Lục Cơ và bài phú về văn

Lục Cơ (261 - 303), tự Sĩ Hành, người Hoa Đình, Ngô Quận (nay là Tùng giang, Thượng Hải), là nhà văn lớn thời Tây Tấn. Từng làm quan, chức Bình Nguyên  nội sử, người đời gọi là Lục Bình Nguyên. Sau ông bị Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh cử  làm Hậu tướng quân, Hà Bắc đại đô đốc, sai đem quân đi thảo phạt Trường Sa Vương Tư Mã Nghệ, thất bại, bị Dĩnh giết chết. Tác phẩm có Lục Bình Nguyên tập (còn gọi Lục Sĩ  Hành tập). Trong đó về lý luận văn học thì bài Văn phú của ông là tác phẩm tiêu biểu nhất.

Trong lịch sử lý luận phê bình văn học Trung Quốc, tác phẩm Văn phú có vị trí hết sức quan trọng. Từ thực tiễn sáng tác của mình, kết hợp với việc nghiên cứu lý luận người xưa, ông trình bày về vấn đề lý luận sáng tạo văn học một cách hệ thống, tinh tế, sâu sắc, đánh dấu một bước phát triển của lý luận văn học Trung Quốc. Có thể nói Văn phú đã đặt tiền đề cho nhiều vấn đề lý luận sẽ được bàn kỹ ở  Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp.

Về mục đích viết Văn phú, trong lời tựa tác phẩm có viết ngắn gọn như sau:

Tôi mỗi khi xem sáng tác của các bậc tài sĩ, thường trộm nghĩ rằng mình hiểu được chỗ dụng tâm của người viết. Ôi, người viết thường múa may từ ngữ, biến hóa trăm đường, thế nhưng hay dở, tốt xấu, tôi đều có thể hiểu và nói ra được. Mỗi khi tự mình viết văn thì lại càng thấy rõ hơn tình cảnh của người viết. Thường lo ý không xứng với vật, văn không theo kịp ý. Nói chung cái khó không phải là ở chỗ hiểu biết mà là ở chỗ tài năng. Cho nên tôi mới viết Văn phú để thuật lại những sáng tác hay của người xưa, nhân đó bàn về nguyên do của việc hay dở trong sáng tác văn chương. Vì tôi lo rằng một ngày kia có thể văn chương sẽ mất đi cái kỳ diệu của nó. Đến như cầm rìu đẽo cán, dẫu mẫu mực chẳng xa, nhưng mỗi tay mỗi khác, từ ngữ thì khó mà theo kịp để truyền đạt. Những điều nói ra được, tất cả đều ở dưới đây.

(Dư mỗi quan tài sĩ chi sở tác, thiết hữu dĩ đắc kỳ dụng tâm. Phù kỳ phóng ngôn khiển từ, lương đa biến hĩ. Nghiên xi hảo ác, khả đắc nhi ngôn. Mỗi tự chúc văn, vưu kiến kỳ tình. Hằng hoạn ý bất xứng vật, văn bất đãi ý. Cái phi tri chi nan, năng chi nan dã. Cố tác “Văn phú” dĩ thuật tiên sĩ chi thịnh tảo, nhân luận tác văn chi lợi hại sở do, tha nhật đãi khả vị khúc tận kỳ diệu. Chí ư thao phủ phạt kha, tuy thủ tắc bất viễn, nhược phù tùy thủ chi biến, lương nan dĩ từ đãi. Cái sở năng ngôn giả, cụ ư thử vân nhĩ.)

Lục Cơ cho rằng sáng tác văn học là một hoạt động phức tạp và gian khổ. Trong sáng tác ông đưa ra mối quan hệ thống nhất và sự kết hợp chặt chẽ giữa sự vật bên ngoài, hoạt động tư tưởng với kỹ xảo ngôn ngữ. Cái gọi là “ý xứng vật” (ý tương xứng với sự vật) là chỉ nhận thức, cấu tứ, tổ chức trong hoạt động tư tưởng của người sáng tác có phù hợp hay không với sự chân thực của sự vật ngoại giới; cái gọi là “văn đãi ý” (văn theo kịp ý) là chỉ tài năng của tác giả có vận dụng được ngôn ngữ thích đáng, đẹp đẽ để biểu đạt nội dung cụ thể của nhận thức và của cấu tứ. Ý có xứng vật hay không, văn có đãi ý hay không là một vấn đề hết sức quan trọng, Văn phú  được viết ra chủ yếu là nhằm bàn luận về vấn đề ấy.

