Đi tìm họ hàng Thúy Kiều ở Nhật Bản - Kỳ 1: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật Bản

ĐI TÌM HỌ HÀNG THÚY KIỀU Ở NHẬT BẢN

(3 kỳ)

Đoàn Lê Giang([1])

 KỲ 1:

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN Ở NHẬT BẢN

Do sự nổi tiếng của Truyện Kiều mà hai chục năm trở lại đây Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng được các học giả Đông Á nghiên cứu khá nhiều. Kim Vân Kiều truyện có ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng giới nghiên cứu trong nước mới nghiên cứu kỹ Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam, nghiên cứu một chừng mực nhất định Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc, mà chưa đi sâu vào sưu tầm tư liệu cũng như nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản. Bài viết này đi sâu tìm hiểu Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản: sự du nhập, các văn bản hiện có, ảnh hưởng của nó đối với Nhật Bản và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu Truyện Kiều ở Việt Nam.

 20201130

H1: Trang đầu bản Kim Vân Kiều, Song Hồng Đường văn khố - 69, lưu ở Đông dương văn hóa Nghiên cứu sở, Thư viện Đại học Tokyo

1. TỪ BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU CỦA KOMATSU MÀ NGƯỜI NHẬT TÌM RA KIM VÂN KIỀU TRUYỆN Ở NHẬT BẢN

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra tiếng Nhật từ khá sớm, người dịch là nhà văn nổi tiếng Komatsu Kiyoshi - gần đây giới nghiên cứu Nhật Bản tôn xưng ông là “nhà nhân văn chủ nghĩa”. Komatsu với lòng say mê Truyện Kiều đã dành cho tác phẩm này những lời ngợi ca nồng nhiệt:  

Kim Vân Kiều là một tác phẩm văn học có tình cảm và giá trị lớn lao, có mùi hương và ý vị rất riêng. (…). Tôi nghĩ rằng có thể thông qua tác phẩm này mà tìm hiểu cái bí mật của hồn dân tộc An Nam. Và cũng vì tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là một tác phẩm văn học ưu tú, mà còn là một tấm gương phản chiếu một cách rõ ràng tâm hồn người An Nam, và còn hơn là một tác phẩm văn học, có thể gọi nó là cuốn kinh được viết ra bởi một thi nhân. Một tác phẩm văn học gắn liền với vận mệnh của một dân tộc như thế là hiếm có trong suốt lịch sử cổ kim Đông Tây.” [Komatsu Kiyoshi, 2004, tr.55].  

Người Nhật đặc biệt yêu thích Truyện Kiều qua bản dịch này, trong vòng 6 năm nó được tái bản đến 3 lần (金雲翹 Kim Van Kiéou, 阮攸 著、小松清, 東宝発行所/ Kim Vân Kiều, Nguyễn Du sáng tác, Komatsu Kiyoshi dịch, Toho hakkosho in lần thứ nhất 1942 (Showa 17); Toho shoten東寶書店in lần thứ hai 1943 (Showa 18); Kaikosha 偕光社in lần thứ ba 1948 (Showa 23) [Đoàn Lê Giang, 2015, tr.474-486].

Từ đó đã khiến các học giả Nhật Bản mới chú ý tìm xem có Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc truyền đến Nhật Bản không? Nhờ thế mà họ phát hiện ra các bản dịch, phóng tác Kim Vân Kiều truyện khá phong phú.

Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là GS.Hatakenaka Toshiro畠中敏郎 (1907-1998) ở Đại học Ngoại ngữ Osaka. Năm 1959 GS. Hatakenaka đã trình bày bài viết của mình Kim Vân Kiều và văn học thời Edo (江戸文学と金雲翹), sau đó bài viết đăng trên tạp chí Văn học so sánh của Hội Văn học so sánh Nhật Bản (số 3, tháng 9-1960, tr.37-54) với nhan đề Kim Vân Kiều khảo (「金雲翹」考)). Năm 1972, ông trở lại vấn đề này với bài viết: Về Kim Vân Kiều (「金雲翹」について) đăng trên tạp chí Đại học Ngoại ngữ Osaka (số 27, ngày 25-01-1972, tr.11-21). Bài viết được đưa vào sách Kim Vân Kiều 金雲翹, Nguyễn Du, Takeuchi Yonosuke dịch. Bài viết có 2 mục:

Mục một viết về Thông tục Kim Kiều truyện, bản dịch Kim Vân Kiều truyện. Đoạn đầu bài nghiên cứu viết:

“Bản Kim Kiều truyện dịch sang tiếng Nhật thành Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện 繍像通俗金翹伝 (Kim Kiều truyện thông tục có tranh minh họa, gọi ngắn gọn là Thông tục Kim Kiều truyện - Đ.L.G) được xuất bản vào năm Bảo Lịch 13 (1763). So với niên đại nguyên bản được thuyền buôn đưa sang (1754, nói ở trên) thì khá sớm. Bản này được lưu giữ ở Thư viện Đại học Tenri天理図書館, gồm 7 sách, 5 quyển, 20 hồi. Cuối sách 7 có ghi: “Tháng Giêng, năm Quý mùi, Bảo Lịch 宝暦thứ 13 (1763); Nhiếp Giang Đằng Ốc Di Vệ Môn, đồng Cát Văn Tự Ốc Thị Vệ Môn, Đông Vũ Đồng Thứ Lang Vệ Môn (viết chữ)” [Takeuchi Yonosuke, 1975, tr.384]. Người dịch sách này là Nishida Korenori 西田 維則 ([2]) người vùng Omi mất năm Minh Hòa thứ hai (1765). Nishida từng dịch nhiều truyện Trung Quốc nổi tiếng như: Thông tục Tùy Dượng Đế ngoại sử, Mãi du lang độc chiếm hoa khôi, Thông tục Xích thằng kỳ duyên…

Mục hai GS.Hatakenaka giới thiệu cuốn Phong tục Kim ngư truyện 風俗金魚傳 (Truyện con cá vàng - bằng tiếng thường) của nhà văn Kyokutei Bakin 曲亭馬琴 (1767-1848), sách phóng tác từ Thông tục Kim Kiều truyện, xuất bản lần đầu tiên vào 2 năm 1829-1830. 

20201130 2 20201130 3

H2-3: Trang Mục lục của bản Kim Vân Kiều, Song Hồng Đường văn khố - 69

2. VĂN BẢN KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN (1754) 

Hiện nay những bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cổ nhất là những bản nào?

Ở Trung Quốc: “Bản khắc in sớm nhất đến nay còn thấy được là “phồn bản” đời Thanh-Thuận Trị (1638-1661) và “giản bản” sớm nhất đại ước in vào khoảng đầu đời Khang Hy (1661-1722)” [Nguyễn Nam, 2016]

Ở Nhật Bản bản Kim Vân Kiều cổ nhất được nhắc đến đầu tiên là bản được ghi trong Thương bạc tải lai thư mục商舶載来書目(Mục lục sách được thương thuyền chở đến Nhật) vào năm Bảo Lịch thứ 4 (1754), như GS.Isobe Yuko viết: 

“Phong tục Kim ngư truyện là truyện phóng tác từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, người ta còn thấy tên cuốn sách này trong Thương bạc tải lai thư mục商舶載来書目(Mục lục sách được thương thuyền chở đến Nhật) vào năm Bảo Lịch thứ 4 (1754). [Isobe Yuko, 2003]

20201130 4

H4: Thương bạc tải lai thư mục, Hàng dưới cột 8 có nhan đề Kim Vân Kiều (Bảo Lịch năm 4 Giáp Tuất 1754) 

Chúng tôi muốn xem Thương bạc tải lai thư mục ghi tên sách Kim Vân Kiều cụ thể thế nào, bèn nhờ TS.Nohira Munehiro, Giảng viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo tìm thư mục ấy ở Nhật Bản. Sau một thời gian tìm tòi ở thư viện, TS.Nohira đã gửi cho chúng tôi bản thư mục trên. Trong bảng kê sách nhập khẩu vào Nhật Bản năm Giáp Tuất, Bảo Lịch thứ 4 (1754) có các sách sau: “Ngự toản tính lý tinh nghĩa 御纂性理精義- một bộ một bao ( sáo); Hạnh hoa thiên 杏花天- một bộ 4 quyển; Kim Vân Kiều 金雲翹- một bộ 4 quyển.” [Osamu Oba, 1967, tr.717]

Quyển Kim Vân Kiều này còn không?

