Giang Nam: tiểu sử và sự nghiệp

1. Đến nay (2011), nhà thơ Giang Nam đã vượt xa cái tuổi “cổ lai hy”, lại qua cái mốc bát tuần thượng thượng thọ. Ông là một trong những tên tuổi sáng giá của văn học giải phóng Miền Nam và của văn học Việt Nam đương đại, từng được giải thưởng về truyện ngắn của báo Thống nhất (1959), về thơ của tạp chí Văn nghệ (1961) của thế kỷ trước; giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu về Văn học Nghệ thuật (1965); giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001) và nhiều giải thưởng văn học khác. Ông từng là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng; Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980), Thường trực Đảng Đoàn, Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3; Đại biểu Quốc hội khóa 6 (1976-1981) v.v.. Vậy mà đến nay, tác phẩm của ông vẫn chưa được làm Tuyển tập, trong khi nhiều nhà văn nhà thơ khác ít tuổi hơn, viết sau ông một chút, đã ra Tuyển tập từ nhiều năm trước. Để bổ khuyết cho thiếu sót trên, được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là của nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội và nhà văn Trung Trung Đỉnh – Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn, lần này Giang Nam tuyển tập Thơ – Trường ca Giang Nam tuyển tập Văn xuôi được ra mắt bạn đọc.

2. Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1929 (tính theo âm lịch là ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thìn – 1928), trong một gia đình nhà Nho bình dân yêu nước, tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hoà, tỉnh Khánh Hoà (nay là làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà). Hiện gia đình nhà thơ đang thường trú tại số 46 đường Yersin, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Ngoài bút danh Giang Nam, trước đây ông còn dùng các bút danh khác như: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh khi viết trên các báo chí công khai dưới chế độ Sài Gòn thời gian từ năm 1955 đến năm 1959.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc Tiểu học tại huyện nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung (1945). Cùng với hai người anh trai là Nguyễn Lưu (Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa, đã hy sinh hồi tháng 9 năm 1955) và Nguyễn Quang (sau này là GS.TS. Ngôn ngữ học, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã thi đỗ trước đó, thì đây là ba trong số rất ít người đầu tiên ở huyện Ninh Hoà đã đạt học vị Thành chung, lại là ba anh em ruột trong một gia đình. Thời ấy, lấy được tấm bằng Primaire (Tiểu học) đã khó, số người thi đỗ văn bằng này trong toàn xã, toàn tổng có thể đếm trên đầu ngón tay, huống chi là thi đỗ đến Thành chung! Với việc học hành đỗ đạt như trên, gia đình ông đã vang danh khắp cả huyện, cả phủ, mà các cụ cao niên ở quê tôi ngày trước thường lấy đó làm gương để động viên, giáo dục con cháu cố gắng noi theo.

3. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Khánh Hoà là một trong những địa phương đầu tiên ở nước ta đã gan góc dũng cảm chiến đấu nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược trong những ngày đầu với 101 ngày đêm năm 1945 tại ga Nha Trang. Giang Nam cùng với hai người anh trai của mình đã tham gia kháng chiến từ dạo đó, bấy giờ ông mới 16 tuổi. Ban đầu ông công tác ở Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Hoà Dũng[1] với cương vị cán bộ, rồi Trưởng ban Thông tin, sau về làm cán bộ phòng Văn hoá Thông tin huyện Ninh Hoà. Nhờ khả năng làm thơ đăng báo mà ông được đề bạt vượt cấp, Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Tỉnh Khánh Hoà rút ông về công tác tại Ty Văn hoá Thông tin vào tháng 5 năm 1948, với nhiệm vụ viết bài và biên tập chính cho báo Thắng, báo Trait d’Union (Gạch nối) để phổ biến trong thị xã và cung cấp bản tin cho các địa phương, các ban ngành trong tỉnh. Tại cơ quan này, vài tháng sau ông được kết nạp vào Đảng. Gần cuối cuộc kháng chiến ông được cử giữ chức Phó Trưởng ty Văn hoá Thông tin tỉnh Khánh Hoà.

Kháng chiến thắng lợi, Hiệp định Gienève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cán bộ và quân đội ta ở Miền Nam tập kết ra Bắc, Giang Nam được tổ chức phân công ở lại hoạt động bí mật, gây dựng phong trào hậu chiến. Từ năm 1956 đến năm 1959 – giai đoạn đen tối của cách mạng Miền Nam – có lúc ông phải chạy vào Miền Đông Nam Bộ làm nhiều nghề để sinh sống, chờ thời cơ hoạt động trở lại. Thời gian này, ông lợi dụng báo chí công khai ở Nha Trang, Sài Gòn để kín đáo ngợi ca kháng chiến, chống âm mưu chia cắt đất nước với các bút danh: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh. Đến năm 1959, ông được điều động về chiến khu Khánh Hoà (Hòn Dù) làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Khánh Hoà. Cuối năm 1961, ông được điều về phụ trách bộ phận văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu 6 mới thánh lập (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và một phần Đắc Lắc). Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam thành lập, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Uỷ viên Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1977, khi tờ báo này sáp nhập với tờ Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), ông là Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3, Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980), Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam[2]; Đại biểu Quốc hội và là Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá 6 (1976-1981). Chính những năm tháng giữ nhiệm vụ Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ, nhà thơ Giang Nam đã cùng với nhà văn Nguyên Ngọc (với tư cách là Bí thư Đảng Đoàn của Hội) và các vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam bấy giờ đã đề xướng đổi mới, “cởi trói” văn học. Một loạt bài viết về vấn đề này được ông duyệt cho đăng trên Tuần báo Văn nghệ, mà bài “Văn học phải đạo” của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là tiêu biểu. Bài viết của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, với vị trí cắm cái mốc cho sự cần thiết phải đổi mới văn học trong tình hình mới. Dù vấn đề này, hồi ấy đã gây “sóng gió” không nhỏ trong sự nghiệp của nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến cùng nhà thơ Giang Nam và nhà văn Nguyên Ngọc! Sau đó, vì nhu cầu công tác, ông được điều về tỉnh Phú Khánh rồi Khánh Hoà, tham gia  Ban vận động thành lập và là thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hoà (1984-1989); Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà (1989-1993) phụ trách Văn xã. Từ khi về hưu cho đến nay, ông được cử làm Trưởng đại diện của Tuần báo Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây nguyên.

