Có một ‘trường văn hóa’ Lục Vân Tiên

Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm được đặc biệt yêu thích ở Nam Bộ. Tác phẩm này đi vào tục ngữ, ca dao dân ca, trở thành một loại hình diễn xướng đặc biệt “Nói thơ Vân Tiên”.

Từ đó đã được tái sinh trong nhiều loại hình văn nghệ khác: Thơ hậu Vân Tiên, Thơ nhại Vân Tiên, tranh Vân Tiên, vọng cổ, cải lương, tuồng, điện ảnh… tạo thành một “trường văn hóa” Lục Vân Tiên. Bài viết này giới thiệu vài nét nổi bật về việc ấy.

Lục Vân Tiên là một trong không nhiều tác phẩm mà các nhân vật của nó được lưu truyền trong văn học dân gian. Trong Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời (Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản, 1982) các nhà nghiên cứu đã thu thập được gần 100 câu có nhắc đến tác phẩm hoặc nhân vật trong Lục Vân Tiên.

20220210 3

Tranh khắc gỗ về đề tài “Lục Vân Tiên”

Lục Vân Tiên trong ca dao dân ca

Không chỉ ca dao dân ca Nam Bộ, mà cả Nam Trung Bộ và Thừa Thiên - Huế cũng có. Đây là câu ca ở Nam Trung Bộ:

Anh đừng than ngắn thở dài

Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền

Nói ra về lúc Vân Tiên

Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm.

Đây là câu hò mái nhì trong dân ca Bình Trị Thiên:

Bớ em ơi, em đừng suy nghĩ thiệt hơn

Hãy ở như Nguyệt Nga ngày trước, lòng dạ keo sơn chẳng dời.

Trong ca dao dân ca, các nhân vật được nhắc đến là: Bùi Kiệm “máu dê”:

Anh đây cũng muốn kết ngãi giao du

Anh không phải thằng Bùi Kiệm sao chín mười phần bạn nghi.

Chú thích ảnh

Thể Loan bội nghĩa, Trịnh Hâm vô nghì, Tử Trực hiền lương…. Nhưng nhiều nhất là Vân Tiên và Nguyệt Nga. Vân Tiên là hiện thân của tình thần nghĩa hiệp, của những gian nguy trong đời và tình yêu hết lòng:

Kể từ ngày thiếp cách xa chàng

Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga đi cống Hồ

Thiếp xa chàng ruột héo gan khô

Hang Thương Tòng chàng dựa, chốn biển hồ thiếp thương.

Hay:

Nhớ tích xưa Vân Tiên võ giỏi văn hay

Một tay bẻ gậy đánh rày Phong Lai…

Còn Nguyệt Nga là hiện thân của tình yêu chung thủy, sắt son:

Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn

Dạ lại dặn dạ đá nát vàng nhòa

Em đây quyết noi gương chị Nguyệt Nga

Mặc ai phỉnh dỗ em chẳng sa lời nguyền.

Hay:

Đáng thương chị Nguyệt Nga ngồi biển canh trường

Ai mang bức tượng Vân Tiên

Thấy em là gái thuyền quyên

Muốn gá tình chồng vợ biết nợ duyên thế nào?

Chú thích ảnh

Lục Vân Tiên trong sáng tác văn học Nam Bộ

Hát dặm (giặm) Vân Tiên: là một loại diễn tấu theo tích truyện Vân Tiên, kết hợp giữa những đoạn kể chuyện, đối đáp của người sáng tác xen dặm vào với những đoạn lấy nguyên văn, hay lấy một số từ trong Lục Vân Tiên. Hiện nay ở Thư viện Quốc gia Pháp còn lưu Thơ Bùi Kiệm dặm của Nguyễn Văn Tròn (Nhà in Bảo Tồn của Diệp Văn Kỳ, Sài Gòn, năm 1928). Đây là đoạn mở đầu:

“Thốt thôi anh Bùi Kiệm bước vào nhà, thấy nàng Nguyệt Nga, lỗ tai chỉ đeo đôi bông, nhận hột, cổ đeo cây kiền vàng chạm, bận cái áo lưỡng đoạn, đội cái khăn lục soạn, bận quần lãnh lưng rút á khiến tâm bào anh Bùi Kiệm chết tê.(…)

Ăn chung để cho con bạn nó làm riêng, chớ bậu thờ làm chi bức tượng của Vân Tiên, đồ ma đồ quỷ ba mươi ngày, bảy mươi bữa mà có linh thiêng điều gì.

