Thế giới nhỏ bé mà kỳ diệu

Từ ngày 15/7/2015 đến ngày 30/9/2015 Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM kết hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức cuộc thi Sáng tác thơ haiku lần thứ 5 (2 năm một lần, từ 2007 đến nay). Ban giám khảo gồm có 3 người:

-          PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM), Trưởng Ban;

-          Nhà thơ Phan Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam báo Văn nghệ) Thành viên;

-          TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như (Giảng viên Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, Hội viên Hiệp hội thơ haiku thế giới), Thành viên.

Ban tổ chức đã nhận được 702 bài dự thi trong cả nước. Sau đó Ban Giám khảo đã chọn ra được 60 bài vào vòng chung khảo, từ đó chọn tiếp được 12 bài được giải, bao gồm: 1 giải nhất, 3 giải nhì, 8 giải khuyến khích.

Giải nhất:

Mộ bên đường

Cơn mưa phùn ướt

Sân khấu dế non.

            (Trần Duy Khương, Bình Dương)

Giải nhì (ba bài):

Lạc đường

Con kiến nhỏ

Bơ vơ giữa đời.

            (Nguyễn Bích Thủy, Khánh Hòa)

                       Chuồn chuồn kim

kết đôi trên cánh đồng

lúa trĩu bông.

            (Nguyễn Xuân Tuấn, Đồng Nai)

                      

Giữa biển Đông

Con cá nhỏ ngược dòng

Tung tăng không biên giới.

            (Nguyễn Văn Xin, TP.Hồ Chí Minh)

Dưới đây là bài nhận xét chung về cuộc thi của Trưởng Ban Giám khảo.

Đối với nhiều người Việt, thơ haiku đã trở nên quen thuộc. Hiện nay trong cả nước có những nhóm thơ haiku trong trường học, có những câu lạc bộ ở thành phố lớn, có thơ haiku đăng trên báo, có cả những tập thơ haiku đến hàng trăm bài. Tinh thần haiku, vẻ đẹp haiku phảng phất trong không ít bài thơ thuộc những thể loại khác. Trong số các bài thơ haiku dự thi và được vào vòng chung kết cuộc thi Haiku Việt-Nhật 2015 kỳ này, có thể thấy nhiều bài thơ rất già dặn, được viết bởi những người am hiểu thơ haiku, nhưng cũng rất nhiều bài thơ còn non tay, được viết ra từ những người mới ngập ngừng, chập chững ở ngưỡng cửa haiku, nhưng đã hé lộ những tứ thơ, những hình ảnh thơ độc đáo thú vị.

Điều gì làm cho haiku thu hút người Nhật, rồi từ Nhật Bản mà lan tỏa ra thế giới, truyền đến Việt Nam?

Trước hết haiku thu hút chúng ta ở cái thế giới nhỏ bé của nó. Đọc haiku người ta như đi vào thế giới của những điều nhỏ bé, tí hon, những chi tiết của đời thường mà người ta rất dễ bỏ qua: một con cá, một con châu chấu, một chú ếch, một làn hương hoa chanh, một bông khổ qua…như thể cô bé Alice lạc vào xứ sở thần tiên:

Trên giàn khổ qua

Con bướm đỏ

Thì thầm với hoa.

                        (Lê Văn Mạnh )

Hoa chanh hé tinh khôi

Thoảng hương sân thượng

Thơm vườn xưa xa xôi.

                        (Nguyễn Huy Cường)

Mưa tạnh

Ếch nhái ênh oang

Đồng làng trăng ướt.

                        (Nguyễn Khắc Kỉnh)

Haiku thu hút người ta ở việc đề cao cái đẹp. Haiku phát hiện ra cái đẹp ở quanh ta, cái đẹp bình dị, nhiều khi rất mơ hồ. Đó là cái đẹp của một đêm trăng non với tiếng gà gáy vang vì nhầm trời sáng, làm nao lòng người:

Trăng non

Nửa đêm gà gáy

Lòng người nôn nao.

                        (Đinh Thị Thùy Dương)

Đó là vẻ đẹp của hoa đào và mưa xuân đánh thức chú chó con tỉnh giấc:

Sân chùa

Chó con tỉnh giấc

Hoa đào và mưa.

