Tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên

Nguyễn Công Lý, Tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ,  Tập 15 X1-2012, tr 15-29

I. Về tiểu sử, dù các nhà nghiên cứu và chúng tôi đã bỏ nhiều công sức kiếm tìm, nhưng hiện vẫn chưa rõ quê quán, năm sinh và mất của Phạm Minh Kiên. Chỉ biết ngoài bút danh Phạm Minh Kiên, ông còn ký tên Tuấn Anh và Dương Tuấn Anh. Có thể Dương Tuấn Anh là tên thật của ông. Về quê quán, qua thông tin giới thiệu trên vài tờ báo lúc bấy giờ cho biết, thì Phạm Minh Kiên quê gốc ở miền Trung (Bình Định ?), trước vốn là một tu sĩ Phật giáo, sau vào Sài Gòn gia nhập làng văn làng báo từ những năm 20 của thế kỷ XX. Những năm tháng hoạt động ở Sài Gòn, ông cộng tác thường xuyên các báo Nông cổ mín đàm, Đông Pháp thời báo, Lục tỉnh tân văn, Nam kỳ kinh tế báotrong các mục Tự do diễn đàn, Văn uyển, Xã luậnvới nhiều bài viết có phong cách, tạo dấu ấn riêng và ông đã từng là trợ bút tờ Nông cổ mín đàm trong hai năm 1923-1924, rồi làm chủ bút của tờ báo này từ số 123, ngày 26 tháng 8 đến số 133 (là số cuối), ngày 04 tháng 10 năm 1924; và chủ bút tờ báo Nhựt tân (lúc ông Lê Thành Tường sáng lập, hiện chưa rõ thời điểm cụ thể). Một số tiểu thuyết của ông trước khi xuất bản thành sách thường đã được cho đăng nhiều kỳ trên các tờ báo vừa nêu.

            II. Về văn nghiệp, bên cạnh làm báo, Phạm Minh Kiên còn viết nhiều tiểu thuyết phản ánh hiện thực xã hội Nam Bộ. Ông đã để lại cho văn xuôi Quốc ngữ hồi nửa đầu thế kỷ XX với 20 tác phẩm lớn nhỏ như sau (1):

            1. Hiếu nghĩa vẹn hai, luân lý tiểu thuyết, đăng ở Nông cổ mín đàm từ số 28 (20-10-1922)  đến số 58 (19-5-1923). Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1923, 58 trang.

            2. Mười lăm năm lưu lạc (Dương Tuấn Anh tự thuật), gia đình luân lý cải lương tiểu thuyết, đăng ở Nông cổ mín đàm từ số 8 (21-6-1922) đến số 27 (13-10-1922). Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1923, 95 trang.

3. Ai lỗi lầm, kim thời tiểu thuyết, đăng ở Nông cổ mín đàm từ số 122 (19-8 -1924) đến số 133 (04-11-1924). Tác phẩm chưa kết thúc; Réveil Saigonnais, Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1926, 32 trang. 

            4. Hai mươi năm lao lực, tiểu thuyết, 2 cuốn, xuất bản 1924 và 1927, Sài Gòn, 183 trang.

            5. Ân oán vì tình, tiểu thuyết, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925, 56 trang.

            6. Duyên phận lỡ làng (Hà Cảnh Lạc năm ngày tự thuật), Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1925, 32 trang.

            7. Bí mật phi thường, trinh thám tiểu thuyết, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925, 30 trang.

            8. Cái rương bí mật, trinh thám tiểu thuyết, Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1925, 44 trang.

            9. Tình duyên xảo ngộ, tiểu thuyết, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1925; tái bản 1931, 120 trang.

            10. Vì nước hoa rơi, tiểu thuyết lịch sử (viết về một phụ nữ Trung Hoa tham gia cách mạng Tân Hợi 1911), Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1926, 83 trang.

            11. Việt Nam anh kiệt (Vì nghĩa liều mình), tiểu thuyết dã sử, Imprimé Duy Xuân, Sa Đéc, 1926; Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, tái bản, 1927; Tín Đức thư xã, Sài Gòn,  tái bản, 1928; Nhà in Thạch Thị Mậu, Sài Gòn, tái bản, 1929, 154 trang.

            12. Bức thư tình, ái tình tiểu thuyết, Du Centre xuất bản, Sài Gòn, 1927.

            13. Bèo tan mây hiệp, ái tình tiểu thuyết, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1928, 65 trang.

            14. Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt), tiểu thuyết lịch sử, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1929; Tín Đức thư xã, Sài Gòn,  tái bản, 1932, 405 trang.

            15. Lý Bằng phi, tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc (dịch), Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1930.

            16. Lê triều Lý thị (Sự tích Lý Công Uẩn), tiểu thuyết dã sử, Imprimé Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1931; Tín Đức thư xã, tái bản, 02 cuốn, 250 trang.

            17. Thói đời đen bạc, Tình nghĩa đổi thay, tiểu thuyết, Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1931; Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, tái bản, 1931, 111 trang.

            18. Một đoạn sầu tình, truyện ngắn, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1931.

            19. Tiền Lê vận mạt, tiểu thuyết lịch sử, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1932, 05 cuốn, 200 trang.

            20. Trần Hưng Đạo, tiểu thuyết lịch sử, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1933, 07 cuốn, 212 trang.

III. Như trên có giới thiệu, trước khi viết văn, Phạm Minh Kiên đã là một nhà báo với bút danh Tuấn Anh, thường viết ở mục Tự do diễn đàn, Văn uyển, Xã luận trên các tờ Nông cổ mín đàm, Đông Pháp thời báo, Lục tỉnh tân văn, Nam kỳ kinh tế báo... Và thi thoảng cho đăng thơ của ông mới sáng tác, hoặc giới thiệu tác phẩm mới, tác giả mới.

