Đoàn Lê Giang*
Huyền Quang (1254-1334) là Thiền sư danh tiếng đời Trần. Ông được phong là Quốc sư, và được tôn xưng là một trong ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, cùng với vua Trần Nhân Tông và sư Pháp Loa. Sách vở còn ghi lại nhiều thơ văn của ông, trong đó Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên có chép bài Xuân nhật tức sự 春日即事 với tên tác giả là Huyền Quang. Bài thơ cũng được giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII bình giảng rất thú vị khi nói về thơ Lý Đạo Tái (Huyền Quang)(1). Tuy nhiên lai lịch bài thơ, tác giả đích thực là ai, còn là vấn đề khá phức tạp.
Trên Tạp chí văn học số 1 năm 1984, Lê Mạnh Thát có viết bài Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự, trong đó đã khẳng định tác giả bài thơ không phải là Huyền Quang Lý Đạo Tái mà là một thiền sư đời Tống (Trung Quốc) có tên là Ảo Đường Trung Nhân拗堂中仁禪師. Vấn đề kể như đã rõ và đã được giới nghiên cứu thừa nhận từ đó đến nay. Tuy nhiên do được tiếp cận một số tư liệu mới, chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản như thế.
1. Huyền Quang không chỉnh sửa chút nào bài thơ Xuân nhật tức sự
Nhóm biên soạn Thơ văn Lý Trần (tập II, Quyển Thượng, NXB.KHXH, Hà Nội, 1989) trong phần giới thiệu về Huyền Quang có viết:
“Xem bài Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự của LMT, Tạp chí văn học số 1-1984. Mặc dù đã tìm thấy xuất xứ xưa nhất của bài thơ trong thơ Thiền đời Tống, nhưng khi đối chiếu văn bản vẫn có một số chữ sai dị so với bài thơ gốc. Do đó cũng có thể nêu thêm một giả thuyết là biết đâu Huyền Quang chẳng đã mượn bài thơ gốc của Trung Quốc rồi chỉnh lý lại một chút ít (chúng tôi nhấn mạnh-ĐLG) để biểu đạt cảm hứng Thiền thâm thúy của mình?”. Sau đó nhóm tác giả đưa bài thơ này ra:
二八佳人刺繡遲。
紫荊花下囀黃鸝。
可憐無限傷春意。
盡在停針不語時。
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.(2)
Chúng tôi giở những sách Trung Quốc có ghi bài thơ này như: Gia Thái phổ đăng lục 嘉泰普燈錄卷第十五 (Quyển 15, tờ 117c 14-d12), do Lôi Am Chánh Thọ 雷庵正受 biên tập, san hành dưới đời Tống, hoàn thành năm 1204; Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元卷第十九 (Quyển 19, tờ 383a9-b6 ) do Phổ Tế普濟soạn vào đời Tống, trong khoảng 1228-1233; Tục truyền đăng lục続傳燈錄卷第二十八 (Quyển 28, tờ 657b4-22), sách chép tiểu sử các Thiền sư khoảng giữa hậu bán thế kỷ X và thế kỷ XIV, thì thấy các bản Xuân nhật tức sự đều chép giống nhau, và hoàn toàn giống bản trong Thơ văn Lý Trần nói trên. Điều này làm chúng tôi nghi ngờ không biết nhóm các nhà biên soạn Thơ văn Lý Trần có thực sự nhìn thấy bài thơ này trong các tài liệu Trung Quốc không.