Ở Thư viện Nội các Nhật Bản và thư viện Đông dương nghiên cứu sở, thuộc Đại học Tokyo còn lưu giữ bản Kim Vân Kiều cổ 

Linh mục Vũ Đình Trác khi tiến hành làm luận án tiến sĩ Triết lý nhân bản Nguyễn Du ở Đại học Jochi, Tokyo, từ năm 1971-1973 cho biết ở Nhật Bản có lưu trữ một bản Kim Vân Kiều truyện cổ in mộc bản:

“Bản này chia thành 4 quyển, 20 hồi, 140 trang kép tức 240 trang đơn, mỗi trang trung bình 250 chữ. Trên đầu mỗi quyển có ghi: “Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư, Thanh Tâm Tài Tử biên thứ 貫華堂評論金雲翹傳, 聖歎外書, 青心才子 編次. Nguyên ấn mộc bản đó hiện lưu tại Quốc lập công văn thứ quán Nhật Bản Tokyo, tức Nội các văn khố hay Thư viện Quốc hội Nhật Bản và tại thư viện Đông dương nghiên cứu sở, thuộc Đại học đế quốc Đông Kinh. (…) Được biết tài liệu này du nhập vào Nhật Bản trên 200 năm nay, tức đầu niên hiệu Bửu Lịch Nhật Bản, cũng là đầu niên hiệu Cảnh Hưng tại Việt Nam. (…) Trong thư mục của văn khố, người ta ghi nhận: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc Thanh đại Trung Quốc” [Vũ Đình Trác, 1973, tr.578-579]

Bản Kim Vân Kiều ấy có thể chính là bản được nhập vào Nhật Bản năm 1754 mà Thương bạc tải lai thư mục đã ghi nhận, đó là một trong những quyển Kim Vân Kiều cổ nhất thế giới hiện còn.

Để tìm bản Kim Vân Kiều này, chúng tôi lại nhờ TS.Nohira, một thời gian sau, TS.Nohira đã gửi chúng tôi bản sao quyển Kim Vân Kiều ấy.

Thông tin thư mục sách trên có thể tra dễ dàng ở thư viện Đại học Tokyo: Đông dương văn hóa Nghiên cứu sở sở tàng Hán tịch mục lục東洋文化研究所所蔵漢籍目録: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện貫華堂評論金雲翹傳, 4 quyển 20 hồi. Bản in đời Thanh (Thanh san bản清刊本). [Đường link: http://www3.ioc.u-tokyo.ac.jp/kandb.html].

Xin giới thiệu văn bản này như dưới đây.

Ngoài bìa đề: “Kim Vân Kiều”, Ký hiệu thư viện: Song Hồng Đường văn khố, Tiểu thuyết, 69. Trang 1: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện mục lục. Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Tên sách chỗ gấp tờ giấy chỉ có Kim Vân Kiều (không phải Kim Vân Kiều truyện)

Đầu hồi 1: Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều truyện quyển chi nhất. Thánh Thán ngoại thư. Đệ nhất hồi: Vô tình hữu tình mạch lộ điếu Đạm Tiên; Hữu duyên vô duyên phách không ngộ Kim Trọng.

Toàn bộ có 147 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng, mỗi dòng 25 chữ. Sách in mộc bản, chữ khá vụng cho thấy đã được xuất bản vào những thế kỷ trước, không phải loại mộc bản khắc đẹp hay thạch bản sắc nét của giai đoạn sau. Sách mất tờ 2a và 2b. 

