Nhà nho tài tử”: Nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn học trung cận đại Việt Nam

20171113 Nguyen Du Le Anh Tuan

Ảnh: Tranh sơn dầu “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam” (tác giả: họa sĩ Lê Anh Tuấn)

 

Trong các bài giảng và công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Trần Đình Hượu thường sử dụng khái niệm “Nhà nho tài tử” để nghiên cứu về Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam. Khái niệm ấy được nhiều người tiếp tục sử dụng, nhưng cũng có nhiều người phản đối, vì cho rằng nó tư biện, thậm chí là một khái niệm giả. Trong bài viết này chúng tôi muốn làm rõ khái niệm ấy về nguồn gốc, những nội dung chính và ý nghĩa của việc sử dụng khái niệm nhà nho tài tử trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam nói riêng và văn học Đông Á nói chung.

 

1.     “NHÀ NHO TÀI TỬ” – MỘT QUAN NIỆM NGHIÊN CỨU

Khái niệm “Nhà nho tài tử” là một trong những khái niệm then chốt trong các tiểu luận về nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam của GS.Trần Đình Hượu như: Vấn đề xuất xử của nhà nho và sự phát triển trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ; Văn chương Ông già Bến Ngự;  Tản Đà – đấng “trích tiên”, cái Trang Tử đa dục chán đời và lạc lõng trong xã hội tư sản; Về nội dung tính giáo thời khi nghiên cứu sáng tác của Tản Đà; Quan niệm văn học của Tản Đà…(1) . Khái niệm ấy được kế thừa từ người thầy của ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa – Trương Tửu. Nguyễn Bách Khoa trong công trình Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Tạp chí Văn mới xuất bản, Hà Nội, 1944) lần đầu tiên dùng khái niệm “người tài tử”, “nhà nho tài tử”. Ông viết:

“Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh…là những nhà nho tài tử vậy. Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi. Nếu không biết thưởng thức những trò chơi ấy một cách mỹ thuật thì dù có sống đến nghìn tuổi cũng như là chết non mà thôi (thiên tuế diệc vi thương)”(2) .

Tuy nhiên Trương Tửu chưa đi sâu vào khái niệm này, nhận thức của ông cũng còn chưa rõ, ông vẫn nhấn mạnh vào phẩm chất “chơi”, hứng thú với cái  đẹp, và vì vậy vẫn còn lẫn giữa cái chơi phóng nhiệm của ẩn sĩ với cái chơi mang ý thức cá nhân. Giáo sư Trần Đình Hượu là người kế thừa và phát triển quan niệm “nhà nho tài tử” của Trương Tửu. Theo tôi, Trần Đình Hượu đã có những đóng góp cơ bản sau đây:

-       Xác định rõ ràng tính lịch sử của khái niệm “nhà nho tài tử”, coi nhà nho tài tử như là sản phẩm của xã hội đô thị phong kiến phương Đông , vì vậy nó gắn liền với ý thức cá nhân.

-       Xác định nội hàm khái niệm “nhà nho tài tử”, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh phẩm chất Tài Tình bên cạnh tính chất “chơi”, yêu cái đẹp mà Trương Tửu đã nói đến. Ông đối lập một cách rõ ràng kiểu nhà nho tài tử với nhà nho hành đạo, và rộng hơn là nhà nho chính thống (nhà nho chính thống bao gồm nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật). Ông cho rằng nhà nho tài tử nhấn mạnh ở: Tài Tình (cái tôi cậy tài, đa tình) còn nhà nho chính thống thì nhấn mạnh ở Đức.

-       Đưa “nhà nho tài tử” thành khái niệm chìa khóa có tính thao tác luận để nghiên cứu một số hiện tượng văn học trung cận đại Việt Nam như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tản Đà…

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là người kế thừa và làm rõ hơn quan niệm của thầy – GS. Trần Đình Hượu trong luận án tiến sĩ, sau đó xuất bản thành sách, đó là cuốn: Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam (NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1995).

Kế thừa các công trình nghiên cứu trên, đồng thời tìm hiểu rộng ra văn học các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc, chúng tôi hệ thống hóa và phát triển quan niệm nghiên cứu trên về nhà nho tài tử như dưới đây.