2. Ảo Đường Trung Nhân (đời Tống) và Nam Tẩu Mậu (đời Nguyên)
Như đã nói ở trên, bài viết trên Tạp chí văn học số 1 năm 1984 đã đưa văn bản ra cho thấy tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự là Ảo Đường Trung Nhân, Thiền sư đời Tống. Ảo Đường Trung Nhân, người Lạc Dương, là học trò của Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần. Trung Nhân lúc nhỏ xuất gia ở viện Phụng Tiên, Đông Kinh. Đầu năm Tuyên Hòa thời Tống Huy Tông (năm 1119) xuống tóc được độ làm sư. Sau khi thọ giới Cụ túc, từng lui tới nơi dịch kinh Tam Tạng, chuyên tâm ở kinh luận, nhưng đối với Thiền tông thì ông lại chưa tin. Lúc ấy có Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần tu ở chùa Vu Ninh. Một buổi sáng sớm Thiền sư Trung Nhân vào chùa Thiên Ninh yết kiến Thiền sư Viên Ngộ. Đúng lúc ấy Viên Ngộ phải tiếp mọi người vào xin nghe giảng thêm. Trung Nhân nhìn qua thấy uy đức của Viên Ngộ, bèn sinh lòng cảm phục, vì thế mạnh dạn đến trước mặt Thiền sư Viên Ngộ đảnh lễ. Viên Ngộ nói: “Dựa kinh giải nghĩa, ba đời oan Phật; rời kinh một chữ, tức giống ma nói. Nói mau!”. Trung Nhân thiền sư mở miệng định nói, thì Viên Ngộ vung tay vả vào miệng, vì cú tát ấy mà một cái răng rơi xuống đất. Trung Nhân hoát nhiên đại ngộ.
Sau khi ngộ đạo, Trung Nhân ở lại chùa Thiên Ninh, thường xuyên tham vấn thầy Viên Ngộ. Từ đấy thầy trò hợp đạo, trò chuyện không ngừng. Sau sư Trung Nhân mở trường giảng pháp ở chùa Đại Giác, ít lâu sau dời về chùa Trung Thiên Trúc, sau cùng dời về chùa Linh Phong.
Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1174) niên hiệu Thuần Hi đời Hiếu Tông (Nam Tống), ngày Phật đản, Trung Nhân Thiền sư nhận chiếu chỉ vào cung thuyết pháp. Trung Nhân Thiền sư khi tiếp mọi người, nói năng khá tự do thoát sáo, thường lấy chuyện khuê các để hợp với cơ duyên của người học đạo. Có lần lên giảng, Sư nói đến chủ đề “Con chó không có Phật tính”, bèn đọc:
二八佳人刺繡遲。
紫荊花下囀黃鸝。
可憐無限傷春意。
盡在停針不語時。
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Cô gái đẹp đôi tám đang chầm chậm thêu,
Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.
Khá thương thay ý tiếc xuân vô hạn của nàng,
Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì.)
Dịch thơ:
Thêu chậm gái xinh tuổi cập kê,
Trong hoa ríu rít chim hoàng ly.
Thương thay ý tiếc xuân vô hạn,
Đọng lúc dừng kim chẳng nói gì.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Trong năm Quí Hợi (1203), sư từ biệt mọi người mà mất.
Bài thơ trên được lưu hành ở đời, trong sách Thiền tông tụng cố liên châu thông tập 禪宗頌古聯珠通集,một tác phẩm của Pháp Ứng đời Nam Tống biên soạn, sau này được Phổ Hội đời Nguyên tiếp tục chỉnh lý bổ sung, có chép một bài thơ đề là của Nam Tẩu Mậu 南叟茂 (3), bài thơ có khác chút ít với bài của Trung Nhân Thiền sư. Nam Tẩu Mậu là ai, sách vở không ghi rõ, chỉ biết là nhà sư thời Nguyên và là đệ tử của Thiền sư Thạch Khê Tinh Nguyệt 石溪星月禅师 (một vị Thiền sư thời Nam Tống). Bài thơ của Nam Tẩu Mậu có 6 chữ khác với bài của Trung Nhân Thiền sư:
日暖佳人刺繡遲,
紫荆枝上囀黃鸝。
欲知無限傷春意,
盡在停針不語時。
Nhật noãn giai nhân thích tú trì,
Tử kinh chi thượng chuyển hoàng ly.
Dục tri vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Ngày ấm cô gái đẹp đang chầm chậm thêu,
Trên cành hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.
Tôi muốn biết ý tiếc xuân vô hạn của nàng,
Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì.)
Có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ của Nam Tẩu Mậu là bài nhuận sắc lại bài Xuân nhật tức sự của Trung Nhân Thiền sư. Bài của Nam Tẩu Mậu sửa lại cho lời thơ hợp lý hơn, rõ ràng hơn.