Nga rằng phận thiếp mà nữ nhi, tôi làm thân con gái mà chữ trinh, chữ tiết, chữ liệt là tôi phải có ghi vào lòng.”

Thơ hậu Vân Tiên: là viết tiếp truyện Lục Vân Tiên với những sự việc và thế hệ con của các nhân vật trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Loại “hậu” thế này ta thường thấy ở những danh tác Trung Hoa như: Hậu Tam Quốc, Hậu Thủy hử, Hậu Hồng lâu mộngTruyện Kiều cũng có “hậu” là Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Đăng Tuyển. Hiện nay còn đến 3 tác phẩm Hậu Vân Tiên, đó là:

Hậu Vân Tiên diễn ca của Trần Phong Sắc, Nhà in J.Nguyễn Văn Viết, in lần thứ nhất 1925. Tái bản 1928.

Hậu Vân Tiên của Nguyễn Bá Thời, Nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), in lần thứ nhất, 1932. Tái bản 1933.

Hậu Vân Tiên của Cử Hoành Sơn, Nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), in lần thứ nhất, 1933. In lần thứ ba 1937, thứ tư 1939.

Chú thích ảnh

Hậu Vân Tiên của Trần Phong Sắc nói Lục Vân Tiên có 6 hồi, ông viết tiếp 6 hồi nữa:

Tây Minh truyện cũ trước bày

Sáu hồi đã diễn xưa nay lưu truyền

Cuốn này là Hậu Vân Tiên

Tiếp theo sáu thứ cho tuyền thỉ chung (…)

6 hồi ấy viết về con cái của “thế hệ Lục Vân Tiên”, đó là: Lục Tường Quang, sau làm vua là Sở Trung Tông (con của Vân Tiên tức Sở Cao Tông), Tử Trung (trai), Trinh Khiết (gái) (con Tử Trực), Hớn Dõng (trai), Huệ Tâm (gái) (con Hớn Minh)… đấu tranh với phe gian tà là: Tạ Tượng, Tạ Hầu (con viên Thái sư Tạ Mãng), Phong Lôi, Phong Điền (con Phong Lai), Cốt Tiết (con Cốt Đột)…Bùi Kiệm vẫn còn sống, nhờ có bằng cử nhân và có tiếng là bạn Tử Trực nên được mời làm quân sư cho Phong Lôi, Phong Điền. Hai tên tướng cướp này lại cưới hai con gái của Thái sư để có thêm vây cánh. Cuộc đấu tranh giữa hai phe chính tà rất gay go, cuối cùng vua Sở diệt được phe tà do viên Thái sư Tạ Mãng đứng đầu, hòa hiếu với Tây Phiên.

Hậu Vân Tiên của Nguyễn Bá Thời cũng kể về thế hệ sau của “thế hệ Vân Tiên”. Về cốt truyện, truyện của Nguyễn Bá Thời chịu ảnh hưởng sâu sắc truyện của Trần Phong Sắc, nhưng gọn gàng, chặt chẽ hơn.

Hậu Vân Tiên của Cử Hoành Sơn gần như đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trần Phong Sắc, để tạo ra một sáng tác mới hoàn toàn. Không những tên nhân vật, mà tình huống truyện cũng khác. Truyện không chỉ là sân khấu cho thế hệ “hậu Vân Tiên” mà “thế hệ Vân Tiên” vẫn tiếp tục hoạt động.

