Giang Nam với quan niệm về thơ

Nhà thơ Giang Nam

1. Hơn 65 năm hoạt động cách mạng và gần 65 năm làm thơ viết văn, tính đến nay, Giang Nam đã để lại cho văn học Việt Nam đương đại 12 tập thơ và trường ca, cùng trên 50 bài thơ đã đăng báo nhưng chưa tuyển thành tập; 05 tập truyện và ký cùng một số hồi ký về nghề văn, về chân dung các văn nghệ sĩ bạn bè đồng nghiệp, một số tham luận tại các Hội thảo khoa học. Với chừng ấy tác phẩm, thiết nghĩ cũng đủ làm nên một đời văn sáng giá. Đến nay, nhà thơ Giang Nam đã đi qua 84 mùa xuân, nhưng sức khoẻ vẫn còn rất “trẻ tráng”, vẫn sáng tác đều đặn, liên tục. Độc giả vẫn có dịp đọc thơ văn của ông trên các báo và tạp chí như: Văn nghệ, Tác phẩm mới, Nhà văn, Thơ (đều của Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Kiến thức ngày nay (đều của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh), Nha Trang (Hội VHNT Khánh Hoà), v.v..

Giang Nam bắt đầu sáng tác từ những ngày kháng chiến chống Pháp đang diễn ra gay gắt và khốc liệt tại quê nhà. Nhờ những bài thơ đăng báo ở địa phương mà ông được đề bạt vượt cấp, từ một anh cán bộ xã được điều động về tỉnh công tác tại Ty Thông tin Văn hoá. Tuy đã có những sáng tác đã đăng báo từ năm 1948 nhưng phải đợi sang đầu thời chống Mỹ thì tên tuổi của nhà thơ mới được công chúng độc giả cả nước biết đến và hâm mộ, qua các tác phẩm được giải thưởng của Báo và tạp chí ở Hà Nội. Những sáng tác thơ và truyện ngắn của Giang Nam viết từ chiến trường miền Nam đã vượt qua bao nhiêu là khó khăn trở ngại để đến với công chúng độc giả trên đất Bắc, in ở báo Thống nhất, và nhà thơ cũng không ngờ rằng những sáng tác này sau đó không lâu được trao giải thưởng. Truyện ngắn Những người thợ đá viết về đề tài công nhân ở công trường đá đoàn kết đấu tranh chống lại bọn chủ bằng cách đình công là tác phẩm đầu tiên của ông được báo Thống nhất trao giải thưởng vào năm 1959 (giải Ba). Vài năm sau, truyện trên được in trong tập Vở kịch cô giáo [1]. Đây là tập truyện ngắn đầu tay của Giang Nam, cũng là tập truyện đầu tiên của văn học cách mạng miền Nam được xuất bản ở Hà Nội (1962). Tiếp đến, bài thơ Quê hương (viết năm 1959) được đăng trên báo Thống nhất và sau đó được giải Nhì giải thưởng về Thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1961. Từ đó, tên tuổi của Giang Nam mới được bạn đọc cả nước biết đến.

Riêng về thơ và trường ca, như đã nêu trên, đến nay Giang Nam đã cho xuất bản 12 tập cùng công bố trên báo, tạp chí một chương của trường ca và trên 50 bài thơ. Đó là: Thơ Giang Nam [2], Ty Thông tin Khánh Hòa xuất bản (in litô), 1949; Tháng Tám ngày mai (thơ), Nxb Văn học, HN, 1962; Quê hương – Tập thơ từ miền Nam gởi ra, Nxb Văn học, HN, 1965 (tập thơ này đã được Nxb Giải phóng in 1962); Người anh hùng Đồng Tháp (thơ, trường ca), Nxb Giải phóng, 1969; Vầng sáng phía chân trời (thơ), Nxb Văn học Giải phóng, SG, 1975; Hạnh phúc từ nay (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1978; Thành phố chưa dừng chân (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1985; Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 1998; Mầu nhiệm (thơ), trong tập “Nẻo về” in chung với 2 tác giả khác, Nxb Văn học, HN, 1999; Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2002; Thơ với tuổi thơ (tuyển thơ thiếu nhi), Nxb Kim Đồng, HN, 2001; Lắng nghe thời gian (thơ), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2008; Người đi mở đất (trường ca, đã công bố chương đầu) và trên 50 bài thơ đăng báo từ 1999 đến nay nhưng chưa tuyển thành tập.

2. Với Giang Nam, viết văn làm thơ cũng là một cách để làm cách mạng, với ý thức văn chương như là một thứ vũ khí chiến đấu, như một nhu cầu về tinh thần, thể hiện trách nhiệm công dân đối với đất nước trong từng hoàn cảnh lịch sử - cụ thể. Những sáng tác buổi đầu chịu ảnh hưởng thi pháp ca dao, đã đăng trên tờ báo Thắng[3] như bài Nhắn người chiến sĩ :

            Khói ai phơ phất bên đèo,

Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?

            Quê làng kẻ đợi, người trông,

Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày.

là một minh chứng. Chỉ mấy câu với ngôn từ bình dị, mộc mạc, nhưng lại dễ đi vào lòng người bấy giờ, bởi đã nói lên thực trạng đau xót của phong trào hồi ấy. Theo lời kể của nhà thơ thì hồi này, địch đánh mạnh, cán bộ du kích bị bật lên núi, xóm làng bà con bị địch khống chế, ta bị mất đất mất dân. Cán bộ thì thương dân bị kềm kẹp, dân thì thương cán bộ chiến sĩ gian khổ sống trong rừng. Lời ca dao như là lời trách móc, yêu thương, mong chờ và thể hiện nỗi xót xa của dân đối với cán bộ, lại rất phù hợp với chủ trương “Tiến về làng” do Tỉnh ủy phát động.

Những sáng tác sau này của ông cũng đều xuất phát từ nhu cầu tinh thần, trách nhiệm ấy. Chính thực tiễn sôi động của cách mạng miền Nam là nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác của Giang Nam. Nhà thơ nhiều lần nói rằng nếu không có cuộc chiến đấu gian khổ, bi thương mà sôi động, anh dũng của dân tộc thì ông không thể có cảm hứng để viết. Phản ánh, tái hiện lại miền Nam trong lửa đạn là một nhu cầu bức xúc của nhà thơ. Ông tâm sự: “Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu ấy là ngọn nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui và cả nỗi đau trong thơ tôi. Thơ là trái tim đồng thời là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của riêng mình” [Cảm xúc sáng tác của tôi là Miền Nam và những ngày kháng chiến, Báo Vietnamnet, 29-02-2004].

         Nhắc đến Giang Nam, người đọc sẽ nhớ đến ông là một nhà thơ, dù ông cũng có viết khá nhiều về truyện và ký, cũng có những giải thưởng về các thể loại văn xuôi này. Nhưng tâm huyết, sức lực của Giang Nam thường dành cho thơ nhiều hơn. Ông đã trăn trở, suy nghĩ nhiều về thơ.

         Theo Giang Nam, thơ trước hết phải là tiếng nói của cảm xúc, của con tim. Nhưng như thế cũng chưa đủ, mà cần phải có thực tế, có vốn sống, thơ là sự “tổng hợp của hiện thực và tưởng tượng, của tình cảm và lý trí, của cuộc sống bình thường hàng ngày và những khoảnh khắc bất ngờ loé sáng của trí tuệ và cảm xúc”.

         Giang Nam cho rằng người làm thơ phải luôn tìm tòi sáng tạo cái mới, tránh lặp lại mình. Đó là một thử thách lớn nhất đối với một nhà thơ. Ông trăn trở: “Thử thách lớn nhất đối với tôi hiện nay là làm sao có cái mới trong thơ. Hiện thực mới, vấn đề mới, cảm xúc mới… và cách diễn đạt mới, tránh lặp lại mình. Mà những vấn đề ấy thật khó khăn trong cuộc sống bộn bề hiện nay. Không phải như 30 năm trước ở chiến trường Miền Nam, hình như chỉ cầm bút lên là viết được!” [Vài dòng tâm sự, in trong: Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa, Nxb Văn học, HN, 2002].