3. Xuân nhật tức sự là bài “nghĩ cổ” từ Xuân nữ oán của Chu Giáng đời Đường
Trong bài viết Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự nói trên, Lê Mạnh Thát chỉ khẳng định bài Xuân nhật tức sự không phải của Huyền Quang (Việt Nam) mà của Ảo Đường Trung Nhân, tuy nhiên chúng tôi tìm hiểu thêm thì bài thơ ấy cũng không phải là sáng tác của Ảo Đường Trung Nhân. Trong Toàn Đường thi quyển卷769-28 có một bài thơ tương tự của tác giả Chu Giáng朱絳 có nhan đề là Xuân nữ oán春女怨 (4):
獨坐紗窗刺繡遲,
紫荊花下囀黃鸝。
欲知無限傷春意,
盡在停針不語時。
Độc tọa sa song thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Dục tri vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Cô gái ngồi một mình bên cửa sổ rèm lụa đang chầm chậm thêu
Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.
Tôi muốn biết ý tiếc xuân vô hạn của nàng,
Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì.)
Dịch thơ:
Thêu chậm một mình bên song khuê,
Trong hoa ríu rít chim hoàng ly.
Biết chăng ý tiếc xuân vô hạn,
Đọng lúc dừng kim chẳng nói gì.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Chu Giáng là ai, không ai biết, chỉ biết ông là tác giả một bài thơ được tuyển trong Toàn Đường thi. Toàn Đường thi thì chọn từ Đường thi loại tuyển 唐詩類選 - một tuyển tập được hoàn thành vào năm 856 đời vua Tuyên Tông. Vậy Chu Giáng là người sống từ thời Tuyên Tông về trước, tức khoảng thế kỷ VIII-IX.
Bài thơ Xuân nữ oán và bài Xuân nhật tức sự có 6 chữ trên tổng số 28 chữ khác nhau, trong đó câu đầu có 4 chữ (Độc tọa song sa/ ngồi một mình bên cửa sổ) được Ảo Đường Trung Nhân sửa đi cho rõ hơn và tình tứ hơn (Nhị bát giai nhân/ Cô gái đẹp 16 tuổi). Dòng thơ thứ ba có 2 từ “Dục tri” (Tôi muốn biết) mà bản của Nam Tẩu Mậu đời Nguyên cũng có, điều ấy cho thấy bài thơ này trước nay có nhiều người biết đến, trong đó có Nam Tẩu Mậu.
Vậy bài Xuân nhật tức sự vốn là bài Xuân nữ oán của Chu Giáng đời Đường được Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân đời Tống sửa lại theo kiểu “nghĩ cổ” (mô phỏng người xưa), một cách sáng tác thường thấy của các Thiền sư: mô phỏng bài thơ trước để lồng vào đó ý tưởng Thiền của mình. Việc dùng thơ diễm tình để giác ngộ là một pháp môn thường thấy trong việc giác ngộ Thiền thời Đường, Tống. Trong trường hợp này, Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân lấy một bài thơ tình, có tính chất diễm sắc để nói về cái vô thường và cái tâm giác ngộ..
Tháng 11 năm 2016
Đ.L.G
CHÚ THÍCH
- Đinh Gia Khánh, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân, Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB.Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1978, tr.166-167
- Dịch nghĩa: Cô gái đẹp đôi tám đang chầm chậm thêu/ Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót/ Khá thương thay ý tiếc xuân vô hạn của nàng/ Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì. (Đ.L.G)
- Trong bài viết đã nói, Lê Mạnh Thát cho biết có chép một bài thơ đề là của Nam Tẩu Sực có khác với bài của Trung Nhân Thiền sư. Không biết Lê Mạnh Thát là căn cứ vào đâu mà phiên âm thành SỰC, một âm rất lạ, gần như không phải âm Hán Việt, chúng tôi thấy: đa số các tài liệu đều đề rõ là Nam Tẩu Mậu 南叟茂, Thiền sư đời Nguyên, có vài chỗ đề là Nam Tẩu Nhung南叟茙. Chúng tôi dùng chính thức tên gọi Nam Tẩu Mậu do tính phổ biến của nó.
- 全唐詩, 第十一函, 第七冊, 下, 上海古籍出版社, 第13次印刷, Toàn Đường thi, đệ thập nhất hàm, đệ thất sách, quyển hạ, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, đệ thập tam thứ ấn loát, tr.1909.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay Xuân Đinh dậu 2017, số 479 tháng 1 năm 2017
* PGS.TS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh.