1. Tác nhân nước và motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam
Tác nhân nước là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên motif tái sinh – một motif xuất hiện hết sức phổ biến với nhiều biểu hiện đa dạng trong kho tàng truyện kể dân gian trên thế giới. Ở Việt Nam, motif tái sinh không chỉ có mặt trong truyện kể dân gian mà còn phổ biến trong các học thuyết tôn giáo, trong nghi lễ, trong tín ngưỡng và phong tục dân gian của các dân tộc. Do đó khi nghiên cứu motif tái sinh với chức năng là một nhân tố cấu thành cốt truyện cổ tích của các dân tộc Việt Nam, chúng tôi liên hệ với hoàn cảnh lịch sử của dân tộc về các mặt quan niệm tâm linh, phong tục tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian hay các nghi lễ thực hành ma thuật nguyên thủy… để tìm ra cội nguồn lịch sử của motif này. Qua đó chúng tôi nhận ra sự tương đồng của motif tái sinh trong các cốt truyện khác nhau có nguồn gốc tự sinh trong lịch sử phát triển của dân tộc và là một motif dân tộc học được chuyển tải vào truyện kể dân gian.
Motif tái sinh trong truyện kể dân gian Việt Nam là những tình tiết chỉ hiện tượng sống lại của nhân vật sau khi đã chết đi vì một lý do nào đó. Những dạng thức tái sinh – cách thức sống lại của nhân vật được thể hiện rất đa dạng như sống lại do đầu thai, do hoá thân nhiều lần qua nhiều hình dạng khác nhau, do sự tác động của thần tiên, ma quỷ, của người, của nước thần, nước phép, của cây cỏ hay thú vật có phép thuật… Ở mỗi dạng thức này, chúng tôi còn có thể phân loại tiếp trong nội bộ của chúng bằng cách dựa vào sự khác nhau trong hiện tượng sống lại của các nhân vật. Ở đây chúng tôi tiến hành xem xét một dạng thức của motif tái sinh là Nhân vật sống lại do sự tác động của nước kết hợp với các động tác ma thuật và bùa chú theo phương pháp tiếp cận nguồn gốc lịch sử để giải thích cho sự ra đời và xuất hiện phổ biến của motif này trong nhiều truyện kể khác nhau. Đồng thời cũng để tìm hiểu xem motif này đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thế giới quan, nhân sinh quan của nhân dân, đặc biệt là trong đời sống của cư dân nông nghiệp, để từ đó có thể phát hiện được mối quan hệ giữa motif truyện kể dân gian với các quan niệm và những thực hành ma thuật của tín ngưỡng dân gian.
Vì quan niệm cho rằng truyện kể dân gian là nơi lưu giữ lại dấu tích của rất nhiều nghi lễ và phong tục cho nên để tìm được nguồn gốc của một motif truyện kể dân gian nào đó ta cần phải đặc biệt lưu tâm đến mối liên hệ giữa truyện kể dân gian với các nghi lễ và phong tục. Đồng thời không chỉ so sánh motif truyện kể trực tiếp với các hình thức tín ngưỡng hay các kiểu tư duy nguyên thủy mà ta còn phải tính đến cả đặc điểm của một số quan niệm có thể là cơ sở cho sự xuất hiện của các motif truyện kể dân gian.
Trong khi nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của tác nhân nước trong motif tái sinh, chúng tôi tìm kiếm nguồn gốc của hình tượng này trong tư duy và quan niệm tâm linh của con người về tầm quan trọng và chức năng của nước trong sự hình thành và duy trì đời sống của nhân loại. Bên cạnh đó chúng tôi còn xem xét những hình thức thực hành ma thuật có liên quan đến tín ngưỡng, phong tục thờ thần nước, thần mưa có truyền thống từ lâu đời và vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở nước ta. Từ mỗi quan niệm hay mỗi nghi thức thực hành ma thuật có liên quan đến nhân tố nước đều được chúng tôi nêu dẫn chứng cụ thể từ các biểu hiện đa dạng của dạng thức nhân vật sống lại do sự tác động của nước trong motif tái sinh từ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
2. Nước – ngọn nguồn của sự sống và sức mạnh của thần linh
Trong văn học dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới đều có tồn tại một câu chuyện về việc Thượng đế đã sáng tạo ra con người và các loài như thế nào. Vật liệu sáng tạo có thể là đất sét, hoặc một thứ bột hay một hợp chất nào đó được nhào nặn với nước dùng để tạo nên những mô phỏng hình dáng của muôn vật. Quá trình sáng tạo của thượng đế cũng rất kỳ công, không phải cứ làm một lần là được mà nhiều khi phải làm đi làm lại, nắn tới nắn lui, thêm chất này bớt chất kia, đồng thời khi đã được tạo thành hình người, hợp chất kia còn phải được đun nấu, ngâm ủ… qua nhiều công đoạn phức tạp mới có được sản phẩm con người và muôn thú hoàn hảo như ngày nay. Và có lẽ, do quan niệm con người đầu tiên đã được tạo ra như thế nên trong truyện cổ tích, ta thấy có dạng tái sinh bằng phương thức nấu lại, làm lại, nắn lại thân thể con người với sự trợ giúp của các tác nhân trong đó bao gồm tác nhân nước và các hành vi ma thuật cùng các lời phù chú.