Về ngôn từ diễn đạt, Giang Nam cho rằng cần phải dung dị, không nên gọt giũa câu chữ cầu kỳ đến độ khó hiểu, không nên “biến thơ thánh xiếc chữ nghĩa, người đọc đọc mãi mà không hiểu tác giả muốn nói gì”, mà phải cố gắng thể hiện “cái hồn nhiên tươi tắn của cuộc sống, không cần đến bàn tay gọt giũa của nghệ sĩ.”

Về nội dung, ông cho rằng, bên cạnh những tìm tòi đổi mới, cách tân về hình thức thì thơ Việt phải mang tâm hồn Việt, thể hiện cốt cách Việt, đời sống Việt, nói chung là biểu hiện bản sắc Việt Nam, đặc điểm dân tộc Việt Nam: Tôi hoan nghênh những tìm tòi về hình thức nếu những tìm tòi ấy diễn đạt được điều tác giả muốn nói một cách thông minh, chân thật và xúc động. Mọi thứ “làm dáng”, “tôn vinh chữ nghĩa” đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người.

Tôi cũng nghĩ rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam; càng phát triển, càng đổi mới, càng biết và bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ” [Cảm xúc sáng tác của tôi là Miền Nam và những ngày kháng chiến, Báo Vietnamnet, 29-02-2004].

Về tác dụng của thơ, ông khẳng định: Thơ kêu gọi cái Thiện, làm cho con người sống đẹp hơn, sống cuộc sống đáng yêu đáng quý hơn. [Lời phát biểu trên báo ngày 02-5-2008]

Nói về thơ hay, cắt nghĩa thế nào là một bài thơ hay, Giang Nam quan niệm: “Bài thơ hay là bài thơ đi vào lòng người – dù chỉ đọc qua một lần – và không chịu rời ra nữa. Nó truyền cảm xúc, rung động chủ quan của tác giả đến với người đọc. Người đọc thích thú tự hỏi: những chuyện như thế này, những hình ảnh này mình đã từng suy nghĩ, thậm chí từng sống… mà sao mình không thể viết được như vậy? Theo tôi, đó là tài năng.”

Ông nói tiếp: “Viết được một bài thơ hay là rất khó, kể cả với các nhà thơ lớn. Nó là tổng hợp của hiện thực và tưởng tượng, của tình cảm và lý trí, của cuộc sống bình thường hàng ngày và những khoảnh khắc bất ngờ loé sáng của trí tuệ và cảm xúc. Nó là “điểm rơi” mà mỗi người làm thơ hết sức mong muốn.”

Ông nói thêm: “Thơ hay là cực khó. Ngoài chất liệu đời sống, lòng nhân ái, sự chân thành thì còn phải có tài. Có một nhận thức mà hình như trong một thời điểm nào đó bị phê phán, nay nhìn lại có phần sự thật, chân lý. Đó là: phải đau khổ mới có thơ hay; có thơ “có ích” nhưng không hay; không có ý định làm thơ cho người khác đọc, mà chỉ để tự nói với mình… thì có khi bài thơ lại rất hay!” [Tình yêu là “hậu phương” quan trọng cho sự nghiệp, Báo Phụ nữ chủ nhật, số 31, ngày 13-8-2000].

         Giang Nam cho rằng, nhà thơ không nên bằng lòng những gì mà mình đã viết, mà cần phải học tập, luôn trau giồi nâng cao ngòi bút của mình, phải có khát vọng chiếm lĩnh và tái hiện lại cái hiện thực bề bộn, đa dạng, phong phú và sôi động của cuộc sống, muốn vậy, người làm thơ phải đi nhiều để có vốn sống, suy nghĩ nhiều: “Tôi là người đi nhiều: Từ Nam ra Bắc rồi về miền Trung, lên Tây Nguyên, xuống miền Tây, có cả những chuyến đi nước ngoài. Từ sau năm 1975, tôi cũng có viết ít nhiều (…) Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng với chính mình. Còn quá nhiều điều tôi muốn viết mà chưa viết được.” [Vài dòng tâm sự, in trong: Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa, Nxb Văn học, HN, 2002]

Cuối cùng, Giang Nam mong muốn người làm thơ: “Đừng nhân danh đổi mới, học tập trào lưu thế giới mà biến thơ thánh xiếc chữ nghĩa, người đọc đọc mãi mà không hiểu tác giả muốn nói gì. Cũng đừng tầm thường hoá thơ, chạy theo những thác loạn, bệnh hoạn để tự cho mình là ‘mới’.” [Lời phát biểu trên báo ngày 02-5-2008].