Toàn bộ có 4 quyển, 20 hồi. Tên cụ thể các hồi như sau.

Quyển chi nhất: từ tờ 3 đến tờ 38, gồm hồi 1 đến hồi 6

Đệ nhất hồi: Vô tình hữu tình mạch lộ điếu Đạm Tiên; Hữu duyên vô duyên phách không ngộ Kim Trọng; Đệ nhị hồi: Vương Thuý Kiều toạ si tưởng mộng đề đoạn trường thi; Kim Thiên Lý hễ đông tường dao định đồng tâm kết; Đệ tam hồi: Lưỡng ý kiên, Lam kiều hữu lộ; Thông tiêu lạc, bạch bích vô hà; Đệ tứ hồi: Hiếu niệm thâm nhi thân khả xả, bất nhẫn tông luân; Nhân duyên đoạn nhi tình nan vong, do tư muội tục; Đệ ngũ hồi: Cam tâm thụ bách mang lý mãnh khí sinh tử; Xả bất đắc nhất gia nhân khốc đoạn can trường; Đệ lục hồi: Hiếu nữ xả thân hành hiếu, do phí chu toàn; Kim phu tiêu khuất đắc kim, toàn bất lao lực.

Quyển chi nhị: từ tờ 39 đến tờ 76, gồm hồi 7 đến hồi 12

Đệ thất hồi: Hàm tu cáo phụ mẫu, dụng tình chi chung; Nhẫn sỉ phú cuồng thư, thất thân chi thuỷ; Đệ bát hồi: Vương hiếu nữ cam tâm bạch nhận; Mã Tú Ma kế trám hồng nhan; Đệ cửu hồi: Tích đa tài nhận tác tặc tử; Khanh bạc mệnh tá hiệp đồ tài; Đệ thập hồi: Phá lạc hộ phản diện vô tình; Lão xướng căn yên hoa giáo huấn; Đệ thập nhất hồi: Khốc hoàng thiên Bình khang ký hận; Tuý phong lưu Kim ốc mưu Kiều; Đệ thập nhị hồi: Vệ Hoa Dương trí phục Mã xướng; Thúc Sinh viên hỷ liên Vương mỹ.

Quyển chi tam: từ tờ 77 đến tờ 112, gồm hồi 13 đến hồi 17

Đệ thập tam hồi: Biệt tâm khổ hà nhẫn phân ly; Thố ý thâm toàn bất thuyết phá; Đệ thập tứ hồi: Hoạn Ưng Khuyển di hoa tiếp mộc; Vương mỹ nhân bách chiết thiên ma; Đệ thập ngũ hồi: Hoạt địa ngục nhẫn khí thôn thanh; Giả từ bi tả kinh liễu nguyện; Đệ thập lục hồi: Quan Âm các mạo hiểm tương thân; Văn Thù am đào tình đề vịnh; Đệ thập thất hồi: Vu Lan hội đột ngộ ma đầu tao đọa lạc; Yên Hoa trại trùng thi phong nguyệt ngộ anh hùng.

Quyển chi tứ: từ tờ 113 đến tờ 147, gồm hồi 18 đến hồi 20

Đệ thập bát hồi: Vương phu nhân kiếm tru vô nghĩa hán; Từ Minh Sơn kim tặng hữu ân nhân; Đệ thập cửu hồi: Giả chiêu an Minh Sơn vẫn mạng; Chân đoạn trường Thuý Kiều tiêu kiếp; Đệ nhị thập hồi: Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn; Vương Thuý Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện.