Tác nhân nước với quyền năng làm tái sinh người chết xuất hiện trong các truyện kể mà chúng tôi sưu tầm được khá phong phú với nhiều hình thức đa dạng như nước thần, nước thuốc, nước suối, nước được đun sôi… hay các loại nước đã được phù phép. Các loại nước này tác động khiến cho người chết tái sinh theo hai phương thức cơ bản. Phương thức thứ nhất là trực tiếp tác động bằng cách đổ hay xoa nước thần vào miệng, vào tai hay vào thân thể người chết. Trong truyện Kén rể tài, nhân vật cô gái bị rơi xuống hồ chết, chàng trai lấy nước thuốc thần xoa vào miệng cô gái, cô gái sống lại. Hay như trong truyện Chàng Trâu, có hai chị em mồ côi vì ăn lúa nếp nên bị đau bụng chết. Mẹ của chàng Trâu đưa cho chàng lọ nước thần đổ vào tai hai chị em, hai chị em sống lại. Trong truyện Ống thuốc thần của dân tộc Bana có chi tiết, bà tiên xoa ống thuốc thần vào thi thể của nhân vật đã chết thì nhân vật sống lại. Truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơ trả oán của người Việt kể rằng, hoàng tử con vua bị rắn cắn chết, trên đường đưa đi mai táng, chàng được một đạo sĩ dùng thuốc thần xoa khắp người. Hoàng tử từ từ sống lại khỏe mạnh như xưa.
Phương thức thứ hai là nước được dùng để luyện phép kết hợp với bùa chú và các hành động ma thuật khác nhau như trong truyện Hai chị em, Ơ -Trang Tê chết, chị là Ơ -Trang Pa bỏ tim em vào chum ủ cùng chín gánh lá phép và chín gánh nước suối đầu nguồn. Ba ngày ba đêm sau mới mở chum, em sống lại. Cô Ba bị hai chị giết chết, trải qua nhiều lần hoá thân, lần cuối hoá thành chiếc nhẫn. Chồng cô Ba đổ nước vào một thùng lớn, ngâm nhẫn ba ngày ba đêm, cô Ba sống lại. (Rắn thần). Trong Sự tích mặt trăng, mặt trời có nhân vật là em trai của Ápa bị tinh tinh ăn thịt chỉ còn lại quả tim. Ápa lấy tim em ngâm vào một chum đầy nước và bịt chặt lại. Sau ba ngày, Ápa mở chum nước ra thì đã thấy em sống lại. Trong truyện Tơ Rá Trang Lan có nhân vật Nơ Ga bị rắn ăn thịt, khi mổ bụng rắn ra thì xác của cô đã thối rữa và có nhiều sâu bọ. Trang Lan mang thi thể nàng ra dội nước và để giữa trời mưa cho trôi hết sâu bọ. Sau đó chàng chặt Nơ Ga ra từng khúc, bỏ vào nồi bung cho thật chín rồi để qua một ngày một đêm. Xương Nơ Ga liền lại, nàng sống lại xinh đẹp hơn xưa. Hay truyện Gialahin bị cọp ăn thịt chỉ còn một cái đầu, Cọp ngâm đầu chàng vào một chum nước, 10 ngày sau mở chum ra, đầu đã biến thành một em bé kháu khỉnh, em bé lớn dần lên thành chàng Gialahin như xưa (Chàng Gialahin). Trường hợp đặc biệt có tác nhân nước chính là máu và nước mắt của người sống, Truyện Chàng Arin kể lại rằng, khi chàng bị kẻ thù giết chết, mẹ chàng đã dùng máu và nước mắt của mình trộn với xương thịt của con để giúp con hồi sinh (Chàng Arin).