      4. Tác phẩm đã xuất bản:

      - Thơ và trường ca: Thơ Giang Nam,[3] Ty Thông tin Khánh Hòa xuất bản (in litô), 1949; Tháng Tám ngày mai (thơ), Nxb Văn học, HN, 1962; Quê hương – Tập thơ từ miền Nam gởi ra, Nxb Văn học, HN, 1965 (tập thơ này đã được Nxb Giải phóng in 1962); Người anh hùng Đồng Tháp (thơ, trường ca), Nxb Giải phóng, 1969; Vầng sáng phía chân trời (thơ), Nxb Văn học Giải phóng, SG, 1975; Hạnh phúc từ nay (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1978; Thành phố chưa dừng chân (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1985; Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 1998; Mầu nhiệm (thơ), trong tập “Nẻo về” in chung với 2 tác giả khác, Nxb Văn học, HN, 1999; Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2002; Thơ với tuổi thơ (tuyển thơ thiếu nhi), Nxb Kim Đồng, HN, 2001; Lắng nghe thời gian (thơ), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2008; Người đi mở đất (trường ca, đã công bố chương đầu) và khoảng 50 bài thơ đăng báo từ 1999 đến nay nhưng chưa tuyển thành tập.

      - Truyện và ký: Vở kịch cô giáo (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, HN, 1962; Người Giồng Tre (ký và truyện ngắn), Nxb Giải phóng, 1969; Trên tuyến lửa (ký), Sở Văn hoá Thông tin Long An xuất bản, 1984; Rút từ sổ tay chiến tranh (ký), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1987; Sống và viết ở chiến trường (Hồi ký), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2004; Tôi đã học văn theo kiểu của mình (hồi ký), in trong “Ký ức một thời học Văn”, Nxb GD, HN, 1995; cùng một số bài hồi ký về nghề Văn, về chân dung văn nghệ sĩ bạn bè đồng nghiệp.

Điều đáng tiếc là dù cố gắng rất nhiều, nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa tìm được thơ của Giang Nam đã đăng trên tờ báo Thắng, tờ Trait d’Union (Gạch nối) và tập Thơ Giang Nam trên 30 bài, in đá  (litô) năm 1949 tại Khánh Hòa, cũng như chưa tìm được đầy đủ thơ và truyện ngắn trên báo ở vùng tạm bị chiếm khoảng năm 1955-1959, và trên báo Thống nhất ở Hà Nội từ 1959 đến đầu những năm 60.

         5. Các giải thưởng văn học:

- Giải 3 về truyện ngắn của Báo Thống nhất (1959), truyện Những người thợ đá.

- Giải nhì về thơ 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ (1961), bài Quê hương.

- Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu về Văn học Nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam[4] (1960-1965), giải chính thức về thơ (1965) cho tập thơ Quê hương.

- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001) cho 3 tập thơ: Quê hương, Hạnh phúc từ nay, Thành phố chưa dừng chân.

- Các giải thưởng về Văn học Nghệ thuật của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà:

+ Giải thưởng 25 năm (1975-2000) về các tác phẩm và công lao đóng góp cho Văn học Nghệ thuật của tỉnh.

+ Giải thưởng năm 2002 cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.

+ Giải thưởng 5 năm (2001-2005) cho 2 tác phẩm Sống và viết ở chiến trường, Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.

- Tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2002 cho tác giả cao tuổi: trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết.

6. Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thời đổi mới, nhà thơ Giang Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý:

- Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất (1962). 

- Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất (1975). 

- Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng  Nhất (1973).

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1985).

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba (1997).

- Huân chương Độc lập hạng Ba (1997).

- Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật (1997).

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2008).

- và nhiều Huy chương khác.  

Tp. HCM, gần cuối đông 2011

 

Nguồn: Tuyển tập thơ Giang Nam, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2013.



[1] Xã Hoà Dũng hồi chín năm kháng chiến gồm 3 xã hiện nay là Ninh Quang, Ninh Bình và Ninh Hưng, đều thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà (từ năm 2011 là thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà)

[2] Lúc này, nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyễn Khải cùng là Thường trực Đảng Đoàn, nhà văn Nguyên Ngọc là Bí thư Đảng Đoàn của Hội.

[3] Tập thơ này khoảng 30 bài, hiện chưa tìm lại được.

[4] Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) do Trần Bạch Đằng - Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đặc trách công tác thông tin, văn hóa, giáo dục làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đã chọn 54 tác phẩm thuộc các thể loại văn học nghệ thuật để trao ba loại giải: 02 Giải đặc biệt, 35 Giải chính thức (không phân hạng), 17 Giải khuyến khích.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60516002
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7513
12997
60516002

Thành viên trực tuyến

Đang có 266 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website