Riêng với tư cách là một nhà văn, thời gian đầu, ông viết tiểu thuyết xã hội với đề tài ái tình, luân lý, gia đình để chuyển tải đạo lý nhân nghĩa ở đời, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung để làm gương cho người đời noi theo. Nhìn chung, những tiểu thuyết trên mang mục đích giáo huấn, thể hiện nội dung luân thường đạo lý rõ nét mà người đọc có thể dễ dàng nhận ra qua nhan đề các tác phẩm như Hiếu nghĩa vẹn hai, Ân oán vì tình, Tình duyên xảo ngộ, Bèo tan mây hiệp, Duyên phận lỡ làng,… Cốt truyện và kết cấu ở những tác phẩm trên có vẻ lỏng lẻo, rời rạc, thiếu mạch lạc, đơn giản, nói chung là chưa được nhà văn dụng công khi viết; còn giọng kể thì mộc mạc, ít hấp dẫn, với nhiều câu văn biền ngẫu. Về sau, ông còn thử bút viết tiểu thuyết trinh thám như Cái rương bí mật, Bí mật phi thường tuy cũng có vài tình tiết ly kỳ, gay cấn, gợi sự tò mò, làm cho người đọc hồi hộp theo dõi câu chuyện, nhưng nhìn chung có thể nói là không mấy thành công cho lắm, bởi chưa mang nét riêng của nhà văn. Phải đợi đến lúc ông khai thác đề tài lịch sử thì tên tuổi của nhà văn mới được nhiều người đọc chú ý với 07 tác phẩm sáng giá, trong đó, có 02 tác phẩm lấy đề tài lịch sử Trung Quốc: Vì nước hoa rơi, 1926; Lý Bằng Phi, dịch, 1930 và năm tác phẩm lấy đề tài lịch sử Việt Nam thời đại Lý - Trần, cụ thể là các triều đại Tiền Lê (981-1009), Lý (1009-1225), Trần (1225-1400), mấy năm đầu chống giặc Minh xâm lược (1407-1418) với những chiến công oanh liệt, bảo vệ chủ quyền dân tộc: Việt Nam anh kiệt, 1926; Việt Nam Lý trung hưng, 1929; Lê triều Lý thị, 1931, 2 cuốn; Tiền Lê vận mạt, 1932, 05 cuốn; Trần Hưng Đạo, 1933, 07 cuốn. Chưa xét định tính, chỉ nói riêng về định lượng, 07 tiểu thuyết lịch sử và dã sử với gần một ngàn trang sách thì đó là một con số không nhỏ của một đời cầm bút viết văn! Trong khi đó, ở chặng đường từ sau năm 1930 này, ông chỉ viết một tiểu thuyết tâm lý xã hội: Thói đời đen bạc - Tình nghĩa đổi thay (1931) và một truyện ngắn diễm tình: Một đoạn sầu tình (1931) mà theo thiển ý của chúng tôi, hai tác phẩm này chẳng có đóng góp gì mới về bút pháp, về tư duy nghệ thuật nếu so với một vài tiểu thuyết tâm lý mà ông đã viết trước đó.  

Trước hết, xin giới thiệu hai tác phẩm lấy đề tài từ lịch sử Trung Quốc. Vì nước hoa rơi (Xưa Nay, Sài Gòn, 1926, 83 trang) ngợi ca tấm gương tiết liệt vì nước hy sinh của một cô gái Trung Hoa trong cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) tên là Tống Kiều Nga. Tống Kiều Nga là một cô gái tân học con quan Tống Đình Phan đã từ chức về hưu. Nàng thường đem những sở học của mình mà đăng đàn diễn thuyết kêu gọi quốc dân làm cách mạng, phế bỏ chế độ phong kiến; thành lập hội Nữ lưu, đề cao vai trò của nữ giới đối với quốc gia xã tắc. Kiều Nga bị Lệ Châu (một cô gái trà trộn vào hội Nữ lưu) cấu kết với tên mật thám Đỗ Thành Khôn mưu hại; sau được Đoàn Thể Vân, một cô gái văn võ song toàn, cấp tiến, bạn của nàng giải cứu, minh oan cho. Những năm tháng học hành ở nhà trường tân học, nàng cùng Lương Yến Sơ yêu nhau. Nhưng Yến Sơ lại là con đại quan trong triều nhà Thanh, ông này theo chân đế quốc để hại dân hại nước. Nghe lời nàng, Yến Sơ đã khuyên cha nhưng ông chẳng những hồi tâm mà còn đánh đuổi Yến Sơ ra khỏi nhà. Chàng được Kiều Nga và gia đình nàng giúp đỡ tiền bạc sang Nhật, Mỹ du học thực hiện nguyện vọng của Kiều Nga là sẽ trở về cứu nước giúp dân. Một lần trong buổi diễn thuyết kêu gọi quốc dân, Kiều Nga đã hy sinh vì bom trái pháo do bọn xấu ném vào để hại nàng. Trước lúc ra đi, Kiều Nga trối trăng với Thể Vân, nhờ thay mình nối nghĩa với Yến Sơ.

Còn tác phẩm Lý Bằng phi cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử với bối cảnh xảy ra vào đời nhà Tống (Đây vốn là một cuốn tiểu thuyết chương hồi của văn học Trung Quốc được Phạm Minh Kiên dịch ra tiếng Việt chữ Quốc ngữ. Sách do nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn ấn hành năm 1930). Vì không có văn bản gốc nên chúng tôi chưa rõ tác giả của nguyên tác là ai, nhưng Lý Bằng phi là nhân vật lịch sử một thời nổi danh trong thâm cung vương triều phong kiến nhà Tống, được nhà vua sủng ái, chính điều này lại là “cái đinh, cái gai” dưới con mắt của cha con Bàng Thái sư và Bàng Quý phi. Tên Thái sư cùng Quý phi gian ác này tìm đủ mọi cách để hại Bằng phi, kể cả không chừa những thủ đoạn đê tiện và bất nhân nhất. Bàng Quý phi bị hư thai, sợ có tội với nhà vua nên giữ kín, cùng cha âm mưu đợi khi Bằng phi sinh đẻ thì bắt trộm con và đánh tráo vào đó một con mèo, rồi vu cho Bằng phi sinh ra quái thai. Bằng phi bị hại với nỗi oan khó lòng rửa nỗi, may mà trời cao có mắt, cuối cùng nàng được quan Phủ doãn Khai Phong là Bao Chửng (Bao Công) xử án, minh oan. Nhân vật lịch sử này được văn học ngày ấy khắc hoạ chân dung rồi được điện ảnh hiện đại Trung Quốc hôm nay lấy làm đề tài để viết kịch bản dựng phim với những tình tiết ly kỳ, éo le, lôi cuốn, hồi hộp, hấp dẫn hàng triệu trái tim người xem.

Tiếp theo, xin được giới thiệu năm tác phẩm tiểu thuyết lịch sử và dã sử lấy đề tài từ hiện thực lịch sử Việt Nam:

- Việt Nam anh kiệt (Vì nghĩa liều mình) là một cuốn tiểu thuyết dã sử viết theo hình thức chương hồi gồm 15 hồi, với bối cảnh hiện thực lịch sử lúc giặc Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ, sai Trương Phụ sang xâm lược nước ta. Chuyện xảy ra vào năm 1416. Tác phẩm ngợi ca tinh thần nghĩa hiệp, yêu nước, căm thù giặc của những chàng trai cô gái Đại Việt trong những tháng năm chống giặc Minh xâm lược. Đó là những tấm gương về những anh hùng hào kiệt và những nữ lưu anh thư như Lý Phụng Tiên, Hồ Ngọc Sương, Trịnh Kế Siêu, Nguyễn Lệ Minh, Vân Lôi, Võ Hùng Sanh, Thể Lan. Trước cảnh nước mất nhà tan, những thanh niên nam nữ ưu tú ấy đã tập hợp lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Trải qua nhiều sóng gió, nhiều thất bại cũng như lập nhiều chiến công, cuối cùng tất cả đều đem quân về phục vụ dưới ngọn cờ nghĩa của Lê Lợi. Kháng chiến chống Minh thắng lợi, vợ chồng Phụng Tiên - Ngọc Sương và Kế Siêu - Lệ Minh đoàn tụ; còn Hùng Sanh thì kết duyên cùng Thể Lan. Tất cả được Lê Lợi phong quan tước và sống hạnh phúc bên nhau.

- Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) là cuốn tiểu thuyết lịch sử chương hồi gồm 24 hồi, tập trung ngợi ca người anh hùng Lý Thường Kiệt. Được chiếu của thiên tử nhà Lý cầu hiền, Lý Thường Kiệt từ giã gia đình về kinh. Trên đường về đế đô, Lý Thường Kiệt kết nghĩa với Trịnh Hoài Bảo, Hồi Kỳ; gặp con quan Ngự sử Trương Hầu Mô là Trương Bất Nhã dựa vào thế lực cha mà cùng đồng bọn ức hiếp dân lành nên bị Lý Thường Kiệt đánh bại. Quan Ngự sử bênh con, sai con rễ là Đề đốc Trịnh Thiết Hùng giả làm thường dân, về kinh ứng thí để thi đấu với Lý Thường Kiệt. Không ngờ hắn bị chàng trai họ Lý giết chết. Vua Lý Nhân Tông biết chuyện, rất giận Thiết Hùng, phong Lý Thường Kiệt làm Đề đốc thay hắn. Ngự sử họ Trương tìm cách hại Lý Thường Kiệt bằng cách cho lính mai phục giết chàng khi chàng từ kinh về quê thu xếp việc nhà, nhưng trời cao có mắt, nhờ người đi săn cứu giúp nên chàng thoát nạn. Đến nhà, chàng mới biết là mẹ bị giặc Chiêm Thành sát hại, còn vợ là Trần Thị Tố Loan và con gái là Lý Hoàng Anh bị chúng bắt, sau đó hai mẹ con trốn thoát, rồi vợ vì kiệt sức mà chết, còn con gái thì bị bắt đưa về nước Chiêm. Lo việc tang ma xong, vừa trở lại kinh đô, Lý Thường Kiệt phải nhận lệnh hộ tống quân lương ra quan ải nộp cho nguyên soái nhà Tống là Tôn Chấn. Trương Hầu Mô với âm mưu cố ý trễ nãi thời gian, cấu kết với bọn cướp để làm hao tổn quân lương nhằm mượn tay của Tôn Chấn diệt trừ Lý Thường Kiệt, nhưng nhờ Thừa tướng Lý Đạo Thành chỉ bảo nên Lý Thường Kiệt đã đề phòng, cuối cùng được bình an, trong khi đó tay chân của Ngự sử họ Trương thì bị hại. Trương Ngự sử lại tiếp tục âm mưu cùng Binh bộ Thượng thư Tô Bửu Thanh để triệt hạ Lý Thường Kiệt, việc bại lộ, Tô Thượng thư bị cách chức. Triều đình nhà Tống sau nhiều lần yêu sách, cuối cùng chúng cũng tự bộc lộ dã tâm xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, vua Lý Nhân Tông cử Lý Thường Kiệt làm Đại Nguyên soái thống lĩnh toàn quân chinh phạt Bắc quốc phá tan ý đồ xâm lược của chúng, rồi thẳng tiến kéo đại binh sang tận nước họ, đánh hạ mười thành từ Quế Châu đến Ung Châu, làm cho vua quan nhà Tống phải xin cầu hoà. Sau khi chinh phạt Bắc quốc xong, Lý Thường Kiệt nhận lệnh triều đình mang quân bình Chiêm Thành. Số là Lý Giác, một tên quan triều Lý làm phản, liên kết với Chiêm đánh phá biên giới phía Nam, trong trận chinh phạt này Đại Nguyên soái họ Lý đã tiêu diệt tướng Chiêm là Bồng Đạt Sa và bắt sống tên phản quốc Lý Giác. Thừa thắng, Lý Thường Kiệt tiến vào đất Chiêm, hạ được ba cha con đại thần nước Chiêm là Chế Đạt Du Na, nhờ thế mà người anh hùng gặp lại con gái Lý Hoàng Anh (nay là tiểu thư Chế Đạt Quyên Quyên, con nuôi Chế Đạt Du Na). Vua Chiêm nộp cống phẩm ngọc ngà châu báu xin hàng. Chiến thắng nước Chiêm, triều đình ta mới biết Ngự sử Trương Hầu Mô cùng Lý Giác âm mưu với vua Chiêm Thành để xâm lược nước ta. Cuối cùng những tên phản quốc bị tru di. Từ đó nhà Lý hưng thịnh và tên tuổi Lý Thường Kiệt được sử sách ghi danh, rỡ ràng muôn thuở.         

- Lê triều Lý thị (Sự tích Lý Công Uẩn) là bộ tiểu thuyết dã sử chương hồi gồm 31 hồi, 02 cuốn. Tác phẩm viết về sự tích người mở đầu vương triều nhà Lý, từ lúc mới sinh ra cho đến khi làm quan dưới triều Tiền Lê rồi được quần thần tôn vinh lên ngôi vua. Nhà văn đã dựa vào sử cũ mà xây dựng nên hình tượng một người anh hùng, một danh nhân văn hoá đồng thời là vị minh quân của dân tộc. Lý Công Uẩn là con của Lý Kỳ Xuân và Phạm Cúc Hoa; Kỳ Xuân là một nông dân nghèo khó, Cúc Hoa là cô gái mồ côi làm công quả, sống nương tựa ở chùa Tiêu Sơn. Cúc Hoa yêu Kỳ Xuân, nàng có mang, vì vi phạm giới luật, hai người bị hoà thượng trụ trì đuổi ra khỏi chùa. Sau, Kỳ Xuân bị bệnh chết; Cúc Hoa đến kỳ sinh nở, kiệt sức cũng giã từ cuộc sống. Hoà thượng chùa Từ Phong thương tình nhờ các ni cô nuôi đứa bé và đặt tên là Hoằng Trí. Lên tám, Hoằng Trí được gởi cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn để học thêm chữ nghĩa; mười một tuổi lại được sư Khánh Vân chùa Cổ Pháp truyền võ nghệ và đổi tên thành Lý Công Uẩn. Thuở nhỏ, Lý Công Uẩn nổi tiếng thông minh, diện mạo tuấn tú, khí phách hơn người, từng giết con xà vương nên cả làng bái phục gọi là “tiểu anh hùng”. Sau khi sư Khánh Vân viên tịch, Lý Công Uẩn bắt đầu hành hiệp giang hồ, kết giao hào kiệt, trừ gian diệt cướp, đem lại yên bình cho bách tính, cũng vì thế mà bọn gian ác nhiều lần vu oan hãm hại chàng. Nhờ giết cọp, giải cứu cho đại quan Đào Cam Mộc mà chàng thanh niên họ Lý được vị này tiến cử, được vua Lê Đại Hành tin dùng, lập nhiều công trạng: phá giặc; đánh cướp; bình định các chủ động sơn trại miền núi. Bọn đại gian thần ở triều đình như Tôn Đình Lượng, Trịnh Hồng, Bàng Thiết Hổ, Bạch Phùng Hưng, âm mưu bắt cóc công chúa dâng cho chúa động Thiên Oai, nhằm tạo thế lực với nhà vua. Vua Lê triệu Lý Công Uẩn đi giải cứu công chúa, tiêu diệt chúa động Thiên Oai cùng 49 động chủ khác. Nhà vua mở tiệc khao quân, gã công chúa cho chàng nhưng chàng tâu với vua là đã có vợ hiền ở quê từ thuở hàn vi. Cuối cùng, nhà vua đứng ra chủ trì hôn lễ cho chàng, phân ngôi thứ bậc và họ sống hạnh phúc bên nhau. Khi Lê Đại Hành băng, Long Việt nối ngôi chừng bảy tháng thì bị Long Đĩnh soán ngôi. Hắn hoang dâm vô độ, bạo ngược nên sau khi mất, các đại thần triều đình đều tôn vinh Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước Đại Việt. Có thể xem tác phẩm này như là phần đầu của bộ Tiền Lê vận mạt sẽ trình bày tiếp theo.