                        (Nguyễn Thị Mai Lan)

Tất nhiên haiku cũng không hẳn chỉ có thế giới nhỏ bé, nó cũng có thể viết về một thế giới rộng lớn hơn qua những liên kết, những liên tưởng kỳ lạ:

Đường bay trên không

Xuyên qua tầng mây

Chạm đến mặt trời.

                             (Huỳnh Bửu Yến)

Hay một thiên nhiên lớn lao đầy đe dọa qua đôi mắt lo âu của trẻ thơ:

Gió vèo vèo thổi,

trăng trốn trong mây,

bé nhòm khe cửa.

                        (Trần Thị Chương)

Có khi là một ngọn đèn biển khắc khoải chờ mong:

Ngọn đèn biển

Dập dềnh trôi

Đôi mắt chờ người.

                        (Nguyễn Thị Út Trâm)

Thơ haiku rất bé, chỉ có ba dòng thơ, mỗi dòng vài từ với mười mấy âm tiết, thế giới của nó cũng rất nhỏ, như một chiếc lá, một bàn tay, một giọt sương… Nhưng một giọt sương cũng có thể chứa đựng bầu trời. Vì thế những chủ đề mà haiku đề cập đến lại không nhỏ chút nào. Trong các bài thơ haiku lọt vào vòng chung kết kỳ này người ta thấy nổi bật lên ba chủ đề: môi trường, thảm họa, sống - chết.

Môi trường của chúng ta đang hấp hối: những cánh đồng hoang vu, những vạt rừng khô cháy, những dòng sông chết:

Châu chấu xanh

Đậu trên đầu bù nhìn

Đồng lúa tan hoang.

                        (Dương Chí Tình)

Hồ cạn cây chết đứng

Uốn mình trước khi khô

Dấu hỏi thời gian.

                        (Dương Đức)

Dòng nước đen

Con cá chết

Cánh bèo lẻ loi.

                        (Đinh Thị Thanh Huệ)

Những lời nhắc nhở về môi trường có truyền thống từ những bài haiku cổ điển gắn bó với thiên nhiên, như trong thơ của M.Basho, Y.Buson, K.Issa:

Trên cành khô,

Quạ đậu,

Chiều tàn mùa thu.[1]

                                    (Basho)

Trên chuông chùa

một cánh bướm nhỏ

ngủ im lìm.

                                    (Buson)

Bên dòng Sumida,

Chú chuột kia uống nước,

Mưa mùa xuân pha.

                                    (Thơ Issa, Nhật Chiêu dịch)

Thiên nhiên bị hủy hoại là một thảm họa trong rất nhiều thảm họa thời nay. Chưa bao giờ nhân loại đạt đến trình độ khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, của cải vật chất được sản xuất ra dồi dào như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ nhân loại phải sống trong nhiều nỗi lo như hiện nay: khủng bố, chiến tranh, lũ lụt, biến đổi khí hậu… Thơ haiku mang đến nỗi lo về thảm họa từ khắp mọi miền đất nước:

Nước đè

ngói nâu ngụp lặn

cây dang tay đón người.

            (Trần Thị Huệ)

Lũ quét hết tất cả chẳng còn gì:

Lũ về

Que diêm bật lên

Căn phòng trống.

            (Đặng Thị Thanh Liễu)

Quanh ta là hoang mạc khát khô:

Nắng hạn

Chú kiến thả giọt nước

Hoa dại nở thầm.

            (Nguyễn Thánh Ngã)

Có tác giả đi đến Nhật Bản, thăm lại Hiroshima, ngạc nhiên trước cảnh đèn lồng được thả bạt ngàn trên sông Motoyasu như lời nguyện cầu cho những linh hồn khổ đau, phiêu dạt, chết một cách tức tưởi, hoảng loạn, đau đớn trong quả cầu lửa nguyên tử, được siêu thoát:

Sông Motoyasu

Mênh mông

Đèn lồng.

            (Nguyễn Thị Anh Thư)

Cái chết của cậu bé Aylan Kurdi, người Syria trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc di dân bi thảm vì chiến tranh, khủng bố, một cái chết bình yên như một giấc ngủ quên trên bãi biển đã đánh động lương tâm nhân loại. Bài thơ haiku dưới đây đã có một tứ thơ thật lạ: Bé ơi, hãy ngồi dậy, sống dậy đi nào! Xung quanh em cuộc đời, đất trời đẹp biết bao:

                        Hãy ngồi dậy đi nào

                        Bé Sy-ri ơi! Cát trắng

                        và sóng biển rì rào.

