- Theo BATINH.COM
- Sân khấu & Điện ảnh
Pablo Picasso - Vầng mặt trời vĩnh cửu
Pablo Picasso là một trong những họa sỹ nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng đối với nền nghệ thuật thế giới hơn bất cứ một nghệ sỹ nào khác của thế kỷ 20.
Pablo Picasso là một trong những họa sỹ nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng đối với nền nghệ thuật thế giới hơn bất cứ một nghệ sỹ nào khác của thế kỷ 20.
Chiều muộn ngày 27/1/2014. Quảng trường Scala, Milan, Ý.
Khi nhìn vào những thành tựu phát triển khoa học và công nghệ của con người ngày hôm nay, ta không tránh khỏi cảm giác ngưỡng mộ, tự hào. Song, hãy thử thoát ra khỏi cái nhìn có tính so sánh, ta sẽ thấy mọi thành tựu tự bản thân nó vào lúc xuất hiện, trong trạng thái cuối cùng của thành tựu, bao giờ nó cũng mang tính chất gây ngưỡng mộ.
Nhạc cổ truyền đối với chúng ta là một loại nhạc xưa được truyền tụng cho tới ngày nay. Tân nhạc là loại nhạc mới.
Mới ở đây là nghĩa gì? Có phải là loại nhạc soạn theo nhạc ngữ Âu Mỹ, hay nói một cách khác, là các bài nhạc được soạn trong khoảng 70 năm nay (từ năm 1930) theo kiểu Tây phương nghĩa là có hòa âm, dùng các nốt nhạc như Do-Re-Mi-Fa-Sol-La-Si-Do mà không dùng Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Líu như trước thời Pháp thuộc? Có những bài ca như Vọng cổ, Tứ Đại Oán, vàrất nhiều bài bản được sáng tác cho hát cải lương miền Nam có phải là cổ nhạc hay tân nhạc, vìcác bài này được sáng tác từ khoảng đầu thế kỷ thứ 20 trở đi? Vấn đề "Cổ" và "Tân " hoàn toàn tương đối tùy theo quan niệm, nhận xét của người nghiên cứu.
Cũng như bao nhiêu sản phẩm tinh thần khác, ca trù có nguồn gốc với các điều kiện văn hóa, điều kiện địa lý và thời điểm lịch sử sản sinh ra nó. Ca trù cũng có thể còn có dấu tích, dấu ấn của thời điểm lịch sử và vùng văn hóa mà nó sinh ra và có khả năng, với những đặc điểm, dấu tích đó cho phép chúng ta hy vọng tìm ra nguồn cội của ca trù ngoài hướng tìm qua thư tịch. Hướng tìm qua thư tịch khá mong manh vì công việc lưu trữ của chúng ta không tốt lại thiên tai địch họa liên miên và việc ghi chép cẩn thận cũng chưa phải là thói quen xưa nay. Trong điều kiện như vậy, khi nghiên cứu nguồn gốc ca trù nhiều người đã lấy truyền thuyết làm tư liệu tham khảo mặc dù truyền thuyết tổ quê ca trù vốn mù mờ lại có ở nhiều nơi trên đất nước.
Những tư tưởng triết học, hay tôn giáo, đã có những ảnh hưởng quyết định lên các nền nghệ thuật.
Các nhà triết học thời cận đại, từ Hegel đến Heidegger cũng đều công nhận rằng: những ý tưởng về mỹ học chỉ có thể đến sau các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, những tư tưởng triết học, hay tôn giáo, đã có những ảnh hưởng quyết định lên các nền nghệ thuật, từ những tư tưởng triết học của Platon về cái đẹp tuyệt đối, về những ý tưởng tiên nghiệm của Thượng đế, và những lý thuyết cổ điển của Aristote về nghệ thuật, coi nghệ thuật như là một sự sao chép thiên nhiên, đến những tư tưởng tôn giáo của Saint Augustin về quan hệ gắn bó giữa con người và Chúa sinh ra vạn vật; rồi từ những tư tưởng của Descartes về vai trò của chủ thể, đến luận thuyết của Kant về tính chất chủ quan của cái đẹp, v.v..
1. Từ văn chương đến điện ảnh
Trước kia, trong nền nghệ thuật kinh điển, các nhà văn thường sử dụng tiếng Latin và tiếng Hy Lạp để sáng tác và trong giáo dục ở lĩnh vực khoa học nhân văn. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, ngôn ngữ thông tục được đưa vào việc học tập và các nhà văn bắt đầu chuyển sang sử dụng tiếng Pháp, tiếng Anh. Đây cũng là thời kỳ có nhiều chuyển biến đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Theo quan điểm lúc bấy giờ, tác phẩm văn chương được viết bằng tiếng mẹ đẻ mới có thể mang đến sự phản ánh sâu sắc và toàn diện về đời sống văn hoá, xã hội của đất nước. Nhà nghiên cứu người Anh Matthew Arnold đã nói rằng:
Sự thành công của Vũ Ngọc Đãng trên màn ảnh nhỏ với hai bộ phim truyền hình “Tuyết nhiệt đới” (phát sóng năm 2006) và “Bỗng dưng muốn khóc” (phát sóng năm 2008) đã tạo ra một lực hút mạnh mẽ kéo khán giả đến rạp vào dịp tết Kỷ Sửu để xem “Đẹp từng centimet” ngay từ ngày khởi chiếu (15/1/2009). Mặc dù vẫn mang lại doanh thu đạt ở mức kỷ lục tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (kinh phí làm phim: 4 tỉ đồng, doanh thu: 10,1 tỉ đồng), trong phim có sự xuất hiện của cặp đôi diễn viên ăn khách hiện nay (Lương Mạnh Hải – Tăng Thanh Hà), bộ phim đã thực sự là một thất bại và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã không thực hiện được “tham vọng” nối tiếp sự thành công của “Bỗng dưng muốn khóc” bằng 108 phút trong “Đẹp từng centimet”.
Có một hôm, tôi đi xem kịch ở sân khấu Phú Nhuận và gặp Việt Linh đi cùng Minh Trang. Có lẽ hai bà chị không để ý có một khán giả ra về cứ lặng lẽ quan sát nét mặt của họ. Vài hôm sau, trên một tờ báo, Minh Trang bày tỏ sự day dứt vì sân khấu kịch: “… sau 30 năm, so với những Hà Mi, Phồn Y… thuở ấy, chẳng những không tiến mà còn bị lùi.” (Nghệ sĩ Minh Trang: “Người hạnh phúc là người biết mình ở đâu”, báo Phụ nữ TP). Tôi chỉ thấy hai bà chị này đáng trách, ai bảo thấy vở kịch có cái tựa Cúc cù cúc cu và một cái tên phụ là Xin anh hãy ngủ với vợ em mà vẫn đi xem! À, tôi cũng thấy, nhưng tôi không phải người ăn cơm nghệ thuật, lại thêm máu ghiền kịch thành ra hay rơi vào trạng thái xem đỡ vã. Còn hai bà chị lâu lâu mới về nước thì phải cân nhắc chớ. Nhưng không hiểu sao trong tôi lúc ấy lại nảy ra một sự chờ đợi, chờ đợi Việt Linh và Minh Trang sẽ làm điều gì đó cho sân khấu kịch.
1. “Chữa lành” - một xu hướng của văn học thế giới
Xu hướng “chữa lành” trên toàn cầu xuất phát từ sự nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Theo báo cáo của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người mắc chứng rối loạn tâm thần, tương đương với 970 triệu người. Tới năm 2020, chỉ sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, con số này đã tăng lên đáng kể. Tại Việt Nam, trong khoảng một thập kỉ qua, tình trạng tự tử của thanh thiếu niên đã tăng hơn 40%. Những con số đáng báo động ấy là hồi chuông cảnh báo mỗi cá nhân và xã hội cần quan tâm nhiều hơn tới tình trạng sức khỏe tinh thần. Chính vì lẽ đó, trên thị trường hay các phương tiện truyền thông, rất nhiều sản phẩm, văn hóa phẩm phục vụ nhu cầu xoa dịu tâm hồn con người ngày càng phổ biến rộng rãi, trong đó có văn học.
Với phương tiện ngôn từ vốn là chất liệu tự nhiên của mỗi cá nhân, phương pháp viết trị liệu không đòi hỏi cầu kì trong sáng tác, có thể áp dụng được cho mọi đối tượng, nên được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn cả. Viết chữa lành là một phương pháp chữa lành cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận. Đối với người sáng tác, việc viết về nỗi đau là một cách đối diện, từ đó sẽ có những biến chuyển, đưa đến những nhận thức khác về các giá trị sống đã từng bị chấn thương bóp méo. Đối với người tiếp nhận, nỗi đau “tiêu hóa” bằng sự sẻ chia và đồng cảm. Đồng thời những kinh nghiệm thoát khỏi sang chấn tâm lí của người viết cũng sẽ ảnh hưởng tới người đọc và đồng hành cùng họ trong quá trình tự chữa lành.
Giữa bối cảnh nhập nhèm của một thị trường viết chữa lành xô bồ, có rất nhiều người quan ngại về khả năng thực sự của phương pháp trị liệu này. Liệu viết có thực sự chữa lành hay không? Nhiều người cho rằng chữa lành vốn là chức năng thường trực của văn chương và bản thân hành động viết đã là sự chữa lành đối với người sáng tác. Nhưng nếu thế, tại sao từ cổ chí kim, biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn lẫy lừng vẫn chọn những cách cực đoan nhất để kết thúc cuộc đời mình? Ắt hẳn để văn học có tác dụng chữa lành thực sự, để văn học chữa lành khác với chức năng chữa lành vốn có của văn chương, phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này sẽ gắn liền với tâm lí học trị liệu. Trong bài viết Viết có chữa lành được không?, Khải Đơn cho rằng “chữa lành không có nghĩa là tô vẽ nỗi đau cho đậm nét”. Có những bài viết về chấn thương của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã mô tả chi tiết cảm giác lúc bị bạo hành, bị cưỡng hiếp như thế nào. Những sáng tác ấy không tài nào chữa lành được mà chỉ đưa nạn nhân trở lại với thời khắc của bạo lực, với sự bất lực của bản thân và nỗi căm thù không thể nào xóa bỏ. Ngoài ra, tuy viết chữa lành không đòi hỏi người sáng tác phải có cảm nhận nghệ thuật tinh tế như một nhà văn, nhà thơ thực thụ nhưng việc sử dụng những hình tượng sống sượng, ngôn từ thô kệch sẽ đơn giản hóa nỗi đau, gợi nên cảm giác đau đớn thông thường chứ không đưa ta đến với rung động thẩm mĩ hay những suy tư sâu sắc. Nhìn chung, biết được giới hạn trong việc “viết chữa lành” là cách để người viết không sa đà vào những cảm xúc tiêu cực quanh quẩn. Đồng thời, người đọc cũng có thể đặt ra một giới hạn tiếp nhận để có thể chọn lọc những tác phẩm đem lại cảm giác đồng cảm, chia sẻ hơn là kích phát kí ức đau đớn sống dậy.
Xu hướng chữa lành đang hiện diện trong dòng chảy văn học thế giới. Ở khu vực các nước sử dụng tiếng Anh, có rất nhiều tác phẩm chữa lành đa dạng về thể loại được công bố và được công chúng tiếp nhận. Về tiểu thuyết có We are the light (Chúng ta là ánh sáng) của Matthew Quick, Time of the locust (Thời đại châu chấu) của Morowa Yejide, Y của Marjorie Celona, The why of things (Tại sao mọi sự xảy đến) của Elizabeth Hartley Winthrop, A quiet life (Một đời bình lặng) của Ethan Joella, The life list of Adrian Mandrick (Danh sách cuộc đời của Adrian Mandrick) của Chris White, The map of salt and stars (Bản đồ của muối và sao) của Zeyn Joukhadar... Đa phần các tác phẩm này được dẫn dắt theo hành trình chữa lành, đi từ thời điểm khó khăn nhất của nhân vật, phải vật lộn để sống với sang chấn tâm lí, đến khi nhận thức lại chấn thương và các giá trị sống rồi dịu lòng trở lại. Còn về thơ, đây là một địa hạt màu mỡ sản sinh rất nhiều tác giả - tác phẩm. Nổi bật trong số các cây bút thơ chữa lành phải kể đến Rupi Kaur. Nữ nhà thơ Canada gốc Ấn này không chỉ sở hữu tập thơ đầu tay Milk and Honey (Sữa và mật) nằm trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times, được dịch ra nhiều thứ tiếng và tiêu thụ 3,5 triệu bản trên toàn cầu, mà cô còn được các nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Masini đã thực hiện luận án tiến sĩ có tên Rupi Kaur’s Poetry: Trauma and Healing (Thơ ca của Rupi Kaur: Chấn thương và chữa lành) để mổ xẻ về chấn thương, ẩn ức trong thơ của Rupi Kaur, đồng thời cũng làm rõ quá trình chữa lành bằng cách sáng tác của nữ thi sĩ này. Không dừng lại ở một cái tên lừng danh, thơ chữa lành còn hiện diện đầy rẫy trên mạng xã hội, với những cây bút không chuyên. Có một số cá nhân, tổ chức đã tập hợp những bài thơ hay lại để đưa vào một chuyên mục trên website (chẳng hạn như chuyên mục Poems of Sickness, Illness, and Recovery của Poetry Foundation), hoặc blog. Thậm chí, hệ thống chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của Liên hợp quốc cũng phát động sáng tác thơ chữa lành rồi biên tập lại thành một tác phẩm mang tên Sauti. Có thể thấy, văn học chữa lành đang là mối quan tâm trên toàn cầu.