- Tiền Lê vận mạt là bộ tiểu thuyết lịch sử chương hồi gồm 17 hồi, 05 cuốn, tác phẩm viết tiếp tiểu thuyết Lê triều Lý thị. Từ khi soán ngôi, Lê Long Đĩnh hoang dâm vô độ, mê đắm Trịnh Vương phi, lại nghe gian thần xúi giục, hắn làm nhiều điều tàn bạo khiến cho Thái hậu buồn rầu mà mất; hắn còn giam Hoàng hậu vào ngục tối, bức tử quan Thượng thư Hoàng Gia Tịnh, khiến cho con gái ông là Hoàng Nguyệt Mai phải trốn chạy tìm chốn ẩn thân. Trải qua nhiều hiểm nguy: rơi xuống vực, bị bọn cướp ép làm vợ, bị cháu vợ quan Ngự sử toan cưỡng hiếp, bị con trai quan Trấn thủ Bạch Mậu Hùng bắt cóc…, cuối cùng Nguyệt Mai được chàng trai hào kiệt Lê Phụng Hiểu giải cứu rồi chàng hộ tống và gởi hai cô trò Nguyệt Mai - Trần Loan tá túc ở Quán Âm tự. Phụng Hiểu lên đường vào Diễn Châu ra mắt Lý Công Uẩn, nhưng không gặp vì Nguyên soái đã về triều. Lê Phụng Hiểu trở lại thăm Nguyệt Mai. Trên đường đi, Phụng Hiểu cứu được Hoàng hậu Như Hoa cùng cha con cai ngục Đào Nhị rồi đưa họ về Thái Nguyên. Sau đó, Phụng Hiểu kết nghĩa với Như Khuê, hai người cùng về Tràng An, gặp bọn cướp Bạch Khưu Hoanh, hai người đánh hạ gục chúng; lại cứu được nhiều phụ nữ bị có chồng bị quan địa phương bắt về triều đình. Còn Lý Công Uẩn trên đường về triều, gặp cha con Trịnh Tấn, Trịnh Vu hống hách, Trịnh Vu bị chàng đập chết, Trịnh Vương phi tâu lại với Lê Long Đĩnh nhằm hại Công Uẩn. Trước mặt vua, chàng rút thiết bảng định đập Trịnh Tấn. Bỗng có tin cấp báo giặc Chiêm chiếm đánh biên giới phía Nam, Lê Long Đĩnh bèn ra lệnh cho Lý Nguyên soái trở lại Diễn Châu chống giặc. Trong khi ấy Nguyệt Mai cũng không yên thân nơi nương náu, chùa bị giặc cướp, chủ tớ Nguyệt Mai ly tán, bị lừa bán cho nhà bá hộ, suýt bị ông ta cưỡng hiếp, may nhờ bà bá hộ thương tình nên gởi nàng ở nhà người bà con là Lý Mạnh Quân, một vị quan Ngự sử đã về hưu. Về Tràng An, Lê Phụng Hiểu lo nghĩ nhiều về việc diệt gian trừ nịnh, cứu nước cứu dân. Bọn Trịnh Tấn, Triệu Di dụ dỗ Long Đĩnh phê chiếu nhường ngôi, nhưng việc bại lộ, tờ chiếu bị Phụng Hiểu lấy mất. Long Đĩnh mất, bọn gian thần họp các quan, buộc họ tôn Trịnh Tấn lên ngôi. Phụng Hiểu cùng các bạn Như Khuê, Trần Anh xông vào triều, tiêu diệt bọn Thạch Đình Oai, quét sạch bọn Trịnh Tấn, Triệu Di, Bật Du Kha cùng đồng đảng. Sư Vạn Hạnh cùng đại quan Đào Cam Mộc cũng vừa về triều, cùng lúc ấy Lý Công Uẩn từ Diễn Châu cũng mang quân về tới, triều thần hội họp, tôn vinh Lý Công Uẩn lên ngôi thiên tử. Sau đó, Phụng Hiểu - Nguyệt Mai, Như Khuê - Đằng Vân sánh duyên, hạnh phúc bên nhau.

            - Trần Hưng Đạo cũng là bộ tiểu thuyết lịch sử chương hồi, gồm 18 hồi, 07 cuốn. Tác phẩm kể lại những chiến công hiển hách oai hùng của quân dân đời Trần ba lần chống giắc Nguyên Mông xâm lược (1258, 1285, 1288), mà nhân vật trung tâm, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ngoan cường chống ngoại xâm ấy là Hưng Đạo đại vương Tiết chế Quốc công Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh hình tượng người anh hùng Trần Hưng Đạo, tác phẩm còn khắc họa những chân dung các vị anh hùng khác như các vị Hoàng đế anh minh: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; Thái sư Trần Thủ Độ; Ngự sử Lý Bạch Đình; các vị đại tướng quân như Trần Quang Khải; các vị tướng quân Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, năm vị tướng tuỳ tùng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Man, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô; những nữ kiệt như Ngọc Quyên (con nuôi Trần Hưng Đạo, giả trai, cầm quân chống giặc, từng giải vây cho tướng quân Phạm Ngũ Lão); Nữ Thạch nương nương v.v.. Đó là những nhân vật đại diện cho chính nghĩa của dân tộc, là những người con anh hùng của đất Việt. Họ mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương ngời sáng để thế hệ cháu con muôn đời noi theo. Về phía nhân vật phản diện, tác phẩm cũng không quên khắc hoạ hình ảnh một vài quý tộc tông thất nhà Trần âm mưu bán nước cầu vinh, sẵn sàng làm tay sai cho giặc như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc; những tướng giặc xâm lược hống hách như Thái tử Thoát Hoan, Tả Thừa tướng Ngột Sanh Tư Gia, Hữu Thừa tướng Ô Gia Na ; bên cạnh các quan đại phu, các đại tướng, thượng tướng như Lý Hằng, Lý Quán, Xích Tu Tử, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Ngột Lương Cáp, Ô Lan Cấp Đạt, Ngột Giả Báo, A Lý v.v.. Những nhân vật phản diện ấy xuất hiện trong những thời điểm cụ thể, tuy nhà văn chỉ giới thiệu qua nhưng người đọc vẫn nhận rõ tính cách, tâm địa, mưu mô của chúng.

Lấy cảm hứng từ lịch sử để sáng tác là một đặc điểm mà người đọc dễ nhận thấy ở văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ XX. Nếu ban đầu, các nhà văn thường lấy từ lịch sử Trung Hoa, thì về sau các nhà văn đã lấy trực tiếp từ hiện thực lịch sử Việt Nam. Điều này có nhiều lý do riêng, mà chủ yếu là xuất phát từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc của một bộ phận trí thức Tây học không tìm được lối thoát lúc bấy giờ trong hoàn cảnh nước mất dân nô lệ. Họ khai thác đề tài lịch sử với mục đích là nhằm cổ vũ quốc dân đồng bào tinh thần vừa nêu. Phạm Minh Kiên là một trong số những cây bút ấy.