Ở phương thức thứ nhất, dưới sự tác động của các loại nước như nước thần, nước phép, nước tiên, nước thuốc… thì quá trình tái sinh của người chết diễn ra khá nhanh. Có lẽ, trong quan niệm của dân gian, bản thân những thứ nước phép này đã mang trong nó khả năng làm hồi sinh vạn vật, chỉ cần biết sử dụng đúng lúc, đúng cách thì những thứ nước đó sẽ được phát huy hết tác dụng. Ở phương thức thứ hai, quá trình tái sinh của người chết diễn ra lâu hơn, có khi đến ba ngày ba đêm, lý do là vì nước dùng để tái sinh người chết cần phải được trải qua một quá trình luyện phép nữa. Có lẽ vì thế mà trong các câu chuyện có tác nhân nước ở loại này, nước thường xuất hiện với tên gọi là một loại nước bình thường nào đó như nước được đun sôi, nước suối chứ không phải là nước thần, nước phép như ở phương thức tác động thứ nhất. Quá trình luyện phép này có thể được thực hiện bằng cách cho thân thể người chết vào nồi nước và nấu sôi lên hoặc cho loại nước bình thường đó vào trong một cái chum lớn, sau đó ngâm bộ phận cơ thể của người chết vào chum và ủ trong nhiều ngày đêm, cho đến khi loại nước bình thường ấy trở thành nước phép và phát huy tác dụng thì người chết sẽ được tái sinh.
Bên cạnh khả năng có thể tác động trực tiếp đến sự tái sinh của con người, đôi khi nước còn phải kết hợp với đá mới có đủ quyền năng làm cho người chết sống lại. Truyện Cadút – Cadui của dân tộc Châu Ru kể rằng, hai anh em Cadút và Cadui đã lấy một hòn đá xanh trên nóc của một hang động, mài ra thành bột và hoà với nước, hỗn hợp đá - nước ấy đổ vào miệng người chết thì người chết sống lại. Trong bài viết “Tục thờ nước của người Việt ven sông Hồng”[1], Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng lễ hội cầu nước và trị thủy của người Việt ở vùng này là có liên quan đến tục thờ đá, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người đến các lực lượng siêu nhiên khác và đương nhiên có một mong muốn rất mãnh liệt mà con người gởi gắm trong đá: đá có thể mang sức mạnh điều chỉnh nguồn nước theo khẩn nguyện của con người. Nghĩa là sự kết hợp giữa nước và đá có thể mang lại cho con người một nguồn nước dồi dào nhưng ổn định để duy trì sản xuất và tồn sinh.
Đối với Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì nước có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong truyền thống văn hoá dân tộc vì đây là các quốc gia nông nghiệp, khai sinh từ nền văn minh lúa nước, trưởng thành bên các con sông lớn. Những hình vẽ về các ngọn sóng, các dòng nước, các con sông suối ao hồ trong những nét hoa văn còn lại trong các cung điện đền đài, công cụ thờ cúng bằng đồng… đã thể hiện được ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng của nước. Theo thuyết ngũ hành nước là một trong năm nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ, là ngọn nguồn cuộc sống và tái sinh vạn vật. Nước là hành, biểu trưng cho sự thông thái, linh hoạt của tâm hồn. Thuật phong thuỷ gắn nước với tiền tài và sự thịnh vượng. Các lễ thức nông nghiệp của các nền văn minh lúa nước ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á thường kèm theo các nghi lễ cầu mưa, cầu nước hay các lễ hội té nước, đi lấy nước thờ… Nhân dân cúng tế thần nước, cầu mong thần ban phát nước về cho đồng ruộng, cây cối được tốt tươi, nẩy nở xum xê, vật nuôi thì sinh trưởng dồi dào. Trong văn học dân gian nước ta vẫn còn lưu truyền những bài ca khẩn nguyện thần nước, thần mưa như “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm,”… Cư dân nông nghiệp thường diễn xướng các bài ca khẩn nguyện này trong các lễ cúng để mời gọi thần linh đến chứng kiến tấm lòng của họ, mời thần linh về hưởng thụ lễ vật và ban cho loài người một năm mưa thuận gió hoà không hạn hán, không bão lũ.