Ở châu Á, tình hình có một chút khác biệt. Tại Trung Quốc, các sáng tác văn chương chữa lành dường như không quá phát triển. Theo khảo sát từ mạng xã hội zhihu, có thể thấy những tác phẩm chữa lành đúng nghĩa thường là văn học dịch từ tiếng Anh. Điểm đặc biệt nhất của tình hình “chữa lành” tại nước này là sự hình thành một ngách mới trong thể loại tiểu thuyết ngôn tình - chữa lành cứu rỗi. Đa phần các tác phẩm thuộc thể loại này đề cập đến chấn thương tâm lí của nam hoặc nữ chính và quá trình tình yêu chữa lành những tổn thương ấy. Tuy nhiên, thị trường tản văn chữa lành tại đất nước tỉ dân lại khá sôi động. Các tác phẩm như 999 lá thư gửi cho chính mình của Miêu Công Tử, Đợi đi... vết thương nào rồi cũng lành của Lư Tư Hạo, Ngoảnh lại đã một đời của Bạch Lạc Mai... không chỉ được đón nhận tại Trung Quốc mà còn được phổ biến tại các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Tại Hàn Quốc, tiểu thuyết chữa lành được dự đoán sẽ trở thành một thể loại thịnh hành. Những tác phẩm này thường mang lại cảm giác thư thái, giúp an ủi và tiếp thêm sinh lực cho người đọc. Vì mục tiêu cốt yếu là cảm giác thư giãn nên các tác phẩm tiểu thuyết chữa lành của Hàn Quốc thường không có cốt truyện phức tạp mà tập trung vào các vấn đề như sự đồng cảm, chữa lành, an ủi... Dòng chảy văn học chữa lành Hàn Quốc cũng tràn vào Việt Nam, tiêu biểu có Cửa hàng tiện lợi bất tiện của Kim Ho Yeon.
Dẫu Hàn và Trung có những bước chạy hòa vào xu thế chữa lành chung thế nào, cũng không bì kịp với thị trường chữa lành tại Nhật Bản. Ở xứ sở hoa anh đào, chữa lành có một từ riêng, gọi là “iyashi”. Người Nhật không đợi đến mấy năm gần đây mới nói về chữa lành mà họ đã phổ biến khái niệm này trên truyền thông đại chúng từ những năm 1980. Bởi vì có lịch sử hình thành lâu đời nên văn học Nhật Bản nhanh chóng hình thành một thứ thi pháp chữa lành riêng, tập trung vào việc gợi không gian đầy cảm giác với những đoạn văn miêu tả miên man, không phục vụ cho việc phát triển tình tiết truyện. Những nhà văn nổi tiếng gắn với tiểu thuyết chữa lành Nhật Bản có Murakami Haruki, Yoshimoto Banana, Kurita Yuki, Seo Maiko, Oshima Masumi...
2. Thơ “chữa lành” ở Việt Nam trên mạng xã hội
Khi xu hướng văn học chữa lành tiến vào Việt Nam, các thể nghiệm xuất hiện ở các thể loại có dung lượng ngắn như thơ, tản văn hoặc truyện ngắn. Tại thị trường Việt Nam chưa xuất hiện các tiểu thuyết chữa lành nổi trội.
Thơ chữa lành tại Việt Nam đa phần sinh ra, bước ra từ không gian mạng xã hội. Với những đặc trưng như tính nhanh chóng, tiện lợi, xác suất tiếp cận với đối tượng người đọc mục tiêu cao, mạng xã hội nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ để các cây bút trải lòng. Không những thế, mạng xã hội còn tạo được một cộng đồng mà ở đó người ta sáng tác và tiếp nhận lẫn nhau, mang tới sự sẻ chia, đồng cảm, thứ mà tâm lí học trị liệu gọi là liệu pháp trị liệu liên cá nhân. Có nhiều nhà nghiên cứu đề cao liệu pháp này cho rằng, chấn thương tâm lí của một người đa phần đến từ sự gãy đổ liên kết giữa cá nhân với tha nhân. Thế nên việc khôi phục lại sự gắn kết này bằng những lời khuyến khích, khen ngợi, động viên, thông cảm sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình lành thương.
Với đối tượng sử dụng mạng xã hội chủ yếu là Gen Y và Gen Z, đồng thời với đặc trưng của từng loại mạng xã hội mà ở Việt Nam, thơ chữa lành được sáng tác và tiếp nhận sôi nổi nhất trên facebook và instagram. Một số tài khoản được quan tâm nhiều: @apoembeforeyougo, @giakypoem, @alistenerneedsalistenertoo, @poem.from.a.virgin.mind... trên instagram; Châu sa đáy mắt, Linh Pham, Xanh Lam... trên facebook. Trong xu hướng văn học mới này, có những cái tên khá uy tín trên thi đàn và có số lượng tuyển tập tác phẩm được xuất bản, tái bản nhiều lần - Nhược Lạc và Lu.
Nhìn chung, thơ chữa lành là những bài thơ được sáng tác nhằm mục đích chữa lành các vấn đề tâm lí cho người viết thông qua quá trình viết trị liệu, cũng như chữa lành cho người đọc thông qua quá trình đọc trị liệu, kể cả khi người viết lẫn người đọc có chủ đích thực hiện các phương pháp trị liệu này một cách bài bản hay không. Bản thân thơ chữa lành được sáng tác khi người viết có ý thức viết để chữa lành vết thương tâm hồn của cá nhân cũng như người đọc đọc một bài thơ trong sự đồng cảm và khao khát chữa lành chính mình. Việc sáng tác thơ chữa lành có thể đưa người viết tới một nhận thức mới về chấn thương, đồng thời cũng sẽ có cách tiếp nhận khác để chấn thương ấy không còn giày vò tinh thần, tâm trí họ. Nội dung thơ chữa lành xoay quanh nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng luôn bám sát hai giai đoạn cơ bản của quá trình vượt qua sang chấn: (1) đối diện với chấn thương, (2) nhận thức lại và kết nối lại với cuộc sống.
Ở giai đoạn (1) người viết phải đối diện với những chấn thương tâm lí của mình, phơi bày những kí ức khiến họ đau khổ. Điều đầu tiên mà người bệnh cần làm được để khởi động quá trình chữa lành đó chính là đối diện với chấn thương của mình bằng cách thừa nhận rằng bản thân đang đau đớn, đang cảm thấy kiệt quệ với cuộc đời này, ví như mày vẫn sống, nhưng sống còn thua chết/ nay và mai đời mày vẫn giống hệt hôm qua/ từng tế bào trong mày đang thảm thiết xin tha/ mày cứ sống như thế thì thà mày đã chết/ không phải tao không biết/ giá mà tao được quyền giết chính tao/ được biến mất mà không đả động đến kẻ nào/ chứ giờ tao chết sao/ thì họ cũng có cớ để xôn xao bàn tán (thơ Châu sa đáy mắt, đăng facebook ngày 24/11/2023).
Trong thực tế, việc có thể phát ngôn và thừa nhận về tình trạng của mình là một bước tiến lớn trong quá trình trị liệu bởi phần lớn những người bị sang chấn gặp rất nhiều trở ngại để có thể nói lên vấn đề của mình. Đối diện với chấn thương không có nghĩa là bắt người bệnh đứng dưới một sự thật trần trụi hay lôi tuột họ quay lại và sống với những thời khắc gian nan trong quá khứ. Quá trình này chỉ nên nhìn nhận cảm xúc thật sự của mình, nhìn xem những tháng năm qua mình đã đau đớn, chật vật như thế nào và dừng việc cố gắng nói với thế gian rằng mình vẫn đang tốt đẹp. Để viết về những vấn đề kinh khủng nhưng không tạo ra cảm xúc tiêu cực quá nặng nề, người viết có thể sử dụng ẩn dụ, các cách diễn đạt mơ hồ hóa sự kiện để li kiến với nỗi đau, tránh đối diện trực tiếp với chấn thương trần trụi. Những bài thơ này hầu hết tập trung nhìn nhận, đối diện với cảm xúc của chính mình hơn là mô tả nguồn gốc chấn thương.
Kết nối lại với cuộc sống và sự tái hòa nhập với các mối quan hệ xung quanh là một vấn đề quan trọng của quá trình chữa lành. Ở giai đoạn (2) để có thể đạt được mục tiêu nhận thức lại và kết nối lại với cuộc sống, thơ chữa lành phải đơn giản như cuộc sống đời thường. Người viết có thể sử dụng những từ ngữ phổ biến để nói về những vấn đề đơn giản, dung dị của cuộc sống. Bên cạnh đó, lời thơ thường mạch lạc, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tránh những diễn đạt phức tạp. Trong giai đoạn này, những cảm xúc và biến chuyển thường thấy ở người sáng tác là bắt đầu xuất hiện cảm giác thèm sống sau những đêm dài chán nản vật lộn giữa ranh giới sống - chết. Họ dần chấp nhận tổn thương là một điều đã xảy ra, là một lịch sử trong kiếp người này. Có những người dần khỏe lại và cảm giác dạt dào tình yêu với cuộc sống lại bắt đầu chan chứa. Có người lại thấy bình yên trong những củi gạo mắm muối đời thường kiểu như: đi về rửa bát quét nhà/ tưới cây vo gạo luộc gà nhặt rau/ không ngồi đợi những mai sau/ cũng không nằm nhớ cuộc đau năm nào/ nếu đời là giấc chiêm bao/ cảm ơn đã để em vào ru tôi (thơ Lu, đăng trên instagram ngày 13/6/2022).
Ngoài hai giai đoạn trên, thơ chữa lành tại Việt Nam còn có một nhánh nội dung khá nổi trội là đối thoại với người đọc. Nhìn chung, trong nhóm thơ này, tác giả thường tự xưng là “mình” và thương mến gọi nhóm độc giả mục tiêu của mình là “em”. Điều này sẽ tạo ra sự vỗ về, bảo bọc, che chở do nghĩa của từ “em” thường để dành cho một người nhỏ tuổi hơn hay kém vai vế hơn trong một mối quan hệ. Không những thế, từ “em” còn mang sắc thái nhỏ bé, cần được chăm sóc, quan tâm. Tác giả có xu hướng hướng tới những người đọc nhỏ tuổi, ít kinh nghiệm với những chấn thương, va vấp hơn mình. Đa phần những bài thơ đối thoại với người đọc thường xoay quanh hai vấn đề chính: thứ nhất, người viết thấu hiểu sự đau khổ, khó khăn của người đọc từ đó công nhận nỗ lực sống của họ; thứ hai, người viết khuyên và mong muốn người đọc vượt qua chấn thương, ở lại với cuộc đời lâu hơn. Thông qua những bút pháp riêng, thơ chữa lành mang tính đối thoại tiếp cận tới độc giả, tạo nên sự chia sẻ, thông cảm, giúp người viết kết nối với người đọc. Có thể nói, người viết tạo ra thơ chữa lành với mục đích chữa lành bản thân nhưng đồng thời thông qua quá trình tiếp nhận, những tác phẩm cũng có thể tiếp cận và chữa lành người đọc. Người đọc đồng cảm với vấn đề của người viết. Trong quá trình tương tác đó, người viết và người đọc gắn kết với nhau, hoàn thành mục tiêu cuối cùng trong quá trình chữa lành - kết nối xã hội.
Thơ chữa lành coi trọng việc xây dựng lại mối quan hệ giữa người với người nên đặc điểm hình thức cũng xoay quanh mục tiêu này. Đa phần thơ chữa lành đều có hình thức đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thơ chữa lành thường được sáng tác bằng các thể quen thuộc như thơ tự do, thơ năm chữ, lục bát... Ngoài ra, ngôn ngữ thơ không triết lí, bác học mà đời thường, đôi khi có thêm phần hồn nhiên, tươi trẻ. Kết hợp với thể thơ đơn giản, ngôn từ bình dị ấy là giọng điệu nhẹ nhàng. Thơ chữa lành luôn nhẹ nhàng, không lên gân gay gắt kể cả khi đề cập đến những vấn đề bi quan, tiêu cực nhất. Chính sự đơn giản, nhẹ nhàng, dịu êm đã tạo nên đặc điểm hình thức rất đỗi đặc trưng cho loại thơ này.
Có thể nói, thơ chữa lành không chỉ là một hiện tượng văn học mới tại Việt Nam mà còn là một nhu cầu bức thiết của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Ở thời điểm hiện tại, chấn thương có mặt ở khắp mọi nơi từ gia đình tới nhà trường, từ thế giới thực cho tới mạng xã hội ảo. Chính vì thế, văn học chữa lành xuất hiện để dùng sự ấm áp vỗ về những tâm hồn rạn vỡ. Có thể nói, nếu đặt văn học chữa lành nói chung, thơ chữa lành nói riêng trên mạng xã hội tiếng Việt bên những trào lưu văn học khác, các tác phẩm chữa lành sẽ yếu thế hơn nhiều. Văn học chữa lành có thể chỉ là một xu hướng, hiện tượng lướt ngang đời sống văn học của thế kỉ XXI nhưng cũng có thể sẽ ghi dấu ấn trong lòng người viết lẫn người đọc nhờ những giá trị thiết thực và do đó xứng đáng được quan tâm nhiều hơn.
Nguyễn Tiểu Linh
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 21.6.2024.
Bài hát nổi tiếng “Trở về mái nhà xưa” (Torna a Surriento) của Ernesto de Curtis (Ý) được Phạm Duy viết lời Việt đã ngân vang từ nhiều năm nay và thường được hiểu như một bài ca về về tình hoài hương hay nói về tình yêu nhưng sự thực không phải thế.