So với nhiều nhà văn cùng thời viết tiểu thuyết lấy đề tài và cảm hứng từ lịch sử thì có thể nói ngòi bút của Phạm Minh Kiên chưa bằng Tân Dân Tử, Nguyễn Chánh Sắt, dù số lượng tiểu thuyết lịch sử của hai nhà văn này không nhiều bằng, nhưng chất lượng và tư duy nghệ thuật của họ đã vượt trội hơn Phạm Minh Kiên. Tân Dân Tử viết Giọt máu chung tình (1925); Gia Long tẩu quốc (1930); Hoàng Tử Cảnh như Tây (1931); Gia Long phục quốc (1932), còn Nguyễn Chánh Sắt thì có Việt Nam Lê Thái Tổ (1929) và một số tiểu thuyết lịch sử dịch từ văn học Trung Quốc như Chung Vô Diệm; Tam Quốc chí; Ngũ hổ bình Tây; Càn Long du Giang Nam v.v.. Tuy vậy, tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên cũng có những đóng góp riêng cho văn xuôi Nam Bộ lúc bấy giờ.

Tái hiện những tấm gương anh hùng hào kiệt trong các tiểu thuyết, dường như các nhà văn Nam Bộ muốn đề cập đến chuyện xã hội đương thời. Các nhà văn nhắc lại lịch sử là một cách để nhắn nhủ với quốc dân đồng bào là đừng bao giờ quên cội nguồn dân tộc; đừng quên quá khứ hào hùng oanh liệt cùng truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm anh dũng của tổ tiên, từ đó khơi gợi cho người đọc lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước cũng như khích lệ tinh thần chiến đấu chống thực dân. Mặt khác, như nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất, sở dĩ lúc này có phong trào viết tiểu thuyết lịch sử lấy từ hiện thực nước nhà cũng là một cách để phản ứng lại hiện tượng dịch và cho xuất bản ồ ạt tiểu thuyết Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây là một sự phản ứng đáng quý, thấm đẫm tinh thần dân tộc, mà nhiều nhà văn từng than rằng: “…sự tích nước Tàu thì làu thông, còn anh hùng hào kiệt trong nước thì ngẩn ngơ không biết” (2); “Việt Nam cũng có sử, há lại không có truyện hay sao? Ấy vậy, một bộ truyện An Nam ví dầu không giúp vui cho độc giả được thì cũng biên chép một đoạn sự tích của mình, làm như thế tưởng có lẽ không phải là một việc làm vô ích” (3). Tiểu thuyết mang cảm hứng lịch sử của Phạm Minh Kiên cũng không ngoài mục đích trên. Chính Phạm Minh Kiên đã viết trong lời tựa tác phẩm Lê triều Lý thị như sau: “…tôi thấy người mình hay đem những truyện Tàu ra mà diễn kịch rồi hè nhau mà phong tặng người, cho nên tôi muốn tỉ cập coi truyện mình đem ra hát có bằng họ hay không (…) tôi mong cho người mình hãy xem truyện sách thuộc về quốc sử của mình, cho rõ các đấng danh nhân trong nước” (4). Còn trong lời tựa cuốn tiểu thuyết Tiền Lê vận mạt, nhà văn nói thêm: “Bấy lâu người mình mải mê truyện Tàu hằng mua hằng đọc là vì trong nước mình chưa có sách các vị tiền nhơn. Nay Bắc, Trung, Nam đều có người viết vậy thì người mình cũng nên mua đọc, cho biết cái việc nên hư, tốt xấu và nẻo tà đường chánh của mình” (5).  

Có thể nói, qua những tiểu thuyết trên, Phạm Minh Kiên không chỉ giúp người đọc hiểu sâu, hiểu rõ hơn về một thời đại lịch sử cách chúng ta từ bảy trăm đến cả nghìn năm mà còn đã làm sống dậy một thời oai hùng của lịch sử dân tộc, từ đó khơi gợi cho người đọc lòng yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm cướp nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, với mục đích sâu xa là góp thêm tiếng nói nhằm cổ vũ quốc dân đồng bào nói chung, nhân dân Nam Bộ nói riêng vùng lên chống thực dân Pháp lúc bấy giờ. Đó cũng là một cách “phổ biến quốc sử, khai dân trí, chấn dân khí” như các tác giả công trình Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định (6), mà theo nhà văn, đó cũng là cách lấy việc xưa để nói việc nay, tức tinh thần “ôn cố tri tân” như hôm nay chúng ta thường nói.

Qua các tiểu thuyết, Phạm Minh Kiên đã trình bày quan niệm sáng tác của mình. Ông cho rằng tiểu thuyết là phải phản ánh hiện thực cuộc sống. Trong một bài viết trao đổi cùng nhà văn Hồ Biểu Chánh về việc viết tiểu thuyết với nhan đề “Giải chỗ tưởng lầm” đăng trên tờ Đông Pháp thời báo, Phạm Minh Kiên đã nói: “chỉ bày bố những chuyện thường có hàng ngày, chớ chẳng hề đặt chuyện dị kỳ, còn điệu văn thì chỉ dùng tiếng người ta thường nói, không chịu dùng tiếng phù ba, hạng người nào nói theo giọng nấy…” (7). Như vậy, theo Phạm Minh Kiên viết tiểu thuyết là phải tả thật mà nhà văn gọi là “chơn tả”, không nên đặt chuyện quái lạ “chuyện dị kỳ”, và phải dùng tiếng nói hàng ngày, có như thế mới “cảm hoá được công chúng”. Trong lời tựa tác phẩm Tiền Lê vận mạt, Phạm Minh Kiên còn cho rằng: “Nhà cầm viết muốn theo việc tốt xấu nên hư mà viết ra thành sách, thành truyện thì không nên xu hướng bên nào, phải cứ cái đường mực ngay mà thẳng tới thì mới có thể chỉ rõ hai đường chánh tà cho đời vậy!” (8).  

            Từ quan niệm trên, Phạm Minh Kiên không ngần ngại đã dựa vào lịch sử với những sự việc có thật trong lịch sử với những con người anh hùng hào kiệt mà sử sách nêu danh để khắc hoạ chân dung những con người anh hùng của dân tộc nhằm noi gương cho quốc dân, và bộc lộ niềm tự hào dân tộc. Lời tựa tác phẩm Lê triều Lý thị, Phạm Minh Kiên tuyên bố rõ: “Tôi viết bộ truyện “Lê triều Lý thị” này cốt chỉ rút ở trong mấy thứ sử, như là “Việt Nam sử lược”, “Đại Việt sử ký”, “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Nam Hải dị nhân”, “Lược biên dã sử”. Trong các sử ấy, thấy sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn chẳng khác nào như ông Triệu Khuôn Dẫn bên Tàu. Mà Triệu Khuôn Dẫn người ta đã có đem ra thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện, nên tuồng rất dài, để bia danh nêu giá, còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt ở hòm quốc sử” (9). Việc nhà văn cho rằng “đem ra thêu thùa, bày vẽ, sắp đặt nên truyện, nên tuồng” phải chăng chính là đã hư cấu khi xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử, làm cho nhân vật đó hiện lên sống động và chân thực trên trang văn và trong lòng người đọc? Nhờ thế, người đọc hôm nay hiểu rõ vì sao những nhân vật trong các tiểu thuyết của ông vừa gần với chính sử lại vừa gắn với cuộc sống đời thường. Đó là Lý Công Uẩn (Lê Triều Lý thị), Lý Phụng Tiên (Việt Nam anh kiệt), Lê Phụng Hiểu (Tiền Lê vận mạt), Lý Thường Kiệt (Việt Nam Lý trung hưng), Trần Hưng Đạo (Trần Hưng Đạo). Tất cả đều là những con người bình thường mà vĩ đại, bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác trong cuộc đời này với những diện mạo, hành động, tính cách, tâm tư tình cảm rất riêng, nhưng ở họ còn có những chiến công hiển hách, những kỳ tích cứu dân cứu nước oai hùng. Ở đây cái vĩ đại, cái cao cả gắn bó thiết thân với cái bình thường, cái giản dị để tạo nên tính cách những người con ưu tú của đất Việt.