                                                (Vũ Quốc Huy)

            Thơ haiku hay nghĩ về sự sống và cái chết. Có lẽ đây cũng là một truyền thống lâu đời của haiku cổ điển, do haiku cắm rễ rất sâu vào Phật giáo, Thiền tông.

                        Chim tử quy kêu

                        cuộc đời phiền muộn

                        tan vào cô liêu

                                                (Basho)

                        Mẹ đã khuất rồi,

                        Nhưng mỗi lần thấy biển

                        Là con lại thấy người.

                                                (Issa)

Bài haiku dưới đây cũng phảng phất màu sắc cổ điển:

Cánh bướm mong manh

Vào nhà tôi nằm chết

Đợi một duyên lành.

            (Hà Thị Hoài Thương)

Còn bài haiku này lại phảng phất một ý tưởng nào đó của Basho: Chết đến nơi rồi/ mà ve chẳng biết/ ca hoài không thôi. Tuy nhiên đây là một sáng tạo: những giọt sương thảnh thơi phơi mình trên triền núi, rất đẹp, nhưng nó có biết đời sống rất ngắn ngủi khi mặt trời lên:

                       Nắng rọi

Một bầy sương nằm

Thảnh thơi triền núi.

                        (Trần Ngọc Mỹ)

Cái chết được nói đến trong haiku rất nhẹ nhàng, thế giới của những linh hồn ở thế giới bên kia có thể rất vui, rất nhộn nhịp, chứ không bi thảm như chúng ta tưởng:

                       Sương xuống nghĩa trang

Lập lòe đom đóm

Phố đêm.

                        (Huỳnh Nguyễn Anh Kiệt)

Thơ haiku vào Việt Nam đã được mấy chục năm, được người Việt Nam đón nhận vì tìm thấy ở đó một cái gì đó vừa lạ vừa quen. Lạ vì thể thơ ngắn, lời ít ý nhiều, lại phảng phất sắc màu Thiền tông, nhưng cũng rất quen vì thơ lục bát hai câu trong ca dao rất ngắn, cũng như Thiền Phật lại không có gì lạ với người Việt Nam. Vì thế mà thơ haiku được tiếp nhận một cách nồng hậu và lan truyền mau chóng. Tuy nhiên haiku Việt vẫn có một nét riêng nào đó, không thể trộn lẫn được. Đó là cảnh sắc Việt Nam:

Hoa gạo đỏ

Bên bến sông

Nhớ người lữ khách.

            (Trần Tuyết Nga)

Những hình ảnh này sẽ là sáo nếu xuất hiện trong các thể thơ truyền thống, nhưng nó vẫn có một nét thú vị riêng trong thơ haiku.

Nét riêng nữa trong haiku Việt là tính trữ tình, diễn tình – tức biểu lộ tình cảm. Thơ Việt vốn rất giàu tình cảm, vốn rất giỏi trong việc diễn tình, cho nên ngay cả làm thơ haiku – một thể thơ nổi tiếng về “ẩn tình” thì haiku Việt vẫn thấm đẫm tình cảm:

                       Quê hương đồng rạ cháy

Cánh cò lạc

Mẹ về giữa ca dao.

                        (Trần Thương Nhiều)

Ngọn gió phương xa

Mang theo lời của lá

Thả vào bao la.

                        (Nguyễn Kim Thoa)

Có một số bài thơ nói cho chúng ta những vấn đề của ngày hôm nay nhưng cũng là muôn thủa, với khung cảnh xung quanh ta, và nói bằng những câu thơ đẹp, tứ thơ lạ.

            Đó là chú kiến lạc đường:

Lạc đường

Con kiến nhỏ

Bơ vơ giữa đời.

            (Nguyễn Bích Thủy – Giải nhì)

            Chú kiến lạc bầy, lạc đường, bơ vơ. Bài thơ nhỏ về con kiến nhỏ gợi cho ta hình ảnh về những đứa trẻ bị lạc, bị mất cha mẹ, và đánh thức trong ta lòng trắc ẩn về những những khổ đau trong thế giới hôm nay.