(Đọc Đêm của Elie Wiesel, Nxb Hội Nhà văn & Tao Đàn, 2019)
“Ngày hôm nay, tôi không cầu nguyện nữa. Tôi không đủ khả năng rên rỉ mãi. Trái lại, tôi cảm thấy rất mạnh mẽ. Tôi là người tố cáo. Và bị cáo: Đức Chúa. Đôi mắt tôi mở ra và tôi đơn độc, vô cùng đơn độc trong thế giới, không có Chúa, không có loài người. Không tình yêu cũng không thương xót. Tôi chẳng là gì ngoài tro bụi, nhưng tôi lại thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn Năng đã bó buộc cuộc đời tôi bấy lâu nay.”
Trong số những bản thảo còn sót lại của Franz Kafka, Vụ án là một trong những văn án được đánh giá cao nhất. Có người xem đó như một sự tái hiện huyền thoại của Adam và Eva khi ăn phải trái cấm rồi bị đuổi khỏi Vườn Địa đàng. Thế nhưng, Vụ án khi được nhìn lại sau 100 năm phải chăng còn là một lời tiên tri, lời tiên tri dành cho vụ án kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại - án oan của những con người Do Thái dưới sự cai trị tàn bạo của Adolf Hitler?
Mở đầu Vụ án là sự việc nhân vật Joseph K đối diện với cáo buộc về một tội danh anh không hề hay biết. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình Joseph K miệt mài tìm cách giải oan cho mình ngay cả khi không biết tội trạng của bản thân là gì và thậm chí, mù tịt luôn cả việc ai là người đưa ra cáo buộc dành cho anh. Tương tự với Joseph K, người dân Do Thái trong suốt bốn năm Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra đã trở thành bị cáo không tội trạng, bị bắt bớ, giam cầm và tàn sát trong những trại tập trung được bày bố rộng khắp châu Âu dưới sự cai quản của Phát xít Đức. Là một người Do Thái, đồng thời là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của nạn diệt chủng, Elie Wiesel đã bất chấp những đau đớn, dày vò khi lục tìm trong ngăn hòm kí ức từng trải nghiệm đau thương thời gian bị nhốt trong những trại tập trung từ thuở thiếu thời để viết nên Đêm - câu chuyện mà “nếu trong cuộc đời tôi chỉ được viết một cuốn sách duy nhất, thì có lẽ sẽ là cuốn sách này” (Elie Wiesel).
Đêm không phải là một thiên sử thi đồ sộ viết về chiến tranh nhưng lại càng không phải là gói gọn của một buổi đêm đầy biến động. Trái lại, câu chuyện sự nối dài của những màn đêm tăm tối, vô vọng đến không lối thoát - màn đêm của tự nhiên, của thời cuộc và của số phận những con người Do Thái. Từ năm 1941, những trại tập trung được dựng nên, trở thành mức hành hình cao nhất đối với người Do Thái. Nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng, là cơn ác mộng của đời thực. Trại tập trung: nơi người ta chứng kiến linh hồn của mình, gia đình, bạn bè từng ngày một dần mòn chết đi. Bước vào đó, mỗi người đều phải thực hiện nghi thức “gột rửa”. Giống như bước sang một trang mới của cuộc đời, nghi thức này như tẩy sạch đi con người của quá khứ, cuốn trôi đi những tháng ngày tươi đẹp và để lại duy nhất sự hoang mang, trống rỗng cùng nỗi sợ hãi tột cùng. Từ thời khắc đó, mỗi một người Do Thái với thân thể kiệt quệ, rỗng tuếch phải vật vã từng ngày, chạy đua từng ngày để tranh giành từng hơi thở, níu kéo từ giờ phút được sống mà chẳng biết rằng trên chính đường đua đó, người ta từng bước một lún sâu vào địa ngục, từng bước một đến gần với cái chết. Bởi lẽ, bước chân vào trại tập trung, thứ đầu tiên người ta bị tước đoạt chính là nhân hình: họ bị đánh đập bởi đòn roi tàn nhẫn, bị vắt kiệt bởi những căn bệnh không được chạy chữa, bởi cái đói từ những bữa ăn cầm hơi và cái giá lạnh trước sự thiếu vắng tình người.
Trại tập trung không chỉ phá nát vỏ bọc thân xác của con người mà lấy đi cả phần cốt cách của con người, lấy đi thứ phân biệt con người ta với những loài súc sinh vô tình - nhân tính. “Ở đây, mỗi người phải đấu tranh cho chính mình và đừng nghĩ đến những người khác. Thậm chí không nghĩ đến cha mình. Ở đây, cha không có nghĩa lý nữa, không anh em, không bạn bè. Mỗi người sống và chết cho chính mình, một mình.” Nhân tính còn đâu khi người ta bỏ mặc tất cả bao gồm cha mẹ, gia đình mình chỉ vì sự sống của bản thân? Nhân tính còn đâu khi người ta như trở về làm những loài động vật chỉ biết đến sự sống và cái chết của mình, chỉ biết sống bằng cái chết của những kẻ khác? Không còn nhân tính thì sự sống của con người có còn nghĩa lý ngoại trừ những vỏ bọc rủng roảng cùng một linh hồn chết ngấm?
Trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich có viết: “Chiến tranh kết thúc... phải học lại lòng trắc ẩn. Nhưng chúng ta có thể tìm lại lòng trắc ẩn từ đâu?” Đúng thế, chúng ta có thể tìm lại lòng trắc ẩn, tìm lại linh hồn, nhân tính của mình từ đâu khi mà cuộc chiến kia đã đánh cắp của ta tất cả? Người ta thường nghĩ máu và xác người nuôi lớn những cuộc chiến nhưng họ lại quên rằng thứ mà hết thảy chúng ta đánh đổi cho mọi cuộc chiến chính là lòng trắc ẩn, sự nhân từ. Để rồi, chiến tranh qua đi, người ta chẳng thể làm gì ngoài ân hận, hối lỗi và dằn vặt chính mình: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ bản thân vì chuyện đó. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho thế giới đã dồn tôi vào bước đường cùng ấy, đã biến tôi thành một con người khác, đã đánh thức trong tôi một con quỷ dữ, tâm trí thấp hèn nhất, bản năng hoang dã nhất”. Chúng ta đã tiêu tốn hàng triệu năm để tiến hoá thành loài người, tự hào vì là loài động vật cao cấp nhất để rồi chỉ bằng việc chọn lựa chiến tranh, chúng ta phủi bỏ hàng triệu năm đã qua mà quay về làm những loài vật vô tri, hung bạo và tàn nhẫn!
Nhà văn Elie Wiesel
Là những đứa con của Chúa, người Do Thái xem đức tin dành cho Ngài là chỗ dựa vững chãi nhất trên đời. Suốt những ngày tháng bị giam cầm trong màn đêm, họ tìm đến Chúa trời, cầu nguyện và van xin. Niềm tin vào Chúa cho họ nghị lực để sống, lí do để tồn tại. Thế nhưng, khi từng đợt tuyển chọn qua đi, từng lần một chứng kiến đồng loại bất lực trong việc giành giật sự sống, liệu niềm tin đó có còn bất di bất dịch và những lời cầu nguyện có còn là lẽ sống? Khi họ cấu xé nhau vì những mẩu bánh mì, tranh giành nhau cơ hội được chữa dứt căn bệnh kiết lị, phỉnh phờ nhau để thoát khỏi sợi dây thừng trực chờ siết chặt cổ mình - Thượng Đế đã làm ngơ! Làm ngơ mặc kệ những con chiên đang oằn mình đón nhận cái chết, làm ngơ trước lời khẩn cầu để được nhìn thấy ngày mai đầy tuyệt vọng. Và rồi Thượng Đế đã chết, chết trong ý niệm của những tín đồ, chết cùng cái chết dần mòn xâm lấn những đứa con của dân tộc Do Thái. Thượng Đế đã chết và con người ta thì buông bỏ khát khao được sống, thất vọng trước Đấng Toàn năng đã bỏ rơi sinh mạng bé nhỏ của mình đến mức phải bán rẻ cả linh hồn để bám trụ từng hơi thở mong manh!
Đêm khép lại khi ánh sáng đã trở về với nhân loại, khi những trại tập trung chỉ còn là trang sử đen tối không ai muốn gợi nhắc. Nhưng liệu ánh sáng của hôm nay có che mờ được vết thương của quá khứ? Người chết không thể sống lại, nhân tính đã đánh đổi không sao đòi về. Con người ta liệu sẽ đi qua quá khứ rồi tiến về tương lai hay chỉ là có thể nỗ lực không ngừng để trốn chạy bóng đêm hồi ức, trốn chạy khỏi con thú dữ có thể sống dậy bất cứ lúc nào bên trong con người mình?
Lam Thảo
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 12.5.2021.
Lịch sử các khóa học sáng tác ở bậc đại học tại Hồng Kông tương đối ngắn. Tuy nhiên, khóa tập huấn sáng tác không chính thức đã tồn tại ở Hồng Kông ít nhất là từ năm 1969. Trong một cuộc phỏng vấn, một nhà thơ nổi tiếng của Hồng Kông , Quan Mộng Nam (关 梦 南), nói rằng ông đã tham dự một khóa tập huấn thơ ca được giảng dạy bởi các nhà văn Hồng Kông là Đái Thiên (戴 天) và Cổ Thương Ngô (古 苍梧) năm 1969, và ông ấy khẳng định rằng kinh nghiệm này giúp ông trở thành một nhà văn, mặc dù ông chưa bao giờ có cơ hội được đào tạo về văn chương ở cấp bậc đại học. Một phần nhờ vào nhà văn Trung Quốc Nhiếp Hóa Linh (聂华), người đồng sáng lập Chương trình Viết quốc tế tại Đại học Iowa, Mỹ, nhiều nhà văn sử dụng tiếng Trung đã được mời học chương trình sáng tác của Đại học Iowa. Ví dụ nhà thơ Đái Thiên, là một trong số họ. Ông ấy nhận bằng Thạc sĩ sáng tác tại Đại học Iowa cuối những năm 1960, và bắt đầu mở các khóa tập huấn viết văn tư ở Hồng Kông ngay sau đó.
Những cơ duyên lịch sử cho việc dịch văn học Việt Nam ra tiếng Anh
Tuy không phải là một nền văn học lớn trên thế giới, nhưng văn học Việt Nam đã đến với người đọc nước ngoài từ lâu bởi một số hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Văn học Việt Nam đến với thế giới đầu tiên qua con đường Pháp ngữ. Nền giáo dục Pháp ngữ đầu thế kỷ 20 đã tạo nên một thế hệ trí thức người Việt giỏi tiếng Pháp, không chỉ tích cực dịch thuật hai chiều Pháp-Việt mà còn hình thành cả bộ phận văn học Việt Nam Pháp ngữ. Nhiều truyện thơ Nôm Việt Nam đã đến với độc giả phương Tây qua con đường Pháp ngữ từ rất sớm, chẳng hạn Truyện Kiều (1884), Lục Vân Tiên (1889), Ngọc Kiều Lê (1862), Bình Sơn lãnh yến (1927), Lục súc tranh công (1944)... tiếp theo đó là hàng loạt sáng tác của những tác giả hiện đại. Thế nhưng hiện nay, ngôn ngữ chủ yếu mà văn học Việt đang dựa vào để tiếp cận độc giả quốc tế lại là tiếng Anh, và phổ biến nhất lại là các tác phẩm văn học hiện đại. Đây cũng là một điều dễ hiểu vì sự thống trị của ngôn ngữ này trên thế giới và ở cả Việt Nam.
Hoạt động dịch thuật văn học Việt Nam sang tiếng Anh có sự góp sức từ nhiều lực lượng ở cả trong và ngoài nước, hoạt động qua sự se duyên của các tổ chức hoặc thuần tuý dựa trên mối quan hệ và động lực cá nhân. Họ đã làm nên một bức tranh phiên bản tiếng Anh của văn học Việt Nam đa dạng sắc màu và mang nhiều hứa hẹn.
Vai trò của giới xuất bản trong nước
Ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, giới xuất bản ở miền Bắc đã ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong hoạt động quảng bá văn hóa – văn nghệ dân tộc ra thế giới. Họ tự mình tìm kiếm dịch giả, tuyển chọn một số tác phẩm tiêu biểu của văn học đương thời và dịch chúng sang tiếng Anh. Nhà xuất bản Ngoại văn (Foreign Languages Publishing House, tiền thân của Nhà Xuất bản Thế giới hiện nay) đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình quảng bá văn chương Việt Nam ra nước ngoài. Không chỉ chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh, nhà xuất bản Ngoại văn còn dịch sang cả tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật và còn cả tiếng Bồ Đào Nha. Điều đó cho thấy khả năng làm việc vô cùng nghiêm túc và tinh thần quảng bá văn chương cực kỳ mạnh mẽ của nhà xuất bản này.
Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được của Nhà Xuất bản Ngoại văn dịch sang tiếng Anh chính là tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao – Chi Pheo and Other Stories (1961) – do Nguyễn Đình Thi dịch. Sau này, vào năm 1983, tuyển tập này lại được phát hành lần nữa trên thị trường. Đến năm 1963, tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan được nhà xuất bản này dịch sang tiếng Anh với nhan đề Impasse. Vào năm 1978, nhà xuất bản Ngoại văn phát hành tuyển tập thơ của Tố Hữu với phiên bản tiếng Anh – Blood and Flowers: The Path of the Poet To Huu (Selected Poems of To Huu) – do hai dịch giả Elizabeth Hodgkin, Mary Jameson chuyển ngữ. Hoạt động dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh của Nhà Xuất bản Ngoại văn sau đó vẫn tiếp tục được duy trì với sự ra đời của hai bản dịch Dairy of a Cricket (1991) – phiên bản tiếng Anh của Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) – và tuyển tập thơ song ngữ Ký ước mắt đen (Memory of Black Eyes) (2009) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Tiếp nối những bước đi đầu tiên ấy, nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng tích cực tuyển dịch các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh. Tuy nhiên, các tác phẩm chuyển ngữ của nhà xuất bản Hội Nhà văn chỉ nở rộ kể từ sau sự kiện Hội nghị Quốc tế Văn học Việt Nam diễn ra vào tháng 01 năm 2010. Lúc này, nhà xuất bản Hội Nhà văn kết hợp cùng với Hội Nhà văn Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội nghị đến từ nước ngoài để cho ra đời những bản dịch tiếng Anh của các tác giả đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn trước đó, trong đó nhà thơ Mai Văn Phấn có đến tận 5 tập thơ được dịch: Bầu trời không mái che: Firmament Without Roof Cover (Collected Poems) (2012), Out of the Dark (Collected Poems): Buông tay cho trời rạng (2013), Seeds of Night and Day (Collected Poems): Những hạt giống của đêm và ngày (2013), The Selected Poems of Mai Văn Phấn (Tuyển tập thơ tiếng Anh) (2015) và Thời tái chế: Era of Junk (Collected Poems) (2019). Thực ra, Mai Văn Phấn được dịch sang tiếng Anh nhiều thế này cũng là một hiện tượng hiếm hoi của thơ ca Việt Nam hiện đại. Các thi phẩm của ông đều rất kén độc giả đại chúng bởi tinh thần cách tân quá mạnh mẽ nhưng thơ Mai Văn Phấn rất được lòng giới hàn lâm ở Việt Nam. Có lẽ, chính tư tưởng phóng khoáng, cảm quan nghệ thuật hiện đại và lối viết cách tân của mình mà Mai Văn Phấn rất được lòng dịch giả, bởi tư duy nghệ thuật của ông đã thoát khỏi khuôn khổ mòn sáo của giới văn nghệ sĩ trong nước mà hòa vào dòng chảy chung của thơ ca thế giới đương đại. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây cũng có khuynh hướng tuyển chọn một số tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn và dịch chúng sang tiếng Anh để đưa đi dự thi các giải thưởng trong khu vực, từ đó, nâng tầm vị thế văn học Việt như trường hợp của tuyển tập thơ song ngữ Lễ tẩy trần tháng Tư – The Purification Festival in April (2005) của Inrasara.
Khi đời sống kinh tế thay đổi, hoạt động dịch thuật các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh cũng sẽ gặp không ít những thách thức bởi quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường. Nếu trước kia, giới xuất bản trong nước chỉ tập trung quảng bá văn chương Việt Nam mà không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề tiêu thụ bởi đã có sự bảo trợ của nhà nước thì ngày nay, các nhà xuất bản nội địa khi tiến hành tuyển dịch một tác phẩm văn chương Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều đến tính thương mại của nó. Có lẽ, chính vì để phục vụ cho thị trường độc giả trong nước trước tiên nên họ chọn những đầu sách best-seller hấp dẫn công chúng hoặc các sáng tác văn học thiếu nhi, với lối dịch đơn giản, cú pháp được sử dụng không quá cồng kềnh, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Các dịch phẩm này được phát hành trong nước đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của độc giả bản địa, tạo nên một môi trường phù hợp để luyện tập và trau dồi ngoại ngữ. Với những bạn trẻ, họ có thể tìm đọc bản tiếng Anh các truyện dài lãng mạn của Dương Thụy như Beloved Oxford (Oxford thương yêu), Paris Through Closed Eyes (Nhắm mắt thấy Paris) hay In the Golden Sun (Cung đường vàng nắng) để luyện tập kỹ năng đọc bằng tiếng Anh của mình. Với các em thiếu nhi, các bậc phụ huynh có thể cho con họ tiếp cận với Dairy of a Cricket (Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài) hay Open the Window, Eyes Closed (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Thuần) nhằm tạo niềm hứng thú cho các bé khi học tiếng Anh. Thêm vào đó, trải nghiệm mà độc giả có được từ một phiên bản khác sẽ mới mẻ và thú vị hơn rất nhiều so với việc chỉ tiếp cận văn bản gốc. Với những độc giả có sự nhạy bén về ngôn từ và có vốn từ vựng phong phú ở cả tiếng Anh và tiếng Việt, họ có thể đối chiếu và so sánh về khả năng biểu đạt của ngôn ngữ giữa bản dịch và bản gốc, hiệu quả thẩm mỹ mà văn bản mang lại, chất lượng bản dịch, v.v. Đó đều là những trải nghiệm rất quý báu mà chỉ có người đọc tự trải qua mới có thể đúc kết được.
Sứ mệnh hữu nghị của Viện William Joiner
Bên cạnh chủ trương, chiến lược của các nhà xuất bản trong nước, văn học Việt Nam hiện đại còn được chuyển ngữ sang tiếng Anh qua ngòi bút của các dịch giả quốc tế, mà phần đông trong số họ đến với văn học Việt Nam thông qua viện William Joiner, một cầu nối văn chương bền bỉ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ suốt mấy mươi năm hậu chiến.
Viện William Joiner là tên gọi tắt của Viện William Joiner Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả xã hội (The William Joiner Institute for the Study of War and Social Consequences), thuộc Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ) hoạt động với chủ trương đẩy mạnh các nghiên cứu học thuật, các chương trình giao lưu về các vấn đề văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội và nhân văn nhằm xoa dịu những vết thương của chiến tranh và hóa giải hận thù giữa các dân tộc. Tiền thân của nó là Trung tâm William Joiner, thành lập vào tháng 10 năm 1982, được đặt theo tên của một cựu binh người Mỹ gốc Phi từng tham chiến ở Việt Nam. Viện William Joiner đã tiến hành dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh nhằm “nối nhịp cây cầu văn chương giữa hai đất nước từng đối diện với nhau bằng súng đạn” (Nguyệt Hà, 2017). Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, trong khi giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ vẫn còn ngần ngại đề cập đến cuộc chiến mà quân đội của họ đã lún sâu ở Việt Nam suốt 20 năm ròng rã thì Viện William Joiner “đã tiên phong và xông xáo mở ra những cánh cửa ẩn chứa nhiều rủi ro: tổ chức một hội nghị quốc tế về chất độc da cam nhằm vạch trần những tác hại khủng khiếp của chất độc da cam lên sức khỏe của con người” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Sau một số cuộc gặp gỡ ngập ngừng bước đầu, Viện William Joiner đã bắc được nhịp cầu văn chương Việt-Mỹ. Đã có gần 100 nhà văn, nhà thơ hiện đại Việt Nam, chủ yếu là các nhà văn cựu binh như Lê Lựu, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Duy, v.v, được đến Mỹ để tham gia những buổi hội thảo văn học do Viện William Joiner đứng ra tổ chức. Bên cạnh đó, Viện William Joiner còn tuyển dịch những tác phẩm thơ ca và văn xuôi Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh với hy vọng những nội dung sâu sắc mà văn học phản ánh sẽ giúp cộng đồng độc giả Hoa Kỳ thấu hiểu hơn những vết thương sâu hoắm mà chiến tranh đã gây ra cho dân tộc của dải đất hình chữ S.
Theo thống kê của Nguyệt Hà (2017), tính đến 2017, Viện William Joiner đã xuất bản ít nhất 14 lượt tác phẩm thơ dịch Việt Nam, trong đó nhiều tác phẩm của những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại đã đến với Mỹ qua các thành viên, cộng tác viên của William Joiner. Các tác phẩm này cũng xuất hiện ở 40 tạp chí văn chương trên khắp nước Mỹ và đã có những tập sách được in riêng, in chung của tác giả Việt Nam – Mỹ được bạn đọc hai nước đón nhận. Trong đó, công trình thơ đầu tiên được tuyển dịch chính là Poems from Captured Documents (1994) do dịch giả Bruce Weigl và tiến sĩ Thanh Nguyễn cùng nhau chuyển ngữ. Ngay từ lúc ra đời, Poems from Captured Documents thực sự đã tạo nên một cơn chấn động bởi cái nhìn của người Mỹ về dân tộc Việt Nam vẫn còn hết sức hà khắc, thậm chí còn ẩn chứa sự “miệt thị và căm giận” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Tuyển tập thơ này đã mang đến cho độc giả Hoa Kỳ những góc nhìn sâu sắc về tâm hồn những người lính Việt: Ẩn sau vẻ ngoài gai góc, anh dũng kia là niềm khắc khoải khôn nguôi về mái ấm gia đình. Đây có lẽ “quyển sách đầu tiên cho người Mỹ thấy rằng những người lính cộng sản cũng là những con người bình thường: họ yêu thơ ca, gia đình, cuộc sống. Họ đau đáu mong đợi hòa bình tung cánh trên dải đất Việt Nam” (Nguyễn Phan Quế Mai, 2018). Sau sự thành công của Poems from Captured Documents (1994), Viện William Joiner tiếp tục giới thiệu những tuyển tập thơ khác của văn học Việt Nam như The Women Carry in River Water (1997), Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 (1998), Distant Road: Selected Poems of Nguyen Duy (1999), 6 Vietnamese Poets (2002), The Time Tree: Selected Poems of Hữu Thỉnh (2003), Green Rice: Poems by Lam Thi My Da (2005), From a Corner of My Yard (2006), v.v. Trong tổng số 33 tập thơ của văn học Việt Nam hiện đại được dịch sang tiếng Anh mà chúng tôi tìm được, có đến 8 tuyển tập là do đội ngũ dịch giả của Viện William Joiner đảm trách phần dịch thuật và biên tập. Trong đó, tuyển tập Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 (1998) của bộ ba dịch giả Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung và Bruce Weigl đã giới thiệu được hầu hết những nhà thơ của văn học Việt Nam hiện đại như Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Tạ Hữu Yên, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều, v.v. Những thi phẩm trong Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars, 1948-1993 phản ánh được toàn vẹn bức tranh đời sống xã hội và thế giới tinh thần của người Việt trong suốt những năm tháng đau đớn chống Pháp (1945-1954) và Mỹ (1954-1975).
Ở mảng văn xuôi, tiểu thuyết Thời xa vắng (A Time Far Past) của Lê Lựu do bộ ba Ngô Vĩnh Hải, Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen dịch là tác phẩm gây chú ý đầu tiên. Ngay từ khi mới xuất bản, A Time Far Past đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả ở nước ngoài. Theo Nguyễn Phan Quế Mai (2018), tạp chí phê bình Kirkus Review đã đánh giá tiểu thuyết này đã “miêu tả chân thực về cuộc sống ở Bắc Việt từ những năm 1950 đến những năm 1980, cung cấp những chi tiết hấp dẫn về văn hóa làng xã”, cùng với đó, “bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết chi tiết sống động này là tác phẩm hay nhất và hấp dẫn nhất mà chúng ta đã thấy từ phía Bắc Việt Nam.” Một nhân vật đáng chú ý khác liên quan đến William Joiner là biên tập viên Wayne Karlin – một cựu thủy binh lục chiến Hoa Kỳ đã từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam. Tuy rằng các công trình dịch thuật của Wayne Karlin không phải do Viện William Joiner cấp kinh phí thực hiện nhưng vai trò cầu nối của Viện trong trường hợp này là rất quan trọng. Bởi nếu không có những buổi hội thảo và giao lưu, gặp gỡ giữa các cựu chiến binh Việt Nam và Hoa Kỳ mà Viện William Joiner đứng ra tổ chức, Wayne Karlin chưa hẳn đã tiếp cận được những tác phẩm văn học Việt Nam tiểu biểu trong giai đoạn văn học Đổi Mới và đặc biệt, mối thâm tình giữa cựu binh này với nhà văn Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái cũng chưa có cơ duyên được xây dựng. Cuốn sách đầu tiên mà Wayne Karlin biên tập và giới thiệu đến công chúng Hoa Kỳ là tuyển tập truyện ngắn Free Fire Zone: Short Stories by Vietnam Veterans (“Vùng bắn phá tự do: Những truyện ngắn của cựu chiến binh Việt Nam”) (1973) tuy nhiên lại không gây được nhiều tiếng vang lớn trong cộng đồng độc giả Hoa Kỳ. Phải đến khi ông cùng Lê Minh Khuê, Trương Vũ biên tập quyển sách The Other Side of Heaven: Post-War Fiction by Vietnamese and American Writers (tạm dịch: “Phía bên kia góc trời: Văn xuôi hư cấu hậu chiến của những nhà văn Việt Nam và Hoa Kỳ”) (1995) thì cái tên Wayne Karlin mới được biết đến rộng rãi trong giới xuất bản bởi tấm lòng nhiệt huyết với văn chương Việt Nam. Tuyển tập này đã mang đến uy tín cho Wayne Karlin khi đạt giải thưởng Paterson 1998, sau đó không lâu, cựu chiến binh Hoa Kỳ này trở thành một biên tập viên chủ chốt cho series sách “Voices from Vietnam” (Những tiếng nói từ Việt Nam) của nhà xuất bản Curbstone. Mỗi năm, Wayne Karlin lại trở thành nhân vật nối kết – giới thiệu những tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại – cho đội ngũ dịch giả của Curbstone để họ tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cho đến nay, đã có 8 công trình dịch thuật thuộc series “Voices from Vietnam” do Wayne Karlin biên tập và giới thiệu được xuất bản, bao gồm tiểu thuyết The Stars, the Earth, the River (1997) được dịch từ nguyên tác Những Ngôi sao, Trái đất, Dòng sông (Lê Minh Khuê), Behind the Red Mist (1998) dịch từ nguyên tác Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái), tiểu thuyết Against the Flood (2000) dịch từ Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), tiểu thuyết Past Continuous (2001) dịch từ Thời gian của người (Nguyễn Khải), tuyển tập truyện ngắn Love after War (2003), tuyển tập truyện ngắn The Cemetery of Chua Village and Other Stories (2005) dịch từ tập truyện Nghĩa địa xóm Chùa (Đoàn Lê), tiểu thuyết An Insignificant Family (2009) dịch từ Gia đình bé mọn (Dạ Ngân). Tất cả đều được công chúng Hoa Kỳ đón nhận và có những phản hồi rất tích cực về chất lượng bản dịch.
