả - thi nhân Đại Việt như Phan Huy Chú (1825), Vương Hữu Quang (1848), Mai Đức Thường (1849), Hoàng Bích Sơn, Nguyễn Bảo, Nguyễn Văn Siêu, Phan Huy Vịnh, Phạm Chi Hương (1853), Phạm Hy Lượng (1871), Bùi Văn Tự (1876), Nguyễn Thuật (1881), Trần Khánh Tiến (1881), Nguyễn Tư Giản, v.v..[9].    

4. Giá trị của thơ đi sứ triều Nguyễn

Trên chuyến sứ trình vạn dặm từ Hoa Lư (Ninh Bình) đời Đinh, Tiền Lê; Thăng Long (Hà Nội) đời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Lê trung hưng; hay Phú Xuân (Huế) đời Tây Sơn và Nguyễn, các phái đoàn sứ bộ Đại Việt sang kinh đô Trung Quốc, trên đất Việt Nam thì đi bằng đường bộ, khi sang đất Trung Quốc thì đi bằng đường thuỷ và đường bộ, các sứ giả đã mục kích tận mắt bao nhiêu là cảnh sơn thuỷ kỳ thú và danh thắng hữu tình, chứng kiến bao nhiêu số phận con người trên đất nước bạn, nên chắc chắn họ đều có viết thơ, dù ít dù nhiều. Có người chỉ có dăm ba bài, có người có cả một hay vài ba tập để lại.

Trong tình hình tư liệu hiện nay, chưa tính những tác giả có một vài ba bài, chỉ tính các tác giả có tập thơ riêng thì văn học nước nhà có hàng mấy chục tập thơ đi sứ. Có thể nói thơ sứ trình trong văn học nước nhà thật phong phú về số lượng, da dạng về đề tài, cảm hứng và bút pháp nghệ thuật, góp phần là cho nền văn học nước nhà thêm nhiều sắc màu, và do vậy thơ đi sứ có vị trí và vai trò quan trọng đối với văn học dân tộc.

Trong bang giao, thì thơ ứng đối xướng hoạ thù tạc là bộ phận chiếm số lượng không nhỏ và có vị trí quan trọng. Qua thơ, ông cha ta ngày xưa đã thể hiện một bản lĩnh Việt Nam, tự hào và khẳng định Đại Việt có một nền văn hóa văn hiến riêng, mà nền văn hoá văn hiến này không chịu thua nhường Trung Hoa (bất tốn Hoa Hạ), như sứ giả Lý Giác nhà Tống đã từng khẳng định năm 987 “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu” (Ngoài trời lại có trời soi chiếu, Khe đầm lặng sóng bóng trăng thu). Qua những vần thơ đi sứ, người đọc sẽ bắt gặp những tâm hồn phóng khoáng tự do, cởi mở; tứ thơ hào sảng phơi phới niềm tự hào khi giới thiệu về đất nước mình qua lời thơ diễm lệ với tình ý khoáng đạt của tác giả.

Thơ viết về thiên nhiên chiếm số lượng rất lớn trong thơ đi sứ. Hành trình đi sứ bằng đường bộ và đường thuỷ trên đất nước Trung Hoa rộng lớn với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, các sứ giả Đại Việt thường bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của chúng, và dĩ nhiên tức cảnh sinh tình, cất bút đề thơ, hay xướng hoạ với các đồng liêu cùng đi công cán. Viết về thiên nhiên đất nước người, nhưng các sứ giả không quên những hình ảnh thiên nhiên đất nước mình, qua cái nhìn đối sánh với thiên nhiên phương Bắc. Dù không trực tiếp nhưng thiên nhiên đất Việt hiện lên trong thơ không kém phần sinh động, bởi chúng được viết lên từ sự hoài niệm, qua nỗi niềm tư hương cố quốc của sứ giả - thi nhân.

Thơ viết về địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử (có thể gọi đây là thơ vịnh sử cũng không sai) chúng chiếm một số lượng đáng kể trong thơ đi sứ. Bằng nghệ thuật ngôn từ kiệm lời cùng hình ảnh văn chương, các tác giả đã tái hiện lại sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử rồi đánh giá, luận bình khen chê về sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử đó, và dĩ nhiên là lời bình luận khen chê dù theo chủ kiến của tác giả nhưng ngẫm lại thật xác đáng. Trước cảnh vật con người lịch sử, các sứ giả - thi nhân còn thể hiện tấm lòng hoài cổ thương kim, bộc lộ sự cảm thông với những số phận lịch sử, rồi gửi vào đó những trăn trở, những nghĩ suy về đời sống thực tại trong cõi nhân sinh. Những bài thơ như Quá Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, Phản chiêu hồn trong Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du là những bài thơ thể hiện nội dung vừa nêu.

Thơ bộc lộ tâm tư của sứ giả trên hành trình đi sứ với nỗi niềm tư hương cố quốc là những vần thơ đầy cảm động và có chiều sâu tư tưởng cùng độ chân xác đậm tính hiện thực - trữ tình. Dù là thơ bang giao - đi sứ tức loại thơ mang tính chức năng hành chính quan phương, nhưng với cảm hứng về thiên nhiên, về lịch sử vừa đề cập ở trên thì đây chính là những bài thơ trữ tình thể hiện rõ đặc điểm của văn chương nghệ thuật, chứ không còn thuần tuý là văn học chức năng nữa, từ đó cái tôi cá nhân, cá tính sáng tạo của sứ giả - nghệ sĩ bộc lộ rõ nét. Đó là nỗi niềm hướng về đất Việt thân thương với mong ước có cánh chim nhạn mang thư về Nam; muốn mình như cánh chim bằng lướt sóng đẩy thuyền xuôi về Nam chỉ trong một đêm; là niềm mong ước về quê để thưởng thức hương vị béo ngậy của con cua đồng trong mùa lúa sớm trổ bông như trong thơ Nguyễn Trung Ngạn; là nỗi niềm day dứt với nhiều đêm trăn trở, rồi khi vừa chợp mắt thì giấc mộng nhớ quê nhà chợt hiện như trong thơ của Phùng Khắc Khoan; đó còn là tấm thân tuy ở đất Bắc nhưng cõi lòng lại hướng về nước Nam trong thơ của Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Nguyễn Thuật, và còn nhiều nữa. 

Từ diện mạo như trên, có thể nêu ra những giá trị cơ bản của thơ đi sứ triều Nguyễn như sau:

Một là, tinh thần ‘bất tốn Hoa hạ’ (không chịu thua nhường Trung Quốc), thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc.

Trong quan niệm và dưới cái nhìn của Trung Quốc xưa cũng như nay, họ luôn xem họ là trung tâm, là tinh hoa; còn các nước lân bang là ‘bắc địch, tây nhung, đông di, nam man’, nói chung đều là man di mọi rợ. Nhưng các quốc gia và dân tộc láng giềng, trong đó có Việt Nam, không bao giờ chấp nhận sự áp đặt đó. Để vượt thoát khỏi quan niệm Hoa - Di này, các dân tộc trong khu vực văn hoá đồng văn đã luôn thể hiện rõ tinh thần ‘thoát Trung’, ‘bất tốn Hoa hạ’. Dù văn hoá tư tưởng của ta chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá tư tưởng Trung Quốc, nhưng ta tiếp thu có biến đổi và có sáng tạo. Vì thế, tinh thần không chịu thua nhường Trung Quốc này thể hiện qua ba khía cạnh (1) Không chịu thua nhường về văn hoá văn hiến; (2) Không chịu thua nhường về tài năng sáng tác văn chương; (3) Không chịu thua nhường về những chiến công oai hùng chống ngoại xâm.