            Trước hết, họ là những bậc trượng phu, những đấng anh hùng sẵn sàng xả thân thủ nghĩa, quên mình vì dân vì nước. Lý Công Uẩn khi còn là một thanh niên trẻ tuổi với chí tang bồng hồ thỉ, luôn giao du tứ hải, tìm người hào kiệt để khuôn phò xã tắc, với khát vọng lập công lưu danh hậu thế. Lúc này, chàng luôn đặt hai chữ công danh lên trên mọi việc khác. Chàng là một vị tướng văn võ song toàn, tinh thông binh pháp mưu lược. Cách bày binh bố trận của Lý Công Uẩn thật biến xảo lạ thường, hiểu rõ thiên thời địa lợi, biết người biết ta, tuỳ cơ ứng phó. Nhờ thế mà chàng đã lập nhiều chiến công lớn, làm cho những kẻ thù lợi hại như bọn Lỗ Trí Viễn, Tiết Phi Hồng, nữ tướng Chàm Đặng Hoa, Chúa động Thiên Oai phải bị tiêu diệt, giúp cho triều đình yên ổn, nhân dân được an cư. Vì lòng yêu nước thương dân, ước mong khuôn phò xã tắc mà chàng cố gắng kìm nén tình cảm cá nhân riêng tư để thực hiện chí lớn: “Chàng biết mình và Võ Xuân Kiều có duyên tình với nhau, nhưng vẫn để trong bụng mà không nói ra cho Xuân Kiều biết, vì sợ duyên tóc tơ nó ràng buộc bước đường hào kiệt trượng phu”(Lê triều Lý thị).

Hoặc người anh hùng Lý Thường Kiệt trong Việt Nam Lý trung hưng với đầu sắt, gan đồng, oai phong lẫm liệt, mưu trí dũng cảm khi cầm quân xông trận, lúc bày binh bố trận, vậy mà chàng cũng phải dòng châu lả chả trước cảnh mẹ bị giặc sát hại, vợ con bị giặc bắt. Lý Thường Kiệt luôn tâm niệm “bổn phận làm trai là phải kề vai gánh vác non sông, phải ra tay nưng (nâng) đỡ xã tắc, phải làm sao cho tên tuổi lẫy lừng, cho rỡ ràng cha mẹ, phải thương nước mến dân, nưng (nâng) thành đỡ vạt”. Vì thế mà chàng đã cố gắng kìm nén nỗi đau của cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ nhà vua giao phó. Cũng nhờ lý tưởng sáng ngời chính nghĩa mà chàng trai trẻ họ Lý đã vượt qua bao nhiêu sự biến, bao nhiêu tai ương do những thế lực hắc ám tạo nên để hãm hại chàng. Cuối cùng, cái chính nghĩa, cái lương thiện chiến thắng; cái phi nghĩa, cái hắc ám bất lương cũng bị vạch trần trước thanh thiên bạch nhật. Với chiến công phá Tống bình Chiêm, Lý Thường Kiệt đã góp phần đem lại sự thanh bình cho đất nước trong suốt hai trăm năm dưới vương triều nhà Lý, đồng thời đã vạch trần bọn phản dân, cấu kết với giặc, bán nước cầu vinh như bọn Lý Giác, Ngự sử Trương Hầu Mô… Đọc những trang văn miêu tả Nguyên soái Lý Thường Kiệt tập dượt thế trận trước khi xuất binh chinh phạt nhà Tống với các trận Bát môn, trận Trường xà, trận Cửu Long, rồi trận Ngũ hổ…, người đọc cảm thấy các trận chiến ấy như hiển hiện trước mắt mình và càng tự hào về tài thao lược của vị anh hùng dân tộc. Hay như đọc các hồi viết về những chiến công của người anh hùng Lý Thường Kiệt khi vâng mệnh vua đem binh chinh phạt Bắc quốc ở các trận đánh tại sông Tây giang, giao chiến trên bộ dưới nước (hồi 16), đánh Quế Châu (hồi 17), giao chiến với tướng giặc là Phi Hùng Tiên và Nguyên soái Tần Phúc Lợi (hồi 19), chiếm Ung Châu (hồi 21) v.v.. người đọc cảm thấy hả hê và tự hào về mưu trí dũng liệt của người anh hùng đầy tài năng này. Chưa hết, ở những hồi cuối của tiểu thuyết, một lần nữa, người đọc còn thấy tài dụng binh của Lý Nguyên soái trong cuộc bình Chiêm, hàng phục được triều đình Chiêm Thành; đồng thời vạch mặt bọn quan lại đại thần nhà Lý bán nước cầu vinh như bọn Lý Giác, Ngự sử Trương Hầu Mô (hồi 22, 23). Giác đã lợi dụng phù phép để mê hoặc lòng người, rồi cấu kết với một số quan lại trong nước và đại thần Chiêm Thành để chống lại triều đình Đại Việt. Đây cũng là lý do để nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng lúc bấy giờ là Tân Dân Tử khi đọc Việt Nam Lý trung hưng, thì ông đã từng so sánh tài năng và công trạng của Lý Thường Kiệt chẳng kém gì Quan Công, Tiết Nhơn Quý, Địch Thanh bên Trung Quốc. Tân Dân Tử viết: “Nay tôi xem bộ tiểu thuyết của ông Phạm Minh Kiên nhan hiệu là Việt Nam Lý trung hưng, thấy Lý Thường Kiệt là một danh tướng của nước ta trong đời nhà Lý, khi đánh Trung Quốc, lúc đuổi Chiêm Thành, thật là chinh Nam phạt Bắc, chống vững sơn hà, dẹp loạn phò nguy, vun bồi Tổ quốc. Cái công nghiệp Lý Thường Kiệt nào có kém gì Địch Thanh đời Tống, Nhơn Quý đời Đường, Quan Công đời Hán bên Trung Quốc… Vì vậy, quốc sử ta cho Lý Thường Kiệt là một tướng “võ công đệ nhất” trong triều Lý thị” (10); Còn Nguyễn Chánh Sắt trong Lời bàn tác phẩm của cuốn tiểu thuyết này (bản in năm 1929) cũng đã hết lời tán dương việc làm của Phạm Minh Kiên là “đã ghi lại công lao sự nghiệp của danh tướng Lý Thường Kiệt” (11).