1. BÀN VỀ QUÁ TRÌNH  SÁNG TÁC

      Văn phú cho rằng trước khi sáng tác bao giờ cũng có một giai đoạn chuẩn bị. Đây là giai đoạn người sáng tác quan sát sự vật, học tập rèn luyện, bồi dưỡng cảm hứng sáng tác. Mở đầu Văn phú, Lục Cơ viết:

Giữa trời đất mà ngắm nhìn; Nuôi Tình, Chí trong kinh điển.

Theo bốn mùa mà thở than; Xem cảnh vật mà suy nghĩ.

Đầu xuân vui cành mềm; Cuối thu buồn lá rụng.

Tâm e sợ mà buồn nhớ sương; Chí vời vợi mà cao đến mây.

Ca tổ tiên công trạng rực rỡ; Tụng người xưa đạo đức thanh cao.

Vui chơi khu rừng văn chương tươi tốt;

Thưởng thức vẻ đẹp “Văn - Chất hài hòa”.

Khảng khái vung bút viết nên thiên này;

Nhờ cậy văn chương để mà bày tỏ.

(Trữ  trung khu dĩ huyền lãm; Di tình chí ư điển phần.

            Tuân tứ thời dĩ thán thệ; Chiêm vạn vật nhi tư phân.

            Bi lạc diệp ư kính thu; Hỷ nhu điều ư phương xuân.

            Tâm lẫm lẫm dĩ hoài sương; Chí diểu diểu nhi lâm vân.

            Vịnh thế đức chi tuấn liệt; Tụng tiên nhân chi thanh phân.

            Du văn chương chi lâm phủ; Gia lệ tảo chi bân bân.

Khái đầu thiên nhi viện bút; Liêu tuyên chi hồ tư văn.)

Đoạn trên trình bày lý do làm bài phú này, không ngoài hai ý : cảm ở vật và gốc ở học. Cho nên câu mở đầu đã nói đến “Ngắm nhìn” (Huyền lãm) và “Kinh điển” (Điển phần). Bốn câu từ “Theo bốn mùa” (Tuân tứ thời) đều cảm ở vật mà nói. Bốn câu từ “Ca tổ tiên công trạng rực rỡ” (Vịnh thế đức chi tuấn liệt) lại là từ nuôi dưỡng tình chí ở điển phần mà sinh ra. Cả hai cùng dẫn đến tứ văn, cho nên ở giữa dùng hai câu “Tâm lẫm lẫm dĩ hoài sương” là để quán xuyến tất cả.

Muốn cho văn theo kịp ý thì cần phải học tập di sản, rèn luyện kỹ xảo. Văn chương sinh ra từ tình cảm, tình cảm sinh ra do cảm nhận sự vật.

Trong quá trình sáng tác, còn có giai đoạn cấu tứ, bất luận sự vật từ bên ngoài tác động vào ý bên trong, hay từ ý bên trong đến câu văn bên ngoài, thì đều không tách rời chuyện cấu tứ của tác giả. Văn phú đã bàn rất tinh tề về việc này:         

Đầu tiên, thu cái nhìn lại không thấy gì nữa và bỏ tất cả ra ngoài tai, trầm tư suy nghĩ và tìm hình tượng trong tâm trí của mình, tinh thần rong ruổi nơi tám cõi, tâm hồn chơi vơi chốn nghìn trùng.

Rồi thì, Tình mờ mờ thành sáng tươi hơn; Vật rực rỡ mà kéo nhau tới.

Rót những giọt ngôn từ Chư tử quý giá; Ngậm lấy ngụm nước Lục Kinh ngát hương.

Thả mình trôi tới trời cao thẳm; Tắm mình ngụp lặn chốn suối khe.

Lúc ấy, Từ chìm buồn vui mất, như thể cá mắc câu mà rời khỏi vực;  Văn chương nối nhau bay ra, như thể chim phải tên mà rơi xuống từ tầng mây thẳm.

(Kỳ thủy dã: giai thâu thị phản thính, đam tư bàng tấn,

tinh vụ bát cực, tâm du vạn nhẫn.

Kỳ chí dã: tình đồng lông nhi di tiên; Vật chiêu tích nhi hỗ tiến.

Khuynh quần ngôn chi lịch dịch; Thấu lục nghệ chi phương nhuần.