Ở đời Trần, người đọc bắt gặp niềm tự hào về văn hoá văn hiến của dân tộc không chịu thua nhường Trung Quốc qua bài thơ Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính của hoàng đế Trần Nhân Tông. Nhân tiết Hàn thực (mùng 3 tháng Ba), nhà vua tặng bánh rau, bánh chay, bánh khúc cho sứ giả nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh, rồi nói rằng “đây là phong tục cũ của nước Nam chúng tôi”[10].

Hay như bài Hoạ Minh sứ đề Nhĩ Hà dịch (bài 3)[11] của Phạm Sư Mạnh hoạ lại bài thơ của sứ giả Dư Quý nhà Minh. Bài thơ đã giới thiệu cho sứ giả biết những nét đẹp về văn hoá văn hiến của Đại Việt với hình thế núi non trùng điệp, sông dài, đồng rộng bao la được phù sa của dòng sông Hồng bồi đắp làm cho cánh đồng thêm phì nhiêu tươi tốt. Có Tản Viên như bức bình phong che chở bảo vệ kinh đô Rồng bay. Thành cổ Văn Lang còn đó như chứng tích mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc chẳng kém gì Trung Hoa. Đền thờ Lý Ông Trọng, người anh hùng của Âu Lạc đã từng phò Nam dẹp Bắc với sức mạnh vô địch. Khi ông mất rồi, nhà Tần còn tạc tượng để mượn oai ông mà hù doạ giặc. Một đất nước với địa linh nhân kiệt như thế thì nhà Minh chớ có nên dòm ngó và ôm mộng xâm lăng; đồng thời nhà thơ còn tái hiện lại cả ngàn năm văn hiến với niềm tự hào dân tộc thật cao cả!

Bài thơ của Hồ Quý Ly trả lời câu hỏi sứ giả nhà Minh về phong tục nước Nam Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục, với những nét đặc sắc của văn hoá nước Nam. Văn hoá tinh thần thì phong tục thuần hậu, lễ nhạc và áo mũ của vua quan chẳng kém gì hai đời Hán và Đường bên Tàu là hai triều đại có nền văn hoá rực rỡ, võ công văn trị hùng mạnh nhất. Vật chất thì có rượu mới đựng trong bình ngọc, có cá ngon vảy nhỏ mổ bằng dao vàng, có hoa tươi tốt khoe sắc toả hương rực rỡ một vườn xuân. Giới thiệu như thế để ngầm bảo rằng văn hoá nhà Minh hôm nay không như đời Hán Đường khi xưa, hiện đã bị du mục hoá bởi đã bị đế quốc Mông Cổ cai trị gần một thế kỷ!

Sang triều Nguyễn, tinh thần không chịu thua kém Trung Quốc này thể hiện rõ trong thơ đi sứ của Nguyễn Du qua các bài Giáp Thành Mã Phục Ba miếu, Đề Đại Than Phục Ba miếu, Phản chiêu hồn, Biện Giả

Bốn câu cuối bài Giáp Thành Mã Phục Ba miếu, Nguyễn Du tỏ ý phê phán và mỉa mai ông dũng tướng nhà Hán chỉ lừa đàn bà và khi đã chết rồi vẫn còn làm luỵ đến vợ con:

Đồng trụ cận năng khi Việt nữ,/ Châu xa tất cánh luỵ gia nhi.

Tính danh hợp thướng Vân Đài hạ,/ Do hướng Nam trung sách tuế thì.

(Cột đồng chỉ có thể lừa đàn bà đất Việt,/ Xe ngọc châu rốt cuộc làm luỵ đến con cái trong nhà./ Họ tên ông đáng lẽ đã được ghi ở gác Vân Đài,/ Sao lại còn ngoảnh về phương Nam đòi hỏi cúng tế hàng năm?)[12]

  Hai câu kết bài Đề Đại Than Phục Ba miếu, thi hào đã mỉa mai ông hổ tướng này bằng một câu thơ nghi vấn: “Nhật mộ thành tây kinh cức hạ,/ Dâm Đàm di hối cánh hà như? (Chiều tà dưới lớp gai góc ở phía tây thành,/ Nỗi hận ở hồ Dâm Đàm rốt lại như thế nào rồi?)[13]. Có câu hỏi này là bởi khi Mã Viện đem quân đi đánh Hai Bà Trưng đánh mãi không được, phải lui quân về Lãng Bạc (hồ Tây, hồ Dâm Đàm). Tên Dâm Đàm có nghĩa là hồ nhiều mù sương chướng khí. Trời phương Nam nóng bức, hơi độc từ dưới hồ bốc lên khiến diều hâu sa xuống hồ chết. Khi lui quân về đây, Mã Viện đã hối hận vì không nghe lời em mình.

Biện Giả là bài thơ cổ phong trường thiên dùng lời lẽ và tư tưởng để phản bác lại lời của nhà hùng biện Giả Nghị (200-168 TCN) sống đầu đời Tây Hán bên Tàu. Giả Nghị là một nhà từ phú và chính luận nổi tiếng, làm quan đến chức Bác sĩ, rồi Thái Trung đại phu, sau bị biếm chức đổi làm Thái phó ở phủ Trường Sa vương, rồi Thái phó phủ Lương Hoài vương. Khi đi ngang qua sông Tương, ông có làm bài phú Viếng Khuất Nguyên để gởi gắm tâm sự của mình. Trong bài phú, Giả Nghị có viết “Lịch cửu châu nhi tướng kỳ quân hề, hà tất hoài thử đô dã” (Trải chin châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy), với ý chê Khuất Nguyên bảo thủ. Trong bài thơ của mình, Nguyễn Du đã bác bỏ cái ý này của Giả Nghị, ông cho rằng trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng, lẽ đâu lại đi tìm vua ở chín châu. Thi hào còn tự cho mình là người nghìn năm sau hiểu rõ lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị, ông còn chê bài phú của thư sinh họ Giả chẳng có nghĩa lý gì:

Bất thiệp Hồ Nam đạo,/ An tri tương thuỷ thâm?

Bất độc Hoài Sa phú,/ An thức Khuất Nguyên tâm?

Khuất Nguyên tâm, Tương giang thuỷ,/ Thiên thu vạn thu thanh kiến để.    

Cổ kim an đắc đồng tâm nhân,/ Giả sinh nhất phú đồ vi nhĩ.

Liệt nữ tòng lai bất nhị phu,/ Hà đắc thê thê ‘tướng cửu châu”.

Vị tất cổ nhân tri hữu ngã,/ Nhãn trung Tương thuỷ không du du.

(Không đi qua Hồ Nam,/ Sao biết nươc sông Tương sâu?/ Không đọc bài phú Hoài Sa./ Sao biết được lòng Khuất Nguyên? Lòng Khuất Nguyên như nước sông Tương./ Ngàn năm vạn năm vẫn trong suốt thấy đáy./ Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm,/ Bài phú của thư sinh họ Giả chẳng có nghĩa lý gì./ Xưa nay liệt nữ không lấy hai chồng,/ Lẽ nào tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác?/ Chưa chắc người xưa biết có ta,/ Trước mắt dòng sông Tương lững lờ trôi mãi.)[14]

Bài Phản chiêu hồn, thi hào chống lại bài Chiêu hồn của Tống Ngọc, khi họ Tống thương Khuất Nguyên hồn phách sắp tiêu tan nên làm bài Chiêu hồn để gọi hồn về. Trong khi đó Nguyễn Du thì khuyên hồn Khuất Nguyên không nên về, bởi xã hội Trung Quốc là xã hội tráo trở, bề ngoài ra vẻ cao quý nhưng thực chất bên trong thì ăn thịt người ngọt xớt như đường; người người đều nham hiểm như họ Thượng Quan; nơi nơi đều là cạm bẫy như dòng Mịch La. Ông mà về nếu cá rồng không nuốt thì hùm sói cũng ăn thịt ông thôi:

(…) Thành quách do thị, nhân dân phi,/ Trần ai cổn cổn vô nhân y.

