Tối 19.11 đến thăm thầy Mai Cao Chương. Buổi sáng Khoa Văn học và Ngôn ngữ có tổ chức mừng ngày Nhà giáo và mừng sinh nhật thầy Nguyễn Khuê, mời tất cả các thầy cô cao niên, các thầy cô đã về hưu và toàn thể thầy cô trong Khoa đến chung vui, nhưng thầy Chương không đến được. Nói chung thầy Chương đã lâu không đến trường được nữa. Đến thăm thầy, thấy thầy còn khỏe, thầy nói ăn thấy ngon miệng, đêm ngủ yên giấc. Vậy là mừng rồi, năm nay thầy đã 86 rồi còn gì! Tuy nhiên thầy đau chân không đi bộ ra ngoài được nữa, chỉ đi quanh quanh trong nhà. Hồi này thầy cũng có niềm vui là anh con trai thầy sau nhiều năm ở Trung Quốc và Mỹ, đã trở về Việt Nam, hàng ngày vẫn đưa cháu đến chơi với ông bà, 2 cô cháu gái rất dễ thương. Thầy nói dạo này thầy quên gần hết rồi...Nói vậy thôi, thầy vẫn nhớ. Biết Khoa có tổ chức mừng thọ cho thầy Nguyễn Khuê, thầy nói 11 năm trước, thầy cũng có làm bài thơ tặng thầy Khuê vào dịp thầy Khuê 70 tuổi. Tôi lấy giấy bút chép vội, và tiện thể cũng ghi luôn cả lời dịch vụng về của mình ra đây.
贈阮奎先生七十歲
三十年前幸識君
漢喃事業得其人
樹桃種李心常樂
教子事親任足勤
處困不忘天職重
居安常念衆生塵
年方七十曾薑桂
喜祝斯人壽百春
Tam thập niên tiền hạnh thức quân,
Hán Nôm sự nghiệp đắc kỳ nhân.
Thụ đào chủng lý tâm thường lạc,
Giáo tử sự thân nhiệm túc cần.
Xử khốn bất vong thiên chức trọng,
Cư an thường niệm chúng sinh trần,
Niên phương thất thập tăng khương quế,
Hỷ chúc tư nhân thọ bách xuân.
Mai Cao Chương
Dịch nghĩa:
Ba chục năm trước may mắn được biết anh,
Sự nghiệp Hán Nôm có được con người này.
Vun trồng người tài đức như đào lý ngày xưa, lòng thường vui vẻ,
Dạy con thờ mẹ, làm chuyên cần.
Ở vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng không quên trọng trách,
Sống yên lành, mà thường tâm niệm về cảnh trần ai của chúng sinh.
Năm nay tuổi 70 càng cay như gừng quế,
Vui chúc người thọ được trăm mùa xuân.
Dịch thơ:
Ba chục năm rồi được biết anh,
Hán Nôm sự nghiệp gặp duyên lành.
Vun tài bồi đức lòng thanh thản,
Thờ mẹ dạy con việc chuyên cần.
Vất vả chẳng quên thiên chức nặng,
An nhiên thường nghĩ chúng sinh tình.
Tuổi đà thất thập như gừng quế,
Cầu chúc trời cho trăm tuổi xanh.
Đ.L.G dịch
Hai thầy đối với nhau theo đạo của người quân tử ngày xưa: tương thân mà tương kính.