Phù thiên uyên dĩ an lưu; Trạc hạ tuyền nhi tiềm tẩm.

Ư thị, trầm từ phí duyệt, nhược du ngư hàm câu, nhi xuất trùng uyên chi thâm; Phù tảo liên phiên, nhược hàn điểu anh chước, nhi trụy tằng vân chi tuấn.)

 Đoạn này chuyên giảng về cấu tứ. Bắt đầu cấu tứ chỉ là quan hệ giữa Ý và Vật. Thêm một bước nữa là mối quan hệ giữa Ý và Văn. Cho nên mới nói là “Kỳ chí dã...” (sau đó thì). Đều là chỉ cả hai phương diện Ý và Từ.

Cấu tứ là một quá trình phức tạp, khi cấu tứ phải tụ hội tinh thần (tụ tinh hội thần), phát huy tối đa sức tưởng tượng, có thể quan sát, vỗ về cổ kim và bốn biển.

Văn phú cũng bàn về vấn đề linh cảm trong sáng tác văn học, cái mà người sau gọi là “trừng tâm ngưng tứ”, hay “dưỡng khí”,  “thần tứ” của Lưu Hiệp.

2. BÀN VỀ PHONG CÁCH

      Lục Cơ cho rằng cá tính tác giả khác nhau nên phong cách sáng tác cũng không giống nhau, mặt khác thể tài văn chương khác nhau nên đặc điểm phong cách cũng không giống nhau. Văn phú có đoạn viết:

Thơ nương theo tình cảm nên đẹp đẽ; Phú tả sự vật nên rực rỡ sáng tươi.

Bi thì văn phải hợp với chất([1]); Lỗi thì triền miên nên thê lương.

Minh cô đúc mà ôn nhuận; Châm ngưng trệ mà hùng tráng.

Tụng thung dung nên phong phú; Luận tỉ mỉ mà rõ ràng.

Tấu ôn hòa thấu triệt nên nhàn nhã; Thuyết rực rỡ khoa trương mà quyền biến.

(Thi duyên tình nhi ỷ mĩ; Phú thể vật nhi lưu lượng.

詩 緣 情 而 綺 靡, 賦 體 物 而 瀏 亮[2]

Bi phi văn dĩ tương chất; Lụy triền miên nhi thê thương.

Minh bác ước nhi ôn nhuận; Châm đốn tỏa nhi thanh tráng.

Tụng ưu du dĩ bân uất; Luận tinh vi nhi lương sướng.

Tấu bình triệt dĩ nhàn nhã; Thuyết vĩ hoa nhi quyệt cuống)

Phần này tiếp tục việc luận phong cách của Tào Phi và có bước phát triển cao hơn, đồng thời nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến hai chương Thể tính Định thế trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp sau này.

Đối với sáng tác thơ ca, Lục Cơ đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tình cảm. Từ Tiên Tần đến bấy giờ, nhà nho quan niệm “Thi ngôn chí” 志. Đến thiên Nhạc ký trong sách Lễ ký Thi đại tự có nhắc đến Tình, nhưng chưa dứt khoát khẳng định điều này, vẫn còn trong thế lưỡng phân Chí và Tình với vai trò chủ đạo của Chí. Từ cuối đời Hán trở đi, tư tưởng Nho gia chính thống ngày một phai nhạt, thì quan niệm của người ta về thi ca cũng bắt đầu thay đổi. Tào Phi nói “Thơ phú cần phải đẹp” (Thi phú dục lệ – Điển luận- Luận văn), vẫn gắn thơ với phú và chỉ nói về hình thức. Lục Cơ dứt khoát cho rằng: “Thi duyên tình nhi ỷ mỹ”, yêu cầu thơ ca phải thể hiện tình cảm, ngôn từ phải đẹp đẽ. Quan niệm này đã thoát khỏi quan niệm về thơ của Nho gia, thể hiện được vấn đề đặc trưng của thơ.


[1] Văn và chất là cặp phạm trù tương tự như nội dung và hình thức, từng được Khổng Tử nói đến trong Luận ngữ.

[2] 綺 靡ỷ mĩ (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh đọc là Ỷ mi): đẹp đẽ; 瀏 亮 Lưu lượng (Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu: Lưu: trong, Lượng: Sáng. Từ điển Từ hải (TQ) giải thích: Lưu lượng: trong sáng)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63696940
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17232
23426
63696940

Thành viên trực tuyến

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website