Tâm lý sùng bái nước, gán cho nước những chức năng quan trọng có liên quan đến sự tồn sinh của con người, có lẽ là do xuất phát từ những kinh nghiệm có được của người Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển. Từ xưa nước đã là một vật báu thiêng liêng nhưng cũng gắn liền với nỗi khiếp sợ truyền kiếp của con người. Trong đời sống gắn bó mật thiết với nước, bằng tư duy và những trải nghiệm nguyên thủy của mình, người Việt Nam đã quan sát và thấy được loài người cũng như các loài sinh vật khác sẽ không thể tồn tại nếu như thiếu nước (cá sẽ chết nếu không ở trong nước, cây sẽ khô héo nếu thiếu nước…), cho nên họ đã rút ra được kết luận rằng nước là điều kiện tồn tại của mọi sinh mệnh, sinh mệnh phải sống nhờ vào nước, thậm chí chính do nước mà có. Nước có thể tạo ra, duy trì và cũng có thể hủy diệt sự sống của loài người.
3. Những thực hành ma thuật liên quan đến tín ngưỡng thờ nước
Chính vì sống nhờ nước, dựa vào nước mà tồn tại và một phần cũng do sự chế ước của trình độ sản xuất nên cư dân nông nghiệp các nước Đông Nam Á đã nẩy sinh một tâm lý sợ hãi trước sức mạnh của nước (lũ lụt, sóng thần..) và vì thế đã hình thành một thứ văn hoá sùng bái nước. Sự sùng bái này đã tạo nên một hội lễ rất quan trọng trong các quốc gia Đông Nam Á, có thể gọi là Hội nước, hay Lễ hội té nước. Xuất phát từ yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước mà hiện nay tại một số quốc gia Đông Nam Á vẫn thường xuyên tổ chức lễ hội té nước mừng năm mới vào một thời điểm cố định trong năm như Campuchia, Lào, Miama, Thái Lan.. . Ở Việt Nam, hội nước có thể được thấy ở rất nhiều dân tộc thiểu số hay cộng đồng người Kinh ở một số địa phương như hội đua thuyền trong lễ hội Chùa Keo ở Thái Bình, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Mèo vạc, Hà Giang; lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái Sơn La, lễ hội cầu mưa của người Chăm H,roi ở Bình Định, Người Khơme ở nước ta thì có tục đua ghe Ngor, bao hàm ý nghĩa tống tiễn và cảm tạ thần nước, thần của mùa mưa…
Đinh Gia Khánh trong công trình nghiên cứu Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á có ghi lại chi tiết các lễ hội nước: “Ở phía Bắc trong các lễ hội chùa Ngọc Cục, hội đền Lệ Mật, hội đền Gióng… đều có tục đến một cái giếng hoặc một bến sông để lấy nước. Nước múc lên được lọc qua một tấm lụa, thường là màu đỏ và chứa vào một cái bình… Về thực chất, tục rước nước thờ có liên quan đến việc cầu mong có được đủ nước cho việc cấy trồng.. Những nghi thức liên quan đến nước lại gắn bó với tín ngưỡng về thần nước. Người ta cúng tế thần nước, cầu mong thần ban phát nước để cho đồng lúa được tốt tươi”[2].
Tục thờ nước của người Việt đa số nẩy sinh từ những vùng Châu thổ thấp, nơi con người tồn tại và sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, các lễ hội có liên quan đến tục thờ nước của họ thường mang ý nghĩa cầu nước, cầu mưa đồng thời cũng thể hiện khát vọng trị thủy. Nghĩa là bên cạnh tâm lý sùng bái, nương tựa, con người còn có mong muốn chế ngự, điều khiển các nguồn nước để phục vụ cho nhu cầu đời sống của mình mà không phải chịu những thiên tai như mưa bão, lũ lụt do nước gây ra. Ở đồng bằng sông Hồng nước ta, cứ 5 năm một lần, người dân làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lại tổ chức lễ rước nước long trọng từ giữa sông Hồng về đình tế lễ. Nước được lấy từ giữa ngã ba sông, được lưu tại đình trong vòng 5 năm. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch (lễ đản thần) và ngày 8/8 âm lịch (lễ kị thần), người dân lại tới đình lấy nước này dâng lên thành hoàng làng, cầu mong quốc thái dân an.