            Đó là đôi chuồn chuồn kim trên đồng:

                       Chuồn chuồn kim

kết đôi trên cánh đồng

lúa trĩu bông.

            (Nguyễn Xuân Tuấn – Giải nhì)

            Hình ảnh chuồn chuồn khá quen thuộc trong thơ Việt Nam cũng như Nhật Bản, nhưng đôi chuồn chuồn kim kết đôi trên đồng lại khá lạ. Đôi chuồn chuồn kim kết đôi, đang trao nhau niềm vui trên cánh đồng gợi cho ta một cái gì đó mong manh, vì chuồn chuồn kim tiếng Nhật gọi là Kagero, chữ Hán viết là tinh linh , cũng chính là phù du蜉蝣 – sớm nở tối tàn. Nhưng chúng kết đôi trên cánh đồng trĩu hạt phải chăng còn là thể hiện niềm tin có tính phồn thực giáo từ ngàn xưa của cư dân trồng lúa nước chúng ta?

            Biển Đông cũng đi vào thơ haiku. Biển Đông đang dậy sóng, biển Đông đang bị uy hiếp bởi những toan tính ích kỷ hẹp hòi của con người, có những thế lực muốn độc chiếm biển Đông, cắt chia biển Đông. Nhưng biển Đông phải là vùng nước tự do, để cho tàu bè đi lại, cho những chuyến tàu hòa bình kết nối Đông Nam Á, kết nối các bến bờ. Để nói việc lớn lao ấy, haiku chọn cho mình một cách nói rất riêng:

                       Giữa biển Đông

Con cá nhỏ ngược dòng

Tung tăng không biên giới.

            (Nguyễn Văn Xin – Giải nhì)

            Biển Đông là biển của chú cá con. Với cá, biển cả chẳng có ranh giới nào, nó tung tăng khắp các bến bờ, khắp các vùng nước. Dẫu chúng ta không là Trang Tử, chúng ta cũng biết cá vui.

            Như chú dế kia cũng vui trong bài haiku của Trần Duy Khương, cũng hát ca trong cơn mưa xuân mát mẻ. Vui hát giữa sinh và tử, giữa cỏ và mưa, giữa vô thường và vĩnh cửu, nó lấy ngôi mộ âm thầm làm sân khấu cho cuộc đời mình. Tứ thơ lạ, hình ảnh thơ tái hiện một thế giới lạ, nhưng thực ra đang diễn ra quanh ta mà ta thường không để ý:  

Mộ bên đường

Cơn mưa phùn ướt

Sân khấu dế non.

            (Trần Duy Khương – Giải nhất)

            Cuộc thi haiku Việt – Nhật 2015 đã khép lại, một cuộc thi khá khắt khe: mỗi người chỉ được làm một bài, mỗi bài không quá 3 câu, mỗi câu không quá 5-7-5 âm tiết. Nhưng dường như những quy định ấy không gây khó khăn gì cho những người yêu thơ haiku. Số người tham gia vẫn rất đông, trên 700 người. Ban giám khảo đã khá vất vả để đọc đi đọc lại nhiều lần, và cuối cùng chọn 60 bài vào chung khảo, để từ đó chọn ra 12 bài được giải. Chắc chắn cũng sẽ có ý kiến này khác trong việc xếp hạng thấp cao. Đúng là thơ ca yêu thích thì được, chứ thật khó mà xếp hạng. Chung Vinh ngày xưa chẳng đã vi phạm vào điều tối kỵ ấy trong Thi phẩm là gì! Thơ vốn là chơi, nhưng là một thú chơi công phu, cầu kỳ, không phải ai cũng chơi được. Từ những bài thơ haiku nhỏ bé, chúng ta muốn truyền đi một thông điệp về tình yêu, tình bạn, về cái đáng nâng niu của thế giới chúng ta đang sống – một thế giới rất đẹp và cũng rất mong manh.

                                                                                    Tháng 11 năm 2015

 Đoàn Lê Giang

(Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Thơ haiku Việt-Nhật 2015, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015)

 


[1] Chúng tôi tạm dịch. Bản dịch của tác giả khác, chúng tôi sẽ ghi rõ.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63674857
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18575
17595
63674857

Thành viên trực tuyến

Đang có 477 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website