Tích xưa chép rõ khúc nôi

Gương nay lưu thế góp lời ngâm nga

Vân Tiên chuyện nọ đã qua

Quyển này nối “hậu” kể ra đuôi đầu. (…)

“Thơ nhại Vân Tiên”: Là nhại theo nhân vật Vân Tiên, thay vì tốt, thì là các thói hư tật xấu. “Thơ nhại Vân Tiên” là loại bài ca khôi hài, tếu táo, chọc cười, nhưng cũng có ý nghĩa châm biếm các thói hư tật xấu trong xã hội như cờ bạc, hút xách... Hiện còn hai bản:

Thơ Vân Tiên cờ bạc, người soạn Nguyễn Văn Khỏe, nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1932.

Thơ Vân Tiên ghiền, chủ bút: Đ.T.B et C.M, nhà in Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), Sài Gòn, in lần thứ ba, 1929.

Chú thích ảnh

Tác phẩm “nhại” “Lục Vân Tiên”

Lục Vân Tiên trong các loại hình nghệ thuật

Lục Vân Tiên trong tranh dân gian ở Bắc và Huế

Hiện nay còn một số tranh khắc gỗ về Lục Vân Tiên lưu truyền ở miền Bắc theo phong cách tranh Đông Hồ như tranh Vân Tiên - Tiểu đồng tái ngộ, Vân Tiên - Nguyệt Nga đoàn viên.

Ở Huế thì có bản truyện tranh màu Vân Tiên cổ tích truyện do Lê Đức Trạch, một họa sĩ của triều đình Huế thực hiện trong khoảng thời gian 1895 -1897 dựa trên bản dịch tiếng Pháp của Abel de Michel năm 1883.

Nói thơ Vân Tiên: Ở Nam Bộ việc kể chuyện Lục Vân Tiên trong dân gian rất phổ biến. Truyện thơ Nôm chủ yếu được kể, đọc to theo giọng nói cho nhiều người nghe, chứ không phải để đọc, ngâm một mình hay cho người tri kỷ như với Truyện Kiều. Vì thế mới có tên gọi là “Nói thơ”, mà trong Nói thơ thì chủ yếu là Nói thơ Vân Tiên. Về nguồn gốc, Nói thơ xuất phát từ hát sắc bùa, hô bài chòi từ miền Trung vào. Có những nghệ sĩ lang thang làm nghề Nói thơ Vân Tiên. Họ đến đầu chợ, bến đò, hè phố Nói thơ Vân Tiên, đôi khi kết hợp với đàn bầu, hay điệu bộ, làm mê mẩn tâm hồn bao người. Nói thơ Vân Tiên thường thì được đọc ngẫu hứng vào buổi tối, bên ngọn đèn dầu, có khi vừa nói thơ vừa làm việc như đan lưới, lột dừa, chèo ghe. G.Aubaret (Ô-ba-rê) khi giới thiệu Lục Vân Tiên cho công chúng Pháp, ông viết: “Truyện thơ Lục Vân Tiên phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền.”

Chú thích ảnh

Bài ca, Vọng cổ Lục Vân Tiên:

Lục Vân Tiên được viết lại thành các bài ca vọng cổ. Hiện nay còn 4 tập tư liệu cổ về loại này:

Bài ca Lục Vân Tiên (mới đặt), sáu thứ, Đặng Thanh Kim, Imprimerie-Librairie Huỳnh Kim Danh, in lần thứ nhứt, Sài Gòn, 1913.

Tây Minh

Tích xưa truyện đặt rõ ràng

Vân Tiên họ Lục tên chàng

Quán Đông Thành vốn dòng trâm anh

Mấy thu mang niếp theo thầy

Đạo truyền bày đủ nghề võ văn.

Chú thích ảnh

“Vọng cổ Bạc Liêu: Nguyệt Nga-Bùi Kiệm vấn đáp”,

tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Văn Cường (Chợ Lớn) xuất bản, in lần thứ nhất, 1933

Bài ca Lục Vân Tiên (theo điệu cải lương), tác giả: Lâm Hoài Nghĩa, Imprimerie Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1924. Lâm Hoài Nghĩa dựa theo truyện Lục Vân Tiên tác giả đặt các bài ca “theo điệu cải lương” như: Vọng cổ hoài lang (Vân Tiên nhớ nhà), Hành vân (Vân Tiên tạ thầy), Khổng Minh tọa lầu (Vân Tiên hỏi người cõng con), Lưu thủy tẩu mã (Vân Tiên hỏi Kim Liên), Tứ đại (Nguyệt Nga cùng Vân Tiên nói chuyện)…

Vọng cổ Bạc Liêu: Vân Tiên gặp Nguyệt Nga, tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Đình Khương xuất bản, in lần thứ nhất, 1933.