Người đọc không thể nào quên hình tượng người anh hùng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với lòng căm thù giặc đến nỗi quên ăn, không ngủ, tìm kế sách tiêu diệt quân giặc giải phóng quê hương. Tấm lòng ấy của Tiết chế Quốc công Hưng Đạo vương được Phạm Minh Kiên ghi lại trong bộ tiểu thuyết Trần Hưng Đạo. Hình tượng người anh hùng thể hiện rõ nhất là ở những hồi viết về chiến công của Hưng Đạo qua mấy lần giao chiến với Thoát Hoan. Những trận chiến đầy thắng lợi vẻ vang ấy như hiển hiện trước mắt người đọc qua tài nghệ kể chuyện của nhà văn.

Bên cạnh những người anh hùng cái thế, trong các tác phẩm, người đọc còn bắt gặp những trang dũng sĩ như Lý Phụng Tiên, Trịnh Kế Siêu, Lê Phụng Hiểu… Những con người ấy với cốt cách cứng cỏi, khí phách kiên cường, sẵn sàng vì nghĩa quên thân, ra tay cứu giúp kẻ thế cô, gặp hoạn nạn, trừ khử bọn gian tà hãm hại người lương thiện. Tuy vậy, có lúc họ cũng mềm lòng. Chẳng hạn, Lý Phụng Tiên trong Việt Nam anh kiệt cứng cỏi, kiên cường là thế nhưng cũng từng buồn bã, sầu não, mơ tưởng trong hồn mộng khi nghĩ đến bóng hình Ngọc Sương, người yêu của chàng. Hoặc chàng Trịnh Kế Siêu vũ dũng, mưu lược, gan dạ, dũng cảm là thế, sẵn sàng xả thân xông vào nơi chốn của giặc để cứu đồng chí, vậy mà chàng ta cũng ghen tuông nghi ngờ giận hờn ích kỷ, đuổi vợ là Nguyễn Lệ Minh ra khỏi nhà chỉ vì Lệ Minh hay chuyện trò với Vân Lôi.

Những con người ưu tú của dân tộc còn là những cô gái, những phụ nữ tiết liệt, kiên trinh như Nguyễn Lệ Minh, Hồ Ngọc Sương, Trịnh Thể Lan trong Việt Nam anh kiệt; Hoàng Lệ Tiết, công chúa Liên Hoa trong Lê triều Lý thị, Lý Vân Kiều trong Việt Nam Lý trung hưng, Ngọc Quyên trong Trần Hưng Đạomà nhân dân không thể nào quên. Nguyễn Lệ Minh bị tướng giặc bắt, nàng đã bình tĩnh, giả vờ thuận theo lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng, để chờ thời cơ. Nhờ thế, tên tướng giặc không đề phòng, nàng đã dùng gươm kết liễu đời hắn. Sau này, nàng được chồng là Trịnh Kế Siêu truyền dạy võ nghệ thì bản lĩnh của nàng càng bộc lộ rõ hơn. Nàng cùng Ngọc Sương không quản ngại đường xa khó khăn gian khổ, dũng cảm vượt mọi hiểm nguy, cầu cứu Võ Hùng Sanh dẫn nghĩa quân cướp pháp trường giải cứu Kế Siêu và Phụng Tiên. Hay như Trịnh Thể Lan (Việt Nam anh kiệt), Hoàng Lệ Tiết (Lê triều Lý thị) lập sơn trại, chiêu tập nữ quân, trồng ngô khoai để có cái ăn mà yên tâm luyện tập võ nghệ, chờ đợi thời cơ đánh đuổi kẻ thù, cứu dân cứu nước. Còn Lý Vân Kiều trong Việt Nam Lý trung hưng vì nuôi chí báo thù mà cam chịu để tướng giặc là Châu Hải Định dày vò thân xác. Khi nghe tin Nguyên soái Lý Thường Kiệt đem quân đến thì nàng cùng những người tâm phúc chuốc rượu cho tên Định say, rồi đốt kho lương, mở cửa thành cho đoàn quân của Lý Thường Kiệt vào thành. Ngọc Quyên trong tiểu thuyết Trần Hưng Đạo cũng vậy, dù là gái, lại là con nuôi của Hưng Đạo đại vương nhưng vì lòng yêu nước, căm thù giặc, nàng đã tập luyện võ nghệ, giả trai, cưỡi ngựa cầm quân chống giặc, làm cho bọn cướp nước Nguyên Mông một phen khiếp vía. Chính nàng đã từng xông vào đỡ lấy đường gươm của tên tướng giặc Nguyên Mông mà giải vây cho tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nghĩa cử cao đẹp trên đã khiến cho tướng quân họ Phạm luôn khắc ghi trong tâm khảm. 

Bên cạnh những bậc trượng phu anh tuấn, những trang nữ kiệt anh thư, những con người đại diện cho chính nghĩa như vừa nêu thì nhà văn Phạm Minh Kiên không quên khắc hoạ hình ảnh những nhân vật phản diện. Bọn chúng là những kẻ xâm lược cướp nước, là bọn giặc tàn sát dân lành, là những tên quý tộc quan lại cấu kết với giặc để bán nước cầu vinh. Chúng là nỗi nhục muôn đời của lịch sử dân tộc. Bọn chúng là Trương Phụ, Đoàn Thoại, Đoàn Oai trong Việt Nam anh kiệt; là vợ chồng tướng giặc Lỗ Trí Viễn và Tiết Phi Hồng, nữ tướng Chàm Đặng Hoa và chúa động Thiên Oai; bọn quan lại trong triều cấu kết với giặc để cầu vinh như Ngự sử Tôn Đình Lượng, bọn Trịnh Hồng, Bàng Thiết Hổ trong Lê triều Lý thị; bọn Trịnh Tấn, Triệu Di, Thạch Đình Oai, Bật Du Kha trong Tiền Lê vận mạt; bọn quý tộc hoàng thất nhà Trần bán nước cầu vinh như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc…, bọn cướp nước như Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Ngột Sanh Tư Gia, Ô Gia Na v.v.. trong tiểu thuyết Trần Hưng Đạo. Những nhân vật phản diện trên tuy chỉ được nhà văn giới thiệu lướt qua nhưng người đọc vẫn nhận ra bản chất, chân tướng của chúng một cách rõ nét.

Điều cần lưu ý là những tiểu thuyết trên được Phạm Minh Kiên viết theo hình thức chương hồi nên khi miêu tả ngoại hình, diện mạo, tính cách nhân vật, nhà văn không thoát khỏi cách miêu tả mang tính ước lệ thường gặp trong truyện thơ Nôm hay chịu ảnh hưởng bút pháp từ tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Chẳng hạn, đây là diện mạo người anh hùng Lý Thường Kiệt: “đầu đội huỳnh khôi, mình mặc áo giáp, chơn (chân) mang võ hài, lưng đeo hổ kiếm, diện mạo khôi ngô, đường đường oai võ chẳng khác như thiên thần giáng thế” (Việt Nam Lý trung hưng). Còn đây là Tiền Thanh trong Lê triều Lý thị: “…đầu quấn khăn đen, quần đen, giày đen, mặc áo trạch ngực. Tướng mạo dữ dằn, hai mắt lớn bằng trứng gà, râu bá hàm, mày dựng ngược, nước da đen xam xám”. Đó là miêu tả ngoại hình, còn về tính cách thì thường được nhà văn thể hiện qua hành động và lời nói của nhân vật. Đây cũng chính là đặc trưng nghệ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết chương hồi.