Vai trò của các dịch giả tự do
Khi quan sát hoạt động dịch và xuất bản văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy bên cạnh nhóm dịch giả liên quan đến hệ thống xuất bản nhà nước với chủ trương quảng bá văn học, văn hóa, và nhóm liên quan đến Viện William Joiner mang tinh thần hữu nghị Việt-Mỹ, vẫn còn có những dịch giả khác không liên quan đến hai nhóm này. Họ có thể là người Việt sống ở trong nước hoặc hải ngoại, hoặc có thể là người nước ngoài chọn dịch tác phẩm vì lý do cá nhân hoặc lý do thuần văn học chứ ít chịu ảnh hưởng bởi các đường lối chính trị, ngoại giao của tập thể hay chiến lược thương mại của một nhà xuất bản. Chúng tôi tạm gọi họ là các dịch giả tự do.
Sau năm 1975, có một lượng lớn người Việt rời khỏi đất nước, sống lưu vong và hình thành, phát triển nên những cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Thời gian đầu, họ phải lo bám trụ lại xứ người nên chưa đủ sức để quan tâm nhiều đến các vấn đề văn học nghệ thuật, lại càng ít quan tâm đến việc quảng bá văn học. Đến thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, đời sống văn học Việt Nam hải ngoại khởi sắc hơn nhưng đó cũng là lúc người Việt tha hương thế hệ đầu sau 1975 bắt đầu chứng kiến sự đứt gãy các kết nối văn hóa với thế hệ kế tiếp. Bên cạnh nỗ lực gìn giữ tiếng Việt, những dịch giả Việt Nam ở nước ngoài dần dần lưu tâm đến những tác phẩm xuất sắc của văn chương Việt thời hiện đại, và tìm cách dịch chúng sang tiếng Anh với hy vọng để cho những thế hệ thứ hai, thứ ba của lớp người Việt di dân kể từ sau năm 1975 có thể tìm đọc và lưu giữ những bản sắc văn hóa của tổ tiên. Do đó, việc chuyển ngữ các văn bản văn học Việt Nam sang tiếng Anh không chỉ là một cách giới thiệu văn chương Việt đến bạn đọc quốc tế mà trước hết, nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính các dịch giả người Việt nước ngoài. Hoạt động dịch thuật ấy như một cách để những thế hệ người Việt sau này – những thế hệ sinh ra ở nước ngoài và hít thở bầu khí quyển của văn hóa phương Tây, sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ mẹ đẻ – có thể tìm thấy linh hồn mình đâu đó ở những phiên bản tiếng Anh của văn chương Việt. Vì vậy, dịch các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh không còn đơn thuần là tinh thần quảng bá văn chương nữa mà nó đã mở rộng sang ở tinh thần tự tôn dân tộc, giữ lấy những bản sắc riêng của văn hóa quê hương mình. Để rồi từ những bản dịch tiếng Anh ấy, đội ngũ dịch giả người Việt ở nước ngoài mới bắt đầu hướng đến mục đích để cho bạn đọc trong cộng đồng mình đang sinh sống, rồi cả bạn bè quốc tế lắng nghe thanh âm của tâm hồn người Việt trong những năm tháng biến động của lịch sử đất nước.
Có một điều đáng chú ý là hầu hết các dịch giả người Việt định cư ở nước ngoài mà đảm trách phần dịch thuật văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh đều là những người có chuyên môn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cụ thể hơn, họ đều là những giáo sư văn chương ưu tú ở giới học thuật Hoa Kỳ. Chẳng hạn dịch giả Huỳnh Sanh Thông là giáo sư giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam cho người nước ngoài ở Đại học Yale. Dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm, vốn là giảng viên giảng dạy ở Trường Viết văn Nguyễn Du, sau này sang Hoa Kỳ định cư và trở thành giảng viên dạy tiếng Việt ở Đại học California, Berkeley. Dịch giả Thúy Tranviet cũng là một giảng viên cao cấp của Khoa Châu Á học của Đại học Cornell. Với tri thức sâu rộng, khả năng ngôn ngữ Việt – Anh đạt đến kỹ năng điêu luyện cùng những trải nghiệm văn hóa sâu sắc ở cả hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, đội ngũ dịch giả này đã mang đến cho độc giả nước ngoài những bản dịch có chất lượng rất tốt, nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc. Những công trình dịch thuật của họ hầu hết đều được đánh giá rất cao và trở thành những bản dịch chuẩn mực, thậm chí còn được đưa vào giáo trình giảng dạy cho các môn học về Việt Nam của nhiều trường đại học trên thế giới. Ví như tuyển tập thơ ca An Anthology of Vietnamese Poems: From Eleventh through the Twentieth Centuries (2001) của Huỳnh Sanh Thông là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn học Việt Nam ở lĩnh vực thơ ca bởi đã giới thiệu được gần như toàn vẹn bức tranh thơ ca Việt Nam hiện đại trải dài trong suốt thế kỷ XX. Hay như Dumb Luck (2002), phiên bản tiếng Anh của tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do hai vợ chồng dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman dịch thuật đã tạo nên thành công vang dội cho văn chương Việt Nam ở văn đàn quốc tế. Bản dịch của Số đỏ, vào năm 2003, đã được tạp chí Los Angeles Times đưa vào danh sách một trong những tiểu thuyết nước ngoài hay nhất trong thị trường sách ở Mỹ năm đó. Hay như bản dịch tiếng Anh của phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây (Vũ Trọng Phụng) – The Industry of Marrying European (2003) – do Thúy Tranviet dịch cũng được giới chuyên môn ở Hoa Kỳ đánh giá cao bởi chất lượng dịch thuật. Bản dịch này là một trong những công trình nghiên cứu về văn hóa khu vực Đông Á do Đại học Cornell tài trợ và đã trở thành tác phẩm tiêu biểu cho giới chuyên môn quốc tế khi nghiên cứu về dòng văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX.
Bản dịch Other Moons: Vietnamese Short Stories of the American War and Its Aftermath (2020) mà dịch giả Hà Mạnh Quân hợp tác cùng giáo sư Joseph Babcock (Đại học San Diego) cũng là một tuyển tập truyện ngắn rất đáng đọc khi đã mang đến 20 tác phẩm sâu sắc về ký ức chiến tranh và dư chấn tinh thần sau cuộc chiến. Dịch giả Hà Mạnh Quân là giáo sư ở Đại học Montana và đang đảm nhận vị trí Phó Trưởng khoa Ngữ văn Anh tại đại học này. Hà Mạnh Quân có thời gian dài sống ở Việt Nam và tốt nghiệp thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Đà Lạt vào năm 2000. Sau đó, ông đạt được học bổng du học ở Hoa Kỳ. Sau thời gian học tại Mỹ, Hà Mạnh Quân định cư tại đây. Chính vì vậy, khác với những dịch giả ở trên di cư sang nước ngoài từ thập niên 70 chủ yếu tuyển dịch các tác phẩm văn học Việt Nam trước năm 1945, Hà Mạnh Quân lại chủ trương dịch các sáng tác của văn học chiến tranh cách mạng. Ngay từ khi mới có thông tin xuất bản, quyển sách của Hà Mạnh Quân và Joseph Babcock đã được giới thiệu ở tủ sách đáng mong chờ trong năm 2020 của tạp chí The New York Times.
The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Frank Palmos và Phan Thanh Hảo là bản dịch xuất hiện rất sớm và mang dấu ấn cầu nối trong và ngoài nước rất rõ rệt. Ở Hà Nội, Phan Thanh Hảo đã dịch Nỗi buồn chiến tranh không lâu sau khi nó ra đời và gây dư luận ở Việt Nam. Sau khi bản dịch của Phan Thanh Hảo được chuyển đến nhà xuất bản Martin Secker & Warburg, người biên tập mảng sách văn chương của nhà xuất bản lúc đó – Geoffrey Mulligan – đã chuyển cho Frank Palmos với hy vọng bằng những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường từng có thời gian làm việc tại Việt Nam, ông có thể hiệu đính bản dịch một cách xác tín nhất dựa trên bản dịch thô của Phan Thanh Hảo. Bằng sự tận tình và tình yêu mến với tác phẩm, Frank Palmos đã lặn lội đến Hà Nội, cùng gặp gỡ Bảo Ninh và Phan Thanh Hảo, kết hợp cùng những trang báo viết về chiến tranh Việt Nam, để đối chiếu từng chi tiết trong bản dịch với nguyên tác. Sau 7 tháng miệt mài, The Sorrow of War được nhà xuất bản Martin Secker & Warburg (Anh) cho ra mắt độc giả, nhanh chóng gây tiếng vang trên văn đàn quốc tế, lọt vào danh sách Sách ngoại văn hay nhất năm 1994 do tờ The Independent bình chọn, và danh sách 50 bản dịch hay nhất của thế kỷ XX do Hiệp hội các tác giả của Vương quốc Anh bình chọn năm 2010.
Greg Lockhart cũng là người dành rất nhiều tình cảm với văn chương Việt Nam hiện đại với các dịch phẩm The General Retires and Other Stories (1992) từ nguyên tác Tướng về hưu và các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, và là đồng dịch giả với Monique Lockhart trong công trình The Light of the Capital: Three Modern Vietnamese Classics (1996). Vốn là một cựu binh từng chinh chiến ở chiến trường Việt Nam, sau khi giải ngũ, Greg Lockhart trở thành một nhà sử học và đồng thời là một tác giả cho ra đời những tiểu luận nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam và bi kịch của những quân nhân Australia khi tham chiến ở vùng đất này. Ký ức về Việt Nam trong những tháng ngày chiến đầu cứ đeo bám Greg Lockhart. Chính vì vậy, đến một lúc, Greg Lockhart cũng muốn làm một điều gì đó cho đất nước và con người Việt Nam. Và thế là ông đã tự mình chuyển ngữ các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh như một cách để thể hiện tình yêu mến của mình với quốc gia này. Ngay sau khi phát hành, phiên bản tiếng Anh của Tướng về hưu do Greg Lockhart đảm trách dịch thuật đã khiến cộng đồng độc giả quốc tế hết sức bất ngờ bởi một Nguyễn Huy Thiệp rất sâu sắc, hiện đại và ngay thẳng của nền văn học Việt Nam sau Đổi Mới. Chính nhờ Greg Lockhart, kể từ sau năm 1992, thế giới biết đến một Nguyễn Huy Thiệp. Chính nhờ Greg Lockhart và Monique Lockhart, thế giới cũng biết đến những Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Nguyên Hồng với những trang phóng sự và hồi ký đầy chân thực của những nhà văn Việt Nam trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XX.
Ngoài ra, văn học Việt Nam hiện đại cũng rất ghi nhận sự đóng góp của các dịch giả nước ngoài thuộc lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm. Ví như Paul Hoover – một giáo sư của chuyên ngành sáng tác của Đại học bang San Francisco. Bên cạnh công việc giảng dạy, Paul Hoover còn là một nhà thơ có tiếng của Hoa Kỳ. Với những ưu thế của một nhà thơ bản ngữ, Paul Hoover sau này đã trở thành một dịch giả rất có tài khi phần lớn công trình dịch thuật của ông đều liên quan đến lĩnh vực thơ ca. Những tuyển tập thơ dịch nổi tiếng nhất của Paul Hoover chính là Black Dog, Black Night: Contemporary Vietnamese Poetry (2008) mà ông cùng Nguyen Do chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay một tuyển tập khác được dịch từ các thi phẩm của Nguyễn Trãi, Beyond the Court Gate: Selected Poems of Nguyen Trai (tạm dịch: “Bên ngoài hoàng cung: Một số thi phẩm tuyển chọn của Nguyễn Trãi”) (Counterpath Press, 2010). Hay đó là một Aileen Y. Palmer – một nhà thơ, một chính trị gia và một dịch giả. Từng có thời gian tham gia Đảng Cộng sản Australia, Aileen Palmer có một cảm tình đặc biệt với những nhà thơ cộng sản và đã chuyển ngữ những thi phẩm của Hồ Chí Minh và Tố Hữu ngay từ những thập niên 1960, chẳng hạn như tuyển tập The Prison Dairy of Ho Chi Minh (Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Bantam Books, 1967). Tuy nhiên, do không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nguyên tác tiếng Việt, hầu hết các bản dịch về Tố Hữu của Aileen Palmer đều được chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Pháp trước đó. Riêng trong bản dịch The Prison Dairy of Ho Chi Minh (1967), Aileen Palmer trình bày bằng cả ba ngôn ngữ Anh – Việt – Hoa để độc giả có thể đối chiếu và so sánh. Hay một dịch giả khác là Steve Bradbury, một giáo sư của trường Đại học Quốc lập Trung ương ở Đài Loan (National Central Unversity in Taiwan). Tuyển tập Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh (2004) mà Steve Bradbury là dịch giả đã tuyển dịch 49 bài thơ từ nguyên tác Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) để giới thiệu đến độc giả quốc tế. Công trình này được dịch từ nguyên tác tiếng Hoa, có sự tham khảo với bản dịch tiếng Pháp, nên được người đọc đánh giá cao ở sự công phu và tỉ mỉ trong dịch thuật.
Có thể thấy, nhờ những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ dịch giả trong nước và nước ngoài, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đã được giới thiệu ra quốc tế, giúp thế giới hiểu thêm về một nền văn học có truyền thống, có bề dày, và trên hết là có thành tựu, thậm chí là những đỉnh cao. Đó là công lao rất lớn của các dịch giả đối với văn học nước nhà.
