Xuân về vẫn chưa hay

Những ngày cuối năm, chị lướt một vòng facebook, thấy khá nhiều “bạn phây” làm “bản tự kiểm”, đánh giá thành quả đạt được trong năm, rút kinh nghiệm và nêu mục tiêu, phương hướng cho năm mới. Chị rất hào hứng đọc các “sớ” tổng kết ấy, vì lẽ tuy chẳng dám công khai những điều nhỏ bé mà bản thân làm được trong 365 ngày nhưng chị thấy vui khi biết rõ hơn thu hoạch, tâm tư của bạn bè và cũng ít nhiều liên hệ xem mình thực sự có chút tiến bộ nào không. Rất tự nhiên, chị luôn hân hoan và biết ơn thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Không có nó, con người như những cỗ xe mải miết không dừng.

Nhưng năm nay, chị không muốn nghĩ đến việc tổng kết năm cũ. Dăm ba chuyến du ngoạn, các sự kiện vui, vài thành công nhỏ, mấy món thu nhập bất ngờ, những ân tình tươi đẹp… bỗng nhạt nhoà bởi một “sự kiện” khủng khiếp với chị. Cho dù cố trốn tránh, chị vẫn phải đối diện với một sự thật: má chị đã ra đi mãi mãi. Má rời xa chị trong khoảnh khắc mà chị ít ngờ nhất. Giây phút chị nhìn gương mặt má, nắm lấy tay má lần cuối, chị vẫn không thể tin thân xác nằm bất động kia là má chị. Câu hát “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” mà chị luôn bơ đi hoặc bấm qua mỗi khi nghe thấy (vì một nỗi sợ hãi sâu xa nào đó và vì “gu” nhạc không hợp), giờ cứa vào tâm can chị từng chữ từng lời. Hôm đưa má đi, chị bước như người vô hồn ra con hẻm mà ngày ngày má chị vẫn đi bộ, thỉnh thoảng gặp chị chạy xe cái ào ngược chiều từ ngoài vào, mặt má rạng rỡ: “Con đi đâu về đó? Ở nhà có cơm, nhớ ăn!”. Con đường vẫn còn, duy má chị không đi về nữa.

Thu dọn căn phòng của má, chị phát hiện mấy chai nước hoa và son phấn còn nguyên trong hộp, mấy bộ quần áo mới may chưa mặc, mấy đôi dép mới còn nguyên mác. Điều đó có nghĩa là một năm qua má chị ít ra khỏi nhà. Bình thường, má chị thích diện đẹp, hay bị chị chọc “Mẹ mà còn điệu đà hơn con gái!”. Có khi, chị còn cằn nhằn sao má xài đồ hao quá, quay qua quay lại là biểu con sắm sửa thêm. Nhưng điều làm chị bất ngờ là thùng sách nhiều chủng loại, mỗi loại gồm hàng chục quyển giống nhau, một xấp tiền mới cứng nhiều mệnh giá cột chung với tập bao lì xì. Rõ ràng là má chị có ý trao tặng niềm vui đến những người quen biết. Hàng tuần liền dọn dẹp, thu vén, chị ngỡ ngàng nhận ra bao nhiêu bí mật và tâm ý của má. Chúng khiến chị vừa dứt day vừa thảng thốt vì hóa ra mình chưa hề hiểu cặn kẽ về người mà mình tưởng thân thiết và thương quý nhất đời. Những bà mẹ luôn có những câu chuyện mà các con chưa từng nghe biết.

Theo phong tục, chị cho đi hầu hết đồ dùng và những vật cồng kềnh trong phòng má. Tất cả những gì thân thương nhất về má chị, giờ nằm gọn trong một chiếc tủ nhỏ ở góc phòng. Chị bần thần với ý nghĩ không ngờ có lúc phải cậy nhờ đồ vật để đỡ trống trải vì sự tan biến của một người. Ngồi buồn, chị cười thầm những lần thao thao bất tuyệt của mình về sự dứt khoát “Một đi hạc chẳng quay đầu/ Ngàn năm mây trắng một màu phiêu diêu” (1), về phút tráo đổi “Ta nằm trên cỏ hôm nay/ Ấy là dưới cỏ ngày mai ta nằm” (2), về thái độ thanh thản “Hãy để cuộc đời đẹp như hoa mùa hạ/ Hãy để cái chết về như lá mùa thu” (3), kể cả nỗi buồn thăm thẳm của người con chỉ còn chút kỉ vật mẹ để lại “Lệ trào nóng hổi/ Tan trên tay tóc mẹ/ Làn sương thu” (4) trong những giờ dạy về lẽ vô thường của thế gian. Chị nói khá lưu loát và tự tin trước hàng trăm sinh viên về sát na – thứ đơn vị thời gian ngắn ngủi nhất trong các đơn vị thời gian, về vòng quay luân hồi vừa bất tận vừa nghiêm ngặt, và rằng lẽ sinh tử chỉ cách nhau tàn nhẫn một luồng hơi. Giờ chị đã hiểu sự khác biệt giữa nghe đọc và thấu nghiệm. Nếu biết cảm giác biệt ly là thế này, chị đã chẳng hùng hồn và say sưa đến vậy.

***
Khu phố chị ở có ba ngôi chùa. Ai đến chơi nhà chị cũng trầm trồ sao nơi này nhiều chùa to đẹp thế. Ngày rằm lớn hoặc Tết Nguyên Đán, hẻm nhà chị tấp nập người xe đi lễ chùa. Chị biết có nhiều người từ xa rất xa cũng thành tâm tìm đến khu chùa xóm chị. Phần chị, chỉ thi thoảng lắm mới ghé chùa lạy Phật, có khi do tùy hứng, có khi do chị sắp thi cử, sắp đi đâu xa hoặc có chút muộn phiền.

Tuổi trẻ, người ta thường chỉ tin vào chính mình và có nhiều lý lẽ để nuông chiều bản thân. Nếu hôm nào không phải đi làm, chị ngủ nướng đến khi mặt trời không thể lên cao hơn được nữa. Nhưng rồi một ngày kia, chẳng hiểu lý do gì, chị cứ thức dậy tầm ba, bốn giờ sáng. Mắt thao láo, tai nghe ngóng những tiếng động rõ rệt và hiếm hoi của đêm. Đầu tiên là tiếng đọc kinh nhịp nhàng ở chùa đầu hẻm, tiếp đó là tiếng chuông rền vang đều đặn từng hồi ở chùa cuối hẻm. Có lúc chị chẳng nghĩ được gì, chỉ tập trung vào âm thanh. Có lúc chị thấy ngại ngần trước sự khổ hạnh của đường tu. Có lúc chị “đổ thừa” chắc tại tiếng chuông mõ kệ kinh làm chị không ngủ được. Nhưng có một sự thật là những thanh âm đó chưa bao giờ lưu dấu vào tâm trí chị. Thậm chí, chị từng nghĩ rằng vì sao cứ phải xiển dương rộn ràng như thế, chẳng phải Phật tại nhân tâm hay sao?

Để rồi, vào những ngày bão giông của cuộc đời, cùng với nỗi đau mất đi người thân yêu là niềm xót xa ân hận vì những suy nghĩ cạn cợt của chị về tôn giáo. Ngôi chùa gần nhà nhất đã đón nhận má chị với tất cả sự trang trọng, chở che và lòng quảng đại từ bi đúng tinh thần đạo Phật. Chưa bao giờ chị nghe rõ từng lời của các cao tăng đến nhà chị tụng niệm đến vậy. Chưa bao giờ chị cảm nhận sự ngân nga ý tứ trong từng câu kinh có sức mạnh cứu rỗi tâm hồn đau đớn của chị đến vậy. Chưa bao giờ chị thấy sắc y vàng đẹp đẽ, uy nghi và nhiệm màu đến vậy. Không chỉ cho gia đình chị một điểm tựa lớn lao trong quãng thời gian khó khăn nhất, Già Lam ấy còn cho cả nhà chị một nẻo đi về, để tự ủi an má vẫn đâu đó rất gần mình.