Với tư cách là người đi trước, ông còn chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của mình để chỉ dẫn các thế hệ nhà văn đàn em: “Theo tôi, có mấy vấn đề cần được quan tâm để việc tìm tòi, sáng tạo không bị lệch hướng:

Một là, về nội dung: mở rộng đề tài, đưa vai trò sáng tạo chủ quan của nhà văn mạnh mẽ hơn nữa vào tác phẩm (những suy nghĩ, cảm xúc mới lạ, độc lập, độc đáo…) là cần thiết nhưng phải dựa trên cái gốc là: tác phẩm viết cho ai, để làm gì, người đọc có thể thấy mình trong đó và đồng cảm  với tác giả không? Nói cho cùng, cái ta không thể bỏ là trách nhiệm xã hội của nhà thơ. Không thể nói: tôi viết cho riêng tôi, tôi có quyền tự do của tôi, tôi không cần ai hiểu cả.”

Hai là, về hình thức: cần phải giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc Việt Nam trong thơ. Có thể vận dụng tất cả các thể loại thơ (thơ truyền thống, thơ hiện đại Việt Nam và thế giới, kể cả thơ “hậu hiện đại”) nhưng cần chú ý đặc trưng tiếng nói, ngôn ngữ Việt Nam (về ngữ điệu, nhạc điệu “trong thơ có nhạc”) Một số bài thơ gọi là đổi mới hiện nay đọc lên có cảm giác là văn xuôi hoặc dịch thơ nước ngoài.

Ba là, lắng nghe tiếng nói, góp ý của người đọc và các cơ quan có trách nhiệm để tránh những sơ sót không đáng có. Nhà thơ lắng nghe sự góp ý của quần chúng tức là dọn đường cho thơ đi vào lòng người”. [Đổi mới thơ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo – Tham luận tại Đại hội Hội VHNT Khánh Hoà, tháng 8-2009]

3. Với quan niệm trên, nhìn lại những tập thơ và trường ca đã xuất bản, có thể thấy chính hiện thực cuộc đấu tranh chống Mỹ sôi động gay go ác liệt, không cân sức ấy của một nửa đất nước đã hình thành một dòng thơ thời sự - chính trị của bộ phận văn học giải phóng miền Nam 1954 – 1975, mà nổi bật nhất là thơ của Hưởng Triều, Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Thu Bồn v.v..

Qua các tập thơ, dễ nhận ra Giang Nam là người đi nhiều, thấy nhiều. Ông hầu như có mặt ở khắp các miền đất lửa - nơi chiến trường đang diễn ra ác liết nhất, gay go nhất - từ  cực Nam Trung Bộ (Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) vào miền Đông Nam bộ (Củ Chi đất thép, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Xoài, Lộc Ninh...) rồi miền Tây Nam bộ (Long An, Bến Tre, U Minh, Cà Mau...). Hiện thực ấy đã giúp cho vốn sống và góp phần tạo nên bản lĩnh ngòi bút của ông, làm cho đề tài trong các thi phẩm của ông thêm đa dạng, phong phú.