Nguyễn Bảo Châu và Trương Công Bảo Thư (SV khóa 2017, chuyên ngành Văn học)
TS. Nguyễn Thị Phương Thuý (GVHD)
Bài viết thực hiện trong khuôn khổ đề tài "Khảo sát tình hình dịch văn học Việt Nam hiện đại sang tiếng Anh" - NCKH SV cấp trường năm 2019-2020
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 947, tr. 90-97.
Nếu ai đó yêu thích phim của Ozu Yasujirō, bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản, người sử dụng chính xác từng khuôn hình, từng đồ vật trong khuôn hình để tạo nên những kiệt tác điện ảnh vĩ đại và rồi bất chợt nhìn thấy bức họa Las Meninas của Diego Velazquez thì ít nhiều sẽ có sự liên tưởng. Không chỉ vậy, chúng ta còn có thể nhìn ra được những liên hệ đầy lí thú giữa hai loại hình nghệ thuật điện ảnh và hội họa thông qua bức họa này.
Vừa qua, Nguyễn Hồng Mơ, SV khóa 2018, chuyên ngành Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM đã đạt Giải bạc trong cuộc thi Cảm nhận văn học Hàn Quốc 2020 do Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc và Khoa tiếng Hàn quốc, Trường Đại học Hà Nội đồng tổ chức.
Web Khoa Văn học giới thiệu bài viết đã đạt giải của SV Nguyễn Hồng Mơ, viết về tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng của nhà văn Hwang Sun-mi.
***
Việt Nam, tháng 4 năm 2020!
Lá thư gửi Mầm Lá - gửi những ước mơ tốt đẹp nhất thế gian!
Mầm Lá thân mến! Mình không biết Mầm Lá có đọc được lá thư này không bởi vì bạn đã ra đi mãi mãi, nhưng từ trong sâu thẳm, mình luôn dành cho bạn sự trân trọng, ngưỡng mộ và cảm phục. Mình cũng khao khát bạn sẽ đọc được những tâm sự của mình - một công dân bé nhỏ của đất nước Việt Nam biết bạn qua cuốn sách "Cô gà mái xổng chuồng".
Mình chưa từng được đặt chân đến xứ sở Kim Chi, nơi có những anh chàng soái ca hay cô nàng diễn viên xinh đẹp mình thường thấy qua màn ảnh nhỏ; chưa từng được tận mắt thấy tháp Nam San hay mặc thử bộ trang phục Hanbok; chưa từng biết cảm giác vui đùa dưới tuyết, hoặc là ngắm cây Mimosa mà Mầm Lá thích. Nhưng qua cách Mầm Lá kể và trong cảm nhận của mình, mình bỗng dành một tình yêu cho đất nước của bạn như dành tình yêu cho đất nước Việt Nam của mình vậy.
Bạn biết không? Có lần cô mình đề xuất sách giáo khoa của bọn mình sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc, bởi vì cô nhận thấy trong cả 12 năm học, cô không thấy có một tác phẩm văn học Hàn Quốc nào. Cô mình là người rất yêu đất nước Hàn, cô cũng nghiên cứu rất nhiều về văn học Hàn, thế nên cô lấy làm tiếc vì các em học sinh không có nhiều cơ hội tiếp cận về nền văn học ấy. Đúng thật là mình được học về văn học Nga, văn học Trung Quốc, văn học Pháp, thơ Haiku của Baso,... Nhưng chưa được biết nhiều về văn học của đất nước bạn. Dẫu sau này lên Đại học, mình có được học nhiều hơn nhưng giá như mình được biết đến từ khi còn là học sinh. Mà Mầm Lá này, tuy là vậy thôi chứ những người yêu văn chương như bọn mình vẫn luôn tìm đọc những cuốn sách văn học Hàn Quốc trên thị trường. Mình đã từng khóc khi đọc "Hãy chăm sóc mẹ", mình học cách sống chậm lại qua "Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" hay những câu thơ trong "Mẹ ơi, con sẽ lại về" cứ day dứt mình:
"Cuộc đời như giọt sương trên nhánh cỏ
Như đống lá vàng rụng ngoài sân
Con cái có nhiều đi chăng nữa
Trưởng thành rồi cũng sẽ tung cánh bay đi"
Nếu như các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thường phác họa cuộc sống hiện đại, giàu có, hào nhoáng thì lại có một Hàn Quốc rất khác trong mắt các nhà văn. Và Hwang Sun-Mi là một tác giả trong số đó. Cô viết những cuốn sách như "Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc", "Phiếu bé hư", "Chó xanh lông dài",... Cô lựa chọn cách viết chia sẻ cho trẻ em thấy cuộc sống diễn ra thế nào, hãy để trẻ em nhìn thấy muôn màu của cuộc sống. Bởi cô từng có một tuổi thơ không êm ả gì. Bố thì bảo lãnh nợ cho bạn nên gia đình trở nên khánh kiệt, lên 7 tuổi, cô đã phải đi làm kiếm tiền, mẹ cô từng ném cặp sách của con gái vào bếp lửa. Những vết thương ấy đã hằn sâu vào tâm trí cô. Nhưng văn học đã phần nào hàn gắn vết thương đó, cô viết cho trẻ em như viết cho chính mình vậy.
Mình bắt gặp "Cô gà mái xổng chuồng" trong một lần đi thư viện. Nhìn cái bìa sách màu hồng do Nhà xuất bản Nhã Nam phát hành cùng hình ảnh cô gà mái với dòng chữ "Chuyện kể về cô gà mái công nghiệp dám đi tìm tự do", mình đã rung động ngay và mượn nó về nhà. Mình đọc đi đọc lại mấy lần, mình còn giới thiệu cho bạn bè đọc nữa. Mầm Lá, chính là tên của bạn mà bạn lại là nhân vật chính trong quyển sách ấy. Bạn là một cô gà mái công nghiệp, lẽ ra phải sống trong lồng sắt, được ăn no và đẻ trứng cho chủ. Nhưng bạn lại có một ước muốn sẽ được tự do, được ấp trứng. Bạn tâm sự: "Đúng là mình có một tâm nguyện, được ấp trứng và chứng kiến gà con ra đời. Mình đã sống thật mệt mỏi nhưng cũng rất hạnh phúc. Nhờ có tâm nguyện đó mà mình đã sống tới tận bây giờ". Hành trình của bạn nó vẫn ở mãi trong tâm trí mình, đến tận bây giờ khi đã đọc quyển sách được hơn 2 năm, mình vẫn nhớ rõ mồn một từng chi tiết, bởi câu chuyện của bạn thật sự cảm động.
•) Cái giá của sự tự do
Mầm Lá biết không, đất nước Việt Nam của mình phải trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh để giành lấy tự do và có được cuộc sống như hiện nay. Bác Hồ đã nêu lên một chân lí: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Mình cũng rất khâm phục những cuộc giải phóng tự do cho người da màu trên thế giới. Mình nghĩ con người khi sinh ra luôn có quyền được tự do và phải được hưởng quyền tự do. Mình vô cùng căm phẫn trước sự áp bức, tướt đoạt đi quyền ấy của con người bởi những thế lực bạo tàn. Mầm Lá đã được là chính mình và tự do làm điều mình muốn, thật thích phải không bạn? Nếu bạn không thoát khỏi cái lồng sắt ấy có lẽ mình sẽ không có cơ hội để đọc quyển sách, vì bạn chỉ mãi là một cô gà công nghiệp bị con người bắt đẻ trứng suốt đời. Nhưng đánh đổi với sự tự do không phải dễ dàng. Chiến tranh đã lấy đi biết bao sinh mệnh, máu, mồ hôi và nước mắt của rất nhiều người Việt Nam. Cuộc hành trình đi tìm tự do của Mầm Lá cũng vậy. Khi bạn bước ra khỏi cái lồng sắt chật hẹp là một thế giới bao la. Mình đã xót xa khi đọc đoạn Mầm Lá bị Gà Trống hắt hủi, cả trại gà đuổi Mầm Lá đi và bạn bơ vơ một mình chống chọi, tự kiếm thức ăn để sinh tồn. Khi còn được ở trong lồng, bạn luôn được ăn no ngủ kĩ thì giờ đây những cơn đói cồn cào, những giấc ngủ chập chờn luôn đến với bạn. Thân hình bạn cũng tiều tụy hẳn đi, có những lúc mình tưởng bạn đã không chịu được nhưng rồi bạn vẫn sống để tìm tự do cho chính mình. Để mình kể cho bạn nghe, lúc nhỏ mỗi khi ba mẹ la mắng mình, mình đã muốn lớn thật nhanh để thoát khỏi sự tù túng ấy. Và rồi khi mình trở thành một sinh viên, phải rời xa gia đình để đến một thành phố khác để học tập, bấy giờ mình đã hoàn toàn tự do. Nhưng lúc ấy mình cảm thấy lạc lõng và sợ hãi lắm bạn ạ, vì xung quanh chẳng có gia đình kề bên, lúc ốm đau không còn được mẹ nấu cho những tô cháu để ăn, ba đưa thuốc để uống. Có lúc mình cũng tều tụy như Mầm Lá vậy, song sau tất cả mình cũng trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Mình nhận ra tự do không chỉ là sự tự do về thể xác mà còn là sự tự do trong tâm hồn, được thỏa thích làm điều mình muốn, rèn luyện thêm ý chí kiên cường dũng cảm. Bây giờ, mình tự tin nói với Mầm Lá rằng mình có thể tự lo cho bản thân về nhiều mặt rồi đó.
•) Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử
"Mẫu" nghĩa là mẹ, "tử" nghĩa là con, "mẫu tử" có nghĩa là tình mẹ con. Người ta nói đến tình mẫu tử còn là nói đến tình cảm yêu thương, che chở, bảo vệ của người mẹ dành cho con. Trên thế gian này còn tình cảm nào đẹp đẽ và cao quý hơn tình mẫu tử. Mầm Lá tuy chỉ là một cô gà nhưng tình mẫu tử giữa bạn và đứa con rất đáng trân quý. Loài người chúng mình có câu rằng:
"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng"
Thường thường người ta khó chấp nhận và yêu thương những gì không cùng huyết thống với mình. Vậy mà Mầm Lá đã chăm sóc yêu thương cho một chú vịt, dù chẳng biết chú do ai sinh ra. Đầu Xanh là một chú vịt trời, còn Mầm Lá là một cô gà không biết bay, không biết bơi, dẫu vậy sự khác biệt ấy chẳng làm thay đổi đi tình yêu thương của bạn dành cho con. Mình cũng có một người mẹ rất tuyệt vời. Vì mình, mẹ đã trải qua chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau; chăm sóc cho mình những khi mình ốm; dạy mình biết cầm chổi quét nhà;... Mẹ rất yêu thương mình và mình cũng thế. Mình cũng hối hận những lần cãi lời mẹ, làm mẹ phiền lòng. Mình hứa với bạn mình sẽ luôn cố gắng học hành để mẹ luôn được vui. Mình cũng từng đọc "Hãy chăm sóc mẹ" của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook. Mình đã khóc rất nhiều khi người mẹ ấy bị lạc và những đứa con bắt đầu đi tìm. Mầm Lá ơi, mình càng đọc thì càng trân trọng và yêu thương mẹ mình hơn. Mình có một đứa em học cùng trường, mẹ của em vừa mới mất cách đây không lâu, nghe tin mình đau đớn lắm, em đã phải mất mẹ khi em còn quá nhỏ tuổi, mất đi một tình cảm thiêng liêng chắc em đã khóc nhiều lắm. Mình mong ai cũng yêu thương mẹ của mình khi còn có thể. Mình cũng mong loài người chúng mình sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, dù cho có khác nhau đi nữa, như câu ca dao mình được dạy:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
•) Một tình bạn tuyệt vời
Vào một giây phút nào đó trong cuộc sống, ta sẽ tìm được một người có thể thay đổi cuộc sống của ta dù chỉ một phần nhỏ. Đó chính người mà ta gọi bằng danh từ đáng quý "bạn bè". Mầm Lá đã có một tình bạn thật đẹp với Vịt Trời. Cậu ấy đã lên tiếng giúp Mầm Lá ra khỏi cái hố gà khi Mầm Lá tưởng mình đã chết. Cậu đã dẫn Mầm Lá về trại gà để nghỉ ngơi. Cậu đã luôn bảo vệ mẹ con Mầm Lá trước Mụ Chồn. Rồi cũng chính cậu, là người đã hi sinh để Mầm Lá và con được an toàn. Mình quên làm sao được những lời Vịt Trời đã nói với Mầm Lá:
"Chúng mình tuy sinh có hình dáng khác nhau nên không thể hiểu hết ruột gan nhau, nhưng có thể yêu thương nhau mà. Mình kính trọng cậu"
"Cho dù không hiểu nhau đi chăng nữa? Làm sao có thể như vậy được?"
"Vì mình biết cậu là một cô gà mái mẹ vĩ đại như tán lá vậy"
Mình cũng có nhiều bạn, họ luôn quan tâm, giúp đỡ mình. Đôi lúc, giữa chúng mình cũng xảy ra những hiểu lầm nào đấy, chúng mình đã cãi vã, thậm chí nói xấu nhau, nhưng cuối cùng chúng mình vẫn là bạn. Mình nghĩ, một tình bạn đẹp là một tình bạn không hoàn hảo, cũng phải có những khiếm khuyết để ta ngày càng hoàn thiện khiếm khuyết ấy. Như Mầm Lá đã có lúc không hiểu những hành động kì lạ của Vịt Trời vào ban đêm vậy. Quả thực, sau gia đình thì bạn bè là những người đáng quý nhất trong cuộc đời này. Mình mong mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ có được những người bạn, cùng bù đắp điều đối phương còn thiếu, cùng chia sẻ vui buồn, cùng nhau lớn lên và có với nhau thật nhiều kỉ niệm đẹp. Để nếu cô giáo có yêu cầu kể về người bạn của em, chúng sẽ viết nên những trang văn cảm xúc nhất và hay ho nhất thế gian.