Trong những tuần thất của má tại chùa, có ba nhà sư kể chị nghe ấn tượng của họ về má chị. “Mươi mười năm trước, có một người đàn bà hằng tuần lại cầm một giỏ hoa hồng vào chùa. Là hoa hồng đỏ chứ không phải loại hoa nào khác. Bà không lạy Phật Tổ, không lạy Mẹ Quan Âm. Bà chỉ tin đúng mỗi bức tranh cũ ở phía sau sảnh lớn, họa hình ngài Tổ Sư Đạt Ma. Sáng sáng, bà đến thăm chừng, tưới nước cho giỏ hoa. Chiều chiều, bà dẫn một con chó trắng đi mấy vòng sân chùa…”. Chị nghe mà ứa nước mắt. Câu chuyện dịu dàng như thế ngủ quên trong tâm trí chị từ lâu lắm, giờ sống động qua hồi ức của các bậc chân tu. Ngày đó, má chị nhầm lẫn hình ngài Tổ Sư Đạt Ma là Long Thần Hộ Pháp, hay nói với chị rằng vui buồn của má đều cho ngài biết. Chị biết má nhầm nhưng không nỡ sửa, cứ để yên cho má thiết lập niềm tin trọn vẹn của riêng mình. Má làm chị nhớ đến chuyện một người Bà La Môn đi tìm sông Hằng để gột rửa lỗi lầm. Người ấy tưởng bao nhiêu con sông nhỏ là sông Hằng, đến lúc trút hơi thở cuối cùng mà dòng nước thiêng vẫn chỉ mới chấp chới trước mặt. Nhưng chẳng ngờ, người ấy được Diêm Vương xóa tội vì “tâm trí của ngươi đã đến sông Hằng từ rất lâu rồi”. Má chị nhầm lẫn danh hiệu của Tổ Sư Đạt Ma nhưng tấm thành của bà là thật. Bây giờ, ngôi chùa được xây lại, bức tranh ngài Tổ Sư Đạt Ma không còn ở chỗ cũ, má chị cũng thành tro bụi. Chợt ấm lòng khi nhận ra sau mấy bận đổi thay mà sùng tín của má vẫn chưa phai mờ trên nhân thế.

Tự nguyện, chân thành, nhẹ bẫng, chị đổi những tối vùi mình trong quán xá, rạp hát, rạp chiếu phim… bằng những giờ đọc kinh trên chánh điện, những buổi giúp cá về nước chim gặp trời, những hôm làm công quả, thiện nguyện. Điều kì diệu nhất là theo thời gian, chị thấy rõ mình dần bình tâm trở lại. Có dịp nghe ngẫm kinh kệ nhiều hơn, chị bỗng nhận thức rằng điểm tựa chắc chắn nhất bây giờ và đến mãi sau này không ai khác là chính bản thân mình. Không ngờ, phải qua một biến cố lớn lao, chị mới ngộ ra bấy lâu mình gần chùa xa Phật.