Xuất giả khu xa nhập cứ toạ,/ Toạ đàm lập nghị giai Cao, Quỳ.

Bất lộ trảo nha dữ giác độc,/ Giảo tước nhân nhục cam như di.

(…) Tảo liễm tinh thần phản thái cực,/ Thận vật tái phản linh nhân xi.

Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan, Đại địa xứ xứ giai Mịch La.

Ngư long bất thực, sài hổ thực,/ Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà?

(… Thành quách vẫn như cũ, song nhân dân đã khác rồi,/Bụi cuốn mù mịt bẩn cả quần áo./ Khi ra đường thì rong ruổi xe, khi ở nhà thì ngồi vênh váo,/ Họ đứng ngồi bàn tán như ông Cao, ông Quỳ./ Họ che giấu  nanh vuốt và nọc độc,/ Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường./ …Hãy sớm thu tinh thần trở lại cõi thái cực,/ Dừng trở về đây nữa mà người ta mai mỉa./ Đời sau người người đều là họ Thượng Quan,/ Mặt đất đâu đâu đều là sông Mịch La./ Cá rồng chẳng nuốt, hùm sói cũng ăn,/ Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?)[15]   

Cũng với tinh thần ‘bất tốn Hoa hạ’ mà các sứ giả - thi nhân nước ta đã không ngần ngại cất bút đề thơ trước những thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc mầ các vị đã mục kích, cho dù những danh thắng này đã được các thi nhân sở tại đã sáng tác ngợi ca đến hàng trăm, hàng ngàn bài, những thắng cảnh như hồ Động Đình hồ, tám cảnh đẹp ở Tiêu Tương, đặc biệt là cảnh lầu Hoàng Hạc, vậy mà các sứ thần nước ta khi đến những nơi này đều có thơ để lại với những khám phá riêng đầy thú vị. Với lầu Hoàng Hạc chẳng hạn, không phải là các vị không biết chuyện Lý Bạch thúc thủ, ném bút bởi đã có thơ của Thôi Hiệu, vậy mà các sứ thần Việt Nam đến đây thưởng cảnh đề thơ có đến hàng trăm bài và tất cả đều là những giai phẩm. Những bài thơ này sẽ được bài viết bàn đến ở giá trị thứ 5 của dòng thơ đi sứ. Phải chăng đó chính là xuất phát từ tinh thần không chịu thua kém thi nhân nước bạn về tài năng sáng tạo văn chương?  

Nếu cha ông ta ngày xưa không có lòng tự hào về truyền thống văn hoá văn hiến của dân tộc, không có tinh thần không chịu thua kém nước bạn và không có bản lĩnh thì làm sao có thể sáng tác được những giai phẩm đầy tính thuyết phục và cảm hoá lòng người đọc như vừa nêu?

 Hai là, thể hiện lòng trung quân ái quốc, chuộng nghĩa khí, với quyết tâm hoàn thành trọng trách của quốc gia giao phó.

Chuyện đi sứ làm nhiệm vụ bang giao đối với lân bang, nhất là với Trung Quốc, là chuyện quốc gia trọng sự, có quan hệ đến an nguy của xã tắc, nên triều đình rất thận trọng và cân nhắc khi cắt cử ba vị lãnh đạo (gồm 01 Chánh sứ và 02 Phó sứ) cùng các thành viên trong phái đoàn sứ bộ, với yêu cầu họ phải là người có tư cách đạo đức cao, có tri thức văn hoá uyên bác, giỏi ứng đối ngoại giao, từng trải lịch lãm… Chính vì thế mà các sứ giả bao giờ cũng là người biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, và các vị luôn vượt qua những khó khăn trở ngại trong chuyến sứ trình ngàn trùng diệu vợi để hoàn thành trọng trách mà triều đình và nhân dân giao phó. Cho nên lòng trung quân ái quốc, tinh thần vì nước quên mình, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh là nội dung chính trong các tập thơ đi sứ.

Chẳng hạn Phùng Khắc Khoan (1528-1613) triều Lê trung hưng đi sứ sang nhà Minh năm 1597. Đây là chuyến đi sứ của triều đại này sang nhà Minh để cầu phong. Phái đoàn sứ bộ nước ta chờ đợi đến mấy tháng nhưng triều đình không tiếp. Nhờ tài ứng đối ngoại giao và tài thơ của Chánh sứ Phùng Khắc Khoan mà vua Vạn Lịch nhà Minh mới cho tiếp kiến. Cuối cùng nhà Minh phải đồng ý bỏ lệ cống nạp người vàng cúi đầu, mà lệ này họ bắt nhà Mạc phải tuân thủ, đồng thời cho phép theo lệ của nhà Hậu Lê trước đây. Hoặc như chuyến đi sứ của phái đoàn sứ bộ Giang Văn Minh (1573-1639) sang nhà Minh năm 1639 dưới đời Sùng Trinh Minh Tự Tông (Chu Do Kiểm). Vua Sùng Trinh khi cho sứ đoàn Đại Việt vào tiếp kiến, ông ta đã ra một vế đối với ý ngạo mạn, coi thường nước ta, và buộc sứ thần nước ta phải đối lại, vế ra “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh). Sứ giả Giang Văn Minh đã đĩnh đạt ung dung đối lại rất chuẩn “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn nhuộm đỏ). Vế ra nhắc đến chuyện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa giành độc lập tự chủ xong, tướng Mã Viện nhà Hán đã cho chôn cột đồng rồi hăm doạ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị tiêu diệt). Vế đối lại nhắc chuyện mấy lần quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Trung Quốc trên dòng Bạch Đằng, máu giặc chết nhiều đến nỗi đã làm nước sông đỏ ngầu. Vế đối lại của sứ thần Đại Việt đã làm cho Sùng Trinh bẽ mặt trước văn võ bá quan, nên hắn tức tối, cho người lấy đường nhét vào mồm và bôi lên mắt, rồi cho mổ bụng sứ giả để xem  “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc xảy ra ngay tại cung điện thiết triều  nhà Minh vào ngày mùng 2 tháng Sáu năm Kỷ Mão 1639. Tuy tức giận mà giết sứ giả, nhưng Sùng Trinh vẫn nể phục nhân cách khí tiết cứng cỏi của sứ giả, và sợ Đại Việt trả thù, nên sau đó đã cho ướp xác sứ giả bằng thuỷ ngân và cho hộ tống thi hài ông về nước. Vua Lê Thần Tông (trị vì 1619-1643) và chúa Trịnh Tráng (trị vì 1623-1657) đích thân đến bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ). Chỉ bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ các phái đoàn sứ bộ nước ta luôn thể hiện lòng trung quân ái quốc, chuộng nghĩa khí, với quyết tâm hoàn thành trọng trách của quốc gia giao phó. Ở đó đã thể hiện cái tôi trữ tình cùng chân dung tự hoạ của sứ giả - thi nhân.