Vọng cổ Bạc Liêu: Nguyệt Nga-Bùi Kiệm vấn đáp, tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Văn Cường (Chợ Lớn) xuất bản, in lần thứ nhất, 1933.

Tuồng Lục Vân Tiên:

Lục Vân Tiên được chuyển thể thành tuồng, cải lương không ít. Hiện nay còn hai tư liệu cổ là tuồng Lục Vân Tiên ở Nam Bộ từ 1915 và tuồng ở Bắc Bộ năm 1922.

Tuồng Lục Vân Tiên, Huỳnh Văn Ngà tự Long Ẩn, Sài Gòn, F.H.Schneider Imprimeur-Editeur, 1915, 38 trang. Cuốn thứ nhứt: Từ đầu đến đoạn Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống biển. Tuồng cổ, nhưng lời mới, ít dùng từ Hán Việt.

- Tuồng Bắc bộ: Lục Vân Tiên tuồng, soạn dả V.C, Sửa lại và giữ bản quyền Phú Văn Librairie, Hà Nội, Rue du Chanvre 16, 1922, 60 trang (chuyển thể toàn bộ truyện Lục Vân Tiên).

Chú thích ảnh

Tuồng cổ về Lục Vân Tiên

Non sông mở mặt, hoa cỏ đậm mầu, đứng nam-nhi trung hiếu làm đầu, đạo phụ-nữ phải dữ câu trinh thục, Đông-Thành-quận có Vân-Tiên họ Lục, nền trâm anh túc phúc lâu dài, nhà thung huyên hai khóm tốt tươi, chàng đôi tám thực người chí-sĩ, du viễn phương rạo tìm sơn thủy, theo Tiên-ông dốc chí học hành, lúc chàng về Kinh-thành ứng cử, bỗng dữa dường gập gỡ Nguyệt-Nga (…)

Vân-Tiên nói: Rừng nho rong ruổi, cửa Thánh dựa kề, tôi Lục-vân-Tiên quê ngụ Đông-Thành, theo Sư-trưởng sôi kinh nấu sử, nghe nhà vua có khai khoa thủ sĩ, vào trình thầy để về ứng thí.

Sức sống mạnh mẽ

Lục Vân Tiên sau này còn được chuyển thể thành phim cổ trang do Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) sản xuất, dài 14 tập (mỗi tập 60 phút), do bộ ba đạo diễn Đỗ Phú Hải - Nguyễn Phương Điền - Lê Bảo Trung thực hiện. Năm 2017 Lục Vân Tiên được viết lại thành nhạc kịch Tiên Nga do NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung viết lời; đạo diễn: Thành Lộc. Tác phẩm được UBND TP.HCM trao giải nhất hạng mục sân khấu của giải Văn học - Nghệ thuật 2019.

Lục Vân Tiên được xuất bản từ sớm với số lượng rất lớn, được đưa vào sách giáo khoa liên tục trong nhiều thời gian khác nhau, được dịch thuật xuất bản ở nước ngoài và nghiên cứu phê bình rất lâu dài. Đây là vấn đề lớn, là đề tài của bài viết khác.

Có thể nói ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du ra, không có tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nào được yêu thích, truyền tụng, được phóng tác, chuyển thể rộng rãi, tạo thành một “trường văn hóa” như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Điều ấy cho thấy sức sống mạnh mẽ của tác phẩm trong lòng người hâm mộ.

PGS-TS Đoàn Lê Giang
(Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63686125
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6417
23426
63686125

Thành viên trực tuyến

Đang có 930 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website