***
Một chiều, chạy xe trên phố, chị ngạc nhiên khi thấy mấy chậu mai đào bằng vải, biểu tượng phong pháo, bánh chưng và những chú lợn múp míp đủ màu trong một cửa hàng. Sực nhớ ra chừng tháng nữa thôi là Tết. Và kịp hiểu lý do vì sao xuân kề sát rồi mà chị lại có thể hững hờ. Mọi năm, chị biết Tết về là khi má giục chị mua sắm giày dép, quần áo mới; là khi má ghi một danh sách dài những thứ cần sửa cần sắm trong nhà; là khi má tất bật chọn quà gửi chòm xóm, người thân; là khi má chộn rộn đi chợ, tỉa kiệu gọt hành, nấu nướng, dọn bày, cúng kính... Má truyền cho chị cách nghĩ Tết không chỉ là ý vị vui sống mà còn là một nghi lễ thật sự. Nhiều lần, chị càm ràm má vì chẳng bao giờ để chị thư giãn thật lâu hay ngủ nghỉ đã đời trong mấy ngày xuân, cứ cố tình “tạo công ăn việc làm” cho chị. Chị cũng không được phép quên những thời khắc nhất định phải có mặt ở nhà theo yêu cầu của má. Thì đây, xuân năm nay, chị đã có thể muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi rồi đó. Tự do rồi, sao ngẩn ngơ đến vậy!

Xe chị ngang qua mấy quán cà phê tưng bừng các khúc nhạc xuân quen thuộc. Những bài hát vừa ra đời đã có sứ mệnh riêng mình. Đúng thời điểm, chúng tự khắc được người trọng dụng. Chị chọn một quán không quen không lạ, tập trung làm mấy việc con mà các giai điệu, ca từ vẫn lọt vào tai. Lẫn trong phần lớn âm hưởng hân hoan, lời một khúc ca da diết lạ thường: “Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi/ Ngày xuân vẫn trôi rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai…”. Hình như có chút gì đó tương đồng trong tâm tưởng người nhạc sĩ đương thời với Điều Ngự Giác Hoàng thuở trước:
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay.
Thì ra người thuở này cũng lần vết cổ nhân mà gặp nhau ở cảm thức xuân khởi phát từ tâm. Nhiều người “Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu bốn phương” (5) mà lòng dạ rối rắm nghĩa xuân. Lắm kẻ chỉ ngồi thật êm mà biết vui vầy tận hưởng “Ý xuân mát đến xương” (6). Thế mới nói, “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” !

Ngày nhỏ, chị đặc biệt thích một chi tiết khi học truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, đến mức thuộc lòng: “Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội”. Chị cho đó là cách ăn Tết độc đáo, minh triết nhất. Cảm khí xuân về mà ăn Tết chứ không lệ thuộc những con số quy củ, ngay ngắn trên tờ lịch. Nhưng cũng hiểu là kiểu ăn Tết như vậy cực kì khó khăn nếu đem áp dụng đại trà!

Tối xuống phố về nhà, đi ngang qua những gian hàng rục rịch dựng lên để đón dưa hấu và hoa tươi từ khắp tỉnh đổ về. Những gương mặt dãi dầu ngời ngời hi vọng kia đang sắp xếp cho đời những tín hiệu rõ rệt nhất của mùa xuân nhưng lòng họ thực sự có xuân chưa? Và nữa, những tiệm quán không bao giờ dọn, những người vẫn làm việc, tăng ca suốt ba ngày Tết có cùng nhịp nghĩ về xuân với những người có được cái may mắn thảnh thơi, quây quần trong năm mới? Với ai đó, vì một niềm riêng mà Tết chưa hẳn là xuân. Và với những ai đó khác, Tết là thời khắc giúp họ cảm nhận được sự biệt đãi, cung phụng hậu hĩnh từ xuân nhất. Và có lẽ, mùa xuân cũng như tình yêu, cứ thâu nhận khi nó đến chứ đừng tìm, vì có khi “tìm xuân chẳng thấy bóng xuân sang” như ai đó nói.

Chúng ta vẫn ăn Tết, nhưng biết xuân về hay chưa thì tùy duyên và cảm của mỗi người.
—-
(1): Thơ Thôi Hiệu
(2): Thơ Omar Khayyam
(3): Thơ Tagore
(4): Thơ Basho
(5): Thơ Nguyễn Bính
(6): Thơ Bích Khê

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn Xuân Kỷ Hợi 2019

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63743267
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6138
35223
63743267

Thành viên trực tuyến

Đang có 584 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website