Trong lễ hội chùa Keo ở Thái Bình không chỉ có hội đua thuyền trên sông mà còn có hội bơi trải cạn, hội bơi trải này thể hiện mong muốn của người dân vùng biển đang cố lòng tác động đến thế giới thần linh, khuấy động Long cung, đánh thức thủy thần thức dậy để nghe lời cầu khẩn của họ, từ đó điều hoà lượng nước hàng năm để cư dân cày cấy thuận lợi, mưa thuận gió hoà, sinh sôi nẩy nở. Nguồn nước như là một phúc thần mang lại phúc lộc cho cư dân trong vùng quanh năm suốt tháng. Người Thái ở Sơn La thì tổ chức lễ hội cầu mưa vào khoảng từ 13 đến 15 tháng 3 âm lịch, trai gái trong bản tập hợp thành đoàn với đạo cụ trong tay là một chiếc mẹt và một thanh tre như là biểu tượng của âm dương. Một đôi nam nữ đi trước khiêng một chiếc sọt lớn, những người đi sau thì dùng thanh tre gõ vào chiếc mẹt, đến nhà nào thì dừng lại dưới cầu thang nhà ấy và hát gọi mưa “cầu trời hãy rủ lòng thương dân bản để có nước trồng ngô lúa, cho con người và súc vật có nước ăn, nước uống, cây cối dưới này đang chết khô, trời hãy nổi sấm lên cho mưa mau xuống…”. Điểm dừng cuối cùng của đoàn trai gái bản là một con suối, họ cùng nhau xuống suối tắm và đồng thanh hô to “phôn, phôn…” (nghĩa là mưa mưa). Bằng bài ca khẩn nguyện và hành động té nước vào nhau, người Thái tin rằng thần mưa sẽ nghe thấu ước nguyện của họ và phù hộ cho làng bản cả năm có đủ nước sinh hoạt và sản xuất.
Trong Nhân học văn hoá – con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, GS. Vũ Minh Chi kể rằng ở một số nơi trên thế giới “còn có tục lệ cầu mưa bằng cách tạo ra một làn khói đen bay lên giống như đám mây đen khi sắp mưa trong khi gõ trống ầm ĩ như tiếng sấm rền cũng là hiện tượng thuộc loại thuật mô phỏng. Đối với dân đi biển, khi biển động, muốn cầu cho sóng yên, họ để những người phụ nữ ra ngồi im lặng trên bãi biển với niềm tin làm như vậy biển sẽ yên trở lại”[3]
Ta thấy rằng hình thức thực hành ma thuật cầu mưa này ở một số nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam gần như tương đồng nhau ở việc thực hiện những hành động mô phỏng tiếng sấm của vũ trụ và những đám mây đen hứa hẹn mang mưa tới. Nhân loại tin rằng, bằng những phương thức cầu xin thành kính của mình sẽ tác động đến trời đất, mà cụ thể là thần mưa. Thần sẽ hiểu được dụng ý của loài người qua các động tác mô phỏng (nếu như không hiểu được ngôn ngữ) và sẽ làm theo đúng như ý nguyện của họ, nghĩa là sẽ kéo mây đen đến, tạo nên sấm sét và cuối cùng là cho mưa về.
Bên cạnh ma thuật mô phỏng còn có ma thuật lây lan, nghĩa là sự tác động trực tiếp vào những vật liên quan đến đối tượng hoặc chính thân thể của đối tượng để đạt được mục đích cầu xin. Trong trường hợp này thì sự tác động trực tiếp của tác nhân nước vào cơ thể nhân vật đã chết hoặc dùng nước để ngâm, ủ nấu các bộ phận cơ thể chính là một hình thức của ma thuật lây lan. Không chỉ dùng thứ nước có phép thuật hoặc nước và các động tác ma thuật để làm tái sinh người chết mà đôi khi nhưng động tác ma thuật có liên quan đến nước còn được sử dụng để tăng thêm sức mạnh cho người đang sống và giúp họ có được một niềm tin tâm linh mạnh mẽ về sự bất tử của mình. Đồng thời việc trải qua một quá trình thụ lễ dưới sự tác động của nước cũng giúp nhân vật được bảo vệ an toàn trước mọi hiểm nguy.