Nhân vật trữ tình trong thơ và trường ca từ 1975 trở về trước của Giang Nam nổi bật nhất là những người phụ nữ trẻ ở miền Nam. Đó là đội quân tóc dài có chồng theo kháng chiến hoặc tập kết ra Bắc, họ đang đấu tranh đòi thống nhất đất nước, đang cầm súng chống lại kẻ thù sát hại đồng bào, giày xéo quê hương; đó là những cô du kích, những cô giao liên hoàn thành nhiệm vụ của mình với niềm tin chiến thắng; là cô văn công hồn nhiên “cười khúc khích” chạy dưới làn bom đạn của địch sau đêm biểu diễn…

Người phụ nữ là một hình tượng được văn học Việt Nam từ xưa đến nay khắc hoạ, thể hiện với những nét đẹp kiểu truyền thống như yêu chồng, thương con, tần tảo, đảm đang, chung thuỷ sắt son, chịu thương chịu khó... Kế thừa thơ ca truyền thống, Giang Nam tiếp tục thể hiện hình tượng nghệ thuật này với những phẩm chất trong thời đại mới: người phụ nữ trong thời đại chống Mỹ, cứu nước. Cần lưu ý là dù trong thơ ca cách mạng miền Nam, hình tượng người phụ nữ đã được các tác giả khắc hoạ nhưng hiếm có nhà thơ nào viết nhiều và viết hay về người phụ nữ, nhất là người phụ nữ trẻ như Giang Nam đã viết với sự đặc biệt trân trọng, trìu mến, yêu thương. Người phụ nữ miền Nam trong thơ Giang Nam thật phong phú, đa dạng, vừa mang nét đẹp truyền thống dân tộc như trên có nêu; vừa mang nét đẹp hiện đại của một Nguyệt Nga dũng cảm cầm súng trong thời đại chống Mỹ: kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, trung thành với Đảng, chung thuỷ sắt son với chồng con, với quê hương, như lời nhận xét của Hoài Thanh: “không phải đợi đến Giang Nam người phụ nữ Việt Nam mới có mặt trong thơ ca cách mạng nhưng người phụ nữ trong thơ ông vừa có những tính cách của con người mới trong thời đại cách mạng, vừa đậm đà bản sắc của con người Việt Nam”[4].

Đó còn là những người anh hùng của thời đại như: Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Việt Thanh, Cô gái An Thường, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Trừ trong thơ và trường ca v.v.. 

Hình ảnh những người lính bên kia chiến tuyến cũng đã được nhà thơ quan tâm. Bởi đây là một đề tài lạ, mới mà viết về nó thì không dễ gì thành công. Nhưng qua bút lực, với cấu tứ cũng lạ và mới nên bài thơ của Giang Nam đã đạt hiệu quả nghệ thuật cao, có thể nói là rất hay. Đó là hai bài: Tiếng xa quay trong tập Tháng Tám ngày mai; Có một mùa xuân đẹp đã về trong tập Quê hương. Cả hai bài đều viết theo bút pháp tự sự, ghi lại câu chuyện của người lính bên kia chiến tuyến với những chuyển biến trong tâm trạng của anh ta. Ở đây, tự sự kết hợp trữ tình, kể chuyện và khai thác tâm trạng nhân vật được Giang Nam thực hiện rất đắc, rất thành công, hợp quy luật và lôgic của tình cảm. Có thể coi đây là một đề tài mới trong thơ ca cách mạng, mà Giang Nam là người viết về nó đầu tiên.

Bao trùm lên trên là hình tượng Bác Hồ. Người là niềm tin chiến thắng, là biểu tượng của cả dân tộc trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ mà lạc quan. Giang Nam viết nhiều về lãnh tụ, có đến hơn mười bài trong các tập thơ: Con viết bài thơ dâng Bác (Tháng Tám ngày mai, 1962); Miền Nam có Bác (Quê hương, 1965); Đọc thư Bác (Người anh hùng Đồng Tháp, 1969); Bác còn sống mãi (Vầng sáng phía chân trời, 1975); Đất nước còn mang hình bóng Bác, Thăm trường xưa Bác dạy (Hạnh phúc từ nay, 1978); Nơi Người đã sống, Nghe thơ Bác ở Phan Thiết (Lắng nghe thời gian, 2008); Mùa xuân trên bến Nhà Rồng, Đến Côn Minh tìm dấu chân của Bác, Bốn mươi năm vẫn có Bác bên mình, Con về quê Bác, Nghe Bác đọc tuyên ngôn, v.v.. (thơ đăng báo).

Từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay, cảm hứng chủ đạo trong thơ và trường ca của Giang Nam, một mặt tiếp tục tái hiện lại cuộc kháng chiến gian khổ mà thần thánh, với những thắng lợi vẻ vang, mà chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, nước nhà thống nhất, độc lập là đỉnh điểm; thì mặt khác, nhà thơ còn chiêm nghiệm về quá khứ, ngợi ca hiện tại với cuộc sống mới, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay. Chẳng hạn ngợi ca người phụ nữ anh hùng Nguyễn Thị Trừ trong trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết” hay viết về vùng biển quê hương; về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn mới, mà người đọc có thể bắt gặp trong nhiều bài thơ của những tập như: Hạnh phúc từ nay (1978), Thành phố chưa dừng chân (1985), Lắng nghe thời gian (2008).

Về bút pháp, giọng điệu và phong cách nghệ thuật, có thể thấy bút pháp thơ Giang Nam vừa hiện thực vừa lãng mạn cách mạng; kết hợp trữ tình với tự sự, một số bài có chất trí tuệ, chính luận. Dù vậy, thơ ông vẫn là tiếng nói trữ tình đằm thắm, bình dị, có bài kết hợp trữ tình với tự sự, có bài có pha chất trí tuệ, nhưng mạch cảm xúc tình cảm vẫn là mạch chủ đạo trong thơ ông, với giọng thơ tâm tình thủ thỉ, kết hợp bút pháp trữ tình với tự sự là chính. Nhờ tự sự mà có thể xem mỗi bài thơ của Giang Nam từ năm 1975 về trước như là bức ký hoạ về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lời thơ Giang Nam thường chân thành, giản dị, mộc mạc y như cuộc sống vốn có của nó để biểu đạt tình cảm chân thật đến thật thà, tựa hồ như tác giả chỉ cần thổi cái hồn của thơ vào các sự kiện cuộc sống, và thế là những điều có thực ấy sẽ biến thành thơ. Bởi vì, như ông đã từng nói: “Thơ hay phải chân thành, phải thật, không thể giả dối. Thơ hay phải là những gì tác giả rứt ruột rứt gan mình mà viết…”, nhờ thế mà thơ ông dễ đi vào lòng người, dễ gây xúc cảm cho người đọc. Điều đầu tiên mà người đọc cảm nhận được qua mỗi bài thơ của Giang Nam là cái tình toát lên trong từng câu chữ. Chính Bác Hồ, một nhà thơ lớn của dân tộc cũng đã nói lên nhận xét này về thơ Giang Nam lúc Người nói với Thanh Hải khi nhà thơ xứ Huế từ miền Nam ra thăm Bác. Đó là một lời khen quý giá. Điều cần lưu ý là thơ Giang Nam luôn mang giọng điệu và bút pháp trữ tình, sâu lắng và lãng mạn. Nếu thiếu đi các yếu tố này, chắc chắn người đọc sẽ không thể nhớ và yêu thích thơ ông đến vậy.