2.     NHÀ NHO TÀI TỬ TRONG LỊCH SỬ

Khái niệm “Tài tử” đầu tiên xuất phát từ Trung Quốc.

Từ điển Từ nguyên giải thích: “Tài tử là từ chỉ những người giỏi ở tài hoa” (Ưu ư tài hoa giả chi xưng). Dẫn Văn tuyển, Phan Nhạc Tây chinh phú: “Giả Sinh, Lạc Dương chi tài tử” (Giả Sinh là người tài tử ở Lạc Dương).

Từ điển Từ hải giải thích hơi khác một chút: “Gọi những người có tài là tài tử” (Ưu ư tài giả xưng tài tử). Từ hải cho biết từ “Tài tử” đã có từ sách Tả truyện thời Chiến quốc: Tả truyện, Văn thập bát niên viết: “Họ Cao Dương có 8 người tài tử”. Vào đời Đường, từ “tài tử” xuất hiện phổ biến hơn. Trong Đường thư, Nguyên Chẩn truyện có viết: “Nguyên Chẩn giỏi làm thơ, thường sáng tác nhạc phủ, trong cung người ta gọi ông là Nguyên Tài Tử”.

Trong lịch sử Trung Quốc, từ “tài tử” được dùng khá nhiều, nhất là từ đời Đường trở đi.

Đời Đường có “Đại Lịch thập tài tử” (Mười người tài tử thời Đại Lịch (766-799): gồm có Lư Luân, Tiền Khởi và 8 người khác. Thơ ca của họ phần nhiều là xướng họa, ngâm vịnh sơn thủy, ca ngợi thú ẩn dật. Về nghệ thuật, các tác giả này sở trường ở ngũ ngôn luật thi, thiên về kỹ thuật cầu kỳ, có khuynh hướng hình thức chủ nghĩa.

Đời Minh có “Giang Nam tứ đại tài tử” (còn gọi Ngô trung tứ tài tử, tức Bốn tài tử vùng Giang Nam), gồm có Văn Trưng Minh, Chúc Duẫn Minh, Từ Trinh Khanh và Đường Bá Hổ. Cả bốn đều giỏi về hội họa, thư pháp, thơ văn với mức độ khác nhau. Trong số này thì Đường Bá Hổ là người học giỏi, thi  đậu cao, làm quan lớn. Nhìn chung cả bốn vị tài tử Giang Nam này đều có tính tình phóng túng, ngông nghênh, khinh bạc.

Bên cạnh dùng “Tài tử” để chỉ người, ở Trung Quốc còn dùng khái niệm ấy để chỉ loại sách – sách tài tử như “Lục tài tử thư”, “Thập tài tử thư”…

“Lục tài tử thư” lần đầu tiên được Kim Thánh Thán (1608-1661) nhà phê  bình văn học nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh đưa ra, bao gồm: 1) Nam hoa kinh của Trang Tử, 2) Ly tao của Khuất Nguyên, 3) Sử ký của Tư Mã Thiên, 4) Đỗ thi tức thơ Đỗ Phủ, 5) Thủy hử truyện của Thi Nại Am, 6) Tây Sương ký của Vương Thực Phủ. Nhìn danh sách trên ta thấy: Nam hoa kinh là sách thể hiện tư tưởng Lão Trang, văn chương bay bổng, tưởng tượng phong phú, vượt ra khỏi vòng cương tỏa. Ly tao là tập thơ mang đầy yếu tố thần linh, kỳ lạ của văn hóa Hoa Nam. Sử ký của Tư Mã Thiên vừa là văn, vừa là sử, mang nhiều yếu tố “quái lực loạn thần” mà Khổng Tử không thích. Thơ Đỗ Phủ với tâm sự cá nhân, giọng  thơ bi ai, phẫn uất, không phải luôn luôn được giới phê bình chính thống đề cao. Còn Thủy hử là tiểu thuyết về các “loạn thần”, Tây sương ký là văn nghệ diễm tình của giới thị dân. Nhìn chung Lục tài tử thư là những tác phẩm thiên về văn nghệ, có tính chất phi chính thống, rất khác với “Văn thống” Trung Hoa mà các nhà nho Trung Quốc thường đề cao, như Kinh Thi, văn của Khổng Tử, Hàn Dũ, Chu Hy.