 

* NHẬN XÉT

Nhật Bản trước nay có truyền thống tốt đẹp là lưu trữ được nhiều tư liệu tốt về văn học, sử học của các nước trong khu vực. Nhật Bản từng lưu trữ bản chép tay bằng cổ văn Thượng Thư, bản viết tay tàn khuyết đời Đường sách Thế thuyết tân ngữ mà chính Trung Quốc cũng không có, bản Du tiên khố đời Đường bị thất lạc ở Trung Quốc tìm thấy ở Nhật Bản vào cuối đời Thanh. Nhật Bản cũng từng lưu giữ văn bản Kim Ngao tân thoại và nhiều tác phẩm khác của Hàn Quốc. Đối với Việt Nam thì Nhật Bản lưu trữ những văn bản tốt Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam vong quốc sử, Chinh phụ ngâm khúc, hay lưu trữ văn bản Tân biên Truyền kỳ mạn lục, các thư từ trao đổi của chúa Nguyễn, chúa Trịnh với Mạc phủ Tokugawa mà chính Việt Nam cũng không còn. Và trường hợp nói ở đây là Kim Vân Kiều truyện. Do khí hậu Nhật Bản khá khô, ý thức lưu giữ văn hóa cao, các kho tư liệu phong phú đa dạng, có khi là thư viện Hoàng gia, thư viện Mạc phủ, có khi là phòng tư liệu của các tự viện, lãnh chúa, tư nhân… nên đã lưu giữ được nhiều tư liệu tốt với thời gian lâu dài. Việc sưu tầm được bản Kim Vân Kiều từ thế kỷ XVIII ở Nhật Bản đã góp thành quả rất lớn vào việc có thêm một truyền bản tác phẩm này, đồng thời nghiên cứu con đường lưu truyền Kim Vân Kiều truyện ra các nước Đông Á, để có thể hiểu bằng con đường nào mà Nguyễn Du có được tác phẩm này để từ đó sáng tác nên tuyệt tác Truyện Kiều.  

Đoàn Lê Giang

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 525, tháng 11/2020, tr.41-44

CHÚ THÍCH

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-18b-03

  1. Đoàn Lê Giang (2015), “Các bản dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản: đa dạng người dịch, đa dạng phong cách”, in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại, Kỷ yếu hội thảo, Viện Văn học, NXB. KHXH
  2. Isobe Yuko 磯部祐子(2003), “Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc - trường hợp K.Bakin” (中国才子佳人小説の影響 - 馬琴の場合) đăng Kỷ yếu của Đại học Takaoka, quyển 18 tháng 3 năm 2003 (Tiếng Nhật). (https://ci.nii.ac.jp/naid/110000475021)
  3. Komatsu Kiyoshi (2004), “Bài bạt Kim Vân Kiều của Komatsu Kiyoshi”, Đoàn Lê Giang dịch và giới thiệu, Tạp chí Văn học số 11 năm 2004
  4. Nguyễn Nam (2016), Những thẩm định mới về Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trang web Văn hóa Nghệ An, 17 Tháng 3 2016 05:43)
  5. Osamu Oba 脩 大庭 (1967), 江戸時代における唐船持渡書の研究 (Nghiên cứu sách tàu thuyền Trung Quốc chở đến Nhật Bản thời Edo), 関西大学東西学術研究所研究叢刊 (Tùng san nghiên cứu của Sở Nghiên cứu học thuật Đông Tây- Đại học Kansai) (Tiếng Nhật)
  6. Takeuchi Yonosuke dịch (1975), Kim Vân Kiều金雲翹, Nguyễn Du, Kodansha xuất bản, Tokyo (Tiếng Nhật)
  7. Vũ Đình Trác (1973), “Nguyên lai Kim Vân Kiều truyện”, in trong: Nhiều tác giả, Lê Xuân Lít sưu tầm (2007), 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, NXB.Giáo dục.


[1] PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM

[2] Trong bài viết “Truyện Kiều Nhật Bản và Truyện Kiều ở Nhật Bản” (Kiến thức ngày nay số Xuân 1996), “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản” (tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 năm 1999) chúng tôi đều phiên西田 維則 thành Nishida Isoku. Phiên như vậy là phiên theo các tài liệu Nhật Bản thời đó. Sau này các học giả Nhật Bản phiên là Nishida Korenori, tên này được sử dụng rộng rãi hơn. Thực ra tên người Nhật khó đọc chính xác, nhất là tên cổ, do một chữ Hán Nhật có nhiều cách đọc khác nhau, cả âm On hay âm Kun. 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website