Có lúc, mạch cảm xúc ấy dàn trải tuôn trào, mà điều này vừa là ưu điểm của thơ trữ tình, lại cũng vừa là hạn chế của ngòi bút, bởi nếu dàn trải tuôn trào quá thì sẽ rơi vào sự dễ dãi. Đọc thơ của Giang Nam, có lúc, người đọc có thể bắt gặp sự dễ dãi ấy, mà theo ông“làm thơ cốt là làm sao thể hiện được cảm xúc, tình cảm của mình là được rồi”. Có những bài thơ có cái tứ rất hay, rất độc đáo, rất mới như bài Chiếc áo cuối cùng (tập Quê hương)  nhưng lại chưa sắc gọn, chưa cô đọng, còn kể lể, vì thế ít nhiều cũng giảm đi cái hiệu ứng nghệ thuật trong người đọc khi tiếp nhận thi phẩm, mặc dù, đây là một bài thơ cảm động. Thơ ông, ở nhiều bài, còn thiếu cái quyết liệt, chất mạnh bạo và sôi nổi khi phản ánh phong trào đấu tranh của bà con miền Nam. Lý giải sự hạn chế này một phần là bởi cái tạng cái chất của con người ông chủ yếu là vẫn cái tình với cảm xúc nhè nhẹ mà dễ dàng thấm sâu vào lòng người. Nhà thơ phát biểu: Từ một cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng bị chiếm suốt 9 năm chống Pháp và ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ, tôi đã trở thành một người làm thơ. Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu ấy là nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui và cả nỗi đau trong thơ tôi. Thú thật có những thời kỳ đen tối, hàng ngày đương đầu với cái chết, không một ai trong chúng tôi có ý nghĩ là mình sẽ còn sống khi kháng chiến thắng lợi. Thơ là trái tim đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi. Những bài thơ đầu tiên là tôi viết cho mình, để mình đọc, để tự nhắn nhủ với người thân yêu của mình đang ở trong tù. Vì vậy nó rất thật, cái hay và cái dở của thơ tôi cũng từ cái gốc ấy mà ra. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, tuy nhiên cái không thay đổi là tấm lòng người làm thơ đối với cuộc sống, đối với con người.” [Cảm xúc sáng tác của tôi là Miền Nam và những ngày kháng chiến, Báo Vietnamnet, 29-02-2004]

Về thể thơ, Giang Nam thường sử dụng những thể thơ quen thuộc của dân tộc như thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ. Tất cả được diễn đạt bằng ngôn từ bình dị, chân chất, có khi hồn nhiên, tươi tắn, mang hơi thở của cuộc sống đời thường.

Có thể xếp thơ Giang Nam vào dòng thơ trữ tình - thời sự - chính luận. Mỗi bài thơ của ông đều mang hơi thở của thời cuộc, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người miền Nam bất khuất kiên trung đứng ở mũi nhọn trong cuộc đụng đầu lịch sử không cân sức về mặt vật chất. Ở đó, con người miền Nam chỉ biết lấy lòng yêu nước thương nhà và lòng căm thù giặc mà chọi lại với xe tăng, đạn pháo của giặc, với một tư thế “rất hiên ngang như khẩu súng bộp dừa” trong ngày đồng khởi như có lần nhà thơ đã viết. Có thể coi thơ và trường ca của Giang Nam trong chống Mỹ như là những bức ký họa bằng thơ về cuộc sống và chiến đấu ở miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất, gian khổ nhất. Sau ngày hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, vẫn phong cách ấy, nhưng biên độ của mạch cảm xúc lại mở rộng hơn.

Nếu nói thơ là tiếng nói của trái tim, thể hiện cảm xúc chân thành và chân thật thì thơ Giang Nam đã đáp ứng tốt yêu cầu này.

Tp. Hồ Chí Minh, cuối đông 2011

Nguồn: Tạp chí Nha Trang, Hội VHNT tỉnh Khánh Hoà, số 207 tháng 12-2012.

In lại trong: Tuyển tập thơ Giang Nam, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2013.



[1] Vở kịch cô giáo gồm 9 truyện ngắn, Nxb Văn học, HN, 1962.

[2] Năm 1949, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chủ trương cho tập hợp những bài thơ đăng báo của Giang Nam, in một tập thơ đầu tiên của Giang Nam mang tên Thơ Giang Nam, trên 30 bài, in đá litô, bìa và ruột có in màu, xuất bản tại chiến khu Hòn Hèo của tỉnh Khánh Hòa. Tập thơ được người đọc bấy giờ  hưởng ứng, kể cả ở thị xã Nha Trang là vùng kiểm soát của Pháp. Rất tiếc, tập thơ này hiện đã thất lạc, chưa tìm lại được.

[3] Báo Thắng là tờ báo do Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương hồi những năm đầu chống Pháp.

[4] Hoài Thanh, Tuyển tập Hoài Thanh, tập 1, Nxb Văn học, HN, 1982, tr. 331.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60838295
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12017
9068
60838295

Thành viên trực tuyến

Đang có 280 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website