Với các sứ thần triều Nguyễn như Lê Quang Định chẳng hạn, ông là một vị khai quốc công thần đã từng có câu thơ đầy tinh thần trách nhiệm của một người dân đối với đất nước, một đại thần bầy tôi đối với quân vương: “Phong sương tố thị nhân thần tiết,/ Kính lý ninh giao lưỡng mấn tinh” (Xông pha sương gió vốn là bổn phận của bầy tôi,/ Soi gương chớ ngại hai mái tóc mai điểm bạc. Hoa nguyên thi thảo)[16].

Từ giữa thế kỷ XIX về sau, trong bối cảnh các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á bị các nước phương Tây chiếm đóng thì nỗi niềm của các sứ giả nước ta khi đi sứ sang nhà Thanh ít nhiều có sự khác trước, mà phần lớn là những vần thơ cảm khái, mang nỗi ngậm ngùi với nỗi buồn u uẩn trong cảnh nước mất nhà tan khi đang mang trên hai vai trọng trách được triều đình giao phó. Đây là tâm sự của Bùi Văn Tự (Bùi Dị) khi đi qua kinh đô cũ của nhà Ân trong chuyến đi sứ năm 1876-1878:

Muội thổ thiên niên sự dĩ phi,/ Cố đô hoà khử tự y y.

Tam Nhân miếu tại dư tàn lệ,/ Thất Tác bi tồn ỷ lạc huy.

Trì thiện tửu không xuân thảo trướng,/ Đài hoang hoả lãnh túc yên phi.

Bất kham Mục Dã thành nam vọng,/ Độc thụ hàn nha sổ điểm quy.

(Việc ngàn năm trước ở Muội Thổ nay khác rồi,/ Lúa thử ở cố đô vẫn cứ mượt mà./  Miếu Tam Nhân còn lưu mấy giọt lệ hoen,/ Bia Thất Tác vẫn đứng trơ trong bóng chiều tà./ Áo nông, rượu chẳng còn, cỏ xuân mọc dài,/ Đài hoang, lửa tắt, khói cũ còn bay./ Lòng bồi hồi nhìn đất Mục Dã ở phía nam thành,/ Mấy con quạ lạnh lùng bay về phía cây đứng lẻ loi.)[17]        

Sứ thần Nguyễn Thuật trong chuyến đi sang nhà Thanh năm 1881 để cầu viện binh đánh Pháp, trong bối cảnh Nam kỳ lục tỉnh hoàn toàn bị mất vào tay Pháp, còn ở Trung Quốc thì các nước phương Tây chia nhau chiếm giữ một số khu vực, dù đã biết chuyến đi khó thành nhưng vẫn phải đi. Bài thơ Tức sự đã thể hiện tâm sự sau kín, chân thành mà thấm thía này của ông:

Tráng du nhân tận xỉ khinh phì,/ Dục hiệu thừa sà sự dĩ phi.

Viễn hải kinh khan ngưu mã cập,/ Đồng minh thuỳ niệm phụ xa y.

(Trong cuộc tráng du, mọi người đều thích cừu nhẹ, ngựa béo,/ Riêng ta cũng muốn bắt chước người cưỡi bè xưa, song sự việc nay đã khác rồi./ Nơi biển xa, giật mình thấy loài trâu ngựa mò đến,/ Bạn đồng minh, ai là người nghĩ tới việc dựa vào nhau như môi với răng.)[18].        

Ba là, bộc lộ nỗi niềm nhớ nước, nhớ quê hương, nhớ người thân.

Tâm trạng tư hương cố quốc luôn là tâm trạng thường trực trong tâm can của mỗi sứ giả trong những chuyến sứ trình xa xôi, gian khổ. 

Trên hành trình vạn dặm, Trịnh Hoài Đức với trách nhiệm là chánh sứ phải hoàn thành quân mệnh, quốc lệnh, thì ông cũng là con người bình thường như bao người. Nơi đất khách, ông nhớ vợ con, nhớ anh em, nhớ cảnh vật quê hương Trấn Biên. Bài Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài (Đoàn sứ bộ đến Quảng Đông, cảm nhớ mà viết):

Tinh thiều Việt địa ngột do huyền,/ Trình lộ gian nan tuế tự thiên.

Thê tử biệt lai tam duyệt tải,/ Đệ huynh vọng xứ nhất phương thiên.

Hoa minh Lộc Động hàm thu nguyệt,/ Liễu ám Dương Thành toả mộ yên.

Chẩm bạn hoán tinh hồ hải mộng,/ Thanh thanh hàn nhạn lạc cô thuyền.

(Xe sứ đến đất Quảng Đông, chốt còn treo,/ Chặng đường gian nan trình tự thời gian dời đổi./ Từ biệt vợ con đã trải qua ba năm,/ An hem mong ngóng một phương trời./ Hoa sáng Hố Nai ngậm ánh trăng thu,/ Liễu rợp thành Dương Châu ủ khói chiều./ Dựa gối gọi tỉnh mộng hải hồ,/ Từng tiếng nhạn kêu rét rơi vào chiếc thuyền côi.)[19]

Nhân tiết Hoa triêu (ngày 12 đến Rằm tháng Hai) nơi quê người, thấy hình ảnh người phụ nữ bán tằm ở chợ về, thấy trẻ con đuổi bướm trên con đường nhỏ trồng táo, Trịnh Hoài Đức lại nhớ đến người vợ thuở hàn vi đang tần tảo bệnh đau nơi quê nhà thật cảm động, trong khi bản thân thì đang lần lữa nơi dịch quán. Bài Lữ thứ hoa triêu:

 Dục tàm na phụ quy tang thị,/ Phốc điệp thuỳ nhi tẩu táo thiên.

Tinh sứ gian quan yêm dịch quán,/ Kinh thê bần bệnh cách phương thiên.

(Người đàn bà bán tằm ở chợ dâu về,/ Đứa trẻ nhà ai chạy đuổi bắt bướm trên con đường nhỏ trồng táo./ Sứ giả vất vả lần chần mãi nơi trạm dịch,/ Người vợ từ thuở hàn vi nghèo bệnh cách trở phương trời.) [20]

Còn đây là nỗi buồn nhớ nước trong buổi chiều hôm của sứ giả. Bài Đăng Trường Sa Củng Cực lâu lưu đề (Lên lầu Củng Cực ở Trường Sa lưu đề) của Trịnh Hoài Đức:

Đình bôi nhật mộ quy phàm viễn,/ Thi tứ tiêu tao cố quốc thu.

(Lúc chiều tối dừng chén rượu cánh buồm về xa tít,/ Thi tứ tiêu tao nghĩ đến mùa thu nơi nước cũ.)[21]   

Trong thời gian đi sứ trên đất khách quê người, gặp tiết trung dương (trùng cửu), sứ thần Lê Quang Định đành mượn hoa cúc vàng để khuây khoả nỗi nhớ quê. Cho nên nỗi niềm nhớ nước, nhớ quê hương bao giờ và luôn luôn cũng thường trực trong tim gan của con người xa xứ, cho dù con người ấy đang thi hành quốc mệnh. Bài Lữ trung trùng cửu:

Mạn tương hoàng cúc liêu hương tứ,/ Không bội thù du tịch viễn lao.

Bách cảm hữu thi giai khứ quốc,/ Thốn tâm vô quý thị đăng cao. 

(Tạm mượn hoa cúc vàng để khuây nỗi nhớ quê,/ Luống đeo cành thù du trừ bỏ nỗi gian lao đường xa./ Trăm mối cảm đều là thơ xa nước,/ Tấm lòng không thẹn thế là đã bước lên cao rồi.)[22]

Bốn là, thể hiện lòng nhân ái bao la và niềm đồng cảm của tác giả đối với những số phận bi kịch, những thân phận con người khốn khó trên đất nước bạn.

Nội dung này, người đọc thường bắt gặp nhiều trong những vần thơ vịnh sử trong các tập thơ đi sứ. Chẳng hạn, đây là tấm lòng của thi hào Nguyễn Du khi đến viếng mộ vị thi Thánh Đỗ Phủ ở Lỗi Dương, nằm ở phía đông nam huyện Hàm Dương, tỉnh Hồ Nam (đời Thanh, địa danh này thuộc phủ Hàng Châu). Bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ gồm hai bài bát cú trong Bắc hành tạp lục viết lúc đi sứ năm 1813-1814. Ở bài 1, Nguyễn Du đã tỏ lòng khâm phục và ngợi ca văn chương của Đỗ Phủ lưu truyền muôn đời và vị thi Thánh cũng là bậc thầy muôn đời. Đến viếng mộ vị thi Thánh, nhà thơ Việt Nam đã rơi lệ luống thương và tự hỏi rằng: phải chăng người cùng khổ là bởi thơ hay?: Thiên cổ văn chương thiên cổ sư, Bình sinh bội phục vị thường ly. (Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời,/ Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt.)

Và: Dị đại tương liên không sái lệ, Nhất cùng chí thử khởi công thi?. (Hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống lơi lệ,/ Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?)

Đến bài 2, một lần nữa, Nguyễn Du nói lại ý trên qua cách biểu đạt khác: Cộng tiễn thi danh sư bách thế, Độc bi dị vực ký cô phần. (Ai cũng khen tài thơ đáng bậc thầy muôn thuở,/ Riêng ta buồn thương [ông] nơi đất khách gởi nấm mồ cô đơn).

Tấm lòng tri kỷ tri âm của hai vị đại thi hào sống cách nhau đúng một nghìn năm mươi năm thật đáng quý biết dường bao! Trên cõi đời này, có được mấy tấm lòng như thế? Những bài như Quá Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu hay bài Phản chiều hồn, Biện giả cũng cùng một niềm hoài cảm như thế của thi hào đối với người xưa[23].  

Bài Sở kiến hành bộc lộ lòng nhân ái mênh mông của Nguyễn Du khi chứng kiến hai cảnh đối lập: bên này là cảnh ba mẹ con khốn khó đói khát, sắp chết đến nơi; còn bên kia là cảnh tiệc tùng tại trạm dịch Tây Hà đêm hôm qua mà các quan lại địa phương chiêu đãi phái đoàn sứ bộ Đại Việt với mâm cỗ sang trọng thừa mứa, người dự tiệc chỉ nếm qua, nên đàn chó quanh xóm được một bữa no nê. Cuối cùng nhà thơ kết luận: “Ai vẽ bức tranh này, Dâng lên cho nhà vua rõ”[24].

Cuối thế kỷ XIX, sứ thần Nguyễn Thuật nhân chuyến đi sứ sang nhà Thanh năm 1881, đã viết tập Mỗi hoài ngâm thảo, trong đó có vài bài thể hiện niềm cảm thông những cảnh đời, những số phận cùng khổ của nông dân Trung Quốc, họ đã vất vả một nắng hai sương, giờ phải chịu thêm cảnh phu dịch sửa chữa đường sá cầu cống. Bài Dụ Châu đồ trung thứ Tử Liên vận:

Cổ tức không sơn luỹ,/ Yên sơ tích thổ hương.

Khả liên nông sự khổ,/ Phúc thử lý kiều hương.

(Núi non trùng điệp vắng lặng không tiếng trống,/ Vùng thôn quê khói nhạt đất cằn cỗi./ Thương thay việc nhà nông đã cực nhọc,/ Lại phải để bụng dạ với việc chỉnh sửa cầu đường này.)

Bài Hiếu cảm đồ trung (bài 1), nhà thơ - sứ giả mong ước nông dân có đời sống no đủ, qua hình ảnh cả một cánh đồng lúa tốt tươi xanh mướt, giàn dưa sau cơn mưa, dưới làn gió thổi:

Hảo vị điền gia trang hoạ bức, Qua bằng vũ hậu mạch huề giang.

(Khéo vẽ ra một bức tranh cho nhà nông,/ Giàn dưa sau cơn mưa, gió thổi trên ruộng lúa mạch).

Bài Đại Quảng Đường đăng thiếu ghi lại cảnh sinh hoạt bình yên nơi làng quê ven sông dưới bóng chiều tà với cảnh ông chài huấn luyện chim cốc để bắt cá thật thú vị:

Nông phố tạc tuyền thung thuỷ đối, Ngư tra tác võng phóng lô tư.

Nhân sinh dịch sứ cùng phi động, Thế lộ bình pha cạnh vụ trì.

Tiếu bạc sơn đường thư đệ miện, Tà dương lạc mộc hạ phân phi.

(Đồng ruộng đào mương chạy cối giã gạo bằng sức nước,/ Bè cá thẻ lưới bằng chim cốc để bắt cá./ Người ta sai khiến loài vật để mưu sinh thật vô cùng sống động,/ Đường đời bằng phẳng gập ghềnh tranh nhau rong ruổi./ Tạm dừng thuyền trên kênh giữa rừng thong thả ngắm,/ Ánh nắng chiều chiếu xuyên tua tủa dưới tán cây.)

Năm là, biểu lộ nét tinh tế, cảm hứng dạt dào trước những danh lam thắng cảnh trên đất Trung Hoa với một bút pháp tài hoa, chững chạc.

Đất nước Trung Quốc rộng lớn, có nhiều danh thắng mỹ lệ, nhiều núi non hùng vĩ, những cảnh vật ấy luôn là sức hút tạo ấn tượng và thi hứng cho các sứ giả - thi nhân. Chỉ tính riêng các danh thắng ở Hồ Nam như hồ Động Đình, lầu Nhạc Dương, sông Tiêu Tương (Tiêu Giang và Tương Giang), Tương Đàm, Trường Sa, Hồi Nhạn phong, chùa Nhạc Lộc… thì theo thống kê sơ bộ trong văn học cổ điển nước ta có đến 249 bài thơ viết về các danh thắng nơi vùng đất này của các tác giả: Nguyễn Trung Ngạn (13 bài), Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Đình Sách, Nguyễn Danh Dự, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Mậu Áng, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Đinh Nho Hoàn, Lê Quý Đôn (có Tiêu Tương bách vịnh gồm 100 bài thất ngôn tuyệt cú), Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Thục, Hồ Sĩ  Đống, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị, Nguyễn Du (58 bài), Phan Huy Chú, Trịnh Hoài Đức (26 bài), Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Bùi Quỹ, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Địch Cát, Phan Thanh Giản… Thống kê sơ bộ như trên để thấy sức hút của cảnh vật Trung Hoa đối với các sứ thần Đại Việt.

Như danh thắng Hoàng Hạc lâu chẳng hạn. Đây là một thắng cảnh hữu tình thơ mộng nổi tiếng và đầy huyền thoại nằm bên bờ bắc dòng Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ khi thi hào Thôi Hiệu đến đây cất bút đề thơ thì địa danh này càng nổi tiếng nhiều hơn, cả khu vực đều biết. Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đã tái hiện hết những cảnh vật mỹ lệ nơi đây, đến nỗi mà vị thi Tiên Lý Bạch khi đến thăm không thể cất bút đề thơ được nữa. Ấy vậy mà, các thi nhân Việt Nam khi xưa, nhân đi sứ Trung Quốc có ngang qua và dừng lại tham quan, đã viết khoảng trăm bài thơ ca ngợi Hoàng Hạc lâu.

Nguyễn Du (1765-1820), trong Bắc hành tạp lục có bài Hoàng Hạc lâu nhắc lại chuyện thần tiên cưỡi hạc bay đi, nhắc lại giấc mộng Lư sinh và lời thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu với khói sóng mênh mang, để rồi nhà thơ tự nhủ lòng mình “cỏ cây thì vẫn y như xưa, tình cảm chan chứa chẳng biết ngỏ cùng ai, ngay cả trăng trong gió mát cũng không hiểu được lòng mình”:

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì, Do lưu tiên tích thử giang mi?

Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng, Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.

Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu, Nhãn trung thảo thụ thượng y y.

Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố, Minh nguyệt thanh phong dã bất tri?

(Thần tiên ở đâu và trải qua bao đời rồi,/ Mà còn để dấu vết trên bến sông này?/ Cuộc đời xưa nay đều như giấc mộng chàng Lư,/ Còn lại lời thơ “Hạc bay, lầu trống” của Thôi Hiệu./ Ngoài lan can khói sóng còn mênh mang,/ Trước mắt cỏ cây vẫn y như xưa./ Mối tình cảm chan chứa biết ngỏ cùng ai,/ Trăng trong gió mát cũng không hiểu được)[25].

Còn trong bài Hán Dương vãn diểu thuộc tập Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du miêu tả cảnh chiều muộn ở Hán Dương gần lầu Hoàng Hạc với vài chi tiết mà người đọc đã gặp trong thơ các bậc tiền bối. Trong bài thơ, Nguyễn Du đã nhắc lại vài chi tiết trong thơ của Thôi Hiệu, nhất là nỗi buồn nhớ quê trong buổi chiều tà, nhắc lại bài thơ của Lý Bạch viết về tiếng sáo trên lầu mà ở trên chúng tôi có giới thiệu qua (Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch), còn bây giờ, trước mắt thi nhân chỉ thấy rau tần trắng, lá liễu đỏ đầy bãi Anh Vũ:

Bá vương trần tích thuộc du du, Hán thuỷ thao thao trú dạ lưu.

Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn, Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu.

Thi thành thảo thụ giai thiên cổ, Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu.

Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ, Bạch tần hồng liễu mãn đình châu.

(Ngắm cảnh chiều ở đất Hán Dương. Dấu cũ bá vương đã thuộc về dĩ vãng xa xôi,/ Dòng sông Hán vẫn cuồn cuộn chảy đêm ngày./ Hai bên bờ núi Rùa, núi Hạc đứng đối nhau,/ Thần tiên đi rồi chỉ còn trơ lầu không./ Bài thơ làm xong, cây cỏ cũng được truyền thiên cổ,/ “Chiều tối nhớ hương quan”, ai ai cũng chung mối sầu đó./ Tưởng tượng đêm năm xưa có tiếng sáo thổi,/ Bây giờ chỉ thấy rau tần trắng, lá liễu đỏ, đầy bãi mà thôi)[26].

Trịnh Hoài Đức (1764-1825) viết bài Đề Hoàng Hạc lâu trong Cấn Trai quan quang tập miểu tả cảnh đẹp thơ mộng chung quanh lầu mà trong thơ của Thôi Hiệu đã nêu rõ, đến nỗi mà thi tiên Lý Bạch khi đến đây đã quăng bút chịu thua:

         Vũ Xương ký chí phản công xa, Hoàng hạc giang lâu túng mục sơ.

Miện thuỷ yên hoa khai bộ trướng, Ngạc châu vân vật trảo đình trừ.

Bồ trương phố viễn phàm quy khách, Mai lạc hồ bình địch xuý ngư,

Cuồng tử dục canh Thôi Hiệu cú, Thanh Hiên tiên dĩ hạ hàng thư.

(Đã dâng lễ vật xong đánh xe công trở về đến Vũ Xương,/ Lầu Hoàng Hạc bên sông được nhìn thấy lần đầu./ Cảnh sắc hoa khói đẹp đẽ nơi sông Miện Thuỷ, như bức rèm trướng mở ra,/ Cây cối xanh tươi bên bãi Ngạc Châu, như thềm sân được quét dọn./ Cỏ lau vươn lên, có thuyền khách trở về ngoài bến xa,/ Hoa mai rụng, người chài lưới thổi sáo làm mặt nước hồ phẳng lặng./ Chợt nảy ý ngông muốn nối tiếp vần thơ của Thôi Hiệu,/ Mà Lý Thanh Liên trước đây đã quăng bút chịu thua)[27].

Còn trong bài Anh Vũ châu (Cấn Trai quan quang tập), Trịnh Hoài Đức cảm nhận cảnh sắc tiêu điều hiu hắt lẫn vào dòng nước trong, ông còn nhắc đến vài nhân vật lịch sử như Tào Tháo, Nễ Hành với những bi kịch thất bại. Cuối cùng là nỗi buồn sầu xa xăm của lữ khách khi ngắm cảnh, buồn từ chủ thể sang khách thể, cỏ cây hoa lá cũng nhuốm một nỗi buồn:

Hoàng Hạc lâu nam Anh Vũ châu, Tiêu sâm yên cảnh nhập thanh lưu.

Thuý khâm (câm) kỳ đĩnh tây lai nhật, Hồng đậu hương dư vãn trác thu.

Nguỵ Vũ tâm lao thân tự nhục, Chính Bình tài dật thế nan đầu.

Đình kiêu tế dữ cư nhân đạo, Mạc cổ Ngư Dương thảo thụ sầu.

(Bãi Anh Vũ nằm ở phía nam lầu Hoàng Hạc,/ Cảnh sắc tiêu điều hiu hắt lẫn vào dòng nước trong./ Cổ áo màu xanh thật lạ lùng như ngày từ phương tây đến,/ Hạt đậu đỏ thơm tho cứ mổ trong chiều thu./ Tào Nguỵ Vũ (Tháo) nhọc lòng bày kế hại mà thân mình tự chuốc nhục,/ Nễ Chính Bình (Nễ Hành) tài cao nên khó hợp với người đời./ Dừng mái chèo, nói nhỏ với người dân sống nơi đây,/ Đừng gõ trống Ngư Dương khiến cây cỏ thêm sầu)[28].

Lê Quang Định có bài Đăng Hoàng Hạc lâu đề trong tập Hoa Nguyên thi thảo ghi lại vài cảnh sắc nơi đây, nhắc lại chuyện ông Lữ Động Tiên đắc đạo, chuyện bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi khép lại bằng nỗi nhớ đau đáu về trời Nam quê nhà thân yêu:

Hoàng hạc lâu đầu tượng ngoại khoan,/ Hán Dương thành quách nhiễu tình lan.  

Lữ Tiên tuý hậu trùng lai diểu (yểu),/ Thôi Hạo thi thành tái hoạ nan.

Trần mộng vị tinh (tỉnh) thanh thảo bạn,/ Hương tâm mỗi ký bạch vân đoan.

Hàn phi tích cổ Viêm tưu viễn,/ Nhân cảnh tao phùng hữu thử quan.

(Ngoài lầu Hoàng Hạc cảnh trời mênh mông,/ Thành quách Hán Dương sóng xanh bao phủ./ Tiên Lữ Động Tân sau khi say chẳng quay trở lại nữa,/ Thôi Hạo đề thơ rồi khó ai hoạ lại được./ Giấc mộng trần chưa tỉnh, bên bờ cỏ xanh xanh,/ Lòng quê hương thường gởi theo làn mây trắng./ Cánh chim đã bay cao, dấu xưa vẫn còn, ta từ miền Nam hẻo lánh đến,/ Người và cảnh gặp nhau mới có cuộc lên chơi lầu này)[29].

Phan Thanh Giản khi đến thăm lầu có viết bài Đăng Hoàng Hạc lâu trong phần Kim Đài thảo của tập Lương Khê thi thảo với những ghi chú cụ thể và chính xác giúp người đọc dễ hình dung vị trí cùng cảm nhận qua tưởng tượng vẻ đẹp mỹ lệ của lầu Hoàng Hạc, trước khi phóng bút qua tám câu thơ tả cảnh ngụ tình:

Đăng Hoàng Hạc lâu

[Tại Hồ Bắc tỉnh thành tây nam. Giác lâu tam tầng, thượng phụng Phí Tiên, trung phụng Lữ Tiên cập Lư Sinh thuỵ tượng.]

Tích thời hạc dĩ hà niên khứ, Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.

Anh Vũ châu tiền phương thảo lục, Tình Xuyên các thượng bạch vân thâm.

Bán liêm lạc nhật phù Giang, Hán, Nhất phiến hàn lưu tống cổ kim.

Mãn mục yên ba chuyển trù trướng, Du du trần mộng thập thu tâm.

(Lên lầu Hoàng Hạc. [Lầu ở tây nam thành tỉnh lỵ Hồ Bắc. Lầu cao ba tầng, tầng trên thờ Phí Tiên, tầng giữa thờ Lữ Tiên và tượng Lư Sinh nằm ngủ.] Hạc ngày xưa đã bay đi từ năm nào,/ Con người cách nghìn dặm từ cực Nam đến thăm./ Trước mặt cồn bãi Anh Vũ cỏ thơm xanh đậm,/ Trên gác Tình Xuyên mây trắng từng lớp dày./ Ánh nắng soi vào nửa bức rèm làm sông Giang, sông Hán nổi lên,/ Một mảng sông lạnh lẽo chứng kiến mọi việc xưa nay./ Trước mắt khói sóng luân chuyển nỗi buồn (con người),/ Réo rắt hoài giấc mộng nơi quê nhà đã mười thu rồi.) [30]

Đến thăm lầu Hoàng Hạc, nếu Thôi Hiệu đã cảm nhận khung cảnh hữu tình thơ mộng qua các chi tiết “người xưa cưỡi hạc bay đi, người sau xây lầu để tưởng niệm, mây trắng ngàn năm vẫn bay, dòng Hán Dương lặng lờ soi bóng hàng cây, bãi Anh Vũ bời bời xanh mướt, nỗi nhớ quê trong buổi chiều tà khi nhìn khói sóng trên sông”, thì các sứ thần - thi nhân Việt Nam bên cạnh đã nhắc lại một vài chi tiết trong bài thơ của Thôi Hiệu, thì còn có những phát hiện những vẻ đẹp thơ mộng hữu tình của thiên nhiên nơi đây, với cách cảm thụ riêng, cách nhận thức và biểu đạt riêng như trên có điểm qua. Điều này đã chứng tỏ các nhà thơ Việt Nam thời trung đại đã có một bản lĩnh và một bút pháp thể hiện độc đáo, với tinh thần “bất tốn Hoa hạ”, chứ không ‘thúc thủ’ như vị thi Tiên Lý Bạch ở Trung Quốc đời Đường ngày xưa.

Có một điều đặc biệt thú vị và rất đáng lưu ý là, trong các thi tập sứ trình hầu hết được viết bằng chữ Hán thì trong văn học nước nhà lại có đến mấy tác phẩm bằng chữ Nôm. Các triều đại trước có: Đỗ Cận với Kim Lăng ký; Hoàng Sĩ Khải với Bắc sứ quốc ngữ thi tập Sứ trình khúc, rất tiếc là đã thất truyền; Nguyễn Tông Quai với Sứ trình tân truyện, có thể xem đây là một truyện ký bằng thơ Nôm đầu tiên về đề tài đi sứ. Riêng triều Nguyễn có Lý Văn Phức và Phan Huy Chú viết Sứ trình tiện lãm khúc.

Chuyện đi sứ là việc trọng trách, mang tính quốc gia đại sự, chính thống của triều đình, vậy mà các tác giả đã vượt khỏi những quy phạm ràng buộc chính thống ấy, để ghi lại cảm xúc, tả lại những gì mắt thấy tai nghe bằng tiếng Việt chữ Nôm, chứng tỏ các vị đã tự hào và yêu quý tiếng nói của dân tộc đến dường nào!

Lời kết

Trên đây là diện mạo và giá trị của thơ sứ trình triều Nguyễn trong văn học Việt Nam. Về diện mạo, trong tình hình tư liệu hiện nay, dù chúng tôi đã cố gắng tìm tòi tư liệu để trình bày một danh mục tương đối đầy đủ, nhưng có thể những gì đã liệt kê vẫn còn thiếu, rất mong các bậc thức giả bổ khuyết thêm.

Về giá trị của thơ bang giao, nhìn chung, các nhà ngoại giao, nhất là các vị sứ giả - thi nhân thường gởi gắm nỗi niềm tâm tư tình cảm của mình trên hành trình đi sứ xa xôi, đầy khó khăn gian khổ, với quyết tâm hoàn thành trọng trách lớn lao đối với đất nước và nhân dân mà triều đình đã giao phó. Bên cạnh những bài thơ mang tính xã giao, thù tạc khi xướng họa, ứng đối, tặng tiễn thì số còn lại đa phần là thơ tả cảnh, vịnh cảnh, vừa thể hiện nét tài hoa tinh tế, bộc lộ cảm hứng dạt dào yêu mến trước thiên nhiên tạo vật, vừa bộc lộ tâm sự nhớ quê hương, lại vừa phản ánh trách nhiệm đối với đất nước, thể hiện lòng tự hào về dân tộc, tự hào về văn hóa văn hiến Việt Nam, với tinh thần không chịu thua nhường Trung Quốc (bất tốn Hoa hạ).

Với ý nghĩa này, hy vọng trong một ngày gần đây, nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ mở rộng đề tài để nghiên cứu sâu và rộng, có tính quy mô hơn khi so sánh dòng thơ đi sứ thế kỷ XIX trong văn học khu vực đồng văn Đông Á.