•) Qui luật sinh tồn
Trong cuộc sống này để tồn tại tất yếu chúng ta phải trải qua những qui luật, một trong số đó là qui luật sinh tồn. Con sâu ăn lá cây, con chim ăn lại con sâu, con đại bàng sẽ ăn lại con chim,... Con người chúng mình cũng phải ăn thực vật, động vật để sống. Dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận cái qui luật ấy Mầm Lá à. Mình vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc Mầm Lá dù không muốn ăn con chuồn chuồn nhưng vẫn phải ăn để sống, để còn bảo vệ cho Đầu Xanh. Cuối cùng Mầm Lá để Mụ Chồn ăn thịt cũng vì Mầm Lá muốn mụ no để còn chăm cho các con của mụ. Chắc có lẽ nhiều người khi đọc quyển sách sẽ cho rằng Mụ Chồn là nhân vật độc ác nhất trong truyện, còn cá nhân mình lại không thấy vậy. Bởi lẽ đó là qui luật sinh tồn, muốn tồn tại tất yếu phải có sự tiêu diệt lẫn nhau. Con người có thể có trái tim biết yêu thương đồng loại, biết cảm thông với người khác, còn loài vật thì thật khó để thấu hiểu cho nhau, nhất là giữa kẻ yếu và kẻ mạnh. Con mèo nhà mình vẫn hằng ngày bắt chuột, thỉnh thoảng mình thấy chú ăn chán chê thì vờn chuột trong thích thú mặc chuột vô cùng đau khổ. Chú đâu đủ cảm xúc để yêu thương con vật yếu hơn chú. Và nếu chú không đấu tranh để được sống, chú sẽ đánh đổi bằng cái chết. Vậy nên lúc Mầm Lá bị Mụ Chồn ăn thịt, mình không buồn không tiếc nuối, vì mình hiểu đó là qui luật cả rồi.
•) Niềm tin vào tương lai
Sau cái đêm chứng kiến Vịt Trời ra đi, tuy buồn nhưng Mầm Lá tự an ủi mình: "Nếu có ai đó chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm li biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì vậy đến một lúc nào đó nỗi buồn không thể kéo dài mãi". Có những lúc mình cảm thấy bất lực trước những khó khăn của cuộc sống. Có những chiều lang thang khi ánh mặt trời đã dần thay thế bởi bóng tối, mình tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời là gì. Có những thất bại đã làm ý chí của mình lung lay đôi ba phần. Mình chán ngán, tuyệt vọng muốn buông xuôi tất cả. Vậy mà Mầm Lá, bạn chỉ là một cô gà nhỏ bé đã luôn kiên cường vượt qua để "sống tới tận bây giờ". Mình kể Mầm Lá nghe, có một lần mình tham gia ngày hội "Hoa hướng dương" - một chương trình thường niên dành cho các bệnh nhi ung thư ở Việt Nam. Mình đã tận mắt nhìn thấy các em nhỏ không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, trông các em gầy gò, xanh xao, đầu thì chẳng còn một sợi tóc nào. Nhưng ngày hôm ấy diễn ra rất vui vẻ, các em ai cũng lạc quan, mình không thấy em nào khóc hay buồn cả. Sau khi trở về nhà, mình cứ nhớ tới các em và nhớ tới loài hoa mặt trời, các em cũng giống như bông hoa ấy luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống. Mình đã dần biết quý trọng, yêu thương bản thân nhiều hơn và có niềm tin tích cực vào tương lai. Mầm Lá nghe thử một bài hát Việt Nam mình thường hay nghe lúc cảm thấy bế tắc nhé - bài hát mang tên "Sống như những đóa hoa":
Tôi từng mong đời trôi thật nhanh
Để cho lòng tôi nhẹ vơi sầu đau
Ngỡ như trên đời, thiếu những nụ cười
Muộn phiền giăng lối khắp nơi
Tôi từng mong tôi không là tôi
Tôi từng mong tôi giống bao người
Để sống thảnh thơi
Sống như tôi vẫn mơ
Và rồi tôi nhận ra
Rằng trong trái tim này
Là tình yêu vô bờ
Và đầy ắp ước mơ
Và rồi tôi nhận ra
Rằng những khó khăn này
Càng làm tôi thêm yêu cuộc đời
Và thắp sáng niềm tin trong tôi
Và tôi sống như đoá hoa này
Toả ngát hương thơm cho đời
Sống với nỗi khát khao rằng
Được hiến dâng cho cuộc đời
Hôm nay dẫu có gian nan
Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn
Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi.
Bây giờ thì mình thật sự tin rồi, một lúc nào đó nỗi buồn sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Hãy cứ tin vào một tương lai tươi sáng ở phía trước, chúng ta sẽ còn nhiều lí do để cố gắng mà phải không? Như Mầm Lá đã tin sau li biệt sẽ là gặp gỡ, sau cái chết sẽ là sự sống vậy.
•) Một cái chết vĩ đại
Mầm Lá đã chết, bạn đã ra đi một cách vĩ đại nhất trong truyện. Có ai đó từng bảo: Khi bạn sinh ra, bạn khóc, người khác cười. Hãy sống sao đến lúc mất đi, bạn cười, người khác khóc. Con người hay các loài sinh vật khác cũng thế, rồi cũng không thể tránh được qui luật tự nhiên. Một ngày kia, mình cũng sẽ trở về với đất mẹ, mình không thể trường tồn vĩnh cửu với thời gian. Nhưng mình sẽ sống như Mầm Lá, sẽ ra đi mà lòng không có gì tiếc nuối vấn vương. Hiện nay có một tệ hại là nhiều người lãng phí cuộc đời mình, hoặc chìm đắm trong những tệ nạn để rồi đến lúc gần đất xa trời lại hối hận. Nhiều người trẻ đang sống mà như không sống, chẳng dám tận hưởng và phát huy hết tác dụng của từng giây phút trên đời.
“Sinh, lão, bệnh, tử” vốn là một quy luật của tự nhiên. Đã là quy luật thì rất khó thay đổi. Không thể đối đầu với thời gian nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đối đầu với chính mình. Bằng cách nhận ra giới hạn của cuộc sống, chúng ta mới có thể sống ý nghĩa hơn. Ở tuổi 20, bạn trổ hết tài năng, ở tuổi 40, bạn tích lũy đầy mình thì ở tuổi 70, bạn mới có thể điềm đạm thong dong. Mình mong sao bản thân sẽ luôn tỉnh táo, biết trân trọng từng phút giây được sống và làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Mình tin Mầm Lá sẽ ủng hộ mình.
•) Sự kiên trì theo đuổi ước mơ
"Còn bạn, bạn đã ấp ủ giấc mơ như thế nào? Bạn thay đổi ước mơ của mình đến lần thứ mấy rồi? Việc thường xuyên thay đổi ước mơ cho thấy bạn tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh. Đó cũng là minh chứng cho thấy bạn không hề từ bỏ hy vọng và dũng khí của mình. Trong suy nghĩ của tôi lúc này, tôi mong sao có thật nhiều em bé ấp ủ những giấc mơ kì thú đến mức không thể trở thành hiện thực. Và khi trở thành người lớn, các em cũng đừng quên giấc mơ đó nhé. Có người đã nói rằng, ai có ước mơ thì bất cứ lúc nào người đó cũng là nhân vật chính trong cuộc đời của mình". "Ai có ước mơ thì bất cứ lúc nào người đó cũng là nhân vật chính trong cuộc đời mình", cô Hwang Sun-Mi nói đúng. Không ai có thể sống dùm ước mơ của người khác được, giống như những cô gà mái khác không ước mơ được ấp trứng thì các cô chỉ mãi là những cô gà công nghiệp thôi. Mầm Lá biết không, lúc nhỏ mình ước mơ nhiều lắm, mình muốn trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người hay một cô cảnh sát để giữ gìn an ninh xã hội,... Đến cả những ước mơ phi thực tế như được bay lên bầu trời giống những chú chim, được có phép thuật để mỗi lần mẹ đánh sẽ tàn hình biến mất. Sau này lớn lên, mình đã dừng chân tại ước mơ nghiêm túc nhất, mình về với văn chương. Mình cũng chưa biết sau này ra trường mình có thể trở thành một nhà văn hay không nhưng hiện tại mình cảm thấy rất hạnh phúc khi sống với ước mơ của mình. Mình kể cho bạn nghe có những ước mơ bị chôn vùi mãi mãi vì sự thật đáng buồn là họ không nhận được bất kì sự ủng hộ nào. Mình từng nghe một vài bạn tâm sự ba mẹ không chấp nhận bạn ấy theo đuổi con đường bạn ấy chọn mà phải nghe theo ý gia đình. Mình biết chắc chắn sẽ có người bảo tại sao không sống với ước mơ của mình đi, mình tin là người quý trọng tình cảm gia đình, Mầm Lá sẽ hiểu gia đình thiêng liêng nhường nào, sao có thể dám cãi lời ba mẹ đúng không. Thế là những ước mơ bị chôn vùi mãi, buồn quá Mầm Lá nhỉ. Mình khâm phục và ngưỡng mộ những người như Mầm Lá vô cùng, bởi bạn đã dám kiên trì với ước mơ của bản thân dù có biết bao nhiêu khó khăn cản trở. Mình có đọc được rằng, Ch'oe Nam Son đã nêu ra "tam ưu tứ khuyết" của người Hàn Quốc. Trong đó, "tam ưu" bao gồm:
Chủ nghĩa lạc quan
Tình yêu thuần khiết
Sự kiên trì, bền bĩ và dũng cảm
Đó là những điều mà người Việt Nam như mình học tập được rất nhiều. Ai cũng có ước mơ, nhưng chúng ta phải biết kiên trì và dũng cảm cùng với luôn lạc quan để giữ mãi tình yêu ấy phải không Mầm Lá?
Lời kết
Năm 2020, năm mình vừa tròn 20 tuổi với bao dự định, khát khao. Nhưng đáng buồn là mình vẫn chưa được đi học vì dịch bệnh đang hoành hành. Mình biết dịch bệnh quái ác đó đã gây thiệt hại nặng nề đến toàn thế giới, đất nước Việt Nam chúng mình cũng như đất nước Hàn Quốc của bạn đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Mình mong sao thế giới sẽ nhanh chóng đẩy lùi được đại dịch, và mọi người sẽ trở lại cuộc sống bình thường.
Hi vọng cuối cùng, dù rất mong manh nhưng mình mong lá thư này có thể đến được đất nước Hàn Quốc xa xôi. Mình sẽ kể cho các bạn nghe về văn học Việt Nam cũng có nhiều điều thú vị, đặc biệt văn học dành cho thiếu nhi luôn phong phú. Mình giới thiệu cho Mầm Lá những quyển sách nhé "Dế Mèn phiêu lưu ký" nè "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" nè "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" nè,... Mầm Lá sẽ không cảm thấy xa lạ nếu có một người nước ngoài say mê chú Dế Mèn Việt Nam đâu. Mình mong sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch sang Việt Nam cũng như các tác phẩm văn học Việt Nam sẽ được dịch sang tiếng nước bạn, để cả hai nền văn học sẽ trở nên gần gũi, gắn kết với nhau hơn. Không chỉ vậy, nếu có dịp Mầm Lá hãy giới thiệu cho các bạn Hàn Quốc đến đất nước mình chơi nhé. Việt Nam với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những con sông chở nặng phù sa, những cánh rừng bạt ngàn… Con người Việt Nam cũng luôn hiếu khách, thân thiện. Món ăn Việt thì đa dạng, phong phú. Văn hóa Việt cũng sâu sắc nữa. Mình tin các bạn sẽ thích và muốn ở lại nơi này thật lâu.
"Cô gà mái xổng chuồng" là một tác phẩm văn học thiếu nhi rất cảm động và xứng đáng được dịch sang nhiều tiếng trên thế giới. Chắc rằng, ngày sau mình sẽ luôn nhớ tới cái tên Mầm Lá, và nếu có dịp, mình sẽ kể cho nhiều người khác nghe về bạn - một cô gà vĩ đại nhất mình từng biết. Cuối thư mình xin chào tạm biệt Mầm Lá, Đầu Xanh, Vịt Trời, các nhân vật khác trong truyện, kể cả Mụ Chồn. Mình mong một ngày gần nhất sẽ được đặt chân đến đất nước của bạn!
Một người bạn đến từ Việt Nam
Nick name: Hạt Lúa
Ngày 13 tháng 11 năm 2013, trong chuỗi hội thảo văn hóa thuộc Chương trình Giáo Dục Tổng Quát, trường Đại học Hoa Sen, ban tổ chức đã mời Đạo diễn Đặng Nhật Minh tới nói chuyện với sinh viên và giảng viên, cùng thân hữu của trường. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cuốn hút gần 100 khán giả bởi lối nói đơn giản, sâu sắc, chia sẻ những trải nghiệm chân thực, đam mê, nhiệt huyết, và hiểu biết sâu rộng về điện ảnh. Buổi nói chuyện được phân làm ba phần: 1. Hướng đi riêng, 2. Lịch sử điện ảnh, và 3. Giao lưu với khán giả.