Giống như nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử bấy giờ, các nhân vật chính diện thường được coi là những con người sáng ngời chính nghĩa từ lời nói đến hành động. Ở Phạm Minh Kiên cũng vậy, những đấng anh hùng như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn v.v.., những trang nữ kiệt như Lý Vân Kiều, Nguyễn Lệ Minh, Hồ Ngọc Sương, Liên Hoa công chúa, Ngọc Quyên v.v.. đều được nhà văn chú ý ngợi ca, đề cao hành động nghĩa dũng, tính cách gan dạ anh hùng, phẩm giá sáng trong của họ với dân với nước; lời nói của họ thốt ra là lời vàng ngọc, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng trung trinh đối với đất nước. Riêng với các nhân vật phản diện như những tên tướng giặc, những tên quan lại bán nước cầu vinh... thì nhà văn không ngần ngại phơi bày tính cách chỉ cần qua một vài lời nói, vài hành động của chúng.

Thông thường, ở tiểu thuyết chương hồi, các nhà văn rất ít khi đi sâu thể hiện tâm lý nhân vật, nhưng trong một số tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên, việc này lại được nhà văn bước đầu chú ý. Chẳng hạn, trong tác phẩm Việt Nam Lý trung hưng, nhà văn đã miêu tả tâm lý người anh hùng Lý Thường Kiệt qua đoạn độc thoại nội tâm, lúc chàng từ kinh đô trở lại nhà, gặp cảnh nhà bị quân giặc tàn phá, mẹ bị giặc giết, vợ và con gái bị giặc bắt, không biết ra sao. Lúc này, do chưa rõ ngọn nguồn, đứng trước cảnh tang thương của gia đình, chàng nghĩ ngợi, nghi ngờ vơ vẩn…; Hay như đoạn độc thoại của Yến Sơ trong tác phẩm Vì nước hoa rơi khi chàng nghĩ về người cha của mình và nghĩ về lời của Kiều Nga nói với chàng nên khuyên cha từ bỏ quan trường. Tâm trạng của chàng lúc này đang giằng xé giữa hai ngả, một đằng là người mình yêu với lời nói chính nghĩa, một đằng là ông thân sinh khắc khe, lại theo ngoại bang hại nước. Chính những đoạn độc thoại này giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật, họ là những con người vừa bình thường lại vừa vĩ đại. Dù những đoạn độc thoại nội tâm ấy trong tiểu thuyết của Phạm Minh Kiên chưa nhiều, nhưng thiết nghĩ, đây cũng là một đóng góp của Phạm Minh Kiên cho thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Do chịu ảnh hưởng tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc nên kết cấu các tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên được sắp xếp theo mạch thẳng, trình tự đơn tuyến, việc gì xảy ra trước thì kể trước; xảy ra sau thì kể sau. Trong sự việc, sự kiện ấy, các nhân vật sẽ xuất hiện với dáng vẻ, lời nói, hành động cụ thể. Tuy nhiên, người đọc còn bắt gặp đó đây trong một vài tác phẩm, Phạm Minh Kiên cố gắng tìm tòi thể nghiệm một kết cấu mạch vòng, theo diễn biến tâm lý, với sự sắp xếp quá khứ và hiện tại đan cài vào nhau, ít nhiều tạo sự chú ý, lôi cuốn độc giả mà tác phẩm Vì nước hoa rơi là một ví dụ cho sự thể nghiệm của nhà văn về lối kết cấu này. Tất cả được Phạm Minh Kiên kể lại bằng một ngôn ngữ mộc mạc, giản dị đậm chất Nam Bộ.

Nhà văn đã chọn giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ X đến những năm đầu thế kỷ XV (lúc giặc Minh xâm lược) để phản ánh và tái hiện là có lý do và ý đồ nghệ thuật riêng, bởi đây là một thời đại lịch sử hào hùng nhất của dân tộc ta trong chiến tranh vệ quốc: phá Tống, bình Chiêm, diệt Nguyên Mông, đánh tan giặc Minh xâm lược. Sức mạnh Đại Việt, hào khí Đông A đời Trần vẫn tiếp tục toả sáng ở giai đoạn lịch sử tiếp theo qua những chiến công oai hùng mà mỗi con dân Việt Nam qua bao thế hệ không thể nào quên.

Với thể loại tiểu thuyết lịch sử, cùng với các nhà văn hồi đầu thế kỷ, Phạm Minh Kiên ít nhiều cũng có vài đóng góp cho văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ. Tuy có chịu ảnh hưởng truyện thơ Nôm và tiểu thuyết lịch sử chương hồi cổ điển Trung Quốc khi kể chuyện, khi xây dựng nhân vật, nhưng Phạm Minh Kiên cũng đã tạo được dấu ấn riêng như có chú ý khắc hoạ tâm lý nhân vật qua độc thoại nội tâm; hoặc thể nghiệm kiểu kết cấu không theo trình tự tuyến tính thường gặp mà lại sử dụng kiểu kết cấu tâm lý, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn. Cuối cùng, qua những cuốn tiểu thuyết lịch sử này, người đọc hiểu rõ và trân trọng tấm lòng của nhà văn đối với dân tộc. Đó là niềm tự hào về những trang anh hùng hào kiệt của dân tộc, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, lòng căm thù giặc trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân xâm chiếm, giúp cho người đọc có thêm sức mạnh để vùng lên đánh đuổi kẻ thù cướp nước khi có cơ hội.

TP HCM, tháng 10-2010

NCL

CHÚ THÍCH

(1) Theo thống kê của Đoàn Lê Giang (biên soạn) trong Tổng thư mục nghiên cứu Văn học Quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX, TP. HCM. 2004, trang 40. Bài viết đã dùng tư liệu do PGS.TS. Lê Giang cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông. 

(2) Tân Dân Tử, Giọt máu chung tình, Sài Gòn, 1925.

(3) Hồ Biểu Chánh, Nặng gánh cang thường, Sài Gòn.

(4) Phạm Minh Kiên, lời Tựa Lê triều Lý thị, nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1931.

(5) Phạm Minh Kiên, lời Tựa Tiền Lê vận mạt, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1932.

(6) Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập 2, Nxb TP. HCM, 1998, tr.317.

(7) Phạm Minh Kiên, Giải chỗ tưởng lầm, Đông Pháp thời báo, số 468, ngày 06 tháng 8 năm 1926.

(8) Phạm Minh Kiên, lời Tựa Tiền Lê vận mạt, Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1932.

(9) Phạm Minh Kiên, Lời tựa Lê triều Lý thị, nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1931.

(10) Tân Dân Tử, Lời giới thiệu “Việt Nam Lý trung hưng” của Phạm Minh Kiên, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1929, trang 2.

(11) Nguyễn Chánh Sắt, Lời bàn tác phẩm “Việt Nam Lý trung hưng” của Phạm Minh Kiên, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1929, trang 1. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Lê Giang (biên soạn), Tổng thư mục nghiên cứu Văn học Quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX, 2004.

2. Những tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên có nêu ở mục Văn nghiệp.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60789228
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8729
24669
60789228

Thành viên trực tuyến

Đang có 375 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website