NCL

Tài liệu tham khảo

  1. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1979): Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, tập 2. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội.
  2. Lê Quang Trường: Gia Định Tam gia trong văn học Hán Nôm Nam bộ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, bảo vệ tại Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, 2012. Phụ lục: bản thảo Gia Định tam gia thi. Lê Quang Trường dịch.
  3. Lê Thước và Trương Chính phiên dịch, chú thích (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. in lần thứ 2.
  4. Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015). Nguyễn Du toàn tập. Tập 2. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học. TP.HCM.
  5. Nguyễn Công Lý (2018). Văn học Việt Nam thời Lê – Mạc, Nam Bắc phân tranh – Những vấn đề về khuyng hướng, thể loại, tác gia tiêu biểu. Nxb ĐHQG TP.HCM.
  6. Nguyễn Công Lý (2018). Sáng tác song ngữ Pháp – Hán, một hiện tượng độc đáo trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Số 8-2018.
  7. 阮公理 (2019). 越南古典文學中的邦交詩:面貌與價值. Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam. Quảng Tây học viện Khoa học Xã hội. 2-2019. www.ssap.com.cn
  8. Nguyễn Ngọc Nhuận (1996). Nghiên cứu và đánh giá văn bản thơ văn bang giao của Phan Huy Ích. Luận án Phó Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm. Bảo vệ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
  9. Nguyễn Thế Long (2005). Bang giao Đại Việt. Tập 5. Triều Nguyễn. Nxb Văn hoá – Thông tin. Hà Nội.
  10. Nhiều tác giả (2000). Tổng tập Văn học Việt Nam. Tập 13, 14, 15, 16, 17. Nxb Khoa học xã hội. Tái bản. Hà Nội.
  11. Phạm Thiều - Đào Phương Bình (biên soạn, giới thiệu) (1993). Thơ đi sứ. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
  12. Phan Huy Chú (bản dịch, 1961). Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 1, mục Nhân vật chí. Nxb Sử học. Hà Nội.
  13. Phan Huy Chú (bản dịch, 1961). Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 4, mục Văn tịch chí, Bang giao chí. Nxb Sử học. Hà Nội.
    1. Phan Thị Minh Lễ - Chương Thâu biên soạn (2005). Thơ văn Phan Thanh Giản. Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội.
  14. Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch, 1960). Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Viện Sử học dịch. Nxb Sử học. Hà Nội. Nxb Giáo dục. Tái bản 1998.
  15. Trần Ích Nguyên (2017). Những phát hiện mới về thơ khắc dựng bia tại Trung Quốc của các sứ thần Việt Nam in trong tập Kỷ yếu HTKHQT, ngày 16, 17/11/2017 “Việt Nam giao lưu văn hoá tư tưởng Phương Đông”, Nguyễn Công Lý - Đoàn Lê Giang - Lê Quang Trường chủ biên, Nxb ĐHQG TP.HCM, 2017.
  16. Trịnh Hoài Đức – Ngô Nhơn Tĩnh – Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
  17. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) - Trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) (2010). 越南漢文燕行文獻集成 (越南所藏編). Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (Việt Nam sở tàng biên). 25 quyển. Phúc Đán đại học xuất bản xã.
    1. Viện Văn học (1979). Thơ văn Lý - Trần. Tập 3. Nxb KHXH. Hà Nội. Tr 121-122.
  18. Viện Văn học (1981). Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
  19. Viện Văn học (1988). Thơ văn Lý - Trần. Tập 2, Quyển thượng. Nxb KHXH. Hà Nội.

Ghi chú: Nghiên cứu này thuộc đề tài trọng điểm ĐHQG TP.HCM mã số B2020-18b-02 do PGS.TS. Lê Quang Trường làm Chủ nhiệm.

 


[1] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1979): Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, tập 2. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội. Từ năm 2000 về sau Nxb GD, in thành một tập và tái bản nhiều lần.

[2] Phạm Thiều - Đào Phương Bình (biên soạn, giới thiệu) (1993): Thơ đi sứ. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

[3] Nguyễn Công Lý (2018): Văn học Việt Nam thời Lê – Mạc, Nam Bắc phân tranh – Những vấn đề về khuyng hướng, thể loại, tác gia tiêu biểu. Nxb ĐHQG TP.HCM.

[4] Phan Huy Chú (bản dich 1961): Lịch triều hiến chương loại chí. Viện Sử học, Nxb Sử học, Hà Nội,

[5] Nguyễn Thế Long (2005): Bang giao Đại Việt. Tập 5. Triều Nguyễn. Nxb Văn hoá – Thông tin. Hà Nội.

[6] Nguyễn Ngọc Nhuận (1996): Nghiên cứu và đánh giá văn bản thơ văn bang giao của Phan Huy Ích. Luận án Phó Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm. Bảo vệ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[7] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) sưu tập và giới thiệu (2010). 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編) Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (Việt Nam sở tàng biên) 25 tập. Phúc Đán đại học xuất bản xã.

[8] Xin xem: Nguyễn Công Lý (2018): Sáng tác song ngữ Pháp – Hán, một hiện tượng độc đáo trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Văn học. Số 8-2018.

[9] Theo thông tin của GS.TS. Trần Ích Nguyên trong buổi toạ đàm khoa học tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM sáng ngày 02/8/2017. Xin đọc thêm bài của Trần Ích Nguyên (2017): Những phát hiện mới về thơ khắc dựng bia tại Trung Quốc của các sứ thần Việt Nam in trong tập Kỷ yếu HTKHQT, ngày 16, 17/11/2017 “Việt Nam giao lưu văn hoá tư tưởng Phương Đông”, Nguyễn Công Lý - Đoàn Lê Giang - Lê Quang Trường chủ biên, , Nxb ĐHQG TP.HCM, 2017.

[10] Viện Văn học (1988). Thơ văn Lý - Trần. Tập 2 Quyển thượng. Nxb KHXH. Hà Nội. Tr 458.

[11] Viện Văn học (1979). Thơ văn Lý - Trần. Tập 3. Nxb KHXH. Hà Nội. Tr 121-122.

[12] Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015). Nguyễn Du toàn tập. Tập 2. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học. TP.HCM. Tr.374-375.

[13] Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015). Nguyễn Du toàn tập. Tập 2. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học. TP.HCM. Tr.415-416.

[14] Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015). Nguyễn Du toàn tập. Tập 2. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học. TP.HCM. Tr.487-488.

[15] Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015). Nguyễn Du toàn tập. Tập 2. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nxb Văn học. TP.HCM. Tr.483-485.

[16] Trịnh Hoài Đức – Ngô Nhơn Tĩnh – Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

[17] Phạm Thiều - Đào Phương Bình (biên soạn, giới thiệu) (1993). Thơ đi sứ. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

[18] Phạm Thiều - Đào Phương Bình (biên soạn, giới thiệu) (1993). Thơ đi sứ. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. Tr 506-507.

[19] Trịnh Hoài Đức – Ngô Nhơn Tĩnh – Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Tr 226-227.

[20] Trịnh Hoài Đức - Ngô Nhơn Tĩnh - Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Tr 248-249.

[21] Trịnh Hoài Đức - Ngô Nhơn Tĩnh - Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Tr  267.

[22] Trịnh Hoài Đức - Ngô Nhơn Tĩnh - Lê Quang Định. Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dich, chú giải (2003). Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Tr 645.

[23] Xin xem: Lê Thước – Trương Chính phiên dịch, chú thích (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học, Hà Nội, in lần thứ 2.

[24] Xin xem: Lê Thước – Trương Chính phiên dịch, chú thích (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học, Hà Nội, in lần thứ 2.

[25] Lê Thước – Trương Chính phiên dịch, chú thích (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học, Hà Nội, in lần thứ 2. Tr. 327-329. 

[26] Lê Thước và Trương Chính phiên dịch, chú thích (1978). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. in lần thứ 2. Tr. 329-331. 

[27] Lê Quang Trường: Gia Định Tam gia trong văn học Hán Nôm Nam bộ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, bảo vệ tại Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, 2012. Phụ lục: bản thảo Gia Định tam gia thi. Lê Quang Trường dịch.

[28] Lê Quang Trường: Gia Định Tam gia trong văn học Hán Nôm Nam bộ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, bảo vệ tại Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, 2012. Phụ lục: bản thảo Gia Định tam gia thi. Lê Quang Trường dịch.

[29] Lê Quang Trường: Gia Định Tam gia trong văn học Hán Nôm Nam bộ, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, bảo vệ tại Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, 2012. Phụ lục: bản thảo Gia Định tam gia thi. Lê Quang Trường dịch,

[30] Phan Thị Minh Lễ - Chương Thâu biên soạn (2005). Thơ văn Phan Thanh Giản. Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội. Tr. 455-456.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7 (593)-2021, trang 3-18.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60537999
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19492
10018
60537999

Thành viên trực tuyến

Đang có 610 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website