Chẳng hạn như ở nước ta, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất coi trọng nước và có truyền thống thờ thần Nước. Người đứng đầu của một ngôi làng thì được gọi là chủ bến nước và trong nhiều sử thi hay truyện kể dân gian của dân tộc này thường có tình tiết khi các chàng trai đi đến bến nước tắm hay rửa mặt, tức là đã được thần Nước ban cho sức mạnh phi thường. Như trong sử thi Đăm Bri của dân tộc Mnông, vì chàng được tắm nước suối thần nên không một vũ khí nào của kẻ thù có thể gây thương tích được cho thân thể của chàng. Hình thức tắm hay rửa mặt bằng nước thần trong tín ngưỡng dân gian khi chuyển tải thành một motif truyện kể đã trở thành biểu trưng như là một hành vi ma thuật lây lan có khả năng làm tái sinh những người đã chết. Hành vi ma thuật thần kỳ đó có thể là xoa thuốc thần lên người hay đổ thuốc phép vào tai…
Bên cạnh ma thuật mô phỏng và ma thuật lây lan, ta còn thấy trong dạng thức nhân vật sống lại do tác động của nước trong motif tái sinh có hình thức ma thuật phù phép bằng những bài văn hay những lời phù chú được đọc to hay đọc lầm rầm hướng về phía đối tượng cần thực hiện nghi lễ. Chẳng hạn trong truyện Nuang và Bia Brót có chi tiết, khi Nuang đã chết, thân thể chỉ còn là những mảnh vụn, vợ của Nuang lấy một đoạn tay, chân, mắt, mũi, tai và ít tóc, ít ruột của Nuang bỏ vào ống nứa to đựng đầy nước, đốt trên bếp lửa và cầu khấn bằng lời phù chú: “người rơi chén vàng, ma rơi chén đất”. Từ đầu ống, hơi nước bốc lên trào ra một vật bé tí, biến thành Nuang. Trong truyện Đươm Be của dân tộc Katu, sau khi đọc các câu thần chú “Xương Đươm Be hay xương ai? Nếu xương người khác kêu cơlong, cơlong Nếu xương Đươm Be kêu cơliêng, cơliêng” thì ông nội của Đươm Be mới tìm ra được xương của cháu. Tìm được xương, ông nội lấy lá gói xương bỏ vào nồi, đun sôi sau đó bỏ ra sàn vừa quạt vừa hát: “Quạt cái chân cho chạy. Quạt cái tay cho siêng, cháu ơi!”. Ông quạt nguội thì Đươm Be sống lại thành người
Kết luận
Như vậy sự xuất hiện lặp lại nhiều lần dưới nhiều hình thức đa dạng của tác nhân nước trong motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam đã chứng tỏ được rằng ở nước ta, ngay từ thời xa xưa, loài người đã ý thức được tầm quan trọng của nước đối với việc hình thành nên và duy trì sự sống của mình. Chính vì quan niệm như thế mà con người đã gán cho nước sức mạnh của thần linh bằng sự tôn kính và cả nỗi khiếp sợ của mình. Gắn liền với những quan niệm về chức năng sinh sản và tái sinh của nước cũng như những tư duy nguyên thủy về sức mạnh ma thuật của thần nước, thần mưa mà ở nước ta đã tồn tại nhiều tín ngưỡng dân gian có liên quan đến nước như tục thờ nước, thờ thần nước hay thần mưa. Đi kèm với những tín ngưỡng dân gian đó là những thực hành ma thuật có từ thời nguyên thủy và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Những quan niệm và những thực hành ma thuật có liên quan đến tín ngưỡng thờ nước ấy đã được chuyển tải vào trong văn học dân gian và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong việc cấu thành nên motif tái sinh trong kho tàng truyện kể dân gian của nước ta.
LMTG.
[1] Nguyễn Thị Việt Hương (2005); “Tục thờ nước của người Việt ven sông Hồng”; Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 6.
[2] Đinh Gia Khánh (1993); Văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á; Nxb Khoa học Xã hội; HN.
[3] Vũ Minh Chi (2004); Nhân học văn hoá - con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên; Nxb Chính trị Quốc gia; HN.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2013