Từ “Lục tài tử thư” người ta còn mở rộng ra thành “Thập tài tử thư”, bao gồm: 1) Tam quốc diễn nghĩa, 2) Hảo cầu truyện, 3)Ngọc Kiều Lê, 4) Bình Sơn Lãnh Yến, 5) Thủy hử truyện, 6) Tây sương ký, 7) Tỳ bà ký, 8) Hoa tiên ký, 9) Trảm quỷ ký, 10) Tam hợp kiếm. Như vậy “Thập tài tử thư” chỉ còn là tiểu thuyết, chủ yếu là tiểu thuyết tài tử giai nhân, còn lại một vài cuốn là tiểu thuyết có tính chất lịch sử. 

Như vậy, ở Trung Quốc khái niệm “Tài tử” xuất hiện từ rất sớm – từ thời Chiến quốc, trải qua thời Hán, Ngụy, Lục Triều và Đường, ý nghĩa của nó cũng thay đổi, nhưng tựu trung lại nó vẫn mập mờ giữa 2 nghĩa: “Tài năng” và “Tài hoa”.

Ở Việt Nam, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ xem chữ “Tài tử” xuất hiện lần đầu tiên trong sách nào, theo như phỏng đoán của chúng tôi: trong thơ văn Lý Trần chưa thể xuất hiện khái niệm “tài tử”, khái niệm ấy chỉ có thể xuất hiện trong các loại sách có tính chất tiểu thuyết kiểu như Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XVI) hay trong các tác phẩm sớm hơn một chút. Tuy nhiên thời đại của từ “Tài tử” là Hậu kỳ trung đại, tức là từ thế kỷ XVIII trở đi. Tài tử thường gắn với loại tác giả thích cầm kỳ thi họa, sống ngoài vòng cương tỏa, ngông nghênh “khinh thế ngạo vật”.  

Trong thơ Hồ Xuân Hương đã bắt đầu có sự phân biệt rõ người tài tử với hiền nhân quân tử. Xuân Hương yêu người tài tử mà chế diễu mỉa mai người quân tử:

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

                                                (Đèo Ba Dội)

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở ở không xong

                                                (Thiếu nữ ngủ ngày).

 Còn với người tài tử thì mời gọi:

Tài tử văn nhân ai đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom.

                                                            (Tự tình)

“Tài tử” trong hát nói về thú cầm kỳ thi họa của Nguyễn Đức Nhu:

Giang sơn bất thiếu tài hoa khách

Mỗi người một cách phong hoa

Rượu Lưu Linh, thơ Lý Bạch, cờ Đế Thích, đàn Bá Nha           

Đủ trò thú mới là người tài tử

Chơi thì chơi chẳng chơi thì chớ

Đã chơi cho lệch đất long trời

Tiếng thị phi gác để ngoài tai

Trên cõi thế mấy người là tri kỷ?(...)(3)

“Tài tử đa cùng” trong bài phú của Cao Bá Quát. Người tài tử hành lạc tràn ngập trong thơ Nguyễn Công Trứ, tài tử, cặp đôi với giai nhân:

Minh quân lương tướng tao phùng dị,

Tài tử giai nhân tế ngộ nan.

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên,

Trong phút chốc tình duyên như đã.

                                                                       (Duyên gặp gỡ)

Mộng Liên Đường chủ nhân trong bài tựa Truyện Kiều đã ý thức rất rõ về người tài tử, tài tử gắn với tài tình: « Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một: người đời xưa thương người đời trước, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời này vậy. »

Như vậy khái niệm « người tài tử » là một khái niệm có thật trong lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu đã phát hiện và sử dụng nó để nghiên cứu một hiện tượng rất tiêu biểu của văn chương tài tử là Nguyễn Công Trứ. Kế thừa tư tưởng đó, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã khảo sát khái niệm này về phương diện lịch sử, nâng nó lên thành một khái niệm có tính phổ quát, một từ khóa để hiểu văn chương của một loại hình nhà nho đặc biệt: nhà nho tài tử. Nội hàm khái niệm này, chúng tôi đúc kết, hệ thống hóa  như mục dưới đây.   

3.     NỘI DUNG KHÁI NIỆM NHÀ NHO TÀI TỬ

Có thể chia nhà nho thành hai loại đối lập nhau: 

  1. Nhà nho chính thống (hành đạo và ẩn dật) và thể hiện trong văn học là có thể gọi là người quân tử/ kẻ sĩ quân tử như trong tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm – những tác gia tiêu biểu của văn học Trung kỳ trung đại.
  2. Nhà nho phi chính thống được thể hiện trong văn học thành người tài tử/ nhà nho tài tử như trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…

Các phẩm chất của họ đối lập tương đối theo như bảng sau :

Người Quân tử Người Tài tử

Tâm

(Lòng ưu ái)

Tài

(Tài hoa)

Chí

Tiên ưu chí

(Chí nam nhi, Chí công danh)

Tình

(ái tình)

Đạo

(Đạo cương thường)

Tính

(tính dục)

Nghĩa

(Nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, đất nước)

Du

(Thú giang hồ; Thú phong lưu/ Hành lạc)

Khí

(chí ý, khí cốt)

Mỹ

(Mỹ cảnh, mỹ nhân)

Người quân tử đề cao Tâm, Chí, Đạo, Nghĩa, Khí. Các khái niệm này đều là những khái niệm có ý nghĩa rất sâu, rất phức tạp, tuy nhiên đối với người quân tử vẫn có một ý nghĩa riêng, xác định. 

Tâm là tim, tâm tư. Tâm cũng là một khái niệm có tính nhận thức luận của Phật gia hay của Vương Dương Minh. Đối với người quân tử thì tâm trước hết và quan trọng nhất là tấm lòng, tấc lòng ưu ái – ưu quốc ái dân, như trong thơ Nguyễn Trãi: Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen; Bui một tấc lòng trung liễn hiếu/ Đạo làm con với đạo làm tôi; Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông…

Chí, có nhiều loại chí khác nhau: chí nam nhi, chí công danh, chí nhàn dật… nhưng cái chí  cao đẹp nhất của người quân tử là Tiên ưu chí – chí lo đời. Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều viết rất hay về chí này: Bình sinh độc bão tiên ưu chí/ Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên (Suốt đời ta riêng ôm cái chí tiên ưu/ Ngồi ôm chăn lạnh suốt đêm không ngủ được - Nguyễn Trãi); Bình sinh độc bão tiên ưu chí/ Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu (Suốt đời ta riêng ôm cái chí tiên ưu/ Còn chuyện được mất sướng khổ của riêng mình thì ta có lo chi – Nguyễn Bỉnh Khiêm)…

Đạo có nhiều nghĩa, từ nghĩa đơn giản nhất là con đường, mở rộng ra là đạo trời, đạo người, đạo đức, và sâu sắc nhất là khái niệm Đạo có tính chất bản thể luận của Lão Tử. Đối với người quân tử, đạo trước hết là đạo đức, đạo cương thường, đạo nghĩa theo quan niệm Nho gia.

Nghĩa là nghĩa vụ, nghĩa lý, đạo nghĩa, nghĩa ở đời. Người quân tử đề cao Nghĩa, đối lập nghĩa với Lợi, với hưởng thụ.

Khí từ nghĩa đơn giản là hơi thở, cho đến nghĩa trừu tượng hơn là khí sắc, nguyên khí như là sự thể hiện sức sống của con người. Khí được nâng lên thành một khái niệm đạo đức học như “chính khí”, khí hạo nhiên, rồi thành một khái niệm bản thể luận, đối lập tương đối với Lý, trở thành một trong hai phạm trù triết học quan trọng nhất của học thuật đời Tống.  Khí được áp dụng vào phê bình văn học trở thành khái niệm “văn khí” mà Tào Phi là người nói đến nó đầu tiên. Đối với người quân tử thì Khí được nhấn mạnh ở hai nghĩa: 1) nghĩa đạo đức học, là chí khí, khí tiết cứng cỏi, kích ngang; 2) nghĩa phê bình văn học, người quân tử đề cao văn khí mạnh mẽ cứng cỏi. 

Người tài tử khác với người quân tử,đề caoTài, Tình, Tính, Du, Mỹ.

Tài, người quân tử thị tài, cậy tài đã được GS Trần Đình Hượu nói đến nhiều. Tài có nhiều thứ: tài học (như Cao Bá Quát biết đến ba trong bốn bồ chữ cũa thế gian), tài khoa cử, tài kinh bang tế thế…Nhưng cái tài làm nên phẩm chất tài tử chính là tài hoa, tài gắn liền với tình: tài tình.

Tình, có nhiều nhiều loại tình: tình cha con, tình anh em, tình bè bạn, tình yêu nước, tình yêu kính quân vương…Nhưng tình làm nên phẩm chất của người Tài tử là: hữu tình ái tình. Hữu tình được hiểu là có nhiều tình cảm (đa tình), nhạy cảm (Lòng đâu sẵn mới thương tâm – Truyện Kiều). Ái tình – “Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình” (Nguyễn Công Trứ), ái tình không hẳn chỉ là “sự hôn nhân” mà có khi vượt ra khỏi “ngũ luân” của Nho gia.

Tính, là cái tâm chân thực tự nhiên sinh ra, sau đó được mở rộng ra thành khái niệm tâm lý học, đạo đức học như Tính Thiện, Tính Ác ; hay Phật học như: Phật tính, Tính Không…  Đối với nhà nho tài tử, Tính được nhấn mạnh ở nghĩa Tâm chân thực (thuyết Tính linh của Viên Mai chẳng hạn), và với những tác giả táo bạo nhất, Tính được thể hiện thành Tính dục như trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Công Trứ…

Du là chơi, có nhiều cách chơi khác nhau. Nhà nho chính thống ít nói đến chơi, nếu có thì “chơi” của họ cũng là học tập và hoàn thiện nhân cách. Khổng Tử nói: “Người quân tử để chí ở Đạo, dựa vào Đức, theo điều Nhân, vui chơi ở lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số)” (Tử viết : Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ - Luận ngữ, Thuật nhi). Người ẩn sĩ thì vui chơi trong  thiên nhiên để di dưỡng tính tình. Người tài tử hay nói đến chơi, chơi là một phương cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Có hai cách chơi: chơi ngao du thích chí và hành lạc, tùy người mà có sự lựa chọn cách chơi khác nhau. Ở người tài tử hành lạc thì chơi là một cách tận hưởng thú vui của cuộc đời. Trong khi chơi, người tài tử tự thân nhập cuộc, chơi nghệ thuật - “cầm kỳ thi tửu”, cái chơi kết hợp với tài tình, chơi cho đẹp - như những tuyên ngôn về chơi của Nguyễn Công Trứ :

Trời đất cho ta một cái tài,

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

                        (Cầm kỳ thi tửu)

Nhân sinh bất hành lạc,

Thiên tuế diệc vi thường

(Người đời không hành lạc,

Nghìn tuổi cũng chết non)

                              (Đánh thức người đời)

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,

Nếu không chơi thiệt đấy ai bù.

Nghề chơi cũng lắm công phu.

                              (Chơi xuân kẻo hết xuân đi)

Chơi cho đẹp mới là chơi,

Chơi cho đài các cho người biết tay.

                              (Cầm kỳ thi tửu)

Mỹ là cái đẹp. Cái đẹp thì không phải là đặc quyền của người tài tử, nhưng quả thực người tài tử rất ham thích cáo đẹp, theo đuổi cái đẹp: cái đẹp trong thiên nhiên, cái đẹp trong nghệ thuật, cái đẹp của con người. Người quân tử không thích cái lợi, dùng Nghĩa để đối lập với lợi. Người tài tử cũng coi thường cái lợi, nhưng dùng cái Đẹp để đối lập với lợi. Ta nghe Mộng Liên Đường Chủ nhân nói về người tài tình, cũng tức là người tài tử trog bài tựa Truyện Kiều:

Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm nhân đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa lòa nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏa ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy!

Người tài tử thích cả hai cái đẹp: mỹ cảnh và mỹ nhân. Nhà nho chính thống đối với mỹ nhân thì vừa thích lại vừa sợ. Họ cho mỹ nhân là  « vưu vật » - vật quý hiếm ở đời, nhưng họ cũng sợ mỹ nhân vì mỹ nhân hay khiến người ta xa đạo. Nhà nho hay đồn đại mỹ nhân là hồ ly tinh, ma quỷ hiện thành người để hại người, thậm chí làm sụp đổ cả một triều đại. Nhưng người tài tử thì lại yêu quý mỹ nhân, thương xót cho giai nhân, coi tài tử và giai nhân là “cùng một lứa bên trời lận đận”, cuộc gặp gỡ tài tử giai nhân là cuộc gặp hiếm có trên đời “Minh quân lương tướng tao phùng dị/ Tài tử giai nhân tế ngộ nan” (Nguyễn Công Trứ).

4.     KẾT LUẬN

Nhiều người nghiên cứu vẫn ngại sử dụng khái niệm nhà nho tài tử vì cho rằng không có tác gia văn học nào thực sự là nhà nho tài tử thuần túy, vì vậy việc sử dụng khái niệm này trong nghiên cứu có vẻ tư biện. Chúng tôi đã chứng minh rằng: nhà nho tài tử/ người tài tử là một khái niệm có thật trong lịch sử, những đặc tính của nó có được chính là kết quả của việc trừu tượng hóa đối tượng để biến nó trở thành công cụ nghiên cứu. Việc sử dụng khái niệm này có ý nghĩa khoa học, có thể giúp người ta hiểu rõ hơn văn học trung cận đại Việt Nam và các nước trong Khu vực văn hóa chữ Hán. Theo tôi, có thể ứng dụng khái niệm nhà nho tài tử vào 3 việc cơ bản sau đây :

( 1) Nghiên cứu các hiện tượng văn học giai đoạn Hậu kỳ trung đại, một giai đoạn gắn liền với sự xuất hiện của đô thị phong kiến, trong đó văn hóa thị dân chi phối mạnh mẽ các hiện tượng văn học, ý thức cá nhân đã bắt đầu xuất hiện ở mức độ khác nhau.

  1. Có thể dùng khái niệm nhà nho tài tử để phân kỳ văn học Việt Nam. Nếu nhìn theo phương pháp nghiên cứu loại hình tác giả thì có thể thấy: Thiền sư và quý tộc là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Sơ kỳ trung đại (TK.X-TK.XIV); Kẻ sĩ quân tử là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Trung  kỳ trung đại (TK.V-TK.XVII) và Nhà nho tài tử là loại hình tác gia chủ yếu của giai đoạn văn học Hậu kỳ trung đại (TK.VIII-TK.XIX)(4)
  2. Có thể mở rộng khái niệm nhà nho tài tử để nghiên cứu văn học các nước trong Khu vực văn hóa chữ Hán: Trung Quốc, Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó văn học Triều Tiên-Hàn Quốc là phù hợp nhất, văn học Trung Quốc thì khó áp dụng hơn vì nó quá phong phú và phức tạp hơn. Còn đối với văn học Nhật thì khó áp dụng nhất vì Nho sĩ không phải là loại hình tác gia văn học chủ yếu chi phối văn học Nhật Bản.

Tháng 4 năm 2015

           Đ.L.G

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995
  2. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988
  3. Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2007
  4. Trần Ngọc Vương, Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam (NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1995).

______________ 

Chú thích

  1. Những tiểu luận này sau này được tập hợp trong tập sách Nho giáo và văn học trung cận đại Việt Nam, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995. Những ý tưởng ấy cũng được thể hiện trong giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, (viết chung với Lê Chí Dũng), NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988
  2. Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, trong sách Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXB. Lao Động, Hà Nội, 2007, tr.621-622
  3. Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, sđd, tr.622
  4. Chúng tôi đã đề xuất cách phân kỳ văn học trung đại ra thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ, Trung kỳ và Hậu kỳ trung đại như trên trong luận án tiến sĩ của mình: Ý thức văn học trung đại Việt Nam, bảo vệ năm 2000 ở Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM  

 

(Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/2015, tr.91-99)

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63794153
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11323
24585
63794153

Thành viên trực tuyến

Đang có 348 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website