(Đọc Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch
Tao Đàn & NXB. Hội nhà văn, 2019)
Có một giòng thông suốt và dữ dội chảy qua truyền thống thuyết thoại Trung Hoa: những tự sự về mộng. Khởi thủy là giấc mơ hóa bướm của Trang Chu thời Xuân Thu. Tiếp nối sau đó mấy trăm năm là những truyền kỳ đời Đường, từ Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế kể chuyện chàng Lư sinh nằm trên chiếc gối của một đạo sĩ mà mơ giấc hoàng lương, cho đến Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá nói về chàng Thuần Vu Phần mộng giấc Nam Kha, thức dậy mới biết mình đang nằm dưới gốc hòe, say rượu ngủ quên không biết. Đến khi các loại hình sân khấu Trung Quốc như tạp kịch, hí khúc,… ra đời, mộng bắt đầu đi vào Hồ điệp mộng của Quan Hán Khanh (đời Nguyên) hay Mẫu đơn đình của Thang Hiển Tổ (đời Minh) để rồi vươn đến đỉnh cao chói lọi ở tiểu thuyết chương hồi đời Thanh, mà đại diện tiêu biểu nhất phải kể đến là Tào Tuyết Cần với kiệt tác Hồng lâu mộng.
Đinh Trang mộng – quyển tiểu thuyết đầy tâm huyết xuất bản năm 2005 của Diêm Liên Khoa – rõ ràng là một sự tiếp nối cái truyền thống đặc trưng đã có lịch sử hàng ngàn năm ấy của văn chương Trung Quốc.
Sự tiếp nối hiển lộ ngay từ đầu, trong tựa đề tác phẩm, nhưng sức ám ảnh của nó còn lan rộng sang chính cấu trúc của quyển tiểu thuyết này: thực tại được kể trong Đinh Trang mộng trở nên mờ nhòa, chìm đắm, đan xen, lún ngập trong những giấc mơ và những ảnh tượng đi ra từ sự mơ. Diêm Liên Khoa giao vai kể cho hồn ma của Tiểu Cường, một cậu bé 12 tuổi đã chết, bị đầu độc bằng một quả cà chua tẩm thuốc vì những ân oán mà cha cậu gây nên với người dân ở Đinh Trang. Cách chọn vai kể là một hồn ma như thế đặt toàn bộ tự sự của tiểu thuyết này ở một điểm nhìn toàn tri – một điểm nhìn khá hợp lý, tuy cổ điển, để vừa dễ dàng kể lại những giấc mơ đầy máu và nước mắt của ông giáo già Đinh Thủy Dương (nhân vật chính của tiểu thuyết), vừa thuận lợi cho việc thâm nhập vào những cõi sâu kín nhất trong mộng mị, tâm hồn, cảm xúc, suy nghĩ của hàng loạt những nhân vật, những số phận được nhắc đến trong xuyên suốt tác phẩm này. Nhưng cũng chính từ đây, thế giới ngập tràn sự mơ ấy của Đinh Trang mộng không còn cái đẹp đẽ huy hoàng của mộng như người ta thường nghĩ, mà đã trở thành lớp áo khoác hàm ngụ bên trong một thứ hiện thực sâu thẳm, thứ hiện thực đen tối, cay đắng đến run rẩy của lòng người, của bản tính người và những mối quan hệ người.
Trong Đinh Trang mộng, từ những quan sát về tình cảnh cùng khốn của người dân Trung Quốc khi đối diện với nạn bán máu tràn lan và sự bùng phát của đại dịch AIDS những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI[1], Diêm Liên Khoa đưa ra một hư cấu đầy ám ảnh về thôn Đinh Trang – nơi một thời từng giàu có, thịnh đạt nhờ vào việc bán máu, nhưng rồi vì lấy máu không đúng quy trình, thiếu vệ sinh, hàng loạt những người trong thôn bắt đầu nhiễm “bệnh nhiệt”, một cách gọi nôm na của AIDS.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là ông giáo già Đinh Thủy Dương, suốt đời gắn bó với ngôi trường nhỏ của thôn Đinh Trang, hiền từ, nhân hậu, được mọi người trong thôn yêu kính. Ông có hai người con trai. Con cả tên Đinh Huy, con thứ là Đinh Lượng. Trong những ngày Đinh Trang ồn ào, sôi nổi, say sưa bán máu, Đinh Huy khôn ngoan, lọc lõi, thậm chí xảo quyệt, đã quyết tâm trở thành một đầu nậu máu, kiếm lãi từ chính những giọt máu của người Đinh Trang. Người em trai của anh, Đinh Lượng, cũng tham gia bán máu, để rồi giống như nhiều người khác cùng thôn, anh nhiễm bệnh nhiệt rồi chết. Nhưng Đinh Huy tham lam kia không nhìn thấy thảm cảnh như thế mà dừng lại. Anh tận dụng tình cảnh chết chóc ấy để bán quan tài, phối âm hôn cho người chết,… vì sự tham lam dữ dội trước tiền tài địa vị. Thậm chí, để thăng tiến cao hơn, Đinh Huy chấp nhận phối hôn đứa con trai Tiểu Cường của mình với âm hồn cô bé thiên kim nhà Huyện trưởng, dù cô lớn hơn Tiểu Cường sáu tuổi, bị động kinh và dị tật ở chân. Nhưng sự tha hóa của bản tính người không chỉ xuất hiện ở Đinh Huy, mà như một đại dịch, nó tràn qua Đinh Trang tựa một cơn hồng thủy.
Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy cái tham lam, tư lợi của bà vợ cựu trưởng thôn Lý Tam Nhân khi đốc thúc, khích khí chồng mình bán máu để có tiền sửa sang nhà cửa cho bằng những gia đình khác trong thôn. Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy và sợ hãi trước cái bóng đen tàn úa tỏa ra từ lòng ti tiện nhỏ nhen của người đời qua trường đoạn mô tả cảnh những người bệnh nhiệt ở Đinh Trang quần tụ lại ở trường học sống tập thể, rồi mất đồ, rồi đổ lỗi, rồi tra khảo, rồi sỉ nhục. Đọc Đinh Trang mộng, người ta thấy cái thảm cảnh mà lòng sân hận thù hằn đổ lên kiếp người, mà một trong những cảnh tượng đau thương nhất chính là đoạn hai cái huyệt mộ chạm khắc kỳ công của Đinh Lượng và Linh Linh bị phá nát tan, chưa kể cả hai chiếc quan tài cũng bay biến đi đâu mất… Tất cả những gì người nhất trong Đinh Trang mộng, rất nhanh chóng, bị sự tham tàn và vô minh cuốn đi, giết đi, vùi đi. Tất cả. Từ nỗi sợ đau vì bị kim tiêm, từ nỗi nhục nhằn suy tư về thân phận cho đến mối hòa kết gia đình, sự từ ái, lòng nhân hay những phẩm hạnh bản thể nhất của con người.
Nhưng cao hơn hết, Đinh Trang mộng bày ra trước mắt ta một tình thế bi ai của sự làm người. Chính ở đây, với sự phát lộ của nét nghĩa này, cái cấu trúc mộng mị đặc thù của quyển tiểu thuyết này trở lại một cách dữ dội. Và nó nói với ta một sự thật lầm than, rằng đời người có ai mà không phải trải qua một giấc mộng Đinh Trang, như luôn phải trải qua những giấc mộng hoàng lương, giấc mộng Nam Kha, giấc mộng lầu hồng,.... Người ta bán máu xây nhà cửa, tiền tài đầy túi, khoa trương hò hét, làm ông nọ bà kia. Nhưng rồi cũng giống như Thuần Vu Phần thức dậy dưới gốc hòe, người ta sẽ nhận ra bao nhiêu mất mát, chết chóc, sợ hãi, bóng tối. Nhà cửa xây lên từ tiền bán máu nhưng rồi bị bỏ hoang, hôi hám, ẩm thấp, ảm đạm vì người lần lượt chết dần. Có người bán máu nuôi vợ con với những khao khát viển vông để rồi nhiễm bệnh, qua đời, gia đình ly tán. Hay như Đinh Huy, người tưởng chừng như có trong tay tất cả, từ tiền tài, nhà cửa, đất đai cho đến uy danh, chức tước, nhưng rồi trong một phút ngắn ngủi bất thần ngã gục sau cú đánh trời giáng của chính cha mình.
Mộng mị trong truyền thống thuyết thoại Trung Hoa là như thế. Chúng thường bao quát những thực tại khổng lồ, đẹp, huy hoàng, rực rỡ. Nhưng đau đớn và độc ác. Cái ác dường như đã trở thành căn cốt của những tự sự về mộng của người Trung Quốc. Nó quăng quật người ta đến những chỗ tận cùng. Nó nâng người ta lên, cho người ta bay bổng rồi kéo tuột người ta xuống, thậm chí vùi người ta xuống đất cát bùn lầy. Nó bày ra trước mắt người ta những yến tiệc tưng bừng, những hội hè say đắm. Nhưng rồi nó đuổi cổ người ta đi, nó lưu đày người ta đến những chốn tuyệt vọng và đau thương cùng cực.
Tiếp nối và thừa hưởng từ truyền thống xem cái tàn ác như một phạm trù thẩm mỹ như thế, nhưng Diêm Liên Khoa không phải không có những sáng tạo nhất định của riêng ông. Viết Đinh Trang mộng, rõ ràng Diêm Liên Khoa đã nỗ lực tạo dựng một thế giới mà ở đó sự triển hoạt theo chiều âm, chiều diệt vong của những tự sự về mộng mị Trung Hoa xưa bị thay thế bởi một gia tốc khác: một lực đẩy về phía cái sống.
Nếu trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần xây dựng một bức tranh mơ màng phù thế đầy chất sống, để rồi đánh thức tất cả, quăng quật tất cả vào cõi gió bụi ở cuối truyện, thì trong tiểu thuyết của mình, Diêm Liên Khoa làm ngược lại. Ông ngả hẳn về phía của sự tỉnh mộng, của máu và nước mắt, ngay từ đầu. Nhưng cũng chính từ sự ngả theo một chiều hướng khác như thế, Diêm Liên Khoa đã quan sát được những dòng nhựa sống cuộn lên, tươi mới, tân kỳ. Ông thấy trong hai con người mang bệnh nhiệt trầm trọng Đinh Lượng và Linh Linh cái khát khao được yêu, được sống, được làm tình. Ống thấy trong Đinh Thủy Dương cái áy náy, giằng xé, đớn đau của một con người bị phân thành nhiều mảnh, một bên là lòng thương con, một bên là lòng nhân, lòng bác ái, một bên khác lại là chính nghĩa, sự phụng sự đạo đức và chân lý,…
Điều này cũng lý giải vì sao Diêm Liên Khoa lại dẫn ra, ngay từ trang đầu tiên, huyền thoại về bảy con bò xấu xí nuốt bảy con bò xinh đẹp mập mạp và bảy bông mạch ốm yếu nuốt lấy bảy bông mạch tròn căng trong Sáng thế ký, Kinh Cựu Ước; hay vì sao ở những dòng cuối cùng, ở cơn chiêm bao cuối tác phẩm của ông lão Đinh Thủy Dương, hình ảnh một người đàn bà với nhành dương liễu và những người bùn xuất hiện. Tôi cho Diêm Liên Khoa, khi viết về những điều như thế, đã ý thức và hiểu rất rõ rằng, sự khai sinh của loài người đi ra từ chính trong những tuyệt vọng đau đớn nhất của người.
Cơn sốt đầy máu và bệnh nhiệt ở Đinh Trang trong tiểu thuyết của ông, vì thế, cũng giống như một cơn hồng thủy quét qua. Nhưng không phải để tuyệt diệt. Mà là để tái sinh. Tái sinh con người. Và tái sinh những điều giúp con người trở lại làm người.
Nguyễn Đình Minh Khuê
[1] Theo lời của Minh Thương – dịch giả Đinh Trang mộng. Xin xem phần ‘Lời bạt’ của Minh Thương trong Diêm Liên Khoa (2019), Đinh Trang mộng, Minh Thương dịch, Tao Đàn và NXB. Hội nhà văn, tr.348-349.
Ước lệ, không phải thủ pháp nghệ thuật. Ước lệ là loại hình ngôn ngữ, quy chuẩn các trạng thái tồn tại nghệ thuật và cuộc sống, ước định hiện thực hoá tự nhiên xã hội. Ngôn ngữ ước lệ tĩnh và động, biểu trưng các dạng tồn tại không điều kiện, mặc nhiên toàn xã hội công nhận một hình thức diễn tả đời sống con người và trong các loại hình nghệ thuật.
Lời giới thiệu:
Ngày 21 tháng 8 năm 2017, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ cho HVCH Lý Hồng Phượng với đề tài luận văn là: "Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới". Luận văn do TS. Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn. Đây là một trong hai luận văn thạc sĩ khai khoa của chuyên ngành Cao học Hán Nôm do khoa Văn học đào tạo.
Luận văn tiến hành nghiên cứu cách phiên âm và cách cấu tạo của chữ Nôm trong tác phẩm Kim cổ kỳ quan. Kim cổ kỳ quan là một tác phẩm truyện thơ nổi tiếng ở Nam Bộ có tính cách sấm vĩ và tôn giáo do Nguyễn Văn Thới, một tác giả yêu nước thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sáng tác. Trong luận văn, học viên Lý Hồng Phượng đã đưa ra hơn 300 chữ Nôm chưa hề có trong các từ điển chữ Nôm từ trước đến nay.
Luận văn đã được hội đồng chấm luận văn đánh giá cao với điểm số là 9.5 điểm, đạt loại xuất sắc. Website Khoa Văn học xin giới thiệu một phần kết quả nghiên cứu của luận văn: Sơ lược lịch sử nghiên cứu vấn đề và tình hình văn bản Kim cổ kỳ quan (trích lược từ Chương 1). Xin xem chi tiết trong tập tin đính kèm.
Đang có 888 khách và